Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Nhắc Nhở Hôm Nay: Nhớ Tham Dự Tiệc Tân Niên Của Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali Và Những Tin Nóng Biến Chuyển Thời Sự - Lê Văn Hải

Nhân Dịp Tiệc Mừng Tân Niên Quý Mão Năm 2023 Của Hội, Lúc 5 Giờ Chiều Thứ Sáu, Ngày 24 Tháng 2 Năm 2023, (Hôm Nay!) Tại Nhà hàng Dynasty, San Jose. Xin Được Giới thiệu Chút Hoạt Động và Đường Lối Của Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali Với Tôn Chỉ “Xây Dựng Cộng Đồng và Tranh Đấu Cho Một Việt Nam Dân Chủ Tự Do!”
Kính thưa quý vị. Trong Tiệc Tân niên Quý Mão năm 2023 hôm nay, điều đầu tiên, Hội chúng tôi muốn gởi đến quý vị, là lòng biết ơn về sự hiện diện và sự tin yêu của quý vị, các Nhân sĩ, các Hội Đoàn đoàn thể Người Việt Quốc Gia thời gian qua, đã dành cho Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali chúng tôi.
<!>
Vâng, kính thưa Quý Vị,

Hội chúng tôi tập hợp những nhà báo, ký giả, phóng viên, đã hoạt động truyền thông nhiều năm qua, tại miền Bắc Cali này, cùng lập trường Người Việt Quốc Gia. dùng ngòi bút, micro hay camera, dùng báo chí, truyền thanh, truyền hình, để phổ biến các tin tức khắp nơi, các bình luận, các sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chí trung thực, không tham gia, hay tạo những xung đột, tranh cãi gây chia rẽ trong cộng đồng. Nhờ phương tiện internet, thành viên trong Hội chúng tôi thường xuyên dùng hệ thống email yahoo và gmail, để đưa các tin tức mới nhất đang xảy ra trên thế giới, hay nhắc các sự kiện sắp diễn ra trong Cộng Đồng Người Việt tại San Jose.

Kính thưa quý vị.

Đến nay đã bước qua năm thứ 48, tính từ 30 tháng 4 năm 1975, Cộng Sản Việt Nam độc Đảng, độc tài, vẫn toàn trị trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Là những người Việt dù lưu vong, nhưng không thể thờ ơ với những oan sai bất công, những bản án tù không tội, cho người trong nước do CSVN gây ra, Hội chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin trong nước, đã có những thông cáo báo chí, kháng thư, những bình luận phổ biến trên các trang mạng xã hội, lên án tội ác của nhà cầm quyền CSVN. Hội chúng tôi vẫn luôn luôn theo dõi, hỗ trợ tinh thần những nhà đấu tranh trong nước, đặc biệt là những cây bút đấu tranh, đang phải chịu cảnh tù tội như: nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển v.v..các bạn trẻ như Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Quốc Đức Vượng, Nguyễn Viết Dũng v.v..

Kính thưa quý vị,

Với những hoạt động xây dựng cộng đồng như trên, với lập trường lý tưởng của người Việt Quốc Gia, Hội chúng tôi luôn mong sự hỗ trợ và đồng hành cùng tất cả Quý Vị, để dù chỉ có vũ khí là ngòi bút, Hội chúng tôi quyết cùng toàn dân trong nước đấu tranh, cho 1 Việt Nam phải có dân chủ, dân quyền trong tương lai, thoát được kiếp nạn Độc Đảng, Độc tài.

Xin cám ơn quý vị. Hẹn gặp!


Bão Lớn Mùa Đông Mang Theo Tuyết, Gió Giật, Lạnh Giá, Bao Trùm Phần Lớn Miền Bắc Hoa Kỳ, Cali Cũng Bị Ảnh Hưởng Nặng!


(Hình: Bão tuyết tại thành phố Amherst, New York, ngày 24/12/2022.)
-California cũng đang đối phó với đợt bão mới nhất trong một loạt cơn bão mùa Đông, khi những cơn gió bắt đầu thổi vào ngày 21/2, mang theo khí ẩm gây mưa, tuyết và mưa đá cho phần lớn tiểu bang. Cơ quan Thời tiết cho biết, một “trận tuyết lớn” có thể xảy ra ở chân đồi và núi gần Los Angeles, với dự đoán vài inch ngay cả ở cao độ thấp.

Nhà khoa học khí hậu Daniel Swain của UCLA viết trên Twitter, lạnh đến nỗi: “Gần như toàn bộ cư dân CA sẽ có thể nhìn thấy tuyết từ một điểm thuận lợi nào đó, vào cuối tuần này, nếu họ nhìn đúng hướng.
Nhiệt độ ban ngày ở Nam California khó có thể vượt quá mức độ rất thấp, rất lạnh, kèm theo những cơn gió lên tới 60 dặm /giờ, đã đang có dọc theo bờ biển miền Trung, với những cơn gió giật rất mạnh xảy ra ở vùng núi, lảm cây đổ ngả nghiêng.

Tại miền Bắc, thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông mang theo tuyết rơi, gió giật nguy hiểm và cái lạnh buốt giá bao trùm phần lớn miền Bắc Hoa Kỳ, ngày 22/2/2023, khiến nhiều tuyến đường, trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa, đồng thời có những cảnh báo khẩn cấp yêu cầu mọi người ở nhà.

Gió giật, kết hợp với tuyết và mưa, buộc phải đóng cửa một đoạn dài đường cao tốc liên bang ở phía Tây-Nam. Trong khi đó, nhiều nơi ở vùng Đông-Bắc cho đến Đông-Nam nước Mỹ từ New York cho đến Virginia xuống tới Florida dự kiến sẽ có nhiệt độ cao kỷ lục - trong một số trường hợp lên tới 4,44 độ C trên mức bình thường.

Nhiều trường học trên khắp các tiểu bang Dakota, Minnesota và Wisconsin đã phải đóng cửa ngày 22/2, trước cơn bão. Các văn phòng đóng cửa và Cơ quan Lập pháp Minnesota cũng vậy. Thống đốc South Dakota, Kristi Noem, đóng cửa các văn phòng chi nhánh Hành pháp ở một số vùng của tiểu bang và nhân viên làm việc ở nhà.

Ở Wyoming, hầu như mọi con đường đều bị ảnh hưởng và nhiều tuyến đường bị đóng. Giới hữu trách cảnh báo họ có thể giữ nguyên quyết định này trong nhiều ngày.

“Vui lòng thay đổi kế hoạch du lịch nếu bạn đang đến Wyoming, chờ đi về phía Tây từ Cheyenne hoặc Laramie trên xa lộ I-80 hoặc chờ đi về phía Đông trên xa lộ I-80 từ Rock Springs”, Bộ Giao thông-Vận tải Wyoming đăng trên Facebook. “Một cơn bão mùa Đông lớn và có thể phải đóng cửa nhiều ngày trên các Xa lộ Liên tiểu bang và đường phụ trên khắp Wyoming!”

Bà Michelle Wilson cho biết hoạt động kinh doanh diễn ra chậm chạp tại nhà hàng Denny’s nơi bà làm việc ở Fargo, North Dakota, nơi nhiệt độ buổi sáng là âm 11 độ F (âm 24 độ C). bà Wilson không ngạc nhiên - mọi người biết rõ hơn là không nên mạo hiểm đi ra ngoài khi thời tiết trở nên nguy hiểm như thế.
Bà Wilson nói: “Khi gió nổi lên và bạn ở một vùng đất bằng phẳng như North Dakota, điều kiện bão tuyết sẽ xảy ra ngay lập tức”.

Cơn bão sẽ di chuyển về phía Bờ Đông vào cuối tuần. Những nơi không có tuyết có thể có lượng băng nguy hiểm. Các nhà dự báo thời tiết tiên lượng lớp băng dày tới 1,27 cm ở một số khu vực phía Nam Michigan, phía Bắc Illinois và một số tiểu bang phía Đông.

Trận tuyết rơi có thể mang tính lịch sử, ngay cả ở một vùng đã quen với tuyết dày. Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia cho biết có thể có tới 63,5 cm, với lượng lớn nhất rơi ở phía Đông trung tâm Minnesota và trung tâm phía Tây Wisconsin. Gió giật có thể đạt vận tốc 80 cây số/giờ và gió lạnh dự kiến sẽ đạt âm 46 độ C ở một số khu vực của Dakota và Minnesota.

Khu vực Minneapolis-St.Paul lần đầu tiên trong hơn 30 năm có thể có tuyết dày từ 61 cm trở lên.
Nhiệt độ ở phía Bắc nước Mỹ có thể giảm xuống mức âm 29 độ C vào ngày Thứ Năm 23/2 và xuống âm 32 độ C vào Thứ Sáu 24/2 ở Grand Fork, North Dakota. Ông Nathan Rick, một nhà khí tượng học ở Grand Forks cho biết, gió lạnh có thể đạt tới 80 cây số/giờ ở phía Tây và trung tâm Minnesota, dẫn đến kết quả “tuyết thổi và trôi đáng kể với điều kiện trắng xóa ở các khu vực trống trải”.

Theo cơ quan thời tiết, sự kiện tuyết lớn nhất được ghi nhận ở Twin Cities là khoảng 72,1 cm từ ngày 31/10 đến ngày 3/11 năm 1991 - được gọi là Trận bão tuyết Halloween. Trận lớn thứ hai là 53,5 cm tuyết từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 năm 1985. Twin Cities có 50,8 cm tuyết vào ngày 22/1 và ngày 23/1 năm 1982.
Các chủ cửa hàng vât liệu cho biết người dân nói chung bình tĩnh đón nhận dự báo.

Tại C&S Supply, một cửa hàng vật liệu do nhân viên làm chủ ở Mankato, Minnesota, quản lý Corey Kapaun cho biết nhu cầu cao đối với muối và sạn, nhưng không phải đối với xẻng, máy thổi tuyết hoặc các thiết bị khác. Ông cho rằng thực tế là mùa Đông đã qua hai phần ba.
Ông Kapaun nói: “Tôi nghĩ mọi người hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa. “Lần tuyết rơi đầu tiên trong năm thường thu hút rất nhiều sự chú ý. Với một cơn bão như thế này, tôi mong đợi nhiều hơn một chút, nhưng chúng ta đã có một năm tuyết lớn rồi”.

Các nhà dự báo tại AccuWeather cho biết hệ thống bão tương tự có thể dẫn đến đóng băng trên một dải dài 2.092 cây số từ gần Omaha, Nebraska, đến New Hampshire vào Thứ Tư 22/2 và Thứ Năm 23/2, tạo ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho việc đi lại trong hoặc gần các thành phố như Milwaukee, Detroit, Chicago và Boston.

Vào lúc miền Bắc Hoa Kỳ đối phó với một đợt gió mùa Đông, dự kiến sẽ có nhiệt độ kỷ lục ở vùng từ New York và Đông-Nam - 30 độ đến 40 độ F cao hơn bình thường ở một số nơi. Nhà khí tượng học của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Frank Pereira cho biết mức cao kỷ lục được dự kiến từ Baltimore đến New Orleans và ở phần lớn Florida.
Hoa Thịnh Ðốn, có thể đạt gần 30 độ C vào thứ Năm 23/2, vượt qua kỷ lục 25,5 độ được thiết lập vào năm 1874.

Đoạn đường dài hơn 320 cây số của Xa lộ Liên tiểu bang 40 từ trung tâm Arizona đến tuyến New Mexico đã đóng cửa vào sáng 22/2 do gió giật lên tới 128 cây số/giờ, cộng với tuyết và mưa. Hàng ngàn người không có điện ở Arizona.


Biến Chuyển Thời Cuộc! Quốc Tế Lo Lắng! Nhiều Dấu Hiệu Cho Thấy, Trung Quốc Sẽ Sánh Vai Với Nga, Trong Cuộc Chiến Ukraine Những Ngày Sắp Tới!



Lãnh Đạo Cao Cấp Nhất Ngành Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Nghị Vừa Tuyên Bố: Quan Hệ Nga-Trung “Vững Như Bê-Tông! Cốt Sắt!”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay trong chuyến viếng thăm tại Mạc Tư Khoa ngày 21/2/2023, lãnh đạo ngành ngoại giao của Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố với một trong những Cố vấn của Tổng thống Nga Putin rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa “vững chắc như bê tông”, có thể cưỡng lại mọi thách thức “trong một môi trường quốc tế đầy biến động”.
Theo hãng tin Reuters, ông Vương Nghị đã nói với thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Nikolai Patrouchev là Trung Quốc và Nga nên đề ra những biện pháp chung để bảo đảm an ninh của hai nước. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc không nêu chi tiết về các biện pháp này.

Ông Vương Nghị đã đưa ra những tuyên bố nói trên vào lúc Hoa Kỳ và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) lo ngại về khả năng Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga để tiếp tục tấn công Ukraine.

Về phần Patrouchev, một nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, ông khẳng định là Nga ủng hộ hoàn toàn Trung Quốc trong cuộc đối đầu với khối phương Tây, đồng thời tuyên bố là Mạc Tư Khoa có chung lập trường với Bắc Kinh về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương, tức là những hồ sơ vẫn gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Chuyến đi Mạc Tư Khoa của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc diễn ra vài tháng trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ đến thủ đô Nga để họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin, theo tin của nhật báo Mỹ The Wall Street Journal.

Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không lên án nước Nga và vẫn không xem đây là một cuộc xâm lược. Ngược lại, Trung Quốc cảnh cáo một số quốc gia, chủ yếu ám chỉ Hoa Kỳ, đừng nên đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vài ngày trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Tổng thống Putin đã ký với Chủ tịch Tập Cận Bình một Hiệp định thiết lập một đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc.

Tiếp ông Vương Nghị hôm 22/2, Tổng thống Putin đã cho rằng quan hệ Nga-Trung “đang giúp làm ổn định tình hình quốc tế”. Hiếm khi nào Tổng thống Nga tiếp một lãnh đạo ngoại quốc không phải là nguyên thủ quốc gia. Cuộc gặp này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.


NATO Nhiều Quan Ngại, Vì Có Khả Năng Trung Quốc Hỗ Trợ Quân Sự Nga!

- Ngày 22/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Tổng Thư ký Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg, ngày 21/2 tỏ ra “ngày càng lo lắng” về khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga.

Theo thông tấn xã AFP, phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), ông Jens Stoltenberg lấy làm lo lắng rằng “Trung Quốc có thể tính đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho cuộc chiến tranh của Nga”. Tuy nhiên, lãnh đạo liên minh quân sự này đã mạnh mẽ bác bỏ những lời tố cáo mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu hôm qua khi cho rằng mối đe dọa của phương Tây giải thích cho cuộc xâm lược Ukraine.

Tổng Thư ký NATO quả quyết “không ai tấn công Nga. Chính nước Nga là kẻ gây hấn. Ukraine là nạn nhân (…) Chính Tổng thống Putin là người đã bắt đầu cuộc chiến đế quốc chinh phục. Chính Putin đã tiếp tục leo thang chiến tranh”, đồng thời ông chỉ trích Tổng thống Nga không đưa ra một dấu hiệu nào để chuẩn bị cho nền hòa bình.
Cũng theo hãng tin Pháp AFP hôm 21/2, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, trên kênh truyền hình France 5, cũng tỏ thái độ lo lắng việc Trung Quốc và Nga ngày càng xích lại gần hơn. Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp cho biết Paris sẽ giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều khả năng hỗ trợ cho Nga.

Ngoại trưởng Pháp cho rằng lập trường của Trung Quốc sẽ được thể hiện rõ tại New York nhân kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 24/2/2023.
Pháp, NATO và phương Tây nói chung đã có thái độ lo lắng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình Mỹ CBS News, khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp “vũ khí sát thương” cho Nga.


Trung Quốc Công Bố Tài Liệu Về Chiến Lược Chống Mỹ!

- Hôm thứ Hai, 20/2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ.

Theo tờ Le Monde, tài liệu đầu tiên có tựa đề “ Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ khi độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết:” Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraine, Iraq, A Phú Hãn, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: Tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian”. Theo cái nhìn của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine chính là hậu quả từ những thủ đoạn của phương Tây.

Trong tài liệu nói trên, Trung Quốc lên án việc Hoa Kỳ đặt “ 800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến “hơn 3.900” trừng phạt kinh tế. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và Âu Châu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.
Trong tài liệu thứ hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất cụ thể và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó.

Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về điểm này, tài liệu cho rằng “ tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những cụm từ mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Quốc đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, thông qua các dự án “những con đường tơ lụa mới”.


Leo Cao Chiến Tranh Ukraine! Khi Putin Nói Tập Cận Bình Sắp Thăm Nga, Quan Hệ Hai Bên Đạt Tới ‘Những Dấu Mốc Mới!’


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/9/2022.)
-Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư (22/2/2023) cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nga, và tuyên bố mối quan hệ giữa hai nước đã đạt đến “những dấu mốc mới” giữa bối cảnh Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh có thể cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sẽ đe dọa khả năng leo thang chiến tranh Ukraine thành một cuộc đối đầu giữa một bên là Nga và Trung Quốc và một bên là Ukraine và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ đứng đầu.
Tổng thống Putin đã chào đón nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đến Ðiện Cẩm Linh, và nói với ông rằng thương mại song phương tốt hơn mong đợi và có thể sớm đạt 200 tỉ Mỹ kim mỗi năm, tăng từ 185 tỉ Mỹ kim vào năm 2022.
“Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới Nga, chúng tôi đã đồng ý về việc này”, ông Putin nói với ông Vương.

“Mọi thứ đang tiến triển, đang phát triển. Chúng ta đang vươn tới những ranh giới mới”, ông Putin nói.
Ông Vương nói với ông Putin rằng quan hệ giữa hai nước sẽ vững như bàn thạch bất chấp áp lực từ tình hình quốc tế đầy biến động, và rằng các cuộc khủng hoảng mang đến những cơ hội nhất định.

Thông qua người phiên dịch, ông Vương nói quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào nhưng cũng sẽ “không chịu khuất phục trước áp lực từ bên thứ ba”, một đả kích rõ ràng nhắm vào Hoa Kỳ, theo nhận định của thông tấn xã Reuters.
“Cùng nhau, chúng tôi ủng hộ đa cực và dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế”, ông Vương nói với ông Putin. “Điều này hoàn toàn phù hợp với tiến trình thời gian và lịch sử. Nó cũng đáp ứng lợi ích của đa số các quốc gia”.

Trước đó, ông Vương đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nói rằng ông mong muốn đạt được các thỏa thuận mới trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, chi tiết các thỏa thuận không được đưa ra.

Khi ông Tập gặp mặt trực tiếp ông Putin ngay trước khi Nga xua quân vào Ukraine, hai lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ đối tác “không giới hạn” khiến phương Tây lo lắng.

Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, một trong những nguồn thu chính cho kho bạc nhà nước của Mạc Tư Khoa.


Trước Biến Chuyển Cuộc Chiến Ukraine, Khi Vương Nghị: Quan Hệ Nga-Trung ‘Vững Như Bàn Thạch!’


(Hình: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.)
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ngày 21/2/2023 nói với một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng mối quan hệ của Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa là ‘vững như bàn thạch’ sẽ chống chọi được bất kỳ thử thách nào trong tình hình quốc tế đang thay đổi.

Mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ của Trung Quốc với Nga bị phương Tây chú ý sau khi Hoa Kỳ lên tiếng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga sau một năm Nga đưa quân vào xâm lược Ukraine.
Tại một cuộc họp ở Mạc Tư Khoa, ông Vương Nghị nói với ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh đầy quyền lực của Nga, rằng ông mong đợi các cuộc thảo luận về an ninh.

“Mối quan hệ Trung Quốc-Nga có đặc điểm trưởng thành, vững chắc như đá và sẽ chống chọi được mọi thử thách trong tình hình quốc tế đang thay đổi”, ông Vương nói với ‘Đồng chí’ Patrushev thông qua một phiên dịch viên trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình nhà nước.
Ông Vương đề nghị Nga và Trung Quốc nên vạch ra các bước chung mới để bảo đảm an ninh của cả hai nước, nhưng không cho biết chi tiết.

Ông Patrushev, người thân cận với Tổng thống Putin, nói với ‘Đồng chí’ Vương rằng Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga và hai nước phải cùng nhau chống lại phương Tây.
“Trong bối cảnh tập thể phương Tây đang tiến hành một chiến dịch nhằm kiềm chế cả Nga và Trung Quốc, việc tăng cường hơn nữa hợp tác và tương tác Nga-Trung trên trường quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt”, RIA dẫn lời ông Patrushev.

Chuyến Thăm của Ông Tập?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị đến thăm Mạc Tư Khoa để dự hội nghị thượng đỉnh với Putin trong những tháng tới, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 21/2, trích dẫn những người quen thuộc với kế hoạch này.

WSJ cho biết, công tác chuẩn bị cho chuyến đi đang ở giai đoạn đầu và thời gian chưa được chung quyết, đồng thời cho biết thêm rằng ông Tập có thể đến thăm vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5, khi Nga kỷ niệm chiến thắng trước Đức trong Ðệ nhị Thế chiến.

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine từ 24/2 năm 2022 đã gây ra một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến thứ hai và là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.

Nga đưa quân vào Ukraine chỉ vài tuần sau khi ông Putin và ông Tập tuyên bố hợp tác ‘không giới hạn’.
Ông Tập đã đứng về phía ông Putin, chống lại áp lực của phương Tây về việc cô lập Nga. Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng vọt kể từ cuộc xâm lược Ukraine, và Nga đã bán cho các cường quốc Á Châu bao gồm cả Trung Quốc một lượng dầu lớn hơn.

Ông Putin và ông Tập chia sẻ một thế giới quan rộng lớn coi phương Tây là suy đồi và đang suy tàn, trong lúc Trung Quốc thách thức uy quyền tối cao của Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực, từ kỹ thuật đến gián điệp và sức mạnh quân sự
Hoa Kỳ coi Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa quốc gia-nhà nước lớn nhất đối với an ninh của mình. Trung Quốc được Hoa Thịnh Ðốn coi là ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’ lâu dài nghiêm trọng nhất và Nga là ‘mối đe dọa cấp tính’.

“Tôi muốn xác nhận rằng chúng tôi tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh về các vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông”, ông Patrushev nói.

Ông Vương dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào 22/2 trong khuôn khổ chuyến thăm Mạc Tư Khoa. Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết ông không loại trừ khả năng có cuộc gặp giữa ông Vương và ông Putin và cho biết ‘có rất nhiều điều để nói’.


Trung Quốc Sát Cánh Với ‘Đối Tác Không Giới Hạn’ Nga Thế Nào?


(Hình: Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.)
-Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Nga xua quân qua xâm lược Ukraine sau vài tuần Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa công bố mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ khiến phương Tây lo ngại.

Trung Quốc Bày Tỏ ủng Hộ Nga Thế Nào?
Bắc Kinh mang lại sự bảo bọc ngoại giao cho Mạc Tư Khoa, không lên án hành vi của Nga cũng không gọi đây là một cuộc xâm lược, xuôi chiều với Ðiện Cẩm Linh vốn mô tả cuộc chiến tranh là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ nhằm bảo vệ an ninh cho Nga.

Dù Trung Quốc nhiều lần kêu gọi hòa bình, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, phản đối áp lực của phương Tây muốn cô lập Mạc Tư Khoa.
Trung Quốc cũng tăng cường thương mại với Nga, đặc biệt sẵn sàng mua năng lượng xuất cảng của Nga, cung cấp một huyết mạch cho nền kinh tế bị trừng phạt của Nga.

Cái Giá Phải Trả của Trung Quốc Là Gì?
Các nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga đã làm tổn hại sâu sắc đến thiện chí với phương Tây, cản trở nỗ lực của Bắc Kinh muốn chia rẽ Brussels và Hoa Thịnh Ðốn.
Các nhà ngoại giao cho biết, động thái của Nga đối với Ukraine ban đầu dường như đã khiến Trung Quốc chới với. Khi tới thăm Bắc Kinh vào đầu Thế vận hội mùa Đông năm 2022, ông Putin không hề cảnh báo ông Tập về kế hoạch xâm lược.

Cuộc chiến cũng đặt Trung Quốc vào một tình thế khó xử vì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Trung Quốc Được Gì?

Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến đã làm gia tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc, ngày càng khiến Mạc Tư Khoa trở thành đối tác nhỏ hơn và củng cố vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh đối với các nước mới nổi nhằm chống lại trật tự hậu Ðệ nhị Thế chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Alexander Gabuev, thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng: “Trung Quốc tham gia vì tư lợi, vậy thôi. Một nước Nga yếu hơn có lẽ là một nước Nga có thể làm nhiều hơn để phục vụ lợi ích của Trung Quốc”.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, Trung Quốc cũng đã tăng nhập cảng dầu thô của Nga có giá thấp hơn mức chuẩn toàn cầu, với lượng dầu thô nhập cảng trung bình hàng ngày từ Nga tăng khoảng 45% về giá trị từ sau cuộc xâm lược đến tháng 12.

Bắc Kinh lo ngại về sự mở rộng hiện diện an ninh của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Bằng cách phản đối việc Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mở rộng sang nơi mà Nga coi là sân sau của mình, Trung Quốc tạo tiền đề để phản đối hoạt động tiếp theo của Hoa Kỳ trong khu vực lân cận của Trung Quốc.

Có Thật Sự Là Quan Hệ Đối Tác ‘Không Giới Hạn’?

Trung Quốc đã tìm cách tránh cung cấp hỗ trợ cho Nga mà có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt cho Bắc Kinh, bao gồm cả việc kiềm chế cung cấp vũ khí. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với lời cảnh báo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng chớ có cung cấp vũ khí cho Nga.

Bắc Kinh cũng tìm cách tạo khoảng cách ngôn từ giữa họ và Mạc Tư Khoa để tránh những tổn hại không thể khắc phục được trong quan hệ với phương Tây, đồng thời sử dụng ảnh hưởng của mình với Mạc Tư Khoa để thúc giục Putin không sử dụng vũ khí nguyên tử.

Quan Điểm của Trung Quốc Về Cuộc Chiến ở Ukraine Có Biến Chuyển?

Trung Quốc ngày càng đóng vai trò công khai tích cực hơn sau nhiều tháng cổ súy các cuộc đàm phán hòa bình mà không có hành động trực tiếp.
Ông Tập dự kiến sẽ có một ‘bài phát biểu hòa bình’ vào ngày 24/2, ngày kỷ niệm cuộc xâm lược, và Trung Quốc sẽ đăng bài về cuộc xung đột Ukraine nêu rõ lập trường của họ.

Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nhận định: “Với sự thất bại của Nga trên chiến trường, cơ hội đàm phán đang chín muồi, theo quan điểm của Trung Quốc”.
“Sự xuất hiện của chính sách ngoại giao con thoi của ông Vương Nghị và bài phát biểu sắp tới của ông Tập về chủ đề này, ám chỉ hướng đi này”, bà nói, đề cập đến chuyến thăm Mạc Tư Khoa trong tuần này của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sau khi ông gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken và các viên chức phương Tây khác trong chuyến công du đang tiếp diễn tại Âu Châu.

Cuộc Chiến Ukraine Có Ảnh Hưởng Ý Đồ của Trung Quốc Đối Với Đài Loan?

Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối bất kỳ mối liên hệ nào giữa cuộc chiến Ukraine với ý định ‘thống nhất’ hòn đảo tự trị Đài Loan mà họ tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, ngày 21/1 kêu gọi ‘một số quốc gia’ ngừng thổi phồng câu chuyện ‘hôm nay Ukraine, ngày mai Đài Loan’, một động thái rõ ràng là chỉ trích Hoa Kỳ.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc chắc chắn cân nhắc những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như phản ứng của các quốc gia khác, trong lúc đo đếm suy tính lâu dài của họ đối với Đài Loan dân chủ, nơi mà Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ chiếm quyền kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.
“Kết cục và cái giá của cuộc chiến tại Ukraine cho Trung Quốc thấy rằng một cuộc xâm lược Đài Loan có thể không khôn ngoan”, nhà phân tích Sun nói.

“Điều đó không có nghĩa là họ sẽ không ra tay nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Nhưng cơ hội để họ chủ động là nhỏ hơn”.


Trung Quốc Thay Đổi Thái Độ! Muốn Khuấy Động Không Khí Chiến Tranh Mới Với Mỹ?
(Thùy Dương)

-Bên cạnh chiến tranh Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung là một đề tài được báo Le Monde khai thác với hai bài viết “Trung Quốc điều chỉnh rõ ràng chiến lược chống Mỹ” và “Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn đối đầu trực tiếp”.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên báo Le Monde, Frédéric Lemaitre, cho biết Trung Quốc mới công bố hai tài liệu. Tài liệu đầu tiên có tên gọi “Quyền bá chủ của Mỹ và những mối nguy hiểm” được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm thứ Hai, giống như một bản cáo trạng dài về chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay.

Tài liệu thứ hai là “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” của Trung Quốc, với tham vọng “loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của các xung đột quốc tế, cải thiện an ninh toàn cầu, khuyến khích các nỗ lực chung của quốc tế nhằm mang lại sự ổn định và bền vững hơn trong thời kỳ rối ren nhiều thay đổi, thúc đẩy hòa bình và sự phát triển bền vững trên thế giới”. Trong một số phần, không có quốc gia cụ thể được trích dẫn, nhưng tài liệu có sử dụng những thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để mô tả chính sách của Mỹ.
Le Monde nhận định việc Trung Quốc công bố 2 tài liệu nói trên, lên án gay gắt “tâm lý chiến tranh lạnh” của Hoa Thịnh Ðốn và coi Mạc Tư Khoa là nạn nhân của các thủ đoạn của phương Tây, có thể khuấy động căng thẳng và củng cố bầu không khí “chiến tranh lạnh mới” giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh.

Chiến Tranh Ukraine và Làn Sóng Di Dân ở Âu Châu Lớn Nhất Tính Từ Đệ Nhị Thế Chiến

Theo thường lệ, chiến tranh Ukraine vẫn là đề tài được Le Monde quan tâm. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa “Joe Biden đến Kyiv: Nền Dân chủ vẫn trụ vững”. Cũng như Libération, trong số ra hôm nay, Le Monde quan tâm đến số phận của người Ukraine tị nạn và dành 3 bài viết cho chủ đề này.
Hơn 8 triệu người Ukraine phải ra ngoại quốc tị nạn từ 1 năm qua, làn sóng di dân ở Âu Châu lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, cao hơn nhiều so với làn sóng tị nạn người Syria, Venezuela và A Phú Hãn. Hơn 90% là phụ nữ và trẻ em. 3 nước đón nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất là Ba Lan, Đức và Cộng hòa Czech.

Theo Le Monde, có nhiều yếu tố khiến người Ukraine dễ được Âu Châu đón nhận hơn: yếu tố địa lý, trình độ học vấn: 71% có trình độ Đại học (theo số liệu của OCDE) nên hội nhập khá dễ dàng vào thị trường lao động ở các nước. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của cộng đồng người Ukraine ở Liên Hiệp Âu Châu, vốn dĩ cũng đã khá đông: 1,35 triệu người, chủ yếu là di dân kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, năng lực chuyên môn, nhà trẻ, trường học cho con cái…. Chính vì thế, có đến 81% muốn trở về nước.

Viện Trợ Ukraine: Các Nước Đông Âu Trên Tuyến Đầu

Về viện trợ cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, Les Echos cho biết các nước Đông Âu vẫn ở tuyến đầu. Nếu tính theo GDP, chính các nước thuộc khối Cộng sản cũ đã viện trợ cho Kyiv nhiều nhất về tài chánh trong một năm qua, theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức.

Estonia và Latvia đã dành hơn 1% GDP trong năm qua cho nước láng giềng Ukraine. Tiếp theo là Ba Lan và Lithuania (0,8% GDP). Bảo Gia Lợi, Slovakia và Cộng hòa Czech cũng trong nhóm nước dẫn đầu, cùng với hai nước Tây Âu là Đan Mạch và Hòa Lan. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp thì thua xa, so với quy mô kinh tế của các nước này (gần 0,4% GDP).

Còn nếu tính theo giá trị tuyệt đối, về mặt logic, các quốc gia lớn nhất viện trợ nhiều nhất cho Kyiv, trong đó phải kể đến Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là viện trợ quân sự.
Chiến Tranh Ukraine: Nước Nga Chảy Máu Chất Xám

Nhìn sang nước Nga, Le Monde nói về nạn “chảy máu chất xám”. Kể từ khi Putin điều quân xâm lược Ukraine, hàng trăm ngàn người Nga đã rời khỏi đất nước. Những người “lưu vong tạm thời” này thuộc tầng lớp xã hội có trình độ và có điều kiện để mua những tấm vé máy bay đắt đỏ.

Vào tháng 11/2022, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển Âu Châu, Frontex, ước tính có hơn 1,45 triệu người dân Nga đã vào Liên Hiệp Âu Châu kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, trong đó có hơn 500.000 người đến Phần Lan. Về phía chính quyền Nga, Mạc Tư Khoa đã không tiết lộ bất kỳ kết quả nghiên cứu nào về sự ra đi của người Nga, vốn đa phần liên quan đến giới trí thức, nhà báo, sinh viên đã tốt nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người làm công ăn lương có trình độ. Theo Le Monde, họ bị thúc đẩy ra đi bởi lòng thù hận nhà cầm quyền.

Về phía doanh nghiệp, họ tìm cách hạn chế phương thức làm việc từ xa để chống chảy máu chất xám. Trước Hạ viện, hồi tháng 12/2022, Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số, Maksout Chadaïev, đã cố gắng ngăn cản việc thông qua Dự luật cấm làm việc từ xa trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, bởi “hiện nay có khoảng 100.000 chuyên gia kỹ thuật thông tin đang ở bên ngoài đất nước”, “có tới 10% nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật thông tin không trở về nước”, tuy nhiên “80% số họ tiếp tục làm việc cho các công ty Nga ở các nước bạn hữu”.

Đối với chính phủ Nga, một lệnh cấm hoàn toàn phương thức làm việc từ xa sẽ có tác động quá tiêu cực đến hoạt động kinh tế của đất nước. Thế nhưng, một số biện pháp kiểu “cây gậy và củ cà rốt” cũng đã được đưa ra, chẳng hạn như miễn động viên quân dự bị, thưởng tiền hoặc thêm vào hợp đồng lao động các điều khoản mới hạn chế làm việc từ xa. Khi được trang RBK hỏi, Grigori Kocharov, Chủ tịch - Tổng Giám đốc của công ty kỹ thuật cao IBS, cho biết ông đã lập một danh sách các quốc gia “bị cấm” (thành viên NATO hoặc Liên Hiệp Âu Châu), các nước “được phép” và “bạn hữu”. Đối với những nhân viên rời Nga để đến các nước thuộc nhóm nước “bị cấm” và “được phép”, họ có thời hạn để quay về nước làm việc, nếu không sẽ bị sa thải.

Chiến Tranh Ukraine: Không Dễ Cô Lập Nga, Nền Kinh Tế Thứ 9 Trên Thế Giới Về GDP

La Croix hôm 22/2 cũng quan tâm đặc biệt đến nước Nga: Bên cạnh bài viết “Vladimir Putin duy trì sự đối đầu với Phương tây”, La Croix giải mã “Nước Nga lách các đòn trừng phạt kinh tế thế nào?”.
Theo báo Công giáo, kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng chưa sụp đổ. Đó là nhờ Nga đã tự giải phóng mình khỏi các quy tắc thương mại quốc tế, sử dụng nhiều chiến lược, tạo ra các tuyến thương mại mới, thiết lập các hệ thống “nhập cảng chui”, tạo ra các doanh nghiệp ở “các nước bạn hữu”. Các công ty này, được thành lập hợp pháp, chịu trách nhiệm mua các sản phẩm của Âu Châu bị cấm xuất cảng sang Nga, sau đó, thông qua hàng loạt trung gian, đưa sản phẩm đến Nga, cho dù thời gian giao hàng lâu hơn và giá cả tăng.

La Croix trích dẫn Tom ¬Keatinge, Giám đốc CFCS (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Tài chánh và An ninh), theo đó trung tâm của các tuyến thương mại này là Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ngoài ra, còn có Armeni, Kazakhstan hoặc Gruzia. Nhưng theo Giám đốc CFCS, hệ thống này hoạt động được cũng là nhờ sự lơ là ít nhiều có chủ ý của các công ty phương Tây, bởi họ không muốn hy sinh lợi ích của mình.
Các quốc gia liên quan đến việc Nga lách lệnh trừng phạt không phải đều là đồng minh của Nga, đôi khi họ hành động hoàn toàn do chủ nghĩa cơ hội. Gruzia là một ví dụ. Không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nằm trên tuyến đường bộ ngắn nhất chuyển hàng từ Thổ Nhỹ Kỳ đến Nga nên Gruzia tận dụng được tối đa tuyến thương mại mới này. Các máy bay chở hàng từ Iran đến Nga cũng bay qua không phận Gruzia.

Về phần mình, Nga đã thông qua luật chính thức cho phép hệ thống “nhập cảng chui”, do đó tự giải phóng mình khỏi các quy tắc quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thậm chí, để lách lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động buôn bán dầu lửa, Mạc Tư Khoa còn tạo ra một “hạm đội tàu ma” để xuất cảng dầu. Đó là các tàu đã hết hạn sử dụng, tàu có số đăng ký giả, bị đổi tên hiệu, ngụy trang, cắt mọi liên lạc khi đi qua một số nước…. Từ khi Âu Châu ngưng nhập dầu lửa Nga, Mạc Tư Khoa đã xoay sang Ấn Độ. Chỉ sau vài tháng, Tân Ðề Ly đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nga. Trung Quốc cũng trở thành một khách hàng lớn của Mạc Tư Khoa.

Từng chút một, các nước phát triển đang cố gắng bịt những lỗ hổng trong hệ thống các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng La Croix kết luận là vẫn rất khó để cô lập nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới về GDP, một trong những nhà sản xuất nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới và chiếm đến 1/8 diện tích đất toàn cầu.

Biden và Putin: Cuộc Đấu Tay Đôi Từ Xa

Khác với các đồng nghiệp, báo Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và 4 trang bài vở trong mục Sự kiện để vinh danh đạo diễn tài ba Steven Spielberg và bộ phim Fabelmans của ông, bộ phim lấy cảm hứng từ tuổi thơ của Steven Spielberg.
Tuy nhiên, Libération vẫn dành chỗ để nói về “Cuộc đấu tay đôi từ xa giữa Biden và Putin”. Vào ngày thứ 362 của cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin tại Ukraine, chênh nhau 7 tiếng đồng hồ và ở khoảng cách 1.000 cây số, Putin và Biden đã lần lượt cho thấy nhãn quan của họ về Ukraine, về thế giới, về các đồng minh và kẻ thù - dù là có thực hay chỉ là trong giả định - đều là “không thể hòa giải được”.

Chẳng hạn, trong bài phát biểu dài gần hai giờ trước Quốc hội, ông chủ Ðiện Cẩm Linh đã mô tả nước Nga như một thành trì bị bao vây, phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, mà trên hết Hoa Thịnh Ðốn là hiện thân. Putin nhấn mạnh: “Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ: gây ra một thất bại chiến lược cho Nga, nghĩa là kết liễu chúng ta vĩnh viễn”. Libération nhận định Putin đang muốn hồi sinh cú va chạm giữa các khối, về ý thức hệ, thậm chí là giữa các nền văn minh.Trong khi đó,Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ và Âu Châu “không tìm cách kiểm soát hay hủy diệt nước Nga” bởi “cuộc chiến đó không cần thiết. Đó là một thảm kịch”.

Hay như trong khi Tổng thống Mỹ tự hào là các nước đã phối hợp để ra những đòn trừng phạt lớn nhất từng được được áp đặt nhắm vào một quốc gia, thì ngược lại, Vladimir Putin đã mô tả một nền kinh tế chiến tranh đầy thắng lợi, thậm chí còn xem đó là một thời điểm mang lại cơ hội để kinh tế Nga tăng trưởng, để Nga củng cố quan hệ với các nước Á Châu.

Và trong khi Putin kêu gọi người dân siết chặt hàng ngũ phía sau ông, thì Joe Biden từ Warsaw tuyên bố “một nhà độc tài quyết tâm tái thiết một đế chế sẽ không bao giờ có thể làm xói mòn tình yêu tự do của người dân, sự tàn bạo sẽ không bao giờ đè bẹp được ý chí của những người muốn có tự do. Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng dành cho Nga”.

Cũng quan tâm đến “bộ đôi” Putin và Biden, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất “Chiến tranh lạnh” trên nền tấm hình hai nhà lãnh đạo quay lưng lại nhau, mỗi người nhìn đi một hướng. Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu trên trang nhất chạy tựa “Cú va chạm giữa hai thế giới”. Trong bài xã luận “Bức màn sắt”, Le Figaro cũng khắc họa sự tương phản trong các phát biểu của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, ai cũng chắc chắn mình mới là hiện thân của “sự thật”.


Bắc Kinh Ngang Ngược Trả Đũa Nói, Máy Bay Mỹ Giả Danh Máy Bay Dân Sự, Để Do Thám Trung Quốc!



(Hình: Máy bay chiến đấu FA-18 chuẩn bị hạ cánh trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 10/4/2018.)
- Ngày 22/2/2023, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 20/2 có bài viết cáo buộc Mỹ sử dụng máy bay giả danh dân sự để do thám hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tờ báo nói, trong năm 2022, Mỹ đã tiến hành hơn 600 hoạt động do thám như vậy đối với Trung Quốc.

Global Times trích dẫn thông tin tình báo từ công ty MizarVision cho biết Mỹ đã sử dụng tất cả các loại thiết bị do thám trên không, đôi khi là máy bay dân sự, khinh khí cầu.

MizaVision cho rằng con số các hoạt động do thám này của Mỹ có thể cao hơn vì có khi máy bay Mỹ tắt hệ thống phát tín hiệu ADS-B hoặc sử dụng nhận dạng giả.
Các máy bay do thám của Mỹ được Global Times cho biết, dựa theo thông tin của MizarVision, bao gồm máy bay do thám tín hiệu điện tử EP-3E, máy bay do thám và tuần tra trên biển P-8A, máy bay do thám RC-135, máy bay E-8C và máy bay do thám tầm cao U-2.

MizarVision còn bổ sung thêm rằng quân đội Mỹ đã sử dụng chiến hạm giả danh là tàu thương mại và thay đổi code nhận dạng để do thám hoạt động của Trung Quốc ở đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Thông tin này được đưa ra vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc trên bầu trời nước Mỹ hồi đầu tháng này.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu để do thám Mỹ.


Tin Quốc Tế Đó Dây

Nga Có Thái Độ Leo Thang Chiến Tranh Khi Tuyên Bố Hành Động Theo Quy Tắc Hiệp Ước Nguyên Tử, Dù Đình Chỉ Thỏa Thuận Với Mỹ


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bắt tay khi họ trao đổi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới được ký kết (START II) tại Prague vào ngày 8/4/2010.)
- Nga sẽ tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về phi đạn nguyên tử và tiếp tục thông báo cho Hoa Kỳ về những thay đổi trong việc khai triển, một viên chức quốc phòng cấp cao cho biết hôm thứ Tư (22/2/2023), bất chấp việc Mạc Tư Khoa đã đình chỉ Hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại với Hoa Thịnh Ðốn.

Cả hai viện của Quốc hội Nga đã bỏ phiếu nhanh chóng ủng hộ đình chỉ việc Mạc Tư Khoa tham gia Hiệp ước Nguyên tử mới START, chuẩn thuận quyết định mà Tổng thống Vladimir Putin đã công bố hôm thứ Ba khi ông cáo buộc phương Tây đang cố gắng gây ra một “thất bại chiến lược” cho Nga ở Ukraine.

Nhưng một viên chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Yevgeny Ilyin, nói với Hạ viện (Duma) rằng Nga sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế đã được nhất trí đối với các hệ thống phân phối nguyên tử, nghĩa là phi đạn và máy bay ném bom chiến lược.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Ilyin cho biết Mạc Tư Khoa cũng sẽ tiếp tục cung cấp cho Hoa Thịnh Ðốn các thông báo về việc khai triển nguyên tử để “ngăn chặn báo động nhầm, điều quan trọng để duy trì sự ổn định chiến lược”.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cũng đưa ra trấn an rằng “Tôi không tin quyết định đình chỉ Hiệp ước mới START đưa chúng ta đến gần hơn với chiến tranh nguyên tử”, theo tường thuật của hãng thông tấn Interfax.

Những lời bảo đảm cho thấy động thái của ông Putin sẽ có ít tác động thực tế ngay lập tức, ngay cả khi nó gây nghi ngờ về tương lai lâu dài của một Hiệp ước được thiết kế để giảm rủi ro nguyên tử qua việc cung cấp một mức độ minh bạch và khả năng dự đoán cho cả hai bên.

Theo thông tấn xã Reuters, ông Putin có một thành tích dài trong việc cố ý làm sai và gây bất ổn cho phương Tây. Kể từ khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước, ông đã nhiều lần khoe khoang về kho vũ khí nguyên tử của Nga và nói rằng ông sẵn sàng sử dụng nó nếu “sự toàn vẹn lãnh thổ” của đất nước bị đe dọa.


Tổng Thống Mỹ Gặp Các Lãnh Đạo Đông Âu Tại Ba Lan

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 22/2/2023, tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp lãnh đạo 9 quốc gia thành viên Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) của khu vực Trung và Đông Âu, để khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển” của Hoa Thịnh Ðốn đối với các nước này trước mối đe dọa từ nước Nga.

Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc được thông tấn xã AFP trích dẫn, cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với lãnh đạo các quốc gia Trung và Đông Âu sẽ có sự hiện diện của Tổng Thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Từ Warsaw, thông tín viên Martin Chabal tường trình:
“ Cuộc gặp hôm 22/2 của ông Biden chủ yếu sẽ tập trung vào chiến lược mà các nước thành viên NATO ở Đông Âu cần thông qua để đối phó với Nga và các đồng minh của Mạc Tư Khoa. Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo của nhóm Bucarest, quy tụ 9 quốc gia khối NATO ở sườn phía Đông, mà trong đó nhiều nước có biên giới chung với Nga hoặc với Ukraine.

Việc tổ chức cuộc gặp ở Ba Lan mang ý nghĩa biểu tượng: Là láng giềng sát bên một quốc gia đang có xung đột, nhiều người dân Ba Lan cảm thấy bị đe dọa nếu quân đội Nga đánh thắng được Ukraine. Nhưng trong bài diễn văn tối qua, trước một đám đông phấn khích, Tổng thống Biden đã nhắc lại ông rất coi trọng điều khoản thứ 5 của khối NATO, tức điều khoản quy định rằng một nước thành viên bị tấn công có nghĩa là toàn bộ Liên minh bị tấn công.

Người ta chờ đợi là trong các cuộc thảo luận hôm 22/2, Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định về việc đóng quân thường trực trên lãnh thổ Ba Lan và qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai quốc mà hôm 21/2 đã bày tỏ tình thân hữu trước toàn thế giới. Trong buổi chiều, theo dự kiến, Tổng thống Biden sẽ bay về Hoa Thịnh Ðốn”.

Trong bài phát biểu tối 21/2 tại Warsaw, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố: “ Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga”. Ông Biden còn khẳng định “phương Tây không hề có âm mưu tấn công nước Nga như cáo buộc của Putin”.
Những tuyên bố nói trên nhằm đáp lại bài diễn văn với giọng điệu hiếu chiến của Tổng thống Vladimir Putin hôm 21/2, cam kết là quân Nga sẽ tiếp tục cuộc tấn công bắt đầu từ cách đây gần đúng một năm. Trong bài diễn văn này, ông Putin cũng thông báo quyết định rút nước Nga ra khỏi Hiệp ước New Start ký với Mỹ về giải trừ vũ khí nguyên tử.


Liên Hiệp Âu Châu Đoàn Kết Sau Một Năm Đối Mặt Với Chiến Tranh Ukraine

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 21/2/2023, lãnh đạo Ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu (EU), ông Josep Borrell kêu gọi 27 nước thành viên tăng tốc trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Tại Brussels (Bỉ) các nhà ngoại giao kỳ vọng trong ngày đạt được đồng thuận về đợt trừng phạt thứ 10 nhắm vào Mạc Tư Khoa nhân dịp đúng một năm Nga xâm lược Ukraine.

Đợt trừng phạt mới bao gồm những biện pháp như sau: Cấm giao dịch với 7 công ty của Iran bị cho là cung cấp thiết bị cho Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine. Cấm xuất cảng cho Nga các linh kiện điện tử có thể được dùng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, đặc biệt là để chế tạo drone, phi đạn hay trực thăng.

Theo thông tấn xã Reuters, ít có khả năng 27 thành viên trong Liên Hiệp Âu Châu cấm nhập cảng kim cương của Nga, hay ban hành một số các biện pháp ảnh hưởng đến ngành năng lượng nguyên tử. Nhiều thành viên Liên Hiệp Âu Châu, trong đó có Pháp lệ thuộc vào Uranium của Nga.
Vào lúc chiến tranh Ukraine sắp bước vào năm thứ nhì, Liên Hiệp Âu Châu chủ trương tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv. Cấp thêm đạn được, pháo đại bác, xe tăng… là điều “cấp bách” theo lời lãnh đạo ngoại giao Âu Châu, Josep Borrell, trước khi Nga “khởi động chiến dịch tấn công”. Vẫn theo ông Borrell, Vladimir Putin đang “tăng tốc cỗ máy chiến tranh, huy động thêm lực lượng và nhất là Mạc Tư Khoa đang hướng về Bắc Hàn cũng như Iran để trang bị thêm vũ khí”.

Thông tín viên RFI từ Brussels, Pierre Bénazet ghi nhận từ một năm qua, Liên Hiệp Âu Châu đã vượt lên trên những bất đồng trước thách thức chiến tranh Ukraine đang đặt ra:
“Ngay từ hôm 23/2, một ngày trước khi Ukraine bị xâm chiếm, Liên Hiệp Âu Châu đã khởi động đợt trừng phạt đầu tiên nhắm vào Mạc Tư Khoa. Từ đó đến nay, Brussels ban hành thêm nhiều đợt trừng phạt liên tiếp và đang chuẩn bị đợt thứ 10.

Liên Hiệp Âu Châu duy trì được đoàn kết mặc dù là sự đoàn kết đó tưởng chừng đã bị đe dọa vào mùa Xuân năm 2022 do thái độ của Hung Gia Lợi về việc trừng phạt Nga. Một số những rạn nứt chia rẽ khác được trông thấy trước nhưng rồi cũng không xẩy ra. Thí dụ như Ba Lan và các nước trong vùng Baltic cương quyết yểm trợ Ukraine, trái lại Pháp thì vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Ðiện Cẩm Linh.

Trong xung đột Nam Tư cách nay 30 năm, Liên Hiệp Âu Châu đã có những phản ứng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nhưng chiến tranh Ukraine cho thấy Liên Hiệp Âu Châu là một tác nhân địa chính trị và quân sự.
Dù vậy xung đột Ukraine cũng để lộ rõ những nhược điểm về mặt quân sự của nhiều nước trong Liên Hiệp Âu Châu vì những nước đó không ngờ rằng giai đoạn hòa bình trong thập niên 1990 chỉ là ảo tưởng. Chiến tranh lần này cho thấy toàn khối Âu Châu cần khởi động lại cỗ máy công nghiệp quốc phòng.

Trong nội bộ, Liên Hiệp Âu Châu đã giảm mức lệ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng vẫn chưa cải tổ được thị trường năng lượng của khối này”.


Nhật Bản và Trung Quốc Họp Về An Ninh Lần Đầu Tiên Sau 4 Năm

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 22/2/2023, lần đầu tiên sau 4 năm, Trung Quốc và Nhật Bản có cuộc họp về an ninh tại Tokyo. Những chủ đề như Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự, khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ đã được các lãnh đạo ngoại giao cao cấp hai nước đề cập đến.

Phát biểu trước phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) và người đồng cấp Nhật Bản Shigeo Yamada, đều nhìn nhận mối quan hệ hai nước đang đứng trước thách thức an ninh quốc tế có những thay đổi lớn, “sự quay trở lại của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý Chiến Tranh Lạnh”, theo như phía Trung Quốc.

Theo thông tấn xã Reuters, cuộc họp diễn ra lần này là nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Tokyo lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan sau cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine, gây ra một cuộc xung đột có nguy cơ lôi kéo Nhật Bản và phá vỡ nền thương mại toàn cầu.

Nhằm đối phó với khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực, Tokyo hồi tháng 12/2022 thông báo tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong vòng năm năm, lên đến 320 tỉ Mỹ kim (2% của GDP). Tuy nhiên, mức tăng này của Nhật Bản vẫn chưa thể bì kịp với đà tăng đều đặn của Trung Quốc lên đến 7,1% (2022), cao gấp bốn lần so với của Nhật Bản.
Ngoài ra, Tokyo có kế hoạch mua phi đạn tầm xa có thể tấn công đến Hoa Lục và tích trữ nhiều loại vũ khí khác mà Nhật Bản có thể cần đến để đối phó với một cuộc xung đột tiềm tàng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shigeo Yamada, cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, việc Bắc Kinh tập trận chung với Nga và mối hoài nghi khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc đã 3 lần bay qua không phận Nhật Bản từ năm 2019.

Kết thúc phiên họp, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong thông cáo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan. Hai bên Nhật-Trung nhất trí cố gắng thiết lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp có thể là “vào mùa Xuân” này và tăng cường đối thoại giữa các viên chức an ninh cao cấp của hai nước.
Hãng tin Anh nhắc lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, chiếm đến 1/5 kim ngạch xuất cảng và gần 1/4 kim ngạch nhập cảng của Tokyo. Và nhất là, Trung Quốc còn là cơ sở sản xuất chính cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.


Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ: 3 Nước Chịu Tác Hại Nhiều Nhất Do Biến Đổi Khí Hậu Vào Năm 2050

- Về môi trường, khí hậu, báo Libération giới thiệu một bảng xếp hạng thế giới về 100 khu vực mà các công trình xây dựng bị tình trạng biến đổi khí hậu (hỏa hoạn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, những cơn mưa như trút nước…) đe dọa nhiều nhất vào năm 2050.

Bảng xếp hạng thế giới mà Libération công bố là do XDI, một công ty phân tích rủi ro của Úc Ðại Lợi, chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hoặc ngân hàng, thực hiện. Nghiên cứu này tập trung vào các tòa nhà dễ bị tác động nhất: Nhà ở, khu công nghiệp hoặc khu thương mại tại tổng cộng hơn 2.600 vùng lãnh thổ, giả định nhiệt độ toàn cầu tăng 3°C vào cuối thế kỷ này.

Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước đứng đầu danh sách. Hơn một nửa số khu vực được xếp hạng trong top 100 có nguy cơ cao nhất vào năm 2050 là ở 3 nước nói trên. Trong top 20, có tới 16 tỉnh của Trung Quốc (Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc, Quảng Đông...), chủ yếu nằm ở miền Đông và nam Trung Quốc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế.

Nhìn sang Mỹ, tiểu bang Florida đứng thứ 10 trên thế giới, tiếp theo là California (19) và Texas (20), 3 tiểu bang có tỉ lệ đô thị hóa và trọng lượng kinh tế cao. Tiếp theo là nhiều vùng của Ấn Độ, Nam Dương và Pakistan. Pháp cũng không phải ngoại lệ, với 8 địa phương nằm trong số 10% khu vực bị đe dọa nhất trên thế giới.


Mỹ và Úc Ðại Lợi Sẽ Tuần Tra Chung Cùng Phi Luật Tân ở Biển Đông


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Cartilo Galvez Jr. tại họp báo ở thành phố Quezon hôm 22/2/2023.)
- Cả Mỹ và Úc Ðại Lợi đều đang đàm phán với Phi Luật Tân về khả năng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông vào khi Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng nước đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi là Richard Marles đã gặp người đồng cấp Phi Luật Tân Cartilo Galvez Jr. hôm 21/2/2023 vừa qua ở Manila để thảo luận vấn đề này.

Nói với báo giới tại họp báo sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng tuần tra chung và sẽ tiếp tục thảo luận. Ông hy vọng sẽ sớm có kết quả.

Hôm 20/2, chính phủ Phi Luật Tân thông báo Hoa Thịnh Ðốn và Manila cũng đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng này cũng cho biết hai bên đã “đồng ý để khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông”. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các cuộc tuần tra bao gồm các phương tiện tham gia tuần tra hiện vẫn còn trong vòng đàm phán.
Các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân đã bị cựu Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte quyết định ngưng lại sau khi ông nhận chức Tổng thống vào năm 2016 vì không muốn làm Trung Quốc tức giận.

Bắc Kinh trong thời gian qua đã có các hành động bị Philipppines cáo buộc là gây hấn, đe dọa chủ quyền của Phi Luật Tân ở các vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Tuần duyên Phi Luật Tân hồi đầu tuần này cáo buộc tàu Hải cảnh và hàng chục tàu dân quân biển của Trung Quốc đã bao vây Bãi Cỏ Mây và Sabina do Phi Luật Tân kiểm soát.

Biển Đông là vùng nước hiện có tranh chấp chủ quyền giữa các nước bao gồm: Trung Quốc, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei, Đài Loan.

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền nhiều nhất ở vùng biển này với khoảng 90% diện tích vùng biển. Bắc Kinh cũng liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh đã gây bất ổn trong khu vực khi điều các tàu và máy bay tuần tra vào vùng Biển Đông.


Lãnh Đạo Tình Báo Úc Ðại Lợi: Canberra Là Một “Ổ Gián Điệp”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 21/2/2023, ông Mike Burgess, lãnh đạo các cơ quan tình báo của Úc Ðại Lợi, đã công bố bản đánh giá thường niên về các mối đe dọa đối với nước Úc, trong đó ông nêu bật thủ đô Canberra nay đã trở thành một “ổ gián điệp”.

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse của Đài RFI tường trình:
“Gián điệp, chứ không phải khủng bố, kể từ nay được xem là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước Úc. Theo lời ông Mike Burgess, lãnh đạo các cơ quan tình báo Úc Ðại Lợi, chưa bao giờ nước này lại trở thành đối tượng của nhiều mưu toan gián điệp và can thiệp của ngoại quốc nhiều như thế.

Mối đe dọa gia tăng là do các căng thẳng và do trọng lượng địa chính trị ngày càng lớn của vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với an ninh quốc tế. Là đồng minh rất thân cận của Hoa Kỳ, nước Úc bị tấn công ngày càng nhiều.

Ông Mike Burgess nhấn mạnh các mưu toan thâm nhập, tuyển mộ những nhân vật có chức vụ cao hoặc các vụ ăn cắp thông tin nhạy cảm chưa bao giờ nhiều như thế. Ông cho biết: “Theo thông tin của chúng tôi, chưa bao giờ trong lịch sử nước Úc, các hoạt động gián điệp và can thiệp ngoại quốc nhắm vào nhiều người Úc Ðại Lợi như thế”.

Không nêu tên cụ thể, lãnh đạo tình báo Úc Ðại Lợi cho biết có những nước được xem là bạn cũng như những chế độc độc đoán đã tìm cách xâm nhập vào máy điện toán của các phóng viên trong một chuyến đi tổ chức cho báo chí. Các cơ quan tình báo này đã phá vỡ âm mưu đó, đồng thời báo động về các mối đe dọa đối với công dân của một số nước khác.

Ông Mike Burgess nói thêm: “Các cơ quan tình báo ngoại quốc đã có nhiều nỗ lực để tuyển mộ những công dân Úc Ðại Lợi tiếp cận được các thông tin cá nhân, dùng các thông tin đó để trấn áp những người chỉ trích các chế độ ngoại quốc”.

Vào tuần trước, Bộ Nội vụ Úc Ðại Lợi tiết lộ đã phá vỡ một âm mưu của chính quyền Iran nhằm bịt miệng một nhà đối lập”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét