Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Đầu Năm Xông Đất Nhà Thương (Một Câu Chuyện Về Phản Ứng Thuốc) - Người Phương Nam


Chỉ còn một tuần nữa là Tết mà ba tôi thình lình ngã bệnh phải vô nhà thương. Trong gia đình, Ba hay Má tôi mà bệnh lên một cái là chị em chúng tôi cũng bệnh theo. Ngày nào chúng tôi cũng thay phiên nhau đứa sáng đứa chiều túc trực bên ba để chăm sóc vỗ về và trấn an ông vì ông bị chứng hospital delirium, một trạng thái hỏang lọan tinh thần, đầu óc mụ mị, lẫn trí nói sảng trong thời gian nằm bệnh viện. Cách nay ba tuần ba tôi bị sưng chân, hai ống chân sưng phù như chân tượng nặng nề rất khó xê dịch. Bác sĩ gia đình nghĩ là bị viêm nên cho uống trụ sinh. 
<!>
Sau một tuần, thấy không thuyên giảm, bác sĩ bèn đổi sang thuốc lợi tiểu, đồng thời gởi ông đi ultra sound thận. Nhưng sau năm ngày uống thuốc lợi tiểu, ông bỗng thấy đau rát khắp người, môi sưng vù và lỡ loét. Ngoài ra trên tay và chân, nhiều nhứt là ở lưng xuất hiện những quầng đỏ giống như bị lửa làm phỏng. Em gái tôi, người săn sóc ông hằng ngày chưa kịp đưa ông đi bác sĩ khám, chỉ tạm thời thoa kem dị ứng thì qua ngày sau cả tấm lưng ông bị bong da rỉ nước rất dễ sợ. Hỏang quá, em tôi bèn kêu ambulance chở ông thẳng vào nhà thương cấp cứu.

Tại đây, sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận là ông bị thuốc phản ứng làm cháy da nhưng không biết chính xác thủ phạm là thuốc trụ sinh Augmentin Duo forte hay là thuốc lợi tiểu Aldactone.
Ngay lập tức, họ cho làm blood transfusion để loại chất thuốc gây phản ứng trong cơ thể ông rồi sau đó gởi ông đến một bệnh viện có phân khoa chữa phỏng để điều trị. Hội chứng phỏng vì phản ứng thuốc này có tên là Stevens - Johnson Syndrome (tên của hai vị bác sĩ).

Stevens - Johnson Syndrome

Ở phân khoa chữa phỏng, ông đuợc chữa trị y như một người bị phỏng, ông được quấn băng gần khắp cả người. Việc chữa trị sẽ không khó khăn lắm nếu như ông không bị “dị ứng” với nhà thương. Nhưng khổ nỗi với tình trạng hospital delirium trầm trọng của ông, ông đã gây phiền phức rất nhiều cho đội ngũ y tá săn sóc ông hằng ngày vì ông luôn có ảo giác họ là những kẻ xấu muốn giết hại ông nên mỗi khi họ đến gần để đo áp huyết, lấy nhiệt độ hay lau mình, thay băng cho ông thì ông có phản ứng chống trả dữ dằn đối với họ như đánh, đá, phun nước bọt, vv. Do đó họ yêu cầu chúng tôi nên thường xuyên có mặt để nói cho ông biết là họ sắp làm gì để ông chịu nằm yên cho họ thi hành phận sự.

Nhưng cũng có lúc ông không nhận ra con cái, ông cứ nói sảng cho là chúng tôi hùa theo bọn người xấu làm hại ông và ông kêu cứu ầm ĩ. Đứa nào vuốt ve dỗ dành ông thì ông hất tay ra nói:
- Tụi bây ác lắm, đừng có làm bộ vuốt vuốt, con mà muốn hại cha tưởng tao không biết à.
Những lúc như vậy thì chúng tôi cũng đành bất lực đứng xa ra mà nhìn. Vì miệng ông bị bỏng lỡ không thể ăn uống, họ phải chuyền ống dẫn thức ăn qua đường mũi vào dạ dày. Khó khăn lắm họ mới hòan tất được việc này nhưng tối đó ông lên cơn hỏang lọan la hét om sòm, kêu cứu với người nhà hết người này tới người nọ rồi cuối cùng giựt đứt hết dây nhợ trên người báo hại hôm sau cả dàn y tá phải đè ông xuống gắn lại rồi sau đó thì phải cột hờ hai tay ông vào thành giường để ông không táy máy phá họai lần nữa. Hai chị em tôi đứng cạnh bên ông, hỗ trợ tinh thần ông suốt từ đầu đến cuối mà cảm thấy đầu óc căng thẳng mệt mỏi làm sao. Ấy vậy mà những người y tá không tỏ vẻ gì là khó chịu hay than phiền, trái lại còn luôn miệng nói “Sorry Papa” có lẽ vì họ đã quá quen thuộc với những tình huống bất trắc như vậy rồi. Chúng tôi thật hết sức biết ơn họ. Họ đúng là thiên thần, những thiên thần được gởi xuống thế gian cứu nhân độ thế, rất dịu dàng, nhẫn nại, tận tâm, làm tròn chức năng của mình đối với tất cả bệnh nhân bất kể chủng tộc hay giai cấp nào.

Hôm mùng một tết vào thăm ông, tôi hỏi ông nhận ra tôi là ai không. Ông nhìn tôi một lát rồi lắc đầu. Tôi cầm tay ông thủ thỉ nói:
- Con là con gái lớn của ba nè, đứa con mà ba thương nhứt nhà đó. Ba biết không, bữa nay là mùng một Tết, ba lì xì cho con đi. Hồi xưa mỗi lần Tết, ba hay mua mấy cuồn giấy số để lì xì cho bà con hàng xóm lấy hên năm mới, ba nhớ hông. Tết vui lắm, có đốt pháo, múa lân, đi tới nhà ai cũng có bánh mứt, nước ngọt, trái cây ê hề nhưng ba chỉ thích lai rai cắn hột dưa thôi. Sáng mùng một mình đi mừng tuổi bà nội, sau đó xông nhà dì Ba, chị của má rồi ở đó ăn trưa với gia đình dì. Dì chiên bánh củ cải, bánh tét ăn với “xái thào cáo” (củ cải ngâm nước mắm đường) và dưa chua ngon lắm. Ba rất thích bánh củ cải của dì, nói dì làm ngon hơn của bà nội, ba nhớ hông? Món gì của dì, ba cũng khen ngon hơn của bà nội. Tụi con chọc ba nói là ba muốn nịnh chị vợ chớ gì.

Mặc cho tôi kể lể, ông cứ trơ trơ không biểu lộ cảm xúc gì làm tôi vô cùng lo lắng. Chẳng lẽ ba tôi đã mất trí rồi hay sao? Không thể nào, trước khi vào bệnh viện, ba vẫn bình thường, đâu có dấu hiệu gì là lú lẫn. Tại sao mới có mấy ngày mà ông trở thành như vậy. Tôi hy vọng đây chỉ là cơn loạn trí tạm thời do không thích nghi với môi trường bệnh viện và hậu quả của quá nhiều thuốc men theo lời các bác sĩ.

Mặc dù ông đã được cho uống antipsychotic, thuốc chống rối lọan thần kinh ngày hai lần nhưng với một liều lượng nhỏ thì không đủ giúp ông ổn định tinh thần. Bác sĩ không dám tăng liều mạnh hơn bởi vì sẽ ảnh hưởng đến bệnh Parkinson của ông. Do đó đêm nào ngủ được một chút, giựt mình thức dậy, ông cũng kêu réo cả nhà và la hét dữ dội hoặc nói sảng làm những bệnh nhân ở các phòng lân cận không ngủ được. Đôi khi ban ngày ông cũng bị tình trạng này, lẩn thẩn nói bâng quơ chuyện gì đâu đâu. Chúng tôi thường nhắc ông những kỷ niệm cũ, nhưng nói một đường thì ông trả lời một ngả chẳng ăn nhập gì với nhau. Còn khi nào tỉnh táo, nhận ra được chúng tôi thì ông theo thói quen của người Tiều, câu đầu tiên của ông là:
- Tụi con ăn cơm chưa?
Thằng em nói:
- Chưa ba, chút nữa về ăn, tụi con chưa đói đâu ba.
Ông bảo:
- Con coi đồ ăn của nhà thương đem lại cho ba có món nào ăn được thì ăn đỡ đi, đồ ăn này bổ dưỡng lắm nhưng ba ăn không vô.
Quay qua tôi thấy tôi đang đấm đấm cái lưng, ông hỏi:
- Bộ con đau lưng lắm hả? Có uống thuốc hông? Thôi ngày mai khỏi vô thăm ba đâu. Ở nhà nghỉ đi, ba biết con nhiều công chuyện lắm mà.
Ba tôi là vậy đó, trong tiềm thức ông là lúc nào cũng lo cho con cái, sợ con đói con đau.

Sau một tháng ở bệnh viện, tuy chưa bình phục hẳn nhưng bác sĩ đã cho ba về. Sau trận bị phản ứng thuốc này, ông rất yếu, nhìn ông như một cây khô không còn chút nhựa sống nào, như ngọn đèn đã cạn dầu sắp tắt tới nơi. Và ông vẫn chưa hết hoảng lọan. Ông cứ tưởng ông còn ở trong nhà thương, nửa đêm kêu thất thanh từng đứa cháu ngọai. Em tôi trên lầu chạy xuống nói:
- Ba ơi! con nè ba, Lan nè, ba đang ở nhà chớ không phải nhà thương đâu. Giờ này mới nửa đêm, ba ngủ lại đi cho tụi con ngủ.
Ông hỏi lại:
- Vậy hả? Ở nhà hả? Vậy con Mẩn và con Mai đâu?
Em tôi phải kêu tụi nhỏ dậy xuống cho ông thấy mặt thì ông mới tin và chịu ngủ lại.

Ba tôi năm nay đã 90. Tai ông đã điếc, mắt ông đã mù một bên vì bệnh macular degeneration (thoái hóa võng mạc do tuổi già), bên còn lại chỉ thấy mờ mờ. Ông lại bị bệnh Parkinson, căn bệnh này với thời gian sẽ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ. Nếu ông phải sống thọ thêm nhiều năm nữa thì ông sẽ mù hòan tòan và mất trí vĩnh viễn. Cứ nghĩ tới là tôi không cầm được nước mắt thương xót cho ông. Càng thương tôi càng muốn ba tôi chết sớm được ngày nào hay ngày nấy cho đỡ bị hành hạ thân già. Đêm nào tôi cũng cầu xin ơn trên cho ba tôi sớm được mãn phần về quê yên nghỉ cho xong một kiếp người.

Một kiếp người có được mấy ngày vui hưởng, còn lại chỉ tòan là đau thương và nước mắt! Ấy vậy mà không biết tại sao người ta lại muốn sống lâu, chúc nhau cứ chúc sống thọ? Từ ngàn xưa ai cũng đua nhau đi tìm thuốc trường sinh bất tử để khỏi chết, để được sống hòai, thử hỏi sống mà bệnh tật đui điếc bại xuội thì ham gì mà sống! Theo tôi thì ai vô phúc mới phải sống thọ sống lâu trên đời!
Quý vị nghĩ sao?

Người Phương Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét