Tấm ảnh chiến trường của John Olson, in lại trong sách của Mark Bowden, đã dẫn tới cuộc hội ngộ hy hữu của hai cựu chiến binh sau nửa thế kỷ. Ảnh WP. Từ một tấm ảnh mặt trận Huế trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, hai cựu chiến binh Hoa Kỳ – một thương binh và một bác sĩ giải phẫu đã cứu sống anh – tìm được nhau sau nửa thế kỷ và hình thành một tình bạn mới. Năm 2018, 50 năm sau trận chiến Tết Mậu Thân, nhà báo Mỹ Mark Bowden xuất bản cuốn sách “Huế 1968- bước ngoặt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” – miêu tả chi tiết cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản Bắc Việt và chiến dịch đẫm máu kéo dài cả tháng trời của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng đồng minh Hoa Kỳ tái chiếm cố đô Huế. Ở cuối cuốn sách tác giả đăng một tấm ảnh thể hiện sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1968.
Tiền cảnh của tấm ảnh (trên) cho thấy một anh lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trẻ tuổi bị thương rất nặng, nằm trên một chiếc xe tăng được dùng tạm làm xe cứu thương trong chiến dịch tái chiếm Huế, do nhà báo John Olson, phóng viên ảnh chiến trường của tờ báo quân đội Mỹ Stars and Stripes chụp và đăng tràn cả hai trang trên tạp chí Life, số ngày 6 tháng Ba 1968. Chú thích ảnh ghi anh lính bị thương tên là A.B. Grantham, thuộc Sư đoàn 1, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
“Trận đánh giành lại thành phố kéo dài 24 ngày hết sức khốc liệt. Chiến dịch tái chiếm thành Huế có lẽ là trận đánh đẫm máu nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam, và là điểm ngoặt (turning point) không chỉ trong cuộc xung đột đó mà cả trong lịch sử Hoa Kỳ,” Bowden viết.
Quân đội cộng sản – gồm quân chính quy từ miền Bắc và quân du kích địa phương gọi là Việt Cộng – lợi dụng thỏa thuận tạm ngừng bắn giữa hai bên để dân chúng đón Tết Mậu Thân – bất ngờ tấn công các đô thị miền Nam vào ngày 31 tháng Giêng 1968 và chiếm được cố đô Huế. Sau phút choáng váng ban đầu, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tổ chức phản công giành lại cố đô. Ngày 17 tháng Hai 1969, binh nhì Grantham, lúc đó mới 18 tuổi, phục vụ trong một khẩu đội đại liên của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến. Khẩu đội có năm người thì bốn người đã bị thương vì đạn pháo của đối phương. Một mình Grantham thiết lập một ổ kháng cự từ cửa sổ một tòa nhà trong thành phố. Hỏa lực của địch tập trung vào đó và Grantham bị một viên đạn AK-47 bắn vào ngực, không trúng tim nhưng làm thủng phổi trước khi vọt ra ngoài ngay dưới bả vai bên phải. Lúc đó anh tưởng mình không qua khỏi được.
Đồng đội của Grantham đã cố cầm máu cho anh bằng cách nhét đầu lọc thuốc lá vào vết thương rồi băng bó lại; một người lính đá văng một cánh cửa phòng, dùng nó làm băng-ca chuyển thương.
Grantham sau đó được đưa tới điểm an toàn, được đặt lên nóc một xe tăng M-48 dùng tạm làm xe cứu thương. Đó là lúc mà nhà báo John Olson bắt gặp và chụp được một trong những tấm ảnh gây chấn động nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cuối cùng, Grantham và các thương binh trên xe tăng cũng được đưa về tới Trạm Giải phẫu số 22 tại phi trường quân sự Phú Bài, phía nam thành phố Huế. Ở đó, đại úy bác sĩ Mayer Katz, 30 tuổi, đã cứu mạng anh. Ca giải phẫu Grantham kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, sử dụng tới mười đơn vị máu khi bác sĩ Katz mổ hở lồng ngực của bệnh nhân, cắt bỏ một phần lá phổi bên phải, lấy ra những mảnh xương vỡ cùng hai chiếc xương sườn bị gãy. Ngày hôm sau, Grantham được trực thăng chở tới tàu bệnh viện, rồi sang Nhật Bản, cuối cùng về tới bệnh viện quân đội ở Pensacola, Florida. Anh dần dần hồi phục nhưng trọng lượng cơ thể giảm một phần ba, từ 165 pound xuống còn 116 pound. Trong lúc Grantham nằm bệnh, một người anh rể của anh nhìn thấy tấm ảnh trên tạp chí Life và mang đến cho anh xem.
Grantham sau đó vào đại học, cưới vợ, sinh con, ly hôn rồi cưới vợ mới và có một sự nghiệp kinh doanh thành công.
Grantham vẫn thường tham dự những buổi họp mặt của cựu binh Thủy Quân Lục Chiến và trong một buổi họp như vậy, anh gặp nhà báo Olson khi ông đến trưng bày những tấm ảnh chiến trường, trong đó có tấm ảnh chụp Grantham cùng các thương binh nằm trên chiếc xe tăng. “Đó là tôi,” Grantham nói với nhà nhiếp ảnh. Nhưng Olson không tin cho đến khi Grantham kể lại câu chuyện của mình, làm cho Olson cảm thấy “tóc tôi như dựng cả lên”.
Olson đã cẩn thận kiểm tra lại các ghi chú, ảnh chụp và xác định Grantham đúng là người trong tấm ảnh của ông, bất chấp binh chủng Thủy Quân Lục Chiến trước đó nói rằng người bị thương là James Blaine, một lính Marines khác đã chết vài ngày sau đó. Olson đọc lại những bản ghi chép mà ông đã phỏng vấn 10 trong số 11 người có mặt trên chiếc xe tăng ấy và chắc chắn người trong ảnh là Grantham. Grantham đương nhiên tin như vậy. Anh cũng kể câu chuyện của mình cho nhà báo Mark Bowden và được tác giả ghi lại trong cuốn “Hue 1968” của ông.
Bác sĩ Mayer Katz tại trạm giải phẫu tiền phương ở Phú Bài năm 1968. Ảnh tài liệu của bác sĩ Katz / WP
Bác sĩ Mayer Katz là một đại úy, một bác sĩ giải phẫu của quân đội Hoa Kỳ, phục vụ trong một đơn vị giải phẫu lưu động gần thành phố Huế trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Năm nay đã 85 tuổi, ông về hưu và sống ở thành phố Rehoboth Beach, tiểu bang Delaware đông bắc nước Mỹ.
Khi đọc cuốn sách của Bowden và nhìn thấy tấm ảnh người lính bị thương, ông bác sĩ về hưu như nhớ lại những ngày tháng gian khổ ở Việt Nam. Ông lục lại các hồ sơ cũ và tìm thấy cái ông cần tìm: Cuốn sổ ghi chép những ca mổ mà ông thực hiện tại Trạm Giải phẫu số 22 trong phi trường quân sự Phú Bài. Ghi chú ngày 17 tháng Hai 1968 – cùng ngày mà Olson chụp tấm ảnh – là chi tiết y khoa cuộc phẫu thuật A.B. Grantham mà ông thực hiện đúng nửa thế kỷ trước.
Dựa vào chú thích dưới tấm ảnh, con gái của bác sĩ Katz đã gọi điện cho nhà báo Mark Bowden và tác giả đã giúp kết nối bác sĩ Katz với bệnh nhân cũ của ông, A.B. Grantham. Họ lập kế hoạch gặp nhau nhưng cuộc hội ngộ phải hoãn lại vì dịch COVID và sau đó là cái chết của bà vợ ông Katz.
Phải đến tháng Chín vừa qua, ông Grantham và vợ mới tới được Delaware gặp ân nhân của mình và ở lại nhà ông Katz mấy ngày. Nửa thế kỷ đã trôi qua từ lần gặp nhau đầu tiên của hai người trong một trạm xá tiền phương gần thành phố Huế – một người là bác sĩ phẫu thuật còn người kia là thương binh thập tử nhất sinh.“Khi nhìn thấy A.B., tôi đã chạy tới và ôm anh ấy. Chúng tôi trò chuyện không ngừng,” bác sĩ Katz nói. “Tôi cảm ơn ông ấy nhiều lần, rất nhiều lần,” ông Grantham cho biết.
Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ giữa hai cựu binh, ông Grantham (trái) và bác sĩ Katz. Ảnh Dianna Katz / WP
Andy Van
Từ đó, một tình bạn nảy nở và hai người trò chuyện với nhau qua điện thoại ít nhất một lần mỗi tuần. Quả là một cuộc hội ngộ hy hữu, một kết thúc có hậu của những người cùng đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam – cuộc chiến đến nay vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi!
(lược thuật từ The Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét