Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

:Dịch Covid bùng phát mạnh ở Trung Quốc và những hậu quả tiềm ẩn


Thân nhân của những bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 22/12/2022. AP - Dake Kang  Anh Vũ
Sau gần ba năm cách ly đất nước với thế giới bên ngoài để phòng chống đại dịch Covid-19, từ đầu tháng 12 này, chính quyền Bắc Kinh bất ngờ cho dỡ bỏ chính sách « zero Covid ». Trong vòng vài tuần lễ, một làn sóng lây nhiễm bùng lên với tốc độ chóng mặt ở khắp Trung Quốc khiến giới chuyên gia không khỏi lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra đối với phần còn lại của thế giới.
<!>
Sau ba năm duy trì một chiến lược phòng chống dịch hà khắc nhất thế giới cho đến khi dân chúng không còn chịu đựng được nữa, đầu tháng 12, Bắc Kinh đã phải quyết định hủy bỏ chính sách « zero Covid ». Ba tuần sau đất nước rộng lớn Trung Quốc bị chìm trong làn sóng lây nhiễm lớn chưa từng thấy từ đầu đại dịch. Hệ thống y tế quá tải, hàng triệu ca nhiễm mỗi ngày và có thể cả hàng nghìn người chết. Chính quyền lúng túng trong việc thông tin những số liệu của đợt dịch mới. Theo con số chính thức, quốc gia đông dân nhất thế giới này chỉ ghi nhận 6 ca tử vong vì Covid và vài chục ngàn ca nhiễm từ khi gỡ bỏ các quy định phòng dịch. Những số liệu này quá thấp so với thực tế, theo giới chuyên gia.

Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV, ông Christophe Bréchot, nhà virus học, chủ tịch Global Virus Network, nhận định : « Ít nhất đã có 250 triệu người nhiễm Covid tại Trung Quốc từ ba tuần nay. Trong khi trên cả thế giới chỉ thống kê được khoảng 660 triệu ca nhiễm từ đầu đại dịch ».

Theo chuyên gia này, dù còn quá sớm và khá phức tạp để đánh giá những hậu quả của sự bùng nổ lây nhiễm ở Trung Quốc này với phần còn lại của thế giới, nhưng đại dịch là vấn đề toàn cầu, chứ không khép kín trong một quốc gia. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến tình hình y tế toàn cầu trong thời gian tới.

Trước hết, theo chuyên gia virus học Christophe Bréchot, trong một quần thể dân số có quá đông người bị nhiễm virus sống chung, có nguy cơ xuất hiện những biến thể mới. Virus càng lan truyền nhanh thì khả năng sinh ra các biến thể mới cùng với những đặc tính phức tạp hơn càng lớn.

Tiếp sau đó là các rủi ro về kinh tế. Với làn sóng ca nhiễm mới hàng triệu người mỗi ngày, tình trạng các nhà máy ngừng hoạt động, sản xuất, xuất khẩu đình trệ của năm 2020 có thể sẽ tái diễn. Sản xuất ở Trung Quốc mà tê liệt thì sẽ kéo theo những hệ lụy đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo các nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng, suy thoái không tránh được.

Một hậu quả nhãn tiền đối với châu Âu và nhất là ở Pháp những ngày qua là tình trạng thiếu thuốc, khi mà 80% các hoạt chất, nguyên liệu cơ bản để bào chế thuốc được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Các chuyên gia y tế từ bên ngoài nhìn vào Trung Quốc từ lâu nay đã nhận thấy chính sách « zero Covid » không thể duy trì mãi được. Nhưng việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch trong một đất nước đông dân nhưng khả năng miễn dịch yếu do tỷ lệ phủ vac xin thấp như Trung Quốc sẽ gây những hậu quả khắc nghiệt. Trong phạm vi nội địa, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng bùng nổ các ca nhiễm và tỷ lệ tử vong tăng mạnh. Theo nhiều đánh giá của giới chuyên gia dịch tễ, khả năng sẽ có tới 2 triệu người Trung Quốc tử vong trong đợt bùng phát dịch lần này, nếu chiến dịch tiêm chủng không được đẩy mạnh hơn.

Thêm vào đó là việc thông tin về tiến triển dịch không minh bạch của chính quyền, vốn có trong chế độ Bắc Kinh, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát dịch thêm khó khăn. Trên góc độ dịch tễ, nếu người ta không có các dữ liệu để truy vết, nghiên cứu thì sẽ rất khó lường trước được sự xuất hiện của những biến thể mới cùng các đặc tính của chúng, để có thể có những biện pháp phòng chống kịp thời.

Trước mắt, những thay đổi chính sách Covid và những diễn biến dịch ở Trung Quốc chưa đặt ra nguy cơ nào với phần còn lại thế giới, nhưng giới chức y tế các nước vẫn rất cảnh giác, để cơn ác mộng hồi đầu năm 2020 không trở lại.

Bắc Kinh chấm dứt cách ly bắt buộc với khách đến Trung Quốc


Nhân viên phi hành đoàn đo thân nhiệt các hành khách trên một chuyến bay đến Trung Quốc từ sân bay JFK, New York, Hoa Kỳ, ngày 24/12/2022. AP - Emily Wang Fujiyama
Anh Vũ
Dấu tích cuối cùng của chính sách « Zero covid » cô lập đất nước hơn một tỷ người với thế giới bên ngoài từ gần 3 năm qua sắp được xóa bỏ. Theo thông báo của chính quyền Bắc Kinh hôm qua, 26/12/2022, bắt đầu từ ngày 08/01/ 2023, Trung Quốc bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với du khách tới nước này.

Quyết định được đưa ra vào lúc làn sóng lây nhiễm Covid-19 đang bùng lên dữ dội tại Trung Quốc sau khi chính quyền dỡ bỏ một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt từ đầu tháng này.

Kể từ ngày 08/01, người nhập cảnh vào Trung Quốc chỉ còn cần có chứng nhận âm tính trước 48 giờ, theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc là nước duy nhất đến thời điểm hiện tại vẫn còn áp dụng chính sách cách ly bắt buộc đối với du khách : 5 ngày cách ly tại khách sạn, sau đó còn phải theo dõi tại nơi lưu trú thêm 3 ngày. Trong thông báo hôm qua, Ủy ban Y tế Quốc gia cũng nhắc đến việc dần cho phép người Trung Quốc ra nước ngoài, nhưng chưa nói rõ lịch trình. Hiện chỉ có những người có lý do thiết yếu mới được phép ra khỏi Trung Quốc. Các biên giới của Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn với người nước ngoài từ năm 2020.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin :

Thời điểm ban đầu được lan truyền là ngày 03/01, nhưng cuối cùng là ngày 8. Điều chắc chắn là sang năm 2023 ta có thể đến Trung Quốc mà không còn bị cách ly trong phòng khách sạn hay thậm chí trong các trung tâm cách ly tập thể, nếu bị dương tính khi tới đây.

Với các gia đình đang bị chia cách, hay với những sinh viên, doanh nhân đang thấp thỏm sốt ruột chờ đợi ở biên giới, thông báo thực sự làm họ thở phào nhẹ nhõm.

Đặc biệt là với các thương gia châu Phi làm việc với các nhà máy ở phía đông nam Trung Quốc, như ở thành phố Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Chiết Giang. Địa phương này có lẽ còn phải đợi đến mùa xuân mới thấy người nước ngoài đến. Thị trường bán lẻ hàng sản xuất tại Trung Quốc này cũng giống như nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đang ngập chìm trong sóng thần Omicron. Ông Mario, một đại diện thương mại cho những khách hàng ở Châu Phi và Trung Đông, cho biết :

« Từ ngày 15/01 đến 01/02, sẽ không có ai tới Trung Quốc giữa ngày Tết cổ truyền. Tất cả nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa. Nhưng sau đó từ đầu tháng 2 tôi nghĩ chắc sẽ có khá đông người đến. Nhiều người từ 3 năm nay không gặp được nhà cung cấp hàng của mình. Họ đang chờ được đến ».

Số người đến sau kỳ nghỉ Tết âm lịch sẽ còn phụ thuộc vào giá vé máy bay. Hiện tại, các tuyến hàng không đến Trung Quốc vẫn còn xa mới đạt được mức độ trước đại dịch.

Ngay sau khi Trung Quốc có thông báo gỡ bỏ hạn chế phòng dịch Covid 19 giữa lúc làn sóng lây nhiễm đang bùng lên trong nước, hôm nay thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết Tokyo sẽ yêu cầu tất cả các du khách đến từ Hoa lục phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 khi nhập cảnh vào Nhật. Những người có xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly trong 7 ngày. Những biện pháp trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/12 tới.

Từ tháng 10 vừa qua, sau hơn hai năm áp dụng các biện phòng dịch nghiêm ngặt, Nhật Bản đã mở cửa biên giới trở lại đối với khách du lịch có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, hoặc xét nghiêm âm tính trước khi tới nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét