Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :02/02/2023 - Mỹ Loan


Ủy Ban Châu Âu công bố kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp xanh EU Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trình bày kế hoạch để Liên Âu vẫn nắm vai trò hàng đầu về công nghệ sạch, Bruxelles, ngày 01/02/2023. REUTERS -YVESHERMAN Trọng Nghĩa Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 01/02/2023 đã trình bày kế hoạch chống lại những tác hại của Đạo Luật Giảm Lạm Phát (IRA) của Mỹ. Kế hoạch này cũng nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc và giúp Liên Âu duy trì thứ hạng đầu trong lãnh vực sản xuất xe điện và các sản phẩm “xanh” nói chung. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình:
<!>
Khi dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, bà Ursula von der Leyen đã tố cáo những nỗ lực nhằm thu hút các nhà công nghiệp châu Âu. Bà nêu cụ thể trường hợp Trung Quốc, nhưng Đạo Luật Giảm Lạm Phát của Mỹ, gọi tắt là IRA, cũng là một mối quan tâm lớn đối với EU.

Dự án được Ủy Ban Châu Âu trình bày hôm qua, 01/02, có mục tiêu chống lại các chương trình trợ cấp khổng lồ của hai quốc gia vừa kể, bằng cách trước tiên hết đề xuất một ngân sách đầu tư, đặc biệt là trong ngắn hạn: 225 tỷ euro lấy từ kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid hiện vẫn chưa sử dụng.

Mọi nhà sản xuất châu Âu trên nguyên tắc đều được quyền hưởng các khoản tài trợ công, nhưng không phải thành viên nào của Liên Hiệp Châu Âu đều có khả năng tài chính giống như Pháp hoặc Đức.

Vế thứ hai của kế hoạch bao gồm những biện pháp giảm nhẹ các thủ tục để xin tài trợ và đặc biệt là đình chỉ áp dụng một phần các quy định của Liên Âu về việc hạn chế trợ cấp của nhà nước. Hơn nửa chục lĩnh vực sẽ được quan tâm, chẳng hạn như sản xuất năng lượng xanh.

Tại hội nghị thượng đỉnh Châu Âu vào tuần tới, các cuộc tranh luận có thể sẽ rất gay gắt vì một số quốc gia đang yêu cầu nới lỏng hơn nữa thủ tục nhận trợ cấp của nhà nước.

Ukraina: Mặt trận miền Đông căng thẳng vào lúc Nga sắp mở cuộc tấn công mới


Một khu vực bị phá hủy hoàn toàn ở Bakhmut, Ukraina, ngày 12/01/2023. AP - LIBKOS
Trọng Nghĩa
Tổng thống Ukraina hôm qua, 01/02/2023 đã thừa nhận tình hình ở mặt trận miền đông đã trở nên phức tạp với việc lực lượng Nga gia tăng tấn công. Theo nhiều nhà quan sát, Matxcơva đang dồn lực lượng chuẩn bị một cuộc tấn công lớn khác vào khoảng 24/2.

Trong phát biểu video hàng ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng tình hình ở miền đông “đã trở nên khó khăn hơn” đối với Ukraina. Theo ông, quân Nga đang muốn gặt hái một số thắng lợi để mang ra "khoe" nhân kỷ niệm một năm chiến tranh Ukraina ngày 24 /02.

Lực lượng Nga gần đây đã giành được chiến thắng đầu tiên sau nhiều tháng khi chiếm được Soledar, một thị trấn ở miền đông Ukraina. Còn tại Bakhmout, nơi đã trở thành mục tiêu chính của Nga trong những tháng gần đây, quân đội Nga đã khoe những bước tiến ở phía bắc và phía nam thành phố.

Tấn công theo hai hướng
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFMTV tối hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksiï Reznikov cho rằng Nga “đang chuẩn bị rất nghiêm túc cho cuộc tấn công” sắp tới và có thể thực hiện một cuộc tấn công theo hai trục, ở Donbass, miền đông và ở phía nam.

Theo hãng tin Pháp AFP, sau một loạt thất bại nhục nhã vào mùa thu vừa qua, Nga đã huy động hàng trăm nghìn quân dự bị. Liên kết với lực lượng lính đánh thuê Wagner, quân đội Nga cũng gia tăng các trận đánh, đặc biệt là đánh chiếm Bakhmout, một thành phố ở phía Đông đã bị họ dồn dập pháo kích từ mùa hè.

Một mặt trận khác là Kramatorsk. Vào hôm qua, quân Nga đã pháo kích vào tám tòa nhà ở trung tâm thành phố, khiến một trong số tòa nhà này bị sập hoàn toàn và ít nhất hai người thiệt mạng.

Xa hơn về phía nam, Nga cũng tiến hành một cuộc tấn công vào Vougledar.
Hơn 320.000 lính Nga ở Ukraina
Nhật báo Mỹ New York Times, trích dẫn tình báo Ukraina, ước tính rằng Nga hiện có hơn 320.000 quân trên lãnh thổ nước láng giềng, gần gấp đôi lực lượng ban đầu.

Các quan chức phương Tây và các nhà phân tích quân sự từng thẩm định Nga cũng có từ 150.000 đến 250.000 lính dự bị, được huấn luyện hoặc bố trí bên trong nước Nga để có thể được tung ra chiến trường bất cứ lúc nào.

Về phần tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phát biểu với báo giới hôm thứ Hai 30/01 tại Hàn Quốc, ông cho biết: “Chúng tôi thấy rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn, huy động nhiều binh sĩ hơn, hơn 200.000 người và thậm chí có thể nhiều hơn thế... Họ đang tích cực trang bị vũ khí mới với nhiều đạn dược hơn, tăng cường sản xuất của chính họ, nhưng cũng mua thêm vũ khí từ các quốc gia độc tài khác như Iran và Bắc Triều Tiên.”

Liên Âu sẵn sàng huấn luyện 30.000 lính Ukraina trong năm 2023


Ảnh minh họa : Sĩ quan huấn luyện Ba Lan trước các xe tăng Leopard, Swietoszow, Ba Lan, ngày 31/01/2023. Các nước châu Âu dự kiến giao hơn 100 xe tăng hạng nặng cho Kiev. REUTERS - KUBA STEZYCKI
Thùy Dương
Hai ngày trước thượng đỉnh Liên Âu – Ukraina tại Kiev, hôm qua, 01/02/2023, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho biết sẵn sàng huấn luyện 30.000 binh sĩ Ukraina, tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu.

Hôm qua, một quan chức Liên Âu ẩn danh cho AFP biết Bruxelles muốn huấn luyện 30.000 lính Ukraina, nâng gấp đôi chỉ tiêu đã đề ra hồi tháng 11/2022. Kế hoạch huấn luyện 15.000 binh sĩ sẽ hoàn tất trước quý 2 năm nay, và sẽ có thêm 15.000 binh sĩ được huấn luyện sau đó. Việc huấn luyện được tiến hành tại nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với trung tâm chính đặt ở Ba Lan, nước có biên giới chung với Ukraina. Mục tiêu mới sẽ được chính thức công bố tại thượng đỉnh EU-Ukraine dự kiến diễn ra ở Kiev ngày mai.

Theo giới quan sát, đây được xem là chuyến đi quan trọng nhất của giới lãnh đạo Liên Âu đến Kiev kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra cách nay gần 1 năm. Reuters cho hay các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu sẽ cam kết hỗ trợ thêm Ukraina cả về quân sự và tài chính. Đến Kiev hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: « Chúng tôi gửi đi một tín hiệu mạnh, rằng chúng tôi sát cánh ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột này. Đây là một tín hiệu gửi đến Nga và gửi đến thế giới ».

Theo kế hoạch, ngày mai 03/02, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel sẽ có cuộc trao đổi với tổng thống Ukraina Volodimir Zelensky. Các cuộc thảo luận chủ yếu liên quan đến việc Bruxelles cung cấp các khoản tài trợ và viện trợ quân sự mới cho Kiev, tạo thuận lợi để hàng hóa Ukraina vào thị trường Liên Âu, cũng như các biện pháp hỗ trợ Ukraina đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Theo dự kiến, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell sẽ thông báo khoản tài trợ 25 triệu euro cho hoạt động tháo dỡ mìn tại những vùng lãnh thổ Ukraina được giải phóng.

Phản ứng của Nga
Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, cho rằng, việc tổng thống Pháp Macron nhận định cung cấp vũ khí hạng nặng, chiến đấu cơ cho Ukraina không gây leo thang căng thẳng, là một điều « phi lý ». Matxcơva cũng cảnh báo Israel về việc giao vũ khí cho Ukraina. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào mà các nước cung cấp cho Kiev sẽ đều bị Matxcơva coi là mục tiêu mà các lực lượng vũ trang Nga có thể nhắm đến một cách hợp pháp.

Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (trong cùng hàng trái) tại dinh tổng thống Malacanang ở Manila, Philippines, ngày 02/02/2023. © REUTERS - POOLJam Sta Rosa
Thu Hằng
Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines, theo quyết định được công bố ngày 02/02/2023, nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nhằm củng cố quan hệ đồng minh và chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong vùng.

Washington và Manila không ký thêm thỏa thuận mới, mà chỉ mở rộng và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) đã có từ năm 2014. Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định : « Bốn địa điểm mới nằm tại những khu vực chiến lược của Philippines ». Một lãnh đạo cấp cao Philippines cho AFP biết là hai bên đang tiếp tục đàm phán về khả năng tiếp cận căn cứ thứ năm.

Tuyên bố chung không nêu rõ địa điểm của bốn căn cứ mới, nhưng theo nhiều nguồn tin, đa số sẽ nằm trên đảo chính Luzon gần Đài Loan nhất, nơi mà Mỹ đã có hai căn cứ. Một căn cứ khác có thể nằm trên đảo Palawan (phía tây Philippines), đối diện với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Với quyết định mới này, Mỹ được sử dụng tổng cộng ít nhất 9 căn cứ ở Philippines. Năm căn cứ mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận trước đó nằm trong khuôn khổ của Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự VFA năm 1999 và Thỏa thuận EDCA năm 2014.

Trong buổi tiếp kiến tổng thống Marcos Jr. ngày 02/02, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin nhấn mạnh Manila là đồng minh « chủ chốt » của Mỹ. Ông cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ « tăng cường và hiện đại hóa phương tiện quân sự của Philippines và gia tăng hợp tác giữa hai quân đội ».

Washington và Manila là những đồng minh lâu năm, nhưng quan hệ song phương trở nên căng thẳng dưới thời tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo muốn ngả sang Trung Quốc. Kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, hai bên đã tìm cách tăng cường hợp tác để đối phó với những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông và với việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực chiếm Đài Loan.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc mở cuộc tập trận trên không đầu tiên của năm 2023


Chiến đấu cơ F-22 của Không lực Hoa Kỳ tham gia tập trận chung với Không quân Hàn Quốc tại căn cứ Kunsan, Gunsan, Hàn Quốc, ngày 20/12/2022. REUTERS - THE DEFENCE MINISTRY
Trần Công
Hôm nay, 02/02/2023, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo đã tiến hành tập trận trên không với Hoa Kỳ vào hôm qua, huy động cả oanh tạc cơ chiến lược và chiến đấu cơ tàng hình. Bình Nhưỡng đã có phản ứng mạnh mẽ về cuộc tập trận này.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

Theo hãng tin Yonhap, vào ngày 31/01, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã có cuộc họp về việc tăng cường thực hiện răn đe mở rộng với Bắc Triều Tiên. Hôm nay, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo liên quân Mỹ - Hàn đã tiến hành cuộc tập trận trên không đầu tiên của năm 2023 vào hôm qua. Cuộc tập trận diễn ra trên khu vực biển Hoàng Hải, với sự tham gia của các chiến đấu cơ tàng hình F-35A của Hàn Quốc và các oanh tạc cơ chiến lược B-1B, chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ.

Liên quân Mỹ -Hàn cho biết cuộc tập trận này thể hiện quyết tâm vững chắc của một "liên minh hành động" nhằm đảm bảo an toàn cho Hàn Quốc và người dân nước này trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên đã ngay lập tức lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn, cho rằng đây là hành động châm ngòi cho một cuộc đối đầu trực diện, « hạt nhân đổi lấy hạt nhân ». Một số nhà nghiên cứu cho biết, khi Bình Nhưỡng đề cập đến đối đầu trực diện có nghĩa là họ sẽ sớm có các hành động đáp trả cuộc tập trận này của liên minh Mỹ - Hàn.

Một số nguồn tin tin cậy cho biết hàng chục ngàn binh sĩ Bắc Triều Tiên và khối lượng lớn vũ khí đã được huy động và tập trung tại sân bay Sunan và khu huấn luyện quân sự phía bắc sân bay Mirim.

Thủ tướng Israel công du Pháp để tìm đồng minh chống Iran


Ảnh tư liệu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) tiếp thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tại Paris, ngày 05/06/2018. AP - Philippe Wojazer
Thùy Dương
Hôm nay, 02/02/2023, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đến Paris. Đây là chuyến công du Pháp đầu tiên kể từ khi ông trở lại cầm quyền cách nay một tháng. Hồ sơ Iran sẽ là trọng tâm của cuộc hội đàm giữa thủ tướng Israel với tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Do Thái đang tìm đồng minh để chống Iran, kẻ thù truyền kiếp của Israel. Lo ngại Teheran trang bị vũ khí nguyên tử, Israel muốn lập một liên minh quân sự, nhất là với các cường quốc Tây phương, để khi cần sẽ tấn công Iran.
Từ Jérusalem, thông tín viên Sami Boukhelifa giải thích :

« Về lý thuyết, mọi việc đã sẵn sàng. Israel đã nghiên cứu đến từng chi tiết nhỏ nhất cho chiến lược tấn công Iran. Khoảng 3.000 mục tiêu đã được xác định và Nhà nước Do Thái muốn nhanh chóng chuyển sang hành động. Nhưng theo một nguồn tin ngoại giao, « không thể có chuyện một mình xung trận ».

Nguồn tin này cũng giải thích là Israel muốn tìm các đồng minh. Liên quân này có thể sẽ bao gồm Pháp, Mỹ và lý tưởng nhất là có sự tham gia của vài nước Ả Rập, một số vương quốc vùng Vịnh mà Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng là một mối đe dọa. Đoàn kết làm nên sức mạnh : Liên minh này sẽ có một vai trò răn đe, tức là nếu Israel tấn công Iran, Tehran sẽ không dám trả đũa, bởi vì làm như vậy tức là cùng lúc tuyên chiến với nhiều nước.

Một nguồn thông thạo hồ sơ tiết lộ Paris và Washington đã dứt khoát từ chối phương án này, dành ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao với Iran. Nhưng tình hình đã có thay đổi. Thỏa thuận hạt nhân Iran dường như đã không còn giá trị. Mặt khác, Israel đã có nỗ lực để đứng về phía phương Tây trong chiến tranh Nga-Ukraina. Nhà nước Do Thái cho biết dự tính hỗ trợ quân sự cho Kiev đối phó với Matxcơva. Đó là thông điệp mà thủ tướng Benyamin Netanyahu gửi tới phương Tây : Tôi ủng hộ quý vị trong cuộc chiến chống Nga, nên quý vị phải ủng hộ tôi trong cuộc chiến chống Iran. Và đó chính là điều ông tìm kiếm khi đến Paris ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét