Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 24/12/2022 - ĐHL

 Israel khai quật ngôi mộ ‘bà đỡ’ của Chúa Giêsu - Các bà đỡ Salome (phải) và Emea (trái), đang tắm cho Chúa Giêsu sơ sinh, là những nhân vật thường thấy trong các biểu tượng Chính thống giáo về Chúa giáng sinh; một bức bích họa từ thế kỷ 12 của Cappadocia.Các nhà khảo cổ Israel đang tiến hành khai quật một ngôi mộ cổ ở vùng đồi phía tây nam Giê-ru-sa-lem. Đây là ngôi mộ bà đỡ của Chúa Giê-su, cơ quan quản lý cổ vật cho biết vào hôm thứ Ba (20/12).Các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể hang động chôn cất của người Do Thái, được trang trí tinh xảo có từ khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

<!>

Những người theo đạo Cơ đốc địa phương cho biết trong quần thể này có ngôi mộ của bà Salome, một bà đỡ của Chúa Giê-su trong các sách Phúc âm. Một nhà nguyện Byzantine đã được xây dựng tại địa điểm này, là nơi hành hương và tôn kính trong nhiều thế kỷ sau đó.
Hang động được tìm thấy và khai quật lần đầu tiên cách đây nhiều thập kỷ bởi một nhà khảo cổ người Israel. Hiện các nhà khảo cổ đang khai quật khu vực sân trước rộng lớn của hang động, là một phần của dự án phát triển tìm hiểu di sản trong khu vực.

Thánh giá và chữ khắc bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Ả Rập được chạm khắc trên các bức tường hang động trong thời kỳ Byzantine và Hồi giáo cho thấy nhà nguyện được dành riêng cho bà đỡ Salome.

Ziv Firer, giám đốc cuộc khai quật cho biết, những người hành hương “thuê đèn dầu, vào trong hang, cầu nguyện, ra ngoài và trả lại đèn dầu”. “Chúng tôi đã tìm thấy hàng chục ngôi mộ trong khu vực này, với những đồ trang trí đẹp mắt bằng cây và hoa”.

Putin dùng từ ‘chiến tranh’ cho cuộc chiến Ukraina, bị chính trị gia Nga kiện


Một chính trị gia của Nga đã yêu cầu các công tố viên điều tra Tổng thống Vladimir Putin vì đã sử dụng cụm từ “chiến tranh” để mô tả cuộc xung đột của nước này với Ukraina.

Theo Reuters, chính trị gia Nikita Yuferev ở thành phố St Petersburg cáo buộc rằng người đứng đầu Điện Kremlin vi phạm luật do chính ông đưa ra.

Ông Putin thường mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Hồi tháng 3, Putin đã ký văn bản luật, trong đó quy định các khoản phạt nặng và án tù nếu ai đó làm mất uy tín hoặc truyền bá “thông tin sai lệch có chủ ý” về các lực lượng vũ trang của Nga. Cũng theo văn bản này, mọi người có nguy cơ bị truy tố nếu họ gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” với một cái tên khác.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin ngày 22/12, chính Putin đã dùng ngôn ngữ khác với thông thường khi ông nói với các phóng viên: “Mục tiêu của chúng tôi không phải duy trì xung đột quân sự, mà ngược lại, đó là chấm dứt cuộc chiến này”.

Ông Nikita Yuferev là một chính trị gia thuộc đảng đối lập tại thành phố St Petersburg, nơi ông Putin sinh ra. Ông cho biết đơn kiện của mình có thể sẽ chẳng đi đến đâu, nhưng ông vẫn nộp đơn kiện để vạch trần “sự dối trá” của hệ thống.

Yuferev cho biết điều quan trọng là ông muốn thu hút sự chú ý đối với điều mâu thuẫn và bất công từ chính văn bản luật do ông Putin ký nhưng lại không tuân thủ.

Chính trị gia này cho rằng càng đề cập nhiều đến lỗi của Putin thì càng có nhiều người nghi ngờ về sự trung thực và sai lầm ông ấy.

Trong khiếu kiện của mình, được đệ trình trong một bức thư ngỏ, ông Yuferev đã yêu cầu tổng các công tố viên và bộ trưởng nội vụ bắt Tổng thống Putin “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã tung tin giả về các hành động của quân đội Nga”.

Ông Yuferev cho biết chính những người chỉ trích Putin đã phải chịu những hình phạt khắc nghiệt vì công khai gọi cuộc xung đột Nga-Ukraina là một cuộc chiến.

Ví dụ, chính trị gia phe đối lập Ilya Yashin đã bị tù 8 năm rưỡi trong tháng này vì lan truyền “tin giả” về quân đội.

Hồi Tháng 7, một chính trị gia khác là Alexei Gorinov cũng bị phạt tù 7 năm vì chỉ trích cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraina.

Ông Yuferev cho biết ông đã nhận được hàng trăm tin nhắn đe dọa sau khi khiếu kiện với Putin, nhưng ông tin rằng phần lớn người Nga đều hiểu điều gì đang thực sự xảy ra ở Ukraina.

Ông nói từ ‘Chiến tranh’ trong xã hội Nga là một từ đáng sợ, và mọi người đều tránh nói trực tiếp về từ này

Nga mất 50% quân số’: Bộ Quốc phòng Anh tóm tắt cuộc chiến 300 ngày Nga và Ukraina


Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng, Nga đã không đạt được các mục tiêu chiến lược trong cuộc chiến chống Ukraina sau 300 ngày chiến tranh với Ukraina. Điều này được nêu trên trang web của chính phủ Vương quốc Anh.

Ông Wallace lưu ý rằng hơn 100.000 lính Nga đã thiệt mạng, bị thương hoặc đào ngũ khỏi chiến trường.

Ông cho biết, “Khái niệm về nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của Nga, vốn tự hào về học thuyết quân sự của mình trong 10 năm, không thể chống lại sự kháng cự của Ukraina. Khả năng chiến đấu của lực lượng mặt đất Nga được khai triển đã giảm hơn 50%.”

Ngoài ra, ông tuyên bố rằng Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga đã trở thành một đội phòng thủ bờ biển. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, mọi thứ không suôn sẻ đối với những người lính đánh thuê từ “nhóm Wagner” – đây là công ty quân sự tư nhân khét tiếng của Nga, nhưng nhóm này cũng đã đã mất hàng trăm người.

Ông cho biết thêm, “Các biện pháp trừng phạt quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt độc lập của Anh, đã gây tổn hại cho ngành công nghiệp quốc phòng của Điện Kremlin. Nga đang cạn kiệt kho dự trữ và đã sử dụng gần hết hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn SS-26 Iskander.”

Vị quan chức này cho rằng thất bại của ông Putin trong việc huy động tân binh và thiết bị đang biến thành một thất bại trên chiến trường.

“Vào đỉnh điểm của cuộc tấn công vào tháng 3, Nga đã chiếm khoảng 27% diện tích đất của Ukraina. Kể từ đó, Ukraina đã giải phóng khoảng 54% lãnh thổ chiếm được kể từ tháng 2. Hiện Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine.”

Theo ông Wallace, cuộc chiến của Nga với Ukraina giống như Chiến tranh thế giới thứ nhất. Các Lực lượng Vũ trang của Liên bang Nga được duy trì nhờ vào hỏa lực của Lực lượng Vũ trang, cũng như do hậu cần kém hiệu quả của chính họ và các binh sĩ và sĩ quan chưa qua huấn luyện.

Theo Bộ trưởng, số lượng báo cáo về tội ác chiến tranh của Lực lượng Vũ trang Nga đang gia tăng. Vâng, các báo cáo về hãm hiếp, giam giữ tùy tiện, tra tấn và giết người xuất hiện hàng ngày.

Ông cho biết, “Nếu Điện Kremlin khăng khăng coi thường nhân quyền và các Công ước Geneva, chúng ta phải khẳng định quyền tự vệ và bảo vệ thường dân của Ukraine.”

Bị ĐCSTQ trừng phạt, Dư Mậu Xuân phản ứng như thể nhận được ‘Huân chương danh dự’


Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hôm thứ Sáu (23 tháng 12) thông báo Dư Mậu Xuân, cựu cố vấn trưởng về chính sách Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và Phó Chánh văn phòng Ủy ban Trung Quốc và Quốc hội Hoa Kỳ (CECC) Todd Stein đã bị đưa vào danh sách trừng phạt bằng cách cấm nhập ảnh và đóng băng tài sản của họ tại Trung Quốc.

Hành động của Bắc Kinh được cho là nhằm trả đũa việc Bộ Tài chính Mỹ trước đó vào ngày 9/12 đã ra lệnh trừng phạt ông Ngô Anh Kiệt, cựu bí thư khu ủy Tây Tạng, và ông Trương Hồng Ba, giám đốc Sở Công an Tây Tạng, với các buộc “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” tại khu tự trị ở tây nam Trung Quốc.

Phản ứng về lệnh trừng phạt của ĐCSTQ, ông Dư Mậu Xuân cho biết rằng ‘đây có lẽ là một vinh dự đối với ông’. 

Ông Dư trước tiên trả lời các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ bằng tiếng Anh trên Twitter rằng: “Huân chương Danh dự—lại bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt ngày hôm nay. Nó là kẻ thù của người dân Trung Quốc. Hãy để tiếng nói tự do vang vọng khắp bầu trời!”

Sau đó, ông viết bằng tiếng Trung: “Chính phủ ĐCSTQ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với tôi hôm nay. Cầu mong cho người dân Trung Quốc được tự do càng sớm càng tốt và trở thành chủ nhân của chính đất nước họ. Hãy đứng dậy, những người không muốn làm nô lệ !”

Dư Mậu Xuân là một học giả, chính trị gia người Mỹ gốc Hoa, đồng thời là giáo sư lịch sử quân sự tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng là cố vấn trưởng về hoạch định chính sách Trung Quốc tại Văn phòng Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Trump.

Đáp lại phản ứng của Dư Mậu Xuân, Twitter của anh tràn ngập tin nhắn từ những người ủng hộ. Một số cư dân mạng nói: 

“Xin chúc mừng ông Dư đã nhận được nhãn chứng nhận chính thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc!”

“Dư Mậu Xuân, Tôi rất tự hào về bạn! Bạn đã nêu ra những nguyên tắc quan trọng nhất, và bạn đã chỉ ra phương hướng cho nhiều người khi họ chưa hiểu rõ về ĐCSTQ!”

“Thật đáng khâm phục công việc đánh thức nước Mỹ của bạn”.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát Covid-19


Hôm 22/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc vì nó đang tác động đến phần còn lại của thế giới. Ông cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ nếu Trung Quốc 'ngỏ lời'.
“Điều vô cùng quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, là tập trung vào việc tiêm vaccine ngừa Covid cho người dân, cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị, và quan trọng là chia sẻ thông tin với thế giới về những gì họ đang trải qua", ông Blinken nói trong cuộc họp báo ngày 22/12.

“Điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi muốn thấy [Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát này]", ông nói thêm.

Trung Quốc chính thức thông báo chỉ có tám trường hợp tử vong trong tháng này tính đến ngày 22/12, một con số thu hút sự hoài nghi cao độ của giới quan sát. Số liệu này cũng hoàn toàn trái ngược với hình ảnh tràn ngập trên Internet về các khu bệnh viện đông đúc và các lò hỏa táng quá tải ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng ngừng thống kê các ca nhiễm không có triệu chứng sau khi nới lỏng các hạn chế “Zero Covid".

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục nhấn mạnh việc lây nhiễm và tử vong như một phần trong hoạt động kiểm duyệt những diễn biến có thể làm hoen ố hình ảnh của nước này.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng từng yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ ở nước này.

Tại một cuộc họp báo ngày 21/12, ông Tedros nói rằng, WHO “rất lo ngại về tình hình đang diễn biến ở Trung Quốc trước các báo cáo về dịch bệnh nghiêm trọng ngày càng tăng”. Ông cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này cùng với số ca nhập viện và các yêu cầu chăm sóc đặc biệt.

Ông Tedros cũng nhắc lại yêu cầu chính quyền Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc của virus corona gây ra đại dịch Covid-19. Ông nói rằng vẫn còn những lỗ hổng ngăn cản việc tìm hiểu về nguồn gốc của đại dịch và khẳng định rằng, nếu không có dữ liệu cần thiết thì rất khó để ngăn chặn các đợt bùng phát đại dịch trong tương lai. Đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào khoảng tháng 11/2019.

“Chúng tôi không ngừng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu mà chúng tôi đã và đang tiếp tục yêu cầu. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch này vẫn còn đang được xem xét", ông nói.

Mỹ đề nghị giúp Trung Quốc sản xuất vaccine ngừa Covid-19
Người dân Trung Quốc đã được tiêm vacine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá loại vaccine này là kém hiệu quả hơn so với vacine của phương Tây.

Ngoại trưởng Blinken đã gia hạn đề nghị cung cấp vaccine của Mỹ cho Trung Quốc.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ ai yêu cầu nếu họ cho rằng điều đó là hữu ích", ông nói và cho biết thêm rằng Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng yêu cầu giúp đỡ.

Đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Mỹ là nhà tài trợ vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, cả hỗ trợ vaccine và các hỗ trợ sức khỏe khác liên quan đến Covid-19".

Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về đề xuất của Washington. Trong khi đó, ĐCSTQ đã từ chối cung cấp vaccine BioNTech của chính phủ Đức cho người dân Trung Quốc mà chỉ cho phép vận chuyển vaccine này cho 20.000 người Đức hải ngoại sống ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại những lo ngại của chính phủ Hoa Kỳ về sự đột biến của virus và tác động của đợt bùng phát đại dịch tại Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới.

“Bất cứ khi nào virus lây lan hoặc lây nhiễm ra xung quanh, sẽ có khả năng xuất hiện một biến thể mới. Biến thể đó thậm chí còn lan rộng hơn nữa; nó có thể xâm nhập và ảnh hưởng đến chúng ta hoặc các quốc gia khác", ông Blinken nói.

“Và sau đó, như chúng ta đã thấy, sẽ có những tác động rõ rệt đối với nền kinh tế toàn cầu với việc Trung Quốc phải phong toả vì đại dịch Covid-19”, ông nói thêm, đề cập đến sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng do việc đóng cửa do đại dịch gây ra.

Dự đoán về nhiễm Covid-19 hàng loạt
Công ty nghiên cứu sức khỏe Airfinity có trụ sở tại Vương quốc Anh đã ước tính, có hơn 5.000 người tử vong mỗi ngày vì đại dịch ở Trung Quốc. Báo cáo của công ty cũng dự đoán rằng, đợt bùng phát đại dịch hiện tại sẽ cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu đến 2,1 triệu người. Báo cáo này được công bố vào cuối tháng 11 và dựa trên mô hình sử dụng số liệu thống kê khu vực của Trung Quốc.

Công ty này dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ trải qua hai đỉnh điểm bùng phát. Đợt đầu tiên diễn ra vào giữa tháng 1/2023 đạt 3,7 triệu ca nhiễm mỗi ngày ở các khu vực hiện đang gia tăng ca nhiễm. Đợt thứ hai sẽ bùng nổ vào tháng 3/2023, đạt 4,2 triệu ca nhiễm mỗi ngày ở các tỉnh khác.

Trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Đại học Thanh Hoa tổ chức vào ngày 6/12, ông Feng Zijian, cựu Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, bất kể các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh có thay đổi như thế nào, hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều khó tránh khỏi bị nhiễm bệnh một lần.

“Theo tính toán của các mô hình toán học, khi đợt lây nhiễm quy mô lớn đầu tiên đạt đến đỉnh điểm, tỷ lệ lây nhiễm trong dân số có thể đạt khoảng 60%, sau đó giảm dần trở lại trạng thái ổn định, và cuối cùng là khoảng 80 đến 90% dân số sẽ bị nhiễm Covid-19", ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét