Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Hội Thảo Về Việt Nam Cộng Hòa Tại Đại Học Oregon Hứa Hẹn Nhiều Tranh Cãi Sôi Nổi - Nancy Bùi

Đại học Oregon đang vào thu là nơi Hội Thảo “Nghiên Cứu Về Việt Nam Cộng Hòa: 
Eugene, OR: Trung Tâm Á Châu Học tại Đại học Oregon (UO) đang chuẩn bị khai mạc Hội thảo với đề tài hứa hẹn nhiều tranh cãi sôi nổi: “Nghiên Cứu Về Việt Nam Cộng Hòa: Vấn Đề, Thử Thách Và Triển Vọng” (Studying Republican Vietnam: Issues, Challenges, and Prospects), vào 2 ngày 14 & 15 tháng 10, 2019 sắp tới tại hội trường Redwood Auditorium trong toà nhà Erb Memorial Union (EMU) trong khuôn viên của Đại học Oregon tọa lạc tại số 1585 E 13th Ave, Eugene, OR 97403.
<!>
Một cuộc Hội thảo đa dạng

Được biết, trong hai ngày Hội thảo sẽ bao gồm 9 đề tài với 32 bài thuyết trình của 32 thuyết trình viên, và 12 người hướng dẫn chương trình. Những bài thuyết trình liên quan đến sự hình thành tư tưởng Cộng Hòa lấy dân quyền, dân chủ làm căn bản đến việc áp dụng tư tưởng Cộng hòa vào hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa ra sao trong hầu hết các lãnh vực: chính trị, quân sự, tôn giáo, kinh tế, văn học, giáo dục, báo chí, âm nhạc... và những sự kiện lịch sử quan trọng trải dài từ thời thuộc địa cho đến cận đại, với tư tưởng cộng hòa vẫn còn đang được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Việt hải ngoại hôm nay.

Giáo sư Tường Vũ, Giám đốc Trung Tâm Á Châu Học UO, trưởng Ban Tổ chức cho biết: đây là lần thứ hai Trung Tâm Á Châu học UO tổ chức hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa; lần thứ nhất, ông cùng với Giáo sư Peter Zinoman, Giáo sư Khoa Sử của Đại học Berkeley đồng tổ chức vào tháng 10 năm 2016, tại Đại học Berkeley. Khác với Hội thảo lần trước chú trọng vào các giai đoạn từ năm 1955 tới 1975, đề tài hội thảo lần này mở rộng hơn về thời gian, bao gồm từ thời thuộc địa Pháp, Nhật cho đến hiện tại. Điều khác thứ hai là lần này số lương thuyết trình viên tăng lên gấp đôi; gồm nhiều sử gia trẻ và những nhà nghiên cứu nổi tiếng trong ngành sử. Ngoài một số những nhà nghiên cứu độc lập, những thuyết trình viên khác đến từ gần 30 Đại học; gồm những trường danh tiếng của Hoa kỳ như Berkeley, Cornell, Brown, Columbia, Texas A&M, George Mason… số còn lại đến từ các Đại học của Đức, Úc, Anh và Việt Nam.

Từ bao quát đến đặc thù

Sự đa dạng của Hội thảo lần này còn ở sự khác biệt giữa các lứa tuổi; các thuyết trình viên từ những người trẻ vào những năm cuối của tuổi 20; những người chỉ biết về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn từ sách vở và nghe người khác kể lại, cho đến những vị cao niên đã vào tuổi bát tuần mà cuộc đời họ gắn liền với sự nổi trôi của hai nền Cộng Hòa Việt Nam.

Đề tài của họ từ những vấn đề bao quát trừu tượng như: hoặc “Việt Nam nên dân chủ như thế nào? Cuộc tranh luận về Dân chủ ở Sài Gòn (1955)” (How Democratic Should Vietnam Be? The Debate on Democracy in Saigon (1955) của Nữ Anh Trần thuộc Đại học Connecticut… cho đến những đề tài rất đặc thù như: “Tự lực Văn Đoàn, Chủ nghĩa Cộng hòa Thuộc địa và Nhóm Chính trị Khuynh tả” (The Self-Reliance Literary Group, Colonial Republicanism and the Politics of the Center-Left) của Martina Nguyễn từ Đại học Baruch, New York; “Cuộc Cách Mạng Khác: Dân chủ, Quốc gia, và Chiến dịch Ấp Chiến Lược” (The Other Vietnamese Revolution: Democracy, the State, and the Strategic Hamlet Campaign) của Duy Lập Nguyễn đến từ Đại học Houston; hoặc “Người Việt Hải Ngoại: Chủ nghĩa dân tộc văn học trong tiểu thuyết của Lý Thu Hồ và Lan Cao” (Diasporic South Vietnam Literary Nationalism in Novels by Ly Thu Ho and Lan Cao)

Vai trò Tôn giáo trong nước cũng như tại hải ngoại

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong suốt thời xây dựng hai nền Cộng hòa tại Việt nam. Tôn giáo còn là một mối giây liên kết chặt chẽ giữa người Việt phải sống xa quê hương sau khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản. Có ít nhất 4 bài tham luận về đề tài này liên quan đến Phật giáo và Công giáo nhưng còn vắng bóng một số tôn giáo khác như Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài… Hy vọng sẽ có các nhà nghiên cứu về những đề tài này có thể tham gia trong những Hội thảo kế tiếp.

Âm nhạc không thể thiếu trong đời sống người Việt

Âm nhạc trong thời chiến tranh cũng như tại hải ngoại đã đóng vai trò ra sao trong đời sống và sinh hoạt của người Việt sẽ được mổ xẻ qua hai bài tham luận: “Những Ca Khúc Mang Âm Hưởng Chiến Tranh: Thị Trường Âm Nhạc tại Nam Việt Nam” (Songs of Sympathy in Time of War. Commercial Music in the RVN) của Jason Gibbs từ Thư Viện Quốc gia San Francisco, và “Xây Dựng Quốc Gia tại Nước Ngoài: Nhạc Vàng và Di Sản của Chủ Nghĩa Cộng Hòa Trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại” (Nation Building from Abroad: Nhạc Vàng and the Legacy of Republicanism in Overseas Vietnamese Communities) của Vinh Phạm đến từ Đại học Cornell.

Những đề tài gây tranh cãi

Vì sự sai sót và quan điểm chống chiến tranh đã ăn sâu trong dư luận cũng như sử sách của Hoa Kỳ đã quá lâu, một số đề tài có triển vọng gây nhiều tranh cãi như:

Bài tham luận: “Phát triển nông thôn Phật giáo trong thời chiến: Thích Nhất Hạnh và Trường Thanh niên Phục vụ Xã hội” (Buddhist Rural Development in a Time of War: Thích Nhất Hạnh and the School of Youth for Social Service) của Adrienne Le Minh Chau của Đại học Columbia, hoặc bài tham luận: “Một quốc gia sinh ra từ cuộc nội chiến: Bạo lực và Xây Dựng Nhà Nước thời Việt nam Cộng Hoà dưới góc độ vĩ mô“ (A State Born of Civil War: The Microdynamics of Violence and State Building in the RVN) của Edward Miller thuộc Đại học Dartmouth, hoặc bài tham luận của Sean Fear: “ Đảng Dân Chủ Của Nguyễn Văn Thiệu và Hoàng Hôn Của Việt Nam Cộng Hòa“ (Nguyen Van Thieu’s Democracy Party and The Twilight of Republican Vietnam)...

Sự có mặt của các cựu viên chức VNCH để trình bày và phản bác

Ngoài Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Hiệu trưởng Trường Quốc Gia Hành Chánh, đến từ Đại Học George Mason, với vai trò hướng dẫn chương trình cho Đề tài: “Đấu Tranh Cho Quyền Lực và Hòa Bình- Chính trị Trong Nền Đệ Nhị Cộng Hòa” (Struggle for Pawer & Peace--Politics in the Second Republic) vào ngày thứ hai của cuộc Hội thảo; hai cựu viên chức VNCH là Tổng Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Nguyễn Đức Cường sẽ trình bày về đề tài: “Khu Vực Tư Nhân và Sự Phát Triển Kinh Tế Thời VNCH” (Private Sector and Economic Development in the RVN) trong ngày đầu của cuộc Hội thảo, và cựu Tổng Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã sẽ trình bày về đề tài: “Tự Do Báo Chí Thời VNCH, 1955-1975: Hạn chế và Những Điều Quá lố” (Press Freedom in the RVN, 1955-1975: Limitations and Excesses). Đây là quan điểm của chính những người mang trọng trách trực tiếp. Họ sẽ nói lên những kinh nghiệm của họ và người tham gia sẽ có cơ hội đặt câu hỏi để được trực tiếp trả lời. Đặc biệt là các cựu viên chức VNCH sẽ phản bác những thông tin sai lệch và những lý luận méo mó ảnh hưởng nhóm phản chiến vẫn còn rất sâu đậm trong một số những giáo sư và nhà nghiên cứu về chiến tranh VN.

Những bài tham luận của họ cũng đã và đang được in thành sách như cuốn “Những Tiếng Nói của Việt Nam Cộng Hòa” (Voices from The Republic of South Vietnam) là tập họp các bài tham luận của 15 viên chức VNCH đã tham dự Hội thảo vào năm 2012 do giáo sư Keith Taylor tổ chức tại Đại học Cornell, do Cornell University Press xuất bản và cùng một nhà xuất bản, cuốn “Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975: Quan Điểm của Người Việt Trong Xây Dựng Quốc Gia” (The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building) là tập hợp của các bài tham luận tại cuộc Hội thảo năm 2016 ở Đại học Berkeley do giáo sư Peter Zinoman và Gs. Tường Vũ tổ chức sẽ được giới thiệu sẽ phát hành vào cuối năm nay. Sách dày 210 trang, do Gs. Tường Vũ và Gs. Sean Fear biên soạn. Giá bán $24.95/cuốn. Nếu đặt mua trước tại Hội thảo sẽ được bớt 30%. Xin xem bài giới thiệu cuốn sách đầu tiên về VNCH của Gs. Keith Taylor do Gs.Tường Vũ dịch trong Link dưới đây: https://tuannyriver.com/2015/07/26/bai-gioi-thieu-sach-ve-de-nhi-vnch/

Dự án Di Sản Việt Nam Cộng Hòa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt

Ngoài việc đóng góp cho cuộc Hội thảo được phong phú đem lại lợi ích cho các nhà nghiên cứu, nhóm cựu viên chức VNCH cũng sẽ có mặt đông đảo để khuyến khích và hỗ trợ cho Dự án Di Sản Việt Nam Cộng Hòa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt. Chúng tôi được biết sẽ có cựu Thứ trưởng bộ Canh Nông và Phát Triển Nông Thôn Trần Quang Minh, cựu Bộ Trưởng Kinh Tế ông Phạm Kim Ngọc, ông Phan Lương Quang, cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khuyếch Trương Du Lịch. Ngoài ra, còn có ông bà Nguyễn Tường Thiết, ông Thiết là con trai của nhà văn Nguyễn Tường Tam của Tự Lực Văn Đoàn...

Cũng nên nhắc lại, Dự án đào tạo và khuyến khích các nhà sử học nghiên cứu và viết về VNCH cũng như lịch sử về người Mỹ Gốc Việt do Trung Tâm Á Châu Học tại Đại học Oregon (UO) và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) hợp tác trong 5 năm để ngoài việc đào tạo một số sử gia trẻ, còn hoàn thành Bộ sử gồm 3 cuốn; một dành cho đại chúng gồm nhiều tác giả viết và hai cuốn dành cho các trường Trung và Đại học.

Người đầu tiên Dự án chọn là Tiến sĩ dự bị Alex-Thái Võ, người sẽ chính thức nhận bằng Tiến sĩ Sử học của Đại học Cornell vào cuối năm nay. Trong bài phỏng vấn ngắn do chúng tôi thực hiện nhân dịp này, Alex-Thái Võ đã chia sẻ: “Thời gian vừa qua tôi đã xuất bản hai bài nghiên cứu về chủ đề ấy. Một bài về Hồ Chí Minh và địa chủ Nguyễn Thị Năm cùng những quyết định đưa đến việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất. Bài thứ nhì về La Quý Ba, cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, và ảnh hưởng trong cải cách ruộng đất. Có thể tìm hai bài này tại trang: https://cornell.academia.edu/AlexThaiVo...Đầu năm nay dự án này đã ra mắt bộ phim 17 tập về sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam qua cái nhìn ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tài Hoa Kỳ. Chi tiết về dự án này có thể cập nhật tại: https://vietnamwarohp.com.” Xin vào Link: http://www.vietvungvinh.com/2019/10/phong-van-tien-si-du-bi-alex-thai-vo-ve.html

Và, khi nhận lời làm việc với Dự án, Alex-Thai hy vọng: “Tôi hợp tác vì muốn tận dụng cơ hội này và thời gian tới để duy trì lại lịch sử Việt Nam Cộng Hoà cũng như lịch sử người Mỹ gốc Việt”.

Vai trò của hội VAHF:

Hội VAHF là một hội thiện nguyện được thành lập từ năm 2004 với mục đích ghi chép, bảo tồn, và biểu dương lịch sử người Mỹ Gốc Việt. Hơn 15 năm qua, VAHF đã đóng vai trò là một gạch nối giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và học đường Hoa Kỳ hầu cung cấp những tài liệu trung thực về chiến tranh Việt Nam và nguồn gốc của người Việt hải ngoại. Hội đã hợp tác với các Đại học UT Austin, Rice University, University Irvine và Texas Tech. Đại học Oregon là Đại học thứ năm hội VAHF hợp tác để thực hiện Dự án Di Sản Việt Nam Cộng Hòa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt. Nhiệm vụ của hội VAHF là cung cấp tài liệu, vận động sự hợp tác của các sử gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Hải ngoại để Dự án đi đến thành công.

Trước đó, ngoài việc tổ chức những cuộc triển lãm tại các Trung Tâm sử liệu, Viện bảo tàng lịch sử, các Đại học, và tại các Hội nghị, Hội VAHF đã hoàn tất một số bộ sưu tập như sau:

-Tù nhân chính trị Việt Nam: hiện đang được lưu trữ tại Việt Nam Center tại Đại học Texas Tech. Xin xem Link: http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm

- Bộ Lịch sử Truyền khẩu gồm trên 700 cuộc phỏng vấn những nhân chứng của chiến tranh VN. Số đông những cuộc phỏng vấn này đã được đưa lên thư khố điện tử dưới tên VIDDA (Vietnamese Diaspora Digital Archive). Link: http://vietdiasporastories.omeka.net/. Thư khố này cũng đã được đưa lên Youtube và đã có trên 4 triệu người xem; gần một nửa trong số họ là người từ trong nước VN. Link: http://www.youtube.com/c/VietStories

- Từ Bộ Lịch Sử Truyền khẩu nói trên hội đã sản xuất hai cuốn phim: “Master Hoa’s Requiem”. Link: www.vietnameseamerican.org và “VIETNAMERICA”. Link: www.vietnamericamovie.com . Cả hai đều nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Riêng VIETNAMERICA đã được trình chiếu tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ Newseum, tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và trên 30 thành phố tại Mỹ, Pháp, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Úc châu, New Zealand.

Triển lãm: ” Những Cựu Chiến Binh Khác; Phụ Nữ và Trẻ Em Trong Chiến Tranh VN”

Tiến sĩ Linda Ho Peche, người đã hợp tác với VAHF khi cô còn dạy tại Đại học UT Austin môn học “Lich Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt”, hiện cô làm Giám đốc điều hành Thư khố VIDDA. Tiến sĩ Linda sẽ có bài tham luận vào ngày đầu của Hội thảo tại Đại học Oregon để giới thiệu Thư khố VIDDA, nguồn tư liệu phong phú này tới các sử gia và nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, hội VAHF sẽ cho Triển Lãm Bộ Sưu tập: “Những Cựu Chiến Binh Khác; Phụ Nữ và Trẻ Em Trong Chiến Tranh VN” (The Other Veterans: The Women and Children of Vietnam War). Như cái tựa của nó, Bộ sưu tập Lịch sử truyền khẩu này gồm 24 gương mặt phụ nữ và trẻ em nói lên đời sống và những điều họ phải gánh chịu trong thời chiến tranh và hậu chiến. Bộ sưu tập này từng được triển lãm tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Texas Bob Bullock tại Austin năm 2009 và đã được truyền thông Hoa Kỳ tại Austin đánh giá là “những tài liệu đáng tin cậy nhất về chiến tranh Việt Nam”.

Ánh sáng cuối đường hầm

Được hỏi ông mong đợi gì từ Hội thảo sắp tới, Gs. Tường Vũ chia sẻ: “Ngoài việc tạo ra một diễn đàn để bàn thảo, phân tích và ghi chép về giai đoạn lịch sử bị dư luận và các nhà giáo dục Hoa Kỳ bỏ quên hay bóp méo, chúng tôi còn mong hội tụ và tạo mối giây liên kết giữa những sử gia và các nhà nghiên cứu về VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt để cùng học hỏi và trao đổi. Có như vậy mới hy vọng chúng ta có thể thay đổi dần cái nhìn sai lệch về cuộc chiến Việt Nam, về VNCH và về Người Mỹ Gốc Việt chúng ta.”

Gs. Tường Vũ phân tích thêm: Có thể nói sự nối kết này một phần không nhỏ nhờ Gs. Keith Taylor, hiện là Trưởng Khoa Á Châu học tại Đại học Cornell. Ông Taylor từng chiến đấu tại Việt Nam. Sau khi giải ngũ ông đi học trở lại và trở thành Giáo sư Sử học. Trước đây ông cũng như hầu hết các sử gia dạy và viết sử tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng quan điểm chống chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, tự trong thâm tâm ông, ông luôn nghĩ có điều gì đó không ổn lắm. Nhờ nói, đọc và viết được tiếng Việt để nghiên cứu và trao đổi với những người Việt, dần dần ông đã thay đổi quan điểm hầu như 180 độ về cuộc chiến tranh VN. Để tìm hiểu rõ ràng hơn, Gs. Taylor đã mời 15 cựu viên chức Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hội thảo đầu tiên tại Đại học Cornell năm 2012, để những người trong cuộc có thể nói lên ‘Những Tiếng Nói Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975”. Chính tôi đã được gặp các viên chức VNCH tại đây. Rồi tiếp đến năm 2016, tôi hợp tác với Gs, Peter Zinoman của Khoa Sử học tại Đại Học Berkeley để tổ chức Hội thảo về VNCH lần thứ hai và cho đến lần này cả 3 chúng tôi sẽ có mặt tại Hội thảo này.

Về thành phần diễn giả cũng có sự thay đổi trông thấy từ 15 người trong lần đầu tiên, cho tới 20 người tại Hội thảo lần 2 và lần thứ ba này là trên 30 người. Sự tham gia ngày càng đông đảo này khiến chúng tôi cảm thấy vui mừng và hy vọng. Cũng có thể nói rằng chúng ta bắt đầu nhìn thấy những chuyển biến về nhận thức đối với vị trí của VNCH và người Việt hải ngoại trong dư luận và trong sử sách, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng người Việt cũng như những sử gia, các nhà giáo dục có lương tâm và những tài liệu giải mật của nhiều quốc gia đã được công bố trong khoảng 20 năm nay. Tất nhiên chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa và chúng tôi mong mỏi Dự án Di Sản VNCH/Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt được sự ủng hộ và nâng đỡ đặc biệt của cộng đồng để đi đến thành công”.

Khi bài viết này lên khuôn thì còn chưa đầy một tuần nữa là Hội Thảo Nghiên Cứu Về Việt Nam Cộng Hòa: Vấn Đề, Thử Thách Và Triển Vọng sẽ được khai mạc với hy vọng sự thật sẽ được làm sáng tỏ, những ngộ nhận quá nhiều và đã quá lâu về hai nền Cộng hòa sẽ được giải tỏa dần và người tham dự sẽ thu thập những kiến thức sâu sắc hầu ghi chép một cách trung thực khách quan trang sử của VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt, để trở thành những bài học cho mai hậu, và để cho con cháu chúng ta được hãnh diện mà không phải tủi hổ vì cha ông.

Độc giả muốn biết thêm chi tiết về Hội thảo, xin vào link dưới đây:https://caps.uoregon.edu/2018/10/08/studying-republican-vietnam/

Mọi chi tiết về Dự án: Di Sản VNCH/Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt xin liên lạc với:
Gs. Tường Vũ. Email: thvu@uoregon.edu
hoặc
Triều Giang-Nancy Bùi

 


Từ trên xuống : Gs. Tường Vũ, Giám đốc Trung Tâm Á Châu Học UO, Gs. Keith Taylor, Trưởng Khoa Á Châu học tại Đại học Cornell, Gs. Peter Zinoman, Giáo sư Khoa Sử của Đại học Berkeley.



Từ trên xuống : Cựu Tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ, hình bìa của sách:” Những Tiếng Nói Từ Đệ Nhị Cộng Hòa 1967-1975,
Hình bìa của sách:” Nước Cộng Hòa Việt Nam 1955-1975, cựu Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã.
( Hình VAHF & Đâi học Oregon cung cấp)



Hình trên xuống : Triều Giang, cựu Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc. Ông đã từ trần vào tháng 12, 2019, khoảng 2 tháng sau khi ông tham dự hội thảo. 
Hình dưới: Một số tác giả và thân hào nhân sĩ cộng đồng người Mỹ gốc Việt tham dự đông đảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét