Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Tài hoa Văn Phụng - KD


Mùa Xuân 1945, tại Nhà hát lớn Hà Nội, cậu bé Nguyễn Văn Phụng, 15 tuổi, được giải nhất piano solo với bản La Prière D’Une Vierge (Bài Nguyện Cầu Của Một Trinh Nữ). Hai giáo sư piano lúc đó là Bá Vượng và Perrier hãnh diện đã dạy cậu học trò ấy. Mùa Thu khói lửa 1946, cậu bé Phụng chạy loạn về nương náu tại nhà thờ Tứ Trùng, Chợ Cồn, Nam Định và được Cha xứ Mai Xuân Đĩnh dạy về đạo lý và âm nhạc. Năm 1948, cậu trở về Hà Nội, vì lệnh động viên nên gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam Tiểu đoàn Danh dự (Hà Nội), cùng thời với Nguyễn Hiền, Đan Thọ, Nguyễn Cầu, Văn Khôi, Nguyễn Túc, Nhật Bằng... Cậu thường đi trình diễn ở hậu cứ mặt trận cùng với các tổ chức ủy lạo chiến sĩ.
<!>
Năm 1948, bản nhạc Ô Mê Ly ra đời, và tên Văn Phụng trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc Việt Nam.
Được quân nhạc trưởng Schmetzler chỉ dạy, nhiều năm sau Văn Phụng trở thành một nhạc sĩ soạn hòa âm xuất sắc đầu tiên làm hòa tấu những bản nhạc Việt Nam cho Ban Đại hòa tấu quân nhạc Việt Nam Cộng hòa (100 nhạc viên) và cho các ban tân nhạc Đài Phát thanh Quân đội ba miền.

Trong các thập niên 1950 - 60 - 70, nhạc của Văn Phụng vang lên đều đặn ở các Đài Phát thanh, Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, sân khấu ... như các bản Suối Tóc, Trăng Sáng Vườn Chè, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Bức Họa Đồng Quê, Tiếng Dương Cầm…

Văn Phụng đã cộng tác và điều khiển ban nhạc với các bạn ca nhạc sĩ cùng thời như: Anh Ngọc, Minh Trang, Ban Thăng Long, Trần Văn Trạch, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà... và cho các hãng sản xuất băng nhạc, đĩa nhựa như Asia, Continental...


Sang Mỹ tị nạn năm 1978, Văn Phụng đã viết hòa âm cho nhiều hãng làm băng nhạc Việt Nam tại California và trên thế giới. Cuốn băng Thúy Nga Paris số 27 (thực hiện tại Paris & California) đặc biệt trình bày những nhạc phẩm hay nhất và cuộc đời yêu âm nhạc của Văn Phụng. Nữ ca sĩ Châu Hà là nguồn sáng tác và người bạn đường cộng tác trình diễn với ông - Ông qua đời năm 1999 tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Từ thập niên 1950 - 60, từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ, các bản nhạc như Ghé Bến Sài Gòn, Suối Tóc, Ô Mê Ly, Trăng Sáng Vườn Chè, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Yêu, Bức Họa Đồng Quê… ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, thêm vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.

Từ năm 1975 có cuộc di cư vĩ đại ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang: Slow đổi thành pop, boston thành rumba..., nên ai mà không thích nghe Ái Vân hát bài Trăng Sáng Vườn Chè?

Nhạc sĩ Nguyễn Túc là bạn thân của Văn Phụng hơn 50 năm, nên họ biết rõ nhau từ thuở mới bước chân vào nghề nhạc, chưa có danh vọng và tiền bạc, cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là "lính kèn", với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng, vv. Họ cùng chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về nhạc, tuy nhiên không bao giờ tâng bốc nhau trong vấn đề nghệ thuật.

Lời ông Nguyễn Túc: "Văn Phụng đã đi rồi, hôm nay tôi viết ở đây vài dòng cảm nghĩ của tôi với người bạn vong niên mà tôi vẫn thầm cảm phục, và tôi đã gán cho anh danh hiệu "thiên tài", không phải là không lý do, cũng như đối với vài nhạc sĩ Việt Nam khác. Hai chữ đó chắc ai cũng hiểu là nói về những người đã được trời ban cho cái tài đặc biệt mà người khác không thể nào bằng trong một giới nào, nhất là về nghệ thuật. Tìm trong hàng triệu người mới thấy một Beethoven hay một Picasso".

Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Bất cứ ai đã chơi hay hiểu về nhạc đều thấy rằng, chỉ giỏi trong một phương diện về nhạc không thôi cũng đã khó và phải có đủ điều kiện thiên phú, thời gian học hỏi, kinh nghiệm. Trước hết, về tài sáng tác, ông đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc của ông cả. Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Sài Gòn và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí. Tiếng kèn clarinette của ông lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của ông, với những âm láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi ông đệm nhạc cho một ca sĩ.

Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thu thanh và các nhạc khí điện tử thời đó. Có một lần, sau khi mua một đàn điện synthesizer, có hơn 100 tiếng đàn khác nhau, ông đã xóa hết những tiếng cũ và thay vào trong đàn những tiếng theo thứ tự ông lựa chọn, một điều không dễ mà chưa bao giờ một nhạc sĩ nào mua đàn, mà lại mất công tự làm lại theo ý thích của mình. Hơn nữa, ông lại lấy một số tiếng đàn Tây phương thay đổi, chuyển thành tiếng đàn ta như sáo tre, đàn tranh, đàn bầu.

Vì thế, mỗi lần mua đàn điện mới, Nguyễn Túc cứ việc nhờ Văn Phụng đi mua cho một chiếc đàn giống đàn của ông đã có và đã nghiên cứu rồi về chỉ lại cho chơi ngay, nên không phải mất công đọc sách chỉ dẫn. Ông Túc đã học hỏi nhiều ở Văn Phụng những bước đầu về kỹ thuật và máy móc để thu thanh. Ngoài ra, ông đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi làm việc tại Đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia.

Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ ông tự nói ra. Ông thích cây cỏ, thiên nhiên... Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, ông mua được một căn nhà nhỏ ở đường Backlick, Springfield, Virginia. Ông thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của mình thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà... Chính ông tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và cũng kể là có lúc ông làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Ông cũng thường nói, nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi biển, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi!

Văn Phụng thường nói với nhiều người là ước gì Cộng đồng Việt Nam thành lập được một Club giống như Country Club của Mỹ, nghĩa là một câu lạc bộ mà ngày nghỉ, gia đình, con cái, bạn bè đến tập họp ăn uống, vui chơi đủ môn giải trí, thể thao. Hơn nữa, câu lạc bộ còn có một sân khấu lớn đầy đủ âm thanh, đèn màu để tổ chức thường xuyên nhạc hội ca vũ nhạc Việt Nam, các đoàn ở xa đến đã có sẵn nơi trình diễn. Về cưới hỏi, câu lạc bộ có thể đảm nhiệm để lấy tiền. Các hội viên là những người yêu nghệ thuật, sẽ đóng góp vài trăm một tháng, nếu cần Văn Phụng sẽ tình nguyện làm manager trông nom. Mỗi lần thấy Văn Phụng nói chuyện đó, ông Túc và Nhật Bằng thường cười với nhau, vì ước vọng của ông quá lớn, khó có thể thực hiện được.

Cá tính thứ hai của Văn Phụng là sự bền chí để đi đến tuyệt hảo. Ông tự thu thanh lấy một nhạc phẩm của mình viết, soạn hòa âm và phối khí trên thị trường, có khi đến 5, 7 lần mà vẫn không nản. Ông chơi nhạc tại vũ trường từ xưa nên quen thức đêm, thường đến 1-2 giờ sáng. Mỗi lần mua một đàn điện, ông thức đêm có khi mấy tháng để nghiên cứu cây đàn mới .

Cá tính thứ ba của Văn Phụng là sự cẩn thận rất mực. Ở nhà ông, bất cứ chỗ nào, nơi làm việc, kể cả trong nhà tắm, nơi nào cũng đầy những mảnh giấy nhỏ ghi bằng mực đậm những điều phải làm, có khi là những ý nghĩ riêng của ông nữa. Ông rất có trách nhiệm khi đi trình diễn, bao giờ cũng có mặt trước 2 tiếng đồng hồ.

Một lần ông Túc đi chơi nhạc đám cưới với ông tại nhà hàng China Garden, bắt đầu lúc 7 giờ, thế mà Văn Phụng đã rủ đi từ lúc 3 giờ chiều để sửa soạn đàn và thử âm thanh. Ông nói sớm còn hơn muộn, ở nhà thêm ít phút có hơn gì đâu. Việc gì cũng có thể xảy ra được, lỡ đi đường gặp tai nạn thì làm sao kịp giờ. Ông không thích ai đến nói chuyện trong khi ông chơi nhạc, hay để ly nước trên mặt đàn dương cầm của ông. Trong phòng nhạc của mình, ông tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh, vv.

Ông Túc: "Người bạn tài hoa, vui tính, đáng mến ấy đã vĩnh biệt chúng tôi và Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc".

Khuyết Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét