Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Tháng 3, ký ức về anh - Ho Ngoc Hoang


Con trai trưởng trong gia đình, anh là người anh thân ái vui tính nhưng cực kỳ nghiêm khắc với những thằng em. Có lẽ ảnh hưởng từ những năm học trong trường dòng Pellerin, anh nguyên tắc, chuẩn mực, và luôn là mẫu mực cho những thằng em noi theo. Ba tôi, một ông bụt hiền lành, chưa bao giờ ông lớn tiếng rầy la đứa con nào nhưng mọi nề nếp kỷ cương gia đình vẫn được giữ vì ông trao hết nhiệm vụ đó cho anh. Chơi đùa cùng lũ em nghịch ngợm quậy phá nhưng chỉ với cái nhìn nghiêm khắc là mấy thằng em tự khép mình vào kỷ cương như là trại lính.
<!>
Tốt nghiệp trung học, anh được Ba tôi thưởng cho chuyến đi chơi ở Sài Gòn, một phần thưởng lớn vào thời đó nhưng vì anh là niềm tự hào cũng như toàn bộ niềm tin của Ba Mẹ. Thế nhưng chưa học hết năm đầu đại học bỗng nhiên bỏ ngang chuyện học, anh ngỏ ý với Ba tôi để tình nguyện vào Võ Bị. Ba Mẹ tôi vẫn thế, bao giờ cũng tôn trọng tất cả mọi quyết định của những thằng con trai, ngoại trừ… thằng út! Ba tôi chẳng hề ngạc nhiên khi nghe anh chọn đi vào Võ Bị vì ông thấy đang chăm chỉ học bổng một ngày anh vất bỏ tất cả sách vở, chỉ ôm đọc mỗi cuốn Beret Vert, ông hiểu được ý con mình đang muốn gì và vì sao anh chọn binh chủng TQLC mũ xanh khi tốt nghiệp Võ Bị.

Từ quân trường Võ Bị, món quà cho những thằng em là những cuốn nguyệt san Đa Hiệu cùng những hình ảnh oai hùng của chàng SVSQ, anh khởi nguồn cho những thằng em kế để chúng lần lượt rời gia đình vào những năm sau đó..

Vào trường Võ Bị, anh được tuyển chọn chuyển qua học ở WestPoint, học viện quân sự nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Đang chuẩn bị đi Mỹ thì xảy ra cuộc chính biến 1/11/1963, chương trình đi học Westpoint bị hủy bỏ, anh trở về lại với ngôi trường Võ Bị Đà Lạt và tốt nghiệp vào năm 1964.

Ra trường anh chọn về binh chủng TQLC, binh chủng anh hằng ưa thích nhưng chỉ vỏn vẹn 2 tháng sau là hung tin về với gia đình, anh bị thương nặng trong trận chiến Bình Giả, phải về điều trị ở Vũng Tàu với vết đạn xuyên qua lồng ngực. Lành vết thương, trở lại với đơn vị cũ, anh tiếp tục hành quân khắp mọi miền đất nước từ miền Tây cho đến Bồng Miêu Tam Quan…

Năm 1966, anh theo đơn vị hành quân ở Huế trong kỳ biến loạn miền Trung và đó là lần đầu anh có dịp ghé thăm gia đình kể từ khi khoác áo chiến binh.

Bị thương lần thứ 2, anh về phục vụ ở TT huấn luyện TQLC Sóng Thần, rồi đi Mỹ giảng dạy ở trường huấn luyện TQLC Hawaii vào năm 1969. Có lẽ suốt mười mấy năm quân ngũ chắc chắn đây là thời gian nhàn nhã nhất trong cuộc sống quân ngũ của anh.

Về nước năm 1971, anh trở lại với chiến trường và đó cũng là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Mùa hè đỏ lửa!!! Chiến trận tràn lan, Quảng Tri, Bình Long, Pleiku Cao Nguyên…

Có sống vào thời khắc đó mới thấu hiểu được tâm sự cùng nỗi lo âu của những bà vợ, bà mẹ của những người lính. Tin tức báo chí, truyền hình… những hình ảnh cực kỳ bi thương của người dân trốn chạy Cộng Sản trên những con đường ngập tràn máu và xác người. Con đường máu: quốc lộ 13 An Lộc Chơn Thành, đại lộ kinh hoàng: quốc lộ 1 Quảng Trị. Những trận chiến khốc liệt, từng đoàn quân TQLC, ND chiến đấu từng ngày từng giờ, chiếm từng tấc đất với những địa danh Mỹ Chánh, Hải Lăng, Cửa Việt, cổ thành Quảng Trị…

Tôi không thể nào quên được hình ảnh mẹ tôi tóc bạc thêm từng ngày, đêm ngồi niệm Phật, sáng ngồi trước hiên nhà, mắt đăm đăm nhìn ra đầu ngõ. Tim bà như ngừng thở khi thấy bóng dáng những người lính đi vào ngõ. Bà sợ!!! Sợ họ đến nhà báo tin… Không lo sợ sao được khi 2 thằng con đang ở tuyến lửa Quảng Trị, 1 thằng ở trận chiến trên Pleiku cao nguyên… Lo sợ nhưng rồi chuyện gì đến vẫn đến, một ngày có người lính đến báo tin một trong những thằng con của bà đã được đưa về nằm trong Tổng Y Viện Cọng Hòa. Thằng em theo gót ông anh sống hùng sống mạnh, vừa ra trường chọn ngay binh chủng mũ đỏ nhưng cánh dù chưa kịp tung gió thì đã gãy cánh ở Hải Lăng, cửa vào Quảng Trị. Vẫn còn may, chàng trở về trên đôi nạng gỗ chứ chưa phải trùm kín poncho.

Chiếm lại Quảng Trị, anh đóng quân bên bờ Thạch Hãn và mãi giữa năm 1974 mới về SG thăm gia đình dù hơn 2 năm trước Ba mất anh cũng chẳng về được. Nhà làm tiệc đón anh về, tiệc thật đông vui và rồi thằng em út vì vui quá đà… uống xỉn sau khi nói đủ chuyện lăng nhăng, lần xỉn đầu đời mà!!!

Hôm sau, anh vẫn cười đùa vui cùng gia đình, xem như không có chuyện gì nhưng khi trở ra đơn vị, anh đã gởi riêng cho thằng em lá thư với những lời rầy la giáo huấn cực kỳ nghiêm khắc.

Tháng 1/75, anh báo tin đang hoàn tất hồ sơ đi Mỹ tu nghiệp, nhưng rồi cơn bão lửa tháng 3/75 đã thổi bay tất cả, tang tóc bao trùm cả nước. Trong trận chiến ở miền Trung, tiểu đoàn của anh chỉ có phân nữa rút về SG, anh là TDP cùng với phân nửa bị kẹt lại ở Đà Nẵng, và cũng từ đó gia đình không còn nhận được tin tức chính xác nào về sự ra đi của anh. Tin tức về những phút cuối của anh trên biển Mỹ Khê cũng mù mờ như những nguồn tin về cái chết của những cấp chỉ huy trực tiếp Lữ Đoàn 369 TQLC. Mấy năm sau, người lính cận vệ của anh trở về từ lao tù kể lại là anh đã dùng súng tự sát khi bị quân thù vây khốn. Có người thì bảo là anh cùng người bạn tự sát bằng lựu đạn ở sân cô nhi viện Mỹ Khê. Nguồn tin khác thì bảo là anh mất trong những trận chiến sau cùng trên bãi biển.

Nhắc đến anh không thể không nhắc đến một người, chị Nga người vợ hiền suốt đời chung thủy yêu thương của anh. Anh ra đi, chị cực khổ gánh vác nuôi dưỡng 3 đứa con thơ cho đến khi chúng khôn lớn nên người. Vừa đau buồn vì chồng đi không trở lại, vừa cực khổ kiếm sống nuôi con, lại phải bôn ba tìm kiếm tung tích người chồng. Với những nguồn tin dù mơ hồ nhưng chị vẫn tìm đến những nơi mà được cho là nơi chôn cất những SQ TQLC mất trong trận chiến sau cùng ở Mỹ Khê. Chị thuê người bốc từng nấm mộ, đỡ dậy từng thân xác mục rữa để nắn vuốt từng ngón tay, chải từng hàm răng để mong tìm kiếm vết tích trên từng ngón tay đến chiếc răng khểnh quen thuộc của anh, cầu mong nhận diện thân xác người thương. Nghe chị kể mà xót thương và khâm phục tình yêu tuyệt vời của anh chị.

44 năm trôi qua, dù ra đi vĩnh viễn bằng cách gì thì giờ đây thân xác anh đã hoà tan vào lòng đất mẹ như bao nhiêu chiến hữu của anh đã ra đi trong những trận chiến bảo vệ quê hương, nhưng hình ảnh anh sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người thân.

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng vẫn không thể nào không rơi lệ khi nhắc đến anh dù biết rằng ngày xưa anh rất ghét cái tội hay nước mắt của thằng em mỗi khi bị phạt, nhưng giờ em khóc anh đâu phải vì bị phạt mà vì… nhớ anh, anh Hoàng ơi!

Ho Ngoc Hoang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét