Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Câu chuyện « Từ nửa thế kỷ trước » Ara Phat


Từ Mậu thân đến Mậu tuất đã được 50 năm , người tưởng niệm đau buồn nhớ tới người thân thoáng đã 50 cái giỗ , kẻ thì bừng bừng khí thế tổ chức ăn mừng đã giết được hàng ngàn người lương dân ,là một đám tang đi cạnh một đám cưới hồng ; 50 năm nghe không rợn người bằng nửa thế kỷ trước, bao nhiêu biến chuyển đã xảy ra từ những ngày này….
<!>




Năm mậu thân 1968 , tôi đang ở độ tuổi thanh xuân , cái tuổi càphê , nhạc Trịnh ,thích đọc những tư tưởng triết lý , trầm ngâm với bài « nói với tuổi 20 » của Nhất Hạnh nhưng cũng đầy nhiệt tình xông xáo ,bản tính này không được di truyền từ cái « gen » của bố mẹ ; tôi thích hướng đạo từ tuổi lên 10 , không hiểu sao bố tôi không bao giờ chấp nhận mà lại bảo rằng vào chỉ lo lêu lổng,chỉ còn biết lẳng lặng nhìn bạn bè đắm mình trong những sinh hoạt tập thể hữu ích đó .

Việt cộng gây tang tóc vào mùa xuân 68 này , bao nhiêu đổ vỡ , bao nhiêu dân lành phải gánh chịu cảnh chết chóc, màn trời chiếu đất , cũng là lúc thanh niên , sinh viên , học sinh thành lập các hội đoàn , xắn tay áo lao vào những công việc hàn gắn vết thương , đoàn công tác tôi gia nhập làm công việc xây nhà cho đồng bào chiến nạn, chính quyền đã quyết định xử dụng mảnh đất vốn dự trù xây trường kỹ thuật Nguyễn trường Tộ , mặt chính nằm trên bùng binh ngã 7 đường Lý thái Tổ làm khu tạm cư . Từng nhóm được phân công,thiết kế đã có sinh viên kiến trúc ,sv điền địa đo đạc phân lô , những người khác mỗi người góp một bàn tay làm công việc xây dựng ,những khối béton đúc sẵn có lỗ vừa vặn với cột nhà được đoàn công binh Đại Hàn chở tới và đặt vào đúng những vị trí , công việc của chúng tôi khuân gỗ đóng vách , lợp tôn mái nhà ,những bài hát cộng đồng của nhóm du ca Nguyễn đức Quang , những bữa văn nghệ của nhóm Tiên Rồng do hai nhạc sĩ Hoàng Phúc và Hoàng Lộc , nhóm nguồn sống của Nghiêm phú Phát cũng góp mặt mỗi tối , không khí thật hào hùng, sống động
« …Một người đi một bước , ngàn người cùng đi một bước , đi làm đuốc soi quê hương đập tan tăm tối… »
« …Ta như nước sông dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người kiêu hùng phải chọn làm người dân nam »

Bao nhiêu đêm không ngủ bên lửa trại ,với những khúc hát vang lừng , chúng tôi làm cống hiến bằng con tim bất chấp những đàn anh cho rằng bị người khác lợi dụng , chúng tôi hiến dâng tuổi 20 dù mọi người trong chúng tôi đều hiểu rằng niên khóa này mà thi không đỗ thì sẽ khăn gói vào quân trường .
» Trung tâm tạm cư Pétrus Ký » cho đồng bào tị nạn đã hoàn thành những dãy nhà để đón tiếp nạn nhân chiến cuộc , những số nhà của ngôi nhà này cho đến nay vẫn còn dù nay đã thay đổi khang trang hơn bằng những vật liệu chắc chắn hơn , bây giờ thuộc về con đường Hồ thị Kỷ.
Sau đó chúng tôi lại vào chương trình cứu giúp khác ở Tân Phú , đi khai mương dựng nhà cho những người khốn khó , đâm ra thích những đêm lửa trại ,có duyên với lối sống cộng đồng.

Dòng đời đưa đẩy , đi dậy học ,cũng có lần dự khóa hội thảo giáo dục ở trung tâm xây dựng nông thôn Chí Linh , Vũng Tàu , khóa hội thảo 20 ngày dành cho 500 hội thảo viên là hiệu trưởng trên toàn quốc , tôi là hội thảo viên nhỏ tuổi nhất . Nơi đây thấy được cuộc sống cam khổ của những khóa sinh theo học lớp cán bộ xây dựng nông thôn , họ được chia ra từng đoàn và phân về các tổng đoàn, mỗi tổng đoàn chiếm hữu một khu đất trước biển sau lưng là khu rừng Chí Linh nằm bên dãy núi Hồng Lĩnh ,các khóa sinh này tự phá rừng đốn cây dựng những láng để ở trong thời gian thụ huấn , họ đã biến rừng hoang thành một ngôi làng , có đình làng , ao cá…sau thời gian thụ huấn ngôi làng này trở thành nơi triển lãm , đoàn khác tới lại dựng ngôi làng khác , tôi có ở một ngày tại khu tổng đoàn 9 , biển êm ; sóng lặng lại còn được thăm viếng khu đồi Nga Mi , điện Dã Tràng xây dựng do những bàn tay khéo léo của khóa sinh.

Biểu tượng và huy hiệu của người cán bộ xây dựng nông thôn đeo trên vai là hình ảnh con dã tràng là biểu tượng cho sự chung thủy , cần cù của dã tràng xe cát cho dù bị sóng nước vùi dập vẫn kiên trì làm việc.
Khóa học ,không hoàn toàn là hội thảo giáo dục mà là « cải tổ hành chánh » thì đúng hơn , tổng thống Thiệu có nói chuyện một buổi ,các ngành hành chánh , tài chánh cũng có một vài buổi , giáo dục có 3 buổi , sau mỗi buổi nói chuyện chúng tôi được phân chia thành các tiểu tổ để thảo luận….một hình thức giống như các buổi thảo luận của Cộng sản , chỉ huy trưởng nơi này là ông Nguyễn Bé ,một đại tá Việt cộng hồi chánh , ông được giữ cấp bậc đại tá và làm chỉ huy trưởng nơi đây. Nhưng từ ngữ Việt cộng hoàn toàn được dùng trong trung tâm này ,trong những văn bản họ viết là đồng chí , là ủy viên ,là cán bộ , những ban văn công , ban giao liên , ban đả tự (đánh máy)tổ tam tam chế , phê bình , tự phê ,kiểm điểm…. chúng tôi ngượng ngập không quen dùng những từ ngữ này khi thảo luận , lại còn được ,trong danh sách tôi được viết là đ/c Nguyễn… ủy viên giáo dục quận…, đảng viên đảng dân chủ tôi chưa hề biết được tôi là đảng viên lúc nào , thắc mắc thì nghe trả lời là tất cả quân nhân công chức đều là đảng viên đảng dân chủ của tổng thống Thiệu ;được cấp phát một bộ bà ba đen , một nón bo rộng vành để mặc khi tham dự hội thảo hay để ra bến Đình , bến Đá ngày cuối tuần ;mỗi khi đến bữa ăn , trước khi ăn , tất cả mọi người phải đứng lên , im lặng nghe bài « kinh nhật tụng » ca ngợi người nông dân cực khổ mới đem lại cho bát cơm cho chúng ta, các câu lạc bộ cấm không được bán thức ăn , tất cả mọi người đều ăn tại nhà ăn .
Bài nói chuyện của thủ tướng Trần thiện Khiêm có nói đến vấn đề này , »…đây là một chính sách của chúng ta , Việt cộng lấy nông thôn bao vây thành thị , thì ta dùng nông thôn giải vây thành thị…. » chúng ta cần khai triển thêm chính sách « Một đàn gà , một liếp rau để tiến lên tự túc tự cường » , chắc thủ tướng còn quên thêm « một lít đế » để xử đàn gà này.

Lần đầu tiên tôi được nghe tổng thống Thiệu nói chuyện tại rừng Chí Linh ,tổng thống cũng không quên nhắc lại câu « đừng nghe những gì Cộng Sản nói , mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm » được mọi người vỗ tay tán thưởng ;khi ông rời bỏ chức vụ tổng thống cũng đã tuyên bố chung vai sát cánh với binh sĩ chiến đấu đến cùng ; « không có tổng thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội vẫn còn chiến sĩ Nguyễn văn Thiệu » vừa tuyên bố xong là ông đã cao bay xa chạy ra khỏi nước để tái phối trí một mình cùng gia đình ,có khác nào « … mà hãy nhìn những gì tôi làm ».Triết lý sống này có từ thời Lục Giao của nhà Tống là « Nghe không bằng thấy , thấy không bằng sống chung » vẫn đúng trong mọi thời( thính tri bất như kiến tri , kiến tri bất như cư tri)

Vào năm 1990 , khi bức tường Bá Linh bị phá đổ , lúc đó tổng thống Thiệu lại xuất đầu lộ diện, muốn trở lại làm thủ lãnh , ông đi diễn thuyết nhiều nơi ở Âu châu có một lần thuyết trình tại đại học ULB ở Bruxelles , tôi cũng có dự ,lại kêu gọi chống cộng , lại đừng nghe cộng sản nói…lần đó có một cựu thiếu tá chiến tranh chính trị sau chục năm tù đày , đang tị nạn tại Bỉ có đưa việc tổng thống đem con bỏ chợ ra chất vấn , ban tổ chức là hội cựu quân nhân có dàn xếp để trả lời sau , rồi cũng không có câu trả lời thỏa đáng , tổng thống đã sống khôn ngoan như lời « Thế chiến quốc , thế xuân thu ;trong thời thế, thế thời phải thế ».
Chỉ thương tiếc cho những tướng lãnh kiêu hùng như Nguyễn khoa Nam , Lê văn Hưng….là những anh hùng bất tử , đã hết lòng với đất nước , với đồng đội

Tại rừng Chí Linh này tôi được dự lễ mãn khóa của một khóa « cán bộ xây dựng nông thôn » , buổi lễ tổ chức ban đêm , được gọi là « đêm suy tư » tại vũ đình trường Vũ duy Nhất . » Vũ duy Nhất » là tên của một khóa sinh trong lễ tốt nghiệp đốt đuốc châm lửa vào lư hương lớn đặt giữa sân , bị lửa phựt chết cháy ; tất cả đèn đuốc tắt hết chỉ có ánh lửa ở lư hương , tất cả khóa sinh ngồi bệt xuống đất và suy tư về thân phận đất nước ,về trách nhiệm của người cán bộ áo đen.
Lửa trại được bùng cháy , văn nghệ do ban văn công của trại trình diễn đến rạng sáng của ngày hôm sau , tiếng nhạc lời ca hòa cùng tiếng sóng biển rì rào thật đặc sắc.

Trước khi thuyên chuyển về nha sinh hoạt học đường bộ giáo dục ,tôi có dịp hợp tác với phong trào sinh viên học sinh(CPS)cùng dân vận chiêu hồi tổ chức các trại hè cho sinh viên du học về nghỉ hè cùng lúc kết hợp với sinh viên trong nước các trại hè mang tên « Đường Việt Nam » lần tôi đưa sinh viên du học về cùng sinh viên các trường đại học trong nước ,trại số 5 ,cũng có mục đích ngăn ngừa những tuyên truyền của sinh viên thân cộng , một lần nữa lại « lấy nông thôn giải vây thành thị » . SV được đưa đi các nơi như Đà Lạt, Nha Trang , Phan Rang ,Cam Ranh , bãi biển Đại Lãnh .Xe của bộ giáo dục đưa đi khoảng hơn 300 sinh viên ,sinh viên du học về được ưu đãi lệ phí chỉ như tượng trưng , sinh viên bản xứ đóng nhiều hơn ,mục đích lần này là kết hợp giữa sinh viên trong nước và sinh viên du học, nhưng có mang chút màu sắc chính trị là níu kéo các sinh viên khi tốt nghiệp về phục vụ đất nước và tránh theo những tuyên truyền Cộng sản ở các nuóc tây Âu nhất là sinh viên ở Pháp , các sv du học ở Mỹ thường là được hưởng học bổng do Usaid đài thọ học 3 năm hay 5 năm về hè cũng có tham dự , những sv này nếu học hành không xong sẽ bị ngưng học bổng và không được phép lưu trú nên không quá khích , cũng nghe nói có một số sv ở Mỹ trốn qua Cannada để xin tị nạn , Canada là quốc gia nằm trong ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến (ICCS) nên có đại diện của MTGPMN ở đó , trốn được qua « chiếc cầu biên giới » họ có thể gia nhập với MTGP và có cớ xin tị nạn chính trị tại nơi đây.

Đến Dalat ,sv được cư trú tại trường nữ sinh nội trú Francis Ken do các soeurs trông coi , chúng tôi ăn nghỉ tại đây , tất cả chi phí ăn ở là do phủ tổng ủy dân vận và chiêu hồi đài thọ , lúc đó tôi ở trong ban tiền sát trại , liên lạc với các ty dân vận chiêu hồi tổ chúc các cuộc thảo luận chủ đề liên quan tới hiện tình đất nước , cũng có những tranh chấp quyết liệt giữa hai nhóm quốc gia và thân cộng(phần đông là du học sinh ở Pháp) , hội trường hôm đó là trung tâm giáo dục Hùng Vương(trường Yersin) , họ không vào phòng hội với lý do ảnh của tổng thống Thiệu treo trên lá quốc kỳ , cũng tranh cãi cuối cùng ban tổ chức dời ảnh của tổng thống sang bên cạnh quốc kỳ . Ở Đalat sinh viên được đi thăm trường võ bị quốc gia VN , trường Chiến tranh chính trị , viện đại học , nha địa dư…và thăm viếng các thắng cảnh của khu » hoàng triều cương thổ ».

Sau ba ngày nơi đây chúng tôi xuống Nha Trang , lần này do quân xa của tiểu khu Tuyên Đức đưa đi có xe quân cảnh mở đường , Dalat thật đẹp con đường đi qua Đơn Dương ,đập Đa Nhim đèo Krongpha đường ngoằn ngoèo trên đoạn đèo Ngoạn Mục , đổi qua tên Việt từ chữ Belle Vue thấy có phần hay hơn…
Qua khỏi đèo ngoạn mục bắt gặp một rừng dừa trùng trùng điệp điệp cơ man nào là dừa, đây có tên là Ba Ngòi, xuống dần đến khi vào thị trấn Cam Ranh , có vào viếng thăm quân cảng nổi tiếng thế giới này rồi tiến vào địa phận Phan Rang , quê hương của ông Thiệu nơi hành và tỏi sản xuất nhiều nhất nước , nơi đây được đại tá tỉnh truỏng đón tiếp nồng nhiệt và chúng tôi được đưa đến nhà nghỉ mát của tổng thống ở bãi biển Ninh Chữ nơi đây đủ sức chứa hơn 300 con người này , các tỉnh đoàn xây dựng nông thôn đến giúp ,tổ chức thật quy mô từ ăn uống đến văn nghệ rộn ràng trong đêm lửa trại các bài « Gọi lửa » còn hùng tráng hơn những lần tôi dự đêm lửa trại tại trung tâm xây dựng cán bộ nông thôn ở Chí Linh(Vũng Tàu)
« Taaa… đốt to cho bùng lên sáng , đốt to cho bùng lên sáng lên
Trên núi non tưng bừng hoa lá ,chúng ta cùng nhau đốt lên … »

Là đêm không ngủ , các trò chơi sinh hoạt cộng đồng do các cán bộ nông thôn hoặc các sinh viên làm quản trò , mà ai mệt thì cứ đi nằm ,lần đầu tiên tôi hưởng cái thú tắm biển đêm có ánh trăng và rồi cuối cùng cũng hát bản chia tay khu Ninh Chữ này » Gặp nhau đây , rồi chia tay , ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây… » , ngày hôm sau lại theo đoàn quân xa đưa xuống Nha Trang , tất cả đều do tỉnh và các ty dân vận chiêu hồi địa phương chu toàn. Ở Nha Trang chúng tôi được đưa đến khách sạn thuộc loại nhất tỉnh vào thời điểm đó , khách sạn La Frégate » nằm bên cạnh tòa giám mục Nha Trang , ở đây 3 ngày có xe đưa đi chung quanh Nha Trang dọc theo dãy Trường Sơn chập trùng , nơi đây đã nuốt biết bao con người trong cuộc chiến đến tận chân đèo Rù Rì , một bên là biển cả bao la , một bên là núi xanh hun hút , xuống tắm biển ở bãi biển Đại Lãnh , với tôi đây là bãi biển đẹp nhất ở miền nam mà tôi biết.
« Đường Việt Nam ôi vô cùng, vô tận,
Đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn.
……
Đường ruộng ngô đến xóm dừa chưa cùng,
Đường ngông cuồng, đường trường chinh vẫn ruổi rong… »
Bài hát « đường Việt Nam » được các xe hát vang trong đoạn đường đi
Trại hè 7 ngày với các cuộc vui rồi cũng chấm dứt , thay vì đi máy bay quân sự C.130 về , Hoàng đức Nhã và Nguyễn đức Cường(tổng trưởng kinh tế) chơi sang bao Boeing 707 và Caravell của Air Việt Nam về Saigon .
Các bạn có biết sự tình để bảo vệ an ninh cho lộ trình đoàn xe đi qua , biết bao nhiêu là người lính phải nằm đường trước đó cả tuần ,sương gió lạnh lẽo , có khi còn có những chiến sĩ bị thương hay chết để phục vụ cho đoàn người đi chơi , tôi cũng có lúc dắt lính đi nằm đường bảo vệ lộ trình cho một phái đoàn do các bà tướng bà tá đi ủy lạo thương bịnh binh, tội nghiệp lính tráng cả đêm thức trắng , nửa người ngâm dưới sình lầy , không biết có thu hoạch được chút gì về ý nghĩa chính trị hay không hay làm để báo cáo hầu cân bằng cán cân chi thu của quỹ viện trợ , họ chi vô tội vạ ,chi không cần chứng từ .
Những trại đi du hí như thế này thì các sinh viên du học thích thú , nhưng với trại « đường Việt Nam 1 » đi ra Quảng Trị giúp đỡ đồng bào con số ghi tên không quá 30 người mà đa số chỉ là sv trong nước .

Tôi nhận thấy cũng khó mà hòa hợp giữa hai giới sinh viên , một đằng có chút tự tôn ,còn một đằng mang mặc cảm tự ti . Tôi thấy có hai người là bạn học chung ở trung học, một có điều kiện trở thành du học sinh có vẻ kiêu hãnh, mặc dù thi tú tài chỉ thuộc hạng bình thứ (điểm thi 12)là đủ tiêu chuẩn đi du học tự túc, một là sinh viên bản xứ thi tú tài hặng ưu(điểm trên 16)nhưng không phải con ông cháu bà thì học bổng nào đến được tay dù chỉ lấy tiêu chuẩn hạng Bình( điểm 14,15), vậy mà có những người chỉ bình thứ được chọn với lý do sinh ngữ đủ khả năng hoặc là ngành học thiết thực . Gia dình trung lưu làm sao cho con đi học tự túc ; với sức học của anh ta , anh đỗ vào kỹ sư bách khoa Phú Thọ nơi mà thi tuyển vào các ban ,số thí sinh dự thi lên đến vài ngàn mà chỉ tuyển ba, bốn chục người thì phải nói thuộc loại xuất sắc , vậy mà khi tốt nghiệp cùng về làm việc thì chức vụ chỉ huy sẽ dành cho người du học về hơn nữa sv trong nước sống trong tình trạng chỉ mành treo chuông ,chỉ thi không đỗ là vào quân trường cho dù không thích hát « đường trường xa , muôn vó câu bay dập dồn… » trong khi sv du học điều kiện lại được tăng thêm 1 tuổi còn chưa kể đạo luật tổng động viên năm 72 còn cứng rắn hơn là giảm số tuổi vào học đại học , một số sv đang theo học năm thứ 2 thứ 3 vướng vào luật này rất nhiều , tốt nghiệp đại học cũng không còn hợp lệ để tiếp tục học cao học. Khóa 8/72 của trường bộ binh Thủ Đức quá đông khiến quân trường Thủ Đức không đủ chỗ huấn luyện phải đưa ra trung tâm Đồng Đế nơi đào tạo hạ sĩ quan học , vài ngàn người tốt nghiệp đại học , cao học cùng chung số phận với luật này , khóa này được mệnh danh là « khóa trí thức » ,rồi cũng ra chiến trường cũng lăn lóc đầu sóng ngọn gió nơi sa trường rồi bị bỏ rơi , bao nhiêu người đã nằm xuống và chịu những đày ải, chết chóc nơi các trại tập trung .


www.youtube.com

Đã qua nửa thế kỷ ,vẫn kỷ niệm ăn mừng giết người vẫn còn bên cạnh đám ma là đám cưới hồng , làm sao có được sự cảm thông , năm mươi năm qua, người ta vẫn u mê không biết ứng dụng được câu kinh Pháp cú của nhà Phật « lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan , lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất ».

Liège , 27/3/2018

 Ara Phat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét