Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Tình chuột - Vũ Thư Hiên


- Ông bạn mới ờ… ời!
Một giọng khàn khàn cất lên, lúc nửa đêm, khi tôi vừa được giải vào xà lim.
Người ta gọi tôi? Hay gọi ai?
Trong cái hành lang tối hù, sâu hun hút, chỉ có một ngọn đèn 15 oát lờ mờ soi tỏ hai dãy cửa sơn đen, giọng nói âm vang như trong động đá.
- Tôi gọi ông bạn mới – giọng nói nhắc lại.
Thì ra người ta gọi tôi.
- Chào bạn! – tôi đáp khẽ.
- Tử hình hay chung thân?
<!>
Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi không biết rồi người ta có tử hình mình hay không, cũng chẳng biết rồi có xử chung thân không.
- Cứ nói chuyện, đừng ngại – giọng nói tiếp tục – Giờ là phiên Trư Bát Giới. Ông quản giáo này hiền, không thích cùm, không rình mò… Tôi ở đây bốn năm rồi, tôi biết.

Có tiếng lao xao ở các xà lim khác, vẳng lại những lời chào.

Nội quy xà lim gồm toàn những cấm là cấm: cấm nói to, cấm hát, cấm liên lạc giữa các xà lim, cấm cả ho hắng, nếu quản giáo cho rằng tù nhân gửi tín hiệu cho nhau bằng cách đó.

Người tù vi phạm nội quy sẽ bị cùm, ngắn cũng một tuần, dài thì cả tháng.

Cấm thì cấm, tù cứ liên lạc. Người có tiếp tế (gọi là “tắc”), chuyền cho bạn tù phòng bên mấy viên thuốc lào. Người khác gọi xin tí lửa. Chẳng cần gì cũng đánh tiếng với bạn để thấy mình không cô đơn. Đủ mọi cớ. Bằng mọi cách.

Quản lý khu xà lim là các quản giáo thay phiên. Trong khu xà lim có một phòng vệ sinh cho tù, quản giáo và lính gác cũng dùng. Họ vào đấy xoành xoạch, cho nên thỉnh thoảng vẫn có vụ tù trò chuyện bị bắt gặp, rồi bị cùm.

Quản giáo có người hiền, có người không hiền, có người tính ác, nhưng nhìn chung, họ làm việc theo quán tính công chức, hết giờ thì ba chân bốn cẳng về nhà.

Lính canh thì khác. Loại lính này thuộc một quân chủng đặc biệt. Là công an, nhưng lại không phải là công an, tên là Công an Nhân dân vũ trang. Nhiệm vụ của họ là canh gác trại giam, chứ không phải coi tù. Phần nhiều trẻ măng, chưa hết tuổi học trò, nhưng do thích nghịch ngợm, hoặc do buồn tình, đám lính này hay lợi dụng khi đi vệ sinh để rình mò “tóm quả tớm” tên tù vi phạm nội quy, cùm nó cái chơi.

Những chuyện ấy sau này tôi mới biết, chứ khi mới vào đây mọi cảm giác đều tê liệt.

Tôi lặng đi trước những gì mình thấy. Khu xà lim có mùi khăn khẳn giống mùi nhà vệ sinh công cộng.

Sau một phút lưỡng lự, tôi ghé miệng vào ô kiểm tra, nói khẽ:
- Đây là đâu hở ông bạn?

Giọng nói khàn khàn lại cất lên, sau mấy giây cân nhắc:
- Đây là trại cải tạo. Phải gọi đúng tên theo quy định. Với cán bộ, phải kính cẩn gọi họ bằng ông, bằng bà.
- Vậy cứ gọi luôn họ bằng “ngài” có phải lịch sự hơn không? – tôi vào giọng với người đối thoại.
- Hà hà! Ông bạn khá hơn tôi tưởng đấy.
- Tôi không có tâm trạng để đùa bỡn.

Giọng nói trở nên khô khan.
- Ở vài ngày khắc biết. Thời Tây nó có tên là Xà lim Án chém, giờ dành cho tù tử hình hoặc chung thân chờ xử lại…

Tôi thầm cảm ơn người đối thoại. Người ta đưa tôi vào đây là có dụng ý rõ ràng – tội của anh không nhẹ đâu đấy nhá.

Từ khi cái máy chém bị xếp xó, Xà lim Án chém chỉ được nhắc đến trong những hồi ký cách mạng để người đọc đã biết ơn rồi phải biết ơn thêm nữa các vị lãnh tụ cách mạng.

Giọng nói tắt ngấm.

Tôi hình dung người đối thoại là người hơn tuổi tôi, chững chạc cũng hơn tôi.

Tôi thở dài.

Ngày hôm sau anh ta lại gọi:
- Này ông bạn!

Tôi đáp:
- Có tôi.
- Đã sa chân đây thì cố mà giữ sức khỏe. Hòng khi trời thương còn trở về được với gia đình. Mà cũng đừng hi vọng nhiều. Ở đầu đường hi vọng thường có thất vọng đứng chờ.
- Cảm ơn lời khuyên của ông bạn.
- Ơn huệ cái con khỉ. Là kinh nghiệm của ma cũ truyền cho ma mới thôi.

Lát sau, anh ta tiếp:
- Nguyên tắc số một: không tin bất cứ ai.
- Tôi hiểu.
- Vợ con rồi hả?
- Rồi.

Tiếng thở dài vẳng lại.
- Tôi tứ cố vô thân. Có phải đi khỏi cuộc đời này cũng nhẹ nhàng.

Đêm tiếp theo, chúng tôi nói chuyện dài hơn.
- Ông gặp may: không phải ở chung – anh bạn nói.
- Ở một mình thì sướng nỗi gì?

Anh ta lửng lơ:
- Ở một mình buồn thì dễ tâm sự với người ở cùng những điều không nên nói. Chấp pháp thì lại thích nghe người này nói về người kia.

Đó là nguyên tắc sơ đẳng của cuộc sống trong xà lim, tôi đã biết.
- Tôi tên Cận. Bạn tên gì?

Tôi xưng một cái tên chợt đến trong đầu. Bộc lộ về mình trong môi trường tù chẳng có tích sự gì.

Tôi và Cận quen nhau trong hoàn cảnh như thế.

Cửa thông gió ở xà lim tôi ở trông ra bức tường đá bao quanh nhà tù, không trông ra sân, nơi tù ra nhận cơm, cho nên để tôi chỉ có thể thấy anh bạn tốt bụng khi nào anh đi qua cửa phòng tôi. Tù nhân có thể thấy thấp thoáng bóng nhau qua một khe hở nào đó ở ô kiểm tra vào buổi sáng khi tù được chăn đi đổ bô và rửa ráy. Lính gác đi tuần nửa tiếng một lần ngó vào xà lim qua cái lỗ ấy coi tên tù ở trong còn sống hay đã chết. Người Pháp đặt cho cái ô kiểm tra là le judas, tên môn đồ phản Chúa. Khi có tù giải đi trong hành lang thì cai tù khép nó lại.

Le judas ở cửa phòng tôi một khi đã khép thì kín như bưng.

Một lần tôi đã thấy Cận qua khe hở phía dưới le judas, nhưng không hơn một đôi cẳng chân gầy và khô thò ra ngoài hai ống quần cũn cỡn. Chắc hẳn để tiết kiệm vải, quần áo tù chỉ có một cỡ. Tôi đoán Cận khá cao. Và gầy rạc. Mà béo sao được với chế độ ăn uống đạm bạc, chỉ đủ để không chết.

Về sau này, khi đã qua nhiều trại. chưa ở đâu tôi gặp một người tù béo. Phù thì có, béo thì không. Tôi từng thấy những cái chết vì đói. Nói cho đúng, chết như vậy cũng không hẳn vì đói theo nghĩa đen, mà phần nhiều do không chịu được đói mà ăn bậy ăn bạ rồi bị kiết lỵ hoặc ngộ độc.

Tất nhiên, không thể nào hình dung con người chỉ căn cứ ở cẳng chân. Cận có giọng nói trầm và khàn, rất đặc biệt. Tôi mường tượng Cận dáng mảnh khảnh, gương mặt xương xẩu, gò má cao, miệng rộng.

Ở đây vài ngày tôi mới biết sở dĩ khu này vắng là do số tù tử hình lưu cữu đã bị mang đi bắn, số mới chưa đến. Cận nói tù tử hình thường đông vào cuối năm. Có thể phỏng đoán rằng các quan toà thường nghĩ một năm dài hơn nó có thực, nên đầu năm họ làm việc túc tắc, năm hết tết đến mới giật mình, vội vã xử hối hả.

Trong ba tử tù còn lại, Cận có thâm niên xà lim cao hơn cả. Anh thuộc diện chống án, chờ xử lại.

Anh người Nùng ở kế tôi là đảng trưởng một đảng ở biên giới, đảng viên không quá hai chục mống. Không cương lĩnh, không điều lệ, người nọ rủ người kia, thế là thành đảng. Những người quen sống với thiên nhiên như họ từng sống, trên không chằng dưới không rễ, không biết đọc, chẳng biết viết, nay khốn khổ với các thứ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, các thứ thuế và các loại phí giời ơi đất hỡi. Họ nổi sùng, dùng súng kíp bắn chết hai cán bộ huyện. Cả đảng bị tóm, đảng trưởng lĩnh án tử hình.

Anh tử hình thứ hai là lính đặc công, phạm tội băm tình địch bằng rựa. Trở về từ chiến trường, anh phát hiện cô người yêu của anh đã đi với người khác. Vụ giết người đẫm máu ầm ĩ một thời. Anh thương binh phạm tội trong tình trạng tâm thần bất định, không đến nỗi tử hình, nếu như kẻ bị giết không phải là con một ông lớn. Ông này gần như phát điên, một mực đòi sát nhân giả tử, chỉ có bắn.

Anh nằm chờ xử lại đã hai năm, hi vọng Tòa tối cao sẽ bác án tòa tỉnh.

Anh tử hình thứ ba bị tuyên tội chết vì tội dùng rìu giết bốn mạng trong một vụ giành lại đất của gia đình bị cướp trắng. Con người bất cần đời lúc nghêu ngao hát, giọng đã vịt đực, lại sai điệu. Anh ta lúc hét toáng lên chửi Đảng, chửi chính phủ, cho các lãnh tụ đáng kính ăn những thứ không có bán ở chợ. Chửi mệt rồi, anh ta gọi sang các phòng, gợi chuyện. Đáp lại những câu hỏi của anh ta là sự im lặng. Chẳng ai dại gì dây với tên đã giết người nay còn ăn nói phản động.

Số còn lại ít khi lên tiếng. Họ là những người mang án chung thân, cố gắng cam chịu cuộc sống trong xà lim, hi vọng rồi sẽ được giảm án.

Trong phiên gác của Trư Bát Giới các phòng còn thì thầm nói với nhau đôi câu, chứ với các quản giáo khác thì cả khu xà lim im phăng phắc như một nấm mồ lớn.
*
Cận nghiện thuốc lá nặng. Biết tôi đồng cảnh, lợi dụng lúc đi làm vệ sinh sáng thỉnh thoảng anh lẳng vào chân cửa phòng tôi chút thuốc lá chứa trong mảnh giấy vo tròn.

Tôi hỏi làm sao anh kiếm được thuốc lá khi biết anh tứ cố vô thân, không được ai tiếp tế, thì anh không trả lời.

Anh hỏi tôi:
- Có lửa chứ?
- Có. Tôi có bùi nhùi do anh đảng trưởng Nùng cho.
- Hút đã không?
- Đã.
- Một hơi là đứ đừ.
- Kiếm đâu ra thế?
- Từ các đầu mẩu.

Tôi ngạc nhiên. Suốt mấy tháng trời ở đây tôi có thấy anh bị gọi “đi cung” (hỏi cung) lần nào đâu. Chỉ có “đi cung” mới được ra khỏi khu xà lim, mới có thể lượm được những đầu mẩu thuốc lá cai ngục và lính gác vứt dọc đường. Cho dù có đi cung hằng ngày Cận cũng không thể kiếm được nhiều đầu mẩu đến mức có thể còn thừa để chia sẻ cho tôi.

Sau thời gian gần một năm cùng sống trong Xà lim án chém, Cận đã cho tôi biết vì sao nằm trong xà lim mà anh lại kiếm được thuốc lá và thuốc lào để hút.

Đó là chuyện lạ, rất lạ, tôi chưa từng nghe ai kể, chưa từng đọc trong cuốn sách nào.

Trong xà lim, tù nhân không phải sinh vật duy nhất. Còn có nhiều giống khác: muỗi, gián, kiến, kể cả dĩn… Trong số ấy chuột là nhân vật nổi bật. Chuyện chuột là đề tài muôn thuở của người tù. Bỏ ngoài tai những con chuột huyền thoại to bằng con mèo nhờ ăn thịt người trong nhà xác, là chuyện tào lao thiên tôn, được những người tù ưa bốc phét kể lại cho những người chưa từng ở tù nghe, kỳ dư đều là chuyện thật.

Ở Hỏa Lò, chuột là đại họa. Những con chuột cống béo núc, tròn lẳn, to bằng cố tay, nhâng nhâng nháo nháo chạy đi chạy lại trước mặt những người tù bất lực là một hình phạt được cộng thêm vào những hình phạt của nhà nước. Mà không phải chỉ ở Hỏa Lò. Ở các khu biệt giam của những nhà tù khác tình hình cũng y như vậy.

Nhà bếp gánh cơm vào khu xà lim của chúng tôi thường để tơ hơ trên bệ ngoài trời, không che không đậy. Khi quản giáo chưa tới mở cửa cho từng xà lim ra nhận, chuột cống kéo cả bầy ra leo lổm ngổm trên những bát cơm, giành nhau ăn, đánh nhau chí choé. Tù nhận phần cơm về phòng gạt nước mắt nhặt những viên cứt chuột bỏ đi rồi ăn.

Trong thời gian tôi ở Xà lim án chém chỉ có một viên cán bộ quản giáo lúc nào cũng đi theo gánh cơm để mở cửa cho tù ra nhận ngay lập tức, cho tù khỏi phải ăn cơm chuột vầy. Người tốt ở đâu cũng có.


Đồ tiếp tế của tù giấu cách nào chuột cũng moi bằng được. Có gói kẹo gói bánh để trong chăn bông, bên trong còn bọc mấy lần quần áo mà chúng cũng biết, cũng lần đến, cắn nát mọi vỏ bọc để chén. Treo lên đình màn chúng vẫn tha đi. Chúng ăn một phá mười. Người tù rớt nước mắt nhặt lại cái kẹo cái bánh bị chuột gặm dở vương vãi trong phòng đế mút mát, kiếm tí chất ngọt. Có người thức mấy đêm liền để canh chừng, cho tới khi kiệt sức, không thể thức thêm được nữa, đành cố nhồi nhét vào bụng cho bằng hết đồ ăn gia đình gửi vào. Ăn vội ăn vàng, ăn đến bội thực, đến phát bệnh. Tù xà lim ít được nhận tiếp tế. Mỗi lần có tiếp tế là mỗi lần lo thắt ruột. Người khéo léo lừa được chuột thì lại không lừa được kiến. Kiến đen khi có động bỏ chạy rất nhanh, nhưng kiến hôi nhỏ xíu thì đủng đỉnh, nhai phải chúng, một mùi hăng xì xông lên tận óc.

Ở xà lim, chuột cống ra vào xà lim theo lỗ thoát nước. Cái lỗ duy nhất ở chân tường hậu mỗi phòng chỉ lớn hơn thân con chuột chút ít. Tưởng chừng chỉ cần bịt cái lỗ ấy đi thì chuột hết đường vào, vậy mà vẫn không ngăn được chúng. Người tù thường lấy cán chổi sể bịt cái lỗ ấy. Nhưng chỉ được vài đêm lũ chuột tinh ranh đã phá tan cái chướng ngại vật không bền vững nọ. Thoạt đầu chúng còn dùng đầu để húc cán chổi vào trong để lấy lốì đi. Nếu cách đó không xong thì chúng gặm cho bằng nát cái chổi rồi tha đi từng cọng một cho tới khi không còn gì cản đường. Cái chổi là tài sản xã hội chủ nghĩa mà người tù phải giữ gìn. Nếu để nó hư hỏng, anh ta không có quyền đòi cái thứ hai.

Cận căm ghét thậm tệ lũ chuột cống. Nhưng khi thấy chúng không thèm lai vãng xà lim của anh chỉ vì anh không có tiếp tế, anh cũng cảm thấy một chút tủi tủi trong lòng.

Khi số tù đông lên đột ngột, không còn đủ chỗ, người ta ghép Cận ở với tôi.

Nhờ được ở chung với Cận tôi mới được biết tường tận câu chuyện mà tôi ghi lại dưới đây.

Một ngày kia, trong xà lim của Cận xuất hiện một đôi chuột nhắt.

Anh không xua đuổi chúng, mà còn tỏ ra xuề xoà với chúng. Chẳng gì chúng cũng là những người khách duy nhất của anh trong cảnh biệt giam.

Anh còn tránh không làm những cử động mạnh và đột ngột, e chúng bị kinh động. Bữa ăn nào anh cũng dành lại một miếng cơm cho vợ chồng nhà chuột, giả bộ như để rơi xuống nền nhà.

Không hiểu vì lẽ gì, nhưng đôi vợ chồng chuột nhắt quyết định tá túc ở xà lim của anh.

Trong xà lim thường không có chuột nhắt – lũ chuột cống không cho phép chúng bén mảng tới lãnh địa của mình, hẳn thế. Đôi vợ chồng chuột nhắt đến ở đây có lẽ do bọn chuột cống không thèm bước chân vào cái xà lim không bao giờ có đồ tiếp tế.

Ít lâu sau vợ chồng nhà chuột tha rác về làm ổ trong một góc khuất ngay dưới phản xi măng của Cận.
Thế rồi chuột vợ có mang. Cận thấy nó mang bầu khệ nệ. Anh chồng chạy lăng xăng bên cạnh, ra chiều lo lắng. Một mình nó lo việc xây dựng nơi ở mới, cô vợ chỉ ngồi một chỗ, thỉnh thoảng mới tha thêm một cọng rác phụ cho chồng.

Rồi cô vợ ở cữ. Chẳng bao lâu sau, Cận đã nghe tiếng chuột con léo nhéo dưới phản. Chắc chúng vòi mẹ cho bú tí hoặc chành chọe nhau. Trẻ con nào cũng là trẻ con, vật hay người thì cũng thế.

Mình thì chẳng bao giờ có con, Cận buồn rầu nghĩ. Thành ma rồi thì làm sao có con? Chẳng có con ma đàn ông nào lấy vợ đẻ con cả. Ma chỉ được mang hình bóng cuộc sống trần thế. Chúng không được làm thêm điều gì chưa kịp làm khi còn trong kiếp người.

Những lúc đôi vợ chồng chuột đi vắng, Cận mới rón rén bước xuống phản ngó trộm mấy con chuột con.

Anh ngồi chồm hổm ngó sâu vào góc tối, nơi có những sinh vật nhỏ bé trời mang lại cho anh. Mặc dầu rất muốn vuốt ve chúng, anh không dám chạm tay vào chúng. Anh sợ vợ chồng chuột ngửi thấy hơi người ở lũ chuột con sẽ sợ hãi tha chúng đi nơi khác. Ba con chuột đỏ hỏn, mắt nhắm nghiền chen chúc nhau trong cái ổ bằng rác và vải vụn.

Cuộc sống của gia đình nhà chuột đang bình thường thì một biến cố xảy ra.

Một hôm đôi vợ chồng chuột biến mất. Thấy im ắng trong phòng, Cận chăm chú theo dõi lối vào của chúng, nhưng không thấy chúng trở về. Hôm sau cũng vậy. Lũ con đói sữa bò lổm ngổm ra ngoài. Bỏ trở lại vào ổ được một lát chúng lại trườn ra.

Anh đứng ngồi không yên.

Anh chờ đôi vợ chồng chuột nọ. Anh lo lắng cho mấy đứa nhỏ.

Sau khi tin chắc rằng bố mẹ chúng vĩnh viễn không trở về, chúng đã chết, bị sa bẫy hoặc phải bả, thì anh hoàn toàn tuyệt vọng.

Để ba con chuột con khỏi chết rét, anh nâng niu đỡ chúng lên, đặt bên gói quần áo anh gấp lại làm gối. Gần hơi người, chúng sẽ ấm hơn. Bữa cơm, Cận để dành lại mấy miếng, nhai thật kỹ, cho tới khi không còn một hạt nào không nhừ, rồi mới vụng về mớm vào những cái mõm tí xíu của chúng. Lúc đầu những con chuột con không chịu ăn, chúng tránh miệng anh. Những miếng cơm anh cố mớm làm mấy cái đầu tí hon nhoe nhoét nước bọt màu trắng đục. Khi anh thôi mớm, chúng mới liếm láp mặt nhau. Nhờ những miếng cơm nhừ lẫn nước bọt, chúng không chết.

Sau nhiều ngày kiên nhẫn mớm cơm cho chúng, Cận vui mừng thấy ba con chuột vẫn sống. Con thứ ba yếu hơn cả, nó thở thoi thóp, da nhăn nhúm, nằm yên, không động đậy, không nhúc nhích. Vài ngày sau, nó chết trong cam chịu.

Cận tự trách mình vụng về. Trước nay anh vốn không khéo tay, anh nghĩ con chuột không sống được là vì anh không biết cách nuôi nó. Cái chết của con chuột con làm anh rơi vào một nỗi buồn xám xịt. Rồi tự an ủi: nó quá yếu từ khi lọt lòng mẹ chứ không phải tại anh.

Thương con chuột bé bỏng, anh muốn chôn nó như hồi còn là đứa trẻ anh đã khóc ròng mang chôn con chó chưa mở mắt trong bầy chó con mới sinh. Anh đã cùng mấy đứa bạn làm một đám ma cho con chó, đặt nó trong một quan tài bằng giấy rồi chôn ở vườn sau. Anh còn đắp cho nó một nấm mộ, trên đó anh cắm một cây thập giá bằng hai nhánh cây khô. Anh còn nhớ buổi sáng mùa đông ấy, có gió mùa đông bắc và sương muối, những búi cỏ mần trầu vàng hoe xơ xác và những cây cau ủ rũ chết lặng trong vườn. Nhưng bây giờ anh ở trong xà lim, lấy đâu ra đất mà chôn? Khi bỏ con chuột vào cái bô lẫn lộn phân và nước tiểu, anh thấy mũi mình cay cay, dấu hiệu của nước mắt ứa ra. Anh có cảm giác như mình đang làm một điều không phải, một hành động tồi tệ với một số phận không may.

Để đề phòng những cuộc khám xét xà lim đột xuất, Cận kiếm được một chỗ kín để giấu hai sinh vật bé bỏng. Ở dưới tấm phản xi măng, ở đầu một trụ có một lỗ hổng nhỏ. Anh nhẹ nhàng để hai con chuột con vào đó, đến bữa mới mang chúng lên, cho chúng ăn cùng.

Hai con chuột con lớn dần. Càng lớn chúng càng tỏ ra khôn ngoan.
- Giống chuột khôn hơn chúng ta nghĩ – Cận nói – Người là loài vật kiêu hãnh vô lối.

Trong số quản giáo phụ trách Xà lim án chém có một tên vừa xấu bụng vừa ác được tù đặt cho biệt danh Hắc Đởm.

Bình thường hai con chuột chỉ chạy loăng quăng dưới nền nhà, nhưng hễ nghe tiếng giày lộp cộp của Hắc Đởm từ xa và dừng lại ở cửa xà lim là chúng leo tuốt lên cái hốc của chúng.

Chúng cảm thấy người nuôi chúng luống cuống mỗi khi nghe tiếng giầy đi vào khu xà lim, và bằng cách nào đó, chúng hiểu tiếng giày là cái mang tới tai họa.

Cận không ưa tay quản giáo này. Và sợ hắn. Nếu Hắc Đởm biết Cận nuôi hai con chuột, hắn sẽ giết chúng.

Cận xót xa nhìn hai sinh vật bé bỏng mà số phận trao cho anh chăm sóc. Khi Cận ăn cơm, chúng leo lên lòng anh, ngước cặp mắt đen láy nhìn anh, chờ đến lượt mình được anh cho mấy hạt.

Hồi đó anh còn được một người bạn thân từ hồi còn để chỏm thỉnh thoảng gửi cho mấy bao thuốc lá, vài phong thuốc lào. Anh này sau đi B, tức chiến trường miền Nam, không còn ai tiếp tế cho anh nữa.
- Tôi nhịn thuốc cũng vất vả lắm – anh kể – Hết thuốc lá thì quay sang thuốc lào. Hết cả thuốc lá lẫn thuốc lào thì hút bậy hút bạ, có khi hút cả thuốc cà độc dược với anh bạn bị hen cùng xà lim ném cho.

Một hôm, Cận tỉnh dậy thì thấy ở đầu phản có mấy đầu mẩu thuốc lá. Ở đâu ra những mẩu thuốc này? Anh ngạc nhiên. Nghĩ mãi Cận mới vỡ lẽ rằng chính hai con chuột đã tha về cho anh.

Thì ra khi hút thuốc, anh thường đùa nghịch phà khói vào cho mặt hai con chuột con. Lâu rồi thành quen, hai con chuột đâm nghiện. Khi Cận hết thuốc hút, không phải chỉ mình anh vật vã, hai con chuột cũng khó chịu không kém. Thế là trong hai cái đầu tí xíu của chúng đã nảy ra sáng kiến đi kiếm những thứ có mùi vị quen đem về cho chủ. Kết quả là ba thầy trò đều thỏa mãn.

Hai con chuột không chỉ đi kiếm đầu mẩu. Càng lớn lên chúng càng dạn dĩ. Đêm đến, chúng còn mò vào cả chỗ ngủ của quản giáo và lính canh ăn cắp những điếu thuốc lá nguyên vẹn. Chúng tha điếu thuốc chạy thoăn thoắt từ khu nhà này qua khu nhà khác mang về cho anh những chiến lợi phẩm còn khô ráo, sạch sẽ.
- Anh hiểu người ta huấn luyện những con chó tìm ma túy bằng cách nào không? – Cận nói – Người ta làm cho chúng nghiện, để chúng đói thuốc mới cho chúng đánh hơi tìm chỗ có ma tuý cất giấu.

Giờ thì tôi hiểu vì sao Cận có thể quăng cho tôi thuốc lá trong những ngày đầu tiên tôi ở khu xà lim.

Hoạ với phúc luôn đi cặp kè.

Sau những ngày thoải mái được sống cùng Cận, tôi có thuốc hút, thì tai hoạ ập đến.

Mũi của Hắc Đởm rất thính. Tuy Cận đã hết sức cẩn thận, nhưng một hôm Hắc Đởm mở cửa cho chúng tôi đi đổ bô y đã đánh hơi thấy mùi thuốc lá:
- Quái cái phòng này, chẳng có tiếp tế tiếp bái gì mà vẫn có thuốc hút – hắn đứng giữa hành lang nói to cho các phòng đều nghe.
- Anh nào tiếp tế cho nhà anh này thì khai ra? Anh nào?

Mấy phòng nhao nhao:
- Ầy dà, cái cán bộ nói không có đúng, không có ai tiếp tế! Không có vi phạm nội quy! – đảng trưởng người Nùng vặc lại – Không cùm được ta đâu.
- Khốn nạn, chính mình còn chưa có thuốc đủ hút, thưa ông cán bộ, – anh thương binh băm tình địch phân trần – đào đâu ra của thừa mà tiếp tế với tiếp bái?
- Đây mà có ấy à, đây cho ngay – anh chàng giết kẻ chiếm đất nói – Bạn cùng cảnh thương nhau, chứ ngoài cuộc đứa đéo nào thương mình?

Hắc Đởm quát:
- Có đậy ngay cái mồm thối của nhà anh lại hay không? Coi chừng đến khi dựa cột người ta ghét cái mặt, không cho chết ngay từ loạt đạn đầu thì tha hồ mà ngắc ngoải!

Anh tù cười to:
- Ha ha! Lại còn dọa thằng này cơ đấy! Thằng này đéo sợ. Sợ cả đời rồi. Giờ thằng này chấp hết.

Cận từng bình luận về Hắc Đởm:
- Thằng này được đảng huấn luyện cực tốt, ông ạ Nó được dạy dỗ đến nơi đến chốn để coi mọi người tù đều là kẻ thù giai cấp, bất kể tội gì. Có dịp là nó hành.

Thế rồi một hôm đột nhiên phòng chúng tôi bị khám. Giữa trưa, sau bữa ăn, tôi nghe tiếng giày nện cồm cộp trên nền xi măng. Then cửa phòng chúng tôi kêu lạch xạch. Một giọng hách dịch quát:
- Hai anh khai ra: đứa nào tiếp tế thuốc lá cho các anh?

Đứng giữa khung cửa là người chúng tôi chưa từng gặp. Nhìn dáng khúm núm của cả Trư Bát Giới với Hắc Đởm sau lưng anh ta, có thể nghĩ đây là một sĩ quan cấp bậc cao. Về sau Cận cho tôi biết y là phó giám thị.
- Chẳng ai tiếp tế cho chúng tôi hết – Cận đáp, giọng lạnh tanh.
- Báo cáo anh, có một gói ni-lông thuốc vụn – Hắc Đởm lục lọi một hồi rồi bẩm – Mùi lạ lắm. Hình như thuốc đầu mẩu.
- Anh còn chối nữa thôi? – phó giám thị hất hàm.

Cận lạnh lùng:
- Tôi nói rồi: chẳng ai tiếp tế hết.
- Thế thì thuốc đâu ra?
- Tôi không biết. Chắc của người ở trước giấu.
- Nói láo. Thuốc để lâu thì phải mốc.
- Thuốc đầu mẩu quá nhiều ni-cô-tin, mốc không sống được.
- Lại còn định lòe tôi hử? Nói cho anh biết: tôi không cần có học tôi cũng là cán bộ cách mạng. Anh có học mà anh là thằng tù. Đừng có lên mặt.

Đầu cúi, hai tay chắp trước bụng, Cận làm giọng khiêm tốn:
- Đâu dám. Tôi thất học. Nếu tôi có học, dù có làm quan tôi cũng chẳng ở nơi này.
- Anh nói thế là nghĩa gì? Xỏ xiên, hả?
- Vì tôi thất học nên Đảng và Nhà nước mới phải giam tôi lại để giáo dục. Trước đây đường quang tôi không đi, lại đâm quàng đường rậm…

Giọng Cận mỗi lúc một cất cao. Giọng của người bực bội cố nén.
- Báo cáo anh, trong hốc này còn có một điếu Tam Đảo nguyên vẹn – Hắc Đởm reo lên, chìa điếu thuốc lá cho phó giám thị.
- Cùm nó lại. Bao giờ khai ra đứa tiếp tế mới tha.

Hắc Đởm đứng nghiêm:
- Dạ, rõ! Cả hai?
- Một thằng này thôi – phó giám thị lệnh.

Suốt cuộc khám xét Trư Bát Giới mặt xị như biết lỗi, không nói câu nào.

Cận bình thản nằm lên sàn xi-măng Hắc Đởm lẳng lặng và thành thạo tra hai cái khoen vào chân anh, đóng suốt. Cận chỉ hơi nhăn mặt vì đau. Chắc anh đã bị cùm nhiều lần, đã quen với chuyện này.

Đám người nhà nước lục tục kéo đi.

Chân trong cùm, Cận nhìn lên trần, tư lự:
- Thằng phó giám thị này ít khi thân chinh đi khám phòng. Không biết đứa nào báo cáo? Nó không tàn bạo, nhưng thâm hiểm. Nó không dừng lại, chừng nào chưa biết làm sao ta có thuốc hút. Chuyện nhỏ, nhưng để trưng ra cái quyền uy của nhà tù, chúng sẽ tăng cường rình rập, khai thác những người tù yếu bóng vía, bọn ăng-ten…

Tôi an ủi Cận:
- Chúng nó không thể tìm ra. Ngoài anh. chỉ có mình tôi biết.

Thon thả, rắn chắc và mỡ màng, ban đêm hai con chuột của Cận chạy thoăn thoắt trong hành lang, khi cả khu xà lim hoàn toàn im ắng.

Khi trở về phòng, chúng giương cặp mắt đen láy, ngọ nguậy cái đầu tí xíu nhìn tôi. Tôi ngồi yên, không cử động, để chúng khỏi giật mình. Tôi còn mỉm cười với chúng nữa, nhưng chắc chúng không hiểu nụ cười làm thân của tôi.

Khi tin chắc người ở cùng với chủ của chúng không có ý xấu, chúng thận trọng bò đến gần tôi rồi lại cảnh giác chạy vụt đi.

Để tỏ lòng cảm ơn hai đứa đã kiếm thuốc hút cho cả hai chúng tôi, bữa cơm nào tôi cũng để lại chút xíu cho chúng dưới nền nhà, nhưng chúng chỉ ăn vài hạt gọi là, như kiểu khách sáo. Tôi đồ rằng chúng còn kiếm thêm được thức ăn ở ngoài.

Chỉ có chúng tôi đói thì chịu vậy.

Tôi đánh giá cao sự nhường cơm xẻ áo của Cận đối với hai con chuột. Ở trong xà lim chúng tôi không bao giờ đánh vãi dù một hạt cơm.

Nhà thơ tù Nguyễn Chí Thiện đã miêu tả cảnh tù xà lim thật đạt:

Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương.
Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng thơ vướng,
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương.

Ấy là anh liên tưởng bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Khi ăn, chúng tôi cố nhai cho thật nhuyễn để tiêu hóa tối đa khẩu phần của người tù. Nhai kỹ như thế, chúng tôi nghĩ, thì không một ca-lo nào bị bỏ phí. Nhưng số lượng ca-lo là chuyện khoa học. Cảm giác mà cái dạ dày trống rỗng gây ra là chuyện khác. Có bữa ăn xong, chợt chợp mắt một tí, tỉnh dậy lại ngong ngóng kẻng báo cơm, ngỡ mình chưa được ăn.

Tôi chỉ được no vài ngày vào lần đầu tiên gia đình tôi được phép tiếp tế cho tôi, gần một năm sau, tính từ ngày tôi bị bắt.

Theo tục lệ, tôi có quà cho mọi phòng. Việc này phải làm mấy ngày mới xong. Cách dễ nhất là xin quản giáo cho ra sân phơi quần áo hoặc chăn chiếu rồi giấu quà trong đồ phơi. Thường các quản giáo ngại bẩn, không sục sạo trong đồ vật của tù. Mà cũng có thể họ biết, nhưng họ lờ đi.
- Đã lâu lắm mới được ăn những món do các bà nấu – Cận xuýt xoa khen – Ngon tuyệt.
 Thịt kho mẹ tôi làm, ruốc là của vợ tôi. Trên đời này, đó là hai người thương yêu tôi nhất.
- Anh thật hạnh phúc. Không kể nỗi bất hạnh là anh phải ở đây, thì đúng là như thế đấy. Tôi thì hoàn toàn bất hạnh. Có người yêu, rồi đùng một cái, không có nữa. Lại bị vu giết người yêu rồi sa chân vào chốn này.
- Con người ta có số cả, nghĩ ngợi mà làm gì.
- Tôi cũng muốn nghĩ vậy.

Cận lại rơi vào sầu não. Anh lo cho số phận hai con chuột.
- Chúng nó là trẻ con, không biết nghĩ xa. Rồi đây, khi tôi không còn, đời chúng sẽ ra sao?

Cuộc sống ở xà lim mấy năm hẳn đã làm anh nghĩ quẩn – chuột chứ có phải người đâu mà biết lo xa. Bốn năm trong xà lim đủ để con người đánh mất sự tỉnh táo.

Ở phố tôi có một ông già đi tù mười năm, tội tuyên truyền phản cách mạng. Không biết ông ở tù bao lâu, nhưng khi được về, ông trở nên câm lặng, cả ngày ngồi yên một chỗ, mặc dầu trước ông là một người hoạt bát, hiếu động. Bà vợ kể suốt ngày ông lẩn thẩn nhặt nhạnh các vỏ bao ni-lông các loại, đem ra máy nước giặt cho thật sạch, rồi phơi khô, xếp lại từng tệp. Trong nhà ông chẳng ai cần đến những vỏ bao ấy.

Một tháng trước khi chúng tôi xa nhau để chẳng bao giờ gặp lại, khu Xà lim án chém không còn phòng nào trống. Anh tù mới cho chúng tôi biết anh phải ở với một tên ăng-ten. Sau một trận ẩu đả ầm ĩ khu xà lim vốn vắng lặng, tên ăng-ten được chuyển đi nơi khác. Anh tù bị cùm một tháng.
- Ở các phòng giam khác có khi vẫn còn ăng-ten mà người ở cùng không hay – Cận nhận định – Xã hội ta là một xã hội tồn tại dựa vào tính ganh ghét, nghi kỵ và nghề bẩm báo. Đó là một xã hội lý tưởng cho nhà cầm quyền.

Cuộc sống trong khu xà lim của chúng tôi vào một ngày kia bỗng bị đảo lộn. Anh đảng trưởng người Nùng thình lình bị chuyển đi. Thay vào chỗ của anh là hai tên cướp của giết người.

Một anh có giọng nói ồm ồm tự xưng “dũng sĩ đường 5” phạm tội giết tài xế, cướp xe chở hàng. Anh chàng kia không khoe tội, cười hô hố nghe bạn tù khoe thành tích. Cả hai chắc chắn thuộc giới anh chị giang hồ, cả ngày bô bô những chuyện tục tĩu, bằng tiếng lóng. Cả hai đều bị cùm miết. Đó là những con người tự hào về cuộc sống dưới đáy. Cả hai biết cái gì đang chờ đợi họ. Họ chẳng hi vọng vào bất cứ cái gì, vì thế họ chẳng sợ cái gì.

Anh giết người vì bị cướp đất một đêm gọi to cho các bạn cùng xà lim:
- Chào tất cả anh em. Mai tôi đi rồi. Chúc anh em ở lại vui vẻ.

Tôi hỏi Cận:
- Làm sao anh ta biết được mai sẽ bị bắn?
- Theo nguyên tắc, không ai nói cho tù tử hình biết ngày nào anh ta bị bắn – Cận giải thích – Người ở ngoài thì biết. Bằng nhiều cách. Mua tin là cách thường dùng. Chắc người nhà đã tìm cách báo cho anh ta.
- Báo để làm gì nhỉ? Có ích gì?

Cận im lặng.
- Một hiện tượng tâm lý khó hiểu – lát sau, anh trầm ngâm – Có thể để anh ta không bị đột ngột chăng? Chứ có biết trước thì cũng chẳng thay đổi được gì. Đàng nào thì vào ngày ra pháp trường anh ta cũng sẽ biết khi tự dưng được người ta mang vào xà lim một bữa ăn tươi. Chẳng thịnh soạn, nhưng hơn hẳn ngày thường. Có thịt quay, giò chả, hoặc gà luộc. Cơm thì ê hề. Lệ là thế.

Anh tù đã tự chọn cái chết cho mình. Sáng tinh mơ, khi lính gác vào xà lim mở cửa phòng để đưa tử tù ra trường bắn, thì anh đã chết bằng cách cắt mạch máu tay và giấu cổ tay bị cắt trong tấm chăn. Dao để cắt là một mảnh sắt đai thùng. Máu thấm đẫm tấm chăn mà lính canh không biết, tưởng anh ta ngủ.

Khu xà lim ồn lên một lúc. Tiếng chân người ra vào rầm rập. Có thể đoán công an và tù tự giác mang băng ca vào mang xác người chết đi. Rồi tất cả lại chìm vào im lặng.

Một hôm khác, Cận đột nhiên nói với tôi:
- Mình phải bỏ thuốc thôi.
- Tại sao?
- Sự cố tình tạo ra một phản xạ có điều kiện ở người khác để sai khiến là việc làm có tính chất lừa đảo – Cận nói – Trong quan hệ với các sinh vật cũng vậy, cũng là một thứ lừa đảo. Tôi là thằng lừa đảo.

Tôi an ủi Cận:
- Anh đã yêu thương chúng cơ mà. Anh đã chẳng mớm cơm nuôi chúng từ khi chúng còn đỏ hỏn cho tới khi lớn đó sao?

Anh cúi đầu, tránh mắt tôi:
- Tôi đã ràng buộc chúng bằng cách không lương thiện. Chúng quen với tôi. Chúng tin tôi. Tôi quyết định rồi. Tôi sẽ bỏ thuốc. Như thế chúng sẽ ra đi. Để được sống cuộc sống tự nhiên của giống nòi chúng.

Tôi khuyên anh không nên bỏ thuốc đột ngột, mà bỏ từ từ. Như vậy, hai con chuột mới không bị sốc. Cho đến khi bỏ hẳn được chúng cũng sẽ khỏi nghiện. Anh nói rằng tôi có lý.

Tôi cai thuốc theo anh, miệng đắng ngắt.

Đáng lẽ có thể viết thêm về chuyện vì sao Cận bị án tử. Nó là một chuyện đáng để viết. Vụ án giết người yêu của Cận rất ly kỳ, nhiều tình tiết rắc rối, khó biết được sự thật nằm ở chỗ nào. Chính nhờ những điều khó hiểu làm cho những người xử án phân vân mà Cận được sống thêm.

Câu chuyện này không có đoạn kết. Có thể bịa cho nó một cái gì gây ấn tượng, nhưng như thế câu chuyện sẽ hỏng, nó không giống sự thật. Mà sự thật vốn không có những kết thúc khác thường. Cuộc đời là cái chẳng có gì đặc biệt, nhưng lại chứa trong nó rất nhiều hỉ, nộ, ai, ái, ố, lạc… Không thiếu một thứ gì.

Tôi bất ngờ bị chuyển lên một trại tù khác, cũng được gọi là trại cải tạo. Nó nằm trong một thung lũng, giữa những ngọn núi và trùng điệp rừng nguyên sinh. Ở đây vắng lặng, không có chim kêu vượn hú như trong văn tả cảnh của những nhà văn viết chuyện đường rừng. Những người tù lâu năm nói rằng vùng này là vùng nước độc. Đến cả giống chim gần người nhất như chim sẻ cũng xa lánh nó.

Tôi có ý ngóng Cận. Tuy là trại dành cho tù tập trung cải tạo là thứ tù không biết ngày về, nhưng vẫn có một số tù có án. Rất có thể anh sẽ được xử lại, được giảm án, rồi được đưa đi khỏi Xà lim án chém. Biết đâu rồi anh sẽ được chuyển lên đây, tới trại này?

Không bao giờ tôi còn gặp lại Cận.

Hỏi thăm những người tù từ các trại khác chuyển đến cũng không ai biết về người tù có tên như thế, có tội danh như thế. Tôi không muốn, và không dám nghĩ tới một kết cục xấu cho Cận. Phỉ phui, nghĩ thế thì tệ quá, bởi vì, xét cho cùng, anh có tội tình gì đâu.

Nhưng ở cuộc sống này mọi sự đều có thể xảy ra.

Cách trại không xa là một sườn đồi lúp xúp mả lớn mả bé – nơi cư ngụ cuối cùng của nhiều người tù có án và không có án. Nhà nước không hài lòng về tư cách công dân của họ đã đưa họ tới đây để rèn đúc cho họ trở thành những công dân mẫu mực.

Những người này đã hoàn thành mong muốn của nhà nước.

Không công dân nào có thể tốt hơn công dân đã nằm dưới mộ./.

Vũ Thư Hiên
2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét