Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Cái Áo Của Thầy Tôi - Phan Lạc Tiếp

Mẹ tôi mất năm tôi mới trên 10 tuổi. Từ đó lúc nào tôi cũng quanh quẩn bên cạnh thầy tôi. Buổi sáng tôi xách nước cho thầy tôi tưới những luống rau ở mảnh vườn trước nhà. Buổi tối khi thầy tôi tụng kinh, tôi nằm bên cạnh. Giọng đọc kinh của thầy tôi đều hòa êm ả như những lời ru, khiến tôi ngủ vùi hồi nào tôi không biết, cho đến khi được gọi dậy để lên giường đi ngủ, toàn thân tôi đã được đắp kín bằng chính cái áo dạ của thầy tôi. Cái áo dạ dài ấm lắm. Mấy năm sau đó tôi lớn hơn, cái áo dạ đã không phủ kín toàn thân tôi nữa, và tôi biết rằng anh em tôi mồ côi mẹ thật là bơ vơ. Có người khuyên thầy tôi nên tục huyền, thầy tôi chỉ lặng lẽ cười không nói, và vẫn sống trong cảnh gà trống nuôi con.
<!>
Những ngày sắp tết, thầy tôi thường sai tôi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, thay cát trong bát hương, rồi theo thầy tôi đi tảo mộ. Thầy tôi vác cái cuốc, còn tôi, tôi đem theo 1 bó hương to. 2 cha con tôi đi từ rất sớm, khắp cánh đồng làng. Bao giờ thầy tôi cũng đến thăm mộ của cụ tổ họ trước tiên, rồi mới đến các ngôi mộ khác. Tại mỗi ngôi mộ, thầy tôi rẫy cỏ, đắp đất, lau các mộ bia, thắp hương và đứng khấn rất nhỏ. Thầy tôi nói cho tôi biết đây là mộ của ai, mất ngày nào. Người quá cố đã sinh ra những ai, con cháu hiện là những người nào, liên hệ với gia đình tôi ra sao. Thầy tôi không bao giờ quên nhắc lại những việc tốt lành mà người quá cố đã làm cho gia đình, con cháu, làng nước. Thầy tôi thường nói:
“Nhờ phúc ấm của các cụ nên giòng họ nhà ta mới được như ngày hôm nay. Các con phải cố noi theo gương của các cụ mà làm những điều lành…”

Tại ngôi mộ của mẹ tôi, vì chưa được xây cất như các ngôi mộ của các cụ, nên thầy tôi thường cuốc đất xung quanh, đắp cho cao ráo, vuông vắn, rẫy một khoảng cỏ trên chóp mộ và cắm vào đó 3 nén hương. Thầy tôi đứng khấn rất lâu, rồi lặng lẽ bước quanh ngôi mộ. Thầy tôi nói:
“Con vào lễ mẹ đi, xin mẹ phù hộ cho các con được sức khỏe dồi dào, học hành tấn tới. Con cũng đừng quên mời mẹ về ăn tết với cả nhà”.
Trên đường đi, thầy tôi cũng hay dừng lại đắp đất vào những hố chân trâu trên các ngôi mộ hoang, thắp hương lên đó nữa. Thầy tôi bảo các ngôi mộ này thầy tôi biết là của ai, nhưng nay con cháu đi làm ăn xa, phiêu tán nơi nào, lâu quá không thấy về. Cả những ngôi mộ nằm bên vệ đường, nơi an nghỉ của những kẻ bần cùng, bơ vơ lạc bước, thầy tôi cũng dừng lại. Ông sai tôi đốt hết các nén hương còn lại, đem cắm lên các mộ đất. Lúc ấy thường trời chiều đã muộn, gió đã lạnh. Nhìn những đốm hương từng đợt lóe lên, tôi có cảm tưởng như những oan hồn, uổng tử đang lởn vởn quanh đây và tôi sợ. Tôi sợ và tôi thương cho số kiếp mong manh của con người.

Khi cái áo dạ của thầy tôi, tôi đã mặc gần vừa, tôi đã lớn, cũng là lúc cuộc chiến tranh tàn khốc từ đâu đó đổ về, lan cả đến thôn xóm của làng tôi. Thầy tôi bị Tây bắt. Khi được thả về ông gầy còm, ốm yếu lắm. Chưa được mấy hôm, một đêm có những người từ trên núi xuống, bắt thầy tôi đi, nói rằng sẽ đưa thầy tôi qua vùng giải phóng. Lúc chia tay, tôi vội đưa cái áo dạ cho thầy tôi, nước mắt tôi chan hòa. Thầy tôi ngoảnh lại nói: “Lớn rồi, can đảm lên con”.
Khi họ thả thầy tôi về, vẫn mặc tấm áo dạ cũ, nay đã có nhiều chỗ mòn, rách, thầy tôi run rẩy không còn đứng vững được nữa. Tôi biết thầy tôi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi bỏ học để ở nhà bên cạnh thầy tôi. Lúc sắp mất thầy tôi nói với anh em tôi rằng:
“Thầy không ân hận gì. Các con hãy để cho thầy nằm bên mộ của mẹ con, đắp chung thành một ngôi mộ cho to, cho dễ nhận. Vì các con sẽ đi xa lắm, còn lâu mới về”.

Tấm áo dạ sờn, rách, cuốn tròn thi hài héo úa của thầy tôi. Lúc bấy giờ là 1 giờ đêm ngày 21 tháng chạp ta, chỉ còn mấy ngày nữa là tết.
Từ đó đến nay thấm thoát đã 40 năm. Theo vận nước nổi trôi, tôi đã bỏ miền Bắc vào Nam, mỗi khi sắp tết, tôi lại nhớ lại hết. Tôi nhớ như in lời thầy tôi trăn trối, tôi nhớ cả hơi ấm trong tấm áo dạ của thầy tôi. Trên trần thế, thầy mẹ tôi sống với nhau không quá 25 năm. Nhưng kể từ khi thầy tôi mất tới nay, thầy mẹ tôi đã nằm cạnh nhau trong lòng đất, đã 40 năm. 40 năm với lời trăn trối, chờ đợi các con về. 40 năm đó gió mưa nào đã đổ trên cánh đồng kia, những tang thương nào đã tràn tới quê hương ấy. Suốt cả thời gian dài rộng đó, mặc dù vô cùng mong muốn, tôi chưa trở lại thăm mộ thầy mẹ tôi được một lần. Nay sống xa quê nhà cả nửa vòng trái đất, cách cả một đại dương, nỗi mong mỏi của tôi càng trở nên mạnh mẽ. Tôi rất muốn trở về. Thế nào tôi cũng về. Tôi tin rằng đất nước sẽ có những đổi thay, lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ về để anh em đoàn tụ, để họ hàng, làng xóm lại đùm bọc, thương mến nhau như xưa. Lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ đi lại trên những con đường cũ, thăm các cánh đồng xưa. Tôi sẽ thăm mộ thầy mẹ tôi. Tôi sẽ thắp những nén hương, cắm trên đầu mộ và tôi sẽ nói:
“Thưa thầy mẹ, con đã về. Chúng con đã về”.
Và chắc rằng tôi không thể nào không khóc. Tôi sẽ khóc như những ngày xưa thơ dại.

Phan Lạc Tiếp

(Trung Tá Hạm Trưởng của binh chủng Hải Quân Việt Nam - vào năm 1991)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét