Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Tin Thời Tiết Gió Bão, Lạnh Bất Thường Ở Cali Và Những tin Nóng Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


(Ảnh: Thời tiết bất thường, bão mùa Đông gây nên hiện tượng tuyết rơi nhiều.) Không Phải Chỉ Ở Cali: Thời Tiết Bất Thường, Bão Mùa Đông, Gây Gió Mạnh, Lạnh Cóng, Tuyết Rơi Dày Đặc và Mưa Lớn Tại Rất nhiều Tiểu Bang!Thời tiết bất thường, lạnh giá kỷ lục tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và gây mất điện tại nhiều khu vực.Cơ quan chức năng Mỹ đã phát đi cảnh báo, thời tiết lạnh giá bất thường tại gần 30 tiểu bang! ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân địa phương, trong bối cảnh một cơn bão mùa Đông dự kiến gây bão tuyết và mưa lớn tại nhiều tiểu bang miền Bắc nước Mỹ trong tuần này.
<!>
CBS News ngày hôm qua, 22/2 đưa tin trong vài ngày tới, hàng triệu người dân Mỹ, từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đến Đông Bắc nước này, sẽ phải đối mặt với tuyết rơi dày đặc, mưa đá, gió mạnh và cả nguy cơ xảy ra lũ quét.

Đặc biệt tại tiểu bang California, nơi bình thường có nhiệt độ cao hơn nhiều, sẽ có tuyết rơi đáng kể tại khu vực vùng núi. Dự báo, những khu vực vùng trũng sẽ có tuyết dày tới vài inch.

Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) tại Los Angeles ( tiểu bang California) khuyến cáo, các cơ quan chức năng và người dân, chuẩn bị các biện pháp ứng phó với đợt lạnh giá bất thường này.
Cụ thể, người tham gia giao thông cần đặc biệt chú ý mang theo thực phẩm, nước uống và các thiết bị chiếu sáng, để đảm bảo an toàn trong trường hợp kẹt xe khẩn cấp.

Theo trang theo dõi điện lực Poweroutage.us của Mỹ, có khoảng 150.000 công trình đang bị mất điện, chủ yếu tại tiểu bang California, nơi gió mạnh làm bật gốc, ngã đổ nhiều cây cối.
Trang theo dõi các chuyến bay Flightaware.com cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá kèm bão tuyết, trong ngày hp6m qua, 22/2, tổng cộng hơn 1.450 chuyến bay trên toàn nước Mỹ phải hủy chuyến, phần lớn tại các thành phố như Minneapolis, Denver và Detroit.

Tổng Thống Thái Anh Văn Trong Dịp Đón Tiếp Phái Doàn Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Ro Khanna: Đài Bắc Sẽ Tăng Cường Quan Hệ Quân Sự Với Mỹ


(Hình: Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn tiếp Dân biểu Hoa Kỳ Ro Khanna, ngày 21/2/2023.)
- Theo tin của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ Tổng thống Đài Loan cho biết hòn đảo tự trị này sẽ tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ.

Hôm thứ Ba (21/2/2022), Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu như trên trong cuộc gặp với các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đến thăm tại Đài Bắc. Bà cho biết Đài Loan sẽ “hợp tác tích cực hơn nữa với Hoa Kỳ và các đối tác dân chủ khác để đối mặt với những thách thức táo bạo như chủ nghĩa bành trướng độc tài và biến đổi khí hậu”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù hòn đảo này đã tự trị kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc vào năm 1949. Trung Quốc nói sẽ quyết kiểm soát hòn đảo này bằng mọi cách cần thiết, bao gồm cả việc tiếp quản quân sự.
Trong thời gian qua, Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc tập trận quân sự trên không và hải quân gần Đài Loan.

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna, một thành viên của phái đoàn lưỡng đảng và là thành viên của một ủy ban đặc biệt mới được thành lập giám sát tình trạng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nói với Tổng thống Thái Anh Văn rằng phái đoàn đang công du Đài Loan để “khẳng định các giá trị chung giữa Hoa Kỳ và Đài Loan – một cam kết dân chủ, cam kết tự do”.

Ngoài cuộc gặp với bà Thái và các nhà lập pháp Đài Loan, phái đoàn Hoa Kỳ đã gặp ông Morris Chang, người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, công ty bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới.


Đài Loan Chiếu Phim Tài Liệu Về Người Tị Nạn Việt Nam Sau Năm 1975


(Hình: Người tị nạn Việt Nam ở Bành Hồ, Đài Loan.)
- Một bộ phim tài liệu của Đài Loan có tên “A Camp Unknown” (tạm dịch là một trại tị nạn không được biết đến) về những người Việt Nam chạy trốn khỏi Việt Nam sau 1975 và tị nạn ở Đài Loan được ra mắt vào ngày 19/2/2023 vừa qua.

Bộ phim ghi lại những nỗ lực của Đài Loan trong việc cứu giúp những người tị nạn do chiến tranh ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1977 đến 1988. Tổng cộng, Đài Loan đã đón nhận hơn 2.000 người tị nạn Việt Nam đến hạt Bành Hồ của Đài Loan bằng thuyền.
Trang tin Focus Taiwan dẫn lời của nhà sản xuất Liu Chi-hsiung và đạo diễn Awei Liu tại buổi ra mắt phim nói rằng, bộ phim đã rọi ánh sáng vào một phần lịch sử ít được biết đến hay nói đến.

Những người tị nạn Việt Nam đến Bành Hồ từ sau năm 1975, trong khi chờ đợi được duyệt đi định cư ở nước thứ ba.
Khi ở Đài Loan, họ được đào tạo và có cơ hội làm việc, được cung cấp chỗ ở và thức ăn. Các số liệu lịch sử cho thấy có đến 106 trẻ đã được sinh ra tại các trại tị nạn ở Bành Hồ trong những năm đó.


Khám Phá Quan Trọng: Đàn Một Dây 2.000 (2 Ngàn) Năm Tuổi Thuộc Văn Hóa Tiền Óc Eo, Của Việt Nam!


(Hình: Hình ảnh phục dựng hiện vật (A) với các loại nhạc cụ Việt Nam như (B) đàn Bro JoRai; (C) Co Ke; và (D) K’ny.)

- Theo tin của Đài Á Châu Tự Do ngày 21/2/2023, các nhà khảo cổ học quốc tế mới đây vừa khai quật được một cây đàn cổ một dây làm từ sừng hươu được cho là có 2.000 tuổi và thuộc thời đại văn hóa tiền Óc Eo của Việt Nam sống trên dọc sông Mekong.
Cây đàn bao gồm một miếng sừng hươu dài 35cm có lỗ ở một đầu để làm chốt, có thể được dùng để điều chỉnh dây giống như các phím trên đầu đàn guitar.

Các nhà Khảo cổ học trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) khẳng định đây là một nhạc cụ có dây.
Cây đàn được phát giác cùng với hơn 600 hiện vật bằng xương được tìm thấy trong khu vực.

Chiếc sừng hươu được xác định là thuộc loài hươu Sambar hoặc hươu heo Ấn Độ vốn là hai loài có nguồn gốc lục địa Đông Nam Á.
Co Fredeliza Campos thuộc ANU cho báo chí biết cây đàn là một trong những ví dụ về nhạc cụ sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á. Cô cho biết, cây đàn rất giống với những nhạc cụ có dây khác hiện đang được chơi ở Việt Nam. Điều này cho thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam đã có nguồn gốc từ thời tiền lịch sử.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết cây đàn được chơi như thế nào và âm thanh nghe ra sao.
Các nhà khoa học Úc cho biết cây đàn có thể giống như cây đàn K’ny của Việt Nam hiện nay.

K’ny là đàn một dây và được người chơi điều khiển bằng miệng và có nhiều âm điệu.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Phản Đối Do Thái Mở Rộng Các Khu Chiếm Đóng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 21/2/2023, lần đầu tiên từ 6 năm qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận lên tiếng phản đối các khu chiếm đóng của Do Thái tại những vùng lãnh thổ của Palestine. Tuyên bố chung đưa ra tuy không mạnh mẽ như dự kiến ban đầu đã khiến Do Thái nổi dóa.

Theo thông tấn xã AFP, lập trường hiếm hoi này của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được đưa ra vào lúc văn phòng an ninh Do Thái cách nay 10 hôm thông báo hợp pháp hóa 9 khu vực chiếm đóng cho đến lúc này bị xem là bất hợp pháp, và việc xây dựng 10 ngàn căn nhà mới tại những khu chiếm đóng hiện tại. Tuy không đi đến được một nghị quyết ràng buộc, nhưng 15 nước thành viên khẳng định rằng hành động chiếm đóng của Do Thái gây hại cho sự sống còn của giải pháp hai nhà nước. Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten, giải thích:

“Hôm qua, Hội Đồng Bảo An tuyên bố “mạnh mẽ” phản đối việc xây dựng và mở rộng các vùng chiếm đóng của Isarel, việc trưng thu đất đai của người Palestine và hợp pháp hóa các vùng chiếm đóng. Đây là một lời đáp trả trực tiếp về thông báo của Do Thái công nhận 9 khu vực chiếm đóng tại Cisjordanie, cho đến lúc này bị đánh giá là bất hợp pháp, và Hội Đồng đã bày tỏ nỗi “lo lắng và kinh hoàng”.

Dù vậy, các thành viên của Hội Đồng Bảo An cuối cùng đã không lên án quyết định của Do Thái và cũng không làm việc này thông qua một nghị quyết vốn dĩ mang tính ràng buộc, đơn giản chỉ vì Hoa Thịnh Ðốn, đồng minh lâu đời của Do Thái, đã không ủng hộ điều đó và trên lý thuyết, rất có thể sẽ phản đối qua việc bỏ phiếu phủ quyết.

Dẫu sao thì tuyên bố này cũng được xem như là bước khởi đầu trong việc Mỹ thay đổi lập trường cho phù hợp với tính hợp pháp của luật pháp quốc tế trong hồ sơ này, khác hẳn những lập trường ủng hộ chiếm đóng trước đây của chính quyền Trump.

Hơn nữa, Antony Blinken và Joe Biden đã từng kêu gọi Mahmoud Abbas và Benjamin Netanyahu hồi cuối tuần qua để báo trước lập trường của Mỹ. Điều đó không cản được Thủ tướng Do Thái phàn nàn về việc Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc”.


Đến Thăm Kyiv, “Thành Công Ngoại Giao” của Tổng Thống Mỹ Joe Biden

- Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô Ukraine hôm 20/2/2023, là chủ đề bao trùm khắp các mặt báo Pháp lớn số ra hôm 21/2.

Vì lý do an ninh nên tất cả thông tin đều được bảo mật đến giờ chót. Báo Libération mô tả chuyến thăm “đầy nắng” của Biden tại thủ đô Ukraine, đầy chủ ý. Hôm 20/2 không phải là một ngày mà Biden tình cờ chọn đến Ukraine. Đầu tiên là vì cận kề ngày đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine 24/2/2022, và trên hết, đó cũng là ngày cao trào của cuộc cách mạng Maidan vào năm 2014, khiến hàng trăm người thiệt mạng dưới lệnh đàn áp của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Ianoukovytch và cũng là thời điểm mà cựu lãnh đạo thân Nga bị lật đổ.

Hành động của Biden không chỉ là để tái khẳng định sự ủng hộ người dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa, “nếu tấn công Ukraine thì chẳng khác nào tấn công vào Hoa Kỳ”. Theo Libération, chuyến thăm của Biden có thể tác động đến tinh thần chiến đấu của Ukraine nhưng cũng có thể là hành động khiêu khích Nga, như là “cái tát vào mặt Putin”, trong lúc mà cuộc giao tranh rất căng thẳng diễn ra tại Bakhmut và nguy cơ các cuộc tấn công mới. Thêm vào đó, chuyến thăm này diễn ra một ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về những mục tiêu của cuộc chiến bước sang năm thứ hai.

Trang nhất nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa “Tại Kyiv, Biden bày tỏ sự ủng hộ không thể lay chuyển”. Nhân đây, Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã thông báo khoản hỗ trợ quân sự mới lên đến 500 triệu Mỹ kim, gồm các loại vũ khí đạn được, phi đạn Javelin hay radar “để bảo vệ người dân Ukraine khỏi các vụ oanh tạc”, nhưng lại không đề cập đến các loại phi đạn tầm xa và máy bay chiến đấu mà Kyiv xin viện trợ. Nhật báo thiên hữu cho biết, an ninh được siết chặt ở Kyiv, hầu hết các tuyến đường đều bị cấm lưu thông. Các đường dây điện thoại được kiểm tra cẩn thận.

Theo Nhật báo thiên tả, đây là lần thứ bảy Joe Biden đến Ukraine, những lần trước đó, ông đến trên cương vị là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama. Thế nhưng lần này, chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi nhân viên an ninh cùng chiếc xe chống đạn, Tổng thống Hoa Kỳ không thể nhìn thấy cuộc sống thường nhật với tiếng còi báo động, những lần mất điện, mất nước những cảnh sống trong thời chiến của người dân Kyiv.
Báo Les Echos gọi đây là chuyến đi mang tính lịch sử và chưa từng có tiền lệ. Báo Le Figaro trong một bài đăng khác, thì nhận định rằng Tổng thống Hoa Kỳ đến một nước có chiến tranh mà ở đó không có đơn vị quân đội nào của Hoa Kỳ được khai triển thì quả là một hành động hiếm hoi. Phải nói rằng từ một năm qua, những ủng hộ của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Ukraine là rất lớn, từ quân sự, kinh tế đến ngoại giao. Theo nhật báo thiên hữu, chuyến thăm đến Kyiv được ví như là một thành công về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhất là đối với vị Tổng thống 80 tuổi, thường xuyên bị đánh giá thấp.


Tổng Thống Putin Cáo Buộc Phương Tây Đe Dọa Sự Tồn Tại của Nước Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay để đánh dấu tròn một năm Nga phát động “chiến dịch đặc biệt” “giải trừ phát xít” ở Ukraine, Tổng thống Vladmimir Putin đọc bài diễn văn trước Quốc hội lưỡng viện Nga sáng 21/2/2023. Ông cáo buộc phương Tây làm leo thang xung đột ở Ukraine và đe dọa sự tồn tại của nước Nga.

Như vậy, cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài vì theo Tổng thống Nga, “để bảo đảm an ninh cho đất nước chúng ta, để loại bỏ mọi mối đe dọa từ một chế độ tân phát xít tồn tại ở Ukraine từ sau cuộc đảo chính năm 2014 nên chiến dịch quân sự đặc biệt mới được tiến hành. Và chúng ta sẽ giải quyết từng bước, cẩn thận và có phương pháp, các mục tiêu đặt ra trước mắt chúng ta”.

Theo thông tấn xã Reuters, ông Putin cáo buộc phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang xung đột ở Ukraine từ một năm nay, nhằm mục đích “hủy hoại sự tồn tại” của nước Nga. Ngược lại, ông khẳng định Mạc Tư Khoa đã huy động các nguồn lực “để giải quyết một cách hòa bình” cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine từ năm 2014, nhưng “sau lưng chúng ta, một kịch bản hoàn toàn khác lại được chuẩn bị”. Ông yêu cầu Mỹ “rút quân và trang thiết bị” của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ra khỏi Ukraine.

Theo ông chủ Ðiện Cẩm Linh, “các nước phương Tây sẽ tìm cách gây chia rẽ xã hội Nga, trông cậy vào những kẻ phản bội”. Vì vậy, ông cảnh cáo “những người chọn phản bội nước Nga sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Phát biểu này muốn nói đến chiến dịch trấn áp những tiếng nói phản đối chiến tranh, được áp dụng triệt để từ một năm nay, sẽ còn được tăng cường trong thời gian tới, dù ông Putin trấn an đó sẽ không phải là “một cuộc săn đuổi phù thủy”.

Trong lĩnh vực kinh tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không làm suy yếu nước Nga, mà ngược lại, theo khẳng định của ông Putin, lại tạo “những cơ hội” cho các doanh nghiệp trong nước. Ông cho rằng “mục đích không phải là thích ứng với những điều kiện hiện nay” mà phải “đưa kinh tế Nga vượt qua đường biên giới mới”, ý muốn nói đến những vùng đất Ukraine mới bị Nga sáp nhập.

Ngay lập tức, trước báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã lên án “sự phi lý” trong những phát biểu của Tổng thống Nga khi viện cớ mối đe dọa từ phương Tây để tấn công Ukraine.

Trên mạng Telegram, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andri Iermak khẳng định “nhiệm vụ của chúng ta (Ukraine) là truy đuổi và trừng trị” quân xâm lược Nga.


Tổng Thống Mỹ Tới Ba Lan, Hậu Phương của Cuộc Kháng Chiến Ukraine Chống Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau chuyến công du bất ngờ tới thủ đô Kyiv của Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ba Lan bằng xe hỏa tối 20/2/2023. Lãnh đạo Mỹ có bài diễn văn cuối giờ chiều 21/2 tại Warsaw, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với cuộc kháng chiến của người Ukraine.

Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, tại Ba Lan, Tổng thống Mỹ hội đàm với đồng nhiệm Andrzej Duda, và gặp lãnh đạo của nhóm “Bucharest Nine”, tức 9 quốc gia thành viên sườn đông của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), để khẳng định “sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với an ninh” của nhóm. Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, Ba Lan là nơi trung chuyển gần như toàn bộ các viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Thông tín viên Martin Chabal tường trình từ Warsaw:

“Có thể nói Ba Lan là hậu phương của Ukraine. Đã từ gần một năm nay, quốc gia này tiếp nhận gần như toàn bộ các viện trợ quân sự cho Ukraine, trước khi hàng được chuyển sang bên kia biên giới. Tại Rzeszów, miền đông nam Ba Lan, có thể thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của Ba Lan với Ukraine.
Các vũ khí phương Tây và trợ giúp nhân đạo đổ về đây, rồi được chuyển đi từ một sân bay nhỏ của thành phố, cách Ukraine khoảng 100 cây số. Nhiều hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được bố trí tại các cánh đồng xung quanh, sẵn sàng đợi lệnh. Với những cam kết cung cấp vũ khí mới của Tổng thống Biden trong chuyến công du Kyiv, một lần nữa Ba Lan sẽ tiếp tục là điểm trung chuyển các viện trợ quân sự đến Ukraine.

Với tư cách là hậu phương, Ba Lan còn hỗ trợ đồng minh Ukraine qua việc lập các xưởng sửa chữa. Các Kỹ sư và công nhân cơ khí Ba Lan sửa chữa, phục hồi các thiết bị quân sự bị hư hỏng trên chiến trường. Và không chỉ có như vậy. Hôm nay, Tổng thống Joe Biden dự kiến thông báo việc các lực lượng Mỹ sẽ đồn trú lâu dài trên đất Ba Lan, nơi đã thực sự trở thành điểm trung chuyển chủ chốt các viện trợ cho Ukraine kể từ ngày 24/2/2022”.

Chuyến công du bất ngờ của Tổng thống Mỹ đến Ukraine, qua đường xe lửa từ Ba Lan, là một dấu hiệu ủng hộ đặc biệt của chính quyền Biden với Kyiv. Theo một cố vấn về an ninh của ông Joe Biden, đây là chuyến đi “chưa từng có” của một Tổng thống Mỹ, đến một vùng có chiến sự và là nơi an ninh không được bảo đảm bởi các lực lượng Mỹ. Hoa Kỳ đã hoàn toàn giữ bí mật về chuyến đi của Tổng thống Biden. Hoa Thịnh Ðốn chỉ thông báo với Mạc Tư Khoa ít giờ trước chuyến đi.

Nếu như chuyến đi của Tổng thống Mỹ được hoan nghênh nhiệt liệt trong nội bộ đảng Dân chủ, thì đảng Cộng hòa đã đồng thanh lên tiếng phản đối, ngay khi nguyên thủ Mỹ vừa đặt chân đến Kyiv. Trên Fox News, Thống đốc Florida, ông Ron DeSanti đã đả kích Tổng thống “quá quan tâm” đến một vùng biên giới xa xôi, thay vì bảo đảm an ninh biên giới ở ngay đất nước mình, cụ thể là trước “nạn nhập cư lậu”.


Chiến Tranh: Quân Đội Ukraine Thiếu Thốn Trang Thiết Bị Quân Sự

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 20/2/2023, trong chuyến thăm bất ngờ Kyiv, Tổng thống Mỹ Jode Biden đã hứa giao thêm trang thiết bị thiết yếu, đặc biệt là các loại đạn pháo, các hệ thống phi đạn chống tăng và ra-đa giám sát không phận, sau nhiều tuần do dự. Một nguồn hỗ trợ mà các binh sĩ trên thực địa nóng lòng trông đợi.
Anastasia Becchio và Boris Vichith, đặc phái viên đài RFI, có mặt tại vùng Koupiansk, gởi về bài phóng sự:

“Đó là một chiến lợi phẩm mà lữ đoàn số 92 thích trưng bày: Một chiếc xe bọc thép mà quân Nga đã phải bỏ rơi trên chiến trường. Chiếc áo blu-dông vấy bẩn dầu động cơ, găng tay đen xì, viên binh sĩ mang mật danh “người Ban Lan” đã tìm cách khôi phục tình trạng.
Anh nói: “Đây là một chiếc BMP2, xe tăng chiến đấu bộ binh mà chúng tôi đã lấy được của quân Nga. Chúng tôi đã tìm được chiếc xe này cách chiến tuyến 500 mét. Trong vòng một tháng, chúng tôi đã sửa chữa chiếc xa này, và nó sẽ có ích cho chúng tôi, bởi vì chúng tôi cần vũ khí. Chúng tôi thiếu xe bọc thép di tản, xe chiến đấu, pháo, đạn dược”.

Victor Artiomov, 49 tuổi, đứng đầu đơn vị, lưu ý là nguồn dự trữ đạn dược không phải là không thể cạn kiệt. Ở phía đối diện, quân Nga dường như có nhiều nguồn dự trữ hơn.
Anh giải thích: “Họ nhắm bắn chúng tôi lúc đêm, bằng xe tăng, pháo Grad, họ bắn bất kể nơi đâu. Trong khi đó, chúng tôi không bắn bừa bãi, được lợi gì khi xả súng vào đồng trống lúc đêm khuya? Buổi sáng, drone của chúng tôi bắt đầu hành động, chúng phát giác thiết bị của Nga và tiếp đến chúng tôi bắn 2 hay 3 quả trái phá để phá hủy các thiết bị này. Nếu quân Nga bắn đi 30 quả đạn cối trong một giờ, chúng tôi chỉ bắn có ba. Chúng tôi tiết kiệm trong khi mà họ bắn không cần đếm, chắc là để làm chúng tôi sợ hãi!”

Ở xa xa, vài tiếng nổ hiếm hoi vang lên, phía Ukraine vẫn giữ được chiến tuyến, trưởng đơn vị khẳng định”.
Chiến Tranh Ukraine: Bắc Kinh Quan Ngại Về “Xung Đột Vượt Tầm Kiểm Soát” và Kêu Gọi “Đối Thoại”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong một hội nghị về an ninh hôm 21/2/2023, tại Bắc Kinh, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraine và khẳng định Bắc Kinh có thể góp phần cho một “giải pháp chính trị”.
Thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI tường trình từ Bắc Kinh:

“Tại Munich, lãnh đạo cao nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói về một “giải pháp chính trị” để “thoát khỏi cuộc khủng hoảng” ở Ukraine. Nhìn chung, đó là lời nhắc lại về các nguyên tắc đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập, được trình bày lại trong một “văn bản” được giới thiệu vào ngày thứ Ba hôm nay, trước giới ngoại giao ngoại quốc tại thủ đô Trung Quốc.
Khoảng 10 trang bằng tiếng Anh, với 15 điểm, bao gồm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trung thành với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và phản đối việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Theo Bắc Kinh, cần ưu tiên “đối thoại và tham vấn” và coi trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của tất cả các nước.

Cả Ukraine và Nga đều không được trích dẫn trực tiếp trong bản tóm tắt các nguyên tắc, được coi là cơ sở cho các cuộc đàm phán vì một “hòa bình lâu dài”. Trong lúc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có bài phát biểu nhân dịp đánh dấu một năm cuộc xung đột, ông Tần Cương (Qin Gang), đương kim Ngoại trưởng Trung Quốc, sáng hôm nay bày tỏ “quan ngại” trước sự leo thang của cuộc chiến mà Ukraine phải gánh chịu từ gần một năm nay, cuộc chiến mà Trung Quốc chưa bao giờ nói ai là kẻ xâm lược”.


Vũ Khí Trung Quốc Cấp Cho Nga: Cục Diện Chiến Trường Ukraine Có Thay Đổi?

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay ngày 20/2/2023, Bắc Kinh phủ nhận có ý định cung cấp vũ khí, hậu thuẫn cuộc tấn công của Nga tại Ukraine. Chính phủ Trung Quốc còn cáo buộc Hoa Thịnh Ðốn “đổ dầu vào lửa” khi có khẳng định như vậy.

Theo thông tấn xã AFP, trước những thông tin này, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cảnh báo, việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ là một lằn ranh đỏ”. Câu hỏi đặt ra, nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga, chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu điều đó có làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine hay không? Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, Guillaume Lasconjarias, Giáo sư trường Paris Sorbonne, phân tích:

“Nga có lẽ sẽ có thêm khả năng hành động một chút bởi vì ngành công nghiệp của Nga đang gặp khó khăn và không thể chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế chiến tranh. Chúng ta thấy rõ là Nga đang gặp khó khăn để chế tạo những thiết bị mới, và họ buộc phải nâng cấp lại các loại xe tăng cũ. Nếu Trung Quốc can dự vào và cung cấp các linh kiện mới và kho dự trữ trong lĩnh vực này, chúng ta có thể hình dung là nhìn từ bề ngoài, Nga có vẻ có một bước nhảy vọt về kỹ thuật.

Ngược lại, Nga vẫn luôn thiếu hai điểm, đó là huấn luyện và binh sĩ được đào tạo. Điều này, Trung Quốc sẽ không cung cấp. Do vậy, sự nhẩy vọt về sức mạnh quân sự với sự hậu thuẫn về kỹ thuật thì “Có”. Nhưng bước nhảy vọt trên phương diện tính toán chiến lược và tiếp theo đó là chiến đấu, thì điều này khó hơn.

Mặt khác, lợi thế tương quan lực lượng có lẽ nghiêng hẳn về phía Nga. Nếu có đủ trang thiết bị quân sự và nguồn dự trữ, chúng ta có thể thực sự lại thấy Nga trở lại tấn công nhiều hơn và trong trường hợp này, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine có nhiều khả năng là không đủ”.


Thổ Nhĩ Kỳ Phản Đối Mỹ Gắn Hợp Đồng Chiến Đấu Cơ F-16 Với Việc Thụy Điển Gia Nhập NATO

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của hãng thông tấn AP cho hay trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 20/2/2023, Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Ankara ủng hộ việc kết nạp vào Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) hai nước Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan, “càng sớm càng tốt”.
Theo hãng tin Mỹ AP, đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ việc gắn hợp đồng mua máy bay F-16 của Mỹ với hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển.

Tại Ankara, lãnh đạo ngoại giao Mevlu Cavusoglu khẳng định: “Sẽ là không đúng đắn hoặc không công bằng khi đặt hai vấn đề độc lập – tư cách thành viên NATO của hai nước và việc mua F-16 –thành điều kiện của nhau”, “chúng tôi không thể mua F-16 trong những điều kiện này”.
Cho đến nay, đơn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã được tất cả các thành viên của khối ủng hộ, trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc phê chuẩn đề nghị gia nhập của Thụy Điển với cáo buộc Stockholm ủng hộ đảng PKK, của người Kurdistan, nổi dậy chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Về hợp đồng bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Pháp AFP cho biết chính quyền Biden đã “kiên quyết ủng hộ”, tuy nhiên dự án này phải được Quốc hội bật đèn xanh. Quốc hội Mỹ lo ngại về các vấn đề nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ dùng vũ lực với láng giềng Hy Lạp.


Quốc Phòng, Năng Lượng: Một Năm Chiến Tranh Ukraine Làm Xáo Trộn Mô Hình Đức

- Ngày 21/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine đã buộc Đức phải thay đổi chiến lược. Từ một nước chủ hòa, dè dặt cung cấp thiết bị quân sự trong thời gian đầu, chính quyền Bá Linh thông báo viện trợ cho Kyiv nhiều vũ khí hạng nặng.

Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2/2023, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, khi giao vũ khí cho Ukraine, “một nước lớn về vị thế và mạnh về kinh tế như Đức thì phải đảm nhận trách nhiệm trong những thời điểm như hiện nay”.

Theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại thủ đô Bá Linh của Đức, chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn những trụ cột của mô hình Đức, buộc nước này khẩn cấp thay đổi triệt để, đôi khi là trong đau đớn:
“Xe tăng Đức ở Ukraine, cách đây vài tháng, người ta chỉ thấy trong các sách về lịch sử. Trong vòng vài tuần, chuyện này lại thành hiện thực. Đức, vẫn nổi tiếng tiết chế quân sự sau thảm kịch của “Đệ tam Đế chế”, lần đầu tiên đã cung cấp vũ khí cho một khu vực xung đột, cho dù phải mất một thời gian để làm việc này.

Bị cắt giảm kinh phí từ lâu, Bộ Quốc phòng Đức đã được cấp một ngân sách đặc biệt 100 tỉ Euro. Tân Bộ trưởng Quốc phòng muốn có thêm ngân sách bổ sung và tuân thủ những cam kết chi tiêu quân sự đối với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc cách mạng này gây ra hàng loạt tranh luận và không được một bộ phận người dân Đức, vẫn ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng chủ hòa.

Điểm thay đổi thứ hai là lĩnh vực năng lượng. Sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt của Nga đã bị ngừng một cách quá đột ngột. Việc khẩn cấp trước mắt là phải tìm các nguồn thay thế tốn kém, bắt đầu từ khí hóa lỏng. Chính quyền, cũng như các gia đình, phải trả hóa đơn đắt hơn. Các doanh nghiệp cũng chịu tình trạng tương tự. Mô hình Đức, dựa trên các ngành công nghiệp xuất cảng, bị tác động. Do ngốn quá nhiều năng lượng, ngành hóa chất và công nghiệp luyện kim đối mặt với tình trạng bùng nổ chi phí và gây nghi ngờ về tương lai của ngành tại Đức, cũng như ở những nơi khác”.


Hiệp Định Bảo Vệ 30% Đại Dương: Cuộc Chiến Quyết Định Sự Tồn Vong của Nhân Loại

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay kể từ hôm 20/2/2023, các thành viên Liên Hiệp Quốc bắt đầu 2 tuần đàm phán về một Hiệp ước Bảo vệ Biển Toàn cầu. Mục tiêu là bảo tồn 30% diện tích đại dương. Trước thềm vòng đàm phán, được hy vọng là cuối cùng, chủ tọa Hội nghị đã nhận được kiến nghị của 5,5 triệu cư dân hành tinh.

Theo thông tấn xã AFP, bản kiến nghị đã được nữ diễn viên Jane Fonda, nhà tranh đấu môi trường, chuyển cho Chủ tịch Rena Lee. Chủ tịch Hội nghị đàm phán về Hiệp định đại dương khẳng định: “chúng ta đã nhận được rất nhiều năng lượng tích cực, chúng ta cần phải tăng cường năng lượng tích cực này, không đánh mất mục tiêu của mình và biến (hội nghị) này thực sự là hội nghị cuối cùng”. Về phần mình, trả lời thông tấn xã AFP, nhà tranh đấu Jane Fonda nhận định: “Chúng ta đang đánh mất đại dương, và nếu đánh mất đại dương, chúng ta đánh mất chính mình”, “Chính cuộc chiến này sẽ quyết định liệu nhân loại có một tương lai hay không”.
Đại dương là các vùng biển khơi nằm ngoài các khu vực đặc quyền kinh tế của mỗi nước, cách bờ biển tối đa 200 hải lý (370 cây số). Các vùng biển khơi với tổng diện tích hơn 60% diện tích biển và gần một nửa diện tích hành tinh, đã là một khu vực không chịu các chế tài pháp lý nào. Biển khơi bị đe dọa do trái đất bị hâm nóng, ô nhiễm các loại và việc khai thác hải sản quá mức. Chưa kể đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đại dương đóng vai trò tối quan trọng với bầu không khí trên trái đất và nhiệt độ trái đất. Một nửa lượng oxy con người hít thở là nhờ biển, và biển cũng là nơi hấp thụ một phần rất lớn lượng khí thải làm hâm nóng trái đất do các hoạt động của con người tạo ra.

Hiệp ước Bảo vệ Đại dương được chuẩn bị với các đàm phán không chính thức từ 15 năm nay. Riêng trong một năm nay đã có vòng đàm phán chính thức, bao gồm vòng đàm phán hiện tại. Việc thông qua Hiệp ước Bảo vệ Đại dương đã trở nên khả thi sau thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị COP15 về đạ dạng sinh học ở Montreal tháng 12 vừa qua. Cho đến nay, mới có 1% diện tích biển khơi được bảo vệ. Thỏa thuận tại Montreal hướng đến 30%.

Các nhà bảo vệ đại dương rất lo ngại cho tương lai của đại dương. Một mặt cộng đồng quốc tế có thể một lần nữa thất bại, mặt khác, Hiệp định được thông qua nhưng chứa đựng nhiều điều khoản nguy hiểm cho các hệ sinh thái biển, và sức khỏe đại dương nói chung. Theo các nhà hoạt động môi trường của Greenpeace và Pew Charitable Trusts, đây là cơ hội cuối cùng với cộng đồng quốc tế.


Phi Đạn Bắc Hàn: Mỹ Lên Án Sự Im Lặng Tại Hội Đồng Bảo An

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay sau vụ Bắc Hàn bắn thử phi đạn trong những ngày qua, Hoa Kỳ ngày 20/2/2023, đã lên án sự im lặng của Hội Đồng Bảo An - ngầm cáo buộc Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết, che chở cho Bình Nhưỡng.

Theo thông tấn xã AFP, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc bà Linda Thomas-Greenfield, chỉ trích hai thành viên thường trực “đã ép buộc Hội Đồng phải im lặng bất chấp những vi phạm lặp đi lặp lại của Bắc Hàn”. Lời cáo buộc này ám chỉ đến lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc hồi tháng 5/2022 chống lại một nghị quyết áp đặt những trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp khẩn cấp sau đợt bắn phi đạn mới của Bắc Hàn, đại diện ngoại giao Mỹ còn cho rằng “sự thiếu vắng hành động của Hội Đồng là nguy hiểm”, “khuyến khích” Bắc Hàn có những vụ thử mà “không phải bận tâm về hậu quả”.

Đại sứ Mỹ cho rằng việc Nga và Trung Quốc che chở cho Bình Nhưỡng đang “gây nguy hiểm Á Châu và toàn bộ thế giới”, và nhắc lại rằng những biện pháp trừng phạt được Hội Đồng Bảo An thông qua năm 2017 đã buộc Bình Nhưỡng phải tạm thời ngưng có những hành động khiêu khích nghiêm trọng trong gần 5 năm qua.


Việt Nam Hôm Nay

Âu Châu Sẽ Không Gỡ Thẻ Vàng Cho Hải Sản Việt Nam Nếu Còn Một Tàu Đánh Cá Vi Phạm


(Hình: Ngư dân trên tàu đánh cá đậu ngoài cảng ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, hôm 20/8/2022.)

- Chỉ cần một tàu đánh cá của Việt Nam vi phạm vùng biển ngoại quốc thì Ủy Ban Âu Châu (EC) sẽ không gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Điều kiện này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Phùng Đức Tiến, thông báo tại Hội nghị Công bố “Kế hoạch Hành động chống IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy Ban Âu Châu lần thứ 4” diễn ra vào chiều ngày 20/2/2023.

Theo lời ông Phùng Đức Tiến, EC trong các cuộc làm việc với phía Việt Nam đều lặp đi, lặp lại yêu cầu nếu không quản lý được đội tàu, chỉ cần còn một tàu đánh cá trong nước vi phạm vùng biển ngoại quốc thì thẻ vàng thủy sản sẽ không được gỡ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ đến nay Việt Nam chỉ mới xác minh được một phần nhỏ nguồn gốc thủy sản; tình trạng tàu đánh các ghi chép lịch trình, cơ sở hạ tầng để truy xuất còn yếu kém, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của EC.

Ngoài EC, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam. Hoa Kỳ cũng chuẩn bị quan tâm đến vấn đề này.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết vào tuần tới, đoàn kiểm tra của Bộ tiến hành công tác kiểm tra trực tiếp tại những tỉnh bị cho có tàu vi phạm vùng biển ngoại quốc. Song song đó là tổ chức đoàn công tác hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tiếp đoàn EC sang Việt Nam làm việc về IUU vào tháng sáu năm nay.


Nhà Sản Xuất Giày ở Việt Nam Cho Nike, Adidas Cắt Giảm 6.000 Việc Làm!


(Ảnh: Giày Nike bày bán ở New York, Hoa Kỳ.)

- Một trong những công ty sản xuất giày lớn nhất của Việt Nam cho các thương hiệu lớn như Nike và Adidas sẽ cắt giảm hàng ngàn công nhân vào cuối tháng do các đơn hàng sụt giảm, theo chính quyền địa phương.

PouYuen Việt Nam, một đơn vị của Tập đoàn Pou Chen có trụ sở tại Đài Loan, sẽ sa thải 3.000 công nhân nhà máy và sẽ không gia hạn hợp đồng của 3.000 người khác vì “rất ít đơn đặt hàng sản xuất trong năm 2023”, theo tài liệu của Sở Lao động Tp. HCM mà hãng tin AFP có được hôm thứ Hai (20/2/2023).

Việt Nam, một trong những nước xuất cảng quần áo, giày dép và đồ nội thất lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại các thị trường lớn ở Âu Châu và Hoa Kỳ, trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm.

PouYuen là công ty tuyển dụng lao động lớn nhất của thành phố Sài Gòn với khoảng 50.000 nhân viên.
“Công ty đã thông báo với công đoàn rằng vào tháng 2 họ có kế hoạch cắt giảm 3.000 công nhân... và họ sẽ đưa ra thông báo cho những công nhân đó vào ngày 25 tháng 2”, tài liệu cho biết.

Theo tài liệu này, công nhân nhà máy sẽ tiếp tục được trả lương cho đến khi họ nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Việc sa thải xảy ra sau khi PouYuen cho 20.000 công nhân của mình được luân phiên nghỉ nhưng vẫn được trả lương vào cuối năm 2022.

Hơn 630.000 công nhân bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm ở Việt Nam vào năm 2022, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong quý cuối cùng của năm 2022, các đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ giảm từ 30 đến 40% và 60% từ Âu Châu so với năm trước.

VinFast Thu Hồi Gần 2.800 Xe ở Trong Nước


(Hình: Logo VinFast trên màn hình trong ngày họp báo tại Triển lãm xe hơi Los Angeles ở California, Hoa Kỳ, vào ngày 17/11/2022.)

- VinFast đang tiến hành thu hồi 2.781 chiếc xe thể thao đa dụng VF8 đã bán tại thị trường trong nước để kiểm tra và thay thế bu-lông kết nối bộ kẹp phanh cầu trước với khớp nối, công ty cho biết hôm thứ Bảy (18/2/2023).

VinFast, vốn bắt đầu hoạt động vào năm 2019, đang mở rộng tại Hoa Kỳ, nơi công ty này hy vọng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất xe hơi lâu đời. VinFast vận chuyển 999 chiếc VF8 đầu tiên tới Mỹ vào tháng 11 năm 2022 và đang lên kế hoạch giao hàng trong tháng này.
“Do lỗi lắp ráp một linh kiện, bu-lông kết nối kẹp phanh trước với khớp nối có thể bị lỏng khi xe vận hành, có khả năng làm giảm hiệu quả của phanh trước”, đại diện của VinFast cho biết.
Công ty cho biết sẽ ngay lập tức tiến hành sửa chữa đối với 999 chiếc VF8 đã được vận chuyển đến Hoa Kỳ.

“Đây là việc tương đối đơn giản, có thể được thực hiện nhanh chóng và sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 năm 2023”, công ty cho biết.
Công ty đã giao hơn 4.000 xe điện cho khách hàng trong nước vào tháng 12, hơn một nửa trong số đó là mẫu xe thể thao đa dụng VF8. VinFast đã nhận được 55.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu tính đến tháng 12 năm 2022, trong đó có 12.000 đơn đặt hàng từ thị trường Hoa Kỳ.

VinFast cho biết chưa ghi nhận bất kỳ sự việc hỏng hóc hay khiếu nại nào của khách hàng về việc bu-lông bị lỏng, có thể gây ra trục trặc cho phanh.


Án Tù 10 Năm Cho Người Buôn Bán 10 Tấn Động Vật Hoang Dã Từ Phi Châu Về Việt Nam


(Hình: Nguyễn Đức Tài tại tòa án ở Đà Nẵng hôm 21/2/2023.)
- Tòa án thành phố Đà Nẵng vào ngày 21/2/2023 tuyên 10 năm tù giam đối với ông Nguyễn Đức Tài về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp”. Tòa còn tuyên thêm 3 năm tù cho ông Tài về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức “. Tổng hợp hình phạt đối với ông Nguyễn Đức Tài là 13 năm tù giam.

Mạng báo Pháp luật Tp. HCM loan tin cho biết thêm, ngoài án tù, ông Tài còn chịu hình phạt bổ sung 50 triệu đồng.

Vụ án được phát giác khi Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2021 phát giác lô hàng 138 kg sừng tê giác, hơn ba tấn xương sư tử vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam. Đến tháng 1/2022, Hải quan thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát giác lô hàng gần nửa tấn ngà voi và hơn sáu tấn vảy tê tê chuyển từ Nigeria về Việt Nam.

Nguyễn Đức Tài bị xác định là người dùng nhiều thủ đoạn để nhập hai lô hàng cấm vừa nêu về Việt Nam.
Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA), một tổ chức Phi Chính phủ tại Anh, vào tháng 11/2021, công bố báo cáo có tựa tạm dịch “Dấu chân của Việt Nam ở Phi Châu: Một phân tích về vai trò của các nhóm tội phạm trong buôn bán động vật hoang dã”.

Báo cáo nêu rõ Việt Nam là một trung tâm của tội phạm buôn bán động vật hoang dã trên thế giới. Hoạt động này tiếp diễn bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Hà Nội trong công tác chống lại loại tội phạm này.


Ngân Hàng Nhà Nước Dọa Có Biện Pháp Mạnh Đối Với Nhân Viên/Đơn Vị Ép Khách Hàng Mua Bảo Hiểm


(Hình: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.)
- Ngày 21/2/2023, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào trung tuần tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra công văn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.

Công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành hôm 15/2 sau khi truyền thông Nhà nước dẫn phản ánh của người đi vay về việc bị “ép’ mua bảo hiểm như vừa nêu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết cơ quan Thanh tra của Ngân hàng sẽ phối hợp cùng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính để tiến hành thanh tra, giải quyết nghiêm các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Tuần qua, mạng báo Tuổi Trẻ loan tin cho biết nhiều người dân bất mãn khi phải đi vay vốn ngân hàng. Họ bất mãn vì điều kiện vay buộc mua bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, để có thể vay 100 triệu, người vay phải bỏ 15 triệu đồng để mua bảo hiểm nhân thọ.
Thực trạng này được nêu rõ diễn ra suốt nhiều năm qua nhưng đến nay mới được truyền thông phản ánh.


Lãnh Đạo và Viên Chức Trung Tâm Đăng Kiểm Ninh Bình, Đắc Lắc Bị Khởi Tố Vì Nhận Hối Lộ


(Hình: Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 3502D tại thành phố Ninh Bình, ông Nguyễn Sinh Phú, tại cơ quan Công an.)

- Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 3502D tại thành phố Ninh Bình, ông Nguyễn Sinh Phú, vào ngày 21/2/2023 bị bắt giam về tội “Nhận hối lộ”.
Công an tỉnh Ninh Bình thông báo biện pháp vừa nêu. Cụ thể, ông Nguyễn Sinh Phú là đăng kiểm viên, Phó Giám đốc Trung tâm 3502D tại phố Bắc Sơn, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình.

Từ năm 2021 đến nay, ông Phú nhận tiền của nhiều chủ xe hơi để cung cấp hồ sơ cải tạo xe cơ giới và giấy chứng nhận kiểm định trái quy định. Số tiền mà ông Phú nhận được Công an nói gần 400 triệu đồng.

Trong ngày 21/2, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắc Lắc thông báo việc phê chuẩn quyết định khởi tố tám người gồm lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát và Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 47-06D ở xã Hòa Đông, huyện Krong Pak, tỉnh Đắc Lắc để điều tra hành vi “Nhận hối lộ”.

Trong số này có 6 người bị bắt giam, một người bị cấm đi khỏi nơi cư trú và một người được bảo lãnh tại ngoại.

Thống kê cho thấy, tính đến cuối tuần qua, Công an tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã tiến hành khám xét trên 50 trung tâm đăng kiểm và khoảng 300 người bị khởi tố các tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.

Công an không chỉ phát giác vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, mà tại cả trung tâm đăng ký phương tiện đường thủy cũng có sai phạm tương tự.

Vào tháng 1/2023, Cục trưởng Đăng Kiểm Đặng Việt Hà và cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình bị bắt về tội “Nhận hối lộ”.


Cả 5 Tuyến Cáp Quang Biển của Việt Nam Đồng Loạt Gặp Trục trặc


(Hình: Người dùng internet tại một quán cà-phê ở Hà Nội hôm 25/8/2017.)
- Toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế bị trục trặc và đang phải sửa chữa.

Một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết tuyến cáp quang biển SMW-3 (Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu) được thông báo gặp trục trặc vào sáng ngày 21/2/20232 tại đoạn cáp nối gần Tân Gia Ba.

Đây là lần đầu tiên toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển nối mạng Internet Việt Nam với quốc tế cùng gặp trục trặc. Trục trặc mới nhất xảy ra vào khi 4 tuyền còn lại vẫn chưa sửa chữa xong.

Như tin đã loan, hôm 28/1 thêm tuyến cáp quang IA- Intra- Asia (còn gọi là Liên Á) gặp trục trặc do đứt cáp tại trạm cập bờ Tân Gia Ba khoảng 130 cây số. Sự việc làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Tân Gia Ba.
Vào ngày 21/1 (tức 30 tết Quý Mão), tuyến APG (Asia Pacific Gateway) bị đứt trên nhánh S9 hướng kết nối đi Tân Gia Ba bị trục trặc.

Trước đó, từ đầu năm 2022, tuyến cáp quang AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia-Africa-Euro 1) bị trục trặc và đến nay chưa sửa chữa xong.

Năm tuyến cáp quang biển nối Internet Việt Nam với quốc tế gồm APG, AAG, SMW-3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1).


Các Tập Đoàn Bán Lẻ Thái Lan, Nam Hàn và Nhật Bản Mở Rộng Đầu Tư ở Việt Nam

(Hình: Cửa hàng AVASport của Thế giới Di động tại Việt Nam.)

- Một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan vừa tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào Việt Nam, thêm 1,45 tỉ Mỹ kim, trong khi các tập đoàn Aeon của Nhật Bản và Lotte của Nam Hàn cũng cho biết sẽ tăng số cửa hàng của họ tại Việt Nam.

Theo truyền thông Nhà nước, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan có tên Central Retail Corporation cho biết sẽ tăng số cửa hàng lên trên 600 tại 57 trong tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lý do được đưa ra là thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt liên tục.
VnExpress dẫn lời CEO của tập đoàn này cho biết dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6,7% trong năm nay và 7,2% trong năm tiếp theo.

Trong năm nay, Tập đoàn sẽ đầu tư 6 tỉ Baht vào Việt Nam, tập trung vào mặt hàng thực phẩm vốn là thế mạnh của Tập đoàn này tại Việt Nam.

Tập đoàn cũng có kế hoạch cải tạo 10 đến 12 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng điện tử Nguyễn Kim và mở thêm từ 3-5 siêu thị mới và siêu siêu thị Go!

Hiện tập đoàn nà có 340 cửa hàng ở Việt Nam và doanh thu năm 2021 là 1,12 tỉ Mỹ kim.
Hãng Aeon của Nhật cũng cho biết có kế hoạch vận hành 100 siêu thị khắp Việt Nam đến năm 2025. Tập đoàn Lotte của Nam Hàn cho biết cũng sẽ mở các siêu thị tại Việt Nam dù đang rút dần khỏi thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, Thế giới Di động mới đây cho báo chí Nhà nước biết sẽ đóng một loạt các cửa hàng bán quần áo thể thao ở Việt Nam và điện thoại di động tại Cam Bốt trong năm nay.

Tuổi Trẻ trích lời của một đại diện của công ty này cho biết, hai chuỗi cửa hàng bị đóng là AVASport ở Việt Nam và Bluetronics ở Cam Bốt.
CEO của Thế giới Di động là Đoàn Văn Hiểu Em cho Tuổi Trẻ biết rằng thị trường Cam Bốt khá là nhỏ và chính sách thuế phức tạp khiến giá bán các sản phẩm của hãng bị cao hơn từ 10 đến 15% so với giá thị trường. Điều này khiến hãng gần như không có lợi nhuận gì.

Chuỗi Bluetronics đã hoạt động tại Cam Bốt từ năm 2017 và được coi là bước đi quan trọng giúp hãng mở rộng ra thị trường Đông Nam Á.

AVASport hoạt động tại Việt Nam từ đầu năm 2022 nhưng được cho biết là không thu được kết quả như mong muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét