Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Luận Về Khoa Bảng - Trần Xuân Thời (Đặc San Lâm Viên)


Giáo dục nhân-bản, dân-tộc và khai-phóng giúp cho con người trở nên lương thiện nhân ái, để kiến tạo một quốc gia vĩ đại là sách lược duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay. Hội Nghị Giáo Dục VNCH năm 1958 đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng nền giáo dục Việt-Nam: “Nền giáo-dục Việt-Nam phải là một nền giáo-dục nhân-bản, tôn-trọng giá-trị thiêng-liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh và như vậy nhằm mục- đích phát-triển toàn-diện con người. Nền giáo-dục Việt-Nam phải là một nền giáo-dục dân-tộc, tôn-trọng giá-trị truyền thống, mật-thiết liên-quan với những cảnh huống sinh-hoạt như gia-đình, nghề-nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu-hiệu cho sự sinh-tồn, phát-triển của Quốc gia.
<!>
Nền giáo-dục Việt-Nam phải có tính các khai-phóng, tôn-trọng tinh-thần khoa- học, phát-huy tinh-thần dân-chủ và xã-hội, thâu thái tinh-hoa của các nền văn-hoá thế-giới.”

Sơn hạ hồng trần Nam Thoán lộ
Bất tri quan đái kỷ nhân hồi.

Dịch nghĩa:
Dưới núi, bụi hồng, đường Nam Thoán
Không biết có bao nhiêu người lãnh áo mão cân đai trở về.

Hai câu thơ này thể hiện sự cam go của sĩ tử phải phấn đấu, thi thố tài năng qua trường thi trận bút, hầu mong đỗ đạt để được tiến cử ra làm quan từ thời nhà Hán, cách đây hơn hai ngàn năm về trước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào vẫn có vấn đề "Học tài thi phận". Thế nên, mặc dầu vào thời nhà Hán một số người Việt khoa bảng như (*) Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng đã đỗ đạt, vinh quy bái tổ và được Hán triều bổ nhiệm ra làm quan, mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, Tú Xương than thở vì thi mãi vẫn chưa hết phạm trường quy, hoặc dù có khoa bảng nhưng không được đãi ngộ tương xứng.

Đau quá đòn hằn
Rát hơn lửa bỏng
Tủi bút tủi nghiên
Hổ lều hổ chõng.

Thi hỏng liên tiếp, Tú Xương đã thất vọng.

Ngày mai tớ hỏng, tớ đi ngay!
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mầy.
“Cống hỉ”, “mét xì” thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.

Cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã trải qua những âu lo khắc khoải của cuộc đời khoa hoạn, mãi đến tứ tuần mới đỗ Cử Nhân và được đề cử ra làm quan. Đối với Nguyễn tiên sinh đỗ đạt ví như: "Bẻ cành đơn quế cho rồi liền tay" chẳng những để khỏi: "Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ. Nay thét mai gầm rát cổ cha" mà còn đạt đến ước nguyện (self- actualization) của cuộc đời. Đắc chí, hay đạt được lý tưởng vì được liệt vào hàng "Kẻ sĩ".

Theo triết gia Maslow, nhân thế có 5 nhu cầu chính yếu:

Nhu cầu về sinh vật lý (physiological needs) như đói ăn, khát uống…
Nhu cầu được sống an toàn (security needs) không bị đe doạ, áp bức, kỳ thị;
Nhu cầu hội nhập (belonging needs), nhu cầu kết hợp, nhóm họp, thân hữu;
Nhu cầu được tôn trọng (respect needs) và
Nhu cầu thực hiện được lý tưởng của mình (self-actualization needs).

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chỉ tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý.

Với danh tước Nho sĩ, thì tiến vi quan, thối vi sư. Trước hết, phải tích cực tiến theo tấc bóng của mặt trời. "Nhật tân chi vị thịnh đức" mỗi ngày một mới và mỗi ngày một thêm mới mới là đức thịnh. Đem lời hay ý đẹp phụng sự xã hội lúc chưa gặp thời:

Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn
Xe bồ luân dầu chứa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

Và khi gặp thời thì:

Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem tất cả sở tồn làm sở dụng
Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi Can tương
Làm cho bách thế lưu phương
Trước là Sĩ sau là Khanh, Tướng.

Chỉ sau khi đem tài kinh bang tế thế để giúp nước trị dân, kẻ sĩ mới được thung dung thụ hưởng cảnh an nhàn.

Nhà nước yên sĩ mới được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy một túi
Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi đến
Ngẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.

Tuy vậy, cũng có nhiều vị khoa bảng không tiến vi quan mà thối vi sư, chuyên nghề dạy học và không màng danh lợi như cụ Chu Văn An, có thể vì:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu.
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!

Cũng có thể vì không muốn dấn thân vào vòng tục lụy xích xiềng để rồi phải ân hận:

Về đi sao chẳng về đi,
Ruộng hoang vườn rộng còn chi không về
Đem thân để hình bia sai khiến,
Còn ngậm ngùi than vãn với ai.

Vấn đề thi thố tài năng qua trường thi trận bút đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 11, đời nhà Lý. Vua Lý Nhân Tôn đã mở khoa thi đầu tiên vào năm 1075 để chọn Minh Tinh Bác Học, ra giúp nước trị dân. Năm 1195 lại mở khoa thi Tam Giáo, khảo sát kiến thức về triết học Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo. Qua đời nhà Trần, chế độ thi cử được cải tiến quy cũ hơn. Vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái Học Sinh năm 1232. Năm 1247, nhà Trần đặt ra Tam Khôi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.

Các khoa thi, cứ 7 năm thi một kỳ. Đến đời nhà Hồ đổi thành 3 năm, nhưng mãi đến đời vua Lê Thánh Tôn (1463) lệ thi 3 năm một lần mới được thông dụng. Các kỳ thi để tuyển dụng nhân tài được tổ chức cho đến thời mạt diệp nhà Nguyễn với kỳ thi Hương cuối cùng năm Mậu Ngọ 1918.

Về nội dung các khoa thi, tuy có gia giảm tùy thời đại, nhưng đại để các khoa thi chia thành 4 phần chính:

- Trường Nhất: Thi Kinh - Nghĩa: Luận về ý nghĩa của kinh truyện, còn gọi là tinh nghĩa, hiểu rõ ý nghĩa của triết lý thánh hiền.
- Trường Nhì: Thi thơ, phú theo quy luật và đề tài do ban giám khảo định.
- Trường Ba: Thi Chiếu, Chế, Biểu: Soạn thảo các loại công văn dùng trong triều đình. Chiếu là lệnh của
Vua, như sắc lệnh của Quốc trưởng. Chế là lệnh thưởng, phạt cho quân thần và Biểu là sớ dâng lên nhà Vua để tán tụng hoặc xin thỉnh nguyện, một hình thức kiến nghị.
- Trường Tư: Thi Văn sách: Thi Văn sách nhằm trắc nghiệm óc suy luận và kiến thức về một đề án.

Đã gọi là học tài thi phận, sĩ tử, ngoài việc thuộc làu kinh sử, còn phải có biệt tài suy luận, văn hay và chữ thật đẹp mới có nhiều hy vọng trúng tuyển. Nếu không có biệt tài, thì dù có thi cả chục lần, cũng chưa chắc đạt được bảng vàng, bia đá. Cụ Nguyễn Khuyến đã đỗ đầu 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình được lừng danh là Tam Nguyên Yên Đỗ, thật là một nhân tài. Đọc lại một số bài Kinh Nghĩa, Thơ, Phú, Văn sách còn truyền lại với cách hành văn và ý nghĩa thật khúc chiết, mới thấy dù là từ chương trích cú, chế độ thi cử thật là khó khăn, đúng là: "Thi không ăn ớt thế mà cay".

Tú Xương đã thể hiện được tâm trạng của người thi hỏng:

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.

Định chế giáo dục

Về định chế giáo dục, Việt Nam đã thành lập Đại Học (theo nghĩa Tứ thư, Ngũ Kinh) từ thế kỷ thứ 11. Văn Miếu đã được lập từ năm 1070 để thờ Khổng Tử và làm cơ sở diễn giảng triết lý thánh hiền. Vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám năm 1076. Vào đời nhà Trần, Quốc Học Viện được thành lập để diễn giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Các định chế giáo dục này, tồn tại cho đến thế kỷ thứ 20.

Ngày nay trong thành nội Huế, Quốc Tử Giám vẫn là nơi trang nghiêm biểu tượng cho nền quốc học. Đến năm 1917, các định chế mới về giáo dục do Dụ Cải cách Học chánh năm 1908 và năm 1917 ra đời thay đổi cả phần danh xưng lẫn nội dung các môn học. Kỳ thi Mậu Ngọ năm 1918 là kỳ thi cuối cùng của chế độ thi cử theo Hán học.

Viện Đại Học Đông Dương (theo nghĩa Tây phương) được thiết lập năm 1906 tại Hà Nội. Sau đó vì sinh viên bãi khóa nên bị đóng cửa đến năm 1917 mới được mở lại và đổi danh thành Đại học Hà Nội. Viện Đại học Hà Nội có chi nhánh tại Sài Gòn. Năm 1955 được đổi thành Viện Đại học Quốc gia Việt Nam và đến năm 1957 đổi thành Viện Đại học Sài Gòn.

Ngoài các đại học chuyên khoa về các ngành nhân văn và khoa học, chính quyền còn lập thêm trường chuyên nghiệp về ngành quản trị công quyền như trường Hậu Bổ lập năm 1903 tại Hà nội và tại Huế năm 1911. Đến năm 1912, trường Hậu Bổ được đổi thành Trường Sĩ Hoạn (École des Mandarins) và đến năm 1917 được đổi thành Trường Pháp Chính (École de Droit et d'Administration) hay Trường Luật và Hành chính (School of Law and Administration) để đào tạo các viên chức cai trị cho chính quyền trung ương và địa phương, các cấp Tri Huyện, Tri Phủ, Tổng Đốc, Thượng Thư… cho Triều Đình Huế. Hậu thân của trường uyên bác này là Học viện Quốc gia Hành chánh được tái lập năm 1952 và sau đó được sự bảo trợ của Đại học Michigan State University của Hoa Kỳ với chương trình huấn luyện về quản trị tân tiến cho đến 1975.

Một số đại học công khác cũng được thành lập vào thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa như Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, Đại học Cần Thơ (1966), Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (1974) và các Đại học Cộng đồng (Community Colleges) như Đại học Tiền Giang - Mỹ Tho (1971), Đại học Duyên Hải-Nha Trang (1974), Đại học Đà Nẵng (1974).

Các đại học tư được thành lập như Đại học Đà Lạt (1957), Đại học Vạn Hạnh (1964), Đại học Phương Nam (1967), Đại học An Giang (1970) Đại học Cao Đài-Tây Ninh (1972), Đại học Regina Pacis (1973).

Vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, một số cơ sở giáo dục cấp trung học được thành lập. Tại Sài Gòn, có các trường như trường Taberd lập năm 1890, trường Gia Long năm 1915, trường Petrus Ký năm 1928. Tại Huế, trường Quốc học năm 1896, trường Pellerin năm 1904, Đồng Khánh năm 1917. Tại Hà Nội, Trường Puginier năm 1897 và Trường Bảo Hộ năm 1908. Sau 1945, trường Bảo Hộ được đổi thành Trường Chu Văn An (Trường Bưởi). Trường Đồng Khánh Hà Nội mở năm 1917, sau đổi thành Trường Trưng Vương… là những trường trung học nổi tiếng trong thời Pháp thuộc và Đệ nhất, Đệ nhị Công hòa sau trước năm 1975.

Việt Nam đã chú trọng đến nền giáo dục quốc gia từ năm 1070 là một đặc nét của nền văn minh Việt Nam. Từ ngàn xưa, ý nghĩa danh từ đại học dành cho sinh đồ được minh định trong sách Đại học, một trong 9 cuốn sách giáo khoa của nền cổ học Trung Hoa, gồm Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) hợp lại thành chín bộ sách giáo khoa của Nho học làm nền tảng cho nền giáo dục Việt Nam gần một ngàn năm lịch sử qua các triều đại cho đến khoa thi Hương cuối cùng năm Mậu Ngọ 1918.

Triết lý giáo dục Nho học chú trọng đến luân thường đạo lý, biến hóa tùy thời, thực tiễn từ cách vật trí tri, thành ý, chánh tâm đến tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… Giáo dục ngành đại học cốt để:

Làm sáng cái đức tính của mình; "Đại học chi đạo, tại minh minh đức."
Để thân dân, cải tiến dân sinh, giúp dân bỏ cái xấu, theo cái tốt “tại thân dân" và
An trụ ở nơi chí thiện, “tại chỉ ư chí thiện”.

Ba cương lĩnh này được cụ thể hóa bằng sách lược đào luyện qua tám (8) Phương cách để giúp con người trở thành đại trượng phu, mẫu người quân tử theo quan niệm của Nho học:

Cách vật: tiếp cận và tìm hiểu sự vật;
Trí tri: đạt sự hiểu biết thấu đáo cái nguyên lý của sự vật;
Thành ý: Mỗi khi đã hiểu thâu đáo, nhận thức đứng đắn thì ý kiến của mình được thành thực;
Chính tâm: Khi ý thành thì tâm được chính trực, ngay thẳng;
Tu thân: tu sửa chính mình;
Tề gia: xếp đặt mọi sự cho gia đạo hài hoà;
Trị quốc: khiến cho nước được an trị;
Bình Thiên hạ: khiến cho thiên hạ được thái bình.
Đây là môt tiến trình đào luyện nhân cách cổ truyền để đạt đến cảnh giới chí thiện. Có chí thiện thế sự mới được giải quyến toàn mỹ.

Tại Hoa Kỳ, mãi đến thế kỷ thứ 17, ông Harvard, giáo phái Puritan mới, thành lập Đại học Harvard năm 1636, giảng huấn chính về thần học (theology) và triết học kinh viện (scholastic philosophy). Viện Trưởng Increase Matter, không được Đại Học Anh cấp bằng Tiến Sĩ. Hội đồng khoa Đại học Harvard quyết định cấp bằng Tiến sĩ cho ông Matter để ông có đủ thẩm quyền cấp bằng cho ban giảng huấn và sinh viên tốt nghiệp. Hơn 300 năm sau Đại học Harvard mới được công nhận vào quy chế Đại học chung do Khu giáo dục công nhận (Accreditation) vào năm 1949.

Nền giáo dục ở Mỹ, mỗi Đại học có quy chế riêng và tự trị, mặc dù đa số các đại học phải theo các tiêu chuẩn về tài chánh, giảng huấn, cơ sở và học liệu do 1 trong 6 khu định chuẩn công nhận (Accreditation). Các Hội đồng này do tư nhân thành lập và quản trị. Một số đại học do Tiểu bang cấp giấy phép mở đại học và không màng liên hệ đến các Hội đồng này. Hiện nay có trên 2000 Đại Học tại Mỹ, là một quốc gia cung cấp nhiều khoa bảng nhất thế giới.

Theo tài liệu của US Department of Labor thì chỉ trong niên khóa 1985-1986:

1,300,000 sinh viên được cấp bằng cử nhân (BA, BS…)
288,000 sinh viên được cấp bằng Cao học (MA, MS…)
32,000 sinh viên được cấp bằng Tiến sĩ (Ph.D. M.D...)

Sau cấp Tiến sĩ, một số đại học ở Mỹ còn cấp thêm một loại bằng Masters chuyên môn (specialist) mà trong hệ thống Giáo dục Pháp gọi là Agrégé (Thạc sĩ). Ví dụ: John Doe, J.D., M.B.T (John Doe, Tiến sĩ Luật, Cao học Thuế Kinh doanh). Các ngành khác cũng thường có post-doctoral degrees. Thường sinh viên ít theo học các chương trình post-doctoral degrees vì không dễ kiếm ra công việc tương xứng, trừ phí học vì nhu cầu nghề nghiệp hay học nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, thích mà học, "cách vật trí tri".

Trên thị trường nhân dụng, cấp BA có nhiều việc làm hơn cấp MA và Ph.D. Nhiều Ph.D. không tìm ra việc tương xứng. Ngoài ra, các đại học công đồng hay kỹ thuật (Community/Technical Colleges) còn cấp các văn bằng Trung cấp như Associate Degrees (AA, AS), cán sự học 2 năm hoặc các chứng chỉ (Certificate) học dưới 2 năm như chứng chỉ về thương mại, kế toán, khả năng luât, kỹ thuật v.v…. Số sinh viên tốt nghiệp hằng năm tính đến nay thay đổi theo dân số và các ngành học cũng gia tăng theo nhu cầu phát triển về nhân văn và khoa học.

Danh xưng Cử nhân là dùng trong hệ thống giáo dục cổ của Trung hoa và Viêt Nam là người được đề cử (ra làm quan). Tiến sĩ là người được tiến cử để nhà vua bổ nhiệm. Cử nhân, Tiến sĩ trong hệ thồng giáo Trung hoa, Việt Nam cổ đại ngang hàng với trình độ trung hoc, Tú tài của Tây phuơng.

Danh từ BA (Bachelor of Art) được hiểu như là một "Bồ chữ" (A batch of Knowledge) như Cao Bá Quát cho rằng trong dân gian có 4 "Bồ chữ", ông ta và gia đình chiếm hết 3 bồ, còn lại một bồ cho thiên hạ! Ngày trước, danh từ Bachelor chỉ dùng cho nam giới, còn nữ giới không được dùng vì không "xứng đáng"! Đàn bà đỗ Cử nhân chỉ được gọi là Mistress of Art hoặc Maid of Science. Dù bị kỳ thị nhưng vẫn còn khá hơn các nước Á Đông. Theo quan niệm cổ thì nữ giới "chỉ lo việc trong nhà, khi vào canh cửi khi ra thêu thùa." Trai thì đọc sách ngâm thơ, dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa thi, "mai sau nối được nghiệp nhà, trước là tỏ mặt sau là ấm thân". Mạnh Lệ Quân phải giả trai mới được dự thi và được bổ nhiệm ra làm quan.

Ngày trước đỗ Cử nhân (BA, BS…) là thành công trên đường học vấn và thành danh được liệt vào hàng "kẻ sĩ". Sĩ rồi mới đến Nông, Công, Thương và được tiến cử vào hàng Công Hầu Khanh Tướng. Ngày nay, trong xã hội tân tiến với cấp bằng Cử nhân cũng đủ sống với đời về cả "Danh" cũng như "Phận".

Có thể nói rằng hấp thụ kiến thức cần thiết là trình độ học vấn ở bậc Cử nhân. Nghiên cứu thêm để tinh luyện suy luận ở bậc Cao học và phát triển sáng tạo ở bậc Tiến sĩ. Bên Tây Phương, danh xưng doctor nguyên ngữ từ tiếng La tinh (docere = to teach) có nghĩa là nhà giáo (teacher). Cao học thường nghiên cứu lại các môn đã học ở bậc Cử nhân, tùy ngành, và nghiên cứu thêm về thực trạng của một vấn đề. Tiến sĩ cũng thường thâm cứu lại những môn đã học, thêm phần suy diễn, đặt giả thuyết (hypothesis) và tìm cách chứng minh bằng thực nghiệm (test) về khoa học hoặc áp dụng kiến thức nghiên cứu sự liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Tại Việt Nam trước năm 1975, các văn bằng đại học thường được cấp chuyên ngành học từ cấp cử nhân, cao học đến tiến sĩ phỏng theo hệ thống giáo dục từ thời Pháp thuộc. Tại Mỹ đa số ngành chuyên môn cũng vậy. Tuy nhiên ở Việt Nam các ngành như Luật khoa, Y khoa thì sinh viên có bằng Tú tài II có thể ghi danh theo học, nhưng tại Mỹ, các trường luật, y khoa chỉ nhận các sinh viên đã có văn bằng cử nhân trở lên mới được xin nhập học… Sinh viên tốt nghiệp bậc Cử nhân các ngành kỹ thuật, khoa học, kinh tế, nhân văn… đều có thể nạp đơn xin vào ban Cao học Kinh doanh, Tiến sĩ luật khoa, Tiến sĩ y khoa… sau khi trải qua một kỳ thi Admission Test, với số điểm cao, thường trên 500, và cũng tùy trường và phải hội đủ các điều kiện (pre-requisites) khác mới được cứu xét…

Chung quy mục đích của giáo dục là phát triển kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Về phương diện luân lý, giáo dục nhằm đào tạo con người trở nên cao thượng hơn vì giáo dục mà thiếu lương tâm chỉ làm thêm bại hoại tâm hồn "Science sans conscience n'est que ruine de l'âme". Cụ Nguyễn Công Trứ đã nêu rõ sứ mệnh của Kẻ Sĩ: "Trong lăng miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi Can tương" để phụng sự quốc gia dân tộc.

Sự thành công ở đời, phần nhờ khoa bảng, phần khác do kinh nghiệm. Học và Hành đều nhằm mục đích tinh luyện kỹ năng (skill). Nói đến kỹ năng, người ta thường phân kỹ năng thành sáu cấp. Cấp đầu là giai đoạn tập sự đến tình trạng lão luyện. (Dreyfus: stages of skill acquisition: novice, advanced beginner, competency, proficiency, expertise, mastery). Khi sinh viên tốt nghiệp, lễ tốt nghiệp thường được mệnh danh là bước khởi đầu (commencement). Vì thế, người có đồng học vị không nhất thiết có đồng kiến thức. Phấn vì ngành học khác nhau, hoặc cùng một ngành học, nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp hay trình độ nghiên cứu khác nhau. "Thầy của ngành này là học trò của ngành khác".

Thế thì, nếu thành công trong một ngành chuyên môn nào đó, do kinh nghiệm hoặc do các phương thức khác, sự thành công này không thua gì khoa bảng. “Nghề nào cũng trọng cũng hay. Đi buôn cũng quý, đi cày cũng sang". Trong một số trường hợp, dù có bằng cấp vẫn bị sa thải sau thời gian thử thách (probation), nghĩa là chủ nhân quan niệm "Không cần biết anh, chị có bằng cấp gì nhưng chúng tôi cần biết anh chị có làm được việc hay không".

Đông phương tôn trọng bằng cấp, Tây phương tôn trọng thực tài. “We respect education but up to the extent that it can help solve problems”. Có thể nói trí thức là người có kiến thức, hiểu được sự liên hệ giữa các hiện tượng xã hội nhân sinh, nhất là biết đem kiến thức phục vụ và cải tiến, phục vụ nhân quần xã hội đến chổ chí thiện. "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.”

Tại các nước tân tiến, ngoài ngành văn, ngành võ cũng được phát triển. Trường West Point của Hoa Kỳ huấn luyện sinh viên cả văn lẫn võ. Sau khi xuất ngũ, cựu sinh viên West Point thường được trọng dụng trong các ngành kinh doanh, kỹ thuật và các sĩ quan cấp tướng phải có bằng Cao học.

Tại Việt Nam, tuy khoa bảng thường nói đến văn tài, nhưng võ lược dưới thời quân chủ cũng có văn bằng Võ Cử Nhân. Các quân trường sĩ quan huấn luyện quân sự 1 hoặc 2 năm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tương đương với bằng Trung cấp (AA hay Associate Degree in Military Sciences) hay 4 năm tương đương với Cử nhân Thực dụng khoa Quân sự, như Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt (trước năm 1975). Tại Việt Nam trong thời quân chủ có Võ Cử Nhân và tại Trung Hoa, ngoài Cử Nhân Võ, còn có Võ Trạng Nguyên.

Không phải khoa bảng nào cũng thành công, ngoài kiến thức, kinh nghiệm thu nhận được, mỗi người còn có biệt tài thiên phú, hoặc do khả năng tự đào luyện thành người hữu dụng. Khi quân Minh xâm lăng, Việt Nam, vua quan trốn chạy. Lê Lợi, người dân áo vải đất Lam Sơn, đã dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ quần hùng, 10 năm (1418-1428) nếm mật nằm gai, đã cứu giang sơn ra khỏi nơi đắm đuối, lập nên triều đại Hậu Lê. Tài bất luận tuổi và không tuỳ xuất xứ.

Bên phương trời Tây có triết gia Socrate, được mệnh danh là sư tổ của nền triết học Tây phương. Ông nổi tiếng là người giỏi nhất vì đi đâu ông cũng nói "Điều tôi biết rõ là tôi không biết gì cả - As for me, all I know is that I know nothing". Thế là ông được mọi người đua nhau giải thích cho ông về những gì họ biết. Học như vậy, khỏi mất tiền mà được nhiều người thương là hiếu học!

Trái lại, triết gia Khổng Tử ở phương trời Đông nổi tiếng vì đã chu du lục quốc để thuyết minh về đạo lý làm người, tu, tề, trị, bình. Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) và Socrate (470-399 trước công nguyên) có điểm tương đồng là chủ trương "cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì nói là không biết", chú trọng vào vấn đề công lý, đạo đức, nhân cách làm người… và cũng gần có chung một quan niệm "Thuận Trời thì sống, chống Trời thì chết".

Trong lúc Socrate chủ trương muốn sống xứng đáng phải biết luôn tự xét mình vì "The unexamined life is not worth living for a human being" và "I do not fancy that I know what I do not know". thì Khổng Tử khuyên nhân thế: "Từ thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản" - Từ vua cho đến thứ dân, ai ai cũng lấy sự sửa mình làm gốc." Đúng là "Thượng trí gặp nhau" - Les grands esprits se rencontrent - Great minds think alike". Ảnh hưởng của hai nhà hiền triết thật sâu rộng nhất là về thái độ làm người.

Người Tây phương nghe nhiều hơn nói và thích nghe để học hỏi. Người Đông phương thích làm thầy, nói nhiều hơn nghe!?

Trường đời là Đại học hữu hiệu nhất tôi luyện con người làm nên sự nghiệp. Hiện nay, có trên 300 ngành học khác nhau và xã hội tân tiến như Hoa Kỳ có trên 200 nghề chuyên môn. Người Mỹ quan niệm "thầy" của ngành này là "học trò" của ngành khác, nên khi gặp vấn đề không thuộc ngành chuyên môn của mình, thường trả lời "I do not know". Phần khác vì tinh thần trách nhiệm, người Mỹ không "advise" người khác về những vấn nạn không thuộc ngành chuyên môn của mình. Còn người Việt, ít khi nghe nói "I do not know - Tôi không biết".

Nhân viên các cấp, các ngành trong công ty, công sở đều phải học hỏi trong thời gian làm việc để thăng tiến nghề nghiệp, để đủ điều kiện hành nghề theo luật định, nên vấn đề tu nghiệp (continuing education) rất quan trọng để cập nhật hóa kiến thức, nếu không sẽ không đủ điều kiện hành nghề. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói học theo lối "từ chương trích cú", thể hiện phần nào lối học "nhai lại", đủ để thi đậu, lấy bằng cấp qua giai đoạn thu nhận kiến thức, nhưng không mấy chú tâm đến vấn đề tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Hậu quả của nền giáo dục như vậy là có giáo dục nhưng sinh đồ không áp dụng được kiến thức vào cuộc sống.

Nói khác đi có học nhưng không áp dụng được kiến thức vào đời sống thì cũng như không học, tạo nên tình trạng nhiều khoa bảng, nhưng thiếu nhân tài thực sự. Có quốc gia đứng đầu kết quả thi test quốc tế về một số môn học, nhưng thực chất vắng bóng trên danh sách những nhân tài lãnh giải Nobel.

Đến nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có nhiều nhân tài lãnh giải Nobel, cho nên nhiều quốc gia gởi du sinh đến Hoa kỳ "tầm thầy học đạo", kể cả các nước tự xưng là đỉnh cao trí tuệ!

Phương pháp học hỏi hiệu nghiệm
Nên nghe cho nhiều, điều gì còn nghi ngờ thì để đó, tìm hiểu thêm, để tránh cái hại là nói sai sẽ bị thiên hạ chê cười. Điều gì biết rõ ràng chắc chắn thì nên nói, nhưng cũng nên nói một cách ôn tồn.
Nên thấy cho nhiều, những gì thấy chưa được rõ thì để đó đừng làm. Còn những gì biết rõ thì cũng nên làm một cách cẩn thận, như vậy sẽ ít phải ăn năn.
Ngoài thính gíác và thị giác, các giác quan khác như vị giác, khứu giác, xúc giác cũng là thước do giúp trí tuệ thu nhận hiện trạng của ngoại giới như thơm, nồng, nóng lạnh, cứng mềm, trơn nhám…Ai không điều khiển được cảm giác sẽ không điếu khiển được thái độ của mình.

Học hỏi được những điều hay lẽ phải cũng cần được áp dụng vào đời sống hằng ngày hay truyền thụ cho người khác. Nếu không, kiến thức sẽ trở thành mai một. Đúng với câu: “The knowledge or wisdom he has in his head is of no use to anyone unless he can communicate it to other (Rule of engagement, military law review”.

Có kiến thức mà không áp dụng được vào đời sống hoặc không truyền thông được cho người khác thì kiến thức đó sẽ trở thành vô dụng, chẳng khác nào ăn vào mà không được tiêu hóa. "Ăn vóc, học hay".

Sự hữu hiệu của nền giáo dục nhằm giúp học viên đạt đến giai đoạn sáng tạo, tìm được giải pháp để giải quyết vần vấn đề chứ không phải chỉ để lãnh mãnh bằng trang trí để treo tường. “Americans are doers…and respect knowledge and education, but only to the extent that it helps them solve problems”.

Giáo chức cũng vậy, có giáo chức có tài năng, có giáo chức chỉ là nhắc đi, nhắc lời thầy của họ. “The faculties were composed of mere professorlings who did nothing but parrot what their teachers had taught them”.

Ở đời có ba hạng thức giả:

Không ai dạy mà biết được đạo lý. "Sinh nhi tri giả, thượng giả" là hạng siêu việt.
Có đi học mới biết được. "Học nhi tri chí giả, thứ giả" là hạng khoa bảng thường tình.
Dốt mà chịu học hỏi. "Khốn nhi học chi, hữu ký giả" là hạng có chí thì nên.

Ngoài ra những người dốt mà không chịu học là hạng "cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu". "Khốn nhi bất học, ân tư vĩ hạ hỉ ".

Xã hội Tây phương cũng thường phân loại:

Professionals with great mind talk about ideas. "Chuyên viên giỏi thường nêu lên sáng kiến".
Professionals with average mind talk about current events. "Chuyên viên trung bình thường bàn những sự việc đang xảy ra".
Professionals with small mind talk about people. "Chuyên viên thường hay bàn về chuyện thế thái nhân tình".

Dù thuộc hạng nào chăng nữa, mỗi ngày mình nên xét ba điều: "Mình giúp ai việc gì, có giúp hết lòng không; giao du với bạn bè có giữ được sự trung tín không; mình có học hỏi thêm được điều gì mới mẻ trong ngày không".

Diễn trình giáo dục là diễn trình thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Cách học của người Tây phương và người Á Đông có điểm sai biệt được lưu ý là
Á Đông học để lấy bằng cấp, "từ chương, trích cú" (Test- taking skill/based education on memorization and constant testing), học thuộc lòng để thi test.
Giáo dục Tây phương chú tâm giúp sĩ tử biết suy tư, thông đạt, phát minh, áp dụng kiến thức vào đời sống để giải quyết thế sự (how to get their kids to communicate, to think, to solve problems).

Các nhà giáo dục giám định phương pháp giáo dục Đông Tây (International rankings) nhận định nền giáo dục Hoa Kỳ xếp hạng cao trên thế giới nhờ phương pháp giáo dục khích lệ học sinh, sinh viên suy tư, đối thoại với nhau và với thầy, học cách giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ đã đầu tư vào nền giáo dục khoảng # 3% GDP hằng năm vào ngân sách giáo dục quốc gia, cao hơn các quốc gia khác. Tổng sản lượng nội địa gộp (Gross Domestic Product) của Hoa Kỳ năm 2018 là 20.50 nghìn tỷ USD.

Môt nhà giáo dục Á Đông nhận xét:

"When I went to college in the United States, I encountered a different world. While the American system is too lax on rigor and memorization, - whether in math or poetry- it is much better in developing the critical faculty of minds, which is what you need to succeed in life. Other educational systems teach you to take test; the American system teaches you to think… That is why the America produces so many entrepreneurs, inventors, and risk takers. It’s America, not Japan, not China that produces dozens of Nobel Prize Winners… America knows how to use people to the fullest".

"Đặc biệt nền giáo dục Tây phương khuyến khích hoc sinh, sinh viên thách thức kiến thức theo tập quán hay quy ước kể cả thách thức giới hữu trách trong các ngành sinh hoạt nhân sinh - Most of all, America has a culture of learning that challenges conventional wisdom, even if it means challenging authority". Có lẽ đó cũng là lý do tuổi trẻ Tây phương thường không hẳn nghe lời người lớn. "Children have never been very good at listening to their elders" (James Baldwin).

Học sinh, sinh viên Tây phương nghiên cứu các môn học qua sách giáo khoa thường được cập nhật hằng năm chiếu theo khuyến cáo của cơ quan NAEP (National Assessment of Educational Progress) và theo kết quả của các kỳ thi test "SAT" (Scholastic Aptitude Test) để biết sự tiến bộ hay thoái hóa của nền giáo dục quốc gia. Học sinh hay sinh viên đến lớp dành thì giờ nghe giảng bài, thảo luận và giải quyết vấn đề. Trong lúc đó, trong các trường học Á Đông, không có sách giáo khoa cấp phát hay bán cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên đến lớp dùng hết thì giờ chép bài. không có thì giờ tranh luận, học sinh sợ thầy không dám đặt câu hỏi, lớp học thiếu sinh khí…

Thầy thì lấy sách giáo khoa Tây phương dịch ra vài chương đọc cho sinh viên chép lại để học. Có khi sách giáo khoa, gồm 18 chương, dày 600 trang cho mỗi môn học, thầy chỉ dịch một vài chương để đọc cho sinh viên chép. Vì thế, kiến thức của sinh viên, thiếu đầu, hụt đuôi. Khi qua các nước Tây phương, mặc dù có bằng cấp, nếu không đi học lại để cập nhật kiến thức hay tìm học thêm một nghề chuyên môn "cấp tốc" thì sinh kế khó được hanh thông.

Thu nhận kiến thức để lãnh nhận chứng chỉ, văn bằng, chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu mới đạt được giai đoạn đầu mà đã tự thỏa mãn thì chỉ mới đạt đến sự hiểu biết vòng ngoài, cách vật trí tri, nhưng chưa đạt đến trình độ thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Học để hiểu biết và giỏi giang hơn về một ngành chuyên môn là điều tốt. Nhưng nếu chỉ để mong được an nhàn, sống lâu, giàu bền, còn việc quốc gia, cộng đồng, xã hội, ái hữu không thèm nghĩ đến thì chưa đạt đến trình độ trí thức.

Vì thế, triết lý giáo dục nhân bản không ngừng lại ở mức độ thu nhận kiến thức để trở thành chuyên viên mà còn tiến đến chủ đích làm cho con người trở nên cao thượng hơn. "Thượng vì đức, hạ vì dân" để làm gương cho hậu thế. Phối hợp đạo lý làm người và kiến thức để giúp đời là dấu chỉ của của kẻ sĩ. Như quan niệm của Nguyễn Công Trứ:

Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi giai ngô phận sự.
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

Phải, với tinh thần "Vũ trụ chi giai ngô phận sự" thì "Người chăn cừu xứ Tô Cách Lan và ông bộ trưởng công trạng đối với quốc gia ngang nhau". Một người khoa bảng có văn bằng và một người mù chữ cũng có công trạng như nhau đối với tổ quốc, miễn là làm xong nhiệm vụ mà tổ quốc giao phó.

Năm 1843, tướng quân Nguyễn Công Trứ bị giáng chức làm linh thú ở Quảng Ngãi. Ông quan niệm "Khi làm tướng, tôi không lấy làm vinh, thì lúc làm lính có chi mà nhục". Quan niệm này đúng với cường thường, đạo nghĩa, quyết tâm phục vụ chính nghĩa quốc gia, dân tộc, thể hiện thái độ "tâm" đã định và "tính" đã an. (Tri kỳ tâm, tận kỳ tính).

Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân, phải giữ lấy cương thường.

Thường các bậc phụ huynh khuyên con cháu lo học hành vì hiểu rõ tầm mức quan trọng của sự học trong đời sống để nắm lấy cơ hội thăng tiến nền giáo dục cho Cộng đồng Việt Nam hải ngoại. "Nhân bất học, bất tri lý. Ấu bất học lão hà vi." Ngày nay tại các quốc gia tân tiến mà chúng ta đang cư ngụ, mọi ngành hoạt động đều cần chuyên viên có kỹ năng tinh luyện, được chứng minh bằng kiến thức và kinh nghiệm. Nếu không có nghề chuyên môn, cạnh tranh với đời thật là vất vả!

Đa số những người có kiến thức và kinh nghiệm ở Việt Nam, sau ngày di tản, tuổi tác đã chồng chất, lại phải lo gánh nặng gia đình, còn đâu thì giờ để theo lũ em học hành như xưa. Vì vậy, các bậc tiền bối chỉ trông nhờ vào lớp hậu sinh, con cháu chuyên tâm nghiên bút, chẳng những để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, vinh thân, phì gia, mà còn làm "Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. Trên vì nước, dưới vì nhà. Một là đắc hiếu, hai là đắc trung".

Hiếu thảo với cha, mẹ đem tài năng phục vụ nhân quần xã hội, quốc gia, dân tộc, là niềm mong ước chung của các bậc phụ huynh vậy.

Trần Xuân Thời

Ghi chú:
(*) Lý Tiến, Trương Trọng được ghi trong sách "Bách Việt Tiên Hiền Chí" (120 hiền triết Bách Việt) do Âu Đại Nhậm biên soạn năm Gia Tĩnh Triều Minh (1522).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét