Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Đầm Dạ Trạch - Ara Phát


Vừa rội khi hắn chuyển bài Chử đồng Tử của nhà văn Khuất Đẩu, anh George Nguyễn có phản hồi là "Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thuộc Miền Bắc Việt Nam,tại nơi đó có cắm 1 bảng nói là Đầm Dạ Trạch". Cám ơn anh đã cho hắn có một hồi ức về địa danh này. Khoái Châu- Hưng Yên ngày nay có địa danh nổi tiếng một thời, được gọi là Bãi Sậy nằm trong vùng đầm lầy Nhất Dạ Trạch. 
<!>
Lúc hắn học vào cuối năm lớp nhất, thầy giáo say mê với môn lịch sử, thày khó chịu khi học sinh không biết các triều đại của lịch sử Việt Nam, bắt cả lớp phải thuộc lòng các triều đại được viết dưới dạng một bài thơ, mỗi lúc rảnh rỗi, thày đọc một đoạn chỉ đứa nào đứa đó phải tiếp theo không tiếp tục được bị quỳ, đứa nào cũng sợ, nên thày đã thành công trong việc dạy sử cho trẻ, vậy đó mà hắn nhớ cho đến ngày hôm nay, cũng có câu dính dáng đến "đầm dạ trạch".
.....
Hai bà Trưng đất Mê Linh thắng lợi
Mấy đời sau thêm nữ tướng Nhụy Kiều
Từ Cửu Châu vùng dây cưỡi voi theo
Lý Nam Đế trao quyền cho họ Triệu(Triệu quang Phục)
Đầm Dạ Trạch lừng danh nơi hiểm yếu,
Mai thúc Loan rồi kế đến Phùng Hung....

Còn đoạn khác...

Hịch Cần Vương vua Hàm Nghi xuống chiếu
Núi Vụ Quang nổi bật bóng Đình Phùng
Lũy Ba Đình Đinh công Tráng tận trung
Khu Bãi Sậy còn lưu danh Tán Thuật.
.....
(hôm nào nhớ lại hết, hắn ghi lại)

Lúc nhỏ nghịch ngợm mỗi khi trời mưa, sình lầy đầy người, mẹ hắn mới mắng hắn như thằng "đánh dậm" ở Bãi Sậy. Mà hắn cũng đúng là dân Bãi Sậy, con cháu của cụ Tán Thuật(tán tương quân vụ Nguyễn thiện Thuật), tờ khai sinh của hắn ở Hưng Yên ghi nơi sanh là "thôn Sậy đông, Hạ Lễ, Ân Thi, Hưng Yên" mà mẹ hắn hay bảo hắn là trai phố Hiến, phố Hiến cũng gần đấy thôi(nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến) miệng lưỡi tán gái cứ như tép nhảy...hình như con gái Xuân Đình có câu vè

Cá Anh Vũ dem kho với mía
Thằng Sáu Xuân Đình xạo đía có duyên

Khi về Hà Nội đổi khai sinh, thành phố lại ghi chi tiết là "thôn Xuân Đình, tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên" lại do Việt Nam dân chủ cộng hòa cấp, đến lúc vào nam, khi thi tiểu học, tờ này thuộc dòng phản loạn cấp phát lại phải làm lại giấy thế vì khai sinh do tòa hòa giải rộng quyền sao lục thì đơn giản hóa chỉ ghi nơi sinh là Hưng Yên. Hình như hắn cũng là đồng hương với nhà thơ Chu mạnh Trinh, ông cũng thuộc dân Khoái Châu cả thi sĩ Vũ hoàng Chương nữa thì phải, vì có lần đưa bố hắn đến "hội tương tế Hưng Yên" có gặp nhà thơ...

Hắn nói về Đầm Dạ Trạch hay khu Bãi Sậy của hắn
Sở dĩ có tên gọi "Dạ Trạch " vì đền nằm ngay trong vùng đầm "Nhất Dạ Trạch", thuộc địa phận xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Còn gọi là đền Hóa vì tương truyền đây chính là nền lâu đài, cung điện của Chử Đồng Tử - Tiên Dung để lại sau khi tất cả đã bay về trời.

Sách "Lĩnh Nam Chích Quái" mà ngày trước hắn có lúc học ghi là (nửa đêm trời bỗng nhiên sáng rực, lâu đài, thành quách của Chử Đồng Tử - Tiên Dung bay cả lên trời, để lại đầm nước mênh mông). Quan quân thấy sự lạ sợ quá về tâu, Vua Hùng Duệ Vương liền đến tận nơi xem và truyền lập đền thờ, nhân dân bốn mùa cúng tế... nếu đúng như truyền thuyết thì ngôi đền Hóa này đã có từ lâu đời, nhưng qua những di tích kiến trúc chắc là sai lệch rất nhiều niên kỷ.

Trong truyện ghi lại vào thế kỷ thứ V, Triệu Quang Phục cầu đảo ở đây; thế kỷ XV Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến đền này cầu mộng; đến thời Lê thánh Tôn nhà vua cùng "tao đàn nhị thập bát tú" đến đây làm thơ vịnh Chử đồng Tử và có câu "Anh linh miếu dõi từng hương khói " vậy là đền có từ thời này rồi, nhưng chắc nhỏ bé như một am thờ thôi, sau này xây đi cất lại nhiều lần chưa chắc đã nằm đúng vị trí am thờ ngày xưa, làm sao mà xác định được, nghe các hướng dẫn viên du lịch bịa chuyện cho vui, nhiều khi họ nói sai lệch rất nhiều. Chỉ xác định được
đền Dạ Trạch, nơi thờ vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung-Nội Trạch tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều tài liệu ghi đền chỉ mới trùng tu khoảng 100 năm, ao, đầm nước chung quanh được lấp kín, trước đền chỉ còn lại cái hồ bán nguyệt nhỏ. Bước lên đền hôm nay chỉ phải leo 4 bậc thay vì 19 bậc như truyền thuyết mới đến được sân đền.
Kiến trúc như những ngôi đền khác, đền nhìn quay mặt hướng đông.
Chính điện có 3 pho tượng lớn, Chử đồng Tử ngồi giữa, Bên trái là Tiên Dung, bên phải là Nội Trạch Tây Cung. Vậy là Chử đồng Tử cũng có hai bà vợ, sau hai bà cùng theo chồng lên tiên cảnh
Nơi đây còn bàn thờ cha mẹ Chử đồng Tử, long vị Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục.
Cũng ở đền Hóa Dạ Trạch, gian giữa còn có tượng thần cá. Đó là "Bế Ngư thần quan". Tượng bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, đầu rồng, thân và đuôi hình cá chép, dân quen gọi là "ông Bế", còn có tượng hai con ngựa, hai con ngựa của Chử đồng Tử và Tên Dung cưỡi đi chữa bịnh cho dân chúng nhờ chiếc gậy thần chữa bá bịnh.

Tương truyền
Cách đây trên dưới 4000 năm lịch sử, sau khi Chử Đồng Tử kết duyên cùng Tiên Dung công chúa tại bãi Tự Nhiên thuộc Màn Chầu (cuộc tình duyên do thiên định), không được vua cha (tức là vua Hùng Duệ Vương) thuận ý cho nên duyên vợ chồng. Công chúa Tiên Dung không dám hồi cung bèn cùng chồng là anh đánh cá Chử Đồng Tử ở lại khu vực huyện Chu Diên để kiếm kế sinh nhai.
Một hôm Chử Đồng Tử theo thuyền ra khơi đi buôn bán, dạt vào một hòn đảo, gặp được Tiên Ông tên là Ngưỡng Quy Tiên, ông thấy Đồng Tử diện mạo khác thường bèn giữ lại dạy cho một số bài thuốc chữa bệnh bằng lá rừng để cứu dân độ thế và dạy cho phép thuật.
Sau 3 ngày ở động tiên, Chử Đồng Tử đã biết được việc chữa bệnh, Tiên Ông cho phép Đồng Tử về, ban cho Đồng Tử chiếc gậy và nón và dặn: " Phép thần thông ở cả trong này, có việc gì nhà ngươi cần kíp nhà ngươi cứ cắm trượng xuống đất, úp nón trên đầu trượng, đọc câu thần chú mọi việc sẽ được như ý muốn ". Cây gậy, chiếc nón mà Tiên Ông ban tặng cho Chử Đồng Tử ở động tiên được thờ tại đền Hóa Dạ Trạch.

Một ngày kia, trong làng bỗng có bệnh dịch tả, Đồng Tử cùng Tiên Dung đi chữa bệnh cho nhiều người. Một hôm, vì mải chữa bệnh nên khi trời tối, nhớ lại câu thần chú của Tiên Ông dạy, Chử Đồng Tử liền chống cây gậy và úp nón để tạm nghỉ.
Nửa đêm thức giấc thì thấy mình ở trong một tòa lâu đài với cung điện nguy nga, tráng lệ. Vua Duệ Vương thấy vậy thì tưởng rằng con rể định cướp ngôi, vua liền đem quân ra đánh bắt về trị tội.
Khi quân nhà vua đến, thì cả tòa lâu đài bỗng chốc biến đâu mất, để lại nơi đấy một cái Đầm, gọi là"Đầm Nhất Dạ", đó là đêm 17/11 âm lịch. Do đó mang sự tích " Đầm Dạ Trạch " cho đến ngày nay.
Những câu truyện trong "Lĩnh Nam nhất quái" đều quai quái như vậy, hắn cũng có lúc phải làm bài với cái quai quái này, ai tin thì tin, hắn chỉ ghi lại.

Công tử phố Hiến
Ara







Nón và gậy thần cho Chử đồng Tử


hát giao duyên/hát đối, hát văn, hát quan họ tại Lễ hội Đền Hóa-Đền Dạ Trạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét