Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Vấn vương ngọn Bà Rá – Ara Phát


Núi Bà Rá thuộc tỉnh Phước Long, chỉ cách Saigon 154 km, tên này có lúc muốn đổi thành ngọn núi Phước Sơn, chữ Phước Sơn được đặt tên cho một tờ nguyệt san của tòa hành chánh tỉnh Phước Long. Tỉnh Phước Long bị tràn ngập kể từ 9 giờ sáng ngày 6 tháng giêng năm 75, là tỉnh đầu tiên của VNCH bị mất mà được tổng thống Nguyễn văn Thiệu gọi là « di tản chiến thuật » và « tái phối trí », lúc đó tổng thống Thiệu đang mặc cả viện trợ với Mỹ giữa 700 triệu và 300 triệu. Phước Long là một yết hầu của các tỉnh cao nguyên nam phần. Khi đoàn quân xâm lược chiếm được Lộc Ninh, một quận của tỉnh Bình Long làm thủ phủ. Chiếm Lộc Ninh dòm ngó đến Bố Đức(quận Bù Đốp cũ) của Phước Long từ năm 1972 , dựng chiến trường bao vây An Lộc, Bình Long lúc đó chỉ còn quận Chân Thành thuộc quyền kiểm soát của VNCH.
<!>
Phước Long lúc đó như một cái gai trước mắt mà chúng cần phải nhổ để kiểm soát quốc lộ 13, chặn quốc lộ 14, 14bis để lấn chiếm Quảng Đức, Kiến Đức rồi bao vây Ban mê Thuột. Nhiều nhà quân sự đã nhìn thấy viễn ảnh này mà không hiểu sao tổng thống Thiệu lại đem Phước Long ngả giá với Mỹ để có viện trợ. Hắn lúc đó không còn ở trong quân đội nhưng cũng thấy được cái mất cao điểm Bà Rá này.
Gần cuối tháng 12, hắn còn đi lại công tác ở Phước Bình, là quận lỵ của tỉnh, có gặp thiếu tá Xuân, quận trưởng quận Phước Bình, trao đổi vài ba mẩu chuyện, thiếu tá Xuân bảo với hắn là « ông thầy giáo có thấy đây là một An Lộc thứ hai hay không? sao giờ này còn ở đây », sau đó vài tiếng chuyến C130 đáp xuống phi trường Phước Bình bị pháo kích cháy, hàng không VN không lên được, dân tình nhốn nháo trước những đợt pháo kích, một chiếc trực thăng hỏng bình điện còn nằm trước dinh tỉnh trưởng, ngày hôm sau có 2 phi công lên thay bình điện, trong đó có một người là anh rể của hắn, thiếu tá Vỹ, không có anh Vỹ hắn cũng khốn khổ khón nạn ở Phước Long rồi.
Lịnh tòa hành chánh tỉnh cấm công chức quân nhân xuất tỉnh, quân cảnh không cho hắn lên tàu, phi công hẹn hắn nơi ngã ba Tư Hiền, cô giáo Hiên ở Phước Long chở hắn ra điểm hẹn vào giờ thứ 25, lên được tàu, đi cùng với hắn còn có thanh tra sở học chánh Trần, an lành về tới Đồng ông Cộ. Hắn đã bảo là có số đẻ bọc điều mà, gặp lúc tai biến là có quý nhân giúp đỡ.

VC bắt đầu pháo kích dữ dội từ tối hôm đó, 26/12/1974, quân đội thiếu đạn dược, lương thực, thuốc men, một số quân nhân cắt đường rừng chạy sang Quảng Đức, một số lần theo quốc lộ 13 về đến Bình Dương, là điểm an toàn rồi về Saigon.
Phước Long mất vào lúc 9 giờ sáng ngày 5/1/1973, chỉ gần 4 tháng sau cả nước vào tay quân CS Bắc Việt.
Hắn viết lại những thống khổ của người dân Phước Long dưới dạng một bài thơ xuôi, từ năm 2017, hắn gởi lại đến các bạn để tưởng niệm 48 năm ngày Phước Long thất thủ.
Đồi delta Bruxelles ngày 3/1/ 2023
Ara

Vấn vương ngọn Bà Rá – Ara Phát

Hôm trước nói chuyện cùng An Lôc Võ văn Châu Phú
Kể hắn nghe ngày đi tù ở Phước Long
Tại Bù gia Phúc, Bù gia Mập
nơi nhiều người bạn, cả anh Phú người anh liền đốt
Có những tháng ngày sống trong địa ngục trần gian
Sáng nay như mọi hôm, đi giang hồ vặt ,
với chiếc máy ảnh trên vai .
Ghi lại hình ảnh, chia xẻ với bạn bè
xem có gì lạ của mùa xuân,
miền ôn đới.
Nói như cụ Tiên Điền
Thiều quang chín chục đã ngoài bốn mươi
Một con chim bói cá trên tảng đá bờ sông
Nhìn một lúc sao như bờ sông Bé
Những rạt rào, nhớ kỷ niệm ngày xưa
Bà Rá Phước Long ngày nào rộn rã,
Xa thật rồi… mà ngỡ mới hôm qua .
Đã Bốn mươi ba năm
Rời xa miền đất đỏ
Đến hôm nay lê bước khắp bao miền …
Phước Bình ngày trước, những ngày loạn lạc
Đêm An Lương, sông Bé mễn lạc bầy (*)
Dòng suối Đá, trong soi từng viên đá cuội
Những trưa hè ngâm mát cả toàn thân
Yếu điểm Sơn Trung
Người dân Thượng vẫn hằn lên ngơ ngác
Rời bản làng ngớ ngẩn vẫy tay chào
Chiếc gùi vai nặng
Con rựa sắc trên tay
Da đen sạm nắng
nhưng tâm hồn trong trắng
Chiếc khố đơn sơ
Lưng trần không tấm áo
mà lòng thật thanh thản an vui
Vít cần rượu ngọt thơm đời rừng núi
Trái tai căng muốn rách
Cà sát răng nhưng vẫn nở nụ cười
từ xa ,nơi cầu Mười Một , Đồng Xoài.
Dư âm
một thời kinh hoàng trong lửa đạn
Tháng 6 năm 65 quân phương bắc tràn vào
quận Đôn Luân, là Đồng Xoài ngày trước
Gây điêu tàn
Ai đã từng nghe câu câu hát
« Tôi có người yêu, ở chiến khu Đ
chết trận Đồng Xoài ,chết lõa lồ
mình không manh áo «
của những người con « sinh bắc tử nam »
Năm 70, tôi thấy trong đồn điền Thuận Lợi
Còn vãi rơi nón sắt lính nhảy dù
Nay vọng lại
Tiếng cúng đình mừng mùa lúa chín
inh ỏi, rộn ràng tiếng phèng la
Bất chấp, dù đất trời có sụp .
Cơn hứng lên bất chợt
Vượt chặng đường rừng thăm thầy giáo Hiệp
Ở tận Đức Phong( Bù Đăng)
Chiếc xe Suzuki
vỡ ống » bô »
động cơ nổ ầm vang
cả núi rừng
Qua cầu Phước Tín
Vào ngã ba Vic Morow
Ngang qua đồn Bạch Mã.
Gặp mặt, thầy giật mình ,
sao mày dám…
chỉ một cái vỗ vai , » mày khỏe chớ «
Uống xong tách cà phê ,thổi vài ba điếu thuốc
leo lên xe bốn lăm cây số quay về
Việt cộng chắc »né » thằng liều mạng
nên để im cho nó trở về.
Đến Phước Bình, ăn tô mì Duy Ký
lúc bấy giờ mới lành lạnh sống lưng
Ngang Sơn Giang, bóng cây hoàng điệp
Vào tháng mười hoa rụng khắp con đường
Hoa cà phê trắng xóa
Dịu lòng người viễn xứ
Đi thêm vài khúc quanh
Xuống con dốc Sơn Long
Dưới chân núi Bà Rá
uống chút rượu với » Vinh lựu đạn »,
cùng vài anh em biệt kích
chẳng có gì ngoài ba con cá rô non
một đĩa dưa chua, vài xị đế…đủ rộn ràng câu chuyện
Cũng nơi này, đã có lần
binh lửa ngập trời xanh
Nào trung đoàn 9 « voi thần »
Nào liên đoàn biệt động
Mũ đỏ cũng góp phần đầy đủ
Còn có cả 81 Biệt cách dù.
Trên bàn cờ chiến
còn có thêm pháo thủ, kỵ binh
Giữa không khí chiến tranh
Những thầy cô
Vẫn chăm lo cho học sinh thơ dại
Cho dù pháo kích của quân thù
cho dù ngổn ngang trường lớp
Sao người ta nỡ đốt xóm, phá trường
một cách dửng dưng
không thương xót, nhẫn tâm không rơi lệ
khi xác người tung, máu đổ chan hòa
của những người
mà luôn miệng họ gọi là đồng bào của họ
Tuổi thơ chỉ
ước mơ khi thức dậy ,
không còn nghe
trên đường có chông gai, mìn cài .
không muốn thấy
phi cơ bay nghiêng trên con đò nhỏ .
Trừ thời gian trong quân ngũ
Cũng có 3 năm dài
gót chân mòn phố chợ
Có những đêm ra ghế đá công viên
Nghe vọng thác mơ tuôn dòng bên Đức mẹ
suối Đá
rồi lượn lờ thành suối Đá hai dòng
Chui vào cầu Đắc Lung hiên ngang bên sườn núi
Nước tuôn về tưới đẫm những nương ngô
Cũng không xa , là con đường
bao quanh hồ Long Thủy
Văng vẳng tiếng kinh cầu của xóm Cao Đài
Chân bước cao, bước thấp
bước ngắn, bước dài
theo từng con dốc đất đỏ
rồi cũng đến được « thành La Mã »
Nơi có các quán cà phê cô Trang , cô Phượng
Vào quán Loan ấm cúng
thổi những luồng hơi ấm ở đầu môi
ngón tay vàng khói thuốc.
Lúc đêm về thèm một chút cay cay
Gõ cửa nhà cô hàng rượu thuốc
là hiệu thuốc Quảng sanh Đường
ở đầu con dốc xuống bến xe
Không cần lên tiếng , chỉ đưa chân vào cửa sắt
Chiếc giầy bám đất; cô bán rươu đã biết là ai
Một ly nhỏ luồn qua khung cửa hẹp
là đủ rồi một chút lên hương
Cũng nơi bến xe
ly cà phê sáng sớm
chung quanh đủ hạng người
nói chuyện thời sự , chuyện chiến sự
và cuối cùng, nghe Ara bàn » tam quốc chí »
khi « Thủy Hử », lúc « cô gái đồ long »,
« Tiếu ngạo giang hồ » khi nổi cơn thống khoái
hết một ngày ở núi rừng Bà Rá .
Những con đường , những góc phố thân quen
Nơi công viên cạnh giáo đường tỉnh lỵ
Nhớ quán Thu Hương ấm nồng hơi bánh cuốn
Nhớ Tư Hiền có quán của cô Phương
Quán nhậu nhỏ , bàn kê dưới gốc xoài , gốc mận
cũng nơi đây biết thế nào là chấm » mắm »
ăn ghém với khế ,điều và chuối chát ,
ngấm vào tận con tì, vị ngọt miền nam
Lại còn chén bánh bèo miền Vỹ Dạ
cay xé lưỡi , ăn hít hà thỏa mãn
Tất cả đã trở thành gạch vụn
kể cả tên gọi Phước Long
kể từ 9 giờ sáng ngày 6 tháng giêng năm 75
ngày Phước Long thất thủ
Nghe chua xót, ngẩn ngơ
bè bạn chung sống
nơi căn nhà
45 đường Tự Do
một số đã ra đi mãi mãi
Các thầy giáo cùng khóa sư phạm
Hoàng bá Khôi, Huỳnh Lý
Thềm duy Hoà, Hoàng văn Đắc
Chết tan xác trong chiến cuộc hôm nào
Bao người dân gục ngã
Bao xác trẻ trôi sông
dưới nhũng tràng pháo vô tội vạ
và bị nghiền dưới xích sắt T54
Cán binh Cộng sản, là những tín đồ
của Mác , Lê , và Tố Hữu
chắc thuộc lòng lời dặn của tổ sư
« Giết, giết nữa , suốt đời không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng xanh tốt, thuế thêm ra »
Biết bao xác dọc theo bờ suối đá.
Kéo chạy dài đến tận Bù Nho
Pháo thủ biệt động quân Lê văn Trụ
dân ở Long Hoa, Tây Ninh
Tay tiếu lâm tầm cỡ
cũng con người khoa bảng
Cùng khóa An Lộc 471 năm xưa
cũng vừa biết tin
anh ngã gục nơi trại tù cải tạo
lính Cộng hòa miền nam
dù chỉ còn chiếc quần đùi
Vẫn bình tĩnh ngăn đường
Bảo vệ dòng người chạy loạn
Thế mới biết lòng trời không tựa
cho những người nhân nghĩa kiên cường
Người Phước Long chịu bao nhiêu thống khổ
Khi nhớ về có nỗi vấn vương
Nhắc Phước Long nhớ như ngày đầu mới đến
vẫn là chuyện trầu cau
Dù ngày nay vạn dặm đường xa cách .

Liège 13/5/2017
Ara Phát

Ảnh nền là Sân bay nhìn từ tòa hành chánh, lúc khẩn cấp C130 cũng xuống ở đây, bình thường dành cho L19 và trực thăng, cuối phi đạo là công viên dưới vực sâu là suối Đá
(*) Ở Phước Long mỗi khi bắc quân tập trung quân để chuẩn bị tấn công đồn , bót ,rừng bị động thú (như mễn , nai) chạy tứ tán lạc cả vào nhà dân. Mỗi khi thấy vậy, từ quân đến dân chuẩn bị cho cuộc chiến. »mễn lạc bầy » có nghĩa như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét