Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Chiếc áo đêm Noel...- Nguyễn Thị Kim Loan


    (Tác giả Nguyễn Thị Kim Loan)
Bữa đó tôi đạp xe đi chợ Xóm Mới, gặp nhỏ Hương Văn ngay đầu chợ, nhỏ hỏi tôi:
– Ê, năm nay nhà ngươi có mục Réveillon với nhóm nào không?
Tôi thở dài:
– Trường mới lớp mới thì bạn bè chưa quen lắm, chắc ở nhà thôi!
– Vậy thì qua nhà bác tao chơi đêm Noel nhe?
– Nhà bác mày có gì mà chơi!?
– À quên, tao chưa nói hết ý, bà chị họ con bác Ba tao đó, chị ấy tổ chức tiệc Noel cho vài bạn bè thân, chị ấy cho tao rủ thêm bạn, nói chung là toàn người trẻ tuổi.
<!>
– Nhưng mày có chàng người yêu tháp tùng, tao đến đó lẻ loi dư thừa à?
Nó chu mỏ:
– Mày đừng lo! Tao có rủ nhỏ Thủy lớp mình nữa, 2 đứa bay đi chung về chung là an toàn, ai nỡ để mày cô đơn đâu nà!
Chúng tôi là bạn bè thân thiết suốt 3 năm học Trung học, năm nào lớp trưởng cũng tổ chức tiệc Noel cho cả lớp tại nhà của một người nào đó luân phiên nhau. Năm ấy là năm chúng tôi vừa tốt nghiệp ra trường mỗi đứa một nơi, kẻ vào Đại Học, người vào Cao Đẳng, đứa thì đi làm, đứa ở nhà chờ sang năm thi tiếp. Lẽ ra chúng tôi cũng có tiệc Noel họp mặt, nhưng hồi giữa tháng 12 bố của một bạn trong lớp bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông, nên mọi người đồng ý hủy tiệc Noel, thành ra tôi mới bị “ế độ” và nhỏ Hương Văn nhảy ra rủ rê. Tôi nhận lời vì có nó quen biết, hơn nữa, đêm Noel mà nằm ở nhà thì buồn quá, đi đến chỗ lạ cũng có thú vị là không ai biết mình là ai, tha hồ vô tư ăn uống rồi tiệc tàn đi về, là xong.
Vì chủ nhà và khách mời đa số đều có đạo Công Giáo, nên tiệc bắt đầu lúc 9 giờ tối, để mọi người xong xuôi chuyện đi lễ đêm Vọng Giáng Sinh, rồi đến tiệc mừng Chúa. Tôi và nhỏ Thủy đến nơi, đó là căn nhà lầu đúc 3 tầng nằm gần chợ Xóm Mới, ngay mặt đường giữa xứ Hà Nội và xứ Lạng Sơn. Nhỏ Hương Văn ra đón chúng tôi, dẫn xe vào cổng, bước vào nhà, sao thấy im re, có thấy bàn tiệc gì đâu. Tôi hỏi:
– Ủa, chả lẽ tụi tao đếm sớm nhứt sao, mà cũng chưa thấy bày biện gì cả?
Nhỏ cười lớn, chọc quê tôi:
– 2 đứa bay đến trễ nhứt thì có! Khách đã có mặt đầy đủ trên sân thượng rồi kìa.
Nhỏ Thủy reo lên:
– Hả? Làm trên sân thượng? Độc đáo à nghen!
Chúng tôi theo chân Hương Văn dẫn lên sân thượng. Ngạc nhiên và thích thú vì lần đầu dự tiệc với nhiều người lạ, và tiệc ngoài trời đêm đầy sao rất lãng mạn. Không gian bữa Réveillon được trang hoàng lấp lánh mờ ảo, với những chiếc ghế xinhxắn xung quanh các chậu cây cảnh khắp sân thượng. Ở góc ngay cửa lên xuống là chiếc bàn dài để thức ăn theo kiểu buffet, và nổi bật là dàn máy cat–xet tối tân, đang mở hết công suất bài hát gợi nhớ gợi thương vời vợi qua tiếng hát nức nở của nữ hoàng sầu muộn Giao Linh:
Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời, người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…
Chúng tôi chào hỏi với chị họ của Hương Văn, chủ nhân buổi tiệc, còn những người khác, chỉ gật đầu nếu chạm mặt dưới ánh sáng nhấp nháy của những dây đèn bên cây thông Giáng Sinh thật to. Tiệc bắt đầu, mọi người rộn ràng ăn uống, nói chuyện, nghe nhạc, đứng ngồi hoặc đi loanh quanh hỏi thăm nhau. Cảnh tượng ấm cúng, trang trọng, vui tươi mừng đêm cực linh Thiên Chúa giáng trần. Trời càng về khuya gió trên sân thượng càng nhiều, ngoài trời có hơi sương nên người tôi bắt đầu run lên, vì tôi ăn mặc khá phong phanh. Nhỏ Hương Văn có bạn trai đi chung nên lo áo cho nó, nhỏ Thủy thì vốn tính cẩn thận nên mặc chiếc áo thun dầy, tay dài, cổ lọ nên nó chẳng bị hề hấn gì. 

Còn tôi, với chút máu điệu, vả lại cứ nghĩ tiệc làm ở trong nhà, nên tôi diện chiếc quần Jeans bó và chiếc áo lửng cổ thuyền mong manh, vì trời Sài Gòn có bao giờ lạnh lắm đâu. Nhìn mọi người ai cũng ấm áp, (chắc họ biết tiệc làm ngoàitrời sân thượng) tôi thấy thèm, nhưng tôi có quen biết ai để mà nhờ vả hỏi han, mà biết hỏi làm sao. Lòng tự trọng và lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ nhắc nhở tôi ráng chịu đựng, cố ngồi im lặng thu mình co ro, tới đâu tính tới đó. Mà 2 nhỏ bạn vàng của tôi cũng vô tình lắm cơ, chúng cứ mải mê ăn uống, cười nói, chẳng để ý tôi đang lạnh lẽo, tái tê khắp người.

Chịu đựng thêm một lúc, răng tôi bắt đầu đánh vào nhau lập cập, và nước mắt nước mũi bắt đầu lã chã... tuôn rơi. Tôi lúng túng chưa biết làm sao, thì một anh chàng ngồi đối diện liền đứng lên, vòng qua chỗ tôi ngồi, đưa cho tôi mẩu khăn giấy, rồi cởi chiếc áo khoác của anh ta đưa cho tôi:
– Cô lau nước mũi đi và mặc chiếc áo này vào. Cô đang run rẩy rồi kìa!
Trời ơi, tôi muốn độn thổ ngay lập tức, nhưng vẫn vội vàng chụp lấy cái khăn giấy và chiếc áo, lí nhí cám ơn “vị cứu tinh” của tôi vì anh ta chỉ cần đến chậm vài phút là tôi gục ngã vì chết cóng!

Người ấy xua tay ý là không có chi, rồi đi ra phía cửa sân thượng, xuống dưới nhà.
Người tôi đã bớt lạnh, tôi tính nhờ ai đó tìm một ly trà ấm, nhưng nhỏ Hương Văn biến đi đâu chả thấy, còn nhỏ Thủy ngồi kế bên tôi mà có thèm để mắt đến tôi bởi nàng vẫn líu lo nói chuyện với chàng trai bên cạnh. Đúng lúc đó, “người ấy” xuất hiện trở lại nơi đầu cửa sân thượng, mang đến cho tôi ly sữa nóng:
– Cô uống ly sữa, tôi có thêm chút café cho cô vừa ấm bụng vừa tỉnh táo nhé!
Anh ta đặt ly sữa xuống trước mặt tôi, chẳng cần chờ tôi cám ơn, rồi lại nhanh nhẹn ra phía dàn máy đổi đĩa nhạc, có vẻ như anh ta rất thân quen với chủ nhà và một số người ở đây. Chiếc áo và ly sữa của anh ta làm tôi tươi tỉnh lại, rung động theo tiếng hát của Sĩ Phú qua băng nhạc Sơn Ca mà anh ta vừa mở volume thật to, chắc để cho... tôi nghe (còn ai khác nữa chớ, anh ta mới tặng tôi một ly sữa rất ngọt ngào đấy thôi):
Mùa Noel đó chúng ta quen nơi giáo đường
Mùa Noel đó em dắt anh vào tình yêu…

Đến nửa đêm tiệc bắt đầu tàn, người lai rai ra về, chúng tôi ở lại cuối cùng, phụ nhau dọn dẹp vài thứ linh tinh. Hương Văn đưa tôi và Thủy ra ngoài cổng, có “người ấy” và vài người khác cùng ra tiễn. Tôi dừng lại, đưa chiếc áo cho anh ta nhưng anh ta lại khoác nó trở lại vai tôi:
– Em cứ mặc về nhà, hôm nào tôi sẽ ghé qua lấy!
Tôi lùng bùng cái lỗ tai, mới hồi nãy còn gọi tôi là “cô”, giờ chuyển tông qua “em” từ khi nào vậy trời! Còn “hôm nào ghé qua lấy” là sao? Có biết nhà tôi đâu chớ, tính làm quen hả, tôi đâu phải loại con gái dễ dàng như thế! Tôi liền giãy nảy:
– Dạ thôi, không cần đâu ạ!
Rồi cởi chiếc áo quăng vào người anh ta lần nữa, nhưng anh ta lại nhẹ nhàng khoác nó trở lại vai tôi, cười mỉm chi:
– Nếu em không muốn tôi tới nhà thì cứ nhờ người đưa lại, không sao cả. Đường về còn dài, không đủ ấm sẽ bị cảm lạnh đấy, cô bé!
Rồi mọi người cũng xúm vào đồng tình, tôi không còn chọn lựa nào khác, không thể tiếp tục dùng dằng đẩy đưa chiếc áo qua lại, tôi đành nói lời cám ơn và cùng nhỏ Thủy đạp xe về nhà.
Hôm sau là ngày nghỉ, buổi chiều cơm nước xong, tôi mang chiếc áo đến nhà Hương Văn, nhờ nó mang đến nhà Bác nó như lời dặn của người ấy.
Trả áo rồi, tôi bắt đầu... chờ đợi. Tôi tin chắc rằng, thế nào người ấy cũng sẽ kiếm cách đến nhà tôi, (từ Xóm Mới xuống Thông Tây có bao xa). Chả lẽ tự dưng mà anh ấy “hy sinh” chịu lạnh để cho tôi mượn áo, tự dưng pha cho tôi ly sữa, rồi tự dưng biểu tôi mặc áo về nhà để anh ấy ghé lấy? Cái kiểu làm quen “xưa như trái đất” ấy sao mà dễ thương chi lạ!
Khi anh ấy tìm đến, tôi sẽ rất kiêu kỳ, sẽ rất điệu đà, sẽ rất duyên dáng xinh đẹp, và trêu chọc anh ấy rằng, em đã trả áo anh rồi, còn nợ nần gì nữa đâu.

Nhưng sau đó vài ngày, vài tuần, rồi vài tháng, chẳng có ai đến tìm như tôi tưởng tượng. Tuổi trẻ với những bận rộn học hành cũng làm tôi quên đi chuyện ấy, dù có đôi lần tôi thấy giận hờn vu vơ (chẳng biết giận... ai!), và thấy tiếc nuối ân hận vì đã mau mắn trả lại cái áo… sớm quá!
Mấy chục năm đã trôi qua, cứ mỗi khi Tháng 12 trở về, trời Canada tuyết phủ trắng xóa không gian, thỉnh thoảng tôi lại nhớ về đêm Réveillon tuổi 19, trên sân thượng căn nhà lầu đúc xứ Lạng Sơn và “sự cố mượn áo” năm xưa.
Đêm Chúa giáng trần cứu rỗi nhân loại, còn người ấy “cứu vớt” tôi qua cơn lạnh giá đêm Noel. Vì chỉ gặp nhau một lần đó, nên đến giờ tôi không còn nhớ chính xác hình dáng người cho mượn áo, cao thấp mập ốm ra sao, mặt ngang mũi dọc đẹp xấu thế nào (chắc là không xấu, nên tôi mới chịu… nhận áo).
Nhưng có điều, tôi vẫn nhớ rõ chiếc áo ấy, màu đen, bằng da thật, mềm như nhung. Chiếc áo cho tôi hơi ấm đêm Réveillon, giữ ấm tôi suốt con đường về giữa trời khuya, và khi về nhà đi vào giấc ngủ vẫn còn sưởi ấm cõi lòng bâng khuâng của tôi.

Và tôi cũng nhớ cả tên người ấy, vì nó cũng bắt đầu bằng vần L, như tên của tôi:
– Anh Lâm, giờ anh đang ở nơi nao trên quả đất này?!!
Tái Bút: Nhỏ Hương Văn hiện đang định cư bên Mỹ (tiểu bang North Carolina) góp ý, tôi nên post bài này lên Facebook mỗi năm khi mùa Giáng Sinh về, để “khiến người tên Lâm/ đau khổ ăn năn/ khiến người tên Lâm/ đau khổ muôn năm!”
Tôi sẽ làm theo lời đề nghị của nó, ít ra cũng để anh ta hắt hơi sổ mũi... cho bõ ghét!!!

Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét