Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

Kính Chuyển Nhiều Tin Nóng Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Hình: Ông Gavin Newsom, thống đốc California.
SOS! Phải đối mặt với nhiều cơn bão lớn dữ dội, hôm nay, Thống đốc California tuyên bố tình trạng khẩn cấp! cảnh báo tai họa sẽ xảy ra khắp nơi!– Ông Gavin Newsom, thống đốc California, vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm nay, Thứ Tư, 4 Tháng Giêng, trước tình cảnh cả tiểu bang, đang phải đối mặt với những cơn bão mùa Đông dữ dội, rất mạnh đang ập đến, hoành hành khắp tiểu bang.Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Thống Đốc Newsom có quyền huy động Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia, để hỗ trợ ứng phó với thảm họa, đồng thời nhận hỗ trợ tài chánh, nhân lực, từ liên bang khi cần thiết cứu cấp một cách nhanh chóng.
<!>
Trong tuyên bố hôm Thứ Tư, Thống Đốc Newsom thông báo rằng, tiểu bang cũng bảo đảm các dụng cụ, máy móc và nhân sự, để nhanh chóng ứng phó với các thảm họa như lũ lụt, tuyết lở, cây đổ, bùn chảy, tai nạn!

Tuyên bố trên được đưa ra khi cơ quan Khí Tượng Quốc Gia dự báo, tiểu bang California sẽ hứng mưa lớn và tuyết trong những ngày tới.

Cuối Tháng Mười Hai, 2022, và cuối tuần trước, hai trận bão được hình thành do hiện tượng gọi là sông khí quyển (atmospheric river), vốn tạo ra một hành lang hơi nước dài và hẹp cuốn theo theo gió lớn và lũ lụt, đổ ập vào “Tiểu Bang Vàng!” nay thành “Tiểu Bang Bạc!” vì nước mênh mông!

Hệ thống bão xếp lớp, sắp tới này, được dự báo sẽ mang lại mưa lớn cho các khu vực phía Bắc và trung tâm cũng như tình trạng lũ lụt có thể xảy ra ở miền Nam Bắc California.

Phần lớn đất đai của tiểu bang đã bị bão hòa từ lượng mưa trước đó, nên tình trạng nước không được thẩm thấu kịp, sẽ gây ra mưa lũ, lụt ở nhiều vùng.

Các cơn bão vừa qua, đã dẫn đến hai trường hợp tử vong, bao gồm một cư dân Santa Cruz, thiệt mạng do cây đổ và một người lái xe bị chết đuối ở Sacramento County.

Ngoài mưa, Miền Bắc California được cảnh báo các cơn gió lớn, có thể lên đến hơn 55 dặm/giờ! Chắc chắn có nhiều nhà cửa bay nóc! cây cối ngả nghiêng! Đã có nhiều khu bị cúp điện, đèn đường không hoạt động! Trước giờ gởi bản tin này, đã có một cây xăng, bị gió lớn thổi…sập nóc!

“California đang huy động lực lượng cứu cấp lớn, để giữ an toàn cho người dân, khỏi tác động của cơn bão sắp tới,” Thống Đốc Newsom tuyên bố. “Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sẽ cho phép tiểu bang phản ứng nhanh chóng, khi cơn bão dang đổ ập tới và hỗ trợ hữu hiệu giới chức địa phương trong việc ứng phó.”

Dinh thống đốc đặc biệt cảnh báo cư dân, tránh mọi hoạt động lái xe không cần thiết, vào tối Thứ Tư và sáng Thứ Năm và trong những ngày mưa bão, đồng thời kêu gọi chuẩn bị các kế hoạch, trang bị dự phòng, vì tình trạng mất điện, chắc chắn sẽ xảy ra!


Giám Đốc Điều Hành IMF: Kinh Tế Toàn Cầu Đối Mặt Với Năm 2023 U Ám, Khó Khăn Hơn Nhiều!


(Hình: Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva.)

- Đối với phần lớn nền kinh tế toàn cầu, 2023 sẽ là một năm khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu - Hoa Kỳ, Âu Châu và Trung Quốc - đều trải qua hoạt động suy yếu, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm Chủ Nhật (1/1/2023).

Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva nói trên chương trình tin tức sáng Chủ Nhật của CBS là “Face the Nation”rằng năm mới sẽ “khó khăn hơn so với năm chúng ta mới bỏ lại phía sau”.
“Vì sao? Bởi vì ba nền kinh tế lớn - Mỹ, EU và Trung Quốc - đều đang đồng loạt giảm tốc”, bà nói.

Hồi tháng 10/2022, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, phản ánh tác động tiếp diễn từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao do các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra nhằm mục đích giảm bớt những áp lực về giá cả đó.

Kể từ đó, Trung Quốc đã loại bỏ chính sách gọi là “không COVID”và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế một cách hỗn loạn, mặc dù người tiêu dùng ở đó vẫn cảnh giác trong khi các ca nhiễm COVID gia tăng.
“Lần đầu tiên trong 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2022 có thể bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu”, bà Georgieva nói.

Hơn nữa, “sự bùng phát”dự kiến của các ca nhiễm COVID ở đó trong những tháng tới có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế của nước này trong năm nay cũng như tới sự tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu, theo bà Georgieva, người đã đến Trung Quốc trong chuyến công tác của IMF vào cuối tháng trước.
Trong khi đó, bà Georgieva nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ thì ngược lại và có thể tránh được sự suy thoái có khả năng ảnh hưởng đến 1/3 nền kinh tế thế giới.

Bà nói rằng “Mỹ là nước kiên cường nhất”và nước này “có thể tránh được suy thoái”. “Chúng tôi thấy thị trường lao động vẫn khá mạnh”, bà nói.


Đầu Năm Mới 2023, Thần Tài Đến: Giải Độc Đắc Mega Millions, Lên Gần $1 Tỷ Đô La!

– Không ai trúng giải độc đắc Mega Millions hôm Thứ Ba, 3 Tháng Giêng, nên số tiền của giải này cho buổi xổ số Thứ Sáu lên gần $1 tỷ! giới chức trò chơi xổ số này loan báo hôm Thứ Tư, 4 Tháng Giêng.

Dãy số trúng độc đắc hôm Thứ Ba là 25, 29, 33, 41, 44 và số Mega là 18, theo trang web Mega Millions. Không ai trúng toàn bộ dãy số này, nâng giải độc đắc lên $940 triệu, nếu lãnh một lần thì khoảng $483.5 triệu.


(Hình: Khách mua vé số Mega Millions tại cửa hàng ở Arlington, Virginia, hôm 29 Tháng Bảy, 2022.)
“Trong hơn 20 năm từ khi trò chơi này bắt đầu năm 2002, chỉ có ba giải độc đắc lớn hơn giải độc đắc ước tính cho Thứ Sáu tuần này,” Mega Millions ra thông cáo báo chí cho biết.

Buổi xổ số hôm Thứ Ba, có gần 3 triệu tờ trúng từ $2 tới $4 triệu, Mega Millions cho hay. Có sáu tờ trúng năm số thường, được $1 triệu mỗi tờ, giải lớn thứ nhì, theo Mega Millions.

Giải độc đắc Mega Millions lớn nhất từ trước tới nay là $1.537 tỷ, được một người may mắn duy nhất ở South Carolina trúng hồi năm 2018.

Giải độc đắc gần đây nhất được trúng hồi Tháng Mười, theo Mega Millions.

Bạn đã có con số may mắn chưa? Để vơ về gần 1 tỉ đô, ăn Tết Quý Mão 2023!


Tin Quốc Tế Đó Đây

Nhà Nước Hồi Giáo Nhận Trách Nhiệm Về Vụ Tấn Công ở Kabul


(Hình: Xe của lực lượng Taliban tại hiện trường một vụ nổ.)

- Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công vào lực lượng Taliban ở Kabul hôm Chủ Nhật (1/1/2023), nhóm này cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Hai (2/1).

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ do Taliban điều hành cho biết rằng một vụ nổ bên ngoài phi trường quân sự ở thủ đô A Phú Hãn đã gây ra nhiều thương vong.
Người dân địa phương cho biết đã nghe thấy một tiếng nổ lớn trước lúc 8 giờ sáng ở khu vực quân sự của phi trường được bảo vệ nghiêm ngặt.

Họ cho biết khu vực này đã bị lực lượng an ninh phong tỏa và tất cả các con đường đã bị đóng lại.
Chính quyền do Taliban điều hành đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy đẫm máu do nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo tiến hành.

Trong những tuần gần đây, nhóm này đã nhắm mục tiêu vào một số cơ sở quan trọng ở Kabul, bao gồm các Tòa Ðại sứ Nga và Pakistan cũng như văn phòng của cựu Thủ tướng nước này.


Iran: Cảnh Sát Tiếp Tục Giám Sát Việc Mang Khăn Trùm Đầu của Phụ Nữ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/1/2023, truyền thông Iran đưa tin cảnh sát tiếp tục giám sát trở lại những phụ nữ đeo khăn trùm đầu trong xe hơi.

Thông tin được đưa ra hơn 100 ngày sau cái chết mang tính biểu tượng của cô Mahsa Amini, làm bùng nổ phong trào biểu tình phản đối quy định về đeo khăn trùm đầu và phản đối chính phủ Iran. Thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài RFI tường trình từ thủ đô Tehran của Iran:
“Theo một đại diện cảnh sát Iran, được hãng tin Iran Fars trích dẫn, chiến dịch mới này được gọi là Nazer-1, có nghĩa là “giám sát”theo tiếng Ba Tư.

Nếu một người phụ nữ lái xe hoặc một phụ nữ ngồi trong xe mà không đeo khăn trùm đầu, chủ xe sẽ nhận được một tin nhắn yêu cầu phải tuân thủ việc đeo khăn trùm đầu (hijab) và không được tái phạm.
Hiện giờ, cảnh sát mới chỉ gửi những tin nhắn nhắc nhở và chưa thi hành các biện pháp trừng phạt hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, từ những tuần trước đó, nhiều Nghị sĩ đã xác nhận những người không tuân thủ có thể bị phạt tiền. Trong quá khứ, nếu chủ xe vi phạm, họ có thể bị cấm lái chiếc xe đó trong nhiều tuần.

Sau các cuộc biểu tình, tiếp theo sau cái chết của cô Mahsa Amini, chính quyền Iran từ đầu tháng 12 đã thông báo giải thể “cảnh sát đạo đức”, lực lượng có nhiệm vụ bắt giữ những phụ nữ và các thiếu nữ không trùm khăn đúng quy cách trên đường phố.
Trên thực tế, chúng ta có thể thấy ngày càng có nhiều phụ nữ không đeo khăn trùm đầu đi trên đường mà cảnh sát không can thiệp. Tuy nhiên, nhiều tu sĩ bảo thủ đã yêu cầu cảnh sát hành động để bảo đảm việc tuân thủ quy định về đeo khăn trùm đầu”.

Đức Cảnh Báo Những Người Chỉ Trích Chính Quyền Tehran Không Tới Iran


(Hình: Một cuộc biểu tình phản đối Iran tại Bá Linh.)
- Ngày 3/1/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn GPA cho hay Đức mới đây đã lên tiếng cảnh báo những người Iran sống ở nước này, vốn từng chỉ trích chính phủ Iran, nên cẩn trọng về việc đi tới Iran.

Ông Thomas Haldenwang, người đứng đầu Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp, nói với hãng tin Đức GPA rằng trong các năm qua, chính phủ Iran đã tìm cách xác định những người chỉ trích và những người đó có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu họ đến Iran.
Ông Haldenwang cũng cho biết rằng bạn bè hoặc thành viên gia đình của những người chỉ trích Iran cũng phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự.

Ông nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình ở Đức, chẳng hạn như những cuộc biểu tình đã thu hút hàng chục ngàn người phản đối chính phủ Iran ở Bá Linh vào tháng 10, có thể là nơi để các cơ quan chính phủ Iran tìm cách xác định những người chỉ trích.


Ukraine Tiếp Tục Bị Nga Oanh Kích Bằng Drone và Phi Đạn

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay vào rạng sáng ngày 2/1/2023, Kyiv tiếp tục bị không kích.
Theo thông tấn xã AFP, trên mạng Telegram, lãnh đạo quân sự của thủ đô Kyiv đã yêu cầu người dân ở nguyên tại nơi trú ẩn và khẳng định Kyiv đã thành công bắn chặn 12 mục tiêu trên không.

Theo thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko, vụ nổ ở quận Desnyanskyi sáng nay đã khiến một người bị thương.

Trước đó, chính quyền Ukraine cho biết Nga cũng đã tấn công thủ đô Kyiv và 7 vùng khác của Ukraine ngay trong đêm giao thừa, vào lúc chuyển sang năm mới. Một phi đạn đã rơi xuống trung tâm thủ đô Kyiv, phá hủy phía bên ngoài của một khách sạn. Cảnh sát Kyiv đã đăng tải trên mạng xã hội hình ảnh những mảnh vỡ của một drone, còn sót lại sau vụ nổ, với dòng chữ ghi bằng tiếng Nga: “Chúc mừng năm mới!”Vụ tấn công đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine, sau đó, trong ngày 2/1, Nga đã thực hiện 35 cuộc không kích, chủ yếu sử dụng drone Shaheh-136 và tất cả đều bị bắn hạ. Nga cũng đã bắn phi đạn vào vùng Kherson, nhắm vào một bệnh viện nhi của thành phố.

Tuy nhiên, phía Nga chỉ xác nhận đã nhắm bắn vào các cơ sở sản xuất máy bay không người lái của Ukraine. Chính quyền phe ly khai thân Nga ở miền đông thì tố cáo quân đội Ukraine cũng đã tấn công vào Donetsk trong đêm giao thừa, khiến 15 người bị thương.


Ukraine Mong Nhận Đợt Viện Trợ Tài Chánh Đầu Tiên của EU Năm 2023 Vào Tháng Một



(Hình: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tham dự cuộc họp qua mạng với các nhà lãnh đạo phương Tây.)

- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng sau khi nói chuyện với người đứng đầu Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen hôm thứ Hai (2/1/2023), ông đang chờ đợt viện trợ tài chánh vĩ mô đầu tiên trong năm 2023 của Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào tháng Một.

Viết trên Twitter, ông Zelensky cảm ơn bà von der Leyen vì sự hỗ trợ của bà và nói rằng hai nhà lãnh đạo đã phối hợp các bước đi về một hội nghị thượng đỉnh Ukraine -EU.

Trong một diễn biến khác liên quan, Ukraine hôm thứ Hai cho biết đã bắn hạ tất cả các máy bay không người lái của Nga trong một đợt tấn công lớn, sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc không kích đêm thứ ba liên tiếp chưa từng có nhắm vào các mục tiêu dân sự, tăng cường cuộc không kích dịp đầu năm mới.
Trong khi đó, các viên chức Nga nhận được các báo cáo nói rằng một số lượng lớn binh lính Nga mới được huy động đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một trường Đại học được chuyển đổi thành doanh trại thuộc khu vực chiếm đóng ở Ukraine, nơi binh lính đóng quân tại một nơi có kho đạn dược.

Một nguồn tin thân cận với chính quyền do Nga lập nên nói với Reuters rằng hàng chục người đã chết.
Đầu năm mới, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công hàng đêm vào các thành phố của Ukraine, bao gồm cả Kyiv, cách tiền tuyến hàng trăm cây số.

Điều đó đánh dấu sự thay đổi chiến thuật sau nhiều tháng mà Mạc Tư Khoa thường tiến hành các cuộc tấn công như vậy cách nhau khoảng một tuần.

Sau khi bắn hàng chục phi đạn vào ngày 31/12, Nga đã khai triển hàng chục máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất vào ngày 1 và 2/1. Nhưng Kyiv cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã bắn hạ tất cả 39 máy bay không người lái trong đợt mới nhất, trong đó có 22 chiếc bị bắn hạ trên vùng trời của thủ đô.


Phi Đạn Ukraine Phá Tan Căn Cứ Nga ở Vùng Donbass: Ít Nhất 63 Lính Thiệt Mạng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/1/2023, Mạc Tư Khoa loan báo có đến 63 binh sĩ Nga thiệt mạng trong một vụ pháo kích của lực lượng Ukraine vào một căn cứ Nga ở vùng Donbass. Đây là tổn thất nặng nề nhất trong một cuộc tấn công mà Mạc Tư Khoa thừa nhận kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm 2022.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Kyiv đã bắn 6 hay phi đạn từ hệ thống Himars vào một đơn vị Nga gần thành phố Makiivka thuộc vùng Donetsk hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Đã có 4 phi đạn phát nổ, khiến cho 63 binh sĩ Nga thiệt mạng, trong lúc 2 phi đạn khác đã bị lực lượng phòng không Nga bắn chặn.

Phía Ukraine xác nhận đã tiến hành cuộc không kích vào Makiivka và khẳng định có đến gần 400 lính Nga bị chết, một số lượng cực lớn nhưng khó có thể kiểm chứng. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Stephane Siohan của Đài RFI tường trình:
Vào hôm 2/1, đã xảy ra một điều hiếm thấy: Quân Đội Nga đã thừa nhận một cuộc oanh kích của Ukraine, mà theo Ðiện Cẩm Linh, đã làm cho 63 binh sĩ Nga thiệt mạng, ở Makiivka, một thành phố lân cận thành phố Donetsk, ở vùng Donbass ly khai.

Dường như là vào đêm giao thừa, ngay sau nửa đêm một chút, quân đội Ukraine đã phóng phi đạn Himars cực mạnh về phía một ngôi trường mà Nga sử dụng làm một trung tâm đóng quân tạm thời, nơi có vài trăm binh sĩ đồn trú.

Cảnh tàn phá đã được nhiều blogger quân sự Nga xác nhận qua việc công bố hình ảnh của một tòa nhà bị phá nát. Các nguồn tin này nói rõ là căn cứ có hàng trăm binh sĩ đang ở đó, ngay sát một kho đạn. Chính những tin nhắn chúc mừng năm mới mà lính Nga trao đổi với nhau đã giúp tình báo Ukraine định vị chính xác sự hiện diện đông đảo lính Nga tại nơi này.

Về phần mình, phía Ukraine hoàn toàn nhận trách nhiệm về đòn giáng mạnh đó vào kẻ thù. Kyiv cho biết là 400 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công, và 300 người khác bị thương, những con số gây ấn tượng mạnh, nhưng hiện chưa thể được xác minh....
Từ nhiều tháng qua, quân đội Ukraine đã tiến hành một số cuộc tập kích như vậy vào các doanh trại của Nga, nhưng lần này có lẽ là cuộc tấn công đẫm máu nhất nhắm vào quân đội Nga kể từ đầu cuộc chiến.

Theo bản điểm tin cập nhật hôm 3/1, Bộ Quốc phòng Anhh cho rằng “do nguồn hỗ trợ kém và do Ukraine tăng cường lực lượng đáng kể trong 10 ngày qua, tần suất các cuộc tấn công của quân đội Nga và tập đoàn bán quân sự Wagner xung quanh thành phố Bakhmut đã giảm đi đáng kể so với đỉnh điểm hồi trung tuần tháng 12/2022”. Cũng theo tình báo Anh, “Nga ít có khả năng tạo ra một bước đột phá tại mặt trận Bakhmut trong những tuần tới”.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine hôm 2/1 cho biết chỉ trong mấy ngày đầu năm 2023, hơn 80 drone của Nga đã bị bắn hạ. Ông Volodymyr Zelensky còn cảnh báo Nga có kế hoạch tấn công lâu dài bằng drone Shahed do Iran cung cấp. Còn tổng tham mưu trưởng Valeri Zaluzhny khẳng định đến nay quân đội Ukraine đã thu hồi được “40% lãnh thổ bị chiếm đóng sau ngày 24:02/2022”.


Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Họp Thượng Đỉnh Tại Kyiv

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 2/1/2022, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Âu Châu và Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 3/2, tại một địa điểm không xác định ở Kyiv. Hai bên sẽ thảo luận về hỗ trợ tài chánh cũng như quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Theo thông cáo, được thông tấn xã AFP trích dẫn, trong cuộc điện đàm đầu tiên của năm 2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận với Chủ tịch Uỷ Ban Âu Châu Ursula von der Leyen về những kết quả có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine- EU tháng 2.

Hai bên cũng đã bàn về việc cung cấp vũ khí “thích hợp”và chương trình hỗ trợ tài chánh mới trị giá 18 tỉ Euro cho Ukraine. Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc nhận được đợt hỗ trợ đầu tiên”vào tháng 1.

Theo trang Euractive, cuộc họp thượng đỉnh Ukraine-EU được tổ chức dựa trên điều 5 của Thoả thuận liên kết giữa Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu (EU), theo đó “các bên thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại chính trị cấp cao”. Các cuộc họp cấp cao được tổ chức luân phiên hàng năm ở Ukraine và ở Brussels, với sự tham gia của Tổng thống Ukraine, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu.

Các viên chức hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, như bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đều đã đến thăm Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Kế hoạch di chuyển của cả hai vị lãnh đạo này không được thông báo trước vì lý do an ninh.

Quan Hệ EU-Anh Quốc Hy Vọng Sáng Sủa Hơn Sau 2 Năm Brexit

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 1/1/2023 vừa qua đánh dấu tròn 2 năm Brexit, Vương Quốc Anh chính thức rời khỏi ngôi nhà chung Liên Hiệp Âu Châu (EU). Đó cũng là thời gian nhiều sóng gió trong quan hệ giữa Brussels và Luân Đôn, với hàng loạt bất đồng, tranh chấp về những quy định luật lệ, các cuộc đàm phán đầy khó khăn về áp dụng thỏa thuận ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu.

Tuy nhiên những khó khăn khúc mắc đang được tháo gỡ dần để có thể hy vọng là trong năm mới 2023, quan hệ Liên Hiệp Âu Châu và Anh Quốc sẽ được cải thiện hơn. Thông tín viên Jean-Jacques Héry của Đài RFI tại thủ đô Brussels của Bỉ tóm lược:
Trước hết nhìn từ Brussels, mối quan hệ với Vương Quốc Anh chỉ có thể tốt lên mà thôi, đơn giản là bởi vì nó không thể tồi tệ hơn thế nữa.
Đi vào chi tiết, đúng là có những tín hiệu tốt đẹp hơn, chẳng hạn về Nghị định thư Bắc Ái Nhĩ Lan. Đây là một chủ đề bất đồng lớn. Dự luật của Anh không duy trì Bắc Ái Nhĩ Lan trong thị trường chung Âu Châu, tuy điều được dự trù trong các thỏa thuận về Brexit, cuối cùng đã bị tạm gác lại. Dự luật này sẽ không được Nghị viện Anh xem xét lại ngay. Đây là dấu hiệu có thể được nhìn nhận như là thiện chí hòa dịu của Luân Đôn.

Phía Liên Hiệp Âu Châu thì tỏ ra linh hoạt. Cách đây hai tuần, Brussels đã kéo dài thêm 3 năm giai đoạn ưu đãi với Luân Đôn. Trong thời gian này, Anh Quốc có thể tiếp tục chuyển các loại thuốc thú y tới Bắc Ái Nhĩ Lan.
Trong hậu trường, những người lạc quan nhất thậm chí còn nêu ra khả năng đạt một thỏa thuận, ít ra là tạm thời, về Nghị định thư Bắc Ái Nhĩ Lan trong những tháng tới.

Viễn cảnh mở ra đối thoại mới dường như thuận lợi do tình hình bất ổn chính trị ở Anh đã kết thúc từ khi có chính phủ mới của Thủ tướng Rishi Sunak.

Mặt khác, hai bên bờ biển Manche nay đều ý thức được rằng xích lại gần nhau bây giờ là vấn đề mang tính sống còn, trước những hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine, vẫn đang kéo dài vô định.


Qatargate: Nghị Viện Âu Châu Sẽ Dỡ Bỏ Quyền Miễn Trừ Hai Nghị Sĩ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 2/1/2023, Nghị Viện Âu Châu (EP) thông báo sẽ khởi động thủ tục dỡ bỏ quyền miễn trừ đối với hai Nghị sĩ Âu Châu.
Thông báo này được đưa ra sau yêu cầu từ phía Tư pháp Bỉ trong khuôn khổ cuộc điều tra tai tiếng tham nhũng có liên quan đến Qatar, khiến một Phó Chủ tịch Nghị Viện bị bãi chức và đang bị giam. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Jean-Jacques Hery của Đài RFI giải thích:
“Tên của hai Nghị sĩ Âu Châu bị nhắm đến đã xuất hiện trên báo chí. Đó là Marc Tarabellan, người Bỉ và Andrea Cozzolino, người Ý Ðại Lợi. Cả hai đều là thành viên của nhóm Nghị sĩ Xã hội-Dân chủ. Do bị nghi có dính líu đến sự việc, cả hai người đều bị các đảng của họ là Đảng Xã hội Bỉ và Đảng Dân chủ Ý Ðại Lợi đình chỉ tư cách đảng viên.

Trường hợp của họ gây chú ý cho các nhà điều tra bởi vì Francisco Giorgi tố cáo hai Nghị sĩ này đã nhận tiền của Qatar. Ông Francisco Giorgi là cựu Phụ tá của Nghị sĩ Andrea Cozzolino và đang bị giam vì tội tham nhũng. Ông cũng chính là bạn đời của cựu Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu người Hy Lạp, bà Eva Kaili, hiện cũng ngồi sau chấn song sắt.

Hiện tại ông Andrea Cozzolinon chưa có phản ứng gì, nhưng Luật sư của Marc Tarabella cho biết thân chủ của ông ủng hộ việc dỡ bỏ quyền miễn trừ. Nghị sĩ người Bỉ này, mà tư dinh đã bị lục soát hôm 10/12/2022, đã từng khẳng định “tuyệt đối chẳng có gì giấu giếm cả”.

Về phía Nghị Viện Âu Châu, Chủ tịch Roberta Metsola thông báo trên mạng xã hội Twitter là “sẽ không có chuyện miễn trừ”. Đề nghị dỡ bỏ quyền miễn trừ sẽ chính thức được thông báo đến các Nghị sĩ trong phiên họp toàn thể vào trung tuần tháng Một ở Strasbourg

Yêu cầu này sẽ được ủy ban phụ trách các vấn đề pháp lý của Nghị Viện xem xét trước khi đề xuất một quyết định. Quyết định sau đó sẽ được đưa ra biểu quyết. Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu hy vọng sẽ nhanh chóng thông qua và kết thúc thủ tục trước ngày 13/2/2023”.


EU Sắp Thảo Luận Về Phản Ứng Phối Hợp Đối Với Tình Hình COVID ở Trung Quốc


(Hình: Ủy viên Y tế Âu Châu Stella Kyriakides.)

- Các viên chức y tế của chính phủ các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày thứ Tư về phản ứng phối hợp đối với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, Thụy Điển, Chủ tịch hiện thời của EU, cho biết hôm thứ Hai (2/1/2023).
Cuộc họp này được tổ chức sau khi các cuộc thảo luận hồi tháng 12/2022 kết thúc mà không có quyết định nào về vấn đề này.

Tại một cuộc họp tương tự, được tổ chức trực tuyến vào ngày 29/12/2022, với sự tham dự của hơn 100 đại diện từ các chính phủ thuộc EU, các cơ quan y tế của EU và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ý Ðại Lợi đã kêu gọi các nước khác trong khối EU làm theo quốc gia này và tiến hành xét nghiệm COVID đối với du khách tới từ Trung Quốc khi Bắc Kinh chuẩn bị dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào ngày 8 tháng 1.

Nhưng những nước khác trong khối gồm 27 quốc gia nói rằng họ thấy không cần phải làm như vậy, dù Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về đại dịch trong bối cảnh xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

Ủy viên Y tế Âu Châu Stella Kyriakides nói trong một bức thư gửi các chính phủ EU vào ngày 29 tháng 12 rằng họ nên xem xét ngay lập tức mở rộng quy mô giải trình tự bộ gen của các trường hợp nhiễm COVID-19 và giám sát nước thải, kể cả tại các phi trường, để phát giác bất kỳ biến thể mới nào, do sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở Trung Quốc.

Bà Kyriakides nói rằng EU nên “hết sức cảnh giác”vì dữ liệu xét nghiệm và dịch tễ học đáng tin cậy của Trung Quốc rất khan hiếm, đồng thời khuyên các Bộ trưởng Y tế EU nên đánh giá các hoạt động hiện tại của họ về giải trình tự bộ gen của COVID là “một bước đi tức thời”.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Âu Châu tuần trước cho biết rằng tổ chức này hiện không khuyến nghị các biện pháp đối với khách du lịch từ Trung Quốc.

Cơ quan này cho biết rằng các biến thể lây lan ở Trung Quốc đã có ở Liên Hiệp Âu Châu, rằng các công dân EU có tỷ lệ chích ngừa tương đối cao và khả năng lây nhiễm từ bên ngoài thấp so với các ca nhiễm hàng ngày ở EU mà các hệ thống chăm sóc y tế hiện đang đối phó.


Covid-19: Trung Quốc Hạ Thấp Mức Độ Nghiêm Trọng Trước Cuộc Gặp Với WHO

- Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đà lây nhiễm Covid-19 trước cuộc họp với các nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), dự kiến diễn ra hôm 3/1/2023.

Thông tấn xã Reuters cho biết, hôm 2/1, Trung Quốc loan báo có 3 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nhiễm Covid-19 lên thành 5.253 người kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các chuyên gia Trung Quốc trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, còn cho rằng căn bệnh do virus gây ra là tương đối nhẹ đối với mọi người.

Đồng Triệu Huy (Tong Zhaohui), Phó Giám đốc bệnh viện Triều Dương tại Bắc Kinh, khẳng định: “Số ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm từ 3-4% số bệnh nhân nhập viện để điều trị tại các bệnh viện được chỉ định ở Bắc Kinh”. Lãnh đạo bệnh viện Tianfu, thuộc Đại học Tứ Xuyên ở miền Tây Trung Quốc, thì đưa ra tỉ lệ 1% số ca được đưa vào chăm sóc đặc biệt.

Nhưng trong khi đó ở Thượng Hải, hãng tin Anh thuật lại lời một nhân chứng cho biết khu cấp cứu ở bệnh viện Trung Sơn chật cứng bệnh nhân trong ngày hôm nay, phần đông là người lớn tuổi. Nhiều người phải nằm ngoài hành lang, đắp chăn và được điều trị bằng truyền dịch qua tĩnh mạch, trong khi một hàng người dài chờ được khám bệnh.
Những con số này được đưa ra vào lúc WHO mời họp các nhà khoa học Trung Quốc, đề nghị chia sẻ dữ liệu về số ca nhập viện, chết và chích ngừa. Một số nhà quan sát tỏ ra bi quan, “không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiết lộ thông tin”như nhận định của Alfred W, Phó Giáo sư Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Tân Gia Ba với thông tấn xã Reuters.

Bắc Kinh hôm nay đã phản đối mạnh mẽ việc nhiều nước phương Tây ban hành các quy định hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc, mà họ cho là “không thể chấp nhận được”, “thiếu cơ sở khoa học”và “không hợp lý”. Bắc Kinh dọa sẽ đưa ra “những biện pháp đáp trả theo nguyên tắc có qua có lại”.

Trong bối cảnh này, Liên Hiệp Âu Châu hôm 3/1 đã tiếp xúc với Bắc Kinh đề nghị cung cấp miễn phí vắc-xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc.

Liên Hiệp Âu Châu cũng thông báo mở cuộc họp khẩn cấp vào thứ Tư (4/1), nhằm tìm kiếm một đối sách chung ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 đến từ Trung Quốc.


Hàng Chục Ngàn Giáo Dân Đến Viếng Linh Cữu của Giáo Hoàng Benedicto 16

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/1/2023, Đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma (Ý Ðại Lợi) đã mở cửa cho các tín đồ cũng như du khách đến viếng linh cữu của cựu Giáo hoàng Benedicto XVI, qua đời vào ngày 31/12/2022 vừa qua ở tuổi 95.

Mọi người có thể đến đây viếng ngài trong vòng 3 ngày, trước khi thánh lễ an táng được cử hành vào thứ Năm (5/1). Thông tín viên RFI, Eric Sénanque tường trình từ Vatican:

Kể từ 9 giờ, các cánh cửa của Đại giáo đường Thánh Phêrô được mở ra. Các tín đồ cũng như những ai quan tâm có thể đến viếng linh cữu của cựu Giáo hoàng Benedicto 16. Hàng ngàn người đã đến đợi ngay từ sáng nay. Chính quyền thành phố Roma ước tính sẽ có khoảng từ 30.000 đến 35.000 người đến viếng mỗi ngày, từ nay đến thứ Tư, ngày cuối cùng mà mọi người có thể đến bày tỏ thành kính với vị Giáo hoàng người Đức.

Thủ tướng Giorgia Meloni cùng Tổng thống Ý Ðại Lợi Sergia Matarella có thể sẽ đến Đại giáo đường ngay hôm nay. Tại thủ đô Roma vốn đã đông đảo khách du lịch, trước làn sóng gồm cả tín đồ và du khách kéo đến, nhà chức trách đã quyết định hai dòng người đều có thể đi vào nhà thờ cùng lúc.

Lực lượng an ninh được tăng cường. Ngoài hiến binh Vatican và cảnh sát Ý Ðại Lợi, 500 tình nguyện viên bảo vệ trật tự đã được huy động. Các phương tiện giao thông công cộng ở Roma cũng được tăng cường. Đám đông có thể ngày càng lớn hơn trong ngày tổ chức lễ an táng.

Giáo hoàng Francis sẽ cử hành một thánh lễ lớn vào 9 giờ 30 tại Đại giáo đường Thánh Phêrô. Những ngày tưởng nhớ này sẽ kết thúc với lễ mai táng của cựu Giáo hoàng vào thứ Năm sau thánh lễ.

Thi hài của cố Giáo hoàng Benedicto 16 sẽ được đặt chung các vị Giáo hoàng khác, trong hầm mộ dưới bàn thờ của đại giáo đường”.


Chính Thức Nhậm Chức, Tân Tổng Thống Ba Tây Hứa Tái Thiết Đất Nước

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 1/1/2023, ông Luiz Inacio Lula da Silva (77 tuổi) đã chính thức nhậm chức Tổng thống Ba Tây. Nhiệm kỳ của ông Lula da Silva, kéo dài 4 năm, bắt đầu trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn và đang bị chia rẽ.

Trong buổi lễ nhậm chức, tân Tổng thống Lula cam kết sẽ “tái thiết đất nước, cùng với nhân dân Ba Tây”, đồng thời đánh giá kết quả nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Bolsonaro là “thảm hại”. Được quốc tế chờ đợi có những nỗ lực bảo vệ rừng Amazon, ông Lula đã tuyên bố Ba Tây không cần chặt cây, phá rừng để phát triển nông nghiệp. Tân thổng thống Ba Tây nhắc lại mục tiêu “Zero tàn phá rừng”. Từ Sao Paulo, thông tín viên Martin Bernard của Đài RFI tường trình:
“Đó là một Lula, với tinh thần chiến đấu, đã đảm nhận chức vụ Tổng thống lần thứ 3 trong vòng 20 năm. Ông tuyên bố sẽ giành ưu tiên cho cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội và chống nạn đói, chống lại hố sâu ngăn cách giàu nghèo, với 5% dân số Ba Tây kiếm được nhiều tiền bằng 95% dân số còn lại.

Lễ bàn giao quyền lực cũng mang đầy tính biểu tượng. Do Tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro từ chối tham gia buổi lễ, nên một nhóm gồm 10 người đại diện cho tính đa dạng của xã hội Ba Tây đã trao tượng trưng băng danh dự Tổng thống cho ông Lula. Trong số những người này, có tộc trưởng Raoni, một nhà bảo vệ rừng Amazon tiêu biểu, và một cậu bé da đen 10 tuổi đến từ một khu phố bình dân.

Trong hai bài phát biểu, tại Quốc hội và sau đó là ngoài trời, tân Tổng thống Ba Tây đã nhắc lại mục tiêu không phá rừng và khai triển các chính sách thân thiện với môi trường hơn.

Ông Lula một lần nữa nói về hòa giải dân tộc, sau 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Jair Bolsonaro với những sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ba Tây”.


Ba Tây: Thi Hài Pelé Được Quàn Giữa Sân Vận Động Santos Để Người Dân Đến Viếng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay 3 ngày sau khi Pelé ra đi ở tuổi 82, bắt đầu từ ngày thứ Hai (2/1/2023), thi hài của “vua túc cầu”được chuyển đến quàn tại sân vận động thành phố Santos trong 24 tiếng đồng hồ để người dân Ba Tây được đến viếng thần tượng của mình. Santos là nơi Pelé đã cống hiến gần như toàn bộ sự nghiệp huyền thoại của ông.
Sân vận động Vila Belmiro của thành phố Santos hôm 2/1 sẽ mở cửa từ 10 giờ sáng, giờ địa phương. Linh cữu của cầu thủ duy nhất giành 3 danh hiệu Vô địch Thế giới (1958,1962 và 1970) được đặt ở giữa sân để mọi người dân có thể vào viếng trước khi tiến hành an táng vào ngày mai theo thông báo của FC Santos, câu lạc bộ túc cầu đuy nhất ở Ba Tây mà Pelé đã dành trọn sự nghiệp cầu thủ. Thông tín viên Annie Gasnier và Richard Riffeneau của Đài RFI tại Santos ghi nhận:

Pelé bắt đầu chuyến đi cuối cùng, từ bệnh viện Sao Paulo, nơi ông qua đời, đến Santos, thành phố mà ông đã chơi bóng, đã chiến thắng và là nơi ông vẫn sống khi không phải đi xa.

Trong 24 tiếng đồng hồ, thi hài của ông sẽ được đặt trên sân cỏ đã ghi dấu những chiến công của ông, để người dân đến viếng.

Ông Alberto, người quản lý quán bar do Alemao ở trước mặt sân vận động, trên trán xăm phù hiệu câu lạc bộ Santos, tỏ vui sướng khi Pelé trở lại lần cuối trên sân cỏ này.

Ông nói: “Đã 44 năm ông không chơi bóng, 44 năm rồi… nhưng mọi người vẫn nhớ đến như mới hôm qua. Với tôi, Pelé đã làm nên câu lạc bộ Santos chứ không phải câu lạc bộ làm nên tên tuổi Pelé. Santos ngày nay là những gì Pelé để lại cho chúng tôi, đó là những giờ phút vinh quang, những giải vô địch, những chiếc cúp… tất cả ở đây đều là do Pelé làm nên”.

Pelé đã mang áo số 10, số áo này vẫn sẽ được các cầu thủ của Santos mang. Chủ tịch câu lạc bộ đã từ chối rút tượng trưng số áo này, vì ông quả quyết đó là theo di nguyện cuối cùng của Pelé.


Bắc Hàn Thay Đổi Nhân Sự Lãnh Đạo Quốc Phòng

- Hôm 1/1/2023, hãng tin chính thức KCNA của Cộng sản Bắc Hàn cho biết Bình Nhưỡng đã thay thế nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao, trong đó có ông Pak Jong-chon, nhân vật quyền lực chỉ đứng sau Kim Jong-un.

Ông Pak Jong-chon, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng cầm quyền Cộng sản Bắc Hàn đã bị cách chức. Theo KCNA, được hãng tin Yonhap của Nam Hàn trích dẫn, ông Ri Yong Gil, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ thay thế ông Pak Jong-Chon. Theo thông tấn xã Reuters, vào năm 2020, ông Pak Jong-chon đã được thăng chức vào Bộ Chính trị và được phong nguyên soái, quân hàm cao nhất dưới chính quyền Kim Jong-un. Ông Pak cũng là đại diện của Bắc Hàn lên tiếng phản đối các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn vào tháng 11 năm 2022.

Theo nhà nghiên cứu Oh Gyeong-sup, thuộc Viện nghiên cứu thống nhất quốc gia, trụ sở ở Hán Thành, được hãng tin Reuters trích dẫn, việc thay đổi nhân sự này có thể liên quan tới vụ Nam Hàn điều 3 drone xâm nhập vào Bắc Hàn mà Bình Nhưỡng đã không có phản ứng nào. Ông Oh Gyeong-sup cho rằng “ông Pak có thể phải nhận trách nhiệm”vì đã thất bại trong việc bảo vệ hàng rào an ninh.

Ngoài ra, ông Kang Sun-nam sẽ lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Pak Su-il được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Bắc Hàn, thay thế ông Ri Thae-sop, được chuyển sang nắm Bộ Công an. Thông tấn x

Theo Yonhap, Cộng sản Bắc Hàn không nêu ra lý do của sự thay đổi nhân sự này. Trong những năm gần đây, Kim Jong-un đã nhiều thay đổi bộ máy viên chức cấp cao. Đây được coi là để củng cố lòng trung thành cũng như khả năng kiểm soát quyền lực của ông Kim.

Đợt thay đổi viên chức cấp cao về an ninh diễn ra ngay sau khi ông Kim Jong-un nêu ra các mục tiêu quốc phòng cho năm 2023: phát triển phi đạn liên lục địa mới và tăng cường kho vũ khí nguyên tử.


Mỹ-Hàn Thảo Luận Về Thao Dượt Chung Đối Phó Với Mối Đe Dọa Nguyên Tử Bắc Hàn

- Hôm 2/1/2023, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol cho biết Hán Thành đang thảo luận với Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc thao dượt chung với các lực lượng nguyên tử của Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa của Bắc Hàn.

Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, để có khả năng răn đe mở rộng và hiệu quả, nhằm đối phó tốt hơn với mối đe dọa nguyên tử từ Bắc Hàn, Hán Thành muốn tham gia vào hoạt động của các lực lượng nguyên tử của Mỹ và đôi bên đang thảo luận về việc “lập kế hoạch”, “chia sẻ thông tin, thao dượt và huấn luyện”về năng lực nguyên tử. cho biết Hán Thành coi đây là một bước tiến lớn so với khái niệm răn đe mở rộng trước đây.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Chosun Ilbo hôm 2/1/2023, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol nói rằng việc Mỹ cung cấp một “ô nguyên tử”hoặc một biện pháp răn đe mở rộng tại Nam Hàn là chưa đủ để trấn an người dân nước này. Tổng thống Yoon giải thích: “Trong quá khứ, khái niệm ô nguyên tử là một sự chuẩn bị để đối phó với Liên Xô và Trung Quốc, trước khi Bắc Hàn phát triển vũ khí nguyên tử. Điều mà chúng ta gọi là răn đe mở rộng, đó là chúng ta đừng lo lắng vì đã có Hoa Kỳ lo liệu mọi việc, nhưng bây giờ thật khó để thuyết phục người dân của chúng ta chỉ với điều đó (…) Chính phủ Mỹ ở một mức độ nào đó cũng hiểu điều này”.

Cuộc phỏng vấn được nhật báo Chosun Ilbo đăng tải một ngày sau khi hãng tin nhà nước Cộng sản Bắc Hàn (KCNA) đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi tăng cường “theo cấp số nhân”kho vũ khí nguyên tử của Bắc Tiều Tiên và xem Nam Hàn là một “kẻ thù hiển nhiên”.

Trong khi đó, hôm 1/1/2023, Nam Hàn và Nhật Bản cũng dự kiến chia sẻ theo thời gian thực thông tin về các vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn. Cho đến nay, hai nước vẫn chia sẻ dữ liệu nhưng không phải theo thời gian thực. Việc chia sẻ thông tin theo kiểu mới sẽ giúp Nhật Bản cải thiện hệ thống bắn chặn phi đạn và báo động cho dân chúng sớm hơn.


Thao Dượt Nguyên Tử Chung: Hoa Kỳ Nói Không, Nam Hàn Vẫn Nói Có

- Hôm 3/1/2023, Hán Thành vẫn khẳng định đang thảo luận với Hoa Thịnh Ðốn về các cuộc diễn tập chung sử dụng các phương tiện nguyên tử của Mỹ để chống lại đe dọa từ Bắc Hàn. Xác nhận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ hôm qua phủ nhận khả năng này.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Chosun Ilbo của Nam Hàn, đăng ngày 2/1/2023, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Nam Hàn thảo luận với Hoa Kỳ về khả năng tổ chức cuộc thao dượt chung, bao gồm việc sử dụng các phương tiện nguyên tử của Mỹ. Tổng thống Nam Hàn cho biết “vũ khí nguyên tử là của Hoa Kỳ, nhưng việc chuẩn bị, chia sẻ thông tin, các cuộc thao dượt, huấn luyện phải được cả Nam Hàn và Hoa Kỳ thực hiện”. Ông Yoon cũng khẳng định rằng Hoa Thịnh Ðốn đón nhân “khá tích cực”đề xuất này.

Nhưng hôm qua, khi báo giới hỏi về các cuộc thảo luận với Hán Thành liên quan đến cuộc thao dượt nguyên tử chung, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phủ nhận thông tin này.
Theo Yonhap, trước phản ứng của ông Biden, hôm nay, văn phòng Tổng thống Nam Hàn chỉ ra rằng “khi nhà báo của thông tấn xã Reuters hỏi ông Biden liệu cuộc tập trận nguyên tử chung có đang được thảo luận, dĩ nhiên là Biden phải nói không”, vì câu hỏi không được đặt trong bối cảnh cụ thể nào. Hán Thành tái khẳng định rằng hai bên đang thảo luận về việc “chia sẻ thông tin và lập kế hoạch cho các cuộc thao dượt chung, sử dụng đến các loại vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ, để đối phó với vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn”.

Thông tấn xã AFP nhắc lại lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 1/1 vừa qua đã tuyên bố sẽ tăng “theo cấp số nhân”kho vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng, cũng như phát triển các kiểu phi đạn liên lục địa (ICBM) mới, để chống lại “thái độ thù nghịch”của Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn. Trong năm 2022, Bình Nhưỡng đã phá kỷ lục số lần thử phi đạn, nhất là thử phi đạn-đạn đạo liên lục địa ICBM tiên tiến nhất.


Covid-19: Nam Hàn Xét Nghiệm Hành Khách Đến Từ Trung Quốc và Cách Ly Những Ca Dương Tính

- Theo thông tin từ hãng tin Yonhap, kể từ hôm 2/1/2023, tất cả hành khách đến từ Trung Quốc sẽ phải làm xét nghiệm Covid-19 sau khi nhập cảnh Nam Hàn.
Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Trần Công của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Xét nghiệm áp dụng cho các hành khách đến từ Trung Quốc là xét nghiệm PCR. Nam Hàn đã đặt 3 trung tâm xét nghiệm tại phi trường quốc tế Incheon, phi trường duy nhất đón các chuyến bay từ Trung Quốc. Ba trung tâm này có thể xét nghiệm tới hơn 500 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

Đối với người được phép lưu trú dài hạn tại Nam Hàn, họ có thể xét nghiệm tại các cơ sở y tế cộng đồng gần nơi cư trú. Tuy nhiên, du khách lưu trú ngắn hạn (<90 ngày) sẽ phải bắt buộc xét nghiệm tại phi trường và chờ ở phòng cách ly cho tới khi nhận kết quả âm tính. Với những du khách có kết quả dương tính, họ sẽ được cách ly tại các trung tâm do chính phủ quản lý và chỉ được ra ngoài sau 7 ngày hoặc xét nghiệm PCR lại cho kết quả âm tính.

Trong tháng 12 năm 2022, 349 người từ Trung Quốc đã được xác nhận dương tính với virus Corona ngay sau khi nhập cảnh Nam Hàn. Đây là mức tăng đột biến vì con số này chỉ là 15 người vào tháng 10/2022 và 19 người vào tháng 11/2022. Chính vì vậy chính phủ Nam Hàn đã đưa ra yêu cầu xét nghiệm toàn bộ và cách ly các trường hợp dương tính với virus Corona.

Trung Quốc sẽ loại bỏ chính sách “zero Covid”, không còn cách ly người nhập cảnh, và mở các địa điểm xuất nhập cảnh kể từ ngày 8/1 tới đây. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn chưa quyết định tăng số các chuyến bay đến từ Trung Quốc.

Các biện pháp xét nghiệm PCR hiện chỉ áp dụng với các chuyến bay xuất phát từ Hoa lục, nên có những lo ngại về việc nhập cảnh qua đường vòng từ Hồng Kông hoặc Macao. Tuy nhiên, theo ủy ban tư vấn ứng phó khủng hoảng bệnh truyền nhiễm Nam Hàn, các chính sách bổ sung có thể được đưa ra dựa trên xu hướng dịch trong tương lai.


Nam Hàn và Mỹ Thảo Luận Tập Trận Nguyên Tử Giữa Căng Thẳng Với Bắc Hàn


(Hình: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol.)

- Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol cho biết rằng Nam Hàn và Hoa Kỳ đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng vũ khí nguyên tử của Mỹ, trong khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un gọi Nam Hàn là “kẻ thù rõ ràng”trong việc làm bùng phát căng thẳng xuyên biên giới.

Bình luận của ông Yoon, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo hôm thứ Hai, được đưa ra sau khi ông kêu gọi “chuẩn bị chiến tranh”với khả năng “áp đảo”, sau một năm được đánh dấu bằng số vụ thử phi đạn kỷ lục của Bắc Hàn và sự xâm nhập của máy bay không người lái của Bắc Hàn vào miền Nam hồi tuần trước.
“Vũ khí nguyên tử là của Mỹ, nhưng việc lên kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện nên được Nam Hàn và Mỹ cùng tiến hành”, ông Yoon nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo.

Tờ báo dẫn lời ông Yoon nói rằng việc lập kế hoạch và các cuộc tập trận chung nhằm mục đích khai triển hiệu quả hơn việc “răn đe tăng cường”của Mỹ và rằng Hoa Thịnh Ðốn cũng “khá tích cực”về ý tưởng này.

Thuật ngữ “răn đe tăng cường”có nghĩa là khả năng của quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là lực lượng nguyên tử, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh của Hoa Kỳ.

Khi được hỏi về bình luận của ông Yoon, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài nói rằng “chúng tôi không có gì để thông báo hôm nay”, đồng thời nói thêm rằng liên minh vẫn “vững chắc”.

Bình luận của ông Yoon được công bố một ngày sau khi truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin rằng lãnh tụ Kim kêu gọi phát triển phi đạn-đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và “tăng theo cấp số nhân”kho vũ khí nguyên tử của nước này.

Mối quan hệ liên Triều từ lâu đã căng thẳng nhưng thậm chí còn căng thẳng hơn kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5 với cam kết có một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn.

Bắc Hàn hôm Chủ Nhật (1/1) đã bắn một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông, trong một vụ thử vũ khí hiếm hoi vào đêm khuya vào ngày đầu năm mới, sau vụ phóng 3 phi đạn-đạn đạo hôm thứ Bảy (31/12/2022).


Trung Quốc Dự Kiến Đưa Hàng Không Mẫu Hạm Phúc Kiến Chạy Thử Trên Biển Trong Năm Nay



(Hình: Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc hạ thủy hôm 17/6/2022.)

Trung Quốc dự kiến đưa hàng không mẫu hạm thứ ba của nước này mang tên Phúc Kiến chạy thử trên biển trong năm 2023.
Tờ Tiền Phong dẫn lời Phó hạm trưởng chiếc tàu – Qian Shumin trong video đăng tải ngày 3/1/2023 rằng trong năm mới, chúng tôi tập trung cho các chuyến thử nghiệm trên biển và tiếp tục góp phần thực hiện những mục tiêu trăm năm của quân đội.

Tàu Phúc Kiến là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn bởi kỹ thuật nội địa, so với hai chiếc trước đó là Liêu Ninh và Sơn Đông có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Tàu này hiện đại tương đương hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.
Tàu Phúc Kiến dự kiến sẽ thường xuyên hiện diện ở eo biển Đài Loan, và chắc chắn sẽ đóng vai trò đáng kể nếu xung đột xảy ra ở khu vực này.

Hôm 17 tháng 6, hãng tin Reuters đưa tin Trung Quốc đã tổ chức lễ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba mang tên Phúc Kiến. Động thái trên diễn ra chỉ mấy ngày sau khi ông Tập Cận Bình ký Sắc lệnh cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện chiến dịch quân sự ở ngoại quốc.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự do ngay trong ngày 17/6, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và quan hệ quốc tế, cho biết với việc Trung Quốc có thêm hàng không mẫu hạm thứ ba, cán cân quân sự ở khu vực lệch hẳn về Bắc Kinh.
“Nếu mà so sánh trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Biển Đông thì rõ ràng là không có quốc gia nào ở khu vực này có thể theo kịp được với Trung Quốc. Gần đây Trung Quốc tuyên bố về những máy bay như J20, rồi đến bây giờ với cái hàng không mẫu hạm như vậy thì rõ ràng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở trên biển đã vượt trội rất nhiều lần so với các quốc gia Đông Nam Á”.


Biển Đông: Trọng Tâm Chuyến Thăm Trung Quốc của Tổng Thống Phi Luật Tân

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. hôm 3/1/2023, đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc ba ngày. Tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh là tâm điểm trong số các chủ đề thảo luận của nguyên thủ Phi Luật Tân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Reuters, đây sẽ là lần gặp trực diện thứ hai giữa Tổng thống Phi Luật Tân và Chủ tịch Trung Quốc sau cuộc gặp hồi trung tuần tháng 11/2022 ở Vọng Các, Thái Lan. Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh Manila bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng và “bủa vây”của các tàu Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông. Đây sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận giữa ông Marcos và Tập Cận Bình, theo khẳng định của Ngoại trưởng Phi Luật Tân trong tuần rồi.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân, hôm thứ Sáu, 30/12/2022, lại không đề cập đến vấn đề Biển Đông, nhưng tuyên bố chuyến thăm này của ông Marcos “sẽ tập trung vào việc trao đổi những quan điểm sâu sắc về quan hệ song phương, cũng như những mối bận tâm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế”. Cũng theo ông Uông Văn Bân, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và văn hóa, nhằm hình thành một “kỷ nguyên vàng”.

Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Marcos còn nhằm giúp tái cân bằng chính sách đối ngoại của Phi Luật Tân, bị cho là quá gần gũi với Trung Quốc và rời xa Hoa Kỳ dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.


Reuters nhắc lại, Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, con đường giao thương trọng yếu và hiện đang trở thành khu vực đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.


Quốc Hội Mỹ Nhóm Họp Với Phe Cộng Hòa Chiếm Đa Số ở Hạ Viện

Kỳ họp thứ 118 của Quốc hội Hoa Kỳ mở ra hôm 3/1/2023.
Sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022, đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện, nhưng phe Cộng hòa nay chiếm đa số sít sao ở Hạ viện.

Ngoài việc huy động đủ 218 phiếu bầu để nắm chức Chủ tịch Hạ viện, đảng Cộng hòa cũng dự tính thảo luận lại nhiều biện pháp đã được thông qua từ hai năm qua. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin:

Đảng Cộng hòa không muốn mất thời gian. Trước khi các Nghị sĩ quay trở lại làm việc vào thứ Ba (3/1), nhiều tài liệu đã được lưu hành, tiết lộ chương trình cũng như những ưu tiên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ngay trong 2 tuần đầu tiên, phe Cộng hòa muốn thảo luận về các Dự luật liên quan đến nhập cư, tội phạm, năng lượng hay về vấn đề phá thai. Tổng cộng, 8 Dự luật đã sẵn sàng cho các cuộc tranh luận.

Phe Cộng hòa cũng mong muốn thông qua một luật cấm việc sử dụng đến kho dự trữ dầu khí chiến lược nếu không có kế hoạch gia tăng sản xuất dầu khí trên lãnh thổ liên bang. Bởi vì năm nay, họ đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Joe Biden về việc sử dụng đến kho dự trữ khi giá nhiên liệu tăng vọt.

Các Nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng muốn thông qua các biện pháp khắt khe hơn về vấn đề nhập cư để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay ở biên giới với Mêhico.

Các Dự luật đó gần như không có cơ may nào được thông qua ở Thượng viện, hiện vẫn do phe Dân chủ kiểm soát. Nhưng điều này cho thấy nghị trường nước Mỹ có thể sẽ gặp nhiều sóng gió trong 2 năm tới.

Với đa số tuy sít sao ở Hạ viện, đảng Cộng hòa có được tiếng nói áp đảo và muốn sử dụng ưu thế này để bảo vệ lập trường của họ cũng như huy động cử tri của họ cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024.


Đầu Năm 2023: Việt Nam Giã Từ Sổ Hộ Khẩu Sau Hơn Nửa Thế Kỷ!



(Hình: Sổ hộ khẩu.)

- Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Việt Nam bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu đối với toàn dân và thay bằng sổ hộ khẩu điện tử.
Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại kể từ năm 1964 khi Chính phủ ban hành Nghị định về hệ thống hộ khẩu chính thức áp dụng trên toàn quốc, sổ hộ khẩu bị cho là gây nhiều phiền phức cho người dân trong gần như tất cả mọi hoạt động sinh hoạt đời thường, từ mua thực phẩm (thời bao cấp), đến đăng ký khai sinh, cho con đi học, kết hôn, báo tử….

Ngày 13/1/2020, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo Luật này, “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022”.

Theo quy định mới, người dân muốn chứng minh về thông tin cư trú, thay vì dùng sổ hộ khẩu, sẽ dùng các giấy tờ khác để chứng minh bao gồm: căn cước công dân (hoặc giấy chứng minh nhân dân), giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


2023, Sẽ Là Năm Đen Tối Cho Các Chế Độ Độc Tài!

(Thụy My)

Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn trong năm 2023. Vladimir Putin có thể bại trận ở Ukraine, Tập Cận Bình lao đao với Covid…. Việc triệt tiêu phản biện nhằm tập trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là nguyên nhân của những sai lầm. Liệu các chế độ độc tài này có thể sống sót?

Ukraine Lan Tỏa Sự Can Trường

Trong bài viết đầu năm “Chúc mừng 2023: Từ ngưỡng mộ đến cảm hứng”, báo Les Echos cho rằng sự hứng khởi mà người Ukraine, phụ nữ Iran và phong trào phản kháng ở Trung Quốc mang lại là một món quà cho năm 2023.

Chừng như năm này qua năm nọ, mức độ những xáo trộn ngày càng rộng lớn hơn. Trong năm 2022, chúng ta phải đối mặt với cuộc chiến tranh Ukraine, lạm phát và lãi suất tăng lên, giá năng lượng tăng vọt, và năm qua thời tiết nóng chưa từng thấy. Nhưng năm 2022 cũng mang lại những thông điệp rất tích cực về khả năng con người đối phó với nghịch cảnh.

Trước hết là người dân Ukraine. Bị xâm lăng, tra tấn, bạo hành, họ vẫn trụ vững. Họ quyết tâm bảo vệ tổ quốc, bình thản đối phó trong điều kiện không được sưởi ấm, không điện và thường là không có nước sinh hoạt. Tiếp đến là nữ giới Iran dám đương đầu với chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo từ nhiều tháng qua. Cuối cùng là người biểu tình Trung Quốc, đã buộc Tập Cận Bình phải từ bỏ chính sách “zéro Covid”. Tất cả cho thấy lòng can đảm có thể lây lan, bắt đầu từ một ít cá nhân và rồi lan rộng cho quần chúng.

Trung Quốc Khó Thể Ngoi Lên Thành Siêu Cường Số 1 Thế Giới

Bài xã luận “Chào mừng năm 2023”của báo La Croix ghi nhận nếu năm 2023 bắt đầu trong không khí lễ hội với pháo bông tưng bừng và một triệu người chen chúc trên đại lộ Champs-Élysées, thì chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine, di dân tiếp tục ra khơi ở Địa Trung Hải. Báo Les Echos cho rằng vẫn có “những lý do để tin tưởng”, sau một mùa Đông Covid dài dằng dặc làm đông cứng nền kinh tế, một năm của chiến tranh, khủng hoảng năng lượng.

Một năm mới mở ra với mối đe dọa suy thoái, biến thể mới của Covid; cuộc chiến ở Âu Châu vẫn tiếp diễn và biết đâu mai này đến lượt Đài Loan…. Nhưng bên cạnh đó có một số điều chắc chắn: Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc thành nước đông dân nhất thế giới, và một nỗi đau khác cho chế độ Tập Cận Bình là từ nay Trung Quốc khó thể hy vọng soán ngôi đại cường số một thế giới của Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh vẫn mơ đến để chứng tỏ tính ưu việt đối với một phương Tây đang “suy tàn”. Ở phương Tây, Âu Châu đương nhiên là yếu đi vì cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng không còn quá ngây thơ. Và trong bối cảnh rối ren hiện nay, những chế độ toàn trị cho thấy họ đang đi vào ngõ cụt.

Giáo Hoàng Benedicto XVI, Nhà Thần Học Khiêm Nhu

Nhân dịp đầu năm mới, báo Les Echos nêu ra những thách thức cho Tổng thống Emmanuel Macron trong năm 2023: Cải cách chế độ hưu, sức mua, năng lượng. Báo Libération đăng hình vẽ ông Macron mặc veste, thắt cà vạt nói lời chúc mừng năm mới, nhưng nửa người lộ ra phía dưới bàn là quần short đi biển, và hai quạt máy hai bên đang thổi vào đôi chân trần mang dép. Tờ báo chạy tựa “Khí hậu: Quá nóng trong tương lai”.

Hình ảnh Đức Giáo hoàng Benedicto XVI vừa tạ thế vào ngày cuối cùng trong năm ở tuổi 95 được hai báo Le Figaro và La Croix hôm 2/1/2023 cùng đưa lên trang nhất. Tờ báo cánh hữu nhấn mạnh đến “Đức tin và trí tuệ”, nhật báo công giáo chạy tít “Benedcito XVI: Giáo hoàng và nhà thần học”, dành hẳn 12 trang báo khổ lớn. Thụ phong linh mục ngay sau khi đại chiến thế giới kết thúc, giảng dạy Đại học trong suốt ba thập niên, Joseph Ratzinger chú tâm cho nghiên cứu thần học và rất bất ngờ khi được phong tổng giám mục rồi Hồng y, và rốt cuộc được bầu làm Giáo hoàng.

Báo La Croix cho rằng Benedicto XVI là “Giáo hoàng của những nghịch lý”. Sẽ là bất công nếu chỉ nhớ đến việc từ chức của ngài – một quyết định bất ngờ mang tính lịch sử cách đây mười năm. Không ai hình dung ra một nhân vật được cho là bảo thủ lại có hành động hiện đại như thế. Là người trung thành với Công đồng Vatican II, lẽ ra ngài phải bênh vực di sản truyền thống. Một nhân vật nhiều ảnh hưởng, nhưng chưa bao giờ tìm kiếm quyền lực. Một nhà thần học vĩ đại, nhìn thấy trước các tệ nạn tham nhũng, lạm dụng tình dục, nhưng không ngăn cản nổi.

Bắc Kinh Đại Bại Sau Ba Năm “Zero Covid”

Trang nhất báo Le Monde nói về “Covid-19: Tại Trung Quốc, ba năm chính sách y tế thảm hại”, và ở trang trong nhấn mạnh đến “Thất bại của những năm zero Covid tại Trung Quốc”. Bắc Kinh đã phải đột ngột từ bỏ một chính sách y tế không thể chịu đựng nổi về mặt tài chánh và xã hội. Sự im lặng của bộ máy tuyên truyền đôi khi nói lên nhiều điều, chính sách này không hề được báo chí nhà nước nhắc đến từ ngày 7/12/2022. Mỗi một ngày trôi qua, Trung Quốc càng trượt dài xuống vực thẳm.

Tờ báo ví von, cũng như mọi bi kịch, sự việc diễn ra theo 3 hồi: Chiến thắng năm 2020, hoang mang năm 2021 và thất bại đau đớn năm 2022. Tập Cận Bình từng lên mặt tuyên bố: “Covid là trắc nghiệm lớn cho năng lực quản lý đất nước”khi phương Tây lao đao vì virus từ Vũ Hán. Trung Quốc dùng “ngoại giao vắc-xin”, “ngoại giao khẩu trang”để bắt bí các nước.

Và như để cố chứng minh Covid đến từ bên ngoài, sau khi đóng cửa không phận ngày 27/3/2020, Bắc Kinh lần lượt khẳng định tìm thấy dấu vết con virus trên các sản phẩm nhập cảng. Cá hồi Na Uy rồi Chí Lợi, thịt bò Á Căn Ðình hay Tân Tây Lan, thịt heo Mỹ, tôm và cá nục Ecuador, chân gà và mực của Nga, cá Nam Dương và ngay cả những lon bia Mỹ… không thể kể hết. Trung Quốc thi hành một chính sách không giống ai là chỉ chích ngừa cho người 18-59 tuổi, thay vì ưu tiên cho người lớn tuổi và nguy cơ cao.

Nay các nhà tang lễ ở nhiều thành phố Hoa lục đều quá tải, một cái tát cho chế độ. Đổ ra quá nhiều tiền của, công sức cho việc xét nghiệm và phong tỏa cư dân, chính quyền địa phương không còn có thể đầu tư vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt, thuốc men cũng thiếu thốn. Đảng đang trong ngõ cụt, nhưng không thể nhìn nhận. Lãnh đạo thì “không bao giờ sai”, và đáng buồn thay, không hề chuẩn bị kế hoạch B.

Gia Nã Ðại Đối Đầu Trực Diện Với Trung Quốc

Trên lãnh vực ngoại giao, báo Le Figaro cho biết quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh sẽ còn căng thẳng lâu dài. Bắt đầu từ vụ Gia Nã Ðại bắt giữ Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), Giám đốc Tài chánh của Hoa Vi (Huawei) theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh bèn bắt giữ một doanh nhân và một nhà cựu ngoại giao Gia Nã Ðại, đồng thời đe dọa trả đũa công dân nước này sống tại Hồng Kông. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ gốc Hoa trên khắp Gia Nã Ðại bị sách nhiễu. Bắc Kinh lũng đoạn chính trường, gián điệp kỹ nghệ Trung Quốc len lỏi vào các trường Đại học. Sinh học dược phẩm, y tế, trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật lượng tử, kỹ thuật hải dương và không gian bị dòm ngó nhiều nhất.

Ottawa quyết định không thể để Trung Quốc tiếp tục lộng hành. Bắc Kinh lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên Gia Nã Ðại, trong khi 72% xuất cảng của Gia Nã Ðại là vào Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Gia Nã Ðại công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm cắt đứt với Trung Quốc, tái định hướng thương mại sang Ấn Độ và Đông Nam Á.

Quốc Hội Nga Lập Kỷ Lục: Thông Qua Trên 650 Đạo Luật

Tại Nga, báo Le Monde nhận thấy Viện Douma (Quốc hội Nga) trong năm 2022 đã vội vã thông qua một loạt kỷ lục những đạo luật trấn áp, liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine. Ở một đất nước mà Tổng thống quyết định hầu như tất cả, có những chuyện khó thể hình dung. Trong năm qua, Douma đã thông qua 653 Dự luật, “số lượng lớn nhất trong lịch sử Quốc hội, một kỷ lục kể từ khi Liên Xô không còn tồn tại”- Chủ tịch Viatchelav Volodine tự hào tuyên bố trong kỳ họp cuối. Phiên họp mùa Đông năm nay giống như một cuộc chạy đua nước rút, để đưa ra hàng loạt đạo luật được coi là ưu tiên.

Chẳng hạn một luật bỏ tù có thể đến chung thân về việc xúi giục phá hoại, được soạn để chống lại các vụ đốt những trung tâm tuyển mộ của quân đội, hoặc một luật khác cho phép cơ quan tình báo FSB được tham khảo dữ liệu các ứng dụng gọi taxi để theo dõi sự di chuyển của công dân. Trong vòng một tuần lễ, ba Dự luật khác được đồng loạt thông qua: Cấm sử dụng từ ngoại quốc nếu tiếng Nga có tương đương, phạt đến 5 năm tù nếu xúc phạm ruy-băng Saint-George thời Sa hoàng. Hoặc coi việc đưa ra những bản đồ trình bày biên giới Nga không đúng đắn là “cực đoan”, tuy những đường biên này vẫn co giãn trước cuộc phản công của quân đội Ukraine tại những lãnh thổ vừa bị Putin sáp nhập.

Năm Mới 2023 và Viễn Cảnh U Ám Cho Các Chế Độ Toàn Trị

Nhìn chung, báo Les Echos cho rằng năm nay sẽ là một năm đen tối cho các chế độ độc tài. Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, bốn chế độ này cùng đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại, như một trò đùa éo le của lịch sử. Tờ báo đặt câu hỏi, ai có thể chắc chắn rằng Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Ali Khamenei và Recep Tayyip Erdogan vẫn có thể nắm quyền trong vòng một năm nữa? Tất cả đang đứng trước những cuộc khủng hoảng lớn, tuy tính chất khác nhau nhưng có cùng một nguyên nhân.

Trước hết, ông chủ Ðiện Cẩm Linh có nguy cơ lớn sẽ bại trận ở Ukraine. Quân đội Nga với vô số khuyết điểm từ tổ chức, hậu cần, thiếu thốn trang bị vì nạn trộm cắp và tham nhũng, đã bị mất đến phân nửa số xe tăng. Số lính tử trận trong 10 tháng qua cao hơn cả 10 năm can thiệp vào A Phú Hãn, và không chiếm nổi một địa phương quan trọng nào kể từ cuối tháng Sáu. Vũ khí cuối cùng còn hiệu quả là Pháo binh thì đã phải vét cạn kho, những phi đạn bắn đi trong những tuần lễ gần đây còn lớn tuổi hơn những người sử dụng chúng. Và nhất là Nga chỉ dựa vào các phi đạn do Iran cung cấp, đế đối phó với Ukraine được trang bị bởi liên minh phương Tây chiếm đến 62% GDP toàn cầu.

Tập Cận Bình thì buộc lòng phải thối lui trước người dân Trung Quốc đã quá chán ngán sau ba năm phong tỏa. Những cuộc biểu tình chưa từng thấy đòi “tự do, dân chủ, Nhà nước pháp quyền”đã nổ ra, với quy mô lớn nhất kể từ 1983. Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi chiếc bẫy: đại dịch có thể bùng mạnh trong dân số có mức độ lão hóa thứ năm thế giới, ít miễn dịch tự nhiên và được chích ngừa bằng vắc-xin nội địa kém hiệu quả.

Về phần Iran, “ông thần”dường như đã ra khỏi cái chai với cuộc nổi dậy chống lại khăn quàng Hồi giáo, và nay còn muốn lật đổ chế độ. Một con số nói lên nhiều điều: GDP trên đầu người của quốc gia giàu dầu lửa này chỉ tăng gấp đôi kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979, trong khi cả thế giới tăng gấp sáu. Cũng có thể kể luôn chế độ Erdogan, 21 năm cầm quyền, lạm phát lên đến 85%.

Dập Tắt Phản Biện: Các Nhà Độc Tài Tự Hại Chính Mình

Tất nhiên những chế độ này vẫn có thể may mắn sống sót. Ðiện Cẩm Linh có thể cho động viên và huấn luyện hàng trăm ngàn tân binh để “đóng băng”các chiến tuyến. Đợt dịch Covid có thể sát hại ít người hơn ở Hoa lục, các giáo sĩ khủng bố được người dân, nhất là ở Iran không có một tổ chức chính trị nào có khả năng giành được quyền lực. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ chính của Erdogan sắp bị Tư pháp cấm tham chính, và bản thân ông đã thắng 14 cuộc bầu cử liên tiếp….

Nhưng lý lẽ cho rằng độc tài hiệu quả hơn dân chủ - vì phải đối phó với phản biện và tìm kiếm thỏa hiệp - trong những cuộc khủng hoảng lớn, đã hoàn toàn sụp đổ. Bởi vì chế độ Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Tehran, Ankara hoàn toàn chịu trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng nay đang đe dọa họ. Các chế độ này tự húc đầu vào tường: Putin quyết định xâm lăng Ukraine với lý lẽ “dân tộc Nga và Ukraine là một”, Bắc Kinh tự bập vào chiếc bẫy zero Covid vô nghĩa, các giáo sĩ bám chặt lấy giáo điều về khăn choàng Hồi giáo dù dân chúng không còn chấp nhận. Còn chủ thuyết “Erdoganomic”- chống lạm phát bằng cách giảm lãi suất - cũng chẳng khác nào thuật chiêm tinh.

Trong mỗi quốc gia trên, chính việc triệt tiêu phản biện nhằm tập trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là nguyên nhân của những sai lầm. Tập Cận Bình là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, vừa là chủ nhiệm Quân ủy Trung ương. Erdogan là Tổng thống kiêm Chủ tịch đảng AKP chiếm đa số trong chính phủ và Quốc hội, giáo chủ Ali Khamenei nắm quyền tối thượng trên cả nước. Còn Vladimir Putin, Tổng thống Nga, trên thực tế thâu tóm mọi quyền hành và không nghe bất kỳ ai. Trước khi xâm lăng Ukraine, chủ trì một cuộc họp với các Bộ trưởng và Cố vấn nói năng lắp bắp vì sợ, ông ta bỏ ngoài tai khuyến cáo của các nhà kinh tế giỏi nhất, cảnh báo về thảm họa.

Báo Les Echos cho rằng năm 2023 có thể nhắc nhở các nhà độc tài câu nói của nhà Sử học Cổ đại Hy Lạp Hérodote về sự ngạo mạn: “Hãy nhìn những ngôi nhà và cả những cây cao nhất: Tia sét luôn giáng xuống chúng vì ông trời buộc những gì nhô cao quá đáng phải hạ mình xuống”.


Viễn Cảnh U Ám, Khá Căng Thẳng Trên Bán Đảo Triều Tiên Năm 2023

(Anh Vũ)
Bước sang năm mới 2023, tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng thêm. Sau các vụ bắn thử phi đạn liên tiếp của Bắc Hàn, hôm thứ Hai (2/1) lần đầu tiên Tổng thống Nam Hàn thông báo chuẩn bị “tập trận nguyên tử”chung với Hoa Kỳ, những dấu hiệu cho thấy bán đảo Triều Tiên khó mà có được một năm yên bình.

Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giới thiệu bài trên France 24 ghi nhận những phân tích của các chuyên gia xung quanh những dấu hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trên bán đảo Triều Tiên, năm 2023 được khởi đầu bằng một chút dư âm của năm 2022. Sau gần một năm đều đặn bắn thử phi đạn, Bắc Hàn ngày đầu năm mới 1/1/2023 tiếp tục bắn một phi đạn tầm ngắn. Trước đó một hôm, Bình Nhưỡng đã khép lại năm cũ bằng ba vụ bắn thử phi đạn.

Ngày Chủ Nhật (1/1), lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un hứa hẹn năm 2023 cũng sẽ giống như năm 2022 về kỷ lục bắn thử phi đạn. Ông kêu gọi tăng gấp bội kho vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn trong năm nay bằng việc khai triển “chế tạo hàng loạt”các phi đạn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Trong bài diễn văn, lãnh đạo Bắc Triểu Tiên không ngần ngại coi Nam Hàn là “mục tiêu”. Đó là những lời lẽ có hệ quả nặng nề. Theo Christoph Bluth, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học Bradford, Anh Quốc, “thường lệ, Kim Jong Un vẫn tránh các ngôn từ như vậy vì thấy cần phải duy trì ý tưởng ‘thống nhất hai miền anh em’“.

Thế nhưng, những ngày qua, một loạt yếu tố chưa từng có tiền lệ cho thấy “chúng ta đang ở trong tình hình rất lo ngại”, như nhận định của ông Danilo delle Fave, nhà nghiên cứu về quan hệ hai miền Triều Tiên tại International Team for the Study of Security (ITSS) Verona, một cơ quan tư vấn an ninh quốc tế.

Trước tiên là sự kiện Bình Nhưỡng đưa 5 drone vào không phận Nam Hàn hôm 27/12 trêu ngươi hệ thống phòng không của Hán Thành. Christoph Bluth lưu ý: “Bắc Hàn muốn chứng tỏ họ có thể thành công trong lĩnh vực mà người láng giềng Nam Hàn vẫn chưa thể hiện được khả năng, dù có trình độ kỹ thuật cao hơn”,

Đặc biệt là việc Tổng thống Nam Hàn Yoon Seok-yeol đã có những phát ngôn rất chủ chiến trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Chosun Ilbo hôm thứ Hai. Trong cuộc phỏng vấn này, ông khẳng định Nam Hàn phải “chuẩn bị tích cực”cho một cuộc xung đột, đồng thời quả quyết rằng Hán Thành dự tính tiến hành “các cuộc diễn tập nguyên tử chung với Hoa Kỳ”.

Thực sự đây là “thời kỳ chưa từng có”với Nam Hàn cũng như với Hoa Thịnh Ðốn, chuyên gia Danillo delle Fave nhấn mạnh. Nhưng Christoph Bluth lưu ý “điều đó không có nghĩa là sắp tới Hán Thành định trang bị vũ khí nguyên tử”.

Đó chỉ là diễn tập giả định một cuộc tấn công nguyên tử của Bắc Hàn, để chuẩn bị khả năng đáp trả, “bằng cả vũ khí quy ước lẫn nguyên tử”, theo Danilo delle Fave. Hoa Thịnh Ðốn sẽ huấn luyện cho đồng minh Á Châu cách hỗ trợ và khai triển một cuộc phản công nguyên tử nhắm vào Bắc Hàn bằng vũ khí Mỹ từ đất Nam Hàn.

“Đây là lần đầu tiên một nước không thuộc khối NATO được huấn luyện như vậy để biết cách sử dụng vũ khí nguyên tử Mỹ”, chuyên gia Danillo delle Fave nhận định.

Theo nhật báo Chosun Ilbo, Hoa Thịnh Ðốn có lẽ muốn để ngỏ viễn cảnh này. Nhưng chính quyền Mỹ đã không chính thức xác nhận, theo ghi nhận của Reuters. Tối hôm thứ Hai, khi được một phóng viên hỏi tại Tòa Bạch Ốc có hay không các cuộc thảo luận giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ về diễn tập nguyên tử chung, Tổng thống Joe Biden đã phủ nhận.

Yoon Seok-Yeol, Tổng Thống Quá Rắn?

Dù các cuộc tập trận như vậy chỉ là viễn cảnh, đây cũng đã là sự khiêu khích và là một tín hiệu của Hán Thành gửi đến Bình Nhưỡng. “Đó là để cho Bắc Hàn hiểu rằng trong trường hợp bị tấn công, có thể sẽ có sự đáp trả bằng vũ khí nguyên tử dù Nam Hàn không có loại vũ khí đó”, chuyên gia Christoph Bluth ghi nhận. Chuyên gia Danillo delle Fave phân tích: “Một trong những lo sợ chính của chế độ Bình Nhưỡng là người láng giềng miền nam được trang bị năng lực nguyên tử”.

Trong trường hợp này, các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ giúp cho Hán Thành vừa thể hiện được sức mạnh nguyên tử, đồng thời về mặt chính thức vẫn giữ được vị thế là quốc gia không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thông báo nói trên minh họa rõ nét thế tấn công của Tổng thống Yoon Seok-yeol đối với Bắc Hàn từ khi ông lên nắm quyền tháng 5/2022. “Chính phủ bảo thủ của Yoon Seok-yeol đã dũ bỏ hoàn toàn chính sách ngoại giao cởi mở của người tiền nhiệm thuộc phái tự do. Leo thang căng thẳng hiện nay phần nào là kết quả của cách tiếp cận cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Hàn”, ông Danillo delle Fave khẳng định.

Tổng thống Yoon Seok-yeol thậm chí cho biết ông dự tính trở lại xem Bắc Hàn là “kẻ thù”trong sách trắng về an ninh quốc gia, cụm từ đã được bỏ từ năm 2018.

Hiếm khi Hán Thành thể hiện trước vai trò làm xấu đi quan hệ hai miền. Thường là phải cả hai phía mới dẫn đến khủng hoảng. Đúng là Kim Jong Un không ngừng mang phi đạn có khả năng tấn công Nam Hàn để đe dọa. Nhưng đồng nhiệm Nam Hàn cũng không làm gì nhiều để hạ nhiệt ý đồ chủ chiến của nhà độc tài Bắc Hàn.

Trên thực tế, lãnh đạo Bắc Hàn bị rơi vào thế kẹt từ cuộc gặp thượng đỉnh 2018 với Donald Trump, theo Christoph Bluth. “Ông John Bolton (một Cố vấn An ninh của Donald Trump) đã đặt ra nguyên tắc là Bắc Hàn phải hủy toàn bộ chương trình nguyên tử của họ trước khi được giảm trừng phạt, điều mà Bình Nhưỡng tuyệt đối không thể chấp nhận”, chuyên gia này giải thích.

Trước thái độ không khoan nhượng của chính quyền Trump và chính quyền Biden ưu tiên đối phó Nga và Trung Quốc, Bắc Hàn đã chọn cách “tăng áp lực đối với Nam Hàn với hy vọng Hán Thành sẽ thúc đẩy đồng minh Mỹ giảm nhẹ lập trường với Bình Nhưỡng”, ông Christoph Bluth nhận định.

Căng Thẳng: Chuẩn Mực Mới Trên Bán Đảo Triều Tiên?

Nhưng Kim Jong Un đã mắc sai lầm trong tính toán. “Yoon Seok-yeol không phản ứng giống như dự tính, mà trái lại Tổng thống Nam Hàn lại thúc Hoa Thịnh Ðốn can dự mạnh hơn về mặt quân sự trong vùng”, chuyên gia của Đại học Bradford phân tích.

Tổng thống bảo thủ Nam Hàn định lợi dụng mối đe dọa Bắc Hàn để có thêm vũ khí Mỹ và hiện tại người ta chứng kiến Nam Hàn đang quân sự hóa.

Tuy nhiên, không chuyên gia nào được France 24 phỏng vấn nhận định rằng sự leo thang căng thẳng này sẽ dẫn đến xung đột mở trên bán đảo Triều Tiên. “Bắc Hàn không thể tự cho phép mình đi quá xa, bởi họ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không để họ làm thế, vì biết Mỹ có đủ phương tiên để chiến thắng Bình Nhưỡng về quân sự”, chuyên gia Danillo delle Fave kết luận. Theo ông, hai miền Triều Tiên ít nhiều đang chơi trò nguy hiểm: “Nguy cơ là một sự việc không may có thể khiến tình hình trở nên không kiểm soát được”.

Ngay cả nếu không có biến cố xảy ra, thì “sự đối đầu giữa một Bắc Hàn không ngần ngại thử phi đạn-đạn đạo và một Nam Hàn ngày càng tỏ ra không khoan nhượng về ngoại giao có nguy cơ trở thành chuẩn mực mới trên bán đảo Triều Tiên”, chuyên gia Christoph Bluth lo ngại.


Bóng Đen Covid -19 Trở Lại: Nhiều Nước Tăng Cường Kiểm Soát Khách Đến Từ Trung Quốc

(Anh Vũ)
Tình hình lây nhiễm Covid 19 tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu dịu xuống, chính quyền Bắc Kinh dường như vẫn thả nổi dịch sau khi đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch ngặt nghèo. Bóng đen của những ngày đầu đại dịch năm 2020 đang trở lại khi thế giới vừa bước sang năm mới 2023.

Dịch Covid vẫn tiếp tục căng thẳng đang khiến phần còn lại của thế giới lo lắng. Những ngày qua, hàng loạt các nước từ Á Châu, qua Mỹ Châu rồi Âu Châu, hay Phi Châu đã lần lượt thông báo các biện pháp tăng cường kiểm soát du khách đến từ Trung Quốc. Sau Nhật Bản, Mã Lai Á, Nam Hàn, Mỹ, Gia Nã Ðại.... Trong ngày đầu năm mới, Úc Ðại Lợi thông báo từ ngày 5/1 áp dụng biện pháp bắt buộc những du khách đến từ Trung Quốc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid mới được nhập cảnh.

Riêng với nước Pháp thì biện pháp kiểm soát phòng dịch trên với những người đến từ Trung Quốc có hiệu lực ngay từ ngày 1/1. Đích thân Bộ trưởng Y tế Pháp François Baume đã ra tận phi trường quốc tế Charles de Gaulle để kiểm tra việc khai triển quyết định, để chứng tỏ tính chất quan trọng của sự việc. Tất cả các nước đều ý thức rõ được mối đe dọa Covid mới, khẳng định phải có những biện pháp phòng xa trước tình hình bùng phát Covid dường như không kiểm soát được tại Trung Quốc.

Chính phủ Gia Nã Ðại lý giải cho các biệt pháp siết chặt kiểm soát y tế với khách đến từ Trung Quốc là để “đối phó với làn sóng Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và vì lý do có ít dữ liệu dịch tễ và giải trình tự gien của các ca nhiễm mới”, trích thông cáo của Bộ Y tế Gia Nã Ðại. Một số nước khác như Maroc còn áp dụng các biện pháp triệt để hơn là đóng cửa hoàn toàn với các du khách đến từ Trung Quốc từ ngày 3/1.

Liên Hiệp Âu Châu, có đường biên giới rộng lớn và có nhiều cửa vào nhất, đến ngày thứ Tư tới sẽ phải ra quyết định có áp đặt các biện pháp kiểm soát đồng bộ hay không. Một lần nữa, như cách đây 3 năm, Liên Hiệp Âu Châu (EU) lại có vẻ chậm trễ trong việc tìm ra một chiến lược chung kiểm soát dịch, trong khi các nước thành viên như Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi hay Pháp đã chủ động thông báo các biện pháp kiểm soát phòng dịch của mỗi nước từ hôm 30/12 và mong đợi các biện pháp hạn chế sẽ của họ được áp dụng đồng bộ trên quy mô toàn khối, như vậy thì mới hiệu quả thực sự.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu vẫn còn cân nhắc. Bá Linh, Lisbon hay Vienna đều tỏ ý các biện pháp hạn chế trở lại với du khách Trung Quốc là không cần thiết trong hoàn cảnh độ phủ vắc-xin trong Liên Hiệp đã đạt khá cao. Đằng sau những lập luận đó là nỗi lo thiệt hại kinh tế khi mà Liên Hiệp Âu Châu đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc.

Thực ra những biện pháp hạn chế mà các nước vừa thông báo đều đã được áp dụng ở vào thời điểm Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc bùng lên thành đại dịch lan ra cả thế giới hồi đầu năm 2020.

Nhưng các ứng phó của các nước trước tình hình dịch Covid ở Trung Quốc, như mọi khi, khiến Bắc Kinh không hài lòng. Truyền thông chính thức của Trung Quốc lên án các biện pháp hạn chế vùa được nhiều nước ban hành đối với du khách đến từ Trung Quốc là “không có cơ sở và phân biệt đối xử”.

Về phần Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng Giám đốc định chế ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những phản ứng của các nước là “có thể hiểu được”, nhất là khi mà những thông tin về tình hình dịch ở trong nước không được chính quyền Bắc Kinh công bố đầy đủ và chính xác.

Từ giữa tháng 12/2022, Trung Quốc quay ngoắt, hủy bỏ chính sách kiểm soát hà khắc “zero Covid”, một làn sóng lây nhiễm chưa từng có đã bùng lên khắp cả nước, gây tình trạng hệ thống y tế quá tải, tử vong số lượng lớn. Thế nhưng đến giờ chính quyền vẫn chỉ xác nhận chỉ có khoảng hơn 5000 ca nhiễm mỗi ngày và con số chết cũng chỉ vài chục ca, những số liệu quá xa với thực tế,

Diễn biến dịch Covid-19 tại Trung Quốc lúc này có một chút giống với tình hình hồi đầu năm 2020, tuy hoàn cảnh thế giới bây giờ đã khác nhờ có vắc-xin. Hiện tại đã có ít nhất 11 quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát y tế với du khách đến từ Trung Quốc với lý do lo sợ biến thể mới hoặc do thiếu thông tin về tình hình dịch tại Trung Quốc. Nhưng có điểm chung là không nước nào muốn lại phải trả giá đắt vì mất cảnh giác.


Tin Cần Biết Từ Năm Mới 2023: Khách Ngoại Quốc Đến Âu Châu Cần Xin Giấy Phép ETIAS!

(Tuấn Thảo)

Du khách nào từng đến Hoa Kỳ đều biết đến ESTA, hệ thống điện tử cấp giấy phép du lịch vào Mỹ. Được áp dụng từ năm 2009, tài liệu này (phí 21 Mỹ kim) có hiệu lực trong vòng hai năm. Gia Nã Ðại cũng có một hệ thống tương tự (ETA). Cho dù có được miễn visa nhập cảnh, du khách nào muốn đi Mỹ đều buộc phải xin ESTA. Noi gương các nước Bắc Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) yêu cầu du khách xin giấy phép ETIAS trước khi vào khu vực Schengen, kể từ tháng 5/2023.

Theo tạp chí Géo Voyages, đáng lẽ ra hệ thống ETIAS (European Travel Information and Authorization System) được khai triển kể từ đầu năm 2023, nhưng do bị trục trặc kỹ thuật, hệ thống này trên nguyên tắc sẽ được áp dụng từ đầu tháng 5/2023. Quy định mới này không liên quan đến công dân các nước Âu Châu thuộc khu vực Schengen. Điều đó có nghĩa là bất kỳ khách nào nhập cảnh khu vực Schengen theo chương trình miễn thị thực đều bắt buộc phải xin giấy phép du lịch ETIAS.

Tương tự như ESTA của Mỹ, hệ thống điện tử ETIAS của Liên Hiệp Âu Châu cho phép các cơ quan chức năng sàng lọc khách du lịch (không phải là công dân Âu Châu) trước khi họ vào khu vực Schengen. Việc đăng ký trên mạng xin giấy phép ETIAS trở nên bắt buộc ngay cả với công dân các nước (khoảng 60 quốc gia) được miễn thị thực vào Âu Châu, trong đó có Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, vương quốc Anh. Còn công dân của các quốc gia khác muốn đi du lịch đến khu vực Schengen buộc phải xin thị thực.

Du Khách Mỹ Được Miễn Visa Nhưng Phải Xin ETIAS

Một khi được khai triển, hệ thống ETIAS trên nguyên tắc giúp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn, cải thiện an ninh trong khu vực Schengen. Khi truy cập mạng chính thức, các công dân ngoài Liên Hiệp Âu Châu được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như tên họ, ngày sinh, số sổ thông hành, nơi lưu trú, cũng như các địa điểm khách dự tính viếng thăm. Về điểm này, vé máy bay hoặc chi phí đặt phòng khách sạn có thể được xem như bằng chứng của việc tổ chức chuyến đi. Một khi tải lên mạng này bản sao của sổ thông hành và thanh toán phí đăng ký là 7 Euro, khách sẽ nhận qua email giấy phép ETIAS trong vòng 48 tiếng. Quy trình đăng ký ETIAS khá đơn giản. Người xin có thể hoàn thành thủ tục trực tuyến chỉ trong vài phút. Sau khi được cấp, giấy phép này sẽ có giá trị trong ba năm với 26 nước Schengen.

Theo trang thông tin chuyên ngành hàng không dân dụng Air Journal, việc khai triển hệ thống ETIAS có thể giúp tăng cường kiểm soát an ninh, nhưng mặt khác trong thời gian đầu có nguy cơ khiến cho các phi trường tại Âu Châu nói chung, tại Pháp nói riêng bị xáo trộn trong năm 2023. Bị suy yếu sau cú sốc kinh tế của đại dịch Covid-19, các phi trường tại Pháp vẫn đang trên đà phục hồi. Nhu cầu đi du dịch của người dân tăng rất mạnh trong khi các phi trường lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên cho các khâu tiếp đón, dịch vụ hành lý, cũng như kiểm soát an ninh. Điều đó từng tạo ra tình trạng quá tải tại phi trường Schiphol của Hòa Lan, Frankfurt của Đức, hành khách buộc phải xếp hàng rất lâu để làm thủ tục.

Quy định mới của Liên Hiệp Âu Châu về việc đăng ký xin ETIAS đối với hành khách (ngoài khu vực Schengen) từ tháng 5/2023 có lẽ sẽ không gặp vấn đề gì trong một bối cảnh thuận lợi. Thế nhưng, vào lúc các phi trường đang khan hiếm nhân sự, cũng như thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hai yếu tố này khi gộp lại, theo Air Journal, khiến các phi trường của Pháp gặp thêm khó khăn, kịch bản dòng người xếp hàng chờ đợi có nguy cơ tái diễn.

Nguy Cơ Gây Xáo Trộn Tại Các Phi Trường Âu Châu

Mặc dù theo quy định, hành khách nào muốn vào Liên Hiệp Âu Châu nên đăng ký xin trước giấy phép du lịch ETIAS (ít nhất là 48 tiếng trước khi bay). Tuy nhiên trong thời gian đầu, khi được đưa vào áp dụng, thế nào rồi hệ thống điện tử cũng có nhiều điểm thiếu sót, bất cập. Theo ban Giám đốc Hội đồng các phi trường quốc tế ACI (Airports Council International), các nước thành viên tron khu vực Schengen đang tập trung nâng cấp hệ thống trực tuyến của dự án, nhưng lại ít để ý đến việc khai triển lắp đặt thêm các thiết bị ngay tại các phi trường. Điều này có nguy cơ tạo thêm xáo trộn. Do là quy định mới, cho nên một số hành khách (từ các nước được miễn thị thực) không kịp nắm bắt thông tin, buộc phải đăng ký vào giờ chót, hoặc đến phi trường sớm hơn với hy vọng sẽ được giúp đỡ về mặt làm thủ tục xin giấy phép.

Theo hội đồng ACI, vì chưa kịp cài đặt thêm các thiết bị tin học tại phi trường, nên chăng hoãn lại việc khai triển dự án, hoặc nới lỏng các quy định áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp nhất vào những mùa cao điểm, khi các phi trường lớn như Roissy Charles de Gaulle đón tiếp (72 triệu khách mỗi năm) vào mùa cao điểm có đến hơn 1 triệu rưỡi lượt khách mỗi ngày.

Trước mắt, các phi trường lớn của Pháp không có kế hoạch hạn chế số lượng chuyến bay như trường hợp của Amsterdam Schiphol nhằm đối phó với tình trạng quá tải và thiếu nhân sự. Đồng thời, các phi trường do đang trong giai đoạn kinh doanh thu hồi vốn, hầu bù đắp thất thu của những năm trước cho nên không dành ưu tiên cho các dự án tốn kém, nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng. Một số dự án tạm thời bị đóng băng, chờ đến một thời điểm thuận lợi hơn. Theo Liên đoàn Quốc gia ngành hàng không Pháp FNAM, chỉ trong vòng 2 năm qua, các hãng hàng không đã mất số tiền lãi tương đương với 10 năm hoạt động. Vì vậy, nếu cần tìm nguồn vốn đầu tư cho các phi trường, hẳn chắc nguồn tài trợ ấy không đến từ các hãng hàng không dân dụng.

Việc khai triển quy định xin giấy phép du lịch ETIAS đối với khách ngoài Schengen cũng sẽ diễn ra một năm trước mùa Thế vận hội mùa Hè Paris 2024. Đối với Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune, mối quan tâm chính của chính phủ Pháp hiện thời là việc tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi để cho Olympic 2024 được diễn ra suôn sẻ. Trong chiều hướng đó, Bộ Giao thông Pháp cùng với Liên đoàn Quốc gia ngành hàng không Pháp FNAM đã cam kết “bảo đảm chất lượng các dịch vụ”. Tuy nhiên, theo ban Giám đốc quản lý các phi trường Pháp, bản cam kết này vẫn chỉ là một tờ giấy nếu không có quyết tâm huy động nhân viên, hay có thêm phương tiện tài chánh hầu cải thiện các dịch vụ đón khách tại phi trường, dù họ là công dân Âu Châu, hoặc đến từ ngoài khu vực Schengen.


Năm Mới 2023: Tiền, Công Cụ Để Trung Quốc Xây Dựng Một Trật Tự Thế Giới Mới?

(Thanh Hà)

Năm 2023, một năm “đầy khó khăn”. IMF dự báo “một phần ba kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào suy thoái, những biến thể của virus gây đại dịch Covid vẫn là mối đe dọa chính. Chiến tranh Ukraine không hồi kết tiếp tục làm rối loạn thị trường năng lượng và lương thực thế giới. Lạm phát thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất chỉ đạo”.

Liệu đây có là lúc ể đồng nhân dân tệ Trung Quốc đọ sức với Mỹ kim trên thị trường năng lượng thế giới?

Quẻ Bói Đầu Năm Không Mấy Tươi Sáng

Trong quẻ bói đầu năm, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kistalina Georgieva, không mấy lạc quan về viễn cảnh trong 12 tháng sắp tới với dự báo 2023 sẽ “khó khăn hơn năm cũ”, tăng trưởng tại Liên Hiệp Âu Châu, Mỹ và Trung Quốc 3 trọng tâm kinh tế toàn cầu đều “chựng lại”. Một nửa trong số 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu lâm vào “suy thoái”và “lần đầu tiên từ 40 năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc ngang bằng với tăng trưởng toàn cầu”. Chiến tranh Ukraine, tiếp tục “đè nặng”lên đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu người.

Cơ quan thẩm định tài chánh Mỹ Fitch từ đầu tháng 12/2022 giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc cho năm 2023. Bước sang những ngày đầu năm mới, hiện tượng giá dầu hỏa và khí đốt giảm không hẳn là một tin vui. Trong phiên giao dịch hôm 2/1/2022, giá khí đốt trên thị trường Âu Châu rơi xuống mức thấp nhất từ ngày 24/2/2022 khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang lãnh thổ Ukraine.

Covid sau đúng ba năm hoành hành vẫn chưa buông tha Trung Quốc. Tháng 12/2022 chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong 5 tháng liên tiếp. Báo kinh tế Caixin phát hành tại Bắc Kinh ghi nhận: Công xưởng của thế giới đang bị đóng băng, trong 9 tháng liền, chỉ số tuyển dụng thêm nhân viên vào các nhà máy Trung Quốc tuột dốc.

Nguy Cơ Xung Đột Tiền Tệ Mỹ-Trung?

Giới quan sát báo trước, chuỗi cung ứng toàn cầu, với một mắt xích quan trọng được đặt ở Hoa Lục sẽ còn “tắc nghẽn”trong thời gian sắp tới. Một số tập đoàn đa quốc gia tiếp tục tính đến giải pháp di dời cơ sở sang nơi khác, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào công xưởng lớn nhất thế giới này. Với những khó khăn kinh tế chồng chất, tham vọng của Bắc Kinh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có còn tính thời sự hay không?

Bộ Tài chánh Nga hôm 30/12/2022 thông báo tỷ lệ của đồng tiền Trung Quốc trong Quỹ Tài sản Quốc gia (FBN) “đã được nhân lên gấp đôi”, Nhân dân tệ chiếm 60% quỹ để tài trợ thâm hụt ngân sách của chính quyền Liên Bang Nga. Đổi lại, các đơn vị tiền tệ khác như đồng bảng Anh hay đồng yen Nhật Bản đã “rơi xuống còn số không”. FBN tính đến ngày 1/12/2022 trị giá 186,5 tỉ Mỹ kim.

Trước đó, đầu tháng 12/2022, trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thanh toán các hóa đơn năng lượng của Bắc Kinh bằng nhân dân tệ và mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới.

Jean -Baptiste Nóe, tổng biên tập thời báo chuyên về các vấn đề địa chính trị Conflits, lưu ý trong một thời gian dài, “Mỹ kim là đơn vị tiền tệ duy nhất được dùng để thanh toán các khoản mua bán năng lượng”thế nhưng Trung Quốc đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền đó của Mỹ bằng cách “tạo điều kiện để mua dầu hỏa và khí đốt bằng đồng nhân dân tệ”. Dù vậy trên đài RFI tiếng Việt, ông Nóe đánh giá còn quá sớm để kết luận rằng tính toán của Bắc Kinh làm suy yếu Mỹ hay làm suy yếu vị thế của đồng Mỹ kim Hoa Kỳ:

Jean - Baptiste Nóe: “Đúng là có thể nói Mỹ kim mất thế độc quyền, không còn là đơn vị tiền tệ duy nhất để thanh toán các hóa đơn năng lượng, do giờ đây người ta có thể mua dầu khí bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong và đồng Mỹ kim vẫn là đơn vị tiền tệ được sử dụng phổ biển nhất trên thế giới. Sức mạnh của Hoa Kỳ và của đồng Mỹ kim chưa tới hồi kết (…). Từ nhiều năm nay, một số quốc gia đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền của Mỹ kim, nhưng tất cả đều đã thất bại, bởi đó là những nước nhỏ. Lần này Bắc Kinh tìm cách áp đặt luật chơi mới với Mỹ. Là nền kinh tế thứ hai toàn cầu nên Trung Quốc có trọng lượng để làm như vậy trên thị trường năng lượng, dầu khí. Hoa Thịnh Ðốn không còn kiểm soát được hết tất cả. Dù vậy Hoa Kỳ có một ưu thế mà Trung Quốc không có được: Mỹ là một quốc gia sản xuất dầu đá phiến. Mỹ vừa sản xuất, vừa xuất cảng năng lượng nhờ kỹ thuật mới này. Trung Quốc thì không. Đây là một lợi thế làm tăng thêm sức mạnh của Hoa Kỳ”.

Dầu Đá Phiến Giúp Mỹ Hạ Trung Quốc 1-0

Chính vì có dầu khí mà Hoa Kỳ không sợ thế độc quyền của Mỹ kim bị đe dọa. Bởi nếu quả thực là đồng nhân dân tệ phần nào có thể thay thế đồng Mỹ kim thì “đây sẽ là hồi kết của thế độc quyền không chỉ về mặt tiền tệ và tài chánh, mà còn cả về mặt chính trị”. Vẫn ông Jean–Baptiste Nóe giải thích: “Nếu như Trung Quốc có thể dùng đơn vị tiền tệ quốc gia để mua dầu khí, thì có lẽ ngoại trừ Nhật Bản và Nam Hàn, tất cả các nước Á Châu còn lại hiện đang nắm giữ nhân dân tệ cũng sẽ theo gương của Bắc Kinh”. Hơn thế nữa, một số quốc gia thù nghịch với Mỹ, từ Venezuela đến Iran, sẽ không ngần ngại bán dầu hỏa bằng nhân dân tệ thay vì Mỹ kim.

Giấc Mơ Còn Xa Vời

Thế nhưng kịch bản Bắc Kinh mong đợi ấy đã không xảy ra. Tháng 2/2022, vào lúc chiến tranh Ukraine bùng phát, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Swift, nhiều người đã tưởng rằng đồng tiền Trung Quốc sẽ từng bước được sử dụng nhiều hơn, thậm chí sẽ thay thế đồng Mỹ kim của Mỹ. Nhưng theo báo cáo hôm 30/9/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (RFI), Mỹ kim chiếm 59,5% dự trữ ngoại tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, tăng 9,5 điểm so với hồi 2020. Trong khi đó đồng nhân dân tệ vẫn không cất cánh, với chưa đầy 2,9%.

Vẫn theo báo cáo này ghi nhận, “khoảng 1/3 dự trữ ngoại tệ bằng đồng tiền của Trung Quốc là do nước Nga nắm giữ”.
Trên Ban tiếng Việt của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Jean-Baptiste Nóe giải thích thêm: Hiện tại Trung Quốc mới chỉ có thể mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia với các đối tác Á Châu, trong lúc toàn cảnh thế giới đang bị chia ra thành hai cực, kể cả trên mặt trận tiền tệ:

Jean - Baptiste Nóe: “Hiện tại chúng ta thấy đồng nhân dân tệ chủ yếu được mua vào và sử dụng rộng rãi tại khu vực Á Châu. Âu Châu ít bị ảnh hưởng, do vẫn ở trong quỹ đạo của đồng Mỹ kim. Thế giới hiện đang bị phân chia ra thành nhiều khối, mà Trung Quốc và Hoa Kỳ là trung tâm của những khối đó. Khu vực chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh càng lúc càng sử dụng nhiều hơn đồng nhân dân tệ. Liên Hiệp Âu Châu đã từng có tham vọng dùng đồng Euro để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ kim, nhưng Euro zone vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của Mỹ kim, của kinh tế Hoa Kỳ”.

Thiếu tin tưởng vào đồng tiền Trung Quốc là trở ngại chính của đồng nhân dân tệ. Sở dĩ thế giới vẫn ưa chuộng Mỹ kim, bởi cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Hoa Kỳ, vào kinh tế Mỹ, vào ảnh hưởng chính trị của Hoa Thịnh Ðốn. Câu hỏi kế tiếp là liệu rằng Bắc Kinh có đủ sức đạt tham vọng áp đặt một trật tự tiền tệ mới với thế giới? Tổng biên tập thời báo Conflits Jean Baptiste Nóe trả lời:

Jean - Baptiste Nóe: “Đúng là kiểm soát được các luồng giao dịch tiền tệ tạo nên một sức mạnh rất lớn cho Trung Quốc mà đến nay quốc gia này không có được. Bắc Kinh đã thực hiện rất nhiều dự án đầu tự chủ yếu trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa mới thế kỷ 21. Đây là một khoản chi phí rất tốn kém cho dù phần lớn trong số đó do chính các quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc đài thọ. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chựng lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn hẳn so với những thập niên vừa qua, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có vượt qua được những khó khăn này hay không, hay đây thực sự là hồi kết của một chu kỳ phát triển chưa từng có của quốc gia Á Châu này”.

Trước mắt, các nhà đầu tư quốc tế vào Hoa Lục phải liên tiếp giải quyết những vẫn đề nảy sinh từ chính sách zero Covid của Bắc Kinh, khủng hoảng địa ốc kéo dài và đang có khuynh hướng lan tới lĩnh vực tài chánh, ngân hàng.

Thêm một dấu hiệu kém khả quan khác cho đồng tiền Trung Quốc trong năm 2023 là vào lúc Mỹ, rồi Âu Châu tăng lãi suất chỉ đạo, giới trong ngành dự báo chính người dân Trung Quốc có thể sẽ mua Mỹ kim và Euro để đầu tư ở ngoại quốc. Đồng tiền Trung Quốc qua đó thêm suy yếu. Khuynh hướng này càng rõ nét nếu kinh tế Trung Quốc xấu đi thêm. Ở góc đài bên kia, sức mạnh của đồng Mỹ kim đã được củng cố đáng kể, bởi ngoài Mỹ, tình hình tại khắp mọi nơi trên thế giới đều bấp bênh, kể cả tại hai điểm tựa của kinh tế toàn cầu là Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét