Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Thượng Uyển Bỏ Hoang - Trần Vũ

LTS: Thượng Uyển Bỏ Hoang là một trong những truyện ngắn đầu tay của Trần Vũ, in trên tập san Làng Văn năm 1987 và được Nguyễn Trung Tây đánh máy lại, lần đầu tiên lên web. Với bút pháp hoàn toàn hiện thực, tác giả cố gắng ghi lại thực tế của Sài Gòn vào những năm 1978-1979, mà theo anh: "Là giai đoạn kinh khủng.Tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản nên không còn chợ búa, siêu thị, cửa hàng tư nhân… Nhà nước không bán thực phẩm cho dân chúng, chỉ trong biên chế, tổ chức, đoàn, đảng, mới được mua theo tem phiếu. Cả thành phố ăn độn khoai mì. Đói thê thảm, không có xăng, cúp điện, không tivi, không điện thoại. Phía Bắc chiến tranh với Trung Hoa, phía Tây chiến tranh với Kampuchia, cả nước vượt biên… Bắt lính, bố ráp, truy quét tàn dư Mỹ Ngụy, cải tạo, đóng chốt, kiểm kê tài sản… Phải là người Nam và sống trong Nam thời kỳ này mới hiểu vì sao Giải phóng đồng nghĩa Mất tất cả."

<!>
Trời xế trưa, nắng gay gắt và vàng sậm. Tôi dựa lưng vào vách tường hoen ố phía sau, đổi cách ngồi cho đỡ mỏi. Những người chung quanh cũng vươn vai, đổi chỗ, và xê dịch sao cho thoải mái. Ba bốn tiếng đồng hồ chụp giật làm ai nấy thấm mệt. Lợi dụng lúc thưa khách, mọi người lui vào lề tìm chút bóng râm. Tôi kéo thấp chiếc nón lá che ánh nắng đang nung dòn trên mặt. Nắng từ mái tôn cũ tả tơi, rơi đổ lên đám người lây lất lúp xúp dưới đất. Màu da mọi người bình thường xanh xám, lúc này pha trộn màu nắng thành màu vàng đặc biệt. Không phải màu nghệ hay màu vàng lá mạ cổ điển mà là màu vàng úa gần tiệp với màu lá chuối, từa tựa phân ngựa. Thứ màu ngày xưa tôi thường dùng để đánh lớp đầu tiên cho dầy phông. Tôi biết mình cũng giống như những người ngồi đây, đang phát sinh cho xã hội một trường phái mới. Một trường phái thực tiễn sống mà ngoại kiều về nước ai trông thấy chúng tôi cũng đều liên tưởng đến những tranh tập thể, mang hình thù kỳ dị. Thật vậy, nhìn lũ chúng tôi thân thể tiều tụy, màu da vàng tái không ai không nghĩ đến những người mẫu trong tranh, cổ dài ngoằng và chân tay khẳng khiu. Tuy nhiên sáng hôm nay, những bức họa lập thể ấy đều tỏ vẻ hài lòng, ít hằn học so với ngày hôm qua. Quả tình nếu hình thù chúng tôi có vẻ lập dị, thì đầu óc lại rất đơn giản. Chỉ cần nửa ngày trôi qua bình yên, không phải ôm đồ chạy tháo thân là chúng tôi mãn nguyện.

Giờ mùa bán đã qua, con đường trở lại thưa vắng và yên lặng. Tôi thả rơi tầm nhìn mệt mỏi lên khu phố một thời là đại lộ chính của Sài Gòn. Những buynh đinh cũ được sơn phết, nhiều tấm bảng mới sơn, màu hãy còn tươi, bồn nước đang phun, đồng hồ được thay pin tiếp tục quay; một số hàng rào mái ngói được sửa sang phô diễn cố tình làm đẹp, đập vào mắt du khách. A, thì ra nhà nước đang ra sức kiếm ngoại tệ bằng công trình xây cất của "Ngụy" ngày xưa. Tia nhìn tôi vừa chạm phải hình ảnh tòa nhà Hữu Nghị. Tòa cao ốc vòi vọi, ngất ngưởng cho tôi cảm giác đang ngồi dưới đáy vực. Thời trước, mỗi lần đi ngang hotel Palace tôi đâu có mặc cảm thấp hèn như bây giờ. Kể cũng không có gì lạ, thường người ta chỉ biết mình ngã xuống vực khi đã rơi đụng đáy, còn mới trượt chân thì không ai biết mình đang rơi.

Có tiếng lục đục bên cạnh. Ông cụ thuộc diện mất sức lao động, nuôi tuổi già bằng nghề bơm rửa viết máy, lấy trong bọc ra một gói khoai sắn, chậm rãi đưa bàn tay dính mực lên vuốt cổ họng sau mỗi bận nuốt xuống một miếng sắn. Ông cụ là một trong số ít người còn giữ thói quen ăn nhiều bữa trưa. Đại đa số chúng tôi thường quấy quá, phần vì muốn tiết kiệm, phần vì dạ dày đã quen với khẩu phần ít ỏi thường nhật, qua quýt cũng tạm đủ.

Lề đường lúc này bừa bãi. Những món hàng mà mọi người chất xếp lây lất hờ hững. Trong ngày, có lẽ giấc trưa là lúc những kẻ chợ trời như tôi đăm chiêu và ít tha thiết với vốn liếng của mình nhất. Ở cái lúc mà khách mua đã vãn, đã về nhà dùng cơm hay quay về sở làm, người bán chợ trời không biết làm gì hơn là thả rơi suy tư của mình vào khoảng không. Ít ai ngờ những kẻ sống lê lết trên vỉa hè tìm cơm áo qua ngày như lũ chúng tôi lại hay suy tưởng như một triết gia. Từ lâu, tôi đã sớm nhận rõ tính ưu việt của chế độ này là giúp cho con người biết tách rời cái tâm của mình ra khỏi thân xác. Tất cả người dân Sài Gòn “tiên tiến” đều hướng nội, điều khiển tâm thức như một thiền sư. Những khi đói khổ, người ta cho tâm sống với quá khứ dĩ vãng một thời ấm no. Gặp lúc tuyệt vọng tâm sẽ được cho đi trước thời gian để sống với mơ ước về một vùng đất mới hay một đổi thay. Bằng cách này hay cách khác, người Sài Gòn sống ở ngoài không và thời gian thực tại. Họ sống ở hai đầu mốc thời gian, hoặc ở tận cùng quá khứ, hoặc bên kia tương lai, nhưng không bao giờ giữa thì thực tại. Thực tại giản dị đã trở thành một thì của u tối. Chỉ cần ngồi ở lề đường này vài ba tuần lễ, qua những giấc trưa im ỉm như hôm nay là tôi khám phá ra được điều ấy. Những tia nhìn quen thuộc của bạn hàng mà hàng ngày tôi bắt gặp rơi rớt trên vỉa hè, vào giữa trưa như có sức bay bổng chuyên chở cả một phần đời người mang nó. Những tia nhìn ban đầu khởi đi từ tròng mắt luôn ánh màu xanh hy vọng, trôi ra xa mông lung chơi vơi một lúc trước khi hụt hẫng để rồi sau cùng chỉ còn màu xám u uất. Tôi ở trong cùng tình trạng với các đồng nghiệp đang ngáp ngắn ngáp dài chờ khách. Nhưng tôi không đẩy tâm thức ra xa, không giết nỗi lo âu buồn bã, đói lạnh của mình bằng cách ấy. Có lẽ vì tôi theo ngành hội họa từ thuở niên thiếu, nên gặp lúc khốn khó, tôi tập nhìn đời như nhìn những bức tranh, không để ám ảnh bởi màu sắc hay khủng hoảng bởi hình ảnh. Tôi cố tìm trong mỗi bức tranh, đường nét, góc cạnh và vị trí riêng, để tôi có thể nhìn bức họa của chính mình, của những âu sầu khốn khổ ở góc cạnh tương đốt bớt phũ phàng, một góc tiếp thu riêng biệt mà tôi có thể lọc lại màu sắc, làm vơi dịu bớt cường độ mà người thợ sơn mới đã áp đặt. Mấy năm qua, từ ngày rời hội nhà giáo, nếu cái nghề hội họa không còn giúp tôi kiếm sống, ít ra nó cũng giúp tôi chịu đựng, làm vơi dịu màu sắc hằn học của đời khi phải trực tiếp thâu nhận. Lâu lâu tôi vẫn có thể phác họa, vẽ vời trong trí tưởng tượng…

Mãi suy tư, triết lý vớ vẩn mà Cường đến lúc nào tôi không hay. Gã con trai khóa bánh xe đạp, đến bên tôi cười:
– Cô đang “vẽ” phải không? Từ xa thấy đôi mắt cô mơ màng là Cường đoán liền.
– Vẽ vời gì, tôi chỉ nghĩ lung tung cho qua thì giờ.

Tôi hơi ngước mặt, đủ để cho tầm nhìn đọng lại trên khuôn mặt Cường mà tôi không bị nắng chói.
– Cô bán được khá không?

Tên con trai hỏi, nụ cười vẫn còn nở trên môi.
– Cũng tạm. Bán được 3 ống kem đánh răng và 1 bịch sữa bột Liên Xô. Hy vọng chiều khá hơn.

Tôi vừa trả lời vừa đưa tay chỉ mấy món hàng còn lại bày trên tấm ny lông. Kể ra bán chừng ấy là gia đình tôi đủ sống hôm nay, nghĩa là có đủ tiền mua nửa ký mì sợi, chút rau và ít ngô khoai cho 2 đứa con tôi và mẹ chồng. Nhưng nếu muốn bữa ăn có thêm chất đạm thì thật tình tôi cần phải bán thêm gấp 5, 6 lần những món đồ vừa bán. Nói vậy để so sánh chứ tôi làm gì có vốn để mua nhiều mặt hàng.
– “Đạt” rồi, cứ coi như cô không bị cháy giáo án hôm nay.

Gã con trai nhìn tôi cười chế diễu, mặt mũi nó sạm nắng, tóc tai chấm ót.

Cường là học trò tôi hồi còn dạy hội họa cho trường Lasan. Tôi tình cờ gặp lại nó năm ngoái, trên vỉa hè thương xá Tam Đa. Cường cao lớn và có dáng thanh niên so với hình ảnh đứa học trò nhỏ năm xưa nên tôi không nhận ra. Cường phải nhắc rõ tên tuổi và lớp cũ tôi mới nhớ. Lúc đó tôi đã bắt đầu lây lất ở chợ trời. Cường khuyên tôi bỏ lề đường Lê Thánh Tôn, dọn về bán ở vỉa hè phố Nguyễn Huệ vì theo Cường, đại lộ Nguyễn Huệ “sang” hơn, có nhiều cán bộ cao cấp và vợ con từ Bắc vào mua sắm. Nguyễn Huệ cũng kém xô bồ và ít náo động hơn các khu khác, lại có nhiều kiosques bán hoa và sông nước Bạch Đằng thơ mộng thích hợp cho tâm hồn một cô giáo dạy vẽ như tôi! Từ đó Cường thường hay lui tới chỗ tôi ngồi, chuyện vãn và cùng “phụ” suy tư với tôi những khi vắng khách. Cường đã thôi học từ năm 77, hành nghề mua đi bán lại đồng hồ cũ mà khách phần lớn là bộ đội miền Bắc. Công việc theo lời Cường rất khả quan, tuy nhiên Cường giấu nhẹm địa điểm buôn bán và chẳng bao giờ muốn bàn với tôi về việc buôn bán của nó, vì lý do nào đó thì cho đến hôm nay tôi vẫn chưa rõ.

Gã con trai ung dung ngồi xổm trên đất, lôi trong túi giấy đem theo 2 trái bắp nướng và 1 bọc xôi vò.
– Sáng nay Cường vô mánh, chớp được cái đổng cũ mà bán cho anh bộ đội lời quá. Cường mua chút đồ ăn cải thiện, cô cưa đôi với em nghe.

Cường chìa cho tôi trái bắp nướng sau khi khoe thành tích, nụ cười hình như ít khi tắt trên môi nó. Cường đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người, lứa tuổi mới lớn, hồn nhiên đón nhận cuộc sống bằng tấm lòng cởi mở bao dung. Dù xã hội bây giờ khó khăn và tàn bạo, tuổi trẻ vẫn không than van vì giản dị là chúng chưa biết hận thù. Cái ngày mà Cường biết đến thù hận, chắc sẽ làm tôi đau đớn lắm. Thế hệ chúng tôi đã không cứu vớt được tuổi trẻ hôm nay, thế hệ sinh sau đẻ muộn giữa oán thù, tranh chấp, mà hoàn toàn không hiểu vì sao.
– Sao Cường cho tôi hoài thế? Tôi nợ em nhiều quá biết lấy gì mà trả!

Tôi ngập ngừng, ngại ngùng khi đón nhận trái bắp từ tay đứa học trò. Nó nuôi tôi bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không có Cường chắc tôi đã bị lừa gạt, bị bắt hay sạch vốn liếng từ lâu. Và nếu Cường không đến như cơn gió mát làm dịu bao trưa nồng oi ả, chưa chắc tôi đã chịu đựng được một mình gần năm trời, đơn độc không bạn bè, không chút an ủi trên vỉa hè thành phố.
– Sao cô cứ kể lể ơn nghĩa làm em mệt. Sống lúc này có đồng nào mình phải ăn ngay vô bụng đồng đó, để lâu… nhà nước dám đổi tiền nữa! Cô, ăn đi chớ, dòm Cường chi dữ vậy. Ăn bắp bây giờ là mốt đó cô biết không?
– Ăn bắp nướng mà cũng có “mốt” nữa à?
– Suya! Ăn bắp nướng là phong trào được nhân dân cả nước ưa chuộng. Này nha, bắp nướng có thể để dành 2, 3 ngày mà không sợ hư. Khi ăn tập thể, dễ dàng đếm hột chia khẩu phần, còn lúc nhơi một mình mà muốn cần kiệm thì ăn một hàng thôi, mấy hàng kia để dành ngày mai. Ăn hết còn đói …mút cái lõi cũng đã.
– Hay quá mà tôi không biết!
– Chứ sao cô. “Nhân dân ta anh hùng luôn có truyền thống phát huy tính thực tiễn Mác-Lê, phổ cập vào đời sống…”
– Thôi đủ rồi cậu nhỏ!

Tôi xua tay nhắc cho Cường biết đang ngồi ở vỉa hè chứ không phải giữa hội trường kiểm thảo. Đặc điểm của lớp trẻ như Cường là nói năng thuần thục và nhuần nhuyễn những từ mới, những châm ngôn cổ động mà nhà nước không ngừng ra rả trên các loa phóng thanh nơi phường khóm. Riêng Cường thì mỗi bận sửa được một từ mới thì hả hê và thích thú lắm, tự cho rằng đã thấm nhuần sâu rộng tư tưởng cách mạng. Chẳng hạn như 2 câu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và “Bàn tay ta làm nên tất cả, dưới sức người sỏi đá cũng thành cơm” giới trẻ Sài Gòn sửa lại là “Đâu cần thanh niên trốn, đâu trốn được có thanh niên” và “Bàn tay ta làm nên tất cả, dưới sức người sỏi đá vẫn còn nguyên” mà Cường rất thích, đọc đi đọc lại cho tôi nghe.
– Này cô…
– Gì?

Tôi hỏi, lúng búng những hạt bắp trong miệng.
– Cường vừa sáng tác được một bức tranh mới chiến lắm.

Gã con trai vừa nhai vừa kể. Nét mặt nó thôi tinh nghịch, vẻ quan trọng như lúc sắp đem nộp bài thi. Từ lâu tôi và Cường hay trao đổi họa phẩm trong trí tưởng tượng cho nhau “xem.” Một cách giải trí vô hại mà không tốn tiền. Nếu Cường có vẻ bương chải và hơi du côn ngoài đời, thì nó lại cũng rất nghệ sĩ. Cường đam mê hội họa như tôi, nó lại rất thích vẽ tưởng tượng trong đầu vì cho rằng dễ dàng bôi xóa.
– Để em kể cô nghe.

Cường nói mà mắt chong lên bầu trời rợp bóng me…
– Cường vẽ bức tranh có bầu trời trên một thành phố. Bầu trời lớn chiếm hai phần ba bề dọc khung. Nền trời hình thang ngược, to hai bên góc và nhỏ dần chính giữa cho bức họa có chiều sâu. Đố cô nền trời em tô màu gì?

Cường chợt quay lại, bí mật.
– Xanh lơ hay xanh cẩm thạch?
– Trật lất! Mấy màu đó thường lắm. Cường chơi màu đỏ, đỏ tươi pha chút xíu boọc đô thôi.
– Bầu trời ai sơn màu đỏ, bộ tranh lập thể à?
– Vậy mới hay!

Cường cười sung sướng, đắc chí. Nó lim dim đôi mắt, say sưa:
– Không phải tranh lập thể, em vẽ tranh thường thôi nhưng có ý nghĩa. Màu boọc đô đánh đậm ở giữa chỗ phát xuất chiều sâu, toả dần ra thành màu đỏ đậm rồi đỏ tươi, đỏ lịm, máu…! Cô hiểu ý Cường không? – Tên con trai giương mắt nhìn tôi dò hỏi – Màu đỏ là màu nóng tượng trưng cho bầu trời nhiệt đới oi bức, màu đỏ cũng là… Cường chợt thấp giọng, liếc chung quanh… là màu của tụi nó. Cái nền trời đỏ rực tỏa rộng bao trùm lên thành phố nhỏ xíu bên dưới nhìn vô là thấy bị đè nén liền!

Từ giọng kể oang oang hãnh diện lúc nãy, Cường nhỏ giọng gần như thì thầm:
– Đó, sáng tác mới của em đó, cô chấm điểm đi.
– Cũng khá.

Tôi gật gù, không quên liếc mắt dòm chừng: 
– Biết cách làm chiều sâu, có tư tưởng, biết sử dụng tông nóng, khác biệt của tĩnh và động. Động là màu đỏ ở trên và tĩnh ở bên dưới… Nhưng mà Cường định vẽ gì bên dưới mới được chớ? Tôi thắc mắc.
– Thì vẽ thành phố.

Đến lượt nó lúng túng.
– Nhưng thành phố ra làm sao?
– Thành phố vậy thôi! Cô đã chẳng dạy Cường, vẽ ăn thua nhất là ở cái nền à? Mà cái nền đỏ, đục đục của Cường tới quá mức, coi như bức họa thành công, đâu cần vẽ thêm gì nữa.

Tôi phì cười, đúng là ngụy biện.
– Nhưng em không vẽ thành phố ở dưới thì ai mà hiểu được ý Cường. Vẽ tranh cũng như làm luận, cần phần nhập và kết thật hay, nhưng cũng phải cần thân bài vì là chỗ để khai triển. Nếu tranh của Cường chỉ có một mảng đỏ như thế thì tôi cho 3 điểm.

Cường im lặng, mặt tiu nghỉu. Thấy nó thở phì phò, tôi biết anh chàng đang bí.
– Thôi để tôi giúp ý cho em. Bên dưới nếu em muốn vẽ thành phố thì dễ lắm. Thành phố có nhiều nhà, cao ốc hay là trệt. Một là em vẽ mấy ngôi nhà lầu thật cao, cho có vẻ vươn lên, hất đẩy cái nền trời đè nặng. Hai là em vẽ những căn nhà thấp tồi tàn như đang chịu đựng mệt nhọc, rồi kẻ thêm con đường đậm như một tì vết. Cường thấy sao?
– Tuyệt cú mèo!

Cường bật dậy, ném mạnh cái cùi bắp đã nhai hết lõi. Nó đập tay lên đùi khoái trá.
– Hay thật! Có vậy mà em không nghĩ ra. Cô đúng là giáo sư!

Nắng trưa gay gắt, chói chan trên bóng cây. Những bóng me rợp không đủ làm chúng tôi mát. Con đường ban trưa phơi mình chịu đựng. Riêng 2 thầy trò tôi đang chìm vào một nơi khác, một nơi có nhiều màu sắc và hình ảnh.
– Nè cô, sao mình không vẽ luôn con lộ Nguyễn Huệ này vô. Hai dẫy cao ốc hai bên làm “sức vươn lên” như cô nói. Còn đại lộ là con đường từ chỗ chiều sâu bắt ra. Cường sẽ chơi màu đen đậm cho thật bị tỳ vết!
– Cũng được, tùy Cường.

Đứa con trai cười mãn nguyện. Nó hoàn toàn quên mất vụ vẽ tưởng tượng, làm như đang đứng trước một họa phẩm có thật.
– Em muốn vẽ luôn đám chợ trời mình vô cho thêm sinh động.
– Coi chừng ôm đồm nhiều quá tranh lại mất ý chính đấy.

Tôi nhắc khéo.
– Đâu có, nhấn mạnh thêm chớ. Cảnh đám người nghèo khó lây lất bán buôn hai bên đường giữa hai hàng cao ốc được người ta sơn phết giả tạo, che mắt…

Tôi kéo Cường ngồi xuống, ra dấu cho nó nói nhỏ bớt. Vẽ tranh tưởng tượng mà phải đi cải tạo thì nguy hiểm quá!

Dưới nền trời mơ tưởng của Cường bây giờ có thêm những gợn mây trắng pha sắc xanh dương, khách mua hàng của giấc 3 giờ chiều lần lượt đổ ra từ các ngõ hẻm. Gã con trai nhỏm dậy, lấy hai tay phủi quần:
– Mải chuyện, thôi em về chạy mánh để cô buôn bán.
– Gấp thế, tôi có khách đâu.
– Nhưng em cũng phải về kẻo tụi bạn trông, còn lo chạy mối kiếm tiền ăn tối nữa.

Cường chắc lưỡi. Gió lòa xòa trên tóc nó bụi bậm rối bời. Nó đứng lên, chiếc bóng đổ lênh khênh chơi vơi trên hè. Cường ném cái nhìn lên bầu trời lần cuối, tiếc rẻ:
– Giá mà ghi được lên khung vải thì sướng biết mấy. Mà màu mè gì mà mắc quá trời.

Cường nói rồi cúi nhìn tôi còn ngồi dựa lưng vào bức tường chói nắng:
– Biếu cô bọc xôi vò mang về cho 2 em.
– Đâu được. Cường giữ lại mà ăn quà lát nữa. Hôm nay tôi cũng bán được, để khi về tôi ghé mua cho chúng nó sau.
– Cô nhận cho Cường vui. Nay bán được nhưng mai biết đâu, cô cất tiền phòng thân. Vả lại em lớn rồi, đâu còn nhỏ nhít gì nữa mà ăn quà. Sao cô khinh Cường thế?
– Nhưng em nuôi tôi hoài.
– Thì Cường là “anh nuôi” chiến sĩ mà. Cô cũng là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế!

Gã con trai toét miệng cười. Nắng lốm đốm rơi trên chiếc áo trắng ngả màu vàng của nó. Chiếc áo trắng của đứa học trò sớm vào đời nổi lên trong chiều nắng trông tang thương, như hình ảnh một thế hệ bị lãng quên, thiếu chăm sóc. Nhưng còn ai chăm sóc chúng khi lớp thầy cô giáo chúng tôi đều đã ra ngồi hết ngoài đường? Không thể trách tuổi trẻ bây giờ, nhỏ mà sớm biết mánh mung. Lỗi không ở đứa con trai mới lớn đang đứng trước mặt tôi, cũng không phải lỗi ở đám bạn bè hư hỏng đồng trang lứa rủ rê nó. Lỗi chính là ở lớp người lớn chúng tôi, ở thế hệ đi trước đã không biết gìn giữ và bảo vệ một miền Nam châu ngọc.
– Cảm ơn Cường cho các em quà, nhưng thôi Cường về cho kịp, đứng đây chàng ràng tối hồi nào không hay. Có bán buôn cũng nên cẩn thận…

Tôi dặn với khi Cường mở khóa xe. Nghe dặn, nó ngẩng đầu lên bỡn cợt:
– Cô yên trí, em ở trong ngạch mại đổng có phương án chỉ đạo làm ăn nghề nghiệp lắm!

Tôi định la nó vài câu về tội ăn nói bộp chộp thì có mấy người khách. Loay hoay bán được 2 cây viết Bic, lúc ngẩng lên thì Cường đã đi mất.

Con đường về chiều nắng dịu, như cơn sốt đã hạ chỉ còn hơi nóng rã rượi trên thân thể con bệnh. Vài chuyến xích lô đạp qua trong bụi bậm. Dăm người bộ đội nắm tay nhau vung vẩy, họ nói chuyện và cười đùa hồn nhiên. Sài Gòn chùng xuống sau một ngày cơm áo, thêm một ngày đi qua trong chật vật lặng lẽ, mệt nhọc.

Buổi sáng Sài Gòn gây lạnh. Mọi người co ro trong tinh sương của màn trời tím nhạt, mặt trời lên chậm ngoài xa trên khu Khánh Hội. Đường phố chưa tỏ, lờ mờ chút ánh sáng. Tôi co vai, ôm chiếc nón lá hứng chịu những cơn gió lạnh thổi hắt lên từ bờ sông. Chưa đến 7 giờ. Giấc này những cán bộ miền Bắc còn đang điểm tâm. Người miền Nam đại đa số trên đường đến xí nghiệp và họ cũng chẳng dư dả để mua sắm. Còn phải đợi 1, 2 tiếng đồng hồ trước khi nghe tiếng chân của người khách đầu tiên. Tuy chỉ buôn bán từ 9 giờ sáng trở đi, nhưng ngày nào tôi cũng dậy sớm ra ngồi ở đây. Không riêng tôi, những bạn hàng thường nhật cũng đều có mặt. Không ai muốn mất chỗ tốt, và bị đẩy lui về khoảng trống trước công an phường. Ngồi xa có gì còn chạy kịp, chứ ngồi ở đó thấp tha thấp thỏm sợ bị bắt lúc nào không biết.

Gió sông Bạch Đằng thổi lên, mùi sình tươi tanh nhờn nhợn. Tôi ngồi sát tường nhưng không dám dựa. Tường vừa được sơn quét lại, còn ướt. Từ 2 hôm qua chúng tôi không còn bán chợ trời bên khu thương xá Tax nữa, mà di tản qua phía nhà ngủ Hữu Nghị. Dẫy thương xá Tax cũng đang được sơn phết và tô điểm lại. Nguyên dẫy phố từ chợ Bến Thành ra rạp Rex xuống bến Chương Dương, tất cả nhà cửa bùng binh đều được nhà nước cho chỉnh trang. Để làm gì thì quả tình đang là đề tài cho dân chúng bàn tán.
– Kể ra họ cũng biết sạch sẽ, bỏ thời giờ ra sửa sang chỗ làm ăn cho chúng mình đấy chứ nhỉ?

Ông cụ bơm rửa viết máy nhận xét, rồi như sợ lỡ lời, vớt vát:
– Công tác tập thể của cách mạng thường là có mục đích… tốt cả.

Câu nói của ông cụ có phản ứng ngay. Một chị đàn bà gần đó đốp chát, không chút nể nang:
– Tốt mẹ gì! Họ đón Liên Xô chớ sửa sang gì cho mình. Nhà tui trên sông, bùn dơ tràn vô nhà mà có ma nào thèm “liên hệ xây dựng” cho đâu!

Ông cụ im lặng, không dám tranh luận trong lúc đám chợ trời nhao nhao, mỗi người một ý:
– Không phải đón Liên Xô đâu. Tụi đó cũng chuyên chính vô sản như mình thì ăn cái giải gì! Có lẽ là Việt kiều hay phái đoàn Quốc tế, họ muốn khuếch trương du lịch.
– ĐM… Mấy thằng ngu thế, đã sang được bên kia còn mò về!
– Nhỏ chứ. Vạ mồm vạ miệng lại đi cải tạo ở trường phục hồi nhân phẩm thì khốn!

Lời cảnh cáo của một mạng làm đám chợ trời xìu xuống, câu chuyện chìm hẳn đi. Tôi ngồi yên nghe, nhưng không tham dự. Phần biết không đi đến đâu, phần cũng sợ vạ miệng. Thời buổi cuốn theo chiều gió, biết tin ai được!
– ĐM. Dính trây trét lên hết áo rồi!

Tiếng la thất thanh của một thằng nhỏ cỡ 16, 17 tuổi, ngủ gục dựa lưng vào tường bị vấy sơn làm tôi giật mình.
– ĐM! Tiêu cha cái áo vía. Tiên sư cha sáng sớm ra chưa bán đã lỗ. Sơn quốc doanh con c. gì lâu khô quá. ĐM, lựu đạn nó!

Thằng nhỏ tiếp tục chửi đổng, văng tục chán chê mãi rồi mới im. Cái dáng con trai mới lớn, gầy gò vì ăn uống thất thường của nó làm tôi chợt nhớ đến Cường, không biết công việc làm ăn của nó có trôi chảy. Hai ba ngày rồi tôi không gặp nó. Mấy bữa nay không hiểu chích sách mới thế nào mà chúng tôi bị bố ráp liên miên, cứ ngồi bán được 15, 20 phút là tất tả chạy. Tôi không bán được đồng nào, còn ăn lậm vào vốn, không đủ tiền mua thêm hàng mới. Tôi chỉ còn lại dăm cây viết Bic, 1 bịch đường Cuba, 2 hộp sữa và xấp vải gin Trung Quốc. Đến chiều mà không bán được là gia đình tôi lại húp cháo bo bo.

Tôi thở dài, ngó ra mặt sông. Những tàu hàng quốc doanh và Đông âu đậu trong bến làm tôi mơ một chuyến đi xa đến một vùng trời khác, nhưng mãi mãi tôi biết chỉ là ảo vọng. Vả chăng chồng còn cải tạo, gia đình tôi không thể đành lòng ra đi. Gió sông Bạch Đằng lại đưa lên mùi sình tanh hôi. Trong lúc đợi khách, nhìn những giấy rách gió lùa qua mặt đường, tôi chợt nghĩ mình cũng đang hóa thành rác rưởi bay vương vãi trên hè phố.

Buổi sáng hôm sau nữa, tôi vừa bày hàng ra thì Cường ở đâu chạy đến, mặt mũi nó xanh tái, tóc bết mồ hôi, hơi thở hổn hển, đứt quãng:
– Cô dọn qua bên này làm Cường kiếm hụt hơi.
– Em đi đâu mà chạy dữ vậy, bệnh hay sao mà coi xanh quá?
– Không có bịnh, bị tụi nó truy quét, xém chút nữa là bị chụp…
– Tôi đã dặn em phải cẩn thận…

Tôi thật tình thương nó, thằng nhỏ đáng lẽ bây giờ phải đang ngồi trong lớp học đã phải lăn vào đời kiếm sống.
– Cẩn thận cũng bị. Tụi nó cải trang làm nhân dân, núp bên đường Pasteur đông lắm. Cường nhờ tống hết ga mới thoát.

Đứa con trai ngước nhìn tôi, nụ cười quen thuộc vắng bóng.
– Thế xe em đâu?
– Thằng bạn lấy đi tẩu tán rồi, sợ tụi nó ghi được số xe. Không biết tụi nó có xuống dưới này hay không…

Cường vừa nói một mình, vừa ngó dáo dác. Tôi thấy nó thật sự mất bình tĩnh. Bình thường Cường vui và hay đùa cợt, chuyện gì nó cũng diễu được.
– Thôi cứ ngồi yên ở đây một lúc cho qua, chắc họ không xuống tận dưới này đâu. Uống ngụm nước mát cho khỏe.

Tôi rót cho Cường một nắp nước từ bi đông luôn mang theo mình. Lần đầu tiên tôi mới biết Cường chạy mánh bằng Honda, trước tôi cứ ngỡ nó quanh quẩn lây lất trên một vỉa hè nào đó như tôi. Cường uống chậm rãi, da mặt đã bớt xanh.
– Chắc cô buôn bán ế ẩm? Em cũng ế lắm không được mối nào.

Cường chớp mắt, nó nhìn xấp vải và bịch đường hôm nọ nên đoán ra.
– Thì buôn bán ngày được ngày không. Ai cũng phát tài thì thiên hạ kéo nhau ra đường hết.
– Nhưng sao lúc này cán bộ, bộ đội ít đeo đồng hồ quá…

Cường tiếp tục than thở, nhưng hình như nó buột miệng nói không suy nghĩ nên có vẻ ngượng ngập sao đó. Tôi không để ý lắm, nói tránh sang chuyện khác cho nó vui lên:
– Tôi mới vẽ được bức tranh đẹp lắm, Cường có muốn tôi tả cho em “xem” không?

Cường nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt một phút rực sáng. Một chút màu sắc tưởng tượng đủ làm nó quên hết cuộc đời nguy hiểm, bắt bớ, và gian truân.
– Cô kể liền đi, Cường mê tranh lắm.
– Cường còn nhớ cái nền đỏ, đục đục trong bức họa hôm nào Cường vẽ cho tôi xem không?
– Nhớ chứ cô, bức “tủ” của em mà.
– Tôi dùng cái nền đó và sửa đổi thêm thắt cho bóng bẩy hơn. Tôi đặt tựa cho bức tranh là “Thượng Uyển Bỏ Hoang.”

Gã con trai xuýt xoa và chăm chú lắng nghe. Đồng hồ công viên điểm 10 giờ sáng. Nắng tỏa lan dần, nàng vàng nhẹ nhàng lên tàn me xanh lá. Tôi biết 2 thầy trò sắp ra khỏi cuộc đời bằng cánh cửa hội họa.
– Tôi giữ nguyên cái nền với cùng ý nghĩa mà Cường muốn nói. Công nhận là cái nền đỏ hôm đó Cường vẽ thành công lắm. Tôi chỉ thêm màu sắc sáng tươi vào 2 dãy phố chung quanh con đường tỳ vết cho thành phố có dáng vẻ lộng lẫy của thời thịnh trị…
– Đâu được cô, như vậy khách xem tranh lại tưởng nhờ cái nền đó mà thành phố trở nên huy hoàng thì hỏng bét!

Cường ngắt lời tôi, phản đối.
– Khoan đã, em để tôi nói hết. Em cứ phát biểu linh tinh như vậy làm sao tôi diễn tả cho xong. Cường có thấy bây giờ bên ngoài thành phố được chỉnh tranh cho đẹp đẽ không? Cường nhìn bức tường sau lưng tôi là biết.

Tôi hơi gắt, la cái tật bộp chộp của thằng nhỏ.
– Rồi, “nhất trí” với cô chuyện “rửa” tường.
– Dưới cái nền đỏ của Cường, tôi muốn ví thành phố như một khu vườn: những dinh thự, nhà cửa là cổng rào khu vườn. Thành phố đã có một thời là hòn ngọc viễn đông nên khu vườn ngày xưa là thượng uyển, cây trồng bên trong tươi tốt nhờ được người làm vườn cũ sốt sắng, tận tình chăm sóc. Trái lại hôm nay, người làm vườn mới nếu chịu khó sơn phết hàng rào thì lại bỏ bê không dòm ngó gì đến cây cỏ. Những loài thảo mộc quý tàn tạ và héo úa. Trong vườn chỉ còn cỏ dại và những hạt giống cũ sót lại vừa nẩy mầm, nhưng vì không được vun xới, săn sóc nên đã sớm bị sâu ăn…

Cường mở to mắt, thán phục:
– Hay quá! Phải công nhận là “tranh giáo viên” có khác, sâu sắc. Nhưng cô định vẽ gì trong thành phố chỗ con đường tỳ vết của Cường?
– Tôi vẽ các em.
– Tụi em?
– Ừ, nhưng tôi không vẽ chân dung Cường và các bạn. Tôi vẽ những cây bắp.
– Cây bắp?

Mặt tên con trai đờ ra, hai mắt tròn xoe và trán nhăn lại suy nghĩ. Những nếp nhăn sớm vì lầm than bây giờ biến khuôn mặt nó thành ngộ nghĩnh khiến tôi bật cười. Cường vẫn chưa hiểu.
– Các em là những cây bắp mọc lên từ những hạt giống còn sót lại. Những thân bắp chưa có trái mọc hỗn độn không thành hàng lối, lẫn với đám cỏ dại và gai rừng của người làm vườn đem từ Trường Sơn về. Cường là một cây bắp non, sớm bị sâu ăn. 
– Cường hư dữ vậy sao?
– Tôi không trách em hư. Tôi chỉ trách họ không chăm sóc em đúng mức, bỏ bê và xua đuổi các em vào hố thẳm của đời sống.
– Ờ… ờ… có lẽ. Nhưng cô có vẽ cô vào tranh luôn không?

Tôi gật đầu. Cường đâu biết bức họa này là hiện thực của chính chúng tôi.
– Thế cô là cây gì?
– Không là cây gì cả. Lũ người lớn chúng tôi là đất, đất trong vườn ngày xưa có nhiệm vụ bồi bổ, nuôi dưỡng cho cây tươi tốt và đơm hoa kết trái. Bây giờ người làm vườn mới không bón phân, tưới nước nên đất khô cằn thiếu chất bổ, không đủ dinh dưỡng cho cây nẩy nở viên mãn. Nếu bên ngoài tôi chọn những màu sắc tươi sáng để tô vẽ dinh thự, làm cổng rào cho vườn thì bên trong vườn phải dùng những màu thật buồn. Chẳng hạn, màu xanh tím trộn đen cho lá ngô, màu vàng “Ấn” pha mạ nhạt cho thân bắp. Đất cũng không thể có màu “thổ” bình thường mà phải là xám tro.
– Xám tro?
– Ừ, xám tro vì đất đã hết màu mỡ, phai lạt khô cằn, đã hóa tro tàn. Mình chọn những tông lạnh và nhạt tạo vẻ tương phản với sắc đỏ rực rỡ của hàng rào và nền trời trên cao.
– Mình có cần vẽ “thằng” làm vườn đứng gác ngoài cổng không cô?
– Tôi nghĩ không cần thiết. Người xem tranh nhìn cái nền đỏ gay gắt của Cường là họ hiểu. Dưới ảnh hưởng của sức nóng quá độ, thảo mộc héo úa.
– Cường muốn xin cô một điều.

Người nam sinh đã một lần là học trò của tôi, mấp máy đôi môi. Đôi mắt thường khi trong sáng, bây giờ phảng phất buồn.
– Em nói đi.
– Cường muốn xin cô bức “Thượng Uyển Bỏ Hoang”.
– Em quên rằng mình vẽ trong trí tưởng.
– Cường không quên, nhưng Cường muốn xin cô vẽ riêng cho Cường thôi, đừng diễn tả lại cho ai khác.

Người nam sinh nuốt nước bọt, ánh mặt tối lại.
– Em… sắp phải đi xa, nên muốn có chút gì của cô đem theo mà không bao giờ đánh mất.
– Cường đi đâu?

Tôi vụt nghe chỗ ngồi mình hụt xuống, tòa cao ốc Hữu Nghị cao thêm và vực thẳm sâu hút.
– Lúc nãy em ghé định báo tin cô biết, nhưng thấy cô đang vẽ nên không tiện nói. Em… bị trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi. Tụi nó gửi liên tiếp hai ba giấy đến nhà giục khám sức khoẻ. Chậm lắm là tuần sau em đi.

Một chiếc Molotova chạy ào qua. Sức gió thổi mạnh, hất tung lớp bụi. Những vụn cát nhỏ bay vào tròng mắt đau xót.
– Cường có định trốn hay không?

Tôi nghe giọng mình nhỏ, lạc hốt hoảng.
– Trốn đâu bây giờ? Mình không có hộ khẩu ai mà dám chứa. Ở chưa hết ngày, công an khu vực và tổ trường đã biết mặt rồi.

Cường cúi đầu, tóc lưa thưa như lông một con chim sẻ bị thương dúi mỏ vào cánh.
– Trốn được nhiều lắm vài tháng, làm sao trốn cả đời?

Làm sao trốn cả đời? Đứa con trai nói lên tâm trạng bi đát tuyệt vọng của 60 triệu người Việt Nam. Một đời người sinh ra chỉ là để trốn tránh? Như thế đâu còn là đời sống, chỉ là duy lý sinh thể. Một tập hợp tế bào may mắn giữ được sự sống khi phần tâm linh đã mất. Tôi nắm lấy tay Cường, bàn tay nhỏ xương, ngón tay trầy trụa và đầy đất: những ngón tay của đứa trẻ họa sĩ không được cầm cọ.
– Đi bộ đội là “qua đời” cô biết không?

Cường tiếp sau thoáng im lặng, cúi mặt.

Tôi cầm tay Cường mà thấy tay mình run theo từng hơi thở của nó. Tôi muốn nói điều gì cho Cường bớt buồn, an ủi gầy dựng lại ánh lửa nhỏ tin tưởng đang tàn lụi trong lòng thế hệ trẻ. Tôi muốn kể một câu chuyện nhưng không kể được. Cảm giác đang vẽ bức tranh “Thượng Uyển Bỏ Hoang” lúc này chỉ còn lại khu vườn trụi lá. Những thân cây bắp ngã nghiêng, xiêu vẹo vì cơn giông vừa ùa đến. Lần đầu tiên tôi biết, không thể sống chỉ bằng chọn đãi lọc lựa màu sắc. Có thứ màu đen thê thiết, khủng khiếp mà không phiến lọc nào ngăn được. Tôi nghẹn ngào:
– Bức họa “Thượng Uyển Bỏ Hoang” là của chính em.

Tiếng nói tôi bỗng chìm vào âm thanh hỗn độn vang lên từ ngã tư đường. Bức tranh “Thượng Uyển…” trước mắt tôi còn đó, nhưng đã ngập tiếng huyên náo. Quanh cảnh náo loạn, bùng vỡ với thác người đổ ngược về phía chúng tôi. “Chạy…chạy….” Tiếng hô hoán của đám chợ trời xô đẩy nhau tìm đường thoát. Cường bật dậy thu dọn đồ hàng tôi bày trên vải ny lông. Ông cụ bơm rửa viết máy cạnh tôi bị những người bỏ chạy hất ngã chúi, thùng đồ nghề rơi vỡ tang hoang.
– Chạy cô ơi!

Cường chụp tay tôi vùng lôi mạnh. Tôi có cảm giấc toàn bức họa bị giật đổ, màu sắc bê bết. Tôi vừa chạy theo Cường vừa chết lặng, sợ hãi của bao lần bị vây bắt bừng bừng trỗi dậy trong đầu. Tiếng chân người xô lấn chạy huỳnh huỵch, tiếng công an la hét lẫn với tiếng xe jeep phóng chận. Vườn thượng uyển bị dẫm nát, dày xéo. Đây đó vang lên tiếng la hét chửi bới. Hình ảnh ông cụ già hàng xóm ngã xấp mặt trên hè đường, máu mũi đổ chan hòa, trộn với mực tím chồng lên bức họa. Ai đó đang lấy một tấm pa lét màu bẩn trây trét, đập mạnh lên bức tranh tôi vừa vẽ.

Tôi trở lại con đường Hàm Nghi sau một thời gian khá lâu vắng mặt. Lúc còn bán trên đường Nguyễn Huệ, ít khi nào tôi ra Chợ Cũ. Phần không phải chỗ mình buôn bán, phần cũng không có việc gì làm ở đây. Tôi trở lại nghề chợ trời sau khi đi thăm chồng cải tạo ở Bắc. Sau buổi chia tay với Cường trong một ngõ hẻm nhỏ thoát thân, tôi về nhà nhận được giấy thăm chồng. Lần đầu tiên tôi được phép đi thăm chồng nên dầu không có tiền, tôi cũng vay mượn và bán đi những gì còn chút giá trị. Rồi tôi ở Bắc về, lao đao như người bệnh. Về đến Sài Gòn, tôi vội vàng ra ngay chợ trời kiếm sống, để trả nợ và để quên. Tôi ra chợ trời cũng để kiếm Cường. Một thằng bạn nó mà tôi tình cờ gặp ở ga Hòa Hưng hôm về, cho biết Cường đã đào ngũ và trở lại Sài Gòn. Khi tôi hỏi Cường ở đâu, thằng Tâm không cho biết, chỉ nói Cường không muốn gặp rồi nó vùng bỏ chạy.

Tôi đi rảo từ đường Nguyễn An Ninh cửa Tây chợ Bến Thành qua ngã nhà chú Hỏa, rồi vòng xuống Chợ Cũ. Từ khi cao trào quét sạch tàn dư được phát động, song song với việc làm đẹp thành phố, phường đội được tung ra truy quét chúng tôi. Không dám ngồi một chỗ, tôi đành “đứng” chợ trời. Rời đại lộ Nguyễn Huệ, thí điểm của chiến dịch, tôi lê la trên những con đường khác, cố làm ra vẻ một người dạo mát. Gặp đâu bán đó, vừa đi vừa bán, không dám dừng lâu chỗ nào sợ bị tình nghi. Tôi đi mà dòm chừng để ý kiếm Cường. Tôi biết chỉ có thể gặp nó trên những ngõ ngách chợ trời. Chắc chắn Cường không dám về nhà vì sợ bị bắt. Nó trốn đâu đó và chỉ thò mặt ra chợ để sinh sống. Tin Cường trốn nghĩa vụ làm tôi hoang mang không ít, mặc dù đó là phản ứng rất bình thường và phổ cập của lớp thanh niên trước hiểm nguy của cuộc chiến tranh bên Kampuchia. Cường đã chọn con đường sống ngoài vòng kềm tỏa của chế độ. Tôi cần phải gặp Cường dù chưa biết giúp được gì cho nó. Tôi chỉ biết mình không thể bỏ rơi Cường, tuổi trẻ liều lĩnh nhưng rất dễ lầm lẫn.

Tôi đi ngang chợ thú cũ. Những lồng mèo chó đã biến mất. Đây đó vài người dựa gốc cây, ôm trong lòng một con thú ốm. Dưới chân họ là miệng bao bố mở sẵn, chỉ cần một dấu hiệu là họ bỏ “hàng” vào bao ôm chạy thật lẹ. Tôi đang sống trong một xã hội mắt trước mắt sau, một xã hội “khẩn trương tranh thủ tình hình” xen lẫn với nghi ngờ, giấu diếm và sợ hãi.

Tiếng máy một chiếc Honda rú lên, xen lẫn với tiếng the thé của một mụ đàn bà Bắc. Tiếng mụ cán bộ tru tréo mỗi lúc một lớn. Ba bốn bóng công an áo vàng không biết từ đâu xuất hiện chạy về phía ngã tư. Liên tiếp là tiếng súng AK vang lên. Một vài người đứng gần tôi vụt chạy vào các ngõ hẻm. Tôi lùi lại theo bản năng sinh tồn, dáo dác tìm đường thoát. Nhưng tôi tự trấn an ngay. Không phải một vụ truy quét của cách mạng. Thay vì bỏ trốn, người ta chạy về phía có tiếng súng. Đám đông đổ dồn về ngã tư. Có thể là một vụ đánh ghen của các bà Bắc hay một trận ấu đả giữa bộ đội. Thêm một tính ưu việt của chế độ mà tôi là nạn nhân không ý thức. Sự yếu kém trung thực của phương tiện truyền thông khiến con người ta khao khát, tò mò trước những hình ảnh lạ. Không còn tin vào báo chí, nhân dân chỉ thích nghe và tin vào những điều gì mình tận mắt chứng kiến. Tôi chen vào giữa đám đông, luồn chui qua nhiều cái nách trước khi nhón được đầu nhìn thấy cảnh tượng.

Trên lớp đá sỏi khô cằn của khu vườn, những cây bắp hoang còn sót đã bật gốc. Thay vì xịt thuốc chữa trị, người ta đã thẳng tay dùng rựa phát ngang. Thân cây bắp gẫy rập, mủ tràn ra. Tên làm vườn sau khi làm xong công việc phát gốc bình thản bỏ đi.

Tôi chết lặng giữa đám đông đang tản mát. Bầu trời đen quay cuồng và sắc màu bức hoạ đảo lộn. Tôi nghe điếng lịm tê tái khắp mình mẩy, đau nhừ các đốt xương, như chính mình vừa hứng chịu báng súng AK tàn bạo. Hình ảnh chiếc xe máy nằm đổ nghiêng, bình xăng vỡ chổng trơ, xăng chảy ra đường, bánh xe còn quay và mặt mũi đứa con trai bầm dập, máu mũi máu miệng trào ra dưới báng súng làm tim tôi quặn thắt. Chiếc áo trắng học trò bê bết máu, đứa con trai bị còng tay đẩy lên xe, mặt mũi sưng húp. Ai đó thông tin cho những kẻ đến chậm: “Giật đồng hồ bị bắt rồi.”

Tôi biết. Mãi mãi khu vườn xanh tốt của chúng tôi đã chết, không thuộc về tôi, không còn là của Cường. Phải thật lâu sau mới có loài thảo mộc nẩy mầm được trên mặt đất đã hóa đá.

Trần Vũ
Tháng 5/ 1987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét