Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 25/1/2023 - ĐHL


Mỹ chấp thuận gửi xe tăng Abrams cho Ukraine Chính phủ Biden đang hoàn tất kế hoạch gửi khoảng 30 xe tăng chủ lực Abrams tới Ukraine, theo hai giới chức am tường các cuộc thảo luận, CNN cho biết hôm Thứ Ba, 24 Tháng Giêng. Cũng theo nguồn tin, thông báo về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ được công bố sớm nhất trong tuần này. Thời điểm chuyển giao các xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine chưa được xác định rõ ràng, vấn đề có liên quan đến mốc thời gian là cần vài tháng để huấn luyện để sử dụng thành thạo loại vũ khí này.
<!>
Ngoài ra, giới chức còn cho biết Mỹ cũng sẽ cung cấp thêm một số các loại xe sửa chữa xe tăng, rất cần thiết để phục hồi sau một trận chiến, hoặc đưa về hậu phương để bảo trì.

Vào tuần trước, trong cuộc họp với các lãnh đạo quốc phòng khối NATO, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ bày tỏ e ngại lúc này không phải là thời điểm thích hợp để gửi xe tăng M1 Abrams, nặng 70 tấn, vừa đắt tiền kể về giá trị lẫn khi vận hành và đòi hỏi thời gian đáng kể trong việc huấn luyện.

Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine làm mở đường để cho Đức và các quốc gia Âu châu trong khối NATO chuẩn thuận gửi loại xe tăng Leopard 2 tăng viện cho Kiev.

Hồi tuần trước, phía Đức bày tỏ quan điểm “chỉ gửi xe tăng Leopard 2” nếu Mỹ cũng gửi xe tăng Abrams cho Ukraine.

Sau khi tin Mỹ chấp thuận gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine được loan, vào buổi chiều Thứ Ba, nhật báo Đức, tờ Der Spiegel, đưa tin Berlin quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Kiev sau “nhiều tháng tranh luận.”

Luân Đôn từng tuyên bố sẽ gửi 12 xe tăng chủ lực Challenger 2, do Anh sản xuất, tới Ukraine, một quyết định vượt qua giới hạn “đỏ” trước đây của Mỹ và các đồng minh Âu châu.

Cũng trong ngày Thứ Ba, Warsaw chính thức yêu cầu Berlin chấp thuận việc chuyển giao một số xe tăng Leopard 2 mà Ba Lan đang có cho Ukraine.

Hiện nay, có khoảng 2,000 xe tăng Leopard 2 được trang bị cho các quốc gia trong khối NATO.

Tài sản của Elon Musk tăng gần 11 tỷ USD trong 2 ngày


Mới đây, theo Bloomberg, khối tài sản của ông Elon Musk đã chạm mốc 145,2 tỷ USD, tăng 10,6 tỷ USD chỉ trong 2 ngày.

Đây là mức tăng lớn nhất của vị tỷ phú trong vòng 2 tháng trở lại đây mặc dù ông đang phải hầu tòa vì tuyên bố tư nhân hóa Tesla hồi năm 2018. Theo Bloomberg, tài sản của vị tỷ phú tăng vọt là nhờ lời biện hộ rằng ông không có ý định thao túng cổ phiếu hay lừa dối các nhà đầu tư trước tòa.

Nhưng đây vẫn không phải là tín hiệu đáng mừng cho Elon Musk bởi ông đã đánh mất ngôi vị tỷ phú giàu nhất hành tinh và trở thành người đầu tiên mất 200 tỷ USD tài sản ròng, theo Bloomberg nhận định.

Tài sản ròng của ông Elon Musk đang dần khôi phục lại vào đầu năm 2023 nhờ thị trường khởi sắc sau năm 2022 đầy biến động.

Tuy nhiên, ông đang phải vướng vào đơn kiện của SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) vì tội lừa đảo chứng khoán sau phát ngôn liên quan đến việc tư nhân hóa Tesla trên Twitter. “Tôi đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu”, ông viết trên Twitter cá nhân năm 2018.

Tuyên bố này của ông đã khiến giá cổ phiếu hãng xe điện tăng mạnh 13% vào thời điểm đó. Các cổ đông cũng đâm đơn kiện vị tỷ phú vì thiệt hại hàng tỷ USD. Họ cho rằng ông đang nói dối về chuyện tư nhân hóa Tesla vì muốn thao túng cổ phiếu.

Trên thực tế, mặc dù ông đã gặp gỡ với các giám đốc của quỹ đầu tư Public Investment Fund (PIF) ở Saudi Arabia với hy vọng tư nhân hóa Tesla, hai bên chưa bao giờ đạt được thỏa thuận chung. Sau đó, Elon Musk khẳng định bài đăng trên Twitter của ông không liên quan gì đến giá cổ phiếu của Tesla trên thị trường.

Trong trích đoạn đối thoại giữa Elon Musk với các nhà đầu tư người Saudi Arabia, vị tỷ phú cho biết ông không có đủ số cổ phiếu để có thể biến Tesla thành công ty tư nhân. Elon Musk cho rằng quỹ đầu tư Public Investment Fund (PIF) mới là bên muốn biến Tesla thành công ty tư nhân và tố Yasir Al-Rumayyan, người đứng đầu Quỹ đầu tư, là bên lật lọng.

Cũng trong trích đoạn được nộp lên tòa, Elon Musk cho biết vào thời điểm đó ông chỉ nắm giữ gần 19% cổ phần và tối đa cũng chỉ 25% nếu sử dụng hết quyền chọn cổ phiếu. Hiện, vị CEO sở hữu 13% cổ phần sau khi bán 40 tỷ USD cổ phiếu vào năm 2021 để trả thuế và mua lại Twitter.

Vị tỷ phú cho hay rằng ông không cần gian lận cổ phiếu ở Tesla, chỉ với SpaceX, ông cũng gom đủ vốn để tư nhân hóa Tesla. Công ty hàng không vũ trụ chiếm phần quan trọng trong khối tài sản “kếch xù” của vị tỷ phú bởi 49% cổ phần mà ông nắm giữ ở đây trị giá lên đến 49 tỷ USD.

Mỹ sẽ đối đầu Bắc Kinh nếu các công ty Trung Quốc thật sự hỗ trợ Nga


Các nguồn tin cho biết, chính quyền Biden đã đưa ra bằng chứng cho thấy chính quyền Bắc Kinh có thể đang hỗ trợ Nga xâm lược Ukraina.

Như tin đã đưa, theo Bloomberg, các nguồn tin giấu tên không nói chi tiết về những hỗ trợ mà các công ty Trung Quốc cung cấp là gì, họ chỉ nói rằng hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga bao gồm các vật tư quân sự phi sát thương và viện trợ kinh tế không phá vỡ các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Xu hướng này là đáng lo ngại và các quan chức Mỹ đã cảnh báo về những hệ lụy của việc Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga.

Bloomberg cho biết, Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã từ chối bình luận về vấn đề này. Cả Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Bloomberg cho biết, mặc dù thông tin chưa rõ ràng và còn gây tranh cãi, nhưng các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng quan hệ Nga-Trung hiện rất thân thiết và Bắc Kinh đang ủng hộ Mát-xcơ-va hơn bao giờ hết.

Một số người quen thuộc với vấn đề này cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ Nga trong chiến tranh. Chính phủ Mỹ đang xem xét các bằng chứng mà họ đã thu thập và xác định tầm quan trọng của nó. Nếu phát hiện ra rằng các công ty Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, chính sách của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi.

Một phần chiến lược của phương Tây trong việc đối phó với cuộc chiến tranh Nga-Ukraina là dựa vào việc cô lập chính phủ của ông Putin để bóp nghẹt nền kinh tế của nước này và từ đó ngăn chặn chiến tranh. Chiến lược này có thể bị suy yếu nếu hỗ trợ từ Trung Quốc gia tăng.

Nếu chính quyền Biden xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã hỗ trợ Nga hoặc đồng ý với các hành động của các doanh nghiệp nhà nước này, họ sẽ bị trừng phạt.

Nguồn tin cho biết chính quyền Biden tin rằng chính quyền Trung Quốc thực sự muốn giúp đỡ Nga và không trung lập như tuyên bố. Năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga tăng gần 50% so với năm trước, trong khi xuất khẩu tăng 13%.

Những xu hướng này đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các quan chức Mỹ về “liên minh Trung-Nga”.
Trung Quốc: Hơn 100 thanh niên biểu tình 'giấy trắng' vẫn mất tích hoặc bị bỏ tù


Hai tháng trôi qua kể từ khi "cuộc cách mạng giấy trắng" diễn ra sau vụ cháy nhà cao tầng Urumqi, Tân Cương, Trung Quốc, một số lượng lớn thanh niên tham gia biểu tình bị mất tích kể từ đó; chỉ có 32 thanh niên bị chính quyền giam giữ có danh tính. Theo Human Right Defenders, ước tính khoảng 100 thanh niên vẫn đang "mất tích" ở trong tù.

Thế giới bên ngoài vẫn chưa quên những "thanh niên giấy trắng" bị cầm tù bởi chính quyền Bắc Kinh.

Theo tin tức từ trang Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc, chuyên theo dõi động thái kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh, tổng cộng 18 người đã bị bắt trong cuộc cách mạng giấy trắng ở Liangmaqiao, Bắc Kinh, Yang Liu, Liu Yang, Lin Yun, Li Yuanjing, Li Siqi, Lin Qian, Li Feifei, Zhai Dengrui, Cao Zhixin, Qin Zi Yi, Chen Junhui, Old Dog/Jia Xinxu, Bai Er, Chen Huang/Annie, Kong Che, Xiao Shan, Yao Yao và Li Chaoran/Cathy.

Theo một phần thông tin do Rights Defenders.com thu thập: Yang Zijing tên trên màn hình là Dianxin, sinh ngày 1/7/1997 và tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân. Vào khoảng 9 giờ tối ngày 27/11/2022, Yang Zijing và những người bạn của cô đến Quảng trường Haizhu và xem "cuộc biểu tình giấy trắng" giữa đám đông. Không có hành vi thái quá nào trong suốt quá trình và không có tờ giấy A4 nào được giơ lên. Cô vẫn bị bắt và đưa đi.

Li Kangmeng là sinh viên Học viện Truyền thông Nam Kinh. Vào tối ngày 26/11, khi tham gia sự kiện "Cách mạng Giấy trắng", anh đã đội một chiếc mũ lưỡi trai và giơ một tờ giấy trắng để phản đối. Có người giật lấy tờ giấy trắng trên tay anh, nhưng anh vẫn giữ tư thế ban đầu. Anh bị cảnh sát bắt vào lúc 2 giờ chiều ngày 30/11 và không có tin tức gì kể từ đó. Dư luận dành nhiều sự quan tâm cho Li Kangmeng.

Caiyang Lamu, sinh viên Đại học Truyền thông Nam Kinh, một nữ sinh 23 tuổi ở Lhasa, đã bị bắt vì tham gia "cuộc cách mạng giấy trắng" ở địa phương vào ngày 26/11.

Cao Zhixin, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc với bằng thạc sĩ lịch sử, làm biên tập viên tại Bắc Kinh. Cô đã bị cảnh sát bắt tại nhà sau khi tham gia "cuộc biểu tình giấy trắng" và đã bị mất liên lạc kể từ đó. Tổng cộng có 8 cô gái bị bắt như cô. Cao Zhixin hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù quận Chaoyang ở Bắc Kinh.

Yang Liu là phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh, thời gian mất liên lạc ước tính là vào ngày 20 hoặc 21/12/2022. Lin Yun là bạn trai của Yang Liu, người đã được tại ngoại. Chen Junhui là một nghệ sĩ đã mất liên lạc vào chiều ngày 28/12/2022. Anh đã đến Thành Đô trước đó và trở về Bắc Kinh vào ngày 28/12. Anh có thể đã bị bắt khi trở về Bắc Kinh.

Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền đã đưa ra tin tức mới nhất vào ngày 22/1/2023. Zhai Dengrui, một phụ nữ đến từ Baiyin, tỉnh Cam Túc, tốt nghiệp BFSU với bằng sau đại học về văn học Anh và Mỹ. Cô ấy là người tổ chức các hoạt động nữ quyền và từng lãnh đạo một nhóm nữ quyền, nhóm này gần đây đã bị giải tán. Cô bị cảnh sát Bắc Kinh bắt vào ngày 22/12/2022 và có thể đã bị bắt với tội danh gây rối. Ngoài ra còn có Li Chaoran, cô gái sinh năm 1995, tốt nghiệp cử nhân Đại học Sư phạm Bắc Kinh và thạc sĩ Đại học Nhân dân Trung Quốc, đang làm việc cho một tổ chức tài chính ở Bắc Kinh. Gia đình đã mất liên lạc từ ngày 6/1, và cũng có thể cô đã bị chính quyền bắt giam.

Thế giới bên ngoài thường xuyên lên tiếng ủng hộ cho giới trẻ Trung Quốc trong cuộc cách mạng giấy trắng. Theo báo cáo của Đài châu Á Tự do, Cao Zhixin [Tào Chí Tân], một người tham gia "Phong trào giấy trắng", đã thực hiện một video trước khi bị bắt, thông báo cho thế giới bên ngoài nguyện vọng ban đầu của họ khi tham gia phong trào và cách họ biến mất từng người một. Tào Chí Tân hỏi: "Chúng ta là ai mà phải dùng giấy trắng để biểu đạt? Chúng ta làm thế này là đang "trả đũa" cho điều gì?

Zhou Fengsuo, chủ tịch của Humane China và là cựu lãnh đạo của phong trào sinh viên năm 1989, đã ca ngợi lòng dũng cảm của Tào Chí Tân khi đứng lên và kêu gọi thế giới chú ý đến nơi ở cũng như tình trạng của những thanh niên bị "mất tích". "Theo một số người bạn rất đáng tin cậy của chúng tôi, hơn 40 người đã bị bắt. Đây chắc chắn chỉ là một phần trong số họ. Họ đã bị ĐCSTQ bắt giữ với những cáo buộc ngụy tạo. Trong số đó, chưa đến một nửa trong số họ công bố tên của mình. Nhiều người sợ hãi, người nhà không biết phải làm sao. Như Tào Chí Tân, cô ấy dường như biết mình sẽ bị bắt và sẵn sàng tố cáo, đương đầu với điều đó".

Zeng Jianyuan, Chủ tịch Học viện Dân chủ Trung Quốc, tin rằng lời thú nhận của Tào Chí Tân gây sốc và Bắc Kinh đang đổ lỗi cho phong trào này cho thất bại chính sách 'zero-Covid'. Vị Chủ tịch này lên tiếng: "Các quan chức có thể sử dụng 'phong trào giấy trắng' như một vật tế thần cho sự lây lan của dịch bệnh trên quy mô lớn do việc đột ngột gỡ bỏ phong toả. Họ đang đổ trách nhiệm cho những sinh viên này nhằm che đậy cho thất bại của chính quyền".

Các cựu quan chức Hồng Kông : ĐCSTQ sớm muộn cũng biến mất


Ông Chris Patten, Thành viên Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cũng như nhiều người tin chắc rằng, chính quyền độc tài và những gì họ làm sẽ có hậu quả – sớm muộn gì họ sẽ bị biến mất trong lịch sử.

Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, người bảo trợ của “Hong Kong Watch” Chris Patten, Trưởng đặc khu, và một người bảo trợ khác, Lord Alton, đã gửi lời chúc mừng năm mới tới người dân Hồng Kông thông qua nền tảng xã hội “Hong Kong Monitor”.

Ông Chris Patten, Thành viên Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, gửi lời chúc Tết người dân Hồng Kông bằng tiếng Quảng Đông “Chúc phát tài ” và chúc tất cả người dân Hồng Kông một năm mới hạnh phúc .

Ông Patten nói rằng một số người Hồng Kông đang lưu vong ở nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể cho quốc gia họ đang sinh sống. Ông cảm thấy buồn khi người dân Hồng Kông bị buộc phải rời khỏi Hồng Kông, ĐCSTQ đã đàn áp quyền tự do của Hồng Kông trên quy mô lớn và những lực lượng thân cộng ở Hồng Kông đã trở thành đồng phạm.

Patten chúc mọi người một năm mới hạnh phúc và hy vọng rằng năm con thỏ sẽ mang lại sự trường thọ, hòa bình và thịnh vượng. Ông cảm ơn người dân Hồng Kông vì những gì họ đã làm ở nước sở tại, đặc biệt là Vương quốc Anh, và muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người ở Hồng Kông.

Ông còn nhấn mạnh rằng, ông ấy yêu Hồng Kông, và những gì xảy ra ở Hồng Kông khiến ống ấy rất buồn. Nhưng ông ấy cũng như nhiều người tin chắc rằng, chính quyền độc tài và những gì họ làm sẽ có hậu quả – sớm muộn gì họ sẽ bị biến mất trong lịch sử.

Benedict Rogers, giám đốc điều hành của “Hong Kong Watch”, cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới người dân Hồng Kông thông qua một video. Ông nói rằng con thỏ tượng trưng cho hy vọng, trường thọ, thịnh vượng và hòa bình. Ông hy vọng rằng những điều này sẽ trở thành hiện thực trong năm mới. Nhiều người lúc này đang nếm trải nỗi đau tù tội như Lê Trí Anh (Jimmy Lai), Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo Man-ching) và nhiều cựu dân biểu, nhà hoạt động xã hội bị cầm tù trong “vụ án 47 người”.

Ông tiếp tục nói, đối với những người Hồng Kông phải rời bỏ nhà cửa và bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước mới, việc giữ vững hy vọng không hề dễ dàng. Ông hy vọng rằng người Hồng Kông ở nước ngoài sống rải rác trên khắp thế giới có thể ăn mừng Tết Nguyên đán với cộng đồng địa phương và chia sẻ truyền thống lễ hội của Hồng Kông.

Đối với những công dân còn ở lại Hồng Kông, ông nói “tôi hy vọng các bạn hãy giữ hy vọng trong Năm Mão, rằng một ngày nào đó cuộc chiến giành tự do sẽ thắng lợi và Hồng Kông sẽ lại trở thành một thành phố tự do.”

Cuối cùng, ông chúc phúc bằng tiếng Quảng Đông: “Chúc sức khỏe”, “Chúc phát tài”, “Quang phục Hương Cảng, cách mạng thời đại”!

Một nhà tài trợ khác của “Hong Kong Watch”, Lord Alton, cũng chúc mọi người một năm mới hạnh phúc. Ông nói rằng ĐCSTQ phải được tách ra khỏi những người Trung Quốc ưu tú; ông ấy hy vọng rằng trong dịp Năm mới, những người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng bị giam cầm trong các trại tập trung ở Tân Cương, cũng như những người Hồng Kông bị đàn áp tự do, và những người Đài Loan bị đe dọa sẽ không bị quên lãng.

Ông đặc biệt đề cập đến Lê Trí Anh, Hoàng Chi Phong, Trần Nhật Quân (Chen Rijun) và nhiều nhà hoạt động xã hội Hồng Kông đang bị cầm tù. Ngoài ra, ông còn đề cập đến Pháp Luân Công, những người bảo vệ đức tin, tự do và sự thật ở Trung Quốc.

Ông dẫn lời Lưu Hiểu Ba nói rằng: “Tự do ngôn luận là nền tảng của nhân quyền, là cội nguồn của nhân loại, là mẹ đẻ của sự thật. Bóp nghẹt tự do ngôn luận là chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt nhân loại và đàn áp chân lý.”

Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông nói, “hãy mong đợi sự thay đổi hoàn toàn!”

Tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại Luân Đôn cam kết thúc đẩy nhân quyền, tự do và pháp quyền ở Hồng Kông, bảo đảm quyền bình đẳng cho người dân Hồng Kông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét