Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Cập nhật cuối năm về công tác bảo vệ người tị nạn Bảo vệ tư cách tị nạn và vận động định cư. - http://machsongmedia.org


Hình 3 -- Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi họp định kỳ với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes, Giám Đốc Phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7/9/2022 
Năm 2007, nhà nước Việt Nam gia tăng đàn áp một cách khốc liệt. Số người Việt chạy sang Thái Lan lánh nạn tăng nhiều. Năm 2008, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, và cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Thâm Niên của BPSOS, luân phiên nhau đưa các toàn luật sư đến Thái Lan lập hồ sơ cho đồng bào để xin quy chế tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Năm 2010, khi số người Việt sang tị nạn ở Thái Lan tăng lên đến vài trăm, BPSOS mở văn phòng pháp lý thường trực và thuê luật sư toàn thời để giúp đồng bào xin tị nạn về pháp lý.
<!>
Tại sao cần can thiệp pháp lý?
Đối với người đặt chân đến Thái Lan để xin lánh nạn, sự can thiệp trực tiếp của luật sư là tối quan trọng vì 2 lý do:

(1) Họ cần sự trợ giúp pháp lý để xin Cao Uỷ Tị Nạn LHQ cứu xét tư cách tị nạn. Nếu không có quy chế tị nạn thì họ không thể đi định cư và không được sự bảo vệ của LHQ ở Thái Lan. Họ sẽ hoặc phải sống chui nhủi vô hạn định hoặc phải hồi hương.

(2) Khi bị cảnh sát Thái Lan bắt, nếu đã có quy chế tị nạn và được luật sư can thiệp ngay thì có triển vọng được thả; nếu đã bị đưa vào trại giam của sở di trú thì luật sư có thể lập thủ tục xin tại ngoại. Người không có quy chế tị nạn sẽ bị giam vô hạn định.

Đó là lý do chúng tôi phải mở văn phòng và có luật sư tại chỗ. Hiện nay văn phòng này có 1 luật sư người Mỹ, 1 luật sư người Na Uy, và 1 luật sư người Thái. Mới đây, có thêm một thực tập sinh toàn thời có bằng cao học luật đến từ Anh quốc. Toán luật sư được sự hỗ trợ của một đội ngũ thông dịch viên và phụ tá.

Từ 2010 đến nay, BPSOS đã hỗ trợ thành công cho khoảng 1500 đồng bào trong tiến trình xin cứu xét tư cách tị nạn.


Hình 1 – Gia đình Ông Thạch Soong, 8 người, đượic anh Y Phic H’dok (bên phải), người tị nạn đến trước, chào mừng khi quá cảnh tại phi trường Los Angeles, Hoa Kỳ, ngày 1/12/2022

Khoảng 800 đồng bào có quy chế tị nạn đã được định cư ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Na Uy... Một con số tương đương đang chờ đợi định cư. Ngoài ra còn nhiều trường hợp đang chờ phỏng vấn với CUTN/LHQ.

BPSOS cũng giúp mở lại một số hồ sơ đã bị đóng (nghĩa là đã hoàn toàn bị từ chối tư cách tị nạn bởi CUTN/LHQ). Trong số này, có cả một số là cựu thuyền nhân trốn cưỡng bức hồi hương năm 1996 và sống lưu lạc ở Thái Lan cho đến ngày được luật sư của chúng tôi lập hồ sơ xin tị nạn trở lại. Một số cựu thuyền nhân này nay đã có quy chế tị nạn và có cơ hội định cư.

Vận động định cư

BPSOS có 2 nỗ lực chính để giải quyết nhu cầu định cư của những đồng bào đã có quy chế tị nạn: (1) giới thiệu hồ sơ đến các chương trình định cư người tị nạn; (2) vận động chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách để nhận thêm đáng kể số người tị nạn ở Thái Lan.

(1) Giới thiệu hồ sơ

Cách thứ nhất, các luật sư của chúng tôi họp thường xuyên với CUTN/LHQ và đề nghị những hồ sơ tị nạn cần ưu tiên định cư. Vì phần lớn người Việt xin tị nạn ở Thái Lan đã lập hồ sơ với văn phòng pháp lý của chúng tôi, các luật sư này nắm rõ tình trạng của các hồ sơ cần ưu tiên định cư theo tiêu chuẩn của CUTN/LHQ.

Cách thứ hai, đối với một số hồ sơ cần bảo vệ đặc biệt và gấp rút thì chính BPSOS ở Hoa Kỳ hoặc toán luật sư ở Thái Lan giới thiệu trực tiếp với các toà đại sứ của những quốc gia nhận định cư.

Cách thứ ba, chúng tôi giới thiệu hồ sơ tị nạn với các tổ chức Canada dày kinh nghiệm về bảo lãnh tư nhân. Ở Canada có hàng trăm những tổ chức như vậy; từ 1978 đến nay, họ đã bảo lãnh định cư 225,000 người tị nạn. Riêng trong năm nay, một phụ tá của toán luật sư đã giúp lập hồ sơ bảo lãnh tư nhân cho 73 đồng bào tị nạn. Mới đây, chúng tôi tuyển dụng một Mục Sư Tin Lành người Anh để tăng số người tị nạn được bảo lãnh tư nhân vào Canada.


Hình 2 – Gia đình của H Jen Knul, người Thượng, gồm 7 người lên đường định cư Canada, phi trường Bangkok, Thái Lan, ngày 1/12/2022

(2) Vận động chính quyền Hoa Kỳ

Giới thiệu hồ sơ cho các chương trình định cư có sẵn sẽ chỉ giúp được số nhỏ hồ sơ. Do đó chúng tôi chủ trương vận động Hoa Kỳ, quốc gia đứng đầu về nhận định cư người tị nạn, tăng đáng kể số tị nạn được định cư định cư từ Thái Lan. Hiện nay có khoảng 700 đồng bào đã có quy chế tị nạn đang chờ mòn mỏi để được định cư; phần lớn đã chờ từ 5 đến 10 năm. Có người lâu hơn, như gia đình Ông Thạch Soong đã phải chờ 18 năm và chỉ vừa đặt chân đến thành phố Portland, Oregon ngày hôm nay.

Trong tài khoá 2022, Hoa Kỳ chỉ định cư được 24,464 người tị nạn trong khi đỉnh số Quốc Hội cho phép là 125,000. Nghĩa là hơn 100 nghìn chỗ định cư tị nạn đã bị bỏ phí. Năm 2021 còn tệ hơn.

Mỗi 3 tháng, BPSOS họp tư vấn với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes, đặc trách chương trình di dân và tị nạn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Qua các buổi họp này, BPSOS liên tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến tình trạng người tị nạn ở Thái Lan và đưa ra những đề nghị cụ thể. Tại buổi họp mới đây nhất, ngày 30 tháng 11, Bà Vall Noyes cho biết tuần tới sẽ đến Thái Lan để tìm hiểu tình trạng người tị nạn và tiếp xúc với các giới chức Thái Lan và LHQ.


Hình 3 -- Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi họp định kỳ với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes, Giám Đốc Phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7/9/2022

Hiện nay chính phủ Hoa Kỳ đang có 2 nỗ lực để tăng số hồ sơ tị nạn được nhận định cư:

(1) rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ, (2) nhận hồ sơ giới thiệu bởi các tổ chức tư nhân thay vì nhất nhất phải qua CUTN/LHQ. Là tổ chức có sự hiện diện tại chỗ ở Thái Lan, BPSOS có khả năng phối kiểm việc thực thi để phản hồi trực tiếp với Bộ Ngoại Giao.

Ngoài ra, trong 2 tuần nữa chính phủ Hoa Kỳ sẽ công bố chương trình bảo lãnh tư nhân. Tuy nhiên, chương trình này rất hạn chế: tư nhân chỉ được bảo lãnh những người tị nạn đã ở trong danh sách đằng nào cũng được chính phủ Hoa Kỳ nhận định cư. Chúng tôi tiếp tục vận động để tháo bỏ hạn chế này.

Đính chính một ngộ nhận

Trong thời gian qua, có người đưa tin khẳng định rằng BPSOS không lo phần định cư người tị nạn. Nói vậy là sai.

BPSOS chủ trương không gây quỹ cả triệu Mỹ kim để định cư vài chục người vào Canada vì đó không phải là cách sử dụng tài nguyên của cộng đồng cách hợp lý và trong tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi chọn cách làm khác, hiệu quả hơn và tiết kiệm cho những đóng góp ân nghĩa của các mạnh thường quân.
Trong 12 năm qua, BPSOS đã giới thiệu và đôn đốc việc định cư cho những đồng bào đã có quy chế tị nạn. Trong tổng số 1,500 đồng bào được hưởng quy chế tị nạn qua sự hỗ trợ pháp lý của BPSOS thì quá nửa đã đi định cư. Riêng trong năm nay 36 đồng bào đã định cư Canada và 20 định cư Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đã và đang lập hồ sơ định cư Canada cho 73 đồng bào và giới thiệu định cư Hoa Kỳ cho nhiều chục đồng bào khác. Đồng thời, BPSOS liên tục vận động chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách và tăng số người tị nạn được định cư từ Thái Lan.

Thông tin liên quan:

Cập nhật về công tác bảo vệ đồng bào tị nạn ở Thái Lan


Tiến triển trong cuộc vận động định cư đồng bào tị nạn ở Thái Lan

Không có nhận xét nào: