Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

TRĂNG TRONG THƠ CA - KD


“Chị Hằng” hay “nàng Trăng” là những danh từ rất đẹp để gọi mặt trăng mà các văn nhân, thi sĩ thường dùng. Tại sao nghiễm nhiên xưa nay khi nói đến mặt trăng là người ta thường gọi là “chị” hay “nàng”, chứ không bao giờ ai gọi là “anh” hay “chàng” cả? Cũng dễ hiểu thôi, vì mặt trăng thường đem đến cho con người chúng ta một thứ ánh sáng dịu dàng, đẹp đẽ và mơ mộng nữa, mà dịu dàng, đẹp đẽ và mơ mộng là những đặc điểm…nổi bật của phái đẹp. Và với những đặc điểm nổi bật như thế nên chị Hằng hay nàng Trăng từ bao đời nay luôn thu hút sự chú ý cho các văn nhân, thi sĩ, kể cả nhạc sĩ và hoạ sĩ nữa.
<!>
Trăng đã đi vào trong ca dao, thơ ca một cách rất dễ dàng và đẹp lạ lùng. Ca dao có rất nhiều câu đề cập đến Trăng rất ấn tượng: Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng/ Thương ai chúm chím cười riêng một mình. Trăng mười sáu tròn vành vạnh, đạt đến độ viên mãn hấp dẫn chẳng khác nào một cô gái tuổi mới lớn đẹp làm sao với một nụ cười chúm chím dễ thương đến lạ.

Hỡi cô tát nước bên đàng/ 
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Tôi nghe người ta nói rằng hai câu nầy là hai câu thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân chứ không phải là ca dao. Nhưng tôi thấy hai câu nầy mang … hơi hướng của ca dao thật là nhiều. Thật độc đáo khi tác giả “hạ” được câu “bát”: “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” cực hay. Ánh trăng làm sao ai có thể múc mà đổ đi được? Nhưng các nhà thơ thì hoàn toàn có thể làm được điều mà những người khác, không phải là nhà thơ không làm được, vì như có ai đó đã nói rất hay rằng: “thơ cho phép người ta dùng cái phi lý để nói lên cái có lý” vậy. “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” – một câu ca dao thật hình ảnh, thật đẹp và rất ấn tượng.

Trăng lên khỏi núi trăng tà/ 
Người yêu ta thật hay là yêu chơi?

“Người yêu ta thật hay là yêu chơi?” Đó là câu hỏi của mọi câu hỏi trong tình yêu mà các cô gái khi bước vào tuổi yêu cần phải để ý, bởi thời đẹp nhất của con gái không dài, giống như trăng lên khỏi núi sẽ tà, sẽ lặn thôi, mà nếu ta không biết được đối tượng đến với ta thật hay chơi thì đến lúc hối tiếc đã muộn rồi, chẳng khác nào lời than thở khôn nguôi của một cô gái yêu nhầm đối tượng:

Tưởng giếng sâu em nối sợi gàu dài/ 
Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây!

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ 
Tre non đủ lá đan sàn hay chăng?
Anh hỏi thì em xin thưa/ 
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?

Cách tỏ tình trong ca dao thật vô cùng ý nhị, sâu sắc không chê vào đâu được phải không bạn?…
Trăng không chỉ đi vào ca dao của cha ông ta với một vẻ đẹp quyến rũ đến lạ lùng mà nó còn đi vào trong nhiều câu thơ, bài thơ của các nhà thơ nữa.
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng đã có những câu thơ dành cho nàng Trăng mà chúng ta khó có thể nào quên:

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ 
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ/ 
Im lìm không dám nói năng chi.

Một khung cảnh mới êm đềm, thơ mộng làm sao cho những đôi lứa yêu nhau. Chính nàng Trăng đã đem đến một khung cảnh mơ màng ấy chứ chẳng phải ai khác.
Nữ sĩ Tương Phố đã để lại những câu thơ viết về mùa Thu với một gam màu đượm buồn, trong đó nàng Trăng của nữ sĩ cũng buồn tê tái:

Trời thu ảm đạm một màu/ 
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em.
Trăng thu bóng ngã qua thềm/ 
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng.

Có thể nói đây là những câu thơ buồn nhất trong những câu thơ mô tả nỗi buồn, nhưng là một nỗi buồn đẹp, vì trong đó có trời thu, có gió thu, có trăng thu và có cả tình thu nữa.
Tản Đà thi sĩ ngày xưa cũng thốt lên một nỗi buồn nhân thế khi mùa thu đến với ánh trăng thu man mác:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!/ 
Trần thế em nay chán lắm rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chữa/ 
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Nói đến thơ viết về chị Hằng mà không nói đến thơ Hàn thì coi như một thiếu sót khó có thể tha thứ được, vì Hàn thi sĩ là một nhà thơ đã có những câu thơ viết về Trăng xuất chúng nhứt, độc đáo nhứt. Ta hãy nghe những câu thơ Hàn Mặc Tử viết về Trăng:

Ai mua trăng tôi bán trăng cho?/ 
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.

Trăng là một hành tinh trong hệ mặt trời, một tài sản của cả thế giới chứ đâu phải của riêng ai. Vậy mà Hàn Mặc Tử dám … bán trăng mới … gan chứ. “Bán Trăng” – một ý nghĩ, hay nói đúng hơn, một hành động mà chỉ có Hàn thi sĩ mới có được. Với Hàn thi sĩ, bán Trăng là … chuyện nhỏ, nếu cần bán luôn cả vũ trụ, ông cũng không chừa, miễn là ông được đoàn viên, được hẹn hò cho khỏi cô đơn, đau đớn; vì ông đang mang trong người chứng bệnh nan y đau đớn và đang sống trong cô đơn.

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ 
Đợi gió đông về để lả lơi.

Thú thật tôi chưa bao giờ thấy được Trăng nằm, chứ nói chi đến việc thấy được Trăng nằm trong một tư thế “sóng soãi” bất thường như thế. Nhưng Hàn Mặc Tử thì đã thấy Trăng nằm và ông thấy cả Trăng nằm trong một tư thế mà không ai có thể thấy được như vậy. Con mắt của thi nhân thật là một con mắt khác người thường của chúng ta phải không bạn?

Gió theo lối gió, mây đường mây/ 
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó/ 
Có chở trăng về kịp tối nay?

Là những câu thơ cực hay của Hàn Mặc Tử viết về nàng Trăng. Với Hàn thi sĩ, Trăng như là của riêng mình vậy…
Tường Lưu – một thi sĩ Cơ Đốc nổi tiếng trong thời đại chúng ta, người đã làm hơn cả ngàn bài thơ để ca ngợi Chúa với nhiều đề tài khác nhau, ông cũng có những vần thơ viết về Trăng thật đáng yêu:

Trăng hỡi yêu ai, ai biết không?/ 
Ta biết rõ ràng ta yêu trăng
Thiên hạ nhìn trăng trăm điều nghĩ/ 
Còn trăng, trăng muôn thuở dịu dàng.

Thi sĩ yêu Trăng vì Trăng dịu dàng, mãi mãi dịu dàng, muôn thuở dịu dàng. Ai mà không yêu Trăng cơ chứ? Nhưng có thể nói không ai yêu Trăng bằng các thi nhân của chúng ta.
Một nhà thơ Cơ-đốc khác, là nhà thơ Thanh Hữu và cũng là một Mục sư đã có những cảm hứng về Trăng đầy thi vị:

Em đứng ngắm mảnh trăng thu vàng ngọc/ 
Đã nghiêng mình e lệ với mây bay.
Giữa trời xanh, sao lấp lánh phô bày/ 
Nét thanh tú, gợi lên nguồn rung động.

Nàng Trăng ở đây đẹp làm sao, như ngọc như ngà và dịu dàng, e ấp trước mây bay, phô bày vẻ thanh tú khợi gợi nguồn rung động, hứng khởi cho bất cứ ai ngắm nhìn… nàng ở giữa khung trời xanh thắm đầy mộng mơ.
Còn nhiều, nhiều lắm những câu thơ viết về chị Hằng rất đẹp, rất tình, rất mơ, rất mộng như thế trong thơ ca Việt Nam của chúng ta. Mặt Trăng đẹp và quyến rũ. Ánh Trăng lung linh, huyền ảo. Mỗi tháng, Trăng đẹp nhất là vào ngày rằm. Mỗi năm, Trăng đẹp nhất là vào mùa Thu mà nhất là vào dịp Tết Trung Thu. Đã biết bao lần, chúng ta ngắm nhìn vẻ đẹp mơ màng của Trăng, đi dạo chơi dưới ánh Trăng thơ mộng mới thú vị làm sao. Đã biết bao lần, chúng ta ngồi dưới ánh Trăng để vừa uống nước, vừa tâm sự với những người thân yêu thật thỏa thích… Nhưng có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi mặt Trăng do ai tạo nên không?

Tôi cũng đã rất nhiều lần thưởng thức vẻ đẹp của Trăng, nhất là vẻ đẹp của ánh Trăng tại những vùng quê thật là quê như nơi tôi đang ở. Ở những vùng càng quê bao nhiêu thì ánh Trăng càng đẹp đẽ và càng giá trị bấy nhiêu. Làm sao có thể quên được những đêm Trăng sáng vợ chồng cùng nhau tát nước vào ruộng lúa? Làm sao có thể quên được những cuộc trò chuyện bao đồng dưới ánh Trăng sáng? Làm sao có thể quên được những mùa Trăng Trung Thu thuở nhỏ, ta được đi “chơi giữa mùa trăng” (*)cùng bạn bè cùng thôn xóm? Nếu không có mặt Trăng, không có ánh Trăng thì người dân quê thấy thiếu thốn đi nhiều lắm. Mỗi lần thưởng thức vẻ đẹp của Trăng, tôi thường hay tự hỏi ai đã tao dựng nên mặt Trăng đẹp đến vậy? Và tôi đã tìm được câu trả lời đích thực ở trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh chép về việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên mặt Trăng như sau:
“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất, đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy đều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư.” ( Sách Sáng-thế-ký 1: 14 – 19).
Vua Đa-vít cũng đã kinh ngạc khi nhìn thấy quyền năng tạo dựng vũ trụ của Đức Chúa Trời, trong đó có mặt Trăng:
“Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa. Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt” (Sách Thi-thiên 8: 3)
Một chỗ khác cũng bày tỏ chân lý đó:
“Đức Giê-hô-va, là Đấng đã ban mặt trời làm sự sáng ban ngày, ban thứ tự mặt trăng và ngôi sao soi ban đêm.” (Sách Giê-rê-mi 31: 35a)…
Như vậy, chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Trời chính là Đấng đã dựng nên mặt Trăng cho con người chúng ta được thưởng thức tất cả vẻ đẹp tuyệt vời của nó từ bao đời nay. Bạn và tôi thật đáng cúi đầu và cúi cả lòng mình xuống mà tôn thờ Ngài và ca tụng Ngài. Bởi Ngài là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên vũ trụ (trong đó có mặt Trăng tuyệt đẹp) và muôn loài thật kỳ diệu để con người chúng ta được hưởng.

Thi sĩ Thanh Hữu khi ngăm nhìn trời mây non nước bao la, kỳ vĩ mà Đức Chúa Trời tạo dựng, đã phải thốt lên những vần thơ thiệt hay như sau:

Chúa tuyệt đỉnh trên muôn ngàn chân lý/ 
Ngài tuyệt trần trong nét đẹp thiên nhiên.
Ngài tuyệt luân trong ân sủng, năng quyền/ 
Ngài tuyệt hảo trong tình yêu cứu rỗi.

Tôi tuyệt đối đồng ý với Thanh Hữu khi ông dùng những từ “tuyệt đỉnh”, “tuyệt trần”, “tuyệt luân”, và “tuyệt hảo” để ca ngợi “Chúa Nghệ sĩ” (từ dùng của Thanh Hữu – NV) của mình. Không một ai, tuyệt đối, không một ai xứng đáng cho những từ ấy, ngoài một mình Đức Chúa Trời cao cả, quyền năng, hằng sống và chân thật.
Cảm ơn nhà thơ Thanh Hữu thật nhiều!

Mời bạn hãy cùng chúng tôi tôn thờ Ngài, tôn thờ Đấng đã dựng nên mặt Trăng đẹp đẽ mà tôi và bạn đã từng thưởng thức bao nhiêu năm qua. Một khi bạn đã tin nhận Ngài như chúng tôi, bạn sẽ được Chúa tái tạo một cuộc đời mới trong bạn đẹp đẽ vô cùng, đẹp đẽ như mặt Trăng mà bạn đã từng yêu mến. Lời Kinh Thánh mô tả vẻ đẹp của một người khi đã tin nhận và tôn thờ Chúa, được Chúa đổi mới cuộc đời như sau:
“Người nữ nầy là ai, hiện ra như rạng đông. Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời. Đáng sợ khác nào đạo quân giương cờ xí?” (Sách Nhã-ca 6: 10).
Chúa sẽ ban cho bạn một đời sống nhiều hy vọng và sống động như rạng đông; đẹp đẽ cách dịu hiền như mặt trăng; tinh anh, trong sạch như mặt trời và mạnh mẽ như một đạo quân thắng trận, nếu bạn bằng lòng đến với Ngài. Đó là điều chắc chắn đáng để bạn đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.
Hãy đến với Chúa Giê-su để bạn khám phá được vẻ đẹp tuyệt vời của đời sống Cơ-đốc như bạn đã từng khám phá vẻ đẹp đầy quyến rũ của nàng Trăng.
Chúc bạn hưởng một mùa Thu đầy yêu thương và nhiều thi vị trong cuộc sống.
Cầu xin Chúa ban phước dồi dào trên mỗi một chúng ta. A men!

Nguyễn Đình Bùi Thị

Vào một đêm trời Thu dịu êm, khi trời tối và trăng thật tròn, hàng ngàn người ở quê tôi tụ tập dọc ven sông để thắp lồng đèn trời. Họ phóng lồng đèn lên trong bóng đêm, rồi theo dõi những đốm sáng bay cao kết hợp với ánh trăng phô bày rực rỡ, biến trời đêm thành một tác phẩm nghệ thuật lung linh sinh động. Khi xem các hình chụp sự kiện này, tôi thật thất vọng vì không có mặt trong tỉnh lúc đó để chứng kiến. Nhưng vài hôm sau, tôi biết một điều đã diễn ra ở Grand Rapids có thể xem như biểu tượng cho hội nghị tôi đang tham dự ở New York City. Trên 1000 người từ 100 thành phố trên thế giới tụ tập tại đó, để lập kế hoạch cho một “tác phẩm nghệ thuật” tìm cách thắp sáng bóng đêm của thành phố họ bằng việc mở hội thánh mới và mang Phúc Âm của Đấng Christ – sự Sáng của thế giới, đến cho hàng ngàn người. Tiên tri Đa-ni-ên viết về việc này khi những người đưa người khác đến với Chúa sẽ chiếu sáng như ngôi sao muôn đời (Đa-ni-ên 12:3). Tất cả chúng ta đều có thể tham gia trong sự kiện lớn đó. Khi chúng ta chiếu sự sáng của Đấng Christ trong những nơi tối tăm mình đang sống và làm việc, tức là Ngài đang thắp sáng trời đêm bằng những vì sao không bao giờ lịm tắt. (Julie Ackerman Link) .
Những người khôn sáng sẽ rực rỡ như sự sáng chói trên bầu trời. – Đa-ni-ên 12:3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét