Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Những Anh Hùng Vô Danh Đồn Dak Seang - Trường Sơn Lê Xuân Nhị


“Thành kính tưởng niệm các chiến sĩ Địa Phương Quân anh dũng đồn Dak Seang”  “Đường ra trận mùa này đẹp lắm,” Đại úy Ngọc thòng một câu đùa trong chiếc Phi Cơ L19 ở cao độ 8 ngàn bộ, hôm chúng tôi cất cánh từ Nha Trang đi Kontum với hành trang cho 15 ngày biệt phái. Đồng ý đó là một câu đùa, nhưng tôi không cười được chút nào cả vì lòng tôi đang héo hon như cái vỏ xe bị xì lốp.
<!>
Đang vui vẻ với đám bạn bè từ Ban Mê Thuột về Nha Trang nghỉ mát, ngày nào cũng sáng tiểu yến với cà phê, phở, thuốc lá 3 số 5. Chiều đại yến với la de, nem nướng, sò huyết mà phải khăn gói quả mướp ra đi như thế này thì thật là đau khổ vô cùng, lại mới bị Thủy giận, tôi chưa có dịp làm hòa. Tính vốn lo xa, tôi đâm ra hãi. Đi biền biệt 15 ngày mà không từ giã em được, em tưởng mình... rớt máy bay chết rồi bèn đi cặp thằng khác thì hết một đời trai.Cứ tưởng tượng cái cảnh Thủy cặp tay một thằng chết tiệt nào đó đi coi hát bóng, đi nhảy đầm vung vít là tôi cảm thấy... hết muốn bay bổng. Đời phi công sao khổ thế nầy, tôi than thở. Có lẽ thấy được những cái vẻ đau khổ khó chịu trên khuôn mặt thằng Thiếu úy trẻ, anh Ngọc cười.
– Nhìn thấy cái bản mặt táo bón của chú mầy tao nhớ đến cái thuở huy hoàng của những ngày... chưa lấy vợ.
Tôi phản đối, “ở Phi Đoàn 114 mà không biết phản đối thì chẳng bao giờ lớn được”:
– Chưa lấy vợ thì khổ bỏ xừ đi chứ huy hoàng gì anh? Bị đào hành lên hành xuống, quay vòng vòng như con mắm có gì mà huy hoàng. Lại còn phải đi biệt phái lâu ngày như thế này, xác thân ở nơi tiền tuyến không sợ mất mà chỉ sợ... mất đào ở nhà.
Đại úy Ngọc bật cười lên khoái chí:
- Hậu sinh... chẳng biết mẹ gì cả. Mày lấy vợ đi rồi mới thấy cái giá trị của những ngày biệt phái. Này nhé, ở nhà với vợ, có thằng chó nào dám ti teo, đi phải thưa về phải trình, tiền bạc phải “báo cáo” đầy đủ. Ấy là chưa nói đến chuyện ở gần mặt trời thì phải sống có qui củ, có nề nếp, gặp xếp từ xa là phải cung tay chào rôm rốp. Thằng nào cũng muốn kiếm thêm tí điểm thì phải biết điếu đóm, v...v... Đi biệt phái, nói một cách văn chương, đó là “những ngày nghỉ mát” vì thứ nhất mình thoát khỏi vòng cương tỏa.. bà tư lệnh, muốn làm gì thì làm, gặp bất kỳ cô thôn nữ yêu kiều nào cũng có quyền đấu tưới hột sen,muốn khoe mình chưa vợ hay vợ... mới chết thì đó là quyền của mình.Các cô thôn nữ vốn dễ dãi và cả tin, chẳng ai thèm kiểm chứng hay thắc mắc lôi thôi. Thứ hai, đi biệt phái, cuộc sống không gò bó như ở phi đoàn. Mình tự chỉ huy lấy, đời sống thoải mái hơn, chỉ làm sao đừng bê trễ công việc, thứ ba, làm việc trực tiếp với bộ binh có nhiều cái thú. 18 tuổi bỏ nhà đăng lính đâu phải để suốt ngày dòm ba cái đồng hồ phi cơ rồi cứ hết cất cánh rồi hạ cánh. Phải có “Action” phải có đánh bomb, có ăn pháo kích, v…v…

Nghe anh Ngọc thuyết một lúc là tôi đã thấy xiêu lòng. Mẹ, tôi đâu biết là lấy vợ sẽ khổ như thế này. Sống bị kềm kẹp vậy chả trách gì ông nào cũng có vẻ chán đời. Anh Ngọc cảm thấy hình như tôi đã thấm ý, nên kết luận:
– Đó là những cái khác nhau giữa hai thế hệ, thế hệ chưa vợ và thế hệ có vợ. Bây giờ nhìn lại mấy chú, anh thấy tiếc hùi hụi.
Rồi hứng tình, anh chơi thêm 2 câu thơ, giọng vịt cồ nghe không có tính chất… văn học chút nào hết.
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề".
Sau 2 câu thơ là một chuỗi cười hì hì nghe rất ngứa lỗ tai. Men rượu của buổi tiệc giã từ tối hôm qua còn ngây ngất trong máu tôi, làm đầu óc cứ dật dờ. Tôi tắt radio, bảo anh Ngọc:
– Anh bay hộ, em buồn ngủ quá.
Anh Ngọc dễ dãi:
– Ngủ đi, tao bay cho. Ráng ngủ lấy sức, xuống đến Kontum chuyến này có nhiều chuyện lắm.
Tôi kéo tuột ghế ra sau, nhắm mắt làm một giấc ngon lành…

Biệt đội Kontum lần ấy, các phi hành đoàn ở trong cư xá vãng lai Sĩ Quan của Tiểu Khu. Cả thành phố Kontum như 1 trại lính khổng lồ, đi đâu cũng chỉ gặp toàn lính là lính.Từ lính không quân đến lính Bộ Binh, lính Nhảy Dù, lính Lôi Hổ, lính Biệt Động Quân, lính Biệt Kích... Ai nấy võ khí trang bị tới răng, trông phát khiếp. Lâu lâu, phải chịu khó tìm tòi và chờ đúng giờ tan học mới nhìn thấy được vài tà áo dài phất phơ của các em nữ sinh. Những tà áo dài bé nhỏ xinh xinh coi có vẻ vừa lạc lõng vừa hiền lành làm sao trong cái thế giới đầy dẫy súng đạn của thành phố địa đầu này. Cũng như một con én không làm được mùa xuân, một chiếc áo dài tha thướt cũng không làm mất đi được cái vẻ chinh chiến của quê hương khốn khổ.
Đứng nhìn ngắm những tà áo này, tôi thấy nhớ Thủy chi lạ, buổi chiều cơm nước xong về khu tạm trú thắp đèn cầy đánh bài cho hết giờ.
Buổi tối, cái khổ nhất của chúng tôi là 2 cây cà nông 175 ly to tổ bố của thiết đoàn 14 Kỵ Binh đặt cách dẫy nhà chúng tôi ở chừng 500 thước. 2 cây súng mắc dịch này, ban đêm, giữa lúc mọi người đang ngủ say, cứ thỉnh thoảng nổ một vài phát bắn quấy rối rồi nằm im. Đang mơ màng giấc điệp, tiếng súng đại bác ở sát bên bắn một phát làm chúng tôi nẩy tung muốn văng ra khỏi giường:
– Đêm hôm khuya khoắc, bắn con C.. gì mà bắn độc thế? Sao không về nhà mà bắn... bà xã cho được việc.
Một giọng càu nhàu cất lên.
Lại có giọng khác hăm dọa:
– Ngày mai tao phải “phản đấu” mới được.
Đó là tiếng nói của Đại úy Bá, trưởng biệt đội. Ông đại úy này người dân xứ Quảng, lâu lâu phải để cho ông ấy “phản đấu” ai một lần thì ông ăn cơm mới ngon.
Mất cả tiếng sau mới dỗ được giấc ngủ. Nhiều khi vừa mới chợp mắt thì lại “ầm” một tiếng như trời long đất lở tiếp theo, lỗ tai như bị ai tống vào một cây đinh. Đến lúc này thì đại úy Bá không nhịn được nữa, chửi thề um sùm
– Đ.. mọa nó, bén chi mà bén miết…
Thế là hết mẹ nó 1 tiếng đồng hồ nữa rồi... Tôi không hiểu các anh em bộ binh làm sao mà sống được như vậy không phải chỉ trong 15 ngày biệt phái như tôi mà tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Phải đi biệt phái những nơi như vầy mới hiểu được và thương các anh em bộ binh. Người lính bộ binh Việt Nam khổ quá. Khổ đến độ sự khác biệt giữa sựsống và cái chết hầu như không có ranh giới. Cuộc đời là địa ngục thì chết chắc cũng chẳng có ai sợ. Và có lẽ, chết sẽ là một giải thoát. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều người sống suốt mấy tháng trong giao thông hào nước ngập tới háng. Đó là nơi mà anh em vừa ăn, ở, ngủ v.v... Các anh cũng là người với những cảm giác bình thường, biết lạnh, biết nóng, biết thèm ăn ngon, biết sợ đau khổ, sợ chết. Mãnh lực nào, sức lôi cuốn nào đã khiến anh em từ bỏ gia đình ôm cây M16 để trở thành người lính bộ binh. Trở thành người lính bộ binh để “chết thay dùm dân tộc”, để chấp nhận mọi đắng cay, mọi hiểm nguy. Chắc chắn không phải để lãnh số lương 10 mấy ngàn, chỉ đủ mua bao gạo. Cũng không phải vì sợ cảnh sát bắt đi quân dịch ở đầu ngõ.Cũng càng không phải vì mủi lòng bởi vài cái bích chương kêu gọi rẻ tiền của chính phủ dán trong thành phố, hay vì câu hát của Hùng Cường, Mai Lệ Huyền.Tôi nghĩ, anh em đã ra đi chỉ vì lòng yêu nước. Vì, anh em nghĩ rằng cầm súng chiến đấu là bổn phận của những người trai thời ly loạn. Chỉ biết rằng đi để thể hiện chữ “Yêu.” Yêu Quê Hương yêu Tổ Quốc, không cần tính toán, không đo lường giá cả.

Chỉ vài ngày đi bay mà anh em ai cũng bị hốc hác thấy rõ.Đêm mất ngủ, lên trời gió mát, chỉ muốn nhắm mắt. Cùng tắc biến, biến tất thông, mấy hôm sau chúng tôi biết cách trị.. Pháo Binh. Trước khi leo lên giường ngủ, chúng tôi lấy bông gòn nhét kín hai lỗ tai. Thế là mấy chú thiết giáp cứ mặc sức mà bắn.
Có thằng... Thiếu úy tên On nằm gần giường tôi, mới được cho đi hành quân lần đầu nên lẩm cẩm không chịu được.Tên nghe đã lẩm cẩm mà người lại còn lẩm cẩm hơn. Đang đêm, tôi thấy nó thỉnh thoảng ngồi dậy, móc bông gòn ra khỏi hai lỗ tai, nghe ngóng một chút rồi lại nhét vào, nằm xuống. Mặt mày nó làm ra vẻ quan trọng lắm. Trằn trọc không ngủ được, tôi thắc mắc:
– Mày làm cái trò khỉ gì đó ông Thiếu úy On?
Nó đáp tỉnh queo:
– Tao phải thức dậy để nghe ngóng xem có pháo kích không.
Tôi suýt bật cười. Đúng là thằng lẩm cẩm, nó làm như Việt Cộng chờ nó tháo bông gòn ra khỏi hai lỗ tai rồi mới thèm pháo. Tôi phịa một câu:
– Tao có ý kiến này hay hơn. Mày chỉ cần rút bông gòn ra khỏi một lỗ tai thôi. Một tai bịt kín để khỏi nghe pháo binh mình, tai kia bỏ trống để nghe VC pháo kích.
Một thoáng êm lặng, rồi như biết được câu móc lò của tôi, thằng On chửi thề:
– ĐM... thằng mất dạy. Mày mà đòi móc lò tao sao được.Tao đâu có ngu.
Thấm thoát mà 15 ngày biệt phái của tôi trôi qua mau. Con người quả thật là dễ thích ứng với hoàn cảnh mới. Tôi chỉ còn nhớ Thủy... sơ sơ thôi chứ không còn “nồng nàn da diết” như những ngày mới đến đây nữa.

Cuộc đời biệt phái cũng có nhiều niềm vui khác như đi uống cà phê đêm, nhậu nhẹt, gặp lại bạn bè cũ, kết bạn bè mới. Với lại, chúng tôi vừa khám phá ra 1 quán cà phê mới khai trương. Cô Cashier coi xinh không chịu được. Thế là chiều chiều cơm nước xong, chúng tôi 7, 8 người chất nhau lên chiếc xe Jeep ra quán cà phê ngồi… lì đến tới tối.
Giữa khu rừng núi hoang dại này, dễ gì kiếm được một cành hoa. Tôi để ý thấy Thiếu úy On yêu đời ra mặt. Không hiểu nó tính dợt le với ai mà đi biệt phái ở nơi rừng sâu núi thẩm này cũng mang theo được mấy cái khăn quàng cổ đủ các màu. Đi uống cà phê những lần sau này nó nhất định phải đóng thêm cái khănquàng cổ màu tím vào cho ra cái điều như là... màu tím hoa sim, coi chán đời không chịu được. Vào quán cà phê, Thiếu úy On ăn nói chữngchạc đàng hoàng, không láu cá nham nhở như tôi.. Có mấy lần tôi tính thò tay ra sờ mông em thì bị nó gạt phắt đi, điệu hung hãn làm như nó... chưa sờ đít ai bao giờ. Nó muốn mang khăn quàng màu gì hay tán tỉnh gì thì kệ nó, tôi không để ý tới.Cái làm tôi thích thú nhất là mỗi lần ra về, cu cậu nhất định dành trả tiền cho kỳ được. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ phản đối cái mục này. Tôi biết thằng khỉ này nó có bao giờ trả tiền cà phê cho ai đâu. Hóa ra là con người khi yêu ai cũng trở thành dễ thương hết. Chả trách gì nhà văn Shakespeare đã phán một câu “everybody oves the lover”. Cả thế giới đều yêu một kẻ si tình. Đúng thật. Tôi ước giá phi đoàn có chừng chục thằng nhưThiếu úy On thì tôi khỏi sợ tốn tiền cà phê thuốc lá. Được trớn, tôi xúi dại nó, bảo hay là mầy xin ởlại Kontum luôn cho anh em nhờ. Nhưng nó quắc mắt lên, cười khỉnh:
– Vừa phải thôi... tám. Tao tuy ngu nhưng đâu có ngu hơn mày.

Lần biệt phái này,trái với lời anh Ngọc tiên đoán, sư đoàn 23 BB không có đụng trận nào ra hồn cả.Thỉnh thoảng một bọn “giặc cỏ” đến quấy rối rồi lặn mau như chuột. Dường như cả 2 bên đang nghỉ ngơi dưỡng sức. Dưới đất mà không thèm đánh nhau thì trên trời biết ăn thua với ai. Những phi vụ air cover nhàn rỗi, tôi hỏi đại úy Ngọc đi “duy trì khả năng” bắn rocket. “Duy trì khả năng” là một danh từ không quân dành cho những anh chàng phi công văn phòng, sợ lâu quá không bay thì lúc leo lên tàu, thì quên béng nó mất cái cần lái nằm chỗ nào nên phải bay “duy trì khả năng” cho khỏi quên.
Tôi thì khoái tập bắn rocket sao cho nó đẹp như “Dăng gô” bắn súng, chỉ đâu bắn trúng đó. Cái kiểu bắn rocket của tôi phi đoàn ai cũng chán vì lối bắn mất dạy.Bay trên mục tiêu, tôi cắt ga cho tàu rơi cái rào nhiều khi gần như cắm đầu thẳng xuống, cứ thế mà bóp cò. Bắn thì dễ nhưng khi kéo tàu lên mới là cực hình. “G” đâu mà lắm thế, mặt mũi cứ dài ra cả thước, nhưng đại úy Ngọc chịu chơi, lần nào cũng cho tôi bắn. Nhiều khi anh còn nhìn “tác phẩm” của tôi phê bình:
– Số mày sinh ra để bay khu trục mà bị trời bắt lái... L19. Đúng là con nhà vô phúc.
Ngày cuối cùng của cuộc biệt phái, chúng tôi cất cánh phi vụ thứ hai vào khoảng 3 giờ chiều. Lên trời, làm vài vòng, tôi hỏi đại úy Ngọc:
– Hay mình làm vài vòng, nếu không có gì thì đi kiếm cái chòi thượng nào đó “duy trì khả năng” rồi về đáp. Mai đổi biệt đội khác rồi.
Đại úy Ngọc tự nhiên phản đối:
– Thôi cứ để đó, mày bay dọc lên Dak Pek đi. Tao đi quan sát lần chót để bàn giao vùng trách nhiệm cho phi hành đoàn mới.
Có cái gì thắc trong đầu anh mà tôi không nghĩ ra. Lát sau anh nói:
– Mày để ý thấy chiến trường lần này, đặc biệt là cách mấy ngày hôm nay yên lặng một cách quá đáng không?
Tôi chả biết gì, trả lời:
– Yên thì có yên đó, nhưng mà có gì không anh?
– Thường thường mà yên quá như thế này là thế nào cũng có đánh lớn.
Tôi nói xuôi:
– Mai mình về rồi, nhằm nhò gì.
Khoảng 5 giờ chiều tôi đang lơ lửng gần một cái đồn nhỏ gọi là đồn Dakseang, phía Nam của Dakto. Đại úy Ngọc chợt giật cần lái, quẹo một vòng:
– Để tao coi. Đ.M. hình như đồn này đang bị pháo kích.
Chỉ một thoáng sau anh la lên:
– Đ.M. đúng rồi. Đ.M. nó đang pháo vô đồn.

Anh Ngọc gọi máy về Trung Tâm Hành Quân, báo cáo những gì mình thấy và xin tần số liên lạc ngay. Chỉ trong vài phút, Trung Tâm Hành Quân xác nhận với chúng tôi là đồn bị pháo kích, và có nhiều dấu hiệu cho thấy đồn sẽ bị tấn công. Chúng tôi được chỉ thị ở lại làm việc với đồn.Bắt được liên lạc, trao đổi danh hiệu xong là chúng tôi giảm cao độ. Vừa tà tà bay vô thì bổng hàng chục cây phòng không nhắm vào chúng tôi nổ tới tấp. Chắc chắn phải có vài viên trúng tàu vì tôi nghe lên vài tiếng bụp bụp. Tôi càu nhàu:
– 15 ngày biệt phái không sao, ngày cuối cùng mà lãnh một viên vào... đít là xui quảy...
Vô không nổi, tôi quẹo ra. Đại úy Ngọc phê bình:
– Trên trời mà phòng không “kèm cứng một rừng” như vậy là dưới đất nó đã chuẩn bị trận địa pháo rồi. Lạng quạng thì đồn này chắc mất tối nay.
Anh giở tấm bản đồ, 3 cái FM trên phi cơ được sử dụng liên tục. Cái gọi pháo binh, cái trực với đồn Dakseang, cái nói thẳng với Bộ Tư Lệnh chiến trường. Cường độ pháo kích càng ngày càng trở nên khốc liệt. Tôi lên cao chút xíu rồi rình rình lại chui vào từ một hướng khác. Bố khỉ, tôi lúc ấy mới khám phá ra là khu vực làm việc bị mây “broken” từng cụm nhỏ bao phủ khoảng từ 5 đến gần 8 ngàn bộ trên trời. Đang quan sát, tàu chui vào mây là coi như mù. Ra khỏi mây thì phải mất một lúc mới trở lại được chỗ quan sát cũ. Đại úy Ngọc chửi thề:
– Đ.M. mây mà cũng bị VC dụ dỗ đâm sau lưng chiến sĩ. Trời đất bao la sao không kiếm chỗ bay mà cứ lẩn quẩn làm con C... gì ở đây.
Tôi đã cắt ga xuống dưới trần mây mấy lần nhưng vừa xuất hiện là bị hàng chục họng phòng không thổi rào rào vô mặt, đuổi trở lên. “Súng đâu mà chúng nó lắm thế!” Tôi đành vật lộn với mấy cụm mây... VC này.
Bi thảm hơn, giặc bắt đầu nả 130 ly vào đồn. 2 cây đại pháo, 1 cây đặt ở ven làng cách đó chừng 15 cây số, cây kia ở hướng đối diện cứ tà tà nã từng trái một vào đồn.Từ trên, tôi nhìn thấy rõ ràng những quả đạn rơi rất chính xác vào trong đồn. Cứ mỗi quả đại bác rơi xuống là có chừng 10 mấy trái súng cối nổ kèm theo “phụ diễn”. Tôi và anh Ngọc lồng lộn trên tàu bay. Máy vôtuyến gọi đến gần rát cả họng, nhưng bất ngờ quá, chả thấy phi tuần xuất hiện, anh Ngọc gọi pháo từ căn cứ pháo binh gần đó nhất để yểm trợ. Vừa nhận được tọa độ, đã nghe ở dưới đất kêu trời:
– Vô ích bạn ơi. Xa quá, bắn tới... Tết cũng huề.
– Thì bạn quay nòng xuống thổi đại cho một chục tràng đi, bắn dọa nó cũng được.
– Xong rồi, để tôi cho yếu tố tác xạ.
– Yếu tố mẹ gì, bắn đi bạn…
Khoảng 5 giờ rưỡi chiều, người chỉ huy đồn Dakseang có vẻ bối rối:
– Bạch Ưng, đây Thanh Trị.
– Nghe 5 bạn.
– Báo cho bạn biết đến giờ phút này con cái tôi đếm được là 500 trái rồi đó bạn. Hầm hố tôi 50% thiệt hại.
Tôi muốn nhảy nhổm trong tàu bay. 500 trái vừa cối vừa pháo xuống một diện tích tí teo như thế kia thì còn hầm còn hố nào. Anh Ngọc bổng nẩy ra một kế... chết người.
– Nếu để nó pháo điệu này thì chừng tí nữa quân mình chẳng còn gì hết. Mình phải “chiến tranh chính trị” mới được.
– Có học trường chiến tranh chính trị ngày nào đâu mà đòi... chiến tranh chính trị anh?
Người phi công chiến tranh chính trị bất đắc dĩ lên mặt dạy dỗ:
– Từ từ để tao cắt nghĩa. Chiến tranh chính trị nghĩa là... có là không, không là có. Bây giờ chưa có phi tuần thì mình phải làm như có phi tuần. Mình phải xuống ngay trên đầu mấy cây pháo làm bộ như phi tuần sắp tới thì pháo nó mới câm được.
– Xong rồi.
Mặc dù vẫn còn ngán mấy chục họng phòng không nhưng trong hoàn cảnh này, đạn tránh người chứ người làm sao tránh đạn? Tôi cắt ga cho tàu rơi cái rào, cứ nhắm họng đại bác bay tới. Đạn nổ tùm lum chung quanh tàu. Anh Ngọc trấn an tôi:
– Mầy đừng lo, tao có bùa nanh heo rừng. Đạn nó né tao.
Nghe sao mà chán đời, tàu bay chỉ có 2 người, đạn nó bay vào đây mà né anh Ngọc thì nhất định nó phải kiếm người khác để chui vào. Người đó còn ai khác hơn tôi.
Bỗng nhớ ra điều gì, anh sờ tay vô ngực quờ quạng rồi rú lên:
– Bỏ mẹ rồi, nanh heo rừng đíu có đem theo. Đ.M. hôm qua đi tắm treo nó chỗ phuy nước quên đeo vô rồi.
Nhưng anh nói ngay:
– Nhưng tử vi nói tao sống thọ lắm, yên chí lớn đi thằng em.
Tôi nghiệm ra rằng con người, lúc ở trong những hoàn cảnh nguy hiểm đều kiếm ra 1 lý do gì đó để tự tin và hy vọng. Càng đi xa đồn thì phòng không càng bớt dần. Thấp thoáng con gà cồ của giặc đã nằm ngay dưới cánh, chúng tôi xuống thấp thêm tí nữa, lượn vòng chung quanh cây pháo. Đúng y như anh Ngọc đoán, pháo im bặt. Rồi như 1 cơn mưa rào đổ xuống mùa hạn hán, 1 hợp đoàn Cobra của Tây xuất hiện. Đại úy Ngọc qua được tần số của Tây xí xa xí xồ một chập, tôi nghe được mấy tiếng “everywhere”. Vừa vào vùng là mấy anh Cobra làm ăn liền. Tôi ngạc nhiên thấy họ thay phiên nhau bắn rào rào chung quanh đồn. Như vậy con cháu họ Hồ đang “tùng thiết” đi vô chăng? Dĩ nhiên phòng không giặc bây giờ đổi mục tiêu, nhắm mấy anh Cobra nhả đạn. Trận thư hùng coi rất đẹp mắt nhưng ngắn quá. Mấy ông Tây bắn chừng 5 phút là hết đạn, quay lui. Khốn nạn hơn cái món chiến tranh chính trị xem ra hết ép phê. Có lẽ giặc biết chúng tôi chỉ dọa giả nên cây pháo bắt đầu nổ trở lại. Đại úy Ngọc gầm lên:
– Đ.M. tụi mày, lát nữa khu trục lên tao cho nó... bỏ bomb thấy mẹ mày.

Tức quá mà không làm gì được thì... chửi cho đã tức. Chúng tôi chỉ có 4 quả Rocket khói, chẳng sơ múi gì được. Rồi Peacock gọi thông báo sẽ có phi tuần khu trục A-1đang cất cánh khẩn cấp từ Pleiku lên làm việc với chúng tôi. Đại úy Ngọc hớn hở gọi máy:
– Thạnh Trị, đây Bạch Ưng.
– Nghe 5 bạn, gần ngàn trái rồi. Tụi nó mới xung phong đợt đầu đó bạn.
– Có sao không bạn?
– Không, mấy thằng chuồn chuồn tới đúng lúc với lại con cái tôi đánh giặc còn “tới” lắm bạn ơi. Tụi nó rút hết rồi. Khoảng chùng 50 xác nằm dài dài. Mấy thằng Tây đánh đẹp lắm.
– Chúng tôi sẽ có 2 phi tuần lên liền bây giờ với bạn.
– Bạn ráng dùm, hầm hố gần nát hết rồi bạn.
– Tôi hiểu bạn.
Cây 130 ly quái ác vẫn đì đạch phọt ra từng cụm khói đen. Tôi bảo anh Ngọc:
– Anh để em lên làm đại một trái khói vô đó coi, may ra…
– Ờ, may ra…
Tôi làm vòng bắn, nghiêng cánh quẹo vào, nhắm và bóp cò. Oành cái Rocket nổ... gần cây đại pháo. L-19 mà bắn được vậy là nhất rồi, nhưng có chết thằng chó nào đâu! Không chết nhưng cây pháo lại im tiếng một lần nữa. Tốt! Tôi tính cứ lâu lâu nhào xuống xịt cho tụi nó một trái để mua thời gian chờ khu trục lên.
Rồi tiếng rè rè thử vô tuyến của mấy ông khu trục A-1 nghe lên bên tai. Phải thú nhận, cái tiếng rè rè đực rựa lúc này nghe sao mà nó... đáng yêu thế. Đó là thứ tiếng nói của hy vọng, của niền tin, của sức mạnh, của tình chiến hữu.Anh Ngọc trao đổi vô tuyến với phi tuần khu trục rồi gọi máy cho quân bạn.
– Thạnh Trị, đây Bạch ưng.
– Nghe bạn 5.
– Chim sắt của tôi lên rồi đó bạn, bạn muốn tôi đánh đâu?
– Bạn lo dùm mấy con gà cồ trước đi.
– OK! Roll.

Phi tuần khu trục vừa xuất hiện thì cả bầu trời biến thành một biển lửa. Số lượng phòng không bây giờ không biết là bao nhiêu cây, nhưng dòm hướng nào cũng chỉ thấy lửa và lửa. Trời đã về chiều nên những viên đạn lửa bay vút lên cao càng được thấy rõ ràng hơn. Phi tuần đầu nhào lên nhào xuống mấy lần vẫn không làm câm họng được cây pháo phòng không vì trời quá xấu. Những đám mây... phản quốc, khốn nạn vẫn chình ình khắp nơi. Khó khăn lắm họ mới kiếm được cái lỗ chui xuống, bay giữa những loạt đạn phòng không trùng điệp, để tới mục tiêu, bấm rơi bomb, rồi kéo lên. Còn 2 trái cuối cùng, người phi công A-1 “để” vào ngay trên ổ súng chính xác như để bi vào lỗ. Ầm một tiếng vang lên rồi tiếp theo là nhiều tiếng nổ phụ. Cha con nó đang đền tội. Xong một cây. Anh Ngọc hướng dẫn phi tuần thứ hai đang làm ăn thì tôi nghe tiếng gọi:
– Bạch ưng, đây Thạnh Trị.
– Nghe 5 bạn.
– Báo bạn biết, hầm chỉ huy tôi sập rồi. Tôi ra giao thông hào với mấy đứa con.
– Bạn nhớ giữ liên lạc với tôi.
– Bạn…
Không có tiếng trả lời. Tôi hoang mang “ra giao thông hào với mấy đứa con” vậy là bi đát lắm rồi. Anh Ngọc bảo tôi:
– Anh đang bận hướng dẫn khu trục, em qua FM gọi thẳng TTHQ xin gấp cho anh ít nhất là 2 phi tuần nữa, lên liền lập tức, nếu không kịp là tụi nó sẽ “over run” Dakseang trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Tôi đổi tần số FM, anh Ngọc cẩn thận dặn dò thêm:
– Phải nhớ la ơi ới lên như là đang bị bóp... dái thì cha con nó mới chịu chạy dùm.
Tôi phì cười, ông đại úy nầy lúc nào cũng đùa được. Khỏi cần bị ai bóp dái tôi cũng la được vì hò hét và tả oán là sở trường của tôi. Tôi gọi máy và có kết quả ngay. Anh Ngọc mừng rú lên khi được thông báo có 1 phi tuần F4 của Hải Quân Mỹ sẽ cất cánh ngay từ hàng không mẫu hạm vào làm việc. Giọng nói từ dưới đất bây giờ nghe có vẻ hốt hoảng:
– Bạch ưng, đây Thạnh trị.
– Nghe bạn 5.
– Bạn cho mấy con chim sắt đánh sát quanh đồn gấp đi bạn. Tụi nó đang “à lát xô” lên.
Anh Ngọc la ùm lên trong tần số khu trục. 2 chiếc khu trục A-1 còn mấy trái bomb bỏ dở cây, hối hả trở về đồn nhào xuống đánh sát chung quanh rào. Một ông la to khi kéo tàu lên:
– Tụi nó đông như kiến bạn ơi.
– Còn phải hỏi.
Khu trục đánh hết bomb nhưng vẫn bay trên mục tiêu để bắn hết những tràng cà nông 20 ly. Tình hình lúc này đã bi đát lắm rồi. Giặc xung phong lên ào ào. Thạnh trị thông báo là một góc phòng tuyến đã bị vỡ và con cái anh đang xáp lá cà với giặc. Tôi nghe Trung tâm hành quân “TTHQ” thêm 3 căn cứ khác cũng bị tấn công một lúc. Anh Ngọc bảo tôi:
– Tao còn lạ gì cái trò này, tụi nó đánh nghi binh để dứt điểm Dakseang đó. Phải cẩn thận.

Trong vô tuyến,tiếng tàu bay gọi nhau tiếng trao đổi giữa trên trời và dưới đất nghe loạn cào cào... Bởi trong những tiếng ồn ào đó, có tiếng gọi của mấy ông F4 Hoa Kỳ.Mấy ông Tây trang bị vũ khí tận răng. 2 chiếc F4 mỗi chiếc mang 18 trái 500 pounds đang làm vòng chờ ở khoảng 20 ngàn bộ. Anh Ngọc chỉ “briefing” một tí, mấy ông “Roger” và “Sir” lia lịa nhào xuống làm ăn liền. Khu trục Việt Nam đánh đã đẹp, mấy ông Tây đánh cũng không thua ai. Từ khoảng 15 ngàn, mấy ông nhào xuống dưới trần mây, để những trái bomb thật chính xác. Phòng không bắn dữ dội nhưng xem ra không ăn thua gì với mấy chiếc F4 này. Đang đánh ngon lành thì tôi nghe tiếng gọi từ dưói đất:
– Bạch ưng, đây Thạnh trị.
Giọng nói lúc này không có vẻ hốt hoảng mà bình tĩnh lạ thường.
Anh Ngọc bấm máy:
– Nghe bạn 5, cho biết tình hình đi bạn.
– Tôi yêu cầu Bạch ưng cho đánh ngay vào trong đồn.
Cả 2 chúng tôi giật nẩy mình, chỉ hy vọng là mình nghe... lộn. Chúng tôi sững sờ không trả lời được. Người chỉ huy phía dưới đất xác nhận lại:
– Bạch ưng, tôi xác nhận lại, tôi xin bạn đánh xuống đầu tôi.
– Bạn nói bạn xin đánh thẳng vào đồn?
– Đúng 5. Hết hy vọng rồi bạn ơi. Cứ đánh vào đây để tụi nó chết chùm luôn với chúng tôi.
– Bạn suy nghĩ kỹ chưa?
Giọng nói dưới đất lúc này nghe có vẻ hết kiên nhẫn:
– Không còn lựa chọn nào khác bạn ơi. Bạn đánh lẹ giùm. Chúc bạn may mắn. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà bạn…
Đó là những tiếng nói cuối cùng tôi nghe được từ đồn Dakseang “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Anh Ngọc hốt hoảng gọi máy về xin chỉ thị quân đoàn.Quân đoàn trả lời phải xác nhận với đồn Dakseang 1 lần nữa rồi cho biết kết quả. Chúng tôi gọi muốn đứt hơi nhưng không còn liên lạc được với Thạnh Trị nữa. Báo cáo trở lại, quân đoàn quyết định: cho đánh thẳng vào đồn nhưng phải... cẩn thận.
– Cẩn thận con C... ông!
Anh Ngọc lẩm bẩm chửi thề rồi gọi máy thông báo cho mấy ông Tây, bảo đánh thẳng vào đồn. Người phi công hải quân Mỹ vừa kéo con tàu lên sau một loạt tấn công cũng bối rối không kém:
– Roger! Sir, Did you say... right on it? Over?
– Yes sir, it’s all over. I said you salvo right on it. Over.
– Roger, sir, I understood, sir, Over.

Chỉ có vậy thôi, đồn Dakseang biến thành một biển lửa sau 2 đợt bomb salvo của mấy chiếc Phantom. Tôi đang chứng kiến một hình ảnh mà có lẽ suốt đời sẽ không bao giờ quên được. Tôi biết nói gì lúc này đây cho những người chiến sĩ Địa Phương Quân QLVNCH? Tất cả những ngôn từ, những ý nghĩ đều trở thành vô nghĩa trước cảnh tượng bi thảm hào hùng này. Bay cách đó chừng 5 cây số với cao độ 5 ngàn bộ mà con tàu tôi như rung lên dưới tiếng nổ và sức ép khủng khiếp của mấy chục trái bomb 500 cân Anh nổ một lần. Làm sao còn có ai sống sót sau cơn tàn phá khủng khiếp này? Những thịt, những xương, những máu của các anh hùng Dakseang đã tung bay khắp nơi rồi rơi xuống lẫn lộn với bụi, với đá, với sắt, để rồi nằm im trên mặt đất. Cũng trên mặt đất nầy của quê hương, ở một nơi nào đó, những người vợ, những đứa con, những bà con thân bằng quyến thuộc của các anh đâu biết người thân của mình vừa anh dũng đền nợ nước, vừa “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” như lời trăn trối cuối cùng của người đồn trưởng, vừa chết để cho cả dân tộc được sống, được hít thở không khí Tự Do dù chỉ trong một khoảnh khắc.

Ngày mai đây, những chiếc khăn tang trắng sẽ được chít vội vã lên đầu những người thiếuphụ nghèo nàn khổ sở kia, những khuôn mặt bầu bĩnh vô tội của trẻ thơ. Nước mắt nào khóc cho hết nỗi bi thương của người vợ lính VNCH đây hỡi ông trời xanh thẩm? Hình ảnh nào có thể thay thế được hình ảnh ngọt ngào của Cha chúng nó, suốt khoảng đời còn lại của những em bé hồn nhiên vô tội kia hỡi ông trời?Dân tộc tôi đã làm gì nên tội, “Tử biệt sinh ly” câu nói nghe được từ thuở học trò bây giờ mới thấy trọn nghĩa ý đau thương.
Máu nào chảy mà ruột không mềm, mắt tôi bỗng chan hòa nước mắt. Tôi tống ga bay trở lại đồn. Qua màn lệ nhạt nhòa, tôi chẳng còn thấy gì, ngoài những cụm khói đen bốc lên giữa đồn. Những cụm mây oan khiên vừa rồi vẫn còn vần vũ như những chiếc khăn tang trắng lồng lộng bao phủ cả bầu trời. Mây ơi là mây, còn sống chẳng chịu giúp nhau, bây giờ người đã chết, đồn đã mất sao còn lảng vảng để khóc thương.

Trời chiều cao nguyên vốn đã thê lương cô quạnh lại càng trở nên tang tóc sầu thảm hơn. 2 chiếc Phantom Hoa kỳ ráp thành một hợp đoàn tác chiến bay nhữngvòng tròn thấp chung quanh đám đất đá điêutàn không hiểu để quan sát hay để chào vĩnh biệt những chiến sĩ gan dạ anh hùng của Địa Phương Quân QLVNCH. Dưới trời chiều nắng tắt, trông hợp đoàn Phantom như 2 con chim hải âu ủ rủ lượn từng vòng quanh xác chết của đồng loại. Sau khi nhận kết oanh kích của anh Ngọc, giọng nói xúc động của người phi tuần trưởng Phantom vang lên:
– Sir, may I reach out across the fires and destructions of today to tell you this: Those people down there have fought like men and have gone in honor.
Giọng anh Ngọc run run nghẹn ngào:
– Yes sir, they have gone in honor. That was an Alamo by all means, sir. An ever greater Alamo than ours, Over.
Tôi thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má anh Ngọc.
– Roger! We have thousand of Alamo like that every day in our country.
– Roger, I believe that, sir, God bless you all. Over.
2 chiếc Phantom liếc cánh chào vĩnh biệt rồi bốc lên cao, mất hút giữa bầu trời ảm đạm. Alamo, cái tên nghe đã đi vào huyền sử của dân tộc Hoa Kỳ mà bất cứ công dân Mỹ nào nghe cũng phải hãnh diện. Alamo, làm tôi nhớ đến bài học Anh văn năm đệ ngũ. Alamo, đúng ra là một ngôi nhà thờ “Y pha nho” mà 2 ngàn chiến sĩ kỵ binh Hoa Kỳ đã tử thủ khi chống cự lại với hàng chục ngàn quân Mễ Tây Cơ cho đến giây phút cuối cùng.Không ai đầu hàng và tất cả đã bị tàn sát. Người Mỹ chỉ có một thành Alamo trong suốt 200 năm lập quốc mà cả thế giới đều biết, đều mến phục. Đất nước tôi có bao nhiêu thành Alamo còn tàn khốc hơn, đẩm máu gấp ngàn lần hơn suốt bao nhiêu năm chinh chiến.

Sáng hôm sau tôi và anh Ngọc bay thêm 1 phi vụ sớm trước khi bàn giao biệt đội. Tối đêm qua một trận mưa bomb của B52 đã cày nát khu tập trung quân giặc. Dù biết là vô ích, chúng tôi vẫn mở lại tần số cũ để gọi cho Thạnh trị. Nhưng chả còn Thạnh trị nào để trả lời cho Bạch ưng nữa. Đồn Dakseang chỉ còn là đống đất vụn điêu tàn. Gió thổi lên từng cơn cuốn theo những lớp bụi đỏ mù. Tôi nhìn xuống đó, tưởng nhớ đến những cái chết oai hùng chiều qua. Trong một quê hương khói lửa, kiếp người quả thật mong manh như gió, như đám bụi mù kia. Mới nói nói cười cười mà giờ đây đã ngàn thu vĩnh biệt.
Bay thêm vài vòng quanh đồn để tưởng nhớ ngậm ngùi cho các anh rồi cũng đến lúc phải từ giã để ra đi. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Thôi thì xin thành kính nghiêm trang giơ tay chào vĩnh biệt các anh.
Những người lính Địa Phương Quân âm thầm của một tiền đồn xó núi. Địa Phương Quân, cái tên nghe khiêm nhường và hiền lành như đất, như bộ đồ xanh bạc màu của các anh. Địa Phương Quân, thứ lính... âm thầm nhất trong các thứ lính của quân lực; không màu mè,không áo rằn ri, không có những huyền thoại khủng khiếp, không “truyền thống, binh chủng” không có đến những khẩu hiệu nẩy lửa chết người. Nhưng Địa Phương Quân Pleiku chiều hôm qua đã bình tỉnh xin “cho nó nổ trên đầu tôi”. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi bạn ơi”. Xin vĩnh biệt và cảm tạ. Cảm tạ các anh đã đem cái quí giá nhất của cuộc đời là mạng sống mình để đổi lấy cho quê hương dù đã rách nát tả tơi còn có được những ngày xanh hy vọng. Cho buổi hợp chợ ban mai, dù nghèo nàn thưa thớt vẫn còn được an bình. Cho ngôi trường quận lỵ thấp lè tè, những mái tôn cháy nắng còn rộn tiếng trẻ thơ cười. Cho mái chùa cong cong nơi sườn núi còn được ngân lên những hồi chuông tín mộ. Và cho những người ở lại như tôi đây biết rằng mình sống tức còn nợ phải trả…. Các anh chính là những người được mô tả trong một bài học thuộc lòng tôi thuộc làu làu lúc còn là một đứa bé:

“Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ tự do cho tổ quốc
Trong chiến đấu không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Những kẻ sống lòng son không biến chuyển
Tuy tên họ không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khẩn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và linh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt..”

Xin thành kính viết lại một phần bài thơ của Đằng Phương để tặng các anh.
Các anh chính là những “Anh Hùng Vô Danh”. Tổ Quốc Việt Nam, Dân Tộc Việt Nam ngàn đời sẽ còn ghi ơn các anh. Xin vĩnh biệt và cảm tạ.

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét