Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :31/12/2022


Cựu giáo hoàng Benedicto XVI qua đời, thọ 95 tuổi
Đức Giáo Hoàng Danh Dự Benedicto XVI, người tiền nhiệm của đương kim giáo hoàng Phanxicô đã qua đời sáng hôm nay 31/12/2022, hưởng thọ 95 tuổi. Tang lễ của cựu giáo hoàng, nguyên là một nhà thần học người Đức, sẽ được cử hành ngày 05/01/2023. Trong một thông báo, phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican cho biết là Benedicto XVI đã ra đi lúc 9g34 sáng (giờ địa phương) tại tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican. Đây là một sự kiện được mọi người chờ đợi vì sức khỏe của cựu giáo hoàng đã xấu đi trong những ngày gần đây. Chính đương kim giáo hoàng Phanxicô xác nhận là người tiền nhiệm của ông đã « lâm trọng bệnh ».
<!>
Cựu giáo hoàng Benedict XVI sinh năm 1927, nguyên là một nhà thần học người Đức, tên thật là Joseph Ratzinger. Ông được bầu làm người lãnh đạo Vatican vào năm 2005 ở tuổi 78 sau khi giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị qua đời.

Điều đáng nói là vào năm 2013, ngài đã bất ngờ từ chức với lý do sức khỏe một sự kiện khiến cả thế giới bất ngờ. Ngài là giáo hoàng đầu tiên từ chức trong lịch sử 700 năm qua.

Tang lễ của Benedicto XVI sẽ được chính người kế nhiệm ngài là Phanxicô cử hành tại Roma, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử hai nghìn năm của Giáo Hội Công Giáo. Dự kiến sẽ có hàng chục ngàn người đến tham dự trong đó có rất nhiều nguyên thủ quốc gia.

Ukraina cảnh báo : Nga chuẩn bị « một làn sóng động viên mới »


Ảnh minh họa : Những người lính Nga bị động viên chờ lên xe lửa ở Volgograd, ngày 29/09/2022. AP
Trọng Nghĩa
Trong một đoạn video được công bố ngày 30/12/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksii Reznikov cảnh báo các công dân Nga về việc giới lãnh đạo Matxcơva đang chuẩn bị một đợt động viên rầm rộ mới và lên kế hoạch đóng cửa biên giới trong vòng một tuần để tiến hành việc này.

Phát biểu bằng tiếng Nga, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina lưu ý : « Tôi biết chắc rằng các bạn chỉ còn quyền lựa chọn trong khoảng một tuần nữa mà thôi… Vào đầu tháng Giêng, chính quyền Nga sẽ đóng cửa biên giới đối với với nam giới, tuyên bố thiết quân luật và bắt đầu một làn sóng động viên mới. Biên giới của Belarus cũng sẽ bị đóng ».

Theo ông Reznikov, làn sóng gọi nhập ngũ mới này « liên quan đến cư dân của các thành phố lớn của Nga. » Theo báo điện tử Ukraina Kyiv Independent, trong các đợt động viên vừa qua, hai thành phố lớn như Matxcơva hay Saint-Petersburg không bị nhiều ảnh hưởng, trong lúc gánh nặng chủ yếu dồn vào các sắc dân thiểu số tại các vùng khác.

Trong cùng ngày trước đó, trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraina, cho biết là vì thiếu quân, Nga đang lên kế hoạch cho một đợt động viên mới từ ngày 05/01/2023.

Về tình hình chiến sự, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tối hôm qua cho biết là lực lượng vũ trang trong nước vẫn giữ vững các vị trí chống lại quân Nga ở vùng Donbass và đang có những bước tiến bộ nhỏ ở một số khu vực.

Sau hàng loạt những vụ không kích của Nga, tổng thống Ukraina khẳng định rằng nước ông đã tăng cường năng lực phòng không và sẽ tăng cường hơn nữa trong năm tới để bảo đảm an ninh cho chính mình và toàn bộ lục địa châu Âu.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Minh cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho Ukraina. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace đã công bố khoảng viện trợ hơn « 1.000 máy dò kim loại Vallon » và « 100 bộ thiết bị gỡ bom », hoặc bộ dụng cụ chống nổ, để « giúp dọn sạch các bãi mìn » và đảm bảo an ninh cho « các vùng lãnh thổ được thu hồi, nhà ở của cư dân và cơ sở hạ tầng ».

Covid-19 : Thêm nhiều nước tăng cường kiểm soát dòng khách đến từ Trung Quốc

Bệnh nhân xếp hàng chờ được điều trị tại khoa cấp cứu ở bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, ngày 27/12/2022. VIA REUTERS - CHINA DAILY
Thùy Dương
Trong bối cảnh Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc sau khi chính sách Zero Covid đột ngột bị dỡ bỏ và chính quyền Bắc Kinh không minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh, số các nước tăng cường biện pháp hạn chế để kiểm soát dòng người đến từ Trung Quốc ngày càng nhiều.

Sau Mỹ, Ý, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel … hôm 30/12/2022 đến lượt Pháp, Anh yêu cầu khách đến từ Trung Quốc phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi đáp máy bay. AFP cho biết quyết định của Anh sẽ được áp dụng từ ngày 05/01/2023, Pháp cũng triển khai biện pháp mới từ những ngày đầu năm tới.

Trong khi đó, Tây Ban Nha dự kiến yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Về phần Đức, chính quyền Berlin đề xuất Liên Âu triển khai việc theo dõi, giám sát các biến chủng mới ở các sân bay của Liên Hiệp, thay vì yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngay tại Trung Quốc, trong khi truyền thông hôm 29/12 cáo buộc biện pháp hạn chế của nhiều nước đối với hành khách đến từ Trung Quốc là « vô căn cứ » và mang tính phân biệt đối xử, đa phần du khách ở sân bay Bắc Kinh khi được AFP đặt câu hỏi đều tỏ ra hiểu và thông cảm với quyết định của các nước đối với Trung Quốc. Chính Trung Quốc cũng đã từng đóng cửa biên giới đối với du khách nước ngoài từ năm 2020 để phòng dịch.

Cũng trong tối thứ Sáu 30/12, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã có cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. WHO một lần nữa kêu gọi Trung Quốc chia sẻ các dữ liệu theo thời gian thực về tình hình dịch bệnh, nhất là các thông tin về giải mã gien và ảnh hưởng của bệnh, kể cả số người bệnh nhập viện, nhập khoa chăm sóc tích cực và số ca tử vong. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng đề nghị Bắc Kinh cung cấp số liệu về tiêm chủng, đặc biệt liên quan tới những người dễ có nguy cơ bị lây bệnh và những người trên 60 tuổi.

Trung Quốc cử đại sứ tại Hoa Kỳ làm ngoại trưởng : Một tín hiệu gởi đến Mỹ


Ông Tần Cương trong một lần phát biểu trước giới báo chí Trung Quốc và Mỹ tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington. © Embassy of China to The United States of America
Trọng Nghĩa
Bắc Kinh hôm qua, 30/12/2022, loan báo, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Tần Cương (Qin Gang) đã được cử làm ngoại trưởng mới của nước này, thay thế ông Vương Nghị, người đã lãnh đạo ngành ngoại giao trong thập niên vừa qua.

Sự kiện ông Tần Cương, một nhân vật thân tín của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được đề bạt làm ngoại trưởng là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng mà Bắc Kinh dành cho quan hệ với Washington.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde nhận định:

« Là người nói được nhiều thứ tiếng, yêu thích môn bóng rổ, rất thoải mái với giới truyền thông và mạng xã hội, ông Tần Cương là hiện thân của chính sách ngoại giao cởi mở và kết nối của Trung Quốc. Ông cũng được biết đến cách nói năng cứng rắn, thậm chí thô bạo khi khẳng định lợi ích của Bắc Kinh.

Lần đầu tiên một ngoại trưởng Trung Quốc có tài khoản Twitter. Và cũng chính trên mạng xã hội của Mỹ này mà ông Tần Cương đã đáp lại những lời chúc mừng gửi đến ông hôm qua và sáng nay, cụ thể là từ Maldives, Pakistan hoặc Sri Lanka.

Việc ông Tần Cương được bổ nhiệm làm ngoại trưởng không có gì đáng ngạc nhiên… Vào tháng 10/2022, nhân Đại Hội lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông đã được đề cử vào Bộ Chính Trị. Đây là lần đầu tiên một đại sứ được trực tiếp cử vào cấp lãnh đạo này trong bộ máy nhà nước Trung Quốc kể từ khi thời đại Mao kết thúc đến nay.

Thuộc giới thân cận với Tập Cận Bình, theo thông lệ, các lãnh đạo mới được bổ nhiệm phải chờ được chuẩn y nhân khóa họp Quốc Hội Trung Quốc vào mùa xuân. Việc ông Tần Cương được đề bạt sớm đã giúp ông tô điểm thêm cho một bản lý lịch đã dầy đặc của một người 56 tuổi và còn khá trẻ để đảm trách chức vụ ngoại trưởng.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ông Tần Cương sẽ không là một ngoại trưởng chuyển tiếp. Theo một số nhà quan sát Mỹ, thời gian làm đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ đã thay đổi tính cách của ông, từ một cựu “chiến lang” thành một “con cáo”, và nhiệm vụ của ông là ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung.

Đối với phía Châu Âu thì phức tạp hơn. Nhiều nhà ngoại giao EU còn nhớ lại lời lẽ của ông Tần Cương thời còn là thứ trưởng Ngoại Giao: "Xin quý vị im miệng. Hiện trong thành phố đang có một ông chủ mới mang tên là Trung Quốc. Quý vị phải nghe lời và chúng tôi sẽ dạy bảo quý vị”. »

Tổng thống Vladimir Putin muốn Nga - Trung củng cố hợp tác quân sự


Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm video với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/12/2022. AP - Mikhail Klimentyev
Thùy Dương
Trong cuộc gặp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu 30/12/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc và ca tụng sự chống đỡ của Bắc Kinh và Matxcơva trước « các sức ép » chưa từng có và sự khiêu khích từ Phương Tây.

Tổng thống Nga Putin hôm qua hy vọng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du cấp Nhà nước sang Nga vào mùa xuân 2023, để « chứng tỏ với toàn thế giới quan hệ gắn bó chặt chẽ » giữa hai nước. Theo AFP, trong suốt gần 8 phút, ông Putin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng ngày càng lớn của mối quan hệ Nga - Trung như một nguồn tạo sự ổn định và sự cần thiết phải củng cố quan hệ quân sự song phương.

Ông Putin lưu ý, mối hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa hai nước góp phần bảo vệ an ninh Nga - Trung. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh hai cường quốc từ trước đã có « ý định củng cố quan hệ hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc ».

Đáp lại, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Nga trong bối cảnh « khó khăn » nói chung trên thế giới.

Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua tỏ ý lo ngại về việc Trung Quốc ngả sang Nga. Hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, cho rằng « Bắc Kinh khẳng định trung dung, nhưng cách hành xử của họ rõ ràng cho thấy Bắc Kinh vẫn luôn cam kết có các quan hệ mật thiết với Nga », vì thế « Washington đang theo dõi chặt chẽ hoạt động » của Trung Quốc.

Brazil : Chưa hết nhiệm kỳ, Bolsorano rời đất nước, tránh lễ nhậm chức của tổng thống Lula da Silva


Máy bay quân sự chở ông Jair Bolsonaro rời phi trường Brasilia, ngày 30/12/2022. © Ueslei Marcelino / Reuters
Thùy Dương
Còn hai ngày nữa mới chính thức hết nhiệm kỳ, nhưng hôm 30/12/2022, tổng thống Brazil Jair Bolsorano đã rời đất nước. Tin tức về việc vị tổng thống mãn nhiệm, phe cực hữu, sang Mỹ, không dự lễ nhậm chức của tổng thống Lula da Silva vào Chủ Nhật 01/01/2023 đã được nhiều cơ quan truyền thông Brazil loan báo, nhưng khi được AFP hỏi, phủ tổng thống Brazil không muốn xác nhận thông tin.

Đài phát thanh quốc gia RNR thông báo phó tổng thống Hamilton Mourao tạm quyền lãnh đạo đất nước và tối nay 31/12 sẽ có bài phát biểu.

Sau khi có lời phát biểu trên mạng xã hội để từ biệt các ủng hộ viên, ông Bolsonaro hôm qua đã lên máy bay của lực lượng không quân vào lúc 14 giờ, giờ địa phương. Vị tổng thống mãn nhiệm nói với đài CNN Brazil : « Tôi đang trên máy bay, nhưng tôi sẽ sớm trở về ».

Trang Flightaware hôm nay loan tin máy bay quân sự chở ông Bolsonaro đã hạ cánh tại thành phố Orlando, bang Florida. Còn theo Công báo Brazil hôm thứ Sáu, tổng thư ký phủ tổng thống đã cho phép các thành viên lực lượng bảo vệ an ninh cho « cựu tổng thống tương lai » đến Miami từ ngày 01 đến 30/01/2023.

Về phía các ủng hộ viên của tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro, sau hơn 60 ngày kể từ khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố, họ vẫn cắm trại trước những khu vực có trụ sở quân đội ở các thành phố lớn của Brazil. Họ đòi quân đội can thiệp để cản trở Lula da Silva lên nắm quyền.

Đặc phái viên Sarah Cozzolino từ Brasilia gửi về bài phóng sự từ một khu trại của các ủng hộ viên của vị tổng thống thất cử Bolsonaro :

Họ đang ngồi trên những chiếc ghế ở bãi biển, nhâm nhi một cốc bia hoặc nhai bỏng ngô. Những ngày ủng hộ Jair Bolsonaro nhịp theo cùng quốc ca Brazil và các bài hát thể hiện tình yêu nước.

Thứ Năm vừa qua, cảnh sát và binh lính đã cố dỡ bỏ một phần khu cắm trại nhưng không thành. Họ đã bị ném đá và phải từ bỏ hành động. Tại nơi này, không ai nhận trả lời báo chí nhưng các phát biểu đều thể hiện ý kiến rõ ràng.

Trên một sân khấu nhỏ, một người phụ nữ tóc vàng khoảng 40 tuổi, quấn cờ Brazil quanh mình, khẳng định: « Từ bỏ không phải là một sự lựa chọn ». Bà hét lên với khoảng 100 người đang lắng nghe : « Chúng ta sẽ giải phóng tổ quốc này ». Và mọi người đáp lại : « Chúng ta sẽ hy sinh để bảo vệ Brazil ».

Cách nay một tuần, cảnh sát đã phá được một âm mưu khủng bố. Một trong những thành viên của trại này đã cài một thiết bị gây nổ vào một chiếc xe chở xăng dầu gần sân bay Brasilia. Mục tiêu là nhằm « gieo rắc sự hỗn loạn » để có sự can thiệp của quân đội.

Thế nhưng, rất nhanh, micro của chúng tôi bị họ phát hiện. Họ hỏi chúng tôi có phải là nhà báo không, có phải chúng tôi thuộc cánh tả Pháp, do Emmanuel Macron cử đến không. Chỉ sau chưa đến hai phút, chúng tôi bị đám đông xem là mật vụ của chính phủ Pháp trà trộn vào hàng ngũ của họ để phá hoại phong trào. Bầu không khí trở nên căng thẳng và chúng tôi đã bị đuổi đi một cách thô bạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét