Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

TIN THẾ GIỚI : 04/01/2023 - ĐHL

Liên Âu có thể yêu cầu xét nghiệm Covid đối với hành khách đến từ Trung Quốc Nhân viên y tế tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard Thu Hằng Có nhiều khả năng Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 để nhập cảnh vào khối này. Biện pháp được dự kiến đưa ra trong cuộc họp ngày 04/01/2023tại Bruxelles. Trước đó, chuyên gia dịch tễ của các nước thành viên đã nhất trí về biện pháp trên.
<!>
Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Bruxelles :

« Tất cả các nước thành viên đã nhất trí về "cách tiếp cận có phối hợp", theo giải thích của Ủy Ban Châu Âu. Tại Bruxelles, mọi người cũng thở phào sau một tuần do dự và chỉ có các biện pháp đơn phương. Thực vậy, khối 27 nước bị chia rẽ nặng nề. Một mặt là do phía các cơ quan dịch tễ châu Âu không hề báo động. Mặt khác do thông tin từ Trung Quốc được cho là không đáng tin cậy về khả năng xuất hiện của một biến thể mới.

Ủy Ban Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng hiện giờ, "đa số áp đảo các nước thành viên Liên Âu thông báo ủng hộ biện pháp xét nghiệm Covid-19 triệt để đối với hành khách đến từ Trung Quốc trước khi họ khởi hành đến châu Âu".

Nhiều biện pháp khác cũng được tính đến. Trước tiên là bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc đeo khẩu trang, tiếp theo là xác định khả năng có những biến thể mới, kiểm tra nước thải của các máy bay và tăng số lượng xét nghiệm giải trình tự gien tại các sân bay.

Những biện pháp này được đưa ra thảo luận tại Bruxelles hôm nay (04/01) trong cuộc họp của IPCR, một cơ quan đặc biệt của châu Âu chịu trách nhiệm đưa ra quyết định nhanh chóng và phối hợp giữa 27 nước thành viên của Hội Đồng Châu Âu. Những khuyến nghị cũng sẽ được nêu lên tại cuộc họp và sau đó sẽ được các nước thành viên bảo đảm ».

Song song với các biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cũng đề xuất cung cấp miễn phí vac-xin thích ứng với biến thể Omicron cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 03/01, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu không nêu rõ là loại vac-xin nào. Chính quyền Bắc Kinh chưa trả lời về đề xuất này. Trả lời Reuters, một người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định tỉ lệ tiêm phòng và khả năng xử lý dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc và nước này có kho dự phòng « phù hợp ».

Mỹ : Yêu cầu xét nghiệm « chỉ dựa trên khoa học »
Tokyo cũng tăng cường biện pháp phòng dịch với du khách trên các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Nhật Bản, cụ thể là từ ngày 08/01/2023, phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi lên máy bay. Theo Reuters, trong buổi họp báo ngày 04/01, thủ tướng Fumio Kishida cho biết biện pháp này bổ trợ cho các biện pháp kiểm soát có hiệu lực từ ngày 30/12/2022. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không hạn chế số chuyến bay đến từ Trung Quốc.

Về phía Mỹ, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ned Price khẳng định hôm 03/01rằng yêu cầu của Washington về việc du khách đến từ Trung Quốc phải trình xét nghiệm âm tính Covid-19 tại cửa khẩu là « chỉ dựa trên khoa học ». Trước đó, Bắc Kinh chỉ trích biện pháp được vài chục nước áp dụng là « thiếu khoa học » và « không chấp nhận được ».

Bắc Kinh lại lên án các nước siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc


Du khách đến từ Trung Quốc tại khu vực chờ xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard
Trọng Thành
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách từ Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid bùng lên với quy mô chưa từng có tại quốc gia 1,4 tỷ dân, cùng lúc với việc Bắc Kinh bãi bỏ các hạn chế, khiến số người Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng vọt. Bắc Kinh phản ứng dữ dội với những biện pháp nói trên.

Hôm qua, 03/01/2022, Trung Quốc một lần nữa khẳng định việc các nước đòi khách Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính là « không có cơ sở khoa học ». Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục đòi xét nghiệm âm tính với Covid đối với người nhập cảnh Trung Quốc.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

« Đây là lần thứ ba liên tiếp bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án điều mà họ cho là quyết định ‘‘không có cơ sở khoa học’’. Trước báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) chỉ trích ‘‘một số quốc gia đã đưa ra các hạn chế chỉ nhắm vào du khách đến từ Trung Quốc. Những hành vi này là không thể chấp nhận được’’. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết thêm là Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, trên nguyên tắc có đi có lại.

Các tuyên bố nói trên của chính quyền Trung Quốc được đưa ra một tháng sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, gây ra làn sóng lây nhiễm ở các vùng đô thị lớn của Trung Quốc, khiến hệ thống bệnh viện quá tải.

Các tuyên bố này cũng được đưa ra sau gần 3 năm Trung Quốc đóng cửa biên giới, với các biện pháp kiểm dịch khắc nghiệt đối với những người nhập cảnh. Các biện pháp nói trên, đặc biệt là việc cách ly đối với người nhập cảnh sẽ bị bãi bỏ từ Chủ Nhật 08/01, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn buộc hành khách đến từ các nước khác phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ ».

Bắc Kinh phản bác mọi chỉ trích về chính sách Covid
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm qua một lần nữa tỏ ra lạc quan, khi khẳng định « Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh », đồng thời bác bỏ mọi phê phán về các chính sách đã dẫn đến phong trào phản kháng chưa từng có tại Trung Quốc cuối năm qua.

Việc Bắc Kinh che giấu thông tin về mức độ trầm trọng của dịch khiến người dân phẫn nộ. Trung Quốc chỉ thừa nhận trung bình chưa đến 5 người chết/ngày kể từ khi từ bỏ chính sách « Zero Covid ». Reuters hôm nay 04/01/2022 dẫn lời một cư dân ở Bắc Kinh, xin ẩn danh, cho biết riêng trong gia đình ông đã có « bốn người thân »chết từ đầu đợt dịch lớn này. Ông kêu gọi chính quyền « hãy thành thật với người dân, với thế giới về những gì đang thực sự diễn ra » tại Trung Quốc.

Hôm qua, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã có buổi làm việc với giới y tế Trung Quốc để một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh minh bạch thông tin về dịch bệnh.

Bộ Quốc Phòng Nga : Tổn thất nặng ở Makiivka là do lính dùng điện thoại di động


Tòa nhà một trường dạy nghề thành đống đổ nát sau cuộc pháo kích của quân đội Ukraina tại Makiivka, phía đông vùng Donetsk, ngày 02/01/2023. © RIA Novosti / Sputnik via AP
Trọng Thành
Hôm qua, 03/01/2022, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định việc sử dụng điện thoại di động là ‘‘lý do chính’’ của thiệt hại nặng nề trong vụ oanh kích vào một nơi đồn trú của quân Nga tại Makiivka, miền đông Ukraina. Matxcơva cũng khuyến khích tổ chức rộng rãi việc tưởng niệm tại Nga các quân nhân vừa thiệt mạng, một hành động được giới quan sát đánh giá là ‘‘bất thường’’.

Theo tướng Nga Sergueï Sevrioukov, ‘‘nguyên nhân chính (dẫn đến tổn thất nói trên) là do tình trạng các quân nhân bật và sử dụng điện thoại di động một cách phổ biến tại một khu vực gần các vị trí của quân địch, một hành vi vốn bị nghiêm cấm’’. Bộ Quốc Phòng Nga cũng thừa nhận thêm tổn thất trong vụ oanh kích, với 89 lính chết, nhiều hơn con số 63 người được đưa ra trước đó.

Chủ tịch hội vợ quân nhân kêu gọi ‘‘trả thù’’
Truyền thông Pháp ghi nhận một hiện tượng ‘‘bất thường’’ là chính quyền Nga cho phép dân chúng tập hợp đông đảo tưởng niệm binh sĩ tử trận tại Ukraina. Theo AFP, hôm qua, 03/01, khoảng 200 người tập hợp tưởng niệm tại trung tâm thị xã Samara, miền trung Nga, với sự cho phép của chính quyền thị xã. Samara là nguyên quán của nhiều binh sĩ thiệt mạng trong vụ oanh kích Makiivka.

AFP cho hay, tại lễ tưởng niệm này, bà Ekaterina Kolotovkina, chủ tịch một nhóm vợ quân nhân Nga, tuyên bố: ‘‘Thật là vô cùng đau đớn và khủng khiếp. Nhưng chúng ta không thể gục ngã. Nỗi đau buồn đoàn kết chúng ta lại’’. Lãnh đạo nhóm vợ quân nhân Nga nói trên kêu gọi ‘‘trả thù’’. Theo truyền thông địa phương Nga, một số cuộc tập hợp tương tự đã diễn ra tại vùng này, đặc biệt ở Togliatti và Syzran.

Putin lệnh chiếu nhiều phim tài liệu về ‘‘chiến dịch quân sự’’ ở Ukraina
Kích động tinh thần chống Ukraina trong dân chúng Nga cũng là chủ trương của tổng thống Nga. Hôm qua, 03/01, ông Putin ra lệnh cho chính phủ chuẩn bị, từ đây đến ngày 01/02/2022, chiếu ‘‘nhiều phim tài liệu’’ về ''chiến dịch quân sự đặc biệt'' tại Ukraina. Trên trang mạng của điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin thông báo giao cho bộ Văn Hóa nhiệm vụ này. Chính quyền Nga cũng dự định tổ chức một festival phim tài liệu có nội dung cổ vũ ‘‘ lòng yêu nước’’.

Ghi Thêm : Nhân dịp trao đổi chuyện gia đình với người thân tại Đà Nẫng, được biểt rằng hiện nay tại Đà nẫng và Hội An, đông đảo du khách Trung cộng đang thăm viêng hai thành phố nầy .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét