Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Ít Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự Vào Những Ngày Cuối Năm 2022 - Lê Văn Hải



 Tết! Tết! Tết! Tết…Đến Rồi!
Chúc Mừng Năm Mới! Happy New Year 2023!
<!>


- Năm hết Tết đến! Cùng nhau, vẫy tay giã từ “ông già” của năm 2022, với nhiều chuyện buồn, dịch bệnh, thiên tai, viễn ảnh chiến tranh nguyên tử…..
Xuân về! Đất Trời đổi thay, bừng lên sức sống! Cùng hân hoan giang tay đón chào “em bé” năm mới Dương lịch 2023! vui vẻ đang tới! (cuối tuần này!) với nhiều niềm hy vọng tốt đẹp, sáng sủa hơn!

Ngoài trời nắng ban mai bắt đầu ấm áp trở lại, hoa cúc, hoa mai hé nở rồi, rượu ngon cùng mở sẵn, pháo hoa rực sáng chào đón đêm giao thừa 2023 đã sẵn sàng!

Nào hãy cùng vui mừng đón chào năm mới 2023, với nhiều điều hy vọng tốt đẹp, kèm theo những lời chúc tụng, nổ vang… như Pháo Tết (cho vui) nhé!

- Trước thềm năm mới 2023, Kính Chúc tất cả Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Văn Thi Hữu, Gia Đình, Bạn Bè và Thân Hữu:
*Một năm mới: Tiền vào bạc…tỷ! tiền ra rỉ rỉ, miệng cười hi hi, vạn sự như ý, cung hỉ, cung hỉ!

*Thành công luôn tới, sức khỏe tuyệt vời, may mắn khắp nơi, làm nhiều điều mới.

*Công thành danh toại, trẻ mãi không già, phúc lộc trường tồn, tấn tài, tấn lộc.
*Riêng các nàng Mèo hai chân: Ăn nhiều không béo, tiền vào như kéo, tình chặt như keo, dẻo dai như Mèo, sức khỏe như voi! Vồ được nhiều…(chàng) chuột!



Xuân Đã Về! Xuân Đã Về!



Chúc Mừng Năm Mới!
Happy New Year 2023!


Những Phong tục đón mừng năm mới, của 10 quốc gia hàng xóm nước Mỹ

– Dù khác biệt về địa lý cũng như truyền thống, văn hóa, song vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả thế giới đều hân hoan chờ đợi một bước khởi đầu mới với nhiều hi vọng, tin tưởng. Châu Mỹ là một châu lục rộng lớn với nhiều dân tộc quần cư sinh sống, vì vậy phong tục chào đón năm mới của các quốc gia nơi đây cũng vô cùng đặc sắc..

1. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Là một quốc gia đa sắc tộc nhưng phần đông là người nhập cư, nên năm mới ở Mỹ có nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Tuy nhiên có một đặc điểm chung nhất trong đêm giao thừa người ta thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn và đủ màu sắc với ánh đèn và hoa giấy.

Vào đêm 31/12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ, rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne”, tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.

Điều thú vị là ở chỗ có nhiều người mặc trang phục và ăn những đồ ăn đặc biệt. Những người mong muốn tìm thấy tình yêu thực sự thường chọn những bộ đồ màu vàng còn những người hy vọng kiếm được nhiều tiền thì mặc trang phục màu bạc. Có những người khác lại đón chào năm mới bằng những bữa ăn ngon. Song có một điểm mà không phải ai cũng biết là họ ăn bắp cải với hy vọng nó sẽ mang đến cho mình… may mắn và tiền bạc.

Sau khi nhảy múa đón chào năm mới xong họ bước vào bữa tiệc với các món mà người Mỹ tin rằng sẽ đem lại may mắn trong dịp cuối năm. Đó là bắp cải, cá mòi và mật ong. Bắp cải được chọn vì nó có màu xanh và hình dáng giống 1 đồng tiền kim loại tròn; cá mòi thì luôn bơi thẳng về phía trước theo từng đàn lớn tượng trưng cho sự sung túc và thẳng tiến; còn mật ong mang lại niềm vui cho cuộc sống, màu vàng của mật ong tượng trưng cho sự giàu sang về của cải.

Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày.

2. Mexico

Trong thời khắc đón chào năm mới, người Mexico thường tụ họp với người thân và bạn bè. Đêm giao thừa (ngày 31/12), người dân nước này có phong tục đặc biệt như quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè và mở ti-vi lên để chờ hồi chuông báo hiệu 12 giờ, mỗi lần đồng hồ gõ 1 tiếng. Mỗi lần chuông ngân, người dân lại ăn một quả nho (một quả tượng trưng cho 1 trong 12 tháng của năm) và ước một điều ước, sau đó mọi người ôm nhau và chúc nhau năm mới vui vẻ. Cũng vào đêm giao thừa, một số người, đặc biệt là phụ nữ sẽ mặc đồ lót màu đỏ với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu. Ngoài ra, còn một số người sẽ xách vali đi vòng quanh nhà với hy vọng sang năm sẽ xuất ngoại.

Vào ngày 06/01, theo phong tục, người Mexico sẽ ăn một chiếc bánh được khoét một lỗ nhỏ và đặt vào một món đồ chơi ở trong. Người nào ăn phải phần bánh có món đồ chơi đó phải chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt vào ngày 05/02 để thết đãi mọi người. Ngoài ra, trong bữa tiệc cuối năm của người Mexico không thể thiếu đậu đen vì họ coi đậu đen là món ăn dân tộc. Họ hầm đậu đen với chân giò, bột đậu đen với thịt rồi rán. Đó là những món ăn được người Mexico ưa thích nhất.

3. Colombia

Năm mới là một sự kiện quan trọng ở Colombia. Mọi người bất kể tôn giáo, chủng tộc đều tổ chức đón mừng năm mới trong không khí tràn ngập niềm vui. Đây cũng là dịp để người dân quốc gia này khoe với bạn bè thế giới những phong tục, tập quán phong phú và một nền văn hóa đa dạng.

Một phong tục phổ biến trong dịp năm mới ở Colombia là người dân tụ tập vào thời khắc giao thừa và chúc mừng nhau. Người Colombia có tục đón năm mới với phong tục "đốt" năm cũ. Phong tục này có sự tham gia của toàn thể gia đình.

Đốt “Ngài năm cũ” (Mr. Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Colombia trong dịp năm mới. Mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan của người Colombia.

Vào lúc chuyển giao năm cũ và năm mới, người dân nước Nam Mỹ này thường bỏ đồ trang sức vào ly rượu trước khi uống chúc mừng năm mới với hy vọng năm sau sẽ giàu có, sung túc.

Người Colombia cũng nấu món cơm trộn với đậu lăng để ăn vào lúc giao thừa. Họ gửi gắm những hy vọng về một năm no đủ, mùa màng bội thu. Ngoài ra, họ còn đầu tư nhiều thời gian làm món bánh mỳ cho năm mới. Chiếc bánh mỳ đặc biệt này có một đồng xu đặt bên trong. Sau khi nướng xong, người chủ gia đình sẽ cắt ổ bánh mỳ lúc nửa đêm rồi chia cho mọi người. Người ta cho rằng ai nhận được phần bánh mỳ có đồng xu sẽ là người may mắn trong cả năm.

4. Argentina

Năm mới là một trong những ngày lễ lớn của người dân Argentina. Trong đêm giao thừa, mọi người trong gia đình Argentina thường quây quần bên nhau cùng thưởng thức bữa tiệc đặc biệt vào lúc 11h và chờ đón thời khắc chuyển giao năm mới.

Giao thừa điểm, mọi người đốt pháo hoa trong khoảng 30’ hoặc ít hơn. Tiếp đó, thanh niên sẽ dự các bữa tiệc năm mới tại câu lạc bộ khiêu vũ đến sáng hôm sau. Vào ngày 01/01 của năm mới, hầu hết mọi người sẽ đi bơi ở sông, hồ hay bể bơi.

Nước được người Argentina xem là thứ “thánh khiết” nhất trong vạn vật. Do vậy, trong ngày tết dương lịch, nhà nhà, người người lũ lượt kéo nhau ra sông để “tắm mừng năm mới”. Trước lúc xuống nước, người ta rải những cánh hoa tươi trên mặt sông. Sau đó, mọi người cùng cười vang và nhảy ùa xuống sông để tắm gội. Họ dùng những cánh hoa tươi chà sát lên thân thể để tẩy rửa những ô uế, xấu xa của năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.

5. Venezuela

Cũng giống như một số nước khác trong khu vực châu Mỹ Latinh, người dân Venezuela có phong tục ăn 12 trái nho trong đêm giao thừa với mong muốn một năm mới đầy niềm vui, an lành. Trong thời khắc chuyển giao này, các gia đình của người Venezuela luôn quây quần bên nhau bên một bàn tiệc lớn với những món ăn truyền thống cùng chai rượu sâm banh.

Một trong những phong tục nữa của đất nước thuộc khu vực Nam Mỹ này nhân ngày năm mới là mọi người thường mặc đồ lót vàng, ngoài ra một số người còn thường ghi những điều mình mong muốn trong năm tới vào một phong thư và đốt đi. Họ tin rằng nếu làm vậy thì năm sau những ước mơ đó sẽ thực hiện được

6. Paraguay

Người Paraguay quy định 5 ngày cuối cùng của năm là “ngày hàn thực”. Trong 5 ngày này, từ nguyên thủ quốc gia, đến mọi dân thường đều không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội, thức ăn đã làm sẵn từ trước, giống như người Việt trong ngày đưa ông Táo về Trời ngày 23 tháng chạp hàng năm. Đến ngày tết Dương lịch 01/01 mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

Trong dịp lễ này, người Paraguay thường trao cho người thân, bạn bè và người yêu của họ các món quà, bưu thiếp hay các tin nhắn đẻ chúc mừng một năm mới tràn đầy hy vọng.

Các buổi hòa nhạc, các trò chơi vui nhộn hay các buổi tiệc đêm cũng được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo thành viên trong gia đình cũng như hội bạn bè của người Paraguay.

7. Brazil:

Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn đất nước Brazil đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ở thủ đô Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Mọi người thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.

Tiệc mừng năm mới thường là tiệc mang tính chất tín ngưỡng nhưng ngày nay nó đã trở thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên.

Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30’ và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khoẻ. Nếu ở gần biển, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, thường là 7 ngọn sóng và ném hoa ra biển khi ước. Ngoài ra, một số người còn thắp nến trên bờ biển.

8. Cuba

Tục lệ cổ cho rằng đối với năm sắp qua phun nước là cách tốt nhất để mở ra “một con đường sáng sủa”. Vì thế có bao nhiêu nước trong nhà đều đem phun hết ra ngoài qua các cửa sổ. Đêm giao thừa, ở cửa sổ các nhà, nước được đổ ào ào... để lấy may mắn. Khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, người ta bắt đầu nuốt hạt nho, đến khi dứt 12 tiếng chuông phảt nuốt hết 12 hạt nho, như vậy năm mới sẽ được thịnh vượng, may mắn.

9. Peru

Một trong những kiểu đón năm mới kỳ lạ nhất là phong tục đốt hình nộm ở Peru. Suốt những ngày gần sang năm mới, người ta có thể thấy ở rất nhiều nơi trong thành phố Lima, thủ đô Peru bày bán những hình nộm của những người được coi là “kẻ thù chung của dân tộc” hay những người không được dân chúng nước này yêu mến.

Một phong tục lạ nữa tại Peru trong dịp năm mới cũng xuất hiện tại làng Chumbilbilca khi người dân ở đây ăn mừng lễ hội đón năm mới Takanakuy bằng cách mắng chửi và đánh nhau để... thắt chặt tình đoàn kết. Họ tin rằng mắng nhau và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới. Dù không mang găng tay hay áo giáp thi đấu, nhưng rất ít người dân bị chấn thương nghiêm trọng.

Và lễ hội Takanakuy kết thúc trong những màn nhảy múa chúc mừng năm mới.

10. Chile:

Chile cũng là một trong những quốc gia trên thế giới có những cách đón năm mới độc đáo và kỳ lạ. Đã thành thông lệ như khoảng 11 năm trước, những người dân của Tacla (một thành phố nhỏ thuộc Chile) đều đón năm mới bên những người họ hàng của mình tại nghĩa địa thành phố dù họ đều đã “sang thế giới bên kia”.

Khi cha xứ kết thúc bài kinh cuả mình, vào lúc 11 giờ đêm, thị trưởng thành phố sẽ mở cánh cửa của nghĩa trang. Tất cả mọi người đều được chào mừng trong những ánh đèn mờ ảo và những điệu nhạc cổ điển. Nhưng với những người thích chờ năm mới bên mộ người thân yêu có thể cùng hưởng chung niềm vui trong bầu không khí bình yên hơn.

Phong tục này cũng đã có từ năm 1995, và giờ đã có hơn 5,000 người chấp nhận cách chào đón năm mới kì lạ này./.



Giáng Sinh Đã Về Khắp Nơi!

Giáng Sinh 2022, Mỹ Chìm Trong Giá Rét Kỷ Lục, Gần 2 Triệu Người Mất Điện, Hàng Ngàn Chuyến Bay Bị Hủy!


(Hình: Băng đá đóng trên cây cảnh vào lúc mặt trời mọc, ngày 24/12/2022, tại Plant City, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Nông dân phun nước lên cây trồng để giúp bảo vệ chúng.)
Một đợt giá rét từ Bắc Cực bao trùm phần lớn nước Mỹ vào ngày thứ Bảy (24/12/2022), khiến gần 2 triệu người không có điện, ít nhất 14 người chết vì tai nạn xe hơi liên quan đến thời tiết và hàng ngàn người mắc kẹt do các chuyến bay bị hủy.

Trong khi nhiệt độ được dự báo giảm mạnh khiến ngày trước Giáng sinh lạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, các hệ thống năng lượng trên toàn quốc bị kéo căng do nhu cầu về nhiệt tăng cao và thiệt hại liên quan đến bão đối với các đường dây truyền tải.

Khoảng 1,8 triệu gia đình và cơ sở kinh doanh ở Mỹ bị mất điện tính tới sáng sớm ngày thứ Bảy, theo website theo dõi Poweroutage.us.

Nhiều công ty điện đã yêu cầu khách hàng tiết kiệm năng lượng bằng cách không chạy các thiết bị lớn và tắt đèn không cần thiết.

Sự gián đoạn cũng làm đảo lộn thói quen hàng ngày và kế hoạch nghỉ lễ của hàng triệu người Mỹ trong một trong những giai đoạn du hành bận rộn nhất trong năm.

Gần 2.000 chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy vào ngày thứ Bảy, với tổng số chuyến bay bị hoãn là 4.000, theo dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightAware. Hơn 5.000 chuyến bay đã bị hủy vào ngày thứ Sáu, dịch vụ này cho biết.

Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ ước tính rằng 112,7 triệu người dự định du hành 50 dặm (80 cây số) trở lên từ ngày thứ Sáu (23/12) đến ngày 2/1/2023. Nhưng thời tiết mưa bão kéo dài đến cuối tuần có thể khiến nhiều người trong số họ phải ở nhà.

Các vụ tai nạn xe hơi chết người trên khắp đất nước khiến ít nhất 14 người thiệt mạng do các tai nạn liên quan đến thời tiết, theo tin tức của truyền thông.

Hai người lái xe thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ tông xe liên hoàn 50 chiếc làm tắc nghẽn xa lộ ở tiểu bang Ohio ở cả hai hướng trong một trận bão tuyết gần thành phố Toledo, buộc người lái xe bị mắc kẹt phải di tản bằng xe buýt để không bị chết cóng trong xe, nhà chức trách cho biết.

Ba trong số các trường hợp tử vong đã được báo cáo ở tiểu bang Kentucky, nơi Thống đốc Andy Beshear vào ngày thứ Bảy cảnh báo người dân “Hãy ở nhà, giữ an toàn, bảo toàn tính mạng”.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết thời tiết bão tuyết vẫn duy trì vào ngày thứ Bảy đối với thành phố Buffalo, tiểu bang New York và quận lân cận ở rìa Hồ Erie ở phía Tây New York, nơi tuyết sẽ rơi từ 4 đến 6 feet vào Chủ Nhật.

Thành phố đã áp đặt lệnh cấm lái xe vào ngày thứ Sáu, lệnh này vẫn có hiệu lực vào ngày thứ Bảy và cả ba cây cầu băng qua biên giới khu vực Buffalo đều đóng cửa đối với phương tiện đi lại từ Gia Nã Ðại do thời tiết.

Nhiệt độ được dự báo cao nhất vào thứ Sáu chỉ ở mức 7 độ F (-13 độ C) ở Pittsburgh, thành phố lớn nhất ở phía Tây Pennsylvania, vượt qua mức lạnh nhất từ trước đến nay vào ngày trước Giáng sinh là 13 độ F, được thiết lập vào năm 1983, Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) cho biết.
Các thành phố thủ phủ của Florida và Georgia - Tallahassee và Atlanta - cũng được dự báo là sẽ ghi nhận nhiệt độ ban ngày lạnh nhất vào ngày trước Giáng sinh, trong khi thủ đô Hoa Thịnh Ðốn được dự báo sẽ trải qua ngày 24 tháng 12 lạnh nhất kể từ năm 1906.

Một loạt các kỷ lục nhiệt độ đã được dự đoán khi đợt rét buốt ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn bởi những cơn gió lạnh nguy hiểm tiếp tục bao trùm phần lớn hai phần ba vùng đất phía Đông của đất nước trong dịp lễ vào cuối tuần.


Ukraine Đón Giáng Sinh Ngày 25/12, Để Thoát Khỏi Ảnh Hưởng Tôn Giáo Nga!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm Giáng Sinh 25/12/2022, Ukraine vẫn thống kê số người chết và thiệt hại trong trận oanh kích của Nga nhắm vào thành phố Kherson hôm 24/12, vào lúc Tổng thống Zelensky từ Mỹ trở về. Có ít nhất 10 người chết, 58 người bị thương, trong đó có 18 người trong tình trạng nguy kịch. Còn mặt trận miền Đông, đặc biệt là ở Bakhmut, vẫn không ngừng tiếng súng.

Tổng thống Zelensky lên án “khủng bố” Nga gieo rắc “kinh hoàng” khi cố tình oanh kích một khu chợ ở trung tâm thành phố Kherson, nơi không có căn cứ quân sự, và chỉ một ngày trước Giáng Sinh. Cuộc tấn công không còn theo quy định nào của chiến tranh mà chỉ nhằm mục đích “sát hại để đe dọa và hả dạ”. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov lên án vụ oanh kích của Mạc Tư Khoa là nhằm “trả thù người dân đã kháng cự chiếm đóng Nga” sau khi thành phố miền Nam được giải phóng hôm 11/11.

Cuộc chiến do Tổng thống Putin phát động càng khiến người dân Ukraine muốn xa rời quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Rất nhiều giáo dân Ukraine đã quyết định đón Giáng Sinh ngày 25/12 thay vì ngày 07/01 theo Chính thống giáo. Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kyiv giải thích:

“Thông thường, tại Ukraine, chỉ một số ít người theo Công giáo Hy Lạp sống ở miền Tây là đón Giáng Sinh vào ngày 25/12, còn đại đa số người theo Chính thống giáo mừng Chúa giáng sinh vào ngày 7/1 Dương lịch (lịch Gregorius). Nhưng vào năm 2017, Quốc hội đã ban thành luật và cho phép tồn tại song song hai ngày Giáng Sinh khác nhau. Đây là trường hợp duy nhất ở Âu Châu.

Cho đến giờ, quyết định trên không hoàn toàn được thực hiện và 25/12 hàng năm là một ngày gần giống như những ngày khác. Chỉ có điều chiến tranh dường như đang làm thay đổi thói quen, rất nhiều người Ukraine không còn muốn tổ chức Giáng Sinh cùng ngày với người Nga. Vì thế, nhiều giáo xứ thuộc Giáo hội Chính thống giáo thống nhất, như tu viện Saint-Michel nổi tiếng ở Kyiv, khuyến khích giáo dân đón Giáng Sinh vào ngày 25/12.

Giáo hội Chính thống giáo Volhynie, ở Tây-Bắc Ukraine, gần biên giới với Ba Lan, đã quyết định hợp thức hóa hai ngày Giáng Sinh. Người Ukraine đang dần dần tổ chức các bữa tiệc vào ngày 24/12. Đây là cách để họ cảm thấy là người Âu Châu nhiều hơn”.
Ngày 23/12, chính quyền chiếm đóng Nga ở thành phố Mariupol, miền Nam Ukraine, bắt đầu phá phần lớn nhà hát kịch thành phố, trừ mặt tiền, theo một số đoạn video đăng trên nhiều trang web Nga và Ukraine, được Reuters trích dẫn. Vài trăm người dân Ukraine đã bị thiệt mạng khi trú trong nhà hát Mariupol và bị quân Nga nhắm oanh kích ngày 16/3.

Nhiều viên chức Ukraine tố cáo Nga phá nhà hát để phi tang chứng cứ vụ không kích và để hủy hoại văn hóa Ukraine. Hãng thông tấn Tass của Nga trích phát biểu của Giám đốc nhà hát Igor Solonin cho biết công việc phá hủy chỉ liên quan đến “phần không thể trùng tu được”. Công trình sẽ được hoàn tất từ giờ đến cuối năm 2024.


Thông Điệp Giáng Sinh 2022 của Đức Giáo Hoàng Francis: Thế Giới Đang Khao Khát Hòa Bình!


(Hình: Giáo hoàng Francis phát biểu ở Vatican ngày 18/9/2022.)

- Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và các cuộc xung đột khác trong thông điệp Giáng sinh hôm Chủ Nhật (25/12/2022), nói rằng thế giới đang “khao khát hòa bình”.

Trong thông điệp Giáng sinh lần thứ 10 của mình trên cương vị Giáo hoàng, ông cũng kêu gọi mọi người nhìn xa hơn “sự lấp lánh hời hợt của ngày lễ” và giúp đỡ những người vô gia cư, người nhập cư, người tị nạn và người nghèo đang kiếm tìm sự an ủi, sự ấm áp và thức ăn.
“Chúng ta hãy nhìn vào các khuôn mặt của tất cả những đứa trẻ, ở khắp mọi nơi trên thế giới, đang khao khát hòa bình”, Giáo hoàng nói từ ban công trung tâm của Nhà thờ Thánh Peter, cũng chính là nơi mà ông lần đầu tiên xuất hiện sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013

“Chúng ta cũng hãy nhìn vào khuôn mặt của các anh chị em Ukraine đang trải qua Giáng sinh này trong bóng tối và lạnh giá, xa nhà của họ do sự tàn phá của mười tháng chiến tranh”, ông nói trước hàng chục ngàn người tại quảng trường phía dưới.

Ông phát biểu chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi còi báo động không kích rền vang khắp Ukraine và một ngày sau khi Kyiv cho biết một cuộc tấn công của Nga vào thành phố Kherson vừa được giải phóng đã giết chết ít nhất 5 người và làm bị thương 35 người khác vào thứ Bảy mà Tổng thống Zelenskyy lên án là vụ giết người bừa bãi để tiêu khiển.
“Cầu xin Chúa dẫn lối cho chúng ta có các cử chỉ đoàn kết cụ thể để giúp đỡ tất cả những người đang đau khổ, và xin Người soi sáng tâm trí của những người có khả năng dập tắt tiếng sấm rền của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này!” Giáo hoàng Francis nói.

Ông nói rằng cuộc xung đột Ukraine không nên làm giảm bớt mối quan tâm đối với những người có cuộc sống bị tàn phá bởi các cuộc xung đột hoặc khủng hoảng nhân đạo khác, trong số đó có thể kể đến Syria, Miến Ðiện, Iran, Haiti và khu vực Sahel của Phi Châu.
“Thời đại của chúng ta đang thực sự khao khát hòa bình..”., ông nói.


Le Figaro Báo Động: Đạo Thiên Chúa Giáo Phương Đông Bị Đe Dọa!

- Các nhật báo Pháp hôm 26/12/2022 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau.Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa “Những Kitô hữu Phương Đông kháng cự” và dành bài xã luận nói về những tín đồ này.

Trong nghi thức chúc lành Urbi và Orbi nhân dịp Giáng Sinh, Giáo hoàng Francis tỏ ra buồn phiền về số phận của Syria, vẫn chìm ngập trong một cuộc xung đột mặc dù có lắng xuống, nhưng chưa kết thúc. Giáo hoàng cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Thánh Địa Jerusalem, nơi bạo lực và đụng độ đã gia tăng trong những tháng gần đây. Ngoài ra, tình hình cũng không mấy khả quan ở Artsakh (Nagorno-Karabakh), nơi Azerbaijan đang gia tăng sức ép bằng cách phong tỏa một hành lang nối quốc gia này với Armenia. Và dường như mục tiêu bị nhắm tới là cộng đồng Kitô hữu?!

“Những người theo đạo Thiên Chúa phương Đông”, cụm từ này gợi lên điều gì? Le Figaro nhận định một quan niệm méo mó về chủ nghĩa thế tục đang khiến chính quyền một số nơi mất lòng tin vào tôn giáo, vốn là nền tảng của xã hội phương Tây hiện đại. Còn đằng sau phương Đông là hình ảnh của những vùng đất xa xôi và một hệ thống chính trị và tôn giáo ít được biết đến. Phương Đông đặc biệt phức tạp, được trộn lẫn một cách khó hiểu với thế giới Hồi Giáo. Vậy tại sao Kitô hữu ở đó lại bị đe dọa và tại sao họ lại có mặt ở đó? Bởi vì họ đã sống ở đó kể từ khi Thiên Chúa Giáo hình thành.

Ngày nay, cộng đồng này đang bị suy yếu do bị phân biệt đối xử, thậm chí là bị đàn áp. Tuy nhiên, họ duy trì, bảo vệ, truyền tải một ý tưởng về một xã hội xuất phát từ thông điệp của Hài nhi Giêsu trong máng cỏ: Tự do (đặc biệt là đối với phụ nữ), bình đẳng giữa các cộng đồng, bác ái….

Do vậy, cần phải duy trì sự tồn tại vốn đang bị đe dọa của họ ở những khu vực này, và đó là một thách thức lớn. Le Figaro nhấn mạnh rằng cần phải chú ý đến tiếng “gào thét” của họ giữa những tiếng nút sâm banh và tiếng dao dĩa trong đêm giao thừa hạnh phúc của chúng ta.


Tương Lai Năm Mới 2023: Nhật Bản Tăng Ngân Sách Quân Sự Kỷ Lục! Tối Đa Chưa Bao Giờ Có! Giữa Đe Dọa Từ Bắc Hàn và Trung Quốc!


(Hình: Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) tiến hành một cuộc diễn tập quân sự với đơn vị phi đạn chống hạm, tại trại JGSDF Miyako trên đảo Miyako, tỉnh Okinawa, Nhật Bản, ngày 21/4/2022.)

Ngày 23/12/2022, Nhật tiết lộ ngân sách kỷ lục 114,4 ngàn tỉ Yen (tương đương 863 tỉ Mỹ kim) cho năm tài khóa từ tháng Tư năm sau. Con số kỷ lục này chủ yếu là tăng chi tiêu quân sự và các chi phí an sinh xã hội cho dân số lão hóa.

Ngân sách được Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida tán thành hôm 23/12 nêu bật chi tiêu quân sự và chi tiêu an sinh xã hội ở mức cao kỷ lục trong lúc Nhật đối mặt với các thách thức an ninh khu vực từ Trung Quốc và Bắc Hàn.

Nhu cầu tăng thêm chi tiêu cho quân sự diễn ra trong lúc những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng giữa cuộc chiến Ukraine và lạm phát leo thang toàn cầu đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Cho năm tài khóa 2023, chi tiêu quốc phòng của Nhật sẽ tăng lên 6,8 ngàn tỉ Yen, tăng từ con số 1,4 ngàn tỉ Yen của năm nay. Số tăng này có bao gồm 1,6 tỉ Mỹ kim dành để mua phi đạn liên lục địa Tomahawk của Mỹ.

Quốc hội Nhật phải thông qua ngân sách này trước tháng Tư và phân bổ 897 tỉ Yen cho phát triển võ khí, cao hơn mức của 4 năm trước cộng lại.

Nhật sẽ dùng gần phân nửa khoản tiền 897 tỉ Yen đó để phát triển phi đạn tầm xa mới.
Tokyo dự tính bắt đầu khai triển các võ khí mới này trong vòng 3 năm, một giới chức Bộ Quốc phòng cho biết.

Nhật cũng sẽ tăng chi tiêu cho máy bay không người lái và các khả năng chiến tranh mạng, phòng thủ phi đạn-đạn đạo, vệ tinh viễn thông và vệ tinh do thám, chiến hạm, và máy bay vận tải.

Để tăng cường khả năng chiến đấu trên không, Nhật cũng định mua 16 máy bay tàng hình F-35 của Lockheed Martin trị giá 250 tỉ Yen.
Ngoài ra, Nhật cũng dành 102 tỉ Yen vào năm tới cho dự án phát triển máy bay chiến đấu tối tân chung với Anh và Ý Ðại Lợi và định đưa vào hoạt động trước năm 2035.


Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây:

Taliban Lệnh Cho Các Tổ Chức Phi Chính Phủ Cấm Nhân Viên Nữ Đến Làm Việc


(Hình: Thiếu nữ A Phú Hãn trong lớp học ở Kabul, thủ đô của A Phú Hãn.)

- Hôm thứ Bảy (24/12/2022), chính quyền Taliban ở A Phú Hãn đã ra lệnh cho tất cả các tổ chức phi chính phủ địa phương cũng như ngoại quốc cấm các nhân viên nữ đến làm việc, theo một lá thư của Bộ Kinh tế.

Đây được coi là cuộc đàn áp mới nhất về các quyền tự do của phụ nữ.

Bức thư, vốn được phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Abdulrahman Habib xác nhận, cho biết các nhân viên nữ không được phép làm việc cho đến khi có thông báo mới vì một số người không tuân thủ cách giải thích của chính quyền về quy định trang phục Hồi giáo dành cho phụ nữ.

Hiện chưa rõ ngay liệu lệnh này có được áp dụng cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, vốn có sự hiện diện lớn ở A Phú Hãn, hay không.
Lệnh trên được đưa ra vài ngày sau khi chính quyền Taliban ra lệnh cho các trường Đại học cấm cửa phụ nữ.

Quyết định này dẫn tới sự lên án mạnh mẽ trên toàn cầu và gây ra một số cuộc biểu tình cũng như sự chỉ trích nặng nề ở A Phú Hãn


Ba Tổ Chức Phi Chính Phủ Ngừng Hoạt Động ở A Phú Hãn Sau Khi Taliban Cấm Nhân Viên Nữ


(Hình: Stéphane Dujarric, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc.)

- Ngày 26/12/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay 3 tổ chức phi chính phủ cho biết sẽ ngừng hoạt động ở A Phú Hãn vì Taliban ra quyết định cấm các nhân viên nữ.

Trong một tuyên bố, các tổ chức Save the Children, CARE và Hội đồng Người tị nạn Na Uy nói: “Trong khi chúng tôi làm rõ về thông báo này, chúng tôi đang tạm dừng các chương trình của mình, yêu cầu nam giới và phụ nữ có thể tiếp tục hỗ trợ cứu sinh ở A Phú Hãn một cách bình đẳng”.

Chính quyền Taliban hôm thứ Bảy (24/12) đã ra lệnh cho các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế ở A Phú Hãn ngay lập tức cấm nhân viên nữ đến làm việc “cho đến khi có thông báo mới”.
Bộ Kinh tế đã cảnh báo trong một bức thư rằng giấy phép làm việc sẽ bị hủy bỏ đối với các tổ chức không thực thi mệnh lệnh này, vốn là sự đàn áp mới nhất của Taliban đối với quyền tiếp cận đời sống công cộng của phụ nữ.

Theo bức thư, một số tổ chức đã không tuân thủ quy định về trang phục hoặc khăn trùm đầu Hồi giáo bắt buộc đối với nhân viên nữ của họ như theo hướng dẫn của chính quyền Taliban.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói hôm thứ Bảy: “Phụ nữ là trung tâm của các hoạt động nhân đạo trên khắp thế giới. Quyết định này có thể là thảm họa đối với người dân A Phú Hãn”.

Stéphane Dujarric, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông thực sự lo ngại rằng lệnh này “sẽ làm suy yếu công việc của nhiều tổ chức hoạt động trên khắp đất nước nhằm giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”.

Ramiz Alakbarov, điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên Hiệp Quốc tại A Phú Hãn, cho biết trên Twitter rằng lệnh cấm nữ nhân viên của các tổ chức phi chính phủ là “sự vi phạm rõ ràng các nguyên tắc nhân đạo”.


Quốc Hội Hoa Kỳ Chuẩn Thuận Viện Trợ Ukraine Thêm 45 Tỉ Mỹ Kim


(Hình: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tặng cờ Ukraine cho các nhà Lập pháp Hoa Kỳ có chữ ký của quân đội ông ở Bakhmut, ngày 21/12/2022.)

- Ngày 23/12/2022, Hạ viện Hoa Kỳ chuẩn thuận gói viện trợ dành cho Ukraine trị giá 45 tỉ Mỹ kim sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trở về Ukraine từ Hoa Thịnh Ðốn với lời hứa của Hoa Kỳ về các phi đạn Patriot để đánh đuổi Nga xâm lược.

Gói viện trợ 45 tỉ Mỹ kim này là một phần của Dự luật chi tiêu trị giá 1,66 ngàn tỉ Mỹ kim mà Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua và đang được đưa tới Tổng thống Joe Biden để ông ký thành luật.

Gói hỗ trợ quân sự và kinh tế lần này nối gót 50 tỉ Mỹ kim mà Hoa Kỳ đã gửi sang Ukraine trong năm nay cùng với các chế tài của phương Tây đối với Nga trong đó có một mức giá trần đối với dầu Nga.

Nga ngày 23/12 đáp trả quy định về giá trần bằng cách đe dọa cắt giảm sản lượng đầu ra từ 5-7% vào đầu năm sau.

Tổng thống Ukraine lâu nay mong muốn được cấp các phi đạn đất đối không Patriot để đối phó với các cuộc không kích của Nga vốn đã tàn phá các thị trấn, thành phố và làng mạc suốt 10 tháng qua và phá vỡ nguồn cung cấp điện nước trên khắp Ukraine trong 3 tháng nay.

Hoa Thịnh Ðốn và các đồng minh chưa sẵn lòng cấp cho Kyiv xe tăng chiến đấu hiện đại và phi đạn tầm xa ATACMS có thể vượt ra ngoài tiền tuyến băng vào lãnh thổ Nga.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/12 kêu gọi đẩy mạnh sản lượng võ khí cho mặt trận khi ông tới thăm thành phố Tula nổi tiếng về sản xuất võ khí.


Putin Yêu Cầu Ngành Quốc Phòng Nga Tăng Cường Sản Xuất Cho Cuộc Chiến Ukraine



(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ hợp công nghiệp-quân sự ở Tula, Nga, ngày 23/12/2022.)

- Ngày thứ Sáu (23/12/2022), Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu các nhà lãnh đạo ngành quốc phòng của Nga tăng cường sản xuất để bảo đảm rằng quân đội Nga nhanh chóng có được tất cả vũ khí, thiết bị và khí tài quân sự cần thiết để chiến đấu ở Ukraine.
Ông Putin, mô tả cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một phần trong nỗ lực lịch sử nhằm đẩy lùi điều mà ông gọi là ảnh hưởng quá mức của phương Tây đối với các vấn đề toàn cầu, đưa ra những phát biểu này trong chuyến thăm Tula, một trung tâm sản xuất vũ khí.
“Nhiệm vụ chính quan trọng nhất của tổ hợp công nghiệp-quân sự là cung cấp cho các đơn vị và lực lượng tiền tuyến của chúng ta mọi thứ họ cần: vũ khí, thiết bị, đạn dược và thiết bị với số lượng cần thiết và chất lượng phù hợp trong khung thời gian ngắn nhất có thể”, ông Putin nói.

“Điều quan trọng nữa là phải hoàn thiện và cải thiện đáng kể các đặc tính kỹ thuật của vũ khí và thiết bị cho các chiến binh của chúng ta dựa trên kinh nghiệm chiến đấu mà chúng ta đã có”.

Ông Putin tuần này nói rằng quân đội Nga phải rút kinh nghiệm và khắc phục những vấn đề mà họ đã mắc phải ở Ukraine, đồng thời hứa sẽ cung cấp cho quân đội bất cứ thứ gì cần thiết để tiến hành cuộc chiến sắp kết thúc tháng thứ 10.

Kể từ khi hàng chục ngàn binh sĩ Nga tràn vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong điều mà ông Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Mạc Tư Khoa đã nhượng lại khoảng một nửa lãnh thổ mà họ chiếm giữ ban đầu.

Nga đã mất hoặc bỏ lại một lượng đáng kể khí tài quân sự, và theo các viên chức Mỹ, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng.

Ông Putin đã thừa nhận rằng một chiến dịch huy động thêm khoảng 300.000 binh sĩ đã không diễn ra theo kế hoạch và đã ra lệnh gấp rút giải quyết những thiếu sót, đôi khi bao gồm thiếu thiết bị cơ bản và đào tạo.

Tuy nhiên, Nga vẫn kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ của Ukraine, và ông Putin đã nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ thắng thế bất chấp sự kháng cự quyết liệt của Ukraine và Kyiv nhận được hàng tỉ Mỹ kim vũ khí của phương Tây cùng với tình báo quân sự và những sự giúp đỡ khác.


Ðiện Cẩm Linh “Bịt Miệng” Báo Chí Nói Đến Đợt Động Viên Quy Mô Lớn Mới!

- Báo chí Pháp hôm 24/12/2022 cho biết chính quyền Nga ra lệnh cho truyền thông thuộc quyền kiểm soát nhà nước hoàn toàn không được nói đến khả năng một đợt động viên quân quy mô lớn mới, kể cả thông tin đến từ Quốc hội Nga. như trên.

Báo Le Figaro dẫn lại thông tin từ báo Nga Mạc Tư Khoa Times, bản tiếng Nga, cho hay truyền thông Nga được lệnh cấm loan báo mọi thông tin về vấn đề này. Theo một nguồn tin từ nội bộ chính quyền Nga mà Mạc Tư Khoa Times có được, trước lệnh cấm này, truyền thông vẫn có thể viết về “đợt động viên hiện tại, về các kịch bản và dự báo. Tuy nhiên, kể từ giờ, tất cả các dự báo đều bị cấm. Theo chính quyền, không được phép nhắc đến, kể cả thông tin đến từ một Dân biểu của Duma, tức Hạ viện Nga, hay từ một Thượng Nghị sĩ”.

Về phía Viện Duma Nga (Hạ viện), các Dân biểu đối lập khẳng định với Mạc Tư Khoa Times là đã không nhận được bất cứ lệnh cấm đưa quan điểm về chuyện này. Theo một Nghị sĩ đảng Cộng sản, “có thể đã có một yêu cầu riêng đối với đảng Nước Nga Thống Nhất (đảng cầm quyền tại Nga)”.

Trong những tuần lễ gần đây, ngày càng có nhiều tin đồn về khả năng có một đợt động viên mới, kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố muốn bổ sung thêm 350.000 lính cho Quân đội. Hôm 21/12, trong một cuộc họp với các chỉ huy cao cấp của Quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Choigu nêu khả năng cần đưa quân số từ 1,15 triệu hiện nay lên thành 1,5 triệu. Bên cạnh đó, tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ được chuyển từ 18 đến 27 tuổi hiện nay thành từ 21 đến 30 tuổi. Tổng thống Nga ủng hộ dự kiến tăng cường binh lực này.

Le Figaro dẫn lại thông báo của ông Sergey Krivenko, Giám đốc tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga “Citizen Army Law”, trên BBC News, dự kiến đợt động viên mới có thể sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng Một tới. Bởi, theo kế hoạch quân sự tại Ukraine của Bộ Quốc phòng Nga đã được thông báo, các lực lượng quân nhân mới động viên sẽ phải có mặt trên chiến trường Ukraine vào đầu mùa Hè tới, và thời gian huấn luyện và chuẩn bị là khoảng từ 3 đến 4 tháng. “Citizen Army Law” là tổ chức trợ giúp về pháp lý cho quân nhân Nga.


Tổng Thống Putin Nói, Nga Sẵn Sàng Đàm Phán Về Ukraine!

- Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ Nhật (25/12/2022), Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng Kyiv và các nước phương Tây hậu thuẫn chính quyền này đã từ chối tham gia đàm phán.

Cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 của Nga đã gây ra cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến và cuộc đối đầu lớn nhất giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.
Cho đến nay, chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt.

Ðiện Cẩm Linh tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình trong khi Kyiv nói sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi mọi binh sĩ Nga bị trục xuất khỏi toàn bộ lãnh thổ của họ, bao gồm cả Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ - chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính họ”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 trong cuộc phỏng vấn.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tháng này rằng trong khi hầu hết các cuộc xung đột kết thúc bằng đàm phán, thì theo đánh giá của CIA, Nga vẫn chưa nghiêm túc về một cuộc đàm phán thực sự để chấm dứt chiến tranh.

Một Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng ông Putin cần nhìn lại thực tế và thừa nhận rằng chính Nga không muốn bất kỳ cuộc đàm phán nào.
“Nga đã một mình tấn công Ukraine và đang giết hại nhiều công dân”, ông Mykhailo Podolyak viết trên Twitter. “Nga không muốn đàm phán, nhưng cố gắng trốn tránh trách nhiệm”.


Quốc Hội Mỹ Thúc Đẩy Dự Luật Nhắm Vào Tài Phiệt Nga và Tội Phạm Chiến Tranh


(Hình: Điện Capitol tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ.)

- Hai Dự luật cấp thêm cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công cụ chế tài giới tài phiệt Nga và các tội phạm chiến tranh sắp trở thành luật.

Một trong số đó mở rộng quyền tài phán của Bộ Tư pháp để truy tố tội ác chiến tranh. Dự luật này vừa được Hạ viện thông qua hôm 22/12/2022 sau khi được Thượng viện chuẩn thuận một ngày trước. Dự luật này đang được chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký ban hành luật.
Với tên gọi Đạo luật Công lý cho Nạn nhân Tội ác Chiến tranh, văn kiện này cho phép Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các tội ác chiến tranh tại Mỹ bất kể là hành vi phạm tội xảy ra ở đâu. Trước nay, Bộ chỉ được phép truy tố khi tội ác chiến tranh xảy ra tại Mỹ hay khi một nạn nhân hoặc một người vi phạm là một công dân Mỹ.

Dự luật còn lại cho phép Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chuyển tài sản tịch thu của các tài phiệt Nga sang Ukraine, trong một số tình huống. Dự luật này đã được thông qua tại Thượng viện như một tu chính cho Dự luật cấp quỹ hàng năm của Quốc hội. Các tài sản đó thoạt tiên sẽ được chuyển sang cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, rồi Bộ sẽ phân phối các nguồn quỹ đó như viện trợ ngoại quốc. Toàn bộ Dự luật chi tiêu, trong đó có gần 45 tỉ Mỹ kim viện trợ thêm cho Ukraine, đang được đưa sang Hạ viện để biểu quyết.

Cả hai Dự luật này được các nhóm vận động cho Ukraine thúc đẩy mạnh mẽ. Bước tiến vừa kể diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ kêu gọi lưỡng đảng tiếp tục ủng hộ Ukraine chống Nga xâm lược.


Công Tố Viên: Nghi Phạm Vụ Nổ Súng ở Paris Bày Tỏ ‘Sự Căm Ghét Người Ngoại Quốc’


(Hình: Khu vực xảy ra vụ xả súng ở Paris hôm 23/12/2022.)

- Nghi phạm bị giam giữ trong vụ sát hại ba người Kurd ở Paris đã nói với các nhà điều tra về “sự căm ghét người ngoại quốc” của mình, Công tố viên ở Paris cho biết hôm Chủ Nhật (25/12/2022).

Người đàn ông 69 tuổi đã bị bắt hôm thứ Sáu (23/12) tuần trước, sau khi bắn chết hai người đàn ông và một phụ nữ tại một trung tâm văn hóa của người Kurd và quán cà phê của người Kurd gần đó ở quận 10 của Paris.
Vụ giết người đã gây sốc một cộng đồng đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm vụ sát hại ba nhà hoạt động chưa được giải quyết và gây ra các cuộc biểu tình dẫn đến đụng độ với cảnh sát.

Công tố viên Laure Beccuau cho biết trong một tuyên bố rằng nghi phạm cho biết trong khi thẩm vấn rằng một vụ trộm tại nhà của ông ta vào năm 2016 đã gây ra “sự căm ghét người ngoại quốc vốn trở thành bệnh lý”.
Người đàn ông tự mô tả mình bị trầm cảm và có xu hướng muốn tự tử rồi kể lại rằng ông ta đã lên kế hoạch tự sát bằng viên đạn cuối cùng sau vụ tấn công, Công tố viên cho biết.

Một cuộc khám xét tại nhà của cha mẹ nghi phạm, nơi ông ta sống cùng, không tìm thấy bằng chứng về bất kỳ mối liên hệ nào với tư tưởng cực đoan, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông ta lần đầu tiên tìm kiếm các nạn nhân tiềm năng ở vùng ngoại ô thủ đô nước Pháp nhưng đã từ bỏ kế hoạch đó sau khi tìm thấy một vài người ở trong khu phố.

Đại diện của người Kurd đã yêu cầu coi vụ nổ súng hôm thứ Sáu là một cuộc tấn công khủng bố.
Công tố viên cho biết nghi phạm vẫn bị giữ tại một cơ sở dành cho người tâm thần hôm Chủ Nhật sau khi cuộc thẩm vấn ông ta bị tạm dừng vào thứ Bảy vì lý do y tế.


Vụ Xả Súng Vào Người Kurdistan: Hàng Ngàn Người Biểu Tình Tại Paris và Marseille

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 24/12/2022, một ngày sau vụ xả súng khiến 3 người Kurdistan thiệt mạng, trong đó có 2 nhà tranh đấu chống chế độ Erdogan, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình tại Paris và Marseille, để phản đối tình trạng mất an ninh đối với cộng đồng người Kurdistan.

Theo thông tấn xã AFP, cuộc biểu tình đầu giờ chiều hôm qua tại Paris, từ quảng trường République đến quảng trường Bastille, có hàng ngàn người tham gia. Nhiều đụng độ với cảnh sát đã xảy ra bên lề cuộc biểu tình, khiến 31 cảnh sát và một người biểu tình bị thương nhẹ. Tổng cộng 11 người bị câu lưu.
Tại Marseille, khoảng 1.500 người tham gia tuần hành chiều hôm qua tại trung tâm thành phố, theo lời kêu gọi của Hiệp hội bảo vệ quyền của người Kurdistan “Tự do và Đoàn kết”. Nhiều người Kurdistan tố cáo hành động “khủng bố”, với thủ phạm là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc phái viên Yoram Melloul của Đài RFI tường trình từ Marseille:

“Đứng giữa một biển cờ và hình ảnh lãnh tụ người Kurdistan Abdullah Öcalan, ông Botan một người biểu tình, lấy điện thoại di động ra chỉ cho chúng tôi tấm ảnh chụp ông với một trong ba nạn nhân của vụ tấn công ở Paris. Ông nói:
“Hôm nay, anh ấy ở cạnh tôi. Làm thế nào mà tôi lại không nổi giận? Làm thế nào mà tôi không tức tối? Nếu chúng tôi không lên tiếng, ngày mai, người ta sẽ giết người khác, ngày mai, họ sẽ giết đứa trẻ này. Chúng tôi không thể im lặng”.

Nỗi tức giận của đám đông nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, 10 năm sau vụ sát hại 3 nhà hoạt động người Kurdistan ở Paris. Và tại đây, nhiều người như Botan, đang chờ đợi câu trả lời từ nước Pháp. Botan lên án: “Chúng tôi đặt câu hỏi với chính quyền Pháp: Tại sao lại như vậy? Tại sao các vị lại đồng lõa với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lõa với Erdogan, kẻ khủng bố? Tại sao giờ đây, họ lại giết hại người Kurdistan tại Pháp?”

Xa hơn một chút trong đám đông, có Bawer 17 tuổi. Người thanh niên này sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ấy từ Nice đến đây để nói rằng người Kurdistan không an toàn ở bất cứ đâu. Anh nói: “Chúng tôi đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đến đây tị nạn. Chúng tôi nghĩ là ở Pháp chúng tôi sẽ được an toàn. Nhưng ngay cả ở đây chúng tôi cũng bị giết hại”.


“Virus Phân Biệt Chủng Tộc” Chưa Có Thuốc Chữa!

- Nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về căn nguyên của “virus phân biệt chủng tộc” qua vụ xả súng ở Paris hôm 23/12 nhắm vào cộng đồng người Kurdistan, khiến 3 người thiệt mạng. Nghi phạm trong vụ nổ súng đã thừa nhận y làm vậy vì có những suy nghĩ “phân biệt chủng tộc”.

Hành động tàn ác này nhắc nhở rằng nạn phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục hoành hành ở Pháp. Vào năm 2021, cảnh sát và lực lượng hiến binh đã ghi nhận 12.500 trường phạm pháp liên quan đến phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc bài tôn giáo trên khắp nước Pháp, trong đó có 6.300 trường hợp phạm tội nặng hoặc nhẹ và 6.200 trường hợp bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với con số thực, bởi nhiều nạn nhân bị xúc phạm và phân biệt chủng tộc không tới khai báo với cơ quan chức năng.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc luôn bao gồm việc bản chất hóa “người ngoại quốc”, chỉ nhìn vào nguồn gốc, màu da của một người và không quan tâm đến những hành động của người đó. Những người theo đạo Thiên Chúa cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều người trong số họ cũng có thể bị tác động bởi những lập luận coi người ngoại quốc là mối đe dọa đối với bản sắc, cách sống và tôn giáo của họ. Đây là một loại virus mà xã hội của chúng ta dường như chưa được miễn dịch, bất chấp các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng để răn đe những người bị “nhiễm”. Nhưng ngay cả khi những trừng phạt có đủ sức răn đe, thì chúng cũng không tiêu diệt được sự phân biệt chủng tộc trong lòng mỗi người. La Croix nhận định rằng có một giải pháp để khắc phục điều này, đó là áp dụng “nền văn hóa gặp gỡ”, nền văn hóa mà Giáo hoàng Francis luôn ủng hộ từ trước tới nay. Việc đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc không phải là điều dễ dàng. Đó là một cuộc chiến thực sự, là một cuộc chiến văn hóa.

Anvers: Sào Huyệt Âu Châu của Những Kẻ Buôn Ma Túy

- Nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về vấn nạn ma túy ở cảng Anvers của Bỉ.

Tờ báo đề cập đến Colombia và vùng Baltimore ở Mỹ, nơi có những kẻ buôn bán ma túy “đáng gờm” nhất trên thế giới. Giờ đây, thành phố Anvers cũng đã trở thành một nơi tương tự. Chỉ trong vòng 10 năm, cảng Anvers đã trở thành cửa ngõ chính cho ma túy tràn vào Âu Châu. Trong khoảng thời gian này, khối lượng ma túy bị phát giác đã tăng lên gấp 15 lần và sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2022 với hàng trăm tấn hàng bị tịch thu.

Để củng cố đường dây buôn bán, những kẻ buôn ma túy đã thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội Bỉ, tuyển dụng những người vận chuyển và đe dọa họ. Những kẻ buôn lậu giờ đây có rất nhiều mánh khóe để tuồn hàng vào trong nước, chẳng hạn bằng cách giấu chúng trong những bó chuối hoặc củ sắn.
Theo Libération, điều này khiến cho Anvers trở thành một ví dụ điển hình cho việc buôn bán ma túy có thể làm tha hóa cả một thành phố, một quốc gia, thậm chí là một lục địa. Làm thế nào để chống lại hiện tượng thoạt nhìn có vẻ vượt ngoài tầm kiểm soát này?

Vào đầu năm 2021, cảnh sát Bỉ, Pháp và Hòa Lan đã có một bước đột phá với việc “phá khóa” một hệ thống tin học được nhóm tội phạm sử dụng và cho đến lúc đó được coi là bất khả xâm phạm. Sky ECC thực sự là một “hộp đen về buôn bán ma túy”, đã giúp cảnh sát có được rất nhiều thông tin hữu ích cho cuộc điều tra. “WikiLeaks tội phạm có tổ chức” giống như một số người thường gọi, đã được chứng minh là một mỏ vàng cho cảnh sát Âu Châu.

Điều này chứng tỏ rằng hợp tác quốc tế thực sự là cách duy nhất để chống lại nạn buôn bán ma túy xuyên biên giới. Hơn nữa, Pháp cũng cần phải cẩn thận với một số cảng của mình, bắt đầu từ cảng Le Havre, nơi mặc dù chưa có nhiều sự việc như cảng Anvers, nhưng cũng bắt đầu khiến các nhà chức trách cảm thấy lo lắng.


Lạm Phát, Đình Công Tại Anh: Giới Kinh Doanh Lo Vắng Khách Trong Đợt Bán Hàng Giảm Giá

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại Anh, ngày 26/12 sau Giáng Sinh, là ngày Boxing Day

Đây là lúc người dân thường tấp nập đến các cửa hàng mua sắm, bởi vì đó cũng là ngày bắt đầu đợt giảm giá. Thế nhưng, năm nay, do lạm phát tăng cao và đình công kéo dài, các nhà kinh doanh lo vắng khách. Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boeda của Đài RFI gửi về bài phóng sự:
“Bà Ann vừa thoa son môi. Bà khoác tay con gái đi dạo trên các lối đi được thắp sáng ở Covent Garden. Quảng trường trung tâm ở thủ đô lúc nào cũng đông đúc, các cửa hàng cũng vậy. Ann đã lên kế hoạch cho ngày Boxing Day. Bà chia sẻ: “Có thể chúng tôi sẽ ngủ nướng vào buổi sáng. Rồi đến chiều chúng tôi mới đi mua sắm hàng giảm giá, chỉ trong một tiếng đồng hồ thôi, để vận động một chút sau Giáng Sinh. Tôi có thể mua quần áo và đồ trang điểm, vài thứ đồ bình thường thôi”.

Thế nhưng, đối với anh Alex, người đang đẩy xe đưa cậu con trai 1 tuổi đi dạo ở lối đi dưới mái vòm trung tâm thương mại, giờ không phải lúc mua sắm. Anh nói: “Không, tôi sẽ không đi mua sắm, tôi đã chi khá nhiều tiền cho Giáng Sinh và dĩ nhiên là giá cả tăng rất nhiều. Tôi không có nhu cầu mua sắm gì nữa”.

Một số khu mua sắm, chẳng hạn John Lewis, thậm chí đã bắt đầu bán hàng hạ giá sớm hơn thường lệ, trong khi khách hàng có vẻ không nhiệt tình lắm. Lý do là lạm phát đã lên tới 10,7% vào tháng trước. Phong trào đình công trong lĩnh vực giao thông-vận tải chưa chấm dứt: Hôm nay, ngày sau Giáng Sinh, nhiều chuyến tàu vẫn chưa chạy trở lại. Thêm vào đó, cuộc đình công của các nhân viên chuyển phát hàng cũng khiến họ không hào hứng mua sắm trên mạng. Chính vì thế, cô Indy, vốn có thói quen đi mua sắm hàng giảm giá, dự định nghỉ ngơi lần này. Cô nói: “Tôi sẽ ở nhà với gia đình, và chơi các trò chơi cùng mọi người”.
Đó chính là điều khiến các nhà kinh doanh năm nay lo sợ. Họ lo ngại là cửa hiệu có nhiều hàng bày bán hơn là khách đến mua sắm”.


Covid-19 Ít Nguy Hiểm Hơn Trước!

- Về lĩnh vực y tế, báo Les Echos nhấn mạnh đến việc dịch bệnh Covid-19 giờ đây không còn nguy hiểm như trước.

Cách đây đúng một năm, làn sóng Omicron, biến thể mới nhất của Covid, đã càn quét hành tinh với tốc độ nhanh chưa từng thấy, phá vỡ các kỷ lục về lây nhiễm được ghi nhận trên thế giới tính cho đến thời điểm đó.

Năm 2022 cũng bắt đầu trong một bầu không khí đầy bất ổn, và mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới. Đầu năm 2022 tại Pháp, người dân vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi khép kín, bao gồm trường học, rạp chiếu phim, nhà hàng, ga tàu hỏa và quy chế làm việc từ xa cũng được áp dụng 3 lần/tuần.

Làn sóng lây nhiễm cuối cùng đã qua đi mà không khiến cho hệ thống y tế sụp đổ, và các biện pháp hạn chế cũng dần được dỡ bỏ ở Pháp cũng như ở những nơi khác trên thế giới. Tóm lại, cho đến giờ, thế giới đã ghi nhận 370 triệu người bị nhiễm Covid trong năm nay, nhiều hơn đáng kể so với 2 năm đầu của đại dịch cộng lại, nhưng “chỉ có” 1,2 triệu người thiệt mạng, ít hơn gần 3 lần so với năm 2021.


Trung Quốc Ngừng Công Bố Số Liệu Về Covid-19

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay ngày 25/12/2022, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ngừng công bố mọi số liệu hàng ngày về số ca nhiễm và chết vì Covid-19 nhưng không đưa ra bất kỳ giải thích nào.

Theo thống kê chính thức cuối cùng ngày 24/12, Trung Quốc không có ca tử vong nào trong vòng 24 tiếng đồng hồ cho dù dịch bùng phát dữ dội, ngoài tầm kiểm soát và các nhà hỏa táng bị quá tải.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, được thông tấn xã AFP trích dẫn, thay vì công bố số liệu hàng ngày, “Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc sẽ công bố những thông tin liên quan đến dịch bênh nhằm mục đích tham chiếu và nghiên cứu”, nhưng không nêu rõ là dưới hình thức nào và tần suất công bố dữ liệu.

Trên thực tế, từ khi chính quyền trung ương bỏ những biện pháp nghiêm ngặt trong chính sách “Zero Covid” và đặc biệt là thay đổi cách tính nạn nhân Covid-19, số liệu thống kê hàng ngày không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh. Trên giấy tờ, Trung Quốc chỉ có 6 người chết do suy hô hấp liên quan trực tiếp đến Covid-19 từ ngày 7/12.

Người dân Trung Quốc chế nhạo sự chêch lệch giữa số liệu chính thức và số ca nhiễm thực, quan sát từ đại đa số người thân quen. Quyết định không công bố số liệu hàng ngày được một người nhận định trên mạng xã hội Weibo là “cuối cùng, họ cũng tỉnh ngộ và nhận ra rằng họ không thể lừa phỉnh người dân nữa”.

Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Bắc Kinh “thả nổi” dịch là cho phép Hồng Kông mở cửa đường biên với Hoa lục sau hơn 3 năm đóng cửa. Trong buổi họp báo ngày 24/12 sau khi từ Bắc Kinh trở về, trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu (John Lee) cho biết chính quyền sẽ cố gắng “dần mở cửa trở lại, một cách có tổ chức và hoàn toàn” mọi điểm ra vào giữa hoa lục và đặc khu từ giữa tháng 1/2023 và phối hợp với chính quyền thành phố Thâm Quyến lân cận để quản lý dòng người.

Theo một số tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, được CNN trích dẫn, có thể có 250 triệu người đã bị nhiễm Covid trong 20 ngày đầu tháng 12. Còn Bloomberg đưa ra con số khoảng 37 triệu ca nhiễm trong một ngày.


Thống Kê Số Ca Nhiễm Covid Tại Trung Quốc: Trống Đánh Xuôi, Kèn Thổi Ngược

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay 3 tuần sau khi Bắc Kinh từ bỏ các biện pháp chính của chính sách Zero Covid, Trung Quốc rơi vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về thống kê số ca nhiễm.

Hôm 25/12/2022, chính quyền tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) công bố số liệu 1 triệu ca nhiễm/ngày, trong lúc Cơ quan phòng dịch CDC Trung Quốc chỉ thông báo vài ngàn ca nhiễm trên toàn quốc trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Hôm 25/12 cũng là ngày Bộ Y tế Trung Quốc ngừng cung cấp số liệu về ca nhiễm Covid.

Chiết Giang – một trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc – là một trong số các tỉnh hiếm hoi tại Trung Quốc tiếp tục cung cấp hàng ngày số liệu về Covid, kể cả các ca nhiễm không có triệu chứng. Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của chính quyền tỉnh, theo đó số lượng ca nhiễm có thể đạt đỉnh trong những ngày tới, với ước tính khoảng “hai triệu ca/ngày”. Tình hình dịch bệnh tại Chiết Giang theo số liệu của chính quyền địa phương trái ngược hoàn toàn với số liệu của trung ương, với chỉ 22 ca nhiễm/ngày trong thống kê mới nhất.

Bất chấp các đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến nay chính quyền trung ương Trung Quốc chưa minh bạch số liệu về dịch bệnh. Báo Anh The Guardian hôm 25/12 dẫn lại thông tin từ một cuộc họp nội bộ của ngành y tế Trung Quốc mới đây, theo đó, đã có khoảng 250 triệu người nhiễm virus tại Trung Quốc, chiếm gần 1/5 dân số nước này, kể từ đầu tháng 12 đến nay. Trong đó, riêng ngày thứ Ba 19/12, đã có thêm 37 triệu ca nhiễm mới.
Theo thẩm định của Viện nghiên cứu độc lập Capital Economics, có trụ sở tại Luân Đôn, được thông tấn xã Reuters hôm 26/12 trích dẫn, “Trung Quốc đang bước vào những tuần lễ nguy hiểm nhất của đại dịch”, với việc đi lại tăng vọt trong thời gian Tết cổ truyền, và làn sóng đại dịch sẽ sớm tràn đến những vùng vốn chưa bị dịch nặng.

Việc Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid mà không có giai đoạn chuẩn bị đang đặt hệ thống y tế Trung Quốc trước thách thức lớn. Reuters dẫn lại truyền thông nhà nước Trung Quốc, theo đó ngành y tế Trung Quốc đã phải yêu cầu nhân viên đang ốm tiếp tục đi làm, các cơ sở y tế phải điều động cả những người về hưu.

Bác sĩ Howard Bernstein, hành nghề cấp cứu từ hơn 30 năm nay, làm việc tại Bắc Kinh, cho thông tấn xã Reuters biết “chưa bao giờ” ông chứng kiến cảnh bệnh viện quá tải đến như vậy. Bệnh nhân phần lớn là người cao tuổi và có các triệu chứng Covid, viêm phổi. Tổ chức dữ liệu y tế Airfinity ước tính hơn 5.000 người chết mỗi ngày tại Trung Quốc do Covid. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc gần như không thừa nhận ca tử vong nào do bệnh này kể từ khi chính sách Zero được dỡ bỏ, khiến số ca nhiễm tăng vọt.


Trung Quốc Giận Dữ Sau Khi Mỹ Thông Qua Đạo Luật Tăng Cường Hỗ Trợ Quân Sự Đài Loan

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 24/12/2022, Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành một đạo luật tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, với tổng trị giá 10 tỉ Mỹ kim (từ 2023 đến 2027), để đối phó với các đe dọa từ Trung Quốc. Ngay lập tức Bắc Kinh lên tiếng phản đối.

Luật tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan (có tên gọi chính thức là Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi của Đài Loan - Taiwan Enhanced Resilience Act) thuộc Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense Authorization Act, NDAA). Hãng tin Reuters, dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh “hết sức bất bình và kiên quyết phản đối” về nhiều điều khoản liên quan đến Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ, có thể “gây thiệt hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Trong luật về quốc phòng mà Tổng thống Mỹ vừa ban bố, có một sửa đổi hạn chế việc chính phủ Hoa Kỳ mua các sản phẩm có sử dụng chip máy điện toán, do một số công ty Trung Quốc sản xuất. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chính quyền Mỹ “đã phớt lờ sự thật khi thổi phồng ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’, can thiệp vô cớ vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời công kích và bôi nhọ Đảng Cộng sản Trung Quốc - đây là những hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng đối với Trung Quốc”.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã bày tỏ sự cảm ơn đối với chính quyền Mỹ, và khẳng định việc ban hành đạo luật nói trên cho thấy tầm quan trọng mà nước Mỹ dành cho mối quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ. Đài Bắc cho biết sẽ thảo luận với Hoa Thịnh Ðốn về tiến trình thực thi đạo luật nói trên.

Theo thông tấn xã Reuters, Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, cho dù hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là một vấn đề thường xuyên gây khó chịu cho Bắc Kinh. Quân đội Đài Loan yếu hơn nhiều so với quân đội của nước láng giềng khổng lồ. Đặc biệt, lực lượng Không quân của nước này thường xuyên bị đặt trong tình trạng căng thẳng, do phải liên tục nỗ lực ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực gần hòn đảo, từ 3 năm nay.

Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi của Đài Loan cũng khuyến khích các lực lượng Đài Loan tham gia cuộc tập trận Hải quân đa quốc gia Rimpac, do Hoa Kỳ lãnh đạo, vào năm 2024. Chuyên gia quân sự Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết các khoản tài trợ và cho vay nói trên của Mỹ có thể giúp Đài Loan nhận được nhiều vũ khí tối tân hơn từ Mỹ, đặc biệt là chiến hạm, vốn rất cần thiết cho việc tự vệ của Đài Loan.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét