Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

NĂM MÈO CÓ MÈO ! - Dương Hoàng Mai


Thuở nhỏ đi học nhiều người có lần viết bài luận văn với đầu đề này: “ Hãy tả con mèo nhà em nuôi “..Ví như nhà mình chả có nuôi con mèo nào cả, thì cũng ráng tả một con mèo tưởng tượng nào đó, chả ai cả gan nộp bài với một dòng vỏn vẹn như :“ Nhà em không có nuôi mèo, vì ba em không dám có mèo, do má em cấm“ ..! Thưở ấy tôi đã nộp bài luận văn tả con mèo với nhập đề :“ Nhà em có nuôi 14 con mèo..”. Vâng, đúng thế, không có viết lộn đâu, trước năm 75 nhà tôi như một trại nuôi mèo , vì ba tôi thích mèo và mẹ tôi cũng yêu chúng. Ba thường bảo: Chả có tấm thảm nào để chân êm bằng một con mèo!
<!>
Như „Mèo mù vớ cá rán“ , vớ được đầu đề tả con mèo, tôi „trúng tủ “..!
Chẳng còn nhớ chi tiết bài luận văn này ra sao, chỉ nhớ sau khi thầy giáo đọc hơn 4 trang viết dài ngoằng cho cả lớp trận cười bể bụng, ông điềm nhiên gấp bỏ vào cặp và bảo : Thầy giử lại, để khi nào buồn thì giở ra đọc ! Ấy là một « vinh dự » khó chối từ. Hình ảnh bầy mèo nhà tôi sau này chỉ còn trong bài luận văn đó.


Vì bắt đầu sau năm “ Con mèo 75 “ những con mèo nhà tôi từ từ biến mất âm thầm trong bụng các nhà hàng xóm ??
Vào một năm sau 1975, người anh cả Trung quốc cho người qua Việt nam mua mèo với giá rất cao, dân Việt “ thông minh” bắt tay ngay trong lãnh vực “ thu nhập cao không cần vốn này „, để rồi sau đó cả nước bị mất mùa với nạn dịch chuột kinh hoàng. Từ đó dân VN như mang máng hiểu câu “Ăn thịt mèo nghèo ba năm “ ý nghĩa thế nào!
Qua đây đã thấy quan hệ „ mèo chuột „ giữa Việt Nam &Trung Quốc…
Nhớ lại đám mèo nhà tôi trong giai đoạn „xây dựng xã hội chủ nghĩa“ mà thương cảm. Chúng bị đánh bẫy, hoặc bị bỏ đói , vì ngay chính chủ nhân cũng chằng có gì để dư ra cho mèo ăn cả. Nhưng đặc biệt có một con“ mèo cưng “ đã sống sót, vì suốt ngày nó chỉ quanh quẩn xó bếp và mập ù vì nó chuyên ăn..rau muống luộc !
Mỗi lần nhìn nó ăn ngốn ngấu dĩa rau muống luộc, tôi cứ phân vân tự hỏi giống mèo thuộc loại ăn thịt hay ăn thực vật ? Một lần có người thả trong lồng ra một con chuột bị mắc bẩy cho „mèo cưng “ và mọi người cười suýt chết, do „mèo cưng“ đã …bỏ chạy..! Báo hại cả nhà phải lo đi đuổi bắt lại con chuột !
Có lẽ từ nhỏ mèo được cho ăn gì thì lớn lên chỉ quen với thức ăn đó ,“ mèo cưng“ sinh vào giai đoạn trưa rau muống xào, chiều xào rau muống.
“ Mèo“ vần với “ nghèo “ nhưng dòng họ mèo lại có tướng nhàn nhã thong dong! Mặc ai tất tả xuôi ngược mèo tỉnh bơ ngồi sưởi nắng, liếm lông hằng giờ liền. Trong nhà chổ nào êm ấm nhất y rằng là chổ của mèo cưng. Người ta lo lắng đủ thứ, nhìn lại thấy mèo nằm ngủ khì trên ghế salon, như dáng các tiểu thư Sàigòn trước 75.
Đấy là những tiểu thư với móng nhọn được giấu kín trong bộ lông mềm mại, ai đụng vào sẽ biết..đau..! Ngoài món võ “ mèo quào “ rượt anh chó xồm chạy cúp đuôi .. mèo bé nhỏ còn là cao thủ Ninjia chuyên gia leo tường, phóng bay lên nóc nhà cao thật êm ái tuyệt luân

.

“ Con mèo mày trèo cây cao.. „.

Nếu để ý lúc mèo leo xuống, ta thấy nó luôn tuột xuống phía đuôi, đấy là bộ phận giữ cân bằng của mèo, nên chẳng gì khốn khổ bằng …“Mèo cụt đuôi „,
„Còn duyên anh cưới ba cheo,
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.“


„Ăn như rồng cuốn
, nói như rồng leo
, làm như mèo mửa“
 để chỉ kiểu làm việc của một bộ máy tổ chức luôn trong không khí „hồ hởi phấn khởi “ và „mèo khen mèo dài đuôi „. Chuyện dài “ mèo lại hòan mèo “ được kể theo vòng tròn bất tận khi nhắc đến mấy chữ “ phấn đấu, cải tiến, vượt năng xuất, vượt chỉ tiêu “ vv…

Với trò “ mèo vờn chuột “ một phong cách biểu hiện quyền lực, các „miu quan“ có bộ mặt thật đáng ghét khi xem lũ thần dân hèn mọn như lũ ..chuột..!
 Thành ngữ “ đeo chuông cho mèo “ có thể trở nên một câu hỏi cho những ai muốn đổi mới trong năm Mèo ? Nhắc đến thế lực chính trị „mèo, chuột “ người ta khó quên chuyện đã xãy ra vào năm mèo 75 cho vị nguyên thủ cầm tinh con chuột.


Trong dân gian các trò “ mèo chuột“ lại có ý nghĩa khác. Trong bóng tối mèo đen hay mèo trắng đều như nhau “ , chúng biến thành những con thú bí ẩn, theo đuổi nhau trên các mái nhà rầm rập, chạy lóang thóang dưới ánh trăng, thóang ẩn thóang hiện nơi nghĩa địa hoang vắng. Cất tiếng gào tình ai óan trong đêm thâu, thảm thiết đến mức người ta không chịu nỗi, phải lên tiếng rủa bọn “ mèo mả gà đồng“.

„Mèo hoang lại gặp chó hoang, Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai„

Nếu như chó là cô vợ thủy chung tận tụy, mèo quả là “ cô tình nhân“ với nhiều tính nết đặc trưng của người tình: biết nũng nịu, âu yếm tùy lúc, thích chiều chuộng, lại dễ bạc bẽo quay mặt bỏ đi.
Trớ trêu thay với tính ý khó chiều , không thích ràng buộc, đôi khi bí ẩn, khó đóan lại khiến các “ mèo “ trở nên quyến rũ hơn vẽ trung thành, tận tụy….đáng chán của “ vợ hiền“.
Em Meo và “ vợ hiền“ dĩ nhiên khó ưa nhau như “ mèo và chó“,

„Con mèo đập vỡ nồi rang
Con chó chạy lại phải mang lấy đòn!„…


Ở đức trứơc khi kết hôn các cô cậu chủ yêu chó mèo thường phải giải quyết vấn đề “ chó mèo“ với nhau.Vì cuộc hôn nhân có thể đổ vở khi “ chó anh cắn chết mèo em“ hay “ mèo em chiếm chổ nằm của chó anh „.(„mèo anh chiếm chổ nằm của chó em còn hy vọng sửa đổi, „mèo anh „chiếm chổ nằm của… em..thì..?)
Với số lượng 8 triệu con, mèo là con vật nuôi „cưng“ đứng hàng đầu ở đức và hàng thứ nhì là chó với khỏang hơn 5 triệu con.
Vào siêu thị sẽ thấy ngành kinh doanh từ sản phẩm thức ăn, đồ chơi, giường, ghế nằm cho đến thuốc men, vitamin cho chó, mèo…một ngành kinh doanh không nhỏ.
Có nhiều quyển sách viết về mèo, từ cách nuôi mèo cho đến truyện ngắn, truyện cười, họa hình, cả truyện trinh thám. Một quyển truyện bắt đầu với cái chết bí ẩn của những con mèo tại khu phố nào đó sẽ được nhiều độc giả yêu mèo mua .Vừa qua cư dân một vùng tại Munich đã xuống đường biểu tình phản đối một “ kẻ ghét mèo“. Do thủ phạm chưa bị bắt, đang nằm trong vòng „ nghi vấn „, nên họ biểu tình để đưa nhanh ông này vào tù !
Ở xứ sở nhà nhà đóng kín cửa, ít nhất trong suốt 6 tháng mùa đông, điều kiện đầu tiên để mèo được tiếp đón vào nhà là biết giử sạch sẽ.
Đây là đặc điểm nổi bật ở lòai mèo khiến người ta dễ nuôi chúng. Cứ thấy mèo cưng ngày ngày ra vào toilette đàng hòang sạch sẽ, xong lại ngồi chải chuốt liếm láp bộ lông hàng giờ, khó ai than phiền chê nó dơ ..như chó..
Chỉ cần biết xử dụng giấy vệ sinh là nó đã sạch sẽ tòan hảo như người !


Trời mùa đông lạnh lẽo mèo nằm gọn trong lòng chủ nhân như chai nước nóng tỏa ấm, lại biết gừ gừ,rù rì như một cái máy điều hòa, tạo cảm giác bình yên..
Mèo biết giỡn vô tư như đứa trẻ và dễ có niềm vui chỉ với một cuồn len hay mảnh giấy, là tấm gương để chủ noi theo và thư giãn ..

Mèo lúc như đứa trẻ nhỏ vui nhộn với các trò phá phách dễ yêu, có lúc lại là nhà hiền triết ngồi suy tư hàng giờ, quả là người bạn sống chung lý tưởng cho những người thích yên tĩnh.
Về chuyện những con mèo đã cứu các ông bà chủ ngủ say sưa, khi nhà cháy đã khiến mèo chiếm lĩnh trái tim người già nhiều hơn. Thật sự với khứu giác rất nhạy nhờ bộ râu, mèo phát hiện mùi, khí lạ rất nhanh. Nhưng khi nhà cháy, việc nó chạy vào giường, để cứu chủ thì phải xem lại ..! ? Với tính ích kỷ của giống mèo, có khi nó chạy vào chỉ để bảo:“ Ông bà làm ơn mở cửa cho tôi ra ngòai, rồi ông bà cứ tha hồ ngủ tiếp, tôi chả làm phiền !“
Dẫu thế nào thì nuôi mèo trong nhà vẫn an tâm hơn khi nghĩ đến trường hợp nhà có thể bị cháy đang lúc ngủ say ..!
Đã có nhiều lời khuyên bảo vệ hạnh phúc gia đình qua vịêc nuôi một con mèo! Trong nhà có giận gì nhau cứ “ chưởi chó mắng mèo “ là xong, chả ai phải tự ái với ai. Chó bị mắng còn biết giận ..sủa lại, còn mèo dù có „đổ vở “ tài trời do chính nó gây nên, nó chỉ giương đôi mắt “ ngây thơ vô số tội“ nhìn ta, nhỏ nhẹ kêu meo meo..rồi đến cọ nhẹ vào chân chủ sắp nổi trận lôi đình, thì bao nhiêu cơn giận cũng hạ xuống.

Đây quả là một “ nghệ thuật sống “ của mèo mà vợ hay chồng đôi khi nên bắt chước..! Và chả có gì khiến vợ an tâm hơn khi chồng có mèo trong nhà, mỗi ngày vui với mèo, nên cũng vui luôn với người bên cạnh!

Hủ qua (khổ qua) xanh,
hủ qua trắng,
Hủ qua mắc nắng, hủ qua đèo,
Thương em, thì anh làm giấy giao kèo,
Lăn tay điểm chỉ, mới thiệt con mèo của em!

Do vậy chúc bạn vào năm mèo có mèo và quanh năm luôn thư giãn, hạnh phúc..!


Dương Hòang Mai
Munich Mồng 2 Tết con Mèo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét