Thư Mời Tham Dự Lễ Chào Quốc Kỳ Mỗi Đầu Tháng Tại VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT San Jose.
THƯ MỜI
Trân Trọng Kính Mời:
Quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo
Quý Đồng Hương Người Việt Bắc California.
Quý bậc Trưởng thượng, Thân hào, Nhân sĩ.
Quý Hội đoàn, Đoàn thể, Chính đảng.
Quý Hội đoàn Cựu Quân Nhân QLVNCH và quý Chiến hữu.
Quý Cơ Quan Truyền Thông, Báo chí.
<!>
Kính thưa quý vi.
Trong tinh thần giữ gìn và tôn vinh lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa .
Như thường lệ mỗi Thứ Bảy đầu tháng, Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng Bắc Cali, phối hợp cùng Anh chị Phụng Sự Cộng Đồng và các em Liên Đoàn Hướng Đạo Diên Hồng, tổ chức một buổi Lễ Chào Kính Quốc Kỳ VNCH và HK, Đầu Tháng Hai năm 2023 tại:
VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT
1499 Roberts Ave – San Jose – CA 95122
Vào lúc 9:00 Sáng Ngày Thứ Bảy, 04 tháng 2 năm 2023.
Ban tổ chức trân trọng kính mời quý đồng hương Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản, quý Thân hào, Nhân sĩ, quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể, Chính Đảng cùng các quý chiến hữu QLVNCH Bắc California tham dự.
◙ Đặc biệt: Nhân ngày LỄ TÌNH YÊU (Valentine’s Day!) Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, có nhã ý gửi đến quý đồng hương tham dự 20 giải xổ số và tất cả Quý Chị, mỗi người một sẽ được tặng, một Bông Hồng và một món quà nhỏ, nhằm Chúc Mừng Lễ Tình Yêu 2023!
• Điểm tâm nhẹ và cà phê sáng vẩn do Cô Brenda Huỳnh (nhân viên phụ trách các dịch vụ Bảo hiểm Sức khoẻ và Medicare ) yểm trợ.
• Xin Thông Báo: Để tránh những sinh hoạt của các Hội Đoàn, Đoàn Thể tại Bắc California San Jose bị trùng hợp cùng ngày và cùng giờ. Ban Tổ Chức Lễ Chào Quốc Kỳ tại Vườn Truyền Thống VIỆT xin đề nghị quý Hội đoàn, Đoàn thể thông báo cho Ban Tổ Chức biết chương trình sinh hoạt của hội, để có thể thông báo đến quý đồng hương trong buổi Lễ Chào Kính Quốc Kỳ mỗi Thứ Bảy đầu tháng.
Trân Trọng Kính Mời Quý Đồng Hương và quý chiến hữu QLVNCH tham dự.
T. M. Ban Tổ Chức Lễ Chào Kính Quốc Kỳ Mỗi Đầu Tháng tại Vườn Truyền Thống VIỆT
Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng
Nhóm Phụng Sự Cộng Đồng.
Liên Đoàn Hướng Đạo Diên Hồng.
BS Phạm Đức Vượng.
• Điện thoại liên lạc:
• BS Phạm Đức Vượng (408) 226 - 8844 • ĐPQ/NQ Hà Triệu (408) 646 – 8752 • Ông Trần Chánh Tùy (408) 941 – 5043 • Ông Jimmy Phan (408) 210 – 5405 • John Dũng (408) 605 – 5235 • Ông Đặng Long (408) 886 – 0178 • Bà Maria Phạm: (408) 768 – 7379 • Bà Phan Hà: (408) 666 – 6415
Happy Valentine!
Thưa Quý Quý Đồng Hương Tham Dự Buổi Lễ Chào Cờ Đầu Tháng,
Trong tháng 2, nổi bật nhất là có Ngày Lễ Tình Yêu!14 tháng 2!
Tình Yêu nghĩa rộng, đây là quà tặng Quý Báu nhất, mà Thượng Đế ban cho con người.
Nơi đâu có Tình Yêu Thương, nơi đó là Thiên Đàng! Ngược lại, hận thù, ghen ghét, nơi đó sẽ thấy cảnh chém giết, chiến tranh, nghèo đói, độc tài, Địa Ngục!
Nên ý nghĩa cao đẹp yêu thương nhau! của ngày Lễ này, rất đáng được cổ võ, khuyến khích, quảng bá.
Hội Truyền Thông Bắc Cali, xin được góp tay với BTC trong Buổi Lễ Chào Cờ Đầu Tháng, với :
-20 phần quà xổ số.
-Tất cả phụ nữ tham dự, sẽ được tặng một Bông Hồng và một món quà nhỏ!
Hy vọng với chút đóng góp nhỏ bé này, Đồng Hương sẽ tham dự đông hơn, trong Buổi chào kính Lá Cờ Vàng thân yêu của chúng ta.
Kính Chúc tất cả Quý Vị và Gia Quyến: Một Ngày Lễ Tình Yêu vui vẻ, bên “Nửa Kia” đáng yêu của mình và bên cạnh những người mình yêu mến.
Chúc Mừng Lễ Tình Nhân, Happy Valentine 2023!
Hạt Santa Clara Loan Báo Sẽ Đóng Cửa Các Địa Điểm Tiêm Ngừa Covid-19 Hàng Loạt, Vào Ngày 28 Tháng 2!
– Sau khi đã tiêm thành công 1.9 triệu liều thuốc ngừa kể từ
năm 2020 và là quận hạt lớn có tỷ lệ tiêm ngừa cao nhất trên toàn quốc trong những tháng ngày sau khicó được loạt thuốc tiêm ngừa đầu tiên, Hạt Santa Clara sẽ đóng cửa các địa điểm tiêm ngừa và xét nghiệm COVID-19 hàng loạt còn lại vào ngày 28 tháng 2. Các chương trình này ngưng hoạt động vì Liên bang và Tiểu bang đã tuyên bố sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp liên quan đến COVID, và các nơi cung cấp dịch vụ y tế và các hiệu thuốc trên toàn Quận Hạt hiện nay đã có thể giúp cho cư dân xét nghiệm và tiêm ngừa. Quý vị có thể lấy hẹn tiêm ngừa với Quận Hạt tại www.sccfreevax.org cho đến ngày 28 tháng 2.
Kể từ khi thuốc tiêm ngừa COVID-19 được phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2020, chương trình tiêm ngừa hàng loạt của Quận Hạt đã tiêm được hơn 1.3 triệu liều thuốc ngừa cho cư dân. Kết hợp với việc tiêm ngừa tại các phòng khám y tế của Quận Hạt, chương trình Tiêm Ngừa Lưu Động, chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Người Không Nhà, Y Tế Cho Nhân Viên, và các chương trình khác do Quận Hạt điều hành thì Quận Hạt đã tiêm được khoảng 1.9 triệu liều thuốc ngừa COVID-19. Tổng số này chiếm 33% tổng số liều thuốc được tiêm ngừa trong Quận Hạt trong thời kỳ đại dịch.
Hãy theo dõi cập nhật trên trang Twitter của chúng tôi: @HealthySCC
Trang mạng Hạt Santa Clara: http://www.sccgov.org/coronavirus
Trang Facebook Sở Y Tế Công Cộng: https://www.facebook.com/sccpublichealth
Tin Quốc Tế Đó Đây
Tin Vui: Mỹ Sẽ Chấm Dứt Tình Trạng Khẩn Cấp Covid Vào Tháng 5, Năm Nay!
(Hình: Điều phối viên đáp ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc Jeff Zients.)
- Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đầu tuần này loan báo sẽ chấm dứt các công bố tình trạng khẩn cấp về COVID vào ngày 11/5/2023, gần 3 năm sau khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chống dịch sâu rộng để ngăn chặn sự lây lan.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) do COVID-19 được Tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump ban hành vào năm 2020. Ông Biden đã nhiều lần gia hạn các biện pháp này vốn cho phép hàng triệu người Mỹ được xét nghiệm, chích vắc-xin và điều trị miễn phí.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Tòa Bạch Ốc cho biết các công bố khẩn cấp đó sẽ hết hạn trong những tháng tới, sẽ được gia hạn một lần nữa cho đến ngày 11 tháng 5 và sau đó chấm dứt.
“Việc này phù hợp với các cam kết trước đây của Chính quyền là đưa ra thông báo ít nhất 60 ngày trước khi chấm dứt PHE”, OMB cho biết trong một tuyên bố chính sách.
Dưới tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chính phủ Mỹ đã trả tiền cho vắc-xin COVID-19, một số xét nghiệm và một số phương pháp điều trị. Khi hết hạn, những chi phí đó sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ.
OMB cho biết, việc PHE hết hạn cũng sẽ chấm dứt các chỉ thị, như Điều 42 vốn trục xuất ngược trở về Mễ Tây Cơ các di dân từ Nicaragua, Cuba và Haiti bị bắt khi vượt biên giới từ Mễ Tây Cơ vào Mỹ.
OMB cho biết Tổng thống Biden sẽ phủ quyết một dự luật được đề nghị tại Quốc hội nhằm loại bỏ các quy định bắt buộc nhân viên y tế làm việc trong một số chương trình liên bang phải chích vắc-xin COVID.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy số ca nhiễm COVID tại Mỹ đang giảm, dù mỗi ngày vẫn có trên 500 người chết vì COVID tại Mỹ.
Hơn 5 Tỉ Mỹ Kim Hỗ Trợ COVID Tại Hoa Kỳ Có Thể Đã Bị Gian Lận!
(Hình minh họa.)
- Trong một báo cáo công bố ngày 30/1/2023, một tổ chức quan sát cho biết chính phủ Hoa Kỳ có phần chắc đã cấp khoảng 5,4 tỉ Mỹ kim viện trợ COVID cho những người có số an sinh xã hội đáng ngờ.
Ủy ban Trách nhiệm giải trình trong Ứng phó Đại dịch (PRAC) cho hay họ xác định 69.323 số an sinh xã hội đáng ngờ được dùng để nhận 5,4 tỉ Mỹ kim từ Chương trình Cho vay Thảm họa Tổn hại Kinh tế (EIDL) và Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP).
Các khoản vay nay được phân phối từ tháng Tư năm 2020 tới tháng Mười năm 2022, theo báo cáo được đưa ra trước cuộc điều trần về gian lận trong chi tiêu đại dịch đã lên lịch vào ngày 1/2 tới đây bởi Ủy ban Giám sát Hạ viện
Mỹ đang điều tra nhiều vụ gian lận nhắm vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ như chương trình PPP, chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare và bảo hiểm thất nghiệp. Tháng Năm 2021, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã mở Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi chống Gian lận COVID-19.
Năm 2022, Bộ Tư pháp cử Công tố viên liên bang Kevin Chambers dẫn đầu nỗ lực điều tra những kẻ gian lận lợi dụng đại dịch để bòn rút các chương trình hỗ trợ của chính phủ.
Tháng Chín năm 2022, Tổng thanh tra Bộ Lao động cho hay nhũng kẻ gian lận có phần chắc đã ăn cắp 45,6 tỉ Mỹ kim từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ trong đại dịch bằng cách dùng các thủ thuật như sử dụng số an sinh xã hội của những người đã chết để lãnh tiền trợ cấp.
Cũng trong tháng Chín, các Công tố viên liên bang đã truy tố hàng chục người bị tố cáo ăn cắp 250 triệu Mỹ kim từ một chương trình hỗ trợ của chính phủ dành cho trẻ em trong đại dịch.
WHO Vẫn Duy Trì Cảnh Báo Cao Nhất Về COVID, Hy Vọng Chấm Dứt Tình Trạng Khẩn Cấp Trong Năm Nay
(Hình: Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 30/1/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói COVID-19 tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây là hình thức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.
WHO cho biết thêm trong một tuyên bố rằng đại dịch có thể đang ở một “điểm chuyển tiếp” cần được quản lý cẩn thận để “giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra”.
Đã ba năm kể từ lần đầu tiên WHO tuyên bố COVID là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Hơn 6,8 triệu người đã chết trong các đợt bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên trái đất, tàn phá các cộng đồng và nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch kể từ năm 2020. Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói ông hy vọng có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong năm nay, đặc biệt nếu khả năng tiếp cận các biện pháp đối phó có thể được cải thiện trên toàn cầu.
“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong năm tới, thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó, chúng ta giảm số ca nhập viện và tử vong (COVID) xuống mức thấp nhất có thể”, ông Tedros nói trong một cuộc họp riêng của WHO vào thứ Hai.
Các Cố vấn của ủy ban chuyên gia WHO về tình trạng đại dịch nói với Reuters vào tháng 12/2022 rằng có khả năng đây không phải là thời điểm để chấm dứt tình trạng khẩn cấp do tình trạng không chắc chắn về làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID nghiêm ngặt vào cuối năm 2022.
Qua Nửa Thế Kỷ: New York Lại Phá Vỡ Kỷ Lục Về Thời Tiết!
(Hình: Một người đàn ông chạy bộ ở gần cầu Brooklyn, New York, vào ngày 25/1/2023. Thành phố này vừa phá vỡ kỷ lục của 50 năm trước về đợt tuyết mùa Đông đến trễ nhất.)
- Thành phố New York xưa nay nổi tiếng về nhiều thứ và giờ đang phá vỡ một số kỷ lục về thời tiết.
Được mệnh danh là thành phố không ngủ hay “quả táo lớn”, New York vừa phá vỡ kỷ lục của 50 năm trước, được lập vào ngày 29/1/1973, về đợt tuyết mùa đông đến trễ nhất.
Rất khó có khả năng tuyết rơi vào thứ Hai (30/1) với nhiệt độ dự kiến lên tới 10,5 độ C và điều kiện trời nắng.
Vài ngày tới, thành phố này có thể sẽ phá một kỷ lục khác, là 332 ngày không có tuyết, được thiết lập vào ngày 15/12/2020.
Hậu quả từ biến đổi khí hậu? Có thể lắm.
Tuyết có thể chưa đến. Tháng Hai là tháng mà thời tiết khó đoán trước, giống như bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ người Mỹ Prince là... đôi khi tuyết rơi vào tháng Tư.
Ngoại Trưởng Mỹ Blinken Ủng Hộ Giải Pháp 2 Quốc Gia ở Vùng Tây Ngạn
(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Phi trường Ben Gurion, gần Tel Aviv, trong chuyến thăm Do Thái vào ngày 30/1/2023.)
- Hôm thứ Ba (31/1/2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Vùng Tây Ngạn, một ngày sau khi kêu gọi chấm dứt bạo lực leo thang và tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Thịnh Ðốn đối với giải pháp 2 quốc gia cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên giữa Do Thái và Palestine.
Ông Blinken kêu gọi cả hai bên bình tĩnh sau vụ một tay súng người Palestine sát hại 7 người bên ngoài một giáo đường Do Thái vào tuần trước trong vụ tấn công tồi tệ nhất kiểu này tại khu vực Jerusalem trong nhiều năm, nâng tổng số người Do Thái thiệt mạng trong các cuộc tấn công của người Palestine kể từ năm 2022 lên 33 người, trong đó có 3 người Ukraine cũng bị giết.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp các nhà lãnh đạo Chính quyền Palestine (PA), những người đã không còn chút ảo tưởng nào sau nhiều tháng các cuộc tấn công của lực lượng Do Thái ở Vùng Tây Ngạn bị chiếm đóng đã giết chết hơn 200 người Palestine, bao gồm cả thường dân và chiến binh, tính từ năm 2022.
Chỉ riêng trong tháng 1, 35 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Do Thái, được xem là tháng đẫm máu nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, các viên chức cho biết các cuộc tấn công vào tài sản của người Palestine do người định cư Do Thái thực hiện cũng gia tăng.
Tuần trước, PA đã đình chỉ thỏa thuận hợp tác an ninh với Do Thái sau cuộc đột kích lớn nhất trong nhiều năm, khi lực lượng Do Thái tiến sâu vào trại tị nạn ở thành phố Jenin phía Bắc, gây ra một cuộc đấu súng khiến 10 người Palestine thiệt mạng.
Hôm thứ Ba (31/1), Ngoại trưởng Blinken đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái Yoav Gallant, trong đó, hai lãnh đạo thảo luận về việc hợp tác để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí nguyên tử cũng như tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở Vùng Tây Ngạn bị chiếm đóng.
Hy vọng đạt được giải pháp 2 quốc gia, với một nhà nước Palestine độc lập có trụ sở chủ yếu ở Vùng Tây Ngạn cùng với Do Thái, hầu như đã biến mất kể từ vòng đàm phán cuối cùng do Hoa Kỳ bảo trợ bị đình trệ vào năm 2014.
Tổng Thống Mỹ Bác Bỏ Khả Năng Giao Chiến Đấu Cơ F-16 Cho Ukraine
- Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Bá Linh không cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nguyên thủ Mỹ cũng phản đối khả năng giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo cho Kyiv.
Tại Tòa Bạch Ốc, hôm 30/1/2023, trả lời một nhà báo về khả năng cung cấp các loại vũ khí theo đề nghị của giới lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời “Không”. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy các nước phương Tây viện trợ phi đạn tầm xa và chiến đấu cơ cho Kyiv.
Tuy nhiên, theo báo kinh tế Pháp Les Echos, Lokheed Martin, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tăng cường sản xuất F-16 tại Greenville, Nam Carolina, Mỹ, để cung cấp cho các nước muốn giao loại chiến đấu cơ này cho Ukraine.
Cũng vào hôm 30/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte, trong cuộc họp báo chung tại The Hague, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Kyiv, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng về việc giao phi cơ cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron cũng cho biết thêm: “Về nguyên tắc, không có gì cấm cản”. Từ The Hague, thông tín viên Antoine Mouteau của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Sau một số lời khen ngợi về điều mà ông gọi là “mối quan hệ Pháp-Hòa Lan tốt đẹp”, Thủ tướng Mark Rutte đã nhanh chóng đi vào tâm điểm của vấn đề hiện đang được bàn tán nhiều ở cả Hòa Lan và phần còn lại của Âu Châu. Thủ tướng Hòa Lan nói: “Chỉ bằng cách cùng nhau, tại Âu Châu, cũng như Pháp và Hòa Lan, chúng ta mới có thể cố gắng hết sức để giúp đỡ Ukraine, và cũng là để bảo đảm rằng Ukraine sẽ thắng cuộc chiến này, còn Nga sẽ thua”.
Tuy nhiên, khi một nhà báo hỏi về khả năng Hòa Lan giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Thủ tướng Mark Rutte trả lời rằng hiện giờ điều này vẫn chưa được đặt ra. Về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu của Pháp, tương tự, Tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra thận trọng: “Tôi sẽ nói rất đơn giản với quý vị là trên nguyên tắc, không có gì bị loại trừ và chúng tôi luôn đánh giá mọi điều dựa theo ba tiêu chí. Đầu tiên là đó là điều được yêu cầu, hữu ích, có tính đến thời gian tập huấn và giao cho quân đội Ukraine. Tiêu chí thứ hai là điều đó không gây leo thang căng thẳng, tức là các trang thiết bị chúng tôi cung cấp không thể chạm đến đất Nga. Tiêu chí thứ ba là việc này không làm suy yếu khả năng của quân đội Pháp trong việc bảo vệ lãnh thổ của chính chúng tôi và các công dân của chúng tôi”.
Chuyến đi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến The Hague diễn ra vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức. Bà đã đề nghị lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga”.
Paris và Canberra Tuyên Bố Hòa Giải, Đồng Hỗ Trợ Vũ Khí Cho Kyiv
- Mối quan hệ Pháp-Úc bị rạn nứt kể từ sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm năm 2021 nay đã được hàn gắn. Tại Paris, sau cuộc họp 2+2, các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại Giao của hai nước hôm 30/1/2023, thông báo cung cấp cho Ukraine đạn 155 ly do Pháp và Úc Ðại Lợi đồng sản xuất.
Theo thông cáo chung do Bộ Ngoại giao Pháp công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu nêu rõ “hàng ngàn pháo 155 ly sẽ do hai nước cùng sản xuất” và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến là trong quý I/2023.
Lãnh đạo Quốc Phòng Pháp khẳng định sáng kiến này giúp cho ngành công nghiệp vũ khí của hai nước sản xuất nhanh hơn, nhưng không làm ảnh hưởng đến nguồn ngân sách cũng như nguồn đạn dự trữ của quân đội Pháp và Úc Ðại Lợi.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles, hoan nghênh một “dự án trị giá nhiều triệu Mỹ kim” Úc Ðại Lợi và một “chương trình hợp tác mới giữa hai nền công nghiệp quốc phòng Úc-Pháp”.
Hợp đồng chế tạo đạn sẽ do tập đoàn Nexter của Pháp thực hiện. Phía Úc Ðại Lợi đảm trách việc cung cấp thuốc nổ. Đạn 155 ly được sử dụng nhiều trong các loại pháo được phương Tây giao cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược như Caesar của Pháp, M777 của Mỹ hay Panzerhaubitze 2000 của Đức.
Ngoài ra, trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Pháp và Úc Ðại Lợi cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định tại eo biển Đài Loan và kêu gọi giải quyết ôn hòa những vấn đề có liên quan giữa đôi bờ thông qua đối thoại, mà không đe dọa dùng vũ lực hay cưỡng chế”.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, quan hệ giữa Paris và Canberra đã bị xấu đi vào tháng 9/2021 khi chính phủ tiền nhiệm Úc Ðại Lợi đột ngột hủy hợp đồng trị giá 90 tỉ Mỹ kim, liên quan đến việc thiết kế và lắp ráp 12 tàu ngầm do tập đoàn Naval Group của Pháp thực hiện, để đổi lấy tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Anh, Mỹ.
Pháp: Nhiều Lĩnh Vực Tê Liệt Trong Ngày Hành Động Thứ 2 Chống Dự Án Cải Tổ Hưu Trí
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 31/1/2023, là ngày hành động thứ hai của giới nghiệp đoàn Pháp chống dự án cải tổ hưu trí của chính phủ, hay còn gọi là “hồi 2”.
Các nghiệp đoàn hy vọng với việc đông đảo nhân viên, công nhân tham gia bãi công, và tuần hành, chính phủ sẽ phải nhân nhượng. Hàng loạt lĩnh vực bị tê liệt hoàn toàn hoặc đình trệ.
Theo thông tấn xã AFP, trong lĩnh vực giao thông, chỉ có từ 25 đến 30% chuyến tàu tốc hành TGV so với ngày thường, tình hình tương tự đối với giao thông đường sắt cấp vùng. Tại thủ đô Paris, metro giảm hoạt động đến mức tối đa. Đa số tuyến metro chỉ duy trì vào giờ cao điểm và với tần số thưa hơn, nhiều ga metro đóng cửa hoàn toàn. Riêng các tuyến bus và xe điện nổi vẫn duy trì 80% hoạt động.
Bãi công ảnh hưởng mạnh đến các kho xăng và nhà máy lọc dầu. Tập đoàn Total Energies thống kê được từ 75 đến 100% nhân viên bãi công. Công ty điện lực nhà nước Pháp EDF ghi nhận hoạt động trong lĩnh vực này sụt giảm mạnh, với việc nhiều nhân viên bãi công. Trong ngày hành động đầu tiên 19/1 tại EDF, khoảng một phần hai nhân viên bãi công. Công suất điện ước tính sụt 3.000 MW, theo công đoàn CGT và EDF, tương đương với ba lò phản ứng nguyên tử.
Trong lĩnh vực giáo dục, các nghiệp đoàn ngành giáo dục dự kiến 50% giáo viên tham gia bãi công, từ cấp mẫu giáo cho đến phổ thông trung học. Riêng tại Paris, khoảng 100 trường học đóng cửa. Ngày hành động hôm nay dự kiến thu hút sự tham gia đông đảo của viên chức nhà nước. Ngày 19/1, đã có 28% viên chức Pháp bãi công, trong tổng số hơn 2,5 triệu viên chức, theo thống kê của chính quyền.
Bãi công và biểu tình là hai hoạt động chính của giới nghiệp đoàn trong ngày hôm nay. Các đoàn tuần hành đầu tiên phản đối dự án cải tổ hưu trí của chính phủ bắt đầu ngay từ 10 giờ sáng. Phát biểu trên BFMTV và RMC, Tổng Thư ký nghiệp đoàn CGT, Philippe Martinez, bày tỏ hy vọng là “hồi 2” hôm nay sẽ tương đương với “hồi 1”, ngày 19/1. “Hồi 1” –đã thu hút sự tham gia của 1,12 triệu người biểu tình, theo chính quyền, và hơn 2 triệu theo CGT. Một cuộc họp của giới nghiệp đoàn sẽ được tổ chức tại trụ sở của FO vào lúc 18 giờ hôm nay, để quyết định bước tiếp theo của phong trào phản kháng. Theo thông tấn xã AFP, tối thiểu sẽ có một “hồi 3”.
Bất chấp các phản đối quyết liệt từ phía các nghiệp đoàn và đối lập tại Quốc hội, chính phủ quyết định không nhường bước. Hôm 30/1, Tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại rằng đây là một cuộc cải cách “cần thiết”. Dự án cải tổ hưu trí là một nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron.
Về triển vọng của cuộc cải tổ hưu trí, theo chuyên gia Frédéric Dabi, viện thăm dò dư luận Ifop, chính phủ Pháp đã tỏ ra yếu kém trong cuộc chiến chinh phục công luận. Theo kết quả thăm dò dư luận của OpinionWay, cho nhật báo kinh tế Les Echos và Radio Classique, công bố hôm 30/1, 61% người Pháp ủng hộ phong trào phản kháng chống dự luật cải tổ, tỉ lệ phụ nữ ủng hộ gia tăng so với hai tuần trước. Đa số người Pháp không chống cải cách hưu trí, nhưng chống dự án cải tổ của chính phủ. 56% dân Pháp vẫn khẳng định cải tổ hưu trí là cần thiết.
Mỹ và Ấn Độ Hợp Tác Về Vũ Khí, Trí Tuệ Nhân Tạo Để Cạnh Tranh Với Trung Quốc
(Hình: Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 31/1/2023, Tòa Bạch Ốc khởi động quan hệ đối tác với Ấn Độ điều mà Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ giúp các nước này cạnh tranh với Trung Quốc về thiết bị quân sự, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Hoa Thịnh Ðốn muốn khai triển thêm các mạng điện thoại di động phương Tây ở tiểu lục địa để cạnh tranh với công ty Huawei Technologies của Trung Quốc, chào đón thêm các chuyên gia chip máy điện toán Ấn Độ đến Hoa Kỳ và khuyến khích các công ty từ cả hai nước hợp tác trên các thiết bị quân sự như hệ thống Pháo binh.
Tòa Bạch Ốc phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trên mọi mặt trận, bao gồm các hạn chế của Hoa Kỳ đối với chuyển giao kỹ thuật quân sự và thị thực cho công nhân nhập cư, cùng với sự phụ thuộc lâu dài của Ấn Độ vào Mạc Tư Khoa về khí tài quân sự.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Biden, và người đồng cấp Ấn Độ, Ajit Doval, đang gặp gỡ các viên chức cấp cao của cả hai nước tại Tòa Bạch Ốc hôm 31/1 để khởi động Sáng kiến Hoa Kỳ-Ấn Độ về Kỹ thuật Quan trọng và Mới nổi.
“Thách thức lớn hơn do Trung Quốc đặt ra - các hoạt động kinh tế, động thái quân sự hiếu chiến, nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp của tương lai và kiểm soát chuỗi cung ứng của tương lai - đã có tác động sâu sắc đến suy nghĩ ở Delhi”, ông Sullivan nói.
Ông Doval cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong chuyến thăm 3 ngày tới Hoa Thịnh Ðốn. Chuyến thăm sẽ kết thúc vào 1/2.
Từ trước đến nay, Tân Ðề Ly đã khiến Hoa Thịnh Ðốn thất vọng khi tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga và tăng cường mua dầu thô của nước này, nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nhưng Hoa Thịnh Ðốn đã giữ im lặng, thúc đẩy nước này chống lại Nga trong khi bỏ qua lập trường diều hâu hơn của Ấn Độ đối với Trung Quốc.
Hôm 30/1, ông Sullivan và ông Doval đã tham gia một sự kiện của Phòng Thương mại với các nhà lãnh đạo công ty từ Lockheed Martin Corp, Adani Enterprises và Applied Materials Inc.
Mặc dù Ấn Độ là một phần trong dự án cam kết Á Châu đặc trưng của chính quyền Biden, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), nhưng Ấn Độ đã chọn không tham gia các cuộc đàm phán trụ cột thương mại của IPEF.
Liên Hiệp Quốc: Bầu Cử Do Tập Đoàn Quân Sự Miến Điện Tổ Chức Khiến “Bạo Lực Gia Tăng”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay 2 năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự ở Miến Điện, tập đoàn quân sự thông báo sẽ tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng” trong năm nay. Liên Hiệp Quốc cảnh báo, bầu cử nếu được tổ chức sẽ khiến việc trở lại với tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện “thêm khó khăn”, đồng thời kêu gọi quốc tế phản đối.
Theo thông tấn xã AFP, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, nhà ngoại giao gốc Tân Gia Ba Noeleen Heyzer, hôm 31/1/2023, ra thông cáo, có đoạn “tổ chức bầu cử sẽ làm xung đột kéo dài, khiến cho việc quay trở lại nền dân chủ và tình trạng ổn định thêm khó khăn hơn”. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về dự án tổ chức bầu cử của tập đoàn quân sự. Hôm 30/1, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến các điều kiện hiện tại không cho phép tổ chức bầu cử, với “không kích gia tăng, nơi cư trú của thường dân bị đốt phá, cùng lúc với việc các lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo liên tiếp bị bắt bớ, đe dọa và hành hung”.
Bầu cử nếu được tổ chức có thể khiến chiến sự gia tăng tại nhiều khu vực ở Miến Điện. Trả lời thông tấn xã AFP, Lin Lin, thành viên của một trong số hàng chục nhóm Tự Vệ Nhân Dân, hiện đang có mặt tại một vùng rừng núi sát biên giới Thái Lan, khẳng định cuộc bầu cử của tập đoàn quân sự sẽ không mang lại thay đổi gì cho tình hình hỗn loạn hiện nay. Ông nói: “Chúng tôi sẽ cầm vũ khí cho đến khi nào Miến Điện có được một chính quyền dân cử”. Các nhóm Tự Vệ Nhân Dân, được thành lập ít lâu sau cuộc đảo chính, trung thành với Chính phủ Đoàn Kết Dân tộc (GNU - government of national unity) chống tập đoàn quân sự.
Theo Jakarta Post, báo mạng Nam Dương, hôm 27/1 tuần trước, tập đoàn quân sự đã ra thời hạn hai tháng cho các đảng phái chính trị đăng ký để tham gia bầu cử. Tập đoàn quân sự đề ra các quy định nghiêm ngặt, như bất kỳ đảng phái nào cũng phải huy động đủ 100.000 thành viên mới được phép ra tranh cử, hay phải mở văn phòng tại một nửa số đô thị trên toàn quốc trong vòng 180 ngày.
Hiện tại, tập đoàn quân sự Miến Điện chưa chính thức thông báo thời điểm bầu cử. Theo thông tấn xã AFP, “trong tình hình đối lập chính trị hoàn toàn bị trấn áp, và được sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc và Nga, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức trước tháng 8/2023, thể theo quy định trong Hiến pháp” do tập đoàn quân sự ấn định. Chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định bất cứ cuộc bầu cử nào dưới sự điều hành của tập đoàn quân sự đều là “dàn dựng”.
Iran Triệu Tập Nhà Ngoại Giao Cấp Cao Ukraine Vì Những Bình Luận Về Cuộc Tấn Công Bằng Máy Bay Không Người Lái
(Hình: Video của nhân chứng về hiện trường được cho là vụ nổ tại một nhà máy công nghiệp quân sự ở Isfahan, Iran, vào ngày 29/1/2023.)
- Iran vừa triệu tập đại biện lâm thời của Ukraine tại Tehran vào thứ Hai (30/1/2023), vì những bình luận của nước này về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một nhà máy quân sự ở tỉnh Isfahan, miền Trung Iran, theo hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran.
Tại Ukraine, quốc gia cáo buộc Iran cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho Nga để tấn công các mục tiêu dân sự ở các thành phố của Ukraine cách xa mặt trận, một Phụ tá cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kết nối trực tiếp sự việc với cuộc chiến ở đó.
“Đêm nổ lớn ở Iran”, ông Mykhailo Podolyak tweet vào Chủ nhật. “Đã cảnh cáo rồi”.
Một viên chức Mỹ nói với thông tấn xã Reuters rằng Do Thái dường như đứng sau vụ tấn công.Iran thừa nhận gửi máy bay không người lái tới Nga nhưng nói rằng chúng đã được gửi trước khi Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine vào năm 2022.
Mạc Tư Khoa phủ nhận lực lượng của họ sử dụng máy bay không người lái của Iran ở Ukraine, mặc dù nhiều chiếc đã bị bắn hạ và thu hồi ở đó.
Thủ Tướng Đức Khẳng Định Bá Linh Không Cấp Chiến Đấu Cơ Cho Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay các đồng minh của Ukraine bị chia rẽ trong vấn đề cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, theo yêu cầu của Kyiv.
Hôm 29/1/2023, Thủ tướng Đức Olaf Sholz tuyên bố Bá Linh sẽ không viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sẽ không cho phép “căng thẳng leo thang” và “giữa NATO và Nga không có chiến tranh”.
Theo thông tấn xã AFP, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Tagesspiege, Thủ tướng Đức khẳng định: “Vấn đề phi cơ chiến đấu không được đặt ra”. Ông Olaf Sholz chỉ trích mạnh mẽ các áp lực buộc chính quyền Đức phản nhân nhượng trong việc cấp phi cơ chiến đấu cho Kyiv: “ngay khi một quyết định được đưa ra (tức việc Đức quyết định viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine), lại có thêm một cuộc tranh luận mới bắt đầu tại Đức” về viện trợ quân sự, và “đây là điều không nghiêm túc, làm suy giảm niềm tin của công dân Đức vào các quyết định của chính phủ”. Olaf Cholz cũng nhắc lại là Đức hậu thuẫn Ukraine về nhiều mặt, từ tài chánh, nhân đạo đến vũ khí, như nhiều nước khác, và “không có quốc gia nào ủng hộ Ukraine hơn Đức”.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, Thủ tướng Olaf Sholz cho biết “cần” tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cam kết sẽ tiếp tục điện đàm với nguyên thủ Nga, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể. Lần điện đàm cuối cùng giữa hai lãnh đạo Nga-Đức là vào đầu tháng 12/2022. Thông điệp mà Thủ tướng Đức gửi đến chủ nhân Ðiện Cẩm Linh trong bài phỏng vấn hôm 29/1 là: “nếu Nga tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraine thì tình hình sẽ không thay đổi”.
Vấn đề cung cấp chiếu đấu cơ cho Ukraine đang gây chia rẽ các đồng minh của Kyiv. Trong những ngày gần đây, theo báo Le Monde hôm 30/1, nhiều giới chức Mỹ và Âu Châu cho biết là không loại trừ việc cấp phi cơ chiến đấu F-16, do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Hòa Lan là một trong số các nước ủng hộ biện pháp này.
Phát biểu của Thủ tướng Đức được đưa ra trong chặng công du tại Chí Lợi. Tổng thống Chí Lợi Grabriel Boric hôm 29/1 cam kết “đóng góp một cách đa phương cho hòa bình” tại Ukraine. Ngày 30/1, Thủ tướng Đức đến Ba Tây, chặng cuối trong vòng công du Nam Mỹ.
Trước cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Đức-Ba Tây, Le Monde dẫn lại thông tin trên báo chí Ba Tây cho hay, tân Tổng thống Ba Tây Lula da Silva bác bỏ yêu cầu của Đức, cung cấp cho Ukraine đạn dược được dùng cho xe tăng Lepoard-2. Theo Tổng thống Ba Tây, “không nên khiêu khích Nga”. Á Căn Ðình cũng có quan điểm tương tự. Hai quốc gia Nam Mỹ Ba Tây và Á Căn Ðình đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine, nhưng không muốn hậu thuẫn Ukraine về quân sự.
Thủ Tướng Đức Công Du Ba Tây, Với Trọng Tâm Là Hợp Tác Kinh Tế, Môi Trường
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong chuyến công du 3 ngày ở Nam Mỹ, sau chặng dừng chân ở Á Căn Ðình và Chí Lợi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 30/1/2023 đến Ba Tây. Trọng tâm chuyến công du của Thủ tướng Đức là về hợp tác kinh tế, chủ yếu nhằm tìm kiếm các hợp đồng mới về các loại đất hiếm và lithium.
Theo kế hoạch, hôm 30/1, Thủ tướng Đức có cuộc gặp với Tổng thống Ba Tây Lula Da Silva. Ông Olaf Scholz là nhà lãnh đạo đầu tiên của phương gặp Tổng thống Ba Tây từ khi ông Lula tái đắc cử hồi tháng 10/2022. Từ Bá Linh, thông tín viên Nathalie Versieux của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:
Được hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng, Thủ tướng Đức sẽ nhấn mạnh về việc cần hoàn tất Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ Châu la-tinh. Thỏa thuận giữa hai khu vực, được ký kết hồi vào năm 2019, vẫn chưa được phê chuẩn, đặc biệt do mối lo ngại về chính sách môi trường của Jair Bolsonaro, người tiền nhiệm của Tổng thống Lula.
Quả thực, Bá Linh hy vọng sẽ sang trang mới sau giai đoạn sóng gió thời Bolsonaro, cả về môi trường và thương mại. Đức, nhà tài trợ thứ hai cho việc bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon, sau Na Uy, đã cung cấp tài chánh trở lại hồi đầu năm nay và đã chuyển khoản tiền 35 triệu Euro cho Quỹ bảo vệ Amazon.
Vấn đề còn lại hiện giờ liên quan đến nước Nga. Mặc dù là một trong những nước lên án vụ xâm lược Ukraine, nhưng Ba Tây lại từ chối tham gia chương trình trừng phạt nhắm vào Mạc Tư Khoa. Hồi tháng 12/2022, ông Lula thậm chí còn làm phương Tây khó chịu khi cho rằng Ukraine cũng có phần trách nhiệm trong vụ xung đột với Nga bùng nổ.
Gia Nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ Để Ngỏ Khả Năng ủng Hộ Riêng Phần Lan và Từ Chối Thụy Điển
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 29/1/2023, lần đầu tiên nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng ủng hộ riêng Phần Lan, và chống lại đề nghị gia nhập Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển. Ankara muốn gia tăng áp lực để Stockholm nhân nhượng trong hồ sơ người Kurdistan.
Theo thông tấn xã AFP, trong một cuộc gặp với giới trẻ được truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra một thông điệp khác với Phần Lan”. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng khối NATO muốn xem xét cùng lúc đơn gia nhập NATO của cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển, theo nguyện vọng của hai nước. Cho đến nay, chính quyền Erdogan cũng chưa bao giờ chính thức tách biệt đề nghị gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tất cả 29 quốc gia thành viên, có quyền phủ quyết đơn gia nhập NATO. Hôm 24/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình hoãn vô thời hạn một cuộc họp tay ba với Thụy Điển và Phần Lan về chủ đề này, dự kiến vào đầu tháng 2.
Thông điệp chủ yếu mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Thụy Điển trong phát biểu hôm qua liên quan đến các thành viên và những người ủng hộ đảng PKK của người Kurdistan, nổi dậy chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ năm 1984, đang tị nạn tại Thụy Điển. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là các phần tử khủng bố. Ông Erdogan nói rõ: “Nếu quý vị muốn vào NATO, quý vị phải trao cho Thổ Nhĩ Kỳ các phần tử khủng bố. Chúng tôi đã đưa cho họ danh sách 120 người (… ). Nhưng họ đã nhạo báng chúng tôi, và nói rằng họ đã thay đổi Hiến pháp”.
Về phản ứng của Phần Lan, theo thông tấn xã AFP, cho đến nay Helsinki vẫn từ chối gia nhập NATO nếu không có Thụy Điển. Ngày 25/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto bày tỏ hy vọng là tiến trình phê chuẩn đơn gia nhập của cả hai nước sẽ được hoàn tất trước thượng đỉnh của NATO tại Vilnius vào tháng 7/2023, bất chấp các bất đồng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Libération, cho đến nay chính quyền Thụy Điển mới chỉ chấp nhận trục xuất một người Kurdistan theo đòi hỏi của Ankara. Người bị trục xuất là Mahmut Tat, đệ đơn tị nạn từ 2021, đã bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người này có thể bị phạt tù đến 6 năm, do bị tình nghi có quan hệ với đảng PKK. Hồi tháng 6/2022, khi Thụy Điển đệ đơn gia nhập NATO, Ankara yêu cầu trục xuất 33 người. Theo phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên đây, danh sách này nay đã lên đến 120. Thụy Điển là nơi định cư của khoảng 100.000 người Kurdistan, trong đó có nhiều người Kurdistan gốc Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn vì các lý do chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét