Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Văn Cao, người soạn ca khúc bậc thầy Việt Nam - Duyên Anh


Những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc, năm 1945-1950, đều không bao giờ quên được kỷ niệm một đời chỉ có một lần. Kháng chiến chống Pháp của toàn dân Việt Nam. Mà những chiến công vĩ đại là của người tiểu tư sản. Người cộng sản chẳng thể nào làm nổi những chuyện lấp đá vá trời, thuở kháng chiến. Nói chiến thắng sông Lô và âm nhạc thôi. Các nhạc sĩ tiểu tư sản đã diễn tả bộ đội trung đoàn Ký Con, trung đoàn Thủ Đô, lính của mình, đầu trần, chân đất, quần áo nâu, như chiến sĩ “pháo binh Việt Nam ghi công”. Trong bài Du kích sông Thao, Đỗ Nhuận viết: “Hồng Hà trôi xuôi đưa nước trên ngàn về khơi. Sông Thao, ngoài bến Việt Trì, có những chàng áo nâu về say sưa giòng nước vui tràn trề”…
<!>
Áo nâu đấy, những chàng trai Hà Nội kiêu hùng, xử dụng bazoka, bắn đắm hàng loạt tầu và chết chìm hai ngàn giặc Pháp trên sông Lô. Lịch sử kháng chiến khởi sự từ những giòng sông. Tử Phác vội vàng ghi bài Vượt sông Đà tiến sâu vào Tây Bắc. chàng viết: “Sông Đà cùng với sông Thao chẩy về xuôi, Nước sông Thao thắm hồng rừng rực chẩy về xuôi. Nước sông Đà băng băng trôi giữa đôi bờ xứ Lạng. Bên kia sông Đà giặc còn chiếm đóng. Bên kia sông Đà dân còn tủi nhục lầm than. Có ruộng không được cày, có nhà không được ở, con trai phải đi phu đi lính, con gái đêm đêm phải đi ngủ rừng”… Thương dân đau khổ, những chàng áo nâu lại quyết chí vượt sông Đà. Hai trận đánh đều anh dũng. Nhưng, trận đánh thứ nhất ở sông Lô là chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta. Những người lính tiểu tư sản đã làm lịch sử ở sông Lô. Họ còn làm lịch sử ở sông Thao, sông Đà nữa. Văn Cao soạn bài Sông Lô trường ca để vinh tôn những chàng áo nâu và để sông Lô vẫy vùng với lịch sử vẻ vang.

Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu Du bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu. Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa rã tàn thôn trang. Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa. Trên giòng sông trở về đoàn người, reo mừng vui trên sóng nước biếc, bao rừng thu như bát ngát cười, dân hân hoan nghe tiếng gió vi vu xa xa, đường gập ghềnh tràn gió lá vi vu hiền hòa, sông mênh mông như bát ngát. Thây giặc trôi trở về ngập bờ, sông gầm âm vang súng trái phá, trôi đầy sông bao đám xác thù, dân hân hoan nghe chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công, tiếng trái phá quân thù gục trên giòng sông Lô… Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng: Giờ mồ thực dân sóng lấp cát vàng. Chiến sĩ sông Lô, chiến sĩ sông Lô oai hùng đấu tranh gào kêu vang thét: Đây giặc Pháp tàn trong căm gan toàn dân… Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới. Phan Lương vui bóng thuyền. Lều dựng lên ven sông. Bóng người sầm uất Bến Than. Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí phấn đấu. Bên sông Lô đắp nhà. Bao dân trong Khu Mười: Mơ thành người sông Lô… Giòng sông Lô trôi. Giòng sông Lô trôi. Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in ven bờ sông xanh bóng tre. Giòng sông Lô trôi...[1]

Sông Lô trường ca mở ra đoạn đầu, giòng sông Lô êm đềm chảy qua các vùng kháng chiến. Rồi nó cuốn xoáy lên bão táp vì lính của ta bắn tầu giặc Pháp tan tành và xác giặc chết bị quăng xuống, máu của chúng làm đỏ lòm sông Lô. Rồi lính của ta mừng rỡ vì chiến công đã tới. Rồi dân chúng reo hò “mừng được mùa chiến công”. Rồi Văn Cao ước vọng “mơ thành người sông Lô”… Sông Lô trường ca khép lại ở đoạn kết, giòng sông Lô vẫn êm đềm chẩy. “Giòng sông Lô trôi. Giòng sông Lô trôi”… Sông Lô cũng như muôn ngàn con sông khác, bắt nguồn từ đâu, chẩy đến đâu, hết ở đâu. Nếu lính của ta không làm lịch sử trên sông Lô đã không có Văn Cao làm Sông Lô trường ca. Sự thật chàng yêu dấu là sự thật về một giòng sông. Giòng sông có thật và chuyện xảy ra ở giòng sông cũng có thật. Chàng viết bài giòng sông với lịch sử huy hoàng của nó. Chàng muốn thế hệ đời sau và đời sau nối tiếp sẽ chẳng bao giờ quên được sông Lô. Và thế giới sẽ cảm phục sông Lô. Chàng lấy tim óc ra sáng tác Sông Lô trường ca. Bất hủ. Từ chiến thắng sông Lô, Văn Cao vẽ vời bao mộng mơ. Không mơ cho riêng chàng, mà mơ những giấc mơ của dân tộc.

Toán chiến sĩ thủy quân ra khơi hôm nay
bờ nước Nam
Gió khơi nóng máu say Ra đi không vương thê nhi
miền Bắc núi tuyết rét buốt
phơi thây trong bao gian nguy
nước xanh hồn Thái Bình dương
Ra khơi sóng vương dạt dào
Mênh mông sóng vang thân tầu
Nghe âm u ù ù
át tiếng máy ầm ầm
quân ca theo trầm trầm
tầu nhấp nhô
Mờ mờ xa mây núi
Dần dần xa mây núi
Đi cho quên bến bờ
Chờ xa khơi trùng dương bát ngát
Ngày về tổ quốc ghi ân

Những năm 46-47, lính tiểu tư sản của ta còn đầu trần, chân đất, quần áo nâu lâm trận với đế quốc Pháp hùng mạnh. Ta ở cái thế du kích quân. Đánh nhau xong, ta bỏ trốn chạy. Vũ khí của ta thô sơ. Ta chưa có cam nhông chở lính, nói chi tới xe tăng, tàu bò, tàu thủy… Vậy mà Văn Cao dám mơ mộng hải quân Việt Nam ra khơi Thái Bình dương, xua đuổi kẻ thù. Người ta đã bảo Văn Cao sáng tác nhạc không tưởng. Giấc mộng “đi cho quên bến bờ” là ảo mộng, Văn Cao không nói gì. Chờ tới năm 55, người ta thấy hải quân Việt Nam thành hình và trưởng thành ở Đàng Trong. Đàng Trong hay Đàng Ngoài, với Văn Cao, chỉ là Việt Nam, cùng chung một bọc sinh ra. Hải quân Việt Nam Đàng Trong bài hát Hải quân Việt Nam đầu tiên, vì ra đời trước Đàng Ngoài. Được chọn Hải quân Việt Nam làm bài ca quân chủng của mình, Hải quân Việt Nam đã say sưa hát;

Ra khơi sóng vương dạt dào
Mênh mông sóng vang thân tầu
Nghe âm u ù ù
át tiếng máy ầm ầm
quân ca theo trầm trầm
tàu nhấp nhô

Giấc mộng của Văn Cao đâu phải ảo mộng. Giấc mộng của chàng đã thành sự thật. Ôi, Văn Cao, mộng là thực rồi. Chàng trở nên người nhạc sĩ tiên tri.Tiên tri cái đẹp cho dân tộc được hưởng. Chàng tiếp tục mộng mơ. Lần này, giấc mơ của chàng lãng mạn hơn, phiêu bồng hơn giấc mơ cũ. Hãy nghe chàng hát Không quân Việt Nam:

Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió
quyết chiến đấu
Đã chiếm chiến công ngang trời
Giờ thề một lòng vượt qua biên giới
quyết chiến đấu
Đi không ai tìm xác rơi
Lúc đất nước muốn bao người còn thân yêu ra đi
Hỡi tiếc tấm thân làm chi
Ta là đàn chim bay trên cao xanh
Khi nhìn qua khỏi những kinh thành tan
Đôi cánh tung hoành đặt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
Đây đó hồn nước ơi
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
Ù u ù u u ú u ù ú
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Nhìn xa phi trường Việt Nam
Không quân ra đi cánh bay rợp trời
Ù u ù u u ú u ù ú
Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi
Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về
để rồi ngày ngày sống hòa nhịp
cùng đời người kiếp chim
Bầy ta càng đi càng xa quyết khi về
đem tài đây chiến công
dù quên mù thân lớp chim

Lời bay bướm như thế này chỉ hợp với lính hào hoa Đàng Trong. Cho nên, quân chủng không quân đã chọn Không quân Việt Nam. Dù sau hay dù trước, cộng sản cũng không sử dụng bài không dính dáng gì tới họ. Văn Cao chỉ tiên tri và sự tiên tri của chàng đúng với Đàng Trong. Chàng có hưởng gì đâu? Cái làm chàng kiêu hãnh nhất thiên hạ là mộng của chàng đã thành thật. Tôi nghĩ, ở thế giới, chẳng có không lực nào có bài hát nhiệm mầu như không lực Việt Nam. Nhân loại thiếu một nhạc sĩ tài ba sáng tác một bài như Không quân Việt Nam của Văn Cao. Chàng đã làm lời rất hào hoa cho lính hào hoa. Hơn cả hào hoa, nó lãng mạn tới cực đỉnh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng. Người lính tầu bay sẽ ghi nhận những chuyến bay đêm của mình đúng là tinh cầu bay trong đêm trăng. Năm 1947, không quân Việt Nam còn ở trong mộng tưởng, đã ai làm được lời ca phiêu bồng như thế không? Không. Có một Văn Cao thôi. Chỉ có một mình chàng mộng mơ trong cơn sảng khoái mới ra nhạc và lời lính tầu bay. Hạnh phúc biết bao cho người lính hào hoa Đàng Trong! Văn Cao còn muốn không quân Việt Nam “ra đi cánh bay rợp trời”, phải “vượt qua biên giới” chiến đấu với kẻ xâm lăng nước mình. Không chiến ở “xa giang sơn” là “không ai tìm xác rơi” cả. Cần chi. “Phi công danh tiếng muôn đời” mà. Phi công Đàng Trong chưa thực hiện được những phi vụ không chiến như phi công Đàng Ngoài. Bao nhiêu F1, F3, Phantom đã rụng ở chiến trường Việt Nam. Cả B52 nữa. Văn Cao đưa giấc mộng thành sự thật cho không quân hai miền: Không quân Việt Nam.

Trong kháng chiến, Văn Cao, luôn luôn, sống bằng mộng tưởng. Chàng đã ao ước mộng tưởng hóa ra sự thật và lại mong sự thật sẽ là sự thật mãi. Bắc Sơn của chàng là sự thật về vụ càn quét, bắn phá tung nhà cửa, hiếp phụ nữ, giết con nít, bắt đàn ông của thực dân Pháp. Chàng muốn sự thật như những bức tranh treo giữa công trường để thế giới hiểu “tự do, bình đẳng, bác ái” của người Pháp. Họ vừa trải qua cơn thống trị của phát xít Đức lại học đòi phát xít Đức diễn trò thô bỉ, man rợ ở Việt Nam. Những cay đắng nghiệt ngã đâm vào tim chàng. Quặn đau. Và Văn Cao làm Bắc Sơn.

Ôi còn đâu đây xác chàm pha mầu gió
Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó
Ai về Châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng
Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ
Rồi hò rồi hét giết bao nhiêu quân thù
Dân quân du kích cách mạng bùng mùa thu
Sao vàng bóng cờ bay trên chiến khu
Bắc Sơn đây suối sâu mồ chôn
Bắc Sơn không bóng người dưới thôn
Giặc Pháp tàn ác dày xéo
Từng xác lụt đất máu xương
Nhà đốt cầm dao cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường Bắc Sơn…

Bài hát Bắc Sơn của Văn Cao phổ thông ghê lắm. Đi hỏi khắp nơi rằng, dân chúng có thuộc Bắc Sơn không, họ đều hát Bắc Sơn trả lời. Bắc Sơn là nơi chốn ràng buộc Văn Cao. Trong Đàn chim Việt, chàng đã nhắc tới Bắc Sơn rồi “Trời Bắc Sơn kia thời vung cánh”, đến Tiến quân ca, chàng không quên “Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”, và ta lại thấy Bắc Sơn điêu tàn, buồn bã của chàng “Bắc Sơn đây suối sâu mồ chôn, Bắc Sơn không bóng người dưới thôn”. Bắc Sơn như người tình nhỏ của nghệ thuật Văn Cao. Chàng viết Bắc Sơn để diễn tả người tình chung thủy ấy với lòng yêu thương trọn vẹn. Nhạc kháng chiến của Văn Cao khác với nhạc tuyên truyền. Chàng sáng tác là chàng rung động theo trái tim. Và chàng sáng tác rất ít.

Tôi muốn Văn Cao chấm dứt nhạc ở đây. Không phải tinh hoa của chàng đã phát tiết ra ngoài tất cả và hết rồi đâu. Chàng biến mộng mơ thành sự thật và sự thật phải là sự thật vĩnh cửu. Như thế Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Sông Lô trường ca đủ rồi. Thừa rồi. Chàng có quyền nghỉ ngơi và nói chàng đã làm xong bổn phận của người soạn ca khúc.

Buồn thay, Văn Cao lại mơ mộng Tiến về Hà Nội:

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui tiếng quân thù đầu hàng
cả cuộc đời tươi vui về đây
Năm Cửa Ô đón từng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh chào
Hà Nội bừng tiếng quân ca
chúng ta ươm lại hoa
Sắc không phai ngày qua
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai
Đón tương lai về tay
Đang xuân đời mỉm cười vui hát lên
Khi đoàn quân tiến về là đêm sáng dần…

Văn Cao tưởng rằng Hà Nội sẽ vui lắm khi chàng về. Vui lắm. Đến ngày chuyến tàu chót chở đồng bào di cư từ Hải Phòng vào Sài gòn thì hết vui. Buồn bã.

Thất vọng. Hết di cư rồi. Tuyệt lộ. Khi sự thật biến thành gian dối. Khi lẽ phải biến thành lẽ trái. Khi con người bị điều kiện hóa biến thành con ngựa bịt mắt kéo xe để chỉ nhìn thấy đàng trước. Khi dân chủ là bánh vẽ. Khi tự do là ngục tù đang đe dọa con người. Khi quần chúng không có quyền sống. Khi nhà văn không có quyền viết. Khi nghệ sĩ không được thi thố tài năng. Đó là lúc khí phách của Văn Cao nổi dậy ầm ầm như thác lũ. Chàng phản kháng chế độ. Chàng phản kháng Đảng và Nhà Nước. Phản kháng khác với chống đối. Phản kháng nó cao siêu vời vợi gấp nghìn lần chống đối. Văn Cao chấp nhận trại tập trung khổ sai lao động đón mời chàng vào. Chàng chấp nhận mọi hình phạt của Đảng, kể cả bao vây kinh tế gia đình chàng. Văn Cao gia nhập Nhân Văn giai phẩm. Chàng đã phản kháng ra sao? Trước hết, Văn Cao khu trừ lãnh tụ Đảng, “những người không phải của chúng ta” để thắp sáng cuộc đời “những người thật của chúng ta”. Trong bài thơ Anh có nghe không, Văn Cao lên tiếng:

… Vào một cuộc đấu tranh mới
với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
những con người thật của chúng ta…

Văn Cao muốn làm cuộc cách mạng mới. Cuộc cách mạng tháng 8 hư hỏng rồi. Lãnh tụ Đảng đã trở thành loài bạch tuộc, loài sâu bọ. Hãy nghe Văn Cao nói, trong bài thơ Những ngày báo hiệu mùa xuân:

… Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay nhận chìm một con người
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn các em nhỏ muốn biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non…

Vì phẩm giá con người, năm 1946, Văn Cao kháng chiến chống Pháp. Vì phẩm giá con người năm 1956, Văn Cao kháng chiến chống cộng sản. Hai cuộc kháng chiến, Văn Cao toàn dùng tài năng nghệ thuật. Mỗi đêm, người ta nhìn lên bầu trời, thấy một vì sao lấp lánh chiếu, vì sao đó là Văn Cao. Chàng đã thắp sáng cuộc đời cho chúng ta, cho mọi người. Chàng dũng mãnh phản kháng. Bằng thơ. Bây giờ, chàng đã quên nhạc. Nhân Văn giai phẩm, chẳng bao lâu, bị đàn áp, bị bắt cho vào tù những tay cự phách. Không dám bắt Văn Cao, vì chàng là tác giả quốc ca. Từ đó, Văn Cao sống cuộc đời riêng, vẽ tranh bìa sách cho các nhà xuất bản để mưu sinh, không thù tạc gì với bạn bè cách mạng cũ nữa.

Đôi lúc, nhớ lại kỷ niệm thời tiền chiến, Văn Cao thấy chàng đã phản kháng xã hội khi chàng đang sống với nó. Văn Cao mơ ước lên Thiên Thai. Chàng nhớ Lưu Thần và Nguyễn Triệu, ngày xưa, lạc vào cõi Đào Nguyên. Cõi ấy, có thiên tiên và giòng nước Ngọc Tuyền. Cõi ấy, có mùa đào không bao giờ tàn và tiên nữ chỉ biết ca múa. Chàng mê khúc nghê thường và thấy quê hương mình xa lấp. Trời ơi, “Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần”, Tiên nữ thèm ôm ghì người trần thế mà làm tình mê mệt thì người trần thế đành quên đường về. Tản Đà tả Thiên Thai một lần Tống biệt sao buồn thế.

“Gió hát trầm tiếng ca. Tiếng phách dồn lắng xa…” Văn Cao tỉnh mộng. Chàng buồn ngao ngán: “Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta…” Ngày xưa, quanh ta, chỉ có mộng là mộng, ta sống thần tiên, không lo chi ngày mai. Và, ngày mai, chắc chắn, mộng vẫn sẵn cho thơ no tràn.

“Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta”. Cái xã hội phải đi tới tác phẩm mình vẽ vời mong ước. Nó đi tới chỗ chàng mong ước rồi, chàng phản kháng nữa, bắt nó tốt đẹp hơn. Văn Cao chưa rõ Thiên Thai. Nếu chàng ở Thiên Thai, một ngày thôi, chàng cũng phản kháng Thiên Thai, vì Thiên Thai thiếu nhiều cảnh tượng vừa lòng con người. Một nghệ sĩ lỗi lạc là nghệ sĩ chung thân bất mãn. Nghệ sĩ bất mãn với chính nghệ sĩ. Từ trong nỗi bất mãn khôn cùng, nghệ sĩ kiếm dùm ta những huyền ảo của cuộc sống. Nghệ sĩ không bất mãn, không thích bất mãn, không biết bất mãn là hạng nghệ sĩ tầm thường. Mình chẳng bất mãn với chính mình thì mình làm tác phẩm nào cũng hay, cũng nhất. Khi đã nhất, có lỗ huyệt thật sâu kế cận, nghệ sĩ bị đẩy xuống, chết không để lại cái gì mình tưởng rằng sẽ bất hủ. Và người ta sẽ quên nghệ sĩ tầm thường một cách thờ ơ, lãnh đạm. Văn Cao là nghệ sĩ chung thân bất mãn.

Chàng bất mãn nên chàng mơ mộng. Bất mãn càng nhiều, mơ mộng càng bay cao. Có thể, mơ mộng bay lên đỉnh ngọn hư vô.

Văn Cao đã sáng tác Buồn tàn thu, Cung đàn xưa, Thu cô liêu, Thăng Long hành khúc, Suối mơ, Đàn chim Việt, Thiên Thai và Trương Chi. Bài nào của chàng cũng hay, người ta hát hoài. Tôi đã nghe nhiều Văn Cao và thấy Thu cô liêu ít người hát. “Thu cô liêu, tịch liêu, cô thôn chiều. Ta yêu thu, yêu thu, yêu mùa thu”… Nói về Trương Chi, tôi thích hơn cả. Trương Chi, theo tôi nghĩ, là nghệ sĩ chân thiện mỹ đời xưa. Trương Chi, nhân vật biểu tượng của nghệ sĩ thời trước, đã bị thống trị ghét bỏ. Chỉ có giai cấp thống trị nắm vận mệnh đất nước mới đầy đủ cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.

Dân gian nín thinh. Bởi vì, giai cấp bị trị không được nói năng gì. Chân Thiện Mỹ của giai cấp thống trị là bịp bợm, gian dối, xấu xa. Thống trị cứ bảo là tốt. Và riết rồi họ tốt. Trương Chi, nhân danh Sự Thật và Lẽ Phải, nói chuyện với thống trị. Anh ta chỉ sợ sự thật và lẽ phải. Thống trị bắt nhốt Trương Chi. Anh ta không nao núng. Vẫn kiên nhẫn và muốn thống trị phải tôn trọng sự thật và lẽ phải. Cuối cùng, giai cấp thống trị thả con người quả cảm ra và chỉ cho anh một cái Mỹ, tước của anh cái Chân, cái Thiện mà trời đã ban cho anh. Người đời sau làm thơ về Trường Chi, viết: “Ngày xưa có anh Trương Chi, Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay”. Anh không thậm xấu. Trương Chi đẹp cả thể xác lẫn linh hồn. Giai cấp thống trị không nói anh ta đẹp và công nhận tài năng của anh thậm hay. “Cô Mỵ Nương vốn ở lầu tây, Con quan thừa tưởng ngày rầy cấm cung”. Trường Chi đã đối diện với thừa tướng, sau vua, chứ không phải dân đánh cá tầm thường. Người ta hiểu Trương Chi và mối tình Mỵ Nương để làm nhạc, làm thơ, làm văn tưởng mộ anh thất tình đau đớn.

Văn Cao soạn ca khúc Trương Chi cũng thường tình như người xưa. Chỉ có một câu lời làm chàng khác xa nhiều người. Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta. Chàng hiểu Trương Chi nhiều lắm. Văn Cao là Trường Chi, tuy thời đại xa cách ngút ngàn. Chàng là nghệ sĩ chân thiện mỹ sống thời nay hay thời xưa, sống ở đây hay nơi khác, cái chân thiện mỹ chỉ gây cho chàng nghèo khổ và cô độc. Không có thống trị nước nào, độc tài hay dân chủ, cộng sản hay quốc gia, là không ghét nghệ sĩ. Thống trị ghét nghệ sĩ thì tay sai của chúng cũng ghét. Tay sai thống trị ghét nghệ sĩ thì bọn nhà giàu ghét luôn… Cho nên “Người thì thậm xấu hát thì thậm hay” là câu chế và khen nghệ sĩ trên cõi đời vô ơn này. Biết điều đó, 48 năm cũ, Văn Cao đã tiên tri đời mình: Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta. Trái đất, mãi mãi, của riêng chàng…

Có kẻ luận về thần tượng đã phán: Thần tượng dễ sụp đổ. Lại có nạn phá gục thần tượng. Thế bậc thầy thì sao? Kẻ ấy đáp: Người đã lên bậc thầy, không ai dám đụng tới. Bậc thầy vĩnh cửu với thời gian, không gian. Còn Văn Cao? Văn Cao là người soạn ca khúc bậc thầy ở Việt Nam.


Robinson 8-2-91

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét