Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

MÁNG CỎ ẤU THỜI Trần C. Trí


Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
<!>
– Chú Quới... —Tôi nhớ ra ngay— À, chú Quới làm quân tiếp vụ ở trường Đồng Đế Nha Trang, cháu nhớ chứ. Nhưng... chú thì hồi đó cháu không được biết.
– Cậu không biết tôi là phải. —Người đàn ông mỉm cười— Tôi vô Sài Gòn làm ăn từ lâu, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm nhà một lần. Khi cộng sản chiếm miền Nam, từ Sài Gòn tôi chạy thẳng luôn qua Mỹ.

Tôi chợt thắc mắc:
– À, mà làm sao chú nhận ra cháu được vậy?
– Cũng tình cờ thôi. —Ông Nhơn đáp— Mấy tuần trước tôi đọc trên báo thấy cậu có viết một bài về ba cậu, có cả hình hai cha con nữa. Tôi mừng quá, tưởng đâu là sẽ bắt được liên lạc với ông cụ. Dè đâu dọc tới cuối bài, thấy cậu ghi là để tưởng niệm ba cậu, tôi mới biết là ông cụ đã mất rồi.

Ông Nhơn ngó tôi một hồi lâu:
– Cậu giống ba cậu lắm. Không cần cái hình trên báo, tôi cũng có thể nhận ra cậu được.
– Vậy là chú cũng có gặp ba cháu rồi sao? —Tôi hỏi.
– Có chớ, lần nào về Nha Trang, ghé thăm anh Quới ở trường Đồng Đế, tôi cũng gặp ba cậu hết.

Tôi sực nhớ ra:
– Gia đình chú Quới bây giờ ra sao, chú?
– Chị Quới mất hơn 15 năm rồi, còn anh Quới mất sau đó ba năm. Thằng con của hai người... tôi mất liên lạc với nó cũng mấy năm nay. Lần chót tôi còn thơ từ qua lại với nó, nó vẫn còn ở Nha Trang...
– Thằng On, phải không chú?
– Cậu nhớ tên nó hay đó, mấy chục năm rồi... —Ông Nhơn gật gù nói— À, tôi muốn nói chuyện thêm với cậu nhưng bây giờ chưa tiện, vậy cậu cho tôi xin địa chỉ email để tôi với cậu liên lạc, hẹn một bữa khác, đi uống cà-phê cà-pháo...
– Dạ, để cháu cho chú số điện thoại, mình text qua text lại cho nhanh.
– Số điện thoại thì được, nhưng tôi không quen text, cậu à. —Ông Nhơn thú nhận— Tôi biết dùng email cũng là tân tiến lắm rồi.

Tôi mỉm cười thông cảm, nhờ ông đọc số điện thoại của ông để tôi gọi ngay lúc đó. Khi điện thoại của ông Nhơn reo lên, tôi nói:
– Chú cho cháu mượn cái phone của chú đi. Cháu sẽ giúp chú save lại số của cháu mới gọi chú đó... Rồi bây giờ chú đọc địa chỉ email của chú, cháu sẽ ghi lại vào phone của cháu.

Trao đổi chi tiết liên lạc với nhau xong xuôi, chúng tôi chào tạm biệt nhau. Tôi đứng yên chỗ cũ, định thần một lát rồi mới nhớ lại hồi nãy mình đang làm gì. Tôi tiếp tục ngó qua các cây thông, cuối cùng chọn một cây cỡ trung bình, chắc là vừa với family room của nhà tôi. Tôi hí hoáy ghi mã số của cây thông, tiến lại quầy tính tiền để thanh toán. Khi người thu ngân gọi nhân viên mang ra cây thông chưa ráp, còn nguyên trong hộp, tôi đỡ lấy cái hộp dài một cách máy móc. Từ đó đến khi ra bãi đậu xe, tôi vừa vác cái hộp, vừa bâng khuâng nghĩ tới một quãng đời cũ mà ông Nhơn vừa khiến tôi nhớ lại...
...................................................................................................
Năm đó tôi đâu khoảng chín, mười tuổi. Lúc ấy cũng là vào lúc mùa Giáng Sinh sắp tới. Từ trường tiểu học của tôi đi bộ về nhà, tôi phải đi qua ba block đường. Mấy đứa bạn cùng xóm, học cùng trường với tôi ngày nào cũng đi qua một ngôi nhà thờ tin lành trên đường về nhà. Ngôi nhà thờ này hằng năm là nơi báo hiệu mùa Giáng Sinh sắp về, qua những món trang trí, đèn hoa giăng mắc ở mặt tiền, đặc biệt là cái máng cỏ to tướng nằm bên cạnh lối ra vào nhà thờ. Mấy đứa bạn hàng xóm nhà có đạo tha hồ khoe nhau nhà đứa nào sẽ có cây thông Giáng Sinh và máng cỏ to nhất, đẹp nhất. Gia đình tôi theo Phật, nhưng tôi rất mê nét hào nhoáng của cây thông Noël, đèn đóm lung linh bên những món trang trí đủ màu sắc, hay không khí huyền diệu toả ra từ những cái máng cỏ, bên trong có những bức tượng nho nhỏ, xinh xinh. Những món đồ Giáng Sinh trang trí cho máng cỏ đó, chỗ nhà thờ đã bày bán trong khoảng sân rộng từ cả tháng trước Noël. Tôi khoái nhất là những cây thông bé xíu, chỉ bằng mấy ngón tay chụm lại, mà người ta còn tỉ mỉ xịt sơn trắng lốm đốm lên để giả làm tuyết. Năm nào cũng như năm nào, tôi đều kiên nhẫn thuyết phục má tôi cho mua cây thông và máng cỏ như nhiều nhà khác trong xóm, nhưng không lần nào làm má xiêu lòng được.
– Nhà mình không có đạo. —Má ca đi ca lại một điệp khúc mỗi lần tôi vòi xin mua đồ Giáng Sinh.
– Phật có phải là một đạo không má? —Một lần, tôi “gài” má với câu hỏi này.
– Phật cũng là đạo chớ sao! —Má cao giọng đáp— Con hỏi gì mà kỳ vậy.
– À há! —Tôi đắc thắng nói— Vậy thì nhà mình cũng “có đạo” như ai, phải không má?
– Nhà mình theo đạo Phật. —Má sửa lại— Nhà theo Phật mà chưng cây Noël với hang đá thì không nên.

Má tôi hay dùng hai chữ “không nên” để chỉ những việc gì phạm đến tính thiêng liêng, huyền bí có dính dáng đến tôn giáo hay ông bà tổ tiên. Má là cả một kho ngữ vựng tiếng Việt phong phú, linh hoạt, hết sức đậm đà tính địa phương. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn dùng nhiều chữ trong kho ngữ vựng đó của má khi có dịp, dù đang sống ở Mỹ.

Cho đến một hôm... Ba tôi đi làm về, trông ông vui vẻ hơn thường ngày. Ông ngồi xuống cái divan ở gian phòng ngoài, vừa tháo đôi giày lính ra, vừa hỏi tôi:
– Việt, con muốn có một cái hang đá cho Noël năm nay không?

Tôi còn chưa tin vào tai mình, chưa kịp hiểu hết điều ba vừa nói thì má đã từ trong phòng khách bước ra bảo:
– Anh nói hang đá gì mới được? Nhà mình có đạo đâu... À không... nhà mình có theo công giáo đâu chớ!
– Hang đá này không phải tốn tiền mua! —Ba điềm nhiên nói tiếp— Anh mới biết ra, trung sĩ Quới có tài làm hang đá bằng bao xi-măng hay lắm! Chú hứa sẽ làm cho thằng Việt một cái.

– Tốn tiền hay không tốn tiền đâu phải là vấn đề! —Má cằn nhằn— Anh thì chỉ ưa chiều thằng Việt, riết rồi nó hư hồi nào không biết.

Má quày quả trở vào trong, coi bộ rất bực mình. Lúc này, tôi mới dám lên tiếng:
– Thật vậy hở ba? Chừng nào con mới có cái hang đá?
– Chắc một hai bữa gì đó thôi. —Ba đã tháo giày ra xong, đứng dậy vươn vai mấy cái— Ba sẽ chở con tới nhà chú Quới để lấy.
– Nhưng... còn mấy thứ ở bên trong... —Tôi ngập ngừng— Chắc má không cho con mua đâu ba.
– Để ba cho. —Ba vỗ vai tôi rồi đi vào trong.

Tôi ngồi xuống cái divan, mơ màng mường tượng ra cái hang đá mình hằng mơ ước, bên trong sẽ là cái máng cỏ có đầy đủ những thứ mà tôi đã từng thấy. Mình sẽ đặt nó ở đâu há? Trong phòng khác hay ở gian phòng ngoài này? Chắc là nên để ở ngoài cho má khỏi thấy chướng mắt. Hy vọng thấy hang đá đẹp chắc má cũng không nỡ nào phản đối...

Vậy là từ đó trở đi tôi đếm từng ngày, thấy sao mà thời giờ trôi qua chậm quá. Tôi chỉ sợ chú Quới quên làm hang đá cho tôi thì chắc tôi thất vọng lắm lắm. Nói nào ngay, hồi giờ tôi vốn không thích chú Quới. Chẳng là vì chú rất nghiêm, chỉ nói chuyện với ba má tôi, chứ ít khi chú nói gì với tôi, chắc là vì chú nghĩ tôi còn con nít con nôi, miệng còn hôi sữa... Thoạt đầu, thỉnh thoảng chú mới đến nhà tôi chơi một lần. Về sau, tôi thấy ba tôi thường nhắc đến chú, đến vợ chú nhiều hơn trước, và cuối cùng, ba giới thiệu chú vào làm thư ký cho công ty xuất nhập cảng của ông ngoại tôi. Trong công ty này, ông ngoại cho má tôi giữ chức quản lý. Từ đó, mỗi lần ghé công ty của ông ngoại chơi, tôi gặp chú Quới thường xuyên hơn. Người chú gầy gò, trông lạnh lùng và khắc khổ. Lúc đó chắc chú chỉ ngoài ba mươi thôi mà tóc chú hói đã gần hết. Lúc làm việc, chú còn mang cặp kính viễn thị, khiến ngó chú già trước tuổi rất nhiều.

Có lần, tôi đang chạy chơi ở công ty, tình cờ đi vào căn phòng bên trong, thấy má tôi và chú Quới đang đứng nói chuyện. Hồi đó, tuy còn nhỏ, tôi cũng mang máng nhận thấy chú đang nói một chuyện gì quan trọng với má tôi mà hình như không phải là chuyện công việc. Thấy tôi bước vào, chú Quới nghiêm giọng bảo:

– Việt đi ra ngoài chơi, để chú đang nói chuyện với má!

Tôi tiu nghỉu quay ra, trong lòng thấy giận chú Quới quá. Tôi còn nhỏ thật, nhưng hồi giờ chưa có người lớn nào trong gia đình hay là người quen của ba má nói với tôi bằng cái giọng kẻ cả như thế. Đã vậy, sao không thấy má tôi đỡ lời cho chú Quới chút nào, làm như má cũng đồng ý với chú. Tôi để ý thấy má rất quý chú Quới. Đi làm về, má hay kể chuyện trong công ty cho ba nghe. Trong những mẩu chuyện đó, má thường nói “Chú Quới thế này, chú Quới thế nọ...” cùng những chi tiết mà má muốn kể. Chú Quới nhỏ hơn ba má tôi gần cả chục tuổi nên ba má tôi thường gọi chú là “chú” với ý nghĩa là “chú em”. Về phần chú Quới, chú cũng “chị chị, em em” với má tôi ngọt xớt; ai nghe thấy mà không biết rõ về gia đình tôi chắc phải nghĩ hai người là chị em ruột thịt.

Một đặc điểm khác của chú Quới làm tôi chú ý là cái tên của chú. Tôi chưa từng thấy ai trùng tên chú (cho đến tận bây giờ!). Tôi nhớ có hôm tôi hỏi ba:
– Ba ơi, tại sao chú Quới có cái tên nghe kỳ cục vậy ba?
– Kỳ là tại vì hiếm ai có tên này... —Ba cười, trả lời tôi— Đó là một cách đọc trại đi của chữ “Quý”, con à.
– Đọc trại là sao hở ba? —Tôi vẫn chưa hết thắc mắc.

Ba từ tốn giảng giải:
– Đọc trại một chữ là đọc chữ đó cho khác đi một chút, nhưng vẫn còn nghe giống một phần nào. Trong tiếng Việt, có nhiều chữ người ta đọc trại đi để tránh tên của những người nổi tiếng như vua chúa trong lịch sử hay của ông bà trong gia đình. Thí dụ trong Nam người ta nói “cây kiểng” thay vì “cây cảnh”, để tránh tên của Hoàng tử Cảnh, tức là Nguyễn Phúc Cảnh, con của vua Gia Long. Đọc trại đi một chữ là để tránh việc “phạm huý”, “huý” có nghĩa là tên đó con. Ba nghĩ chắc nhà chú Quới đã có ai tên Quý rồi.

Lúc hai cha con đang nói chuyện với nhau, má tôi cũng nghe thấy. Bà đi vào trong lấy vật gì đó rồi trở ra đưa cho tôi xem và hỏi:
– Cái này con gọi là cái gì?
– Cây kim! —Tôi đáp thật nhanh, không hiểu má muốn gì.

Má tôi cười bảo:
– Vậy mà ông ngoại con gọi nó là “cây châm” đó! —Má giảng giải thêm— Ông ngoại cũng sợ phạm huý như ba con nói, vì má nghe ông ngoại nói ông tằng, ông tổ của má có tên là Kim. Nhưng thay vì đọc trại chữ “kim” ra cho khác, ông ngoại lại dùng chữ “châm” để thay thế.

(Sau này lớn lên, tôi dạy tiếng Việt và ngoại ngữ, có dịp học hỏi nhiều điều từ môn ngôn ngữ học, nhớ lại chuyện má kể, tôi mới thấy phục ông ngoại. Chữ “kim” là một danh từ, nếu cố đọc trại nó ra cho khác thì cũng không dễ tìm ra âm nào nghe cho được tai na ná như vậy. Chắc vì lý do đó mà ông ngoại chọn động từ “châm”, có liên quan đến danh từ “kim”, thật là tài!)...

Tôi phải đợi đến buổi chiều trước Giáng Sinh mới được ba cho biết là chú Quới đã làm xong cái hang đá cho tôi. Ba có nói trước là năm nay chú Quới bận lắm, vì thím Quới sắp sinh em bé. Biết vậy, nhưng lúc ba gần đi làm về, tôi đã chực khóc vì thấy buổi chiều sắp hết rồi mà cái hang đá chưa thấy tăm hơi đâu, trong khi nhà mấy đứa “có đạo” trong xóm đã tưng bừng khoe đèn đóm và đầy đủ những thứ trang hoàng mùa Giáng Sinh. Chưa bao giờ tôi thấp thỏm đợi ba về đến thế. Khi thấy chiếc xe Jeep của ba quẹo vào cổng xóm, tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Lúc xe của ba từ từ ngừng trước nhà, tôi chạy ra đến cửa, hồi hộp chờ xem ba nói gì. Ba ngồi yên trên xe, nheo mắt nhìn tôi, nói vọng ra:
– Việt, lên xe đi con! Mình đi lấy hang đá về.

Không đợi ba nói thêm tiếng nào, tôi vội nhảy thót lên xe, ngồi chễm chệ cạnh ba. Trong lúc ba im lặng lái xe, tôi nghe người như bồng bềnh trong một giấc chiêm bao êm ái. Cảnh vật hai bên đường chợt nhuốm màu ngũ sắc, lấp lánh như những sợi kim tuyến trên cây thông Giáng Sinh (mà tôi cũng rất muốn có. Nhưng thôi, hãy cứ “từng bước từng bước thầm” cái đã. Má mà không la là may lắm rồi. Hy vọng năm sau tôi sẽ có...).

Lúc sắp đi ngang ngôi nhà thờ, ba cho xe rẽ vào, đậu đằng trước. Tôi lặng người đi vì sung sướng. Ba không quên những món cần có trong hang đá! Lúc hai cha con đi qua cổng nhà thờ, ba ngó tôi bảo:
– Hy vọng giờ này người ta còn đầy đủ các thứ.

Thật may, trên chiếc bàn bày bán các món trang trí Giáng Sinh, chỉ còn ba bộ tượng nữa là hết. Tôi run run lựa từng món, tượng bà Mary, tượng ông Joseph, tượng Chúa Hài Đồng, tượng Ba Vua, cả tượng anh mục đồng, một con bò và một con cừu nữa. Tôi tuy không “có đạo” nhưng đã thuộc những tượng nào có trong hang đá! Nhìn hai cây thông nhỏ còn lại trên bàn, tôi rụt rè hỏi ba:
– Ba cho con lấy một cây thông nhe ba?

Ba tôi gật đầu. Ông còn mua thêm cho tôi một nắm rơm để trải trong máng cỏ. Trả tiền xong xuôi, hai cha con quay ra xe. Tôi xách khư khư cái túi đựng các bức tượng, đi thật nhẹ, cứ sợ chúng va vào nhau thì vỡ hay nứt trước khi về đến nhà thì tiếc lắm.

Nhà chú Quới ở Phường Củi, nơi tiếp giáp với vùng ngoại ô Nha Trang. Khi chúng tôi đến, căn nhà nhỏ của chú cửa đóng im ỉm. Ba gõ cửa mấy lần mà không ai trả lời. Ông lẩm bẩm:
– Chắc chú Quới còn ở bệnh viện chưa về. Thím mới sinh em bé hồi trưa.

Ba và tôi đứng lóng ngóng đợi chừng mười phút thì thấy chú Quới cỡi chiếc Honda cũ kỹ về nhà. Chú hấp tấp dựng xe, vừa thở vừa hỏi:
– Đại uý đợi em lâu chưa?

Ba tôi không trả lời mà hỏi lại chú:
– Sao? Mẹ tròn con vuông hết hả Quới? Con trai hay con gái?
– Con trai, anh à. —Chú Quới vẫn còn thở dốc. Từ ngày vào công ty làm việc với má tôi, chú Quới trở nên thân mật với ba tôi hơn, lúc thì vẫn gọi ba là đại uý như trong quân ngũ, nhưng cũng có lúc anh anh em em với ba như vậy.
– Con trai hả? —Mắt ba hình như sáng lên, có vẻ như muốn vui lây với chú Quới. Nhưng lúc đó tôi thấy gương mặt chú không vui mà lo âu nhiều hơn thì có.
– Quới đặt tên con là gì? —Ba lại hỏi.
– Thằng nhỏ tên là On. —Chú Quới đáp, giọng không có gì hào hứng.
– On hả? —Ba lặp lại cái tên ít ai có. Tôi đoán ba đang ngẫm nghĩ coi nó là cách đọc trại chữ gì, như ba đã từng nói về tên chú Quới.

Chú không nói gì, lặng lẽ mở cửa mời ba và tôi vào. Gian phòng nhỏ vừa là chỗ tiếp khách, vừa làm phòng ăn, tối lờ mờ, mùi ẩm thấp xông lên khiến tôi thấy ngột ngạt. Chú Quới mời chúng tôi ngồi rồi tất tả đi ra phía sau. Một lát sau, chú trở lên, khệ nệ ôm cái hang đá còn bay mùi sơn mới. Chú đặt hang đá trên cái bàn nhỏ trước mặt chúng tôi rồi bước lại bật đèn lên. Dưới ánh sáng của cây đèn néon, tôi được chiêm ngưỡng cái hang đá lộng lẫy nhất trên đời từ trước tới giờ! Tôi như nghẹn lời, chỉ biết nhìn chú Quới bằng ánh mắt biết ơn. Chú biết tôi thích lắm, giọng chú chợt vui vẻ hẳn lên, trái với lúc chú nghiêm nghị la tôi ở công ty hôm nào:
– Việt thích không? Chú làm một cái khung bằng tre rồi phủ giấy bao xi-măng lên đó. Xong rồi chú xịt sơn đen lên, đợi cho khô rồi mới rắc sơn trắng, giả làm tuyết...

Tôi mê mẩn ngắm cái hang đá đầu tiên của mình, đến khi nghe ba nói cám ơn chú Quới và giục tôi ra về, tôi mới như quay lại với thực tại. Ba giúp tôi mang cái hang đá ra xe vì nó khá cồng kềnh. Từ đó đến khi về nhà, tôi lại bồng bềnh trong giấc mơ đẹp, muốn nó không bao giờ chấm dứt...

Về đến nhà, tôi vừa vui vì có cái hang đá, vừa ké né sợ má la. Cũng may lúc đó má đang bận nấu ăn trong bếp. Tôi vội vàng lấy cái bàn nhỏ hồi giờ vẫn để trong góc, chất đầy sách truyện con nít, cất hết sách vở đi rồi mang bàn ra để ở một góc trong gian phòng ngoài. Mùi sơn thơm tho toả ra từ cái hang đá vẫn làm tôi ngây ngất. Tôi cặm cụi trải lớp rơm xuống sàn bên trong hang đá rồi trịnh trọng bày từng bức tượng lên trên, xê tới xê lui cho vừa mắt. Cuối cùng, tôi đặt cây thông be bé, xinh xinh ngay trước cửa hang. Vậy là cái máng cỏ trong ước mơ của tôi đã thành sự thật!
– Con biết còn thiếu cái gì nữa không? —Má đã đứng đằng sau tôi tự lúc nào, lên tiếng hỏi làm tôi giật nẩy mình.
– Thiếu cái gì, má? —Tôi hồi hộp hỏi, thoáng mừng vì câu đầu tiên của má không phải để rầy la.
– Thiếu đèn bên trong cho sáng! —Má trả lời. Giọng bà không có vẻ gì là bực bội vì chuyện “không nên” này cả.

Ba đã vào trong thay quần áo xong xuôi, trở ra đứng bên cạnh má, ngắm nghía công trình của tôi. Ông bảo:
– Ba có một cái bóng đèn nhỏ trong hộc tủ, có dây đàng hoàng. Để ba giúp con đục một lỗ từ trên nóc hang đá xuống, bỏ đèn vô trong và gắn dây điện vào ổ cho sáng.

Khi cái bóng đèn bật sáng bên trong hang đá, trời cũng vừa ngả tối bên ngoài. Máng cỏ xinh xắn bên trong nổi bật hẳn lên dưới ánh sáng lung linh, lung linh như niềm vui bất tận của tôi trong mùa Giáng Sinh đáng nhớ đó…
...............................................................................................................
Má tôi mất vài năm trước khi ba tôi qua Mỹ. Trong những lần ôn lại chuyện cũ với tôi, thỉnh thoảng ba có nhắc đến chú Quới, nhưng chắc là để có cớ nhắc tới thằng On thì đúng hơn, tôi thấy vậy. Tôi đoán ba nhớ tới nó vì cái tên độc đáo, nếu không muốn nói là lập dị. Có điều lạ là tôi không thấy ba liên lạc gì với chú Quới, trong khi ba vẫn thư từ khá đều đặn với một số bạn bè khác trong quân đội ngày trước. Có lần tôi đã tò mò hỏi vì sao ba không biết nhiều về chú thím Quới thì ba chỉ im lặng nhún vai. Tôi cũng không hỏi tới nữa.

Tôi gởi cho ông Nhơn một cái email theo địa chỉ chú đã cho. Hai chú cháu hẹn gặp nhau ở một quán cà-phê nằm khuất trong một khu thương xá lúc ấy khá vắng vẻ. Từ cái bàn chỗ hai người ngồi, chúng tôi nhìn ra một khoảng sân cỏ xanh rờn, thoáng mát. Ông Nhơn gọi một ly cà-phê sữa đá, còn tôi gọi một ly trà xanh vì trước đó đã uống hai ly cà-phê rồi.

Tôi hỏi thăm về gia đình ông Nhơn, và ông cũng ân cần hỏi về gia đình tôi. Trông ông không giống gì với chú Quới ngày xưa cả. Ông Nhơn to người, râu ria xồm xoàm, còn chú Quới, trong ký ức của tôi, rất thư sinh. Hai anh em mà như kẻ võ, người văn.

– Được biết chú, bây giờ cháu mới hiểu hết ý nghĩa của hai cái tên cộng lại! —Tôi nhận xét— Chú biết không? Cháu nhớ chú Quới hoài vì chính chú là người làm cái hang đá Giáng Sinh đầu tiên cho cháu.
– Tên anh Quới như vậy, mà đời ảnh không có gì là “quý” cả! —Ông Nhơn thở dài.
– Sao chú lại nói như vậy, cháu không hiểu. —Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Anh Quới có một nỗi buồn sâu kín mà trong gia đình ai cũng biết nhưng không thấy rõ, cho đến khi thằng On ra đời...

Tôi ngồi yên lắng nghe, không muốn đặt câu hỏi nào nữa, vì cảm thấy có một điều gì đó, to tát, mà ông Nhơn sắp nói tới.
– Nghe thì trái khoáy thật, phải không cậu? —Ông Nhơn tiếp tục— Lý do là anh Quới của tôi đã được bác sĩ cho biết là ảnh vô sinh từ lâu!

Tôi lặng người đi, nhưng vẫn không biết phải nói gì, chỉ ngồi chờ xem câu chuyện diễn tiến tới đâu.

Giọng ông Nhơn vẫn đều đều:
– Tôi không hiểu cậu có biết không, thằng On là con của ba cậu; nó là em của cậu đó!
– Dạ không, cháu không biết! Cháu... không hề... hay biết! —Tôi lắp bắp.

Ông Nhơn thở ra, như đã trút hết một gánh nặng trong lòng, không nói thêm gì nữa. Phải một lát sau, tôi mới đủ bình tĩnh nói:
– Lúc còn sống, ba cháu đôi lúc có nhắc đến On, nhưng không bao giờ nói gì khác. —Tôi nhìn ông Nhơn— Chú nói vậy thì cháu hay vậy, nhưng sự thật là ở đâu? Bây giờ ba cháu không còn để xác nhận hay phủ nhận được nữa.

Ông Nhơn cười gượng:
– Chị Quới, lúc hấp hối, đã thú nhận chuyện đó rồi, cậu à. —Ông Nhơn ngưng lại một hồi lâu rồi nói tiếp— Lúc vừa thấy tấm hình của ba cậu và cậu trên báo, tôi đã nghĩ là mình sẽ có dịp gặp ba cậu để hỏi xem ông và thằng On có liên lạc với nhau trong mấy mươi năm qua không, nhưng không còn cơ hội đó nữa...

Ông Nhơn nhấc tách cà-phê lên, nhấp một ngụm. Tôi cũng hớp một miếng trà. Chẳng biết ông có thấy cà-phê đắng hơn mọi lần hay không mà vị trà thật chát trong miệng tôi. Bãi cỏ trước mặt chúng tôi bỗng dưng không còn thấy mượt mà nữa. Trời chợt tối sầm lại vì nhiều đám mây mù từ đâu kéo về. Tôi uể oải đứng lên gọi tính tiền và nói lời chia tay ông Nhơn.
– Cháu sẽ liên lạc với chú qua email. Cám ơn chú nhiều. —Tôi nói, như vô hồn. Ông Nhơn khẽ gật đầu rồi quay đi.

Buổi tối hôm đó, tôi ăn uống qua loa rồi vào phòng làm việc, kiếm cái cặp của ba, hy vọng có tìm ra manh mối gì trong đó không. Từ ngày ba mất, tôi chưa bao giờ mở cái cặp đó ra, sợ phải thấy những vật dụng, giấy tờ của ba, chỉ làm buồn thêm chứ chẳng được gì. Tôi còn một thắc mắc nữa—Má có biết được chuyện này không? Tôi nhớ mấy hôm sau khi thím Quới từ bệnh viện về, ba má tôi có tới thăm hai mẹ con. Má mang nhiều quà, áo quần em bé và mấy thùng sữa Ông Thọ. Hôm đó tôi cũng đi theo ba má. Chú Quới đứng lóng ngóng bên mọi người, rồi lại lăng xăng tới lui trong phòng. Chắc chú cưng thằng On lắm, cái đầu nó tròn quay, không một sợi tóc, hai con mắt đen lay láy, nổi bật trên làn da trắng nõn.

Về nhà, má nói với ba:
– Tên thằng nhỏ nghe ngộ quá há anh? Không biết chú Quới có dựa vào tiếng Tây mà đặt tên cho con là On, Đơ, Troa… không! Chắc chú thím định sinh mấy đứa nữa…
– Chuyện đó ai mà biết được! —Ba nói xuôi xị. Bây giờ nghĩ lại, tôi chắc lúc đó ba tôi trả lời hết sức sượng sùng mà có lẽ má không để ý.

Đúng như tôi đã nghĩ, vừa nhìn những món đồ lặt vặt trong cặp của ba, tôi đã thấy lòng nao nao, thổn thức. Mỗi món đồ nho nhỏ của ông lúc sinh thời như cặp kính cận, cái bóp đựng giấy tờ, còn cả vài tờ đô-la lẻ, cái đồng hồ Seiko ba thường đeo, những tấm huy chương ba được thưởng trong thời kỳ quân ngũ… nhất nhất từng thứ đều gợi lên những kỷ niệm ngày trước. Ba có cả một cái folder đựng đủ loại giấy tờ, từ cái bằng quốc tịch Mỹ, bằng cấp thời ông đi học, một số hình ảnh, đến giấy tờ trong quân đội mà ông còn giữ được. Nằm cuối cùng trong xấp giấy đó là một thếp giấy có kích thước chỉ bằng một nửa các loại khác, được ba cẩn thận gài một cái kẹp giấy để giữ chung lại. Tôi tháo cái kẹp, lấy một tờ ra coi thử. Đó là tấm biên lai gởi tiền về Việt Nam, đề tên người nhận là Nguyễn Văn On! Tim tôi như thắt lại thật mạnh. Tôi hấp tấp nhìn các tờ biên lai còn lại. Có tờ ghi tên vài người bạn của ba, nhiều tờ khác đề tên của On. Lần nào ông cũng gởi 100 đô cho… em tôi! Nằm sau cùng trong xấp biên lai đó là một tấm hình của một thanh niên… thằng On! Trông nó thật mạnh khoẻ, cao ráo, nhưng không có gì giống tôi cả. Lần đầu tiên tôi gặp nó là lúc nó mới sinh, mấy chục năm sau tôi mới thấy lại nó qua bức hình này, Tôi lật tấm hình ra phía sau, không thấy có ghi gì cả.

Tôi run run gộp những tờ biên lai gởi tiền cho On chung với nhau, rồi xếp lại theo thứ tự ngày tháng. Xong xuôi nhìn lại, tôi mới thấy ra là ba tôi đã gởi tiền cho On chỉ một năm sau khi ông đến Mỹ, chắc là khi ông đã bắt đầu được lãnh “tiền già”. Ông gởi tiền rất đều đặn, cứ hai tháng một lần, theo như ngày tháng ghi trên các biên lai. Tôi đọc kỹ lại từng tờ thì thấy có ghi địa chỉ thằng On ở Nha Trang, chỉ trừ ba tờ sau cùng là có địa chỉ ở Tuy Hoà, thành phố cách đó hơn trăm cây số về phía Bắc…

Ngồi thừ người một lúc trước mớ giấy tờ, đầu óc tôi ngổn ngang trăm ngàn ý nghĩ. Đêm đã khuya nhưng tôi không thấy buồn ngủ chút nào. Lát sau, tôi bùi ngùi xếp lại mọi thứ, bỏ vào cặp, cất nó vào chỗ cũ. Gian phòng làm việc của tôi chợt như rộng hẳn ra. Đám sách nằm im lìm trên hàng kệ sát vách. Cái đèn màu vàng trên bàn toả một thứ ánh sáng nhợt nhạt, vàng vọt trong căn phòng im ắng đến lạ thường.

Tôi đi ra hàng hiên sau nhà, bật ngọn đèn lên và đến chiếc xích đu ngó ra bãi cỏ, lặng lẽ ngồi xuống. Trời đêm mát lạnh. Tiếng côn trùng kêu rả rích nghe buồn buồn. Tôi nghĩ đến những nhân vật trong câu chuyện vừa tình cờ biết được này, y như trong một cuốn phim: Ba, má, chú Quới, thím Quới, chú Nhơn, thằng On… Còn tôi thì sao? Tôi cũng là một nhân vật trong đó, hay chỉ là một khán giả vô tình? Ba đã sống và nghĩ gì trong suốt thời gian đó, cho đến ngày ông mất? Trong đầu tôi chợt loé lên những những đoạn phim ngắn về mối tình vụng trộm giữa ba và thím Quới, hình ảnh chú Quới đau khổ, nhẫn nhục nuôi đứa con không phải là của mình, thím Quới với mặc cảm tội lỗi, thằng On… còn thằng On, nó chắc cũng biết chuyện này, qua những món tiền của người ngày xưa là cấp chỉ huy của ba nó? Còn má, bây giờ tôi không thể hỏi má điều gì về câu chuyện này cả…

Và tôi? Tại sao tôi phải biết chuyện này, vào thời điểm này? Nếu như chú Nhơn không gặp tôi ở cửa tiệm hôm nào… Tôi, cậu bé hồn nhiên ngày xưa với niềm vui oà vỡ vào một buổi chiều trước lễ Giáng Sinh… Và chú Quới, người đàn ông, người chồng, người cha bất đắc dĩ, người thuộc cấp trung thành của ba… người phải vừa tất tả, đôn đáo đón một đứa bé ra đời, vừa phải hoàn thành cái hang đá cho một đứa bé khác kịp đón Noël…

Tôi thấy mình có bổn phận phải biết thêm về chú Quới, biết chú sống ra sau từ lúc thằng On bắt đầu khôn lớn cho đến những ngày cuối cùng của chú. Tôi cũng có bổn phận phải xác minh câu chuyện này với ông Nhơn, vì tôi đã tỏ ra không tin điều ông nói. Và… chắc tôi cũng phải tìm cho ra thằng On để liên lạc với nó, thằng em bất ngờ của tôi…

Đêm đã sâu và lạnh lắm rồi. Tôi vẫn chưa buồn ngủ nhưng thấy mình dù sao cũng phải vào trong, cố dỗ một giấc ngủ để ngày mai còn có sức đi làm. Tôi trở vào phòng làm việc, ngồi xuống trước cái computer, mở lên và bắt đầu viết một cái email cho ông Nhơn. Trong thư, tôi xin lỗi ông vì đã nghi ngờ sự thật của câu chuyện. Tôi cho ông biết là tôi đã tìm được chứng cớ của câu chuyện đó và ngỏ lời mời ông đến nhà dùng cơm tối để nói chuyện thêm, để ông biết địa chỉ mới của thằng On, và cũng để tôi có dịp tìm hiểu về quãng đời sau này của chú Quới…

Thư tôi gởi đi cả tuần lễ không thấy ông Nhơn trả lời. Bận bịu với công việc, có lúc tôi đã quên bẵng là mình đang đợi thư của ông. Một hôm, khi mở mailbox để xem thư từ mới, tôi nhận được hàng chữ từ địa chỉ của ông Nhơn gởi về lại như sau:

Lấy làm lạ, nhưng tôi vẫn thử gởi lại bức thư mình đã gởi cho ông Nhơn lần trước. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tôi lại nhận cái message tự động, lạnh lùng như cũ. Chưa nản, tôi lại gởi thư đi lần thứ ba —Quá tam ba bận— tôi nhủ thầm. Rồi cũng những dòng chữ máy móc đó trở lại với tôi. Tôi lấy điện thoại, tìm số ông Nhơn đã cho tôi, gọi thử. Chưa kịp nghe chuông điện thoại ở đầu kia reo lên, tôi đã nghe tiếng bíp bíp và giọng nói thu sẵn trong máy: “We're sorry; you have reached a number that has been disconnected or is no longer in service.”

Đặt cái điện thoại xuống, tôi ngồi ngẫm nghĩ một lúc. Tại sao địa chỉ email và số điện thoại của ông Nhơn, mà trước đó tôi còn dùng được, đột nhiên cùng nhau ngưng hoạt động hẳn? A… tôi có thể đặt ra một vài giả thuyết, rằng đó là lý do chủ quan hay khách quan, cố ý hay tình cờ, rằng thế này… rằng thế nọ… để tìm một câu trả lời cho việc mất liên lạc với ông Nhơn. Nhưng thôi, chắc cũng chẳng đi tới đâu… Bỗng dưng tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi… Tôi cần thoát ra tình huống éo le này, những cảm xúc hỗn độn này, những câu hỏi không bao giờ dứt, những điều tưởng tượng… Tất cả… Tất cả…

Tôi sực nhớ rằng sự việc mấy ngày hôm nay đã làm tôi quên mất chuyện ráp cây thông Giáng Sinh mới mua về. Cùng lúc, tôi chợt nảy ra ý nghĩ phải đi mua mấy bức tượng bày thành một máng cỏ cho năm nay, một điều tôi chưa từng làm. Tôi không có cái hang đá nào, nhưng sẽ dùng cái tủ nhỏ có một khoảng trống phía dưới, trong đó tôi đang bày những món souvenir có hình dạng những kiến trúc nổi tiếng trên thế giới mua được qua những lần du lịch. Tôi sẽ lấy những thứ đó ra, biến cái tủ thành hang đá, và bày biện máng cỏ vào trong đó.

Tối mai, tôi sẽ ở nhà, ráp cây thông và trang hoàng thật rực rỡ. Tôi sẽ bật nhạc Giáng Sinh lên trong lúc làm việc này cho có không khí mùa đông, lúc Chúa Hài Đồng giáng thế. Rồi tôi sẽ làm máng cỏ trong cái hang đá “dã chiến” có sẵn của mình. Lúc trải rơm vào bên trong cho thành máng cỏ, rồi trịnh trọng đặt từng bức tượng nho nhỏ vào trong đó, tôi sẽ chìm theo tiếng nhạc du dương, đưa tôi trở lại những ngày tháng hồn nhiên cũ trong mùa Noël năm nào. Tôi sẽ nhớ đến hình ảnh hai cha con hân hoan đi sắm tượng máng cỏ và lấy hang đá vào buổi chiều rộn rịp trước ngày Chúa ra đời. Và, cố nhiên, tôi sẽ ngậm ngùi, thương cảm nhớ đến chú Quới, người đã đem lại niềm vui bất ngờ cho tôi vào mùa đông năm ấy, trong lúc lòng ông chắc hẳn đang đau buồn khôn tả./.

Trần C. Trí



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét