Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Kính Chuyển Ít Tin Nóng Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giờ Thì Thế Giới Nhìn VN Không Còn Chút Gì Thiện Cảm: Khi Thấy Nga Khen Việt Nam Rối Rít, ‘Sáng Suốt, Công Bằng, Khách Quan!’ Khi Chọn Đứng Hẳn Về Phía Nga, Trong Cuộc Xâm Lược Ukraine!
(Hình Embassy of Russia in Vietnam: Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Yatskin bắt tay Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ trong một cuộc hội kiến tại Hà Nội, ngày 17/2/2023.)
<!>
-Một nhà lãnh đạo của Thượng viện Nga trong chuyến thăm Việt Nam mới đây nói rằng, ông đánh giá cao lập trường “sáng suốt, cân bằng, khách quan!” của Việt Nam về điều mà phía Nga gọi là cuộc khủng hoảng Ukraine và chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành ở nước này.

Nhà chức trách Nga dùng những thuật ngữ này để mô tả cuộc chiến tranh xâm lược mà Tổng thống Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, viện dẫn lý do “giải trừ phát xít” nước láng giềng. Cuộc chiến kéo dài gần 1 năm đã giết chết hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Cả thế giới lên án.

Andrey Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang của Nga, hôm 17 tháng 2 hội kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Hà Nội, trong một chuyến thăm và làm việc cũng bao gồm các chặng dừng chân ở Tp. HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tòa Ðại sứ Nga tại Việt Nam cho biết trong một bản tin đăng trên Facebook.
“Việc Việt Nam từ chối tham gia với các quốc gia, các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp một lần nữa, khẳng định bản chất hữu nghị và tin cậy truyền thống của quan hệ hai nước chúng ta luôn không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của tình hình”, ông được Tòa Ðại sứ dẫn lời nói.

“Chúng tôi đánh giá đặc biệt cao việc Việt Nam đồng bảo trợ và tiếp tục ủng hộ Nghị quyết hàng năm do Nga đề xuất ‘Chống lại sự tôn vinh chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa tân quốc xã và các hành vi khác, đang làm gia tăng các hình thức phân biệt chủng tộc hiện đại, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan”

Ông Yatskin cũng tham dự cuộc họp Nhóm hợp tác giữa Hội đồng Liên bang với Quốc hội Việt Nam và Nhóm hữu nghị Nga-Việt do Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn. Hai bên được nói là trao đổi kỹ lưỡng quan điểm về “một loạt các vấn đề thời sự cấp thiết” trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế, Tòa Ðại sứ nói.

Ông Yatskin nhấn mạnh trong điều kiện bất ổn địa chính trị đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, các Nghị sĩ Nga quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trong nhiều vấn đề và định hướng, bao gồm thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, khoa học và kỹ thuật, giáo dục và văn hóa, theo Tòa Ðại sứ.

Truyền thông nhà nước không đề cập đến Ukraine như một vấn đề được bàn luận giữa ông Huệ và ông Yatskin. Một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam nói ông Huệ khẳng định Nga là một trong những đối tác ưu tiên, đồng minh quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
“Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Liên bang Nga trên các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình ổn, định, phát triển tại khu vực và trên thế giới”, bản tin nói.

Ông Huệ cảm ơn sự giúp đỡ mà nhà nước và nhân dân Nga, đã dành cho Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay, theo thông tấn xã.
Ông cũng được nói “vui vẻ nhận lời” mời thăm chính thức Nga của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko được ông Yatskin mang tới trong một bức thư, đồng thời gửi lời mời bà thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhiều lần nói, Việt Nam không chọn bên trong cuộc chiến ở Ukraine mà chọn công lý, lẽ phải! (không nói dóc, không phải CS) Tuy nhiên trên thực thế, Việt Nam đã cố gắng hết sức để tránh làm phật lòng Nga, nước mà Hà Nội quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tại các cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong năm qua bằng nhiều phiếu trắng, hoặc phiếu chống đối với các Nghị quyết chỉ trích Nga.


Sau Khi Thăm Ukraine, Tổng Thống Mỹ Thăm Ba Lan Bàn Việc Tăng Cường Sự Hiện Diện Lính Mỹ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 20/2/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã từ Kyiv, thủ đô của Ukraine, đến thủ đô Warsaw của Ba Lan nhằm đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine.
Theo lịch trình, nguyên thủ Mỹ gặp đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda vào ngày 21/2 và có một cuộc họp vào 22/2 với nhóm “Bucharest 9 nước” bao gồm toàn bộ các nước Đông Âu và các nước vùng Baltic, thành viên trong Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Theo thông tấn xã AFP, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 19/2/2023 cho biết Hoa Kỳ và Ba Lan “đang trong quá trình thảo luận về việc tăng quân số và sự hiện diện của lính Mỹ lâu dài hơn”.

Hiện tại, khoảng 11.000 lính Mỹ đồn trú tại Ba Lan. Tổng thống Mỹ Biden từng loan báo hồi tháng 6/2022, rằng Hoa Kỳ sẽ thành lập một trụ sở quân đội thường trực mới ở Ba Lan để đối phó với các mối đe dọa của Nga. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên đài RFI, Thomas Harms nhận định:

Trước hết, Tổng thống Mỹ sẽ có lời cảm ơn chính phủ Ba Lan vì đã cam kết hỗ trợ tài chánh và quân sự cho Ukraine, nước láng giềng. Ông cũng phải cảm ơn cả nhân dân Ba Lan đã chấp nhận đón hơn một triệu người tị nạn trên lãnh thổ.
Joe Biden có lẽ sẽ phải nhấn mạnh đến việc là Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh với Kyiv cho đến khi nào còn cần thiết, chí ít cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Hơn nữa, theo nhiều viên chức, Tòa Bạch Ốc đã hối thúc chính phủ Ukraine khẩn cấp củng cố những vùng lãnh thổ giành lại được – và thậm chí có thể mở cuộc tấn công của chính mình. Nói một cách khác, cần phải hành động chừng nào hậu thuẫn của quốc tế vẫn còn đó, và đội quân Nga đông đảo vẫn chưa chiếm được nhiều vùng đất khác.

Điều này cũng quan trọng đối với ông Biden khi sự ủng hộ của người dân Mỹ, cũng như của cả hai đảng đang dần sụt giảm. Một thăm dò gần đây cho thấy 48% số người Mỹ được hỏi ủng hộ gởi vũ khí cho Ukraine, một mức giảm đáng kể so với tỷ lệ 60% hồi tháng 5/2022.


Tổng Thống Ukraine: Quân Nga Đã Chịu Nhiều Tổn Thất “Vô Cùng Nặng Nề” Gần Thành Phố Vuhledar

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay tối Chủ Nhật (19/2/2023), Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky thông báo quân Nga đã chịu nhiều tổn thất “vô cùng nặng nề” gần thành phố Vuhledar trong vùng Donbass, miền Đông Ukraine, nơi Mạc Tư Khoa tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022.
Tuy nhiên, thông tấn xã Reuters cho biết trong video thường nhật đăng tải tối 19/2, Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận tình hình rất phức tạp.

Nhìn đến vùng Kharkiv, miền Đông-Bắc Ukraine, hôm 20/2, Bộ Tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã đẩy lui các đợt tấn công của quân Nga vào làng Hrianykivka, nhưng quân Nga vẫn oanh kích ồ ạt vào khu vực này. Mặc dù quân đội Nga hôm 18/2 thông báo đã chiếm một địa phương gần Koupiansk, nhưng các lực lượng Ukraine nói rằng khu vực phía Bắc Koupiansk vẫn đang có giao tranh.

Từ vùng Koupiansk, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith của Đài RFI hôm 20/2/2023 gửi về bài phóng sự:
Có những tiếng cười và những câu chuyện nhẹ nhàng ở rìa khu rừng có tuyết phủ: Đây là lúc nghỉ ngơi của các binh lính thuộc lữ đoàn 92. Bầu không khí ở đây tương phản với không khí ở trận tuyến cách đây khoảng 10 cây số, theo lời kể của Yuri Doubovik trong bộ đồ ngụy trang màu trắng. Yuri Doubovik nói: “Chẳng có gì vui cả. Quân Nga đông đến mức chúng tôi phải trú ở chiến hào. Nhiều khi chúng tôi còn chẳng có thời gian hút một điếu thuốc. Chúng tôi thậm chí còn không thể ló ra ngoài. Hiện giờ, chúng tôi đang ở thế phòng thủ”.

Ivan, một cựu binh ở Donbass, 35 tuổi, đã giấu xe tăng T62 của anh trong một bụi rậm. Anh cũng nhận thấy đối phương đang khai triển nhiều hoạt động. Anh nói: “Họ bắt đầu bắn nhiều đạn pháo hơn và thậm chí ném bom chùm. Họ tấn công liên tục, không ngừng nghỉ”.

Sau một năm chiến tranh cường độ cao, ai trông cũng mệt mỏi, đội ngũ thưa dần: Đơn vị 116 quân của người lính động viên có biệt hiệu Scotch này chỉ còn có 40 binh sĩ. Scotch kể: “Đa phần họ đang nằm viện viện vì bị thương. Đơn vị chúng tôi có ít người chết, 10 người tất cả. Nhưng người ta không muốn điều thêm tân binh cho chúng tôi, họ vẫn tính những người đang nằm viện vào quân số đơn vị tôi”.

Dẫu sao đi chăng nữa, Scotch khẳng định vẫn giữ vững tinh thần và nói rằng sẵn sàng tiếp tục chiến đấu nếu cần.


Thay Đổi Lớn Trong Đời Sống: Địa Vị Google Bị Đe Dọa Thay Thế, Lung Lay!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Ngoài Bard của Google các công ty kỹ thuật internet cũng đang chạy đua sáng chế các chabot mới cạnh tranh với ChatGPT.)
-ChatGPT có thể nói chuyện trực tiếp, trả lời những câu hỏi người dùng nêu lên. Đó chính là một địa hạt mà Google làm bá chủ trong 20 năm qua. Vì vậy, ngày 7 tháng Hai, 2023, khi công ty Microsoft công bố sẽ sử dụng ChatGPT thì Google cần phản ứng ngay.

Cây hoa đỗ quyên ở trước nhà tôi mấy năm trước đã nở rộ; năm nay chưa tới mùa hoa, nhưng không biết ông bạn làm vườn nào đã vô tình chặt cụt một nửa. Tôi chợt nhớ một câu Kiều, “Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hoa!”
Ngâm nga xong, tôi bỗng nghi ngờ không biết mình có nhớ đúng hay không. Bèn tìm trong Google. Trí nhớ của tôi rất kém, thực ra Nguyễn Du dùng chữ hương, không phải chữ hoa: “Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương!”

Một lần khác, không nhớ đầy đủ hai câu thơ Tú Xương, tôi cũng Google bằng mấy chữ, “cô mất hai đồng lẻ…” nhờ thế tìm ra cả bài thơ với hai ‘câu thực’, “Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn – Sờ bụng thầy không một chữ gì”. Đồng chẵn, không phải đồng lẻ. Nếu quý bạn không biết từ ‘câu thực’ nghĩa là gì thì xin cứ Google mà tìm – chữ Google dùng như một động từ.

Google là tên một cái “Máy Tìm”, dịch chữ “Search Engine”, có thể dùng để tìm tòi bất cứ cái gì, chữ nào, câu nào, bài nào, đã xuất hiện trên internet. Hai mươi năm trước, cả nước Mỹ chạy đua coi ai “chế” ra nhu liệu, nhu liệu điện toán, làm cái “Máy Tìm” nhanh nhất, đúng nhất, đầy đủ nhất. Công ty AltaVista đã đứng đầu một thời gian; Yahoo! cũng rất mạnh. Google ra đời năm 1998, hai năm sau có lúc đã đề nghị ai trả một triệu Mỹ kim thì bán, nhưng không ai mua. Năm 2022 công ty Alphabet, mẹ của Google, thâu được $283 tỉ và giá trị lên trên một ngàn tỉ Mỹ kim. Cứ mỗi giây đồng hồ, có 100.000 lần “click” ra lệnh cho Google tìm tòi các thông tin trên mạng, theo báo Economist.
Nhưng ngày Thứ Tư cách đây vài tuần, công ty Alphabet bị tụt 8% giá trị, mất khoảng 100 tỉ Mỹ kim trên thị trường chứng khoán, sau khi phản ứng vội vàng trước thách đố của Công ty Microsoft trong việc sử dụng “trí khôn nhân tạo”.

Trí khôn nhân tạo (AI) đã phát triển hàng chục năm nay, là những khí cụ để máy vi tínnh (computer) giúp trí khôn con người khi tính toán, tìm tòi, suy nghĩ, vân vân; vì computer có thể chứa đựng những kho dữ kiện, con số, hiểu biết rộng lớn vô cùng, lại tính toán rất nhanh. Lâu nay Cộng sản Trung Quốc sử dụng Trí khôn nhân tạo nhiều nhất, để kiểm soát dân chúng. Họ lưu giữ hình ảnh, tên họ, lý lịch của hàng tỉ người, mỗi ngày máy quay phim của họ ở các ngã tư, phi trường, ga xe lửa, vân vân, chụp bộ mặt một người đi qua thì máy computer có thể nói người đó tên gì, nhà ở đâu, học trường nào, trước đây có đi biểu tình hoặc viết email chống chính phủ hay không, vân vân.

Trong các nước tự do, người ta dùng AI, Trí khôn nhân tạo, vào rất nhiều việc. Các Luật sư có thể nhờ AI tìm những án lệ liên hệ đến vụ kiện, các Bác sĩ nhờ AI coi có những hình quang tuyến được lưu trữ giống như tấm hình mới chụp của bệnh nhân hay không, và đã được chẩn đoán ra sao. Các sinh viên sẽ tìm được các bài viết về đề tài mình đang nghiên cứu. Một phát minh quan trọng dùng AI là những nhu liệu gọi là “chatbot”. Khi quý vị đánh máy một câu trên điện thoại di động để gửi cho ai, có thể thấy mình viết chữ “ăn” thì nó hiện ra những chữ “uống, cơm, bún, sáng, vân vân, “ như thể cái máy đoán trước được ý của mình, đó là cái chatbot đang hoạt động. Nó căn cứ vào kinh nghiệm những lần trước quý vị thường viết những chữ nào sau chữ ăn, nó lôi lên, bày ra cho quý vị chọn.

Với kho dữ liệu mênh mông trong bộ nhớ và khả năng tìm ra trong nháy mắt, các chatbot có thể tự đặt câu, “nói năng, thưa gửi, trả lời”… như con người. Cho một đề tài, các chatbot có thể viết một bài văn, một bài bình luận, làm thơ, hoặc tán tỉnh, chửi thề, quảng cáo, tuyên truyền, không thiếu thứ gì.

Tháng 11 năm 2022, một công ty mới lập OpenAI ở Thung lũng Điện tử đã đưa ra một chatbot đặt tên là ChatGPT có thể làm tất cả những việc trên, và nhiều thứ khác, như soạn ra các nhu liệu mới, y như người! Ngân hàng quốc tế UBS đã đếm, thấy kể từ đó đến nay, trong hai tháng đã có 100 triệu người sử dụng ChatGPT, nhanh kỷ lục trong lịch sử internet! Trước đây, TikTok phải mất 9 tháng mới đạt tới số thân chủ đó.

ChatGPT có thể nói chuyện trực tiếp, trả lời những câu hỏi người dùng nêu lên. Đó chính là một địa hạt mà Google làm bá chủ trong 20 năm qua. Vì vậy, ngày 7 tháng Hai, 2023, khi công ty Microsoft công bố sẽ sử dụng ChatGPT thì Google cần phản ứng ngay.

Microsoft cho ChatGPT đi kèm với và bổ túc cho Bing, cái “máy tìm” của họ, hiện chỉ chiếm 5% thị trường những cuộc tìm kiếm trên mạng, đứng hàng thứ tư sau Google vốn chiếm hai phần ba, và 95% các cuộc tìm kiếm trên điện thoại tinh khôn (smart phone). Google đang trả công ty Apple mỗi năm 15 tỉ Mỹ kim để được cài sẵn vào trong các iPhone. Bây giờ, khi Bing có thêm ChatGPT đi kèm, thị trường sẽ thay đổi.

Một điểm đáng chú ý là khi người ta đặt một câu hỏi, Google sẽ trả lời bằng một danh sách các tài liệu về vấn đề đó, cho mình tìm đọc lấy. ChatGPT thì khác, nó sẽ đưa ra những câu trả lời, dựa trên hàng triệu tài liệu có sẵn trong trí nhớ. Nó lại có thể học từ kho tài liệu đó cách nói năng, viết ra những câu cú giống như tiếng nói của loài người.

Báo Economist đưa ra một thí dụ, quý vị muốn tổ chức một chuyến đi chơi, trong một ngày, mang theo trẻ em, có mục đích giáo dục. Nếu vào hỏi Google, Bing hay Baidu, quý vị sẽ được thấy một bảng liệt kê những mạng (websites) có thể mở ra đọc, trong đó có những công ty tổ chức du lịch, rồi so sánh, chọn lựa.
Hỏi ChatGPT thì khác. Nó sẽ trả lời ngay lập tức, với những đề nghị cụ thể cho quý vị chọn. Sau đó, quý vị có thể hỏi thêm những chi tiết, nó sẽ trả lời. Nhờ ChatGPT, Bing của Microsoft sẽ đe dọa địa vị bá chủ của Google. Ông Sundar Pinchai, CEO của Alphabet, phải tuyên bố “báo động đỏ!”

Nhưng Google đã nuôi sẵn một chatbot trong nhà mang tên là Bard rồi, cũng như Microsoft đã nuôi OpenAI bằng 11 tỉ Mỹ kim góp vốn. Khi Microsoft gây chấn động vì công bố cho Bing đi kèm với ChatGPT, Google lập tức đưa Bard ra biểu diễn. Đáng tiếc, khi một câu hỏi có tính chất thời sự khoa học đặt ra, Bard đã trả lời sai! Vội vàng quá, ông Pinchai thú nhận. Đáng lẽ nên chờ, thử thách Bard nhiều hơn và sửa sang cho nó hoàn chỉnh, trước khi trình làng!

Nhưng chính ChatGPT cũng còn đang ở trong thời gian thử thách. Nó có thể trả lời các câu hỏi của người tìm hiểu, nhưng nó vẫn chỉ là cái máy, không có gì bảo đảm các câu trả lời là đúng sự thật, không vi phạm luật pháp (Hỏi: Làm bom cách nào rẻ tiền nhất?) hoặc phạm thuần phong mỹ tục (Cho tôi địa chỉ của…!)
Ngoài Bard của Google các công ty kỹ thuật internet cũng đang chạy đua sáng chế các chabot mới cạnh tranh với ChatGPT. Google đầu tư 300 triệu Mỹ kim vào Anthropic, một công ty mới, do một cựu nhân viên của OpenAI lập ra, đang sáng chế một chabot đã có sẵn tên là Claude. Công ty Baidu, máy tìm độc chiếm Trung Quốc vì Google bị cấm, tuyên bố đang chuẩn bị cho ra đời một chatbot vào tháng Ba năm nay, mang tên Ernie. Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đặt ra những hàng rào để kiểm soát các chatbot, như họ vẫn kiểm soát cả hệ thống internet. Không biết Baidu làm cách nào để Ernie luôn luôn theo đúng các điều cấm kỵ!

Một nước tự do dân chủ như ở Mỹ mới tạo cơ hội cho các sáng kiến phát sinh và chạy đua, cạnh tranh với nhau. Kinh tế tiến lên được là nhờ những công ty đi sau vượt qua mặt, lật đổ địa vị những công ty đi trước; rồi sẽ tới lúc họ lại bị qua mặt. Chế độ Cộng sản độc tài không tạo được một môi trường như vậy.


Tại Moldova: Cộng Đồng Thân Nga Biểu Tình Đòi Giải Tán Chính Phủ

- Ngày 20/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Moldova, nước Cộng hòa Liên Xô cũ, với 2,6 triệu dân, đang lâm khủng hoảng kinh tế-xã hội. Chính phủ thân Âu Châu lo ngại bất ổn xã hội do sự kích động từ chính quyền Mạc Tư Khoa.
Hôm 19/2, hàng ngàn người biểu tình thân Nga đã tập trung tại thủ đô Chisinau phản đối các chi phí đời sống đắt đỏ, đòi giải tán chính phủ của Tổng thống Maia Sandu, chủ trương thân Âu Châu. Từ Moldova, đặc phái viên Anieshka Koumor gửi về phóng sự:

Một người phụ nữ hét lên: “Chúng tôi chính là nhân dân, chúng tôi sẽ chiến thắng!” Cũng giống như bà, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành, yêu cầu nhà chức trách Moldova chi trả hóa đơn khí đốt và sưởi ấm cho họ.
Với khoản lương hưu ít ỏi, chỉ tương đương 620 Euro/tháng, mọi thứ đã trở nên quá đắt đỏ đối với ông Nicolai, 66 tuổi. Ông cho biết: “Cả đời, tôi làm công nhân xây dựng không khai báo. Tôi chỉ có giấy tờ khai báo làm việc trong 3 năm qua. Đó là tất cả những gì tôi có”.

Một người phụ nữ khác, nói tiếng Nga, từ chối cho biết tên, tỏ ra kiên quyết hơn: “Chúng tôi, nhân dân Moldova, muốn có bầu cử trước thời hạn. Chính quyền hiện tại không phù hợp với chúng tôi!”.
Nhiều lời chỉ trích vang lên: “Đả đảo chế độ độc tài!” Người biểu tình đòi chính phủ, vốn đã suy yếu do khủng hoảng kinh tế, phải giải tán. Đứng đầu trong số họ là Marina Tauber, Phó Chủ tịch đảng Shor, chính đảng tổ chức cuộc biểu tình. Bà nói: “Chị có thấy những người khiêu khích đâu không? Ở đây chỉ có người Moldova thôi, cả thanh niên, trung niên và người cao tuổi”.

Sống tị nạn tại Do Thái, nhà tài phiệt gây tranh cãi, Ilan Shor, thường bị vị Tổng thống thân Âu Châu, bà Maia Sandu, tố cáo xúi giục các hành vi bạo lực dưới lớp vỏ ngụy trạng là các cuộc biểu tình phản đối”.

Hôm 13/2, Tổng thống Maia Sandu tố cáo Nga kích động một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Moldova. Tổng thống Maia Sandu thậm chí đã công bố chi tiết kế hoạch của Mạc Tư Khoa dựa vào các thành phần trong xã hội Moldova, như đảng thân Nga của nhà tài phiệt Ilan Sor, hiện đang sống lưu vong tại Do Thái, và các phần tử phá hoại đến từ Nga, Belarus, Serbia và Montenegro. Trước đó ít ngày, Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky đã tố cáo âm mưu của Nga lật đổ chính quyền thân Âu Châu của Moldova.


Ngoại Trưởng Mỹ Đến Thổ Nhĩ Kỳ Để Giải Quyết Bất Đồng Trong NATO

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 20/2/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau khi đến thăm những nơi bị động đất và thông báo viện trợ thêm 100 triệu Mỹ kim.

Đây là chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken kể từ khi ông nhậm chức cách đây 2 năm. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do chiến tranh Ukraine, Hoa Kỳ nhìn nhận vai trò mang tính xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ: Từ đầu cuộc chiến Ukraine đến nay, Ankara, vốn vẫn giữ quan hệ tốt với cả Mạc Tư Khoa lẫn Kyiv, đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột.

Tuy vậy, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đôi khi khá căng thẳng. Trong chuyến đi lần này của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên sẽ bàn về những bất đồng. Hồ sơ ưu tiên chính là việc Ankara vẫn ngăn cản NATO thu nhận hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan.
Bên cạnh đó còn có việc bán chiến đấu cơ F-16 mà Tổng thống Biden đã hứa với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Mỹ đã chặn lại vụ mua bán này do những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và về mối đe dọa của nước này đối với Hy Lạp.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/2 thông báo kết thúc hầu hết các cuộc tìm kiếm người sống sót sau trận động đất 7,5 độ Richter ngày 6/2, khiến hơn 44.000 người chết, theo tổng kết mới nhất. Sau khoản viện trợ đầu tiên 85 triệu Mỹ kim của Hoa Kỳ, hôm 19/2, ông Blinken thông báo một khoản viện trợ bổ sung 100 triệu Mỹ kim. Ngoại trưởng Mỹ đã cùng với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đi trực thăng, bay bên trên các vùng bị động đất, đồng thời ông đã đến gặp các nhân viên cấp cứu người Syria đang hoạt động tại các vùng do phiến quân kiểm soát.


Bắc Hàn Bắn 2 Phi Đạn và Cảnh Cáo Hoa Kỳ, Nam Hàn

- Hôm 20/2/2023, Cộng sản Bắc Hàn đã bắn 2 phi đạn mà họ mô tả là có khả năng “tấn công nguyên tử chiến thuật” có thể phá hủy hoàn toàn các căn cứ không quân của kẻ thù.

Theo hãng tin chính thức KCNA, vụ bắn phi đạn này nhằm đáp lại các cuộc tập trận chung trên không của liên quân Mỹ-Hàn hôm Chủ Nhật.
Nam Hàn xem vụ bắn phi đạn này là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Kim Yo Yong, em gái của lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un, sáng 20/2 dọa sẽ biến vùng Thái Bình Dương thành một “ trường bắn” nếu Hoa Kỳ tiếp tục khai triển các phương tiện chiến lược trong khu vực. Từ Hán Thành, thông tín viên Trần Công tường trình:

Theo thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ- Hàn, Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ có một cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày vào tháng 3 tới. Cuộc tập trận này sẽ có quy mô lẫn phạm vi lớn hơn, với kịch bản bao gồm cả những kinh nghiệm được đúc kết từ chiến tranh Nga-Ukraine và các hành động đe dọa của Bắc Hàn trong tương lai.
Sau khi thông tin nói trên được đưa ra, Bình Nhưỡng đã có hàng loạt hành động gây hấn bao gồm vụ bắn phi đạn xuyên lục địa Hwasong-15 vào ngày 18/2, nhằm chứng minh tuyên bố của Chủ tịch Kim Jong-Un về việc “hoàn thiện lực lượng nguyên tử”. Tiếp theo đó, Bình Nhưỡng bắn thêm 2 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản vào sáng 20/2/2023. Bình Nhưỡng tuyên bố đã sử dụng các dàn phóng phi đạn đa nòng rất lớn và đó là những phương tiện “tấn công nguyên tử chiến thuật” đủ mạnh để “biến thành tro bụi” các căn cứ không quân của kẻ thù.

Tuy nhiên thông tin này được cho là không xác thực. Quân đội Mỹ và Nam Hàn nhận định rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian để tối ưu hóa các thiết bị cũng như bảo đảm khả năng quay lại khí quyển của phi đạn liên lục địa.

Đáp trả hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, liên quân Mỹ-Hàn đã điều các máy bay chiến đấu F-35A và F-15K của không quân Nam Hàn và các máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ hộ tống máy bay ném bom chiến lược B-1B tiến vào vùng nhận dạng phòng không Nam Hàn.

Sau khi vụ bắn phi đạn của Bắc Hàn hôm nay, phía Nhật Bản đã lên tiếng phản đối vì phi đạn này đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Về phần mình, Bắc Kinh cho biết “không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên”, sau vụ phóng thử phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn.

Theo lời của phát ngôn viên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hôm 19/2, ông đã lên án Bắc Hàn về vụ phóng phi đạn-đạn đạo liên lục địa hôm 18/2, kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng “những hành động khiêu khích” này. Hôm 20/2, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn ở New York về tình hình bán đảo Triều Tiên.


Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị Công Du Hung Gia Lợi Bàn Về Hợp Tác Kinh Tế Song Phương

- Rời Munich, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hung Gia Lợi hôm 19/2/2023 và ông đã được Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban. Hôm 20/2, Ngoại trưởng Trung Quốc có buổi hội đàm với đồng nhiệm Hung Gia Lợi với trọng tâm là quan hệ kinh tế song phương.

Hung Gia Lợi là nước Trung Âu đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về dự án “Con đường tơ lụa mới”. Tuy nhiên, bàn giao song phương cũng có những lúc thăng trầm. Từ thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi, thông tín viên Florence La Bruyère của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:

Đối với Viktor Orban, giao thương với Trung Quốc có nghĩa là tiếp cận các nguồn tài trợ mới, trong khi một phần quỹ Âu Châu dành cho Hung Gia Lợi vẫn bị Brussels phong tỏa. Trung Quốc cũng không phải là một đối tác quan tâm nhiều đến Nhà nước pháp quyền như Liên Hiệp Âu Châu.

Thế nhưng, quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Sau khi mời Đại học Phúc Đán, Thượng Hải mở khu học xá Âu Châu đầu tiên ở Budapest, Thủ tướng Viktor Orban đã từ bỏ dự án, bởi vì Hung Gia Lợi sẽ phải vay nợ Trung Quốc nhiều để xây khu học xá này. Đối với các cử tri cánh hữu, đó là một ý tưởng tồi. Do lo ngại mất phiếu bầu của cử tri, ông Viktor Orban đã bỏ cuộc.

Một vấn đề khác: Ở miền Đông Hung Gia Lợi, tập đoàn công nghiệp Trung Quốc Amperex (CATL) phải đầu tư 7,5 tỉ Euro vào xây dựng một nhà máy sản xuất pin điện xe hơi. Thế nhưng, dự án đã vấp phải sự phản kháng của cư dân trong vùng. Họ đặc biệt lo ngại chất thải từ nhà máy sẽ gây ô nhiễm các nguồn nước ngầm.


Mỹ-Phillpines Thảo Luận Tuần Tra Chung Trên Biển Đông


(Hình: Lực lượng tuần dương Phi Luật Tân diễn tập chống cướp biển.)

- Hôm 20/2/2023, một viên chức Manila cho biết Phi Luật Tân và Mỹ đang thảo luận về khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung của lực lượng tuần dương hai nước, bao gồm cả ở Biển Đông.

Với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng hàng hải chiến lược, Phi Luật Tân đã gia tăng giọng điệu trước điều mà họ cho là ‘các hoạt động gây hấn’ của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn cũng trở thành điểm nóng trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về hoạt động hải quân.

Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) về các vấn đề Biển Đông, nói với kênh CNN Phi Luật Tân rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã đi xa hơn giai đoạn ban đầu và khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung là rất cao.

Ông Tarriela không nói rõ chi tiết về quy mô hoặc thời gian của các cuộc tuần tra được đề xuất, vốn xảy ra sau khi Ngũ Giác Đài trong tháng này nói Mỹ và Phi Luật Tân đã ‘đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông’.
“Đã có lộ trình khả thi rõ ràng vì Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã hỗ trợ tuần tra chung với hải quân Phi Luật Tân và hải quân Mỹ, do đó chắc chắn các cuộc tuần tra chung sẽ diễn ra giữa lực lượng tuần duyên của cả hai nước”, ông Tarriela nói.

“Cũng có khả năng cuộc tuần tra chung này sẽ được tiến hành ở Biển Đông để ủng hộ quyền tự do hàng hải của chính phủ Mỹ”, ông nói.

Ông Rommel Jude Ong, cựu phó tư lệnh Hải quân Phi Luật Tân, nói với Reuters hôm 20/2 rằng ý tưởng khai triển lực lượng tuần duyên ở Biển Đông thay vì hải quân sẽ ‘giảm thiểu những tính toán sai và ngăn Trung Quốc tìm cớ leo thang căng thẳng’ ở vùng biển này.


Việt Nam Hôm Nay
Công Ty Sản Xuất Giày Cho Adidas, Nike Cắt Giảm Hàng Ngàn Công Nhân, Tp. HCM Ra Chỉ Đạo Khẩn


(Ảnh: Công nhân đình công ở công ty Chí Hùng, tỉnh Bình Dương, hồi cuối tháng 5/2020.)
- Tp. HCM ra chỉ đạo khẩn, sau khi Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen thông báo sẽ cắt giảm khoảng 3.000 công nhân từ ngày 25/2/2023 tới đây.
Truyền thông nhà nước dẫn Chỉ đạo khẩn do ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM ký, yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân - nơi có nhà máy PouYuen - chủ động theo dõi, giám sát chặt tình hình liên quan, bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong diện bị cắt giảm.


(Hình Facebook: Công nhân nhà máy Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam ở Sài Gòn.)
Chỉ đạo được đưa ra ngay sau khi có thông báo của PouYuen về việc cắt giảm khoảng 3.000 lao động từ ngày 25/2/2023. Ngoài ra, PouYuen Việt Nam cũng cho biết trong năm 2023 sẽ có khoảng 3.000 công nhân không được tái ký hợp đồng.
Lý do cho biện pháp cắt giảm được PouYuen Việt Nam lý giải là do ít đơn hàng sản xuất.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê trong quý IV năm 2022, đơn hàng từ Hoa Kỳ giảm từ 30-40% và từ Âu Châu giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Việt Nam, trong năm 2022 có hơn 630.000 lao động trong nước bị mất việc làm hay bị giảm giờ làm.


Thanh Toán Đối Lập! Quay Lại Chế Độ Chuyên Chế “Toàn Trị” Báo Hiệu Thời Kỳ Tăng Trưởng Kinh Tế Khó Khăn!

(Phạm Quý Thọ)


(Hình: Các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam khoá 13 chụp hình chung tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021.)
-Thách thức cải cách thể chế có nguồn gốc từ việc đặt ý thức hệ lên trên tư duy thị trường thay vì chỉ giới hạn ở “trò chơi quyền lực chính trị cấp cao” của chế độ.

“Trò Chơi Quyền Lực Chính Trị Cấp Cao” Tác Động Đến Kinh Doanh

Sự kiện bị buộc phải từ chức của nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam không những chỉ là một “trò chơi quyền lực chính trị cấp cao”, trong đó “phe” ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loại bỏ các “đối thủ” chính trị mà còn gây ra bất ổn thể chế gây ra những hiệu ứng ngược, trong đó có các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Đó là: Một, sẽ hình thành một môi trường thận trọng hơn về mặt chính trị khi các chính trị gia rút ra bài học từ những diễn biến sự việc và giao dịch kinh doanh có liên quan, chẳng hạn việc phê duyệt các giấy phép của chính quyền sẽ chậm hơn; Hai, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để tránh xa và/hoặc tăng cường các phương án giảm thiểu rủi ro trước làn sóng điều tra chống tham nhũng có thể bị chính trị hóa trong thời gian trong và sau sự kiện; Ba, các doanh nghiệp cũng cần cảnh giác với xu hướng rủi ro dài hạn có thể xảy ra là Đảng vẫn sẽ tăng cường và mở rộng kiểm soát nội bộ trong nhiều lĩnh vực để tiếp tục thanh trừng các đối thủ chính trị hay siết chặt các quy định hạn chế tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu hiểu trò chơi quyền lực “cung đình” này, trong đó chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” được sử dụng đồng thời như một phương tiện thanh lọc nội bộ để tập trung quyền lực tuyệt đối, phản ánh quyết tâm của Đảng Cộng sản và ông Tổng Bí thư bảo vệ nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và ý thức hệ chủ nghĩa Xã hội và, như một động thái quyết liệt trong quá trình củng cố mô hình Đảng-Nhà nước mạnh kiểu chế độ chuyên chế toàn trị, thì phía trước được cảnh báo là thời kỳ khó khăn tăng trưởng kinh tế.


(Hình: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng CSVN ở Hà Nội hôm 1/2/2021. Ông Trọng là người đứng đầu công cuộc chống tham nhũng rộng khắp trong Đảng ở Việt Nam.)

“Ý Thức Hệ Đặt Trên Tư Duy Thị Trường”

Tái lập chế độ chuyên chế toàn trị đã thay đổi những đặc điểm từng mang lại sự tồn tại “dẻo dai” đồng thời với thúc đẩy kinh tế thị trường để tăng trưởng kinh tế bảo đảm tính chính danh cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo ngày càng khó khăn và không dựa trên các chuẩn chuẩn mực, việc đề bạt cán bộ lãnh đạo ngày càng dựa trên “tính đảng” hơn là thành tích, và sự kiện “hạ bệ” phe chính phủ nêu trên là cú giáng mạnh huỷ hoại sự phân công và chuyên môn hoá về chức năng điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Đây là sự thay đổi bước ngoặt, ý thức hệ đã được đặt lên trên tư duy lý tính về kinh tế là đặc trưng nổi bật của mô hình toàn trị “mới”. Giờ đây Đảng trở lại thâm nhập, can thiệp sâu vào tất cả các thể chế khác - Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp, hoạch định chính sách cho mọi lĩnh vực hành động, trong đó Đảng tăng cường lãnh đạo bằng Nghị quyết đối với sự vận hành kinh tế, và Chính phủ chỉ là bộ máy thực thi đơn thuần nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.

Thực tế cho thấy khoảng trống “tính kế thừa” ngày càng nới rộng giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính. “Chính phủ kiến tạo” do ông Phúc đề xướng đã không khi nào được nhắc đến mặc dù về mặt tăng trưởng là thành công. Trước hết là sự vươn lên từ giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô để đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân năm trong nhiệm kỳ năm năm trên 7%, khởi sắc với dự trữ ngoại tệ hơn 100 tỉ, ngoại quốc đầu tư tăng nhanh và mở rộng quan hệ kinh tế đa dạng với nhiều quốc gia…. Hơn thế, tư tưởng “kiến tạo” tập trung tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và kinh doanh, cởi mở hơn với khuyến khích kinh doanh tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cách điều hành như mang xu hướng “tư bản” để “kiến tạo” đã làm nảy sinh nhu cầu cải cách theo hướng dân chủ hoá khiến giới lãnh đạo chính trị trong Đảng không hài lòng, và mối lo ngại “sự mất kiểm soát” lớn dần khi bộ máy điều hành do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực thích hợp đã suy thoái nghiêm trọng, trục lợi lan rộng và tham nhũng.

Ông Phạm Minh Chính hiện nắm giữ chức Thủ tướng, được cho là người của Đảng bởi quá trình khởi nghiệp và thăng tiến chính trị từng là Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông đương kim Thủ tướng nhiều lần phát biểu về một nền kinh tế “độc lập tự chủ” nhưng không thể được coi là tư tưởng điều hành. Chính phủ dưới sự chỉ đạo của ông đang “vất vả” tìm bản sắc trong cơ chế “toàn trị mới” của Đảng để vận hành nền kinh tế. Đó là “rừng” Nghị quyết mà Đảng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để thể hiện sự lãnh đạo toàn diện với mục đích huy động “cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường hành chính hoá, thậm chí hình sự hoá như bắt giữ các đại gia, các quan hệ kinh tế, thúc đẩy yếu tố kinh tế nhà nước như đầu tư công và các hình thức tổ chức kinh doanh…. Ngoài ra, việc vận dụng các yếu tố thị trường đã trở nên “thận trọng” khiến nhiều chính sách cải cách trở thành “nửa vời” như quyền tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập…. Sau nhiều lần sửa đổi và, việc sửa Luật Đất đai 2013 tới đây, trong đó điều kiện tiên quyết “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” vẫn được giữ nguyên cho thấy thị trường bất động sản sẽ tiếp tục không lành mạnh khi bị ràng buộc bởi ý thức hệ.

“Thời Kỳ Tăng Trưởng Kinh Tế Khó Khăn”

Những động thái chống tham nhũng và củng cố quyền lực, một mặt, cho thấy Đảng quyết tâm và nỗ lực quay lại với chế độ chuyên chế toàn trị nhưng, mặt khác, đã bộc lộ sự “bế tắc” tạo ra một mô hình kinh tế phù hợp. Một sự thật không thể phủ nhận là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã lụi tàn và lùi xa, và sự thay thế nó là các công cụ thị trường đang thúc đẩy kinh tế tư bản chủ nghĩa, không chỉ cứu chế độ khỏi sụp đổ mà còn bảo đảm tính chính danh cho Đảng, là một thực tế khó có thể đảo ngược. Liệu có mô hình kinh tế để giải quyết mâu thuẫn từ thực tế trên?

Trước mặt, thách thức hiện hữu là mô hình Đảng-Nhà nước vận hành nền kinh tế thế nào? Nền kinh tế Việt Nam hiện nay dựa vào hai động lực trụ cột chủ yếu, một là ngoại quốc đầu tư và hai là bất động sản. Hai lĩnh vực kinh tế này và những ngành và lĩnh vực “ăn theo” như tài chánh, ngân hàng, kỹ thuật… chiếm hơn nửa GDP và tập trung phần lớn các nguồn lực quốc gia. Tuy nhiên, cả hai trụ cột đều đang bị “lung lay” trước những tác động các yếu tố trong và ngoài nước, trong đó có việc tái lập mô hình toàn trị.

Các nhà phân tích chính trị đều có chung nhận định rằng cuộc chống tham nhũng kết hợp thanh trừng trong nội bộ Đảng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ hơn, thân Trung Quốc hơn và bớt thân phương Tây hơn. “Đàn anh” Đảng Cộng sản Trung Quốc định hướng mục tiêu phát triển kinh tế để trở thành “một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại”, nhưng những vấn đề thực tế điều hành hiện tại đang báo hiệu hồi kết của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của nền kinh tế nước này. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam cố gắng không để việc chống tham nhũng “trên thượng tầng” tác động đến lực hút ngoại quốc đầu tư, nhưng các nhà đầu tư phương Tây vẫn phải cân nhắc về sự ổn định chính trị và môi trường luật pháp, thể chế khi ý thức hệ đặt lên trên tư duy thị trường. Ngoài ra, sự trùng lặp “kỳ lạ” về khủng hoảng lĩnh vực bất động sản trong cả hai nền kinh tế có chế độ chính trị tương đồng đang đe dọa bất ổn kinh tế vĩ mô, như từng thấy trong giai đoạn hơn 10 năm trước ở Việt Nam, có thể lặp lại.

Rõ ràng, những chính sách và sự vận hành kinh tế khi dựa trên khi ý thức hệ đặt lên trên, áp đảo tư duy thị trường - tư duy duy lý về kinh tế gây ra, tất cả tác động ngắn hạn và rủi ro dài hạn, cảnh báo về thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn ở phía trước mà mọi người nói chung và chủ trương cải cách thể chế nói riêng đang và sẽ phải đối diện.


Cả Nước Đã và Sẽ Còn Điên Vì... Điện!
(Trân Văn)


(Hình: Đến giờ, “minh bạch” về hoạt động của EVN vẫn chỉ là đề nghị chưa có hồi âm, điều duy nhất thiên hạ có thể biết là EVN dọa rằng, nếu không kịp thời tăng giá bán điện, khoản lỗ của năm nay (khoảng 93.000 tỉ đồng) sẽ gấp ba lần năm 2022 (khoảng 31.000 tỉ đồng)

-Chưa có bất kỳ phân tích thấu đáo nào về quản trị-điều hành EVN và lối quản trị-điều hành ấy tác động đến hoạt động của lĩnh vực điện năng cũng như kinh tế thế nào.
Chính phủ Nam Hàn vừa tổ chức thêm một hội nghị khẩn cấp nữa về kinh tế và dân sinh. Ở hội nghị khẩn cấp vừa diễn ra hôm 15/2/2023, ông Yoon Suk-yeol, Tổng thống Nam Hàn đã yêu cầu từ nay đến giữa năm, các cơ quan hữu trách của chính phủ phải giữ nguyên, không để những loại phí do chính phủ kiểm soát (đường bộ, đường sắt, viễn thông) gia tăng.

Giống như nhiều quốc gia khác, cả chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn đang loay hoay đối phó với lạm phát. Hồi đầu năm nay, giá điện tại Nam Hàn đã tăng thêm 9,5% (tăng thêm khoảng 0,01 Mỹ kim/mỗi kWh) so với năm 2022. Với giá điện mới, người ta ước đoán, một gia đình bốn người sẽ phải trả thêm khoảng 3,2 Mỹ kim cho việc dùng điện. Lẽ ra giá ga cũng phải tăng nhưng chính phủ Nam Hàn quyết định bù lỗ để kềm giá ga cho tới sang năm vì lo ngại những thành phần yếu thế trong xã hội không kham nổi gánh nặng khi cả giá điện lẫn giá ga (loại năng lượng không thể thiếu trong mùa Đông vì ai cũng cần sưởi ấm) cùng tăng. Để lạm phát không tạo thêm quá nhiều khó khăn cho những thành phần yếu thế, song song với việc cho phép tăng giá điện, chính phủ Nam Hàn loan báo sẽ nâng mức trợ cấp chi phí về năng lượng cho những thành phần yếu thế lên 54 Mỹ kim (từ 100 Mỹ kim thành 154 Mỹ kim) và tùy gia cảnh mà nâng mức giảm tiền ga thêm 5 Mỹ kim đến 10 Mỹ kim/tháng.

Bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tác động bất lợi đến kinh tế, dân sinh, chính phủ Nam Hàn cũng đã cam kết cho các doanh nghiệp vay vốn để cải thiện hiệu suất sử suất năng lượng. Những đại doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn sẽ được hỗ trợ thay thế thiết bị có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao để cùng chính phủ thực hiện một dự án có quy mô quốc gia về tiết kiệm năng lượng.

Trong hội nghị khẩn cấp vừa mới được tổ chức ở Hán Thành, ông Yoon Suk-yeol tiếp tục lập lại yêu cầu mà ông đã từng đề cập nhiều lần: Phải giảm tối đa gánh nặng giá cả cho dân chúng. Phải kềm giữ phí trong những lĩnh vực thiết yếu như giao thông, viễn thông,... là để ổn định dân sinh. Ông Yoon kêu gọi doanh giới cùng tham gia với chính phủ trong việc ổn định giá cả, san sẽ gánh nặng của dân chúng....
***
Ở Việt Nam, ngoài việc cho tăng giá điện (từ 220 đồng/kWh đến 558 đồng/kWh) vào 3/2/2023, chính quyền không làm gì thêm trừ việc... bày tỏ sự lo ngại vì giá điện tăng có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát sự ổn định của kinh tế tế vĩ mô và cân đối các yếu tố lớn khác của nền kinh tế. Quan sát cách hành xử của cả Quốc hội lẫn chính phủ, có thể thấy hai hệ thống này giống như... khách qua đường nên chỉ yêu cầu tính toán thận trọng!
Cho đến giờ, ngoài việc thường xuyên báo công (cố gắng kềm giữ giá bán điện dù chi phí đầu vào như than, dầu tăng cao, do đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế như ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững) kèm theo... báo lỗ (riêng năm 2022 lỗ 31.360 tỉ đồng), ấn tượng duy nhất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạo được nơi công chúng là... nỗ lực không mệt mỏi trong việc đề nghị tăng giá điện.

Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam, kế hoạch phát triển nguồn điện do EVN soạn thảo, chính phủ phê duyệt vẫn khăng khăng nhắm tới việc phát triển hệ thống nhà máy đốt than để phát điện. Ngoài chuyện môi trường sống bị hủy diệt, hệ thống nhà máy đốt than phát điện này là nguyên nhân khiến EVN lỗ nặng bởi giá than thăng thiên.
Cho dù EVN liên tục thua lỗ nhưng lương thưởng của các viên chức làm việc cho EVN luôn cao ngất ngưởng. Cách nay khoảng hai năm, một số cơ quan truyền thông chính thức tiết lộ, EVN đề nghị trả cho các viên chức lãnh đạo tập đoàn này khoản lương chừng 64 triệu đồng/người/tháng. Theo dự kiến, tổng số tiền EVN trả cho 14 cá nhân lãnh đạo tập đoàn khoảng 10,7... tỉ/năm !

Hàng chục năm nay, chẳng riêng dân chúng, một số cơ quan truyền thông chính thức cũng bàn đi, tán lại chuyện lãnh đạo EVN được trả lương rất cao nhưng EVN năm nào cũng lỗ rất lớn và những khoản thua lỗ theo định kỳ đó đã đẩy giá điện lên cao, kích thích vật giá gia tăng, chất gánh nặng lên vai tất cả các giới nhưng các viên chức hữu trách không bận tâm, có người còn bảo đó là... kinh tế thị trường!

Bộ Công Thương Việt Nam từng yêu cầu EVN nhanh chóng hoàn tất báo cáo quyết toán chi phí sản xuất-kinh doanh điện 2022, đồng thời thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chánh 2022 của EVN để đoàn kiểm tra liên bộ (Bộ Công Thương, Bộ Tài chánh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 nhưng dù giá bán điện đã tăng vẫn chưa ai thấy báo cáo ấy tròn méo ra sao.

Đang đối diện với tình trạng thiếu đơn đặt hàng, thiếu vốn, mãi lực sụt giảm, lãi suất tăng và đủ thứ rủi ro khó lường khác, giờ lại thêm giá bán điện tăng nhưng doanh giới Việt Nam không còn cách nào khác ngoài chuyện chấp nhận. Nhấn mạnh năm nay cả thách thức và khó khăn sẽ lớn hơn nhiều, một số đại diện doanh giới đề nghị chính quyền và EVN tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin.

Chưa có bất kỳ phân tích thấu đáo nào về quản trị - điều hành EVN và lối quản trị - điều hành ấy tác động đến hoạt động của lĩnh vực điện năng cũng như kinh tế thế nào. Đến giờ, “minh bạch” về hoạt động của EVN vẫn chỉ là đề nghị chưa có hồi âm, điều duy nhất thiên hạ có thể biết là EVN dọa rằng, nếu không kịp thời tăng giá bán điện, khoản lỗ của năm nay (khoảng 93.000 tỉ đồng) sẽ gấp ba lần năm 2022 (khoảng 31.000 tỉ đồng). Một số chuyên gia tán thêm, đại loại, nếu doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh điện lỗ nặng thì không chỉ doanh nghiệp suy yếu mà và mức độ hấp dẫn về hiệu suất đầu tư cũng giảm, khả năng thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ khó hơn. Điều này có đúng không?


Thiếu Tướng Công An Đỗ Hữu Ca Bị Tạm Giữ Vì Liên Quan Vụ Án Trốn Thuế


(Hình: Nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.)

- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay hôm 18/2/2023, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đã bị bắt giữ để điều tra vì liên quan đến một vụ án trốn thuế.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an hôm 19/2 cho biết ông Ca bị Cơ quan An ninh điều tra tạm giữ để xá minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Thông báo không cho biết cụ thể liên quan của ông Ca trong vụ án này là gì.

Báo Nhà nước trích lời trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, cho biết, vụ bắt giữ được tiến hành khi Công an mở rộng điều tra vụ án “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Liên quan đến vụ án này, ngày 18/2, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Quảng Ninh phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an một số tỉnh thành tiến hành tố tụng đối với một người liên quan.

Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông nghỉ hưu vào tháng 7/2013 khi giữ các chức vụ bao gồm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên UBND thành phố Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy, GĐ Công an thành phố; đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XIV.

Ông Ca nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội khi ông là người đứng đầu trong vụ cưỡng chế đất của nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng hồi năm 2012 dẫn đến việc nổ súng bảo vệ đất của gia đình ông Vươn khiến bốn công an và hai dân thường bị thương. Sáu người dân đã bị bắt và khởi tố sau vụ cưỡng chế.

Phiên toà xét xử hồi tháng 4/2013 đã tuyên ông Đoàn Văn Vươn 5 năm tù vì tội giết người, 3 người khác trong gia đình ông Vươn bị tuyên án từ 2 năm đến 5 năm tù cùng tội danh. Hai người khác bị án treo từ 18 tháng đến 36 tháng với cáo buộc chống người thi hành công vụ.

Vụ cưỡng chế đất sau đó bị Chính phủ kết luận là sai. Cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng là Lê Văn Hiền cùng bốn cựu viên chức khác của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, nơi xảy ra vụ cưỡng chế, bị truy tố. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, lãnh đạo Công an Hải Phòng và lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng đã kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và giải quyết tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong sự việc cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).


Nguyên Phó Chủ Tịch Thường Trực Hội Đồng Nhân Dân Thái Nguyên Bị Quốc Hội Kỷ Luật


(Hình: Ông Nguyễn Khắc Lâm.)

- Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Khắc Lâm, bị Quốc hội kỷ luật khiển trách.
Truyền thông nhà nước ngày 20/2/2023 dẫn quyết định kỷ luật ông Nguyễn Khắc Lâm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký trước đó.

Lý do kỷ luật được cho biết trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Khắc Lâm đã ký ban hành các văn bản bổ sung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm, bổ sung quy hoạch đất, việc chi ngân sách địa phương hỗ trợ một số hoạt động vi phạm quy định phát luật đất đai và ngân sách Nhà Nước; ký văn bản cho chủ trương quy hoạch dự án đầu tư trái thẩm quyền.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 21/12/2022 ra các mức kỷ luật đối với dàn lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về những sai phạm được nói nghiêm trọng trong công tác.

Ông Nguyễn Khắc Lâm - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng khiển trách.
Những vi phạm của ông Nguyễn Khắc Lâm và những lãnh đạo khác tại Thái Nguyên bị cho đã gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, một số nội dung khó khắc phục; gây bất bình trong dư luận; làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.


Xe Điện Mini Trung Quốc Sẽ Được Lắp Ráp và Bán Tại Việt Nam


(Hình: Xe điện mini Hongguang của Trung Quốc.)

- Ngày 20/2/2023, Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay xe điện mini Wuling Hongguang của Trung Quốc sẽ được lắp ráp và bán tại thị trường Việt Nam kể từ năm nay.
Truyền thông Việt Nam vào cuối tuần qua loan tin về thỏa thuận giữa TMT Motors của Việt Nam với liên doanh GM-SAIC-Wuling trong việc sản xuất xe điện mini Hongguang của Trung Quốc như vừa nêu.

Theo thỏa thuận đã ký, liên doanh GM-SAIC-WULING sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe hơi điện thương hiệu Wuling tại thị trường Việt Nam. Hoạt động này được tiến hành tại nhà máy tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, của TMT Motors.

Trước hết dòng sản phẩm Wuling Hongguang MiniEV sẽ được khai triển. Đây là dòng sản phẩm được nói bán chạy nhất Trung Quốc hiện nay. Giá bán tại Hoa Lục đối với 4 mẫu xe khác nhau được nói từ 4.800 Mỹ kim cho đến 14.700 Mỹ kim.
Mẫu bán tại thị trường Âu Châu hiệu FreZe Nibrob EV của Wuling là từ trên 10.000 Mỹ kim. Còn tại khu vực Đông Nam Á vào tháng 6/2022, Wuling bán xe điện mini tại Nam Dương với giá từ 16.700 đến 20.000 Mỹ kim.

Giá bán thay đổi theo thị trường tùy thuộc một yếu tố lớn đó là chính sách trợ cấp cho xe hơi điện.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị TMT Motors, ông Bùi Văn Hữu, được truyền thông nhà nước dẫn hy vọng rằng nhờ thiết kế nhỏ gọn, thời trang, Wuling Hongguang MiniEV sẽ nằm trong tầm tay của nhiều khách hàng Việt Nam.
Ông này cho biết sau khi sản xuất dòng xe Hongguang đầu tiên, nhà máy Hưng Yên sẽ tiếp tục sản cuất những dòng khác để khai thác hết công suất 30.000 xe mỗi năm của nhà máy.

Việt Nam đang có nhà sản xuất xe điện VinFast tại Hải Phòng của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. VinFast bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và cho biết đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 11 năm 2022, VinFast chuyển 999 xe điện sang Mỹ và theo kế hoạch sẽ giao cho khách hàng tại thị trường này vào cuối tháng hai.

Vào ngày 18/2, VinFast thông báo thu hồi hồi gần 2.800 xe điện đã bán ra tại thị trường Việt Nam vì bị lỗi hệ thống phanh. Số xe này gồm hai phiên bản VF8 Eco và VF8 Plus sản xuất tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét