Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/11/2022 - ĐHL


Cạnh tranh thương mại : Pháp – Đức thể hiện mặt trận chung đối phó Mỹ Bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire, và đồng nhiệm Đức, Robert Habeck, gặp nhau tại trụ sở bộ Kinh Tế - Tài Chính Pháp, thủ đô Paris, ngày 22/11/2022. REUTERS - CHARLES PLATIAU - Minh Anh
Trong buổi họp báo chung hôm qua, 22/11/2022, bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire, và đồng nhiệm Đức, Robert Habeck, tuyên bố Paris và Berlin không loại trừ khả năng gia tăng hỗ trợ tại châu Âu nếu không đạt được một đồng thuận nào với Washington, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ.
<!>
Phát biểu này của hai bộ trưởng được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa ban hành Đạo Luật Giảm Lạm Phát, hỗ trợ ồ ạt các doanh nghiệp trong nước, có nguy cơ gây thiệt hại cho tính cạnh tranh các doanh nghiệp châu Âu.

Theo Les Echos, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp với đồng nhiệm Pháp tại Bercy, trụ sở bộ Kinh Tế Pháp, ở Paris, bộ trưởng Kinh Tế Đức Robert Habeck tuyên bố đạo Luật Giảm Lạm Phát, hỗ trợ ồ ạt các doanh nghiệp Mỹ mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua « không phù hợp với các quy định do Tổ chức Thương mại Quốc tế ấn định », thậm chí « vi phạm một số nguyên tắc ». Theo quan điểm của Paris và Berlin, văn bản này bao gồm nhiều điều khoản ưu đãi các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực lắp ráp xe ô tô, có nguy cơ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phi công nghiệp hóa tại Liên Hiệp Châu Âu.

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, « Liên Hiệp Châu Âu phải học cách tự vệ. Các cường quốc không có chuyện tặng quà kinh tế cho nhau ».

Cả hai bộ trưởng cùng lưu ý, « trao đổi thương mại là sức bật của Liên Âu » nên khối này cần phải có những đàm phán với Mỹ để tránh một « cuộc chiến thương mại ». Đây sẽ là một chủ đề trao đổi nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cũng theo lời hai bộ trưởng, nếu không đạt được một « thỏa hiệp » nào giữa Ủy ban Châu Âu và chính quyền Biden, Pháp và Đức cam kết sẽ có những biện pháp đơn phương, và « bảo vệ nền kinh tế của khối bằng mọi giá », trong số này, có cả việc « kiện ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới WTO » hay đưa ra một « Đạo Luật Mua Hàng Châu Âu » (Buy European Act ), theo bộ trưởng Kinh tế Pháp.

Ngoài mặt trận đối phó với Mỹ, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thêm, cả hai bộ trưởng Pháp và Đức còn đồng tình thúc đẩy nhiều hướng hợp tác khác nhằm cải thiện tính cạnh tranh trước Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc tài trợ ồ ạt cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Chiến tranh Ukraina : Crimée dưới sự kiểm soát của Nga bị tấn công bằng drone


(Ảnh minh họa chụp ngày 10/08/2022) - Căn cứ không quân Nga Saki ở Novofedorivka (bán đảo Crimée) sau cuộc tấn công. via REUTERS - MAXAR TECHNOLOGIES
Thanh Hà
Chính quyền tại bán đảo Crimée hôm qua, 22/11/2022, thông báo phải đối mặt với một loạt drones « tấn công »vùng lãnh thổ này. Quân đội Nga được đặt trong tình trạng « báo động ». Tình hình vẫn rất căng thẳng tại khu vực miền nam Ukraina.

Thống đốc Sebastopol tại Crimée Mikhail Razvojaiev trên mạng xã hội Telegram kêu gọi dân cư trong vùng « bình tĩnh »sau « một vụ tấn công bằng drone ». Nga kích hoạt hệ thống phòng không để đối phó. Trong một tin nhắn thứ nhì ông Razvojaiev xác nhận đợt tấn công vừa qua « không gây thiệt hại về vật chất và nhân mạng », « hai drone của quân đội Ukraina bị bắn hạ gần nhà máy điện Balaklava ». Nhà máy điện này từng là mục tiêu của quân đội Ukraina.

AFP nhắc lại Hạm đội Hắc Hải của Nga đóng tại hải cảng Sébastopol từng bị tấn công vào cuối tháng 10/2022, làm ít nhất một tàu của Hải Quân Nga bị hư hại. Mùa hè vừa qua trung tâm chỉ huy của Hải quân Nga tại Sébastopol đã hai lần là mục tiêu của các vụ tấn công bằng drone, làm 5 người bị thương.

Bán đảo Crimée bị Nga thôn tính từ 2014. Chính quyền Kiev luôn khẳng định tham vọng chiếm lại vùng lãnh thổ này nhất là sau khi vừa giải phóng được thành phố Kherson.

Tình hình ở khu vực miền Nam Ukraina vẫn rất căng thẳng, đặc biệt là tại Kinbourne, ở phía nam thành phố Mikolaiv. Thống đốc trong vùng, Vitali Kim, cho biết giao tranh diễn ra khốc liệt trong ngày hôm qua 22/11/2022. « Quân đội Ukraina nhắm tới mục tiêu giải phóng nốt 3 thị trấn thuộc về bán đảo Kinbourne »trước khi chiếm lại « toàn bộ vùng Mikolaiv ».

Còn tại thành phố Vilniansk trong vùng Zaporijia, lực lượng cứu hộ Ukraina cho biết trong đợt oanh kích sáng nay, quân đội Nga đã ném bom trúng một nhà hộ sinh, một trẻ sơ sinh thiệt mạng, một phụ nữ bị thương. Tổng thống Volodymyr Zelensky lên án Nga « gieo rắc kinh hoàng và tang tóc » trên lãnh thổ Ukraina.

Châu Âu chia rẽ về dự thảo nghị quyết lên án Nga


Ảnh minh họa: Phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 05/04/2017. REUTERS/Vincent Kessler
Minh Anh
Hôm nay, 23/11/2022, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu một nghị quyết lên án Nga là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố. Theo nhóm các nghị sĩ thuộc PPE, đảng Nhân dân châu Âu, bên đề xuất nghị quyết, quân đội Nga có chủ ý tấn công các mục tiêu dân sự, như oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học hay những nơi trú ẩn, đi ngược với luật lệ quốc tế và nhân quyền.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết này gây chia rẽ tại nghị trường, thậm chí cả trong nội bộ các nhóm nghị sĩ.

Từ Strasbourg, đặc phái viên đài RFI Romain Lemaresquier tường thuật :

« Đây là một chủ đề làm dấy lên nhiều tranh luận tại Strasbourg. Nếu như các đại biểu châu Âu thông qua văn bản do nhóm nghị sĩ cánh hữu châu Âu đề nghị, Nga có thể bị coi là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố trong nhãn quan của Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng văn bản này đang gây chia rẽ. Nếu như một số dân biểu cho rằng châu Âu không có hệ thống luật lệ như là Mỹ và do vậy, nên để cho luật pháp quốc tế tiến hành các vụ truy tố, thì số khác lại nghĩ rằng, khi bỏ phiếu cho dự thảo này, họ sẽ khép lại cánh cửa cơ may đàm phán với Matxcơva. Những lập luận này đã bị ông Raphael Glucksmann, nghị sĩ châu Âu, thành viên nhóm các đảng Xã hội và Dân chủ, vốn dĩ ủng hộ nghị quyết, bác bỏ.

Ông nói : Đây không phải là một sự chọn lựa. Đó không phải là chuyện hoặc quý vị bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết về khủng bố, hoặc quý vị đồng tình về việc lập một tòa án về tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Không phải như vậy. Ở đây cần cả hai. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên chính là, một mặt, có những người giải thích với quý vị là hãy cẩn trọng, nếu quý vị bỏ phiếu ủng hộ dự thảo, thì sẽ không còn khả năng đàm phán, đấy sẽ làm một thảm họa, một hành động hết sức nghiêm trọng. Mặt khác, có những người giải thích với quý vị là, cuối cùng, văn bản này là vô ích vì chẳng có hệ quả pháp lý gì. Thế nên, hoặc là vô ích, hoặc là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng không thể là cả hai cùng một lúc.Nếu nghị quyết không có tác động gì, thì đành chấp nhận là không có tác động gì. Còn nếu nghị quyết có tác động mạnh như xẩy ra Đệ Tam Thế Chiến, vậy thì hãy chấp nhận hệ quả là như vậy. Ở đây có một kiểu mâu thuẫn trong hai lập luận mà những người phản đối văn bản đã sử dụng.

Sáng thứ Tư này, các nghị sĩ sẽ phải bỏ phiếu. Hiện chưa có một dấu hiệu hướng dẫn nào được đưa ra, ngoại trừ trong nội bộ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE). Và nếu tình cờ, văn bản này không được thông qua, đây sẽ là nghị quyết đầu tiên liên quan đến Nga bị bác bỏ kể từ đầu xung đột tại Ukraina. »

Tu viện cổ ở Ukraina bị khám xét do có dính líu đến Nga


Tu viện các hang động Kiev, ở trung tâm thủ đô Ukraina, bị khám soát ngày 22/11/2022. © REUTERS/Valentyn Ogirenko
Phan Minh
Chính quyền Ukraina hôm qua 22/11/2022 đã khám xét Tu viện các hang động Kiev, trụ sở của nhà thờ Chính thống giáo nằm ở trung tâm thủ đô Kiev. Tu viện này bị nghi ngờ đã từng là nơi ẩn náu của lực lượng Nga.

Từ Vacxava, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình :

Tu viện các hang động Kiev là tu viện cổ nhất ở Kiev, một quần thể ấn tượng gồm hàng chục nhà thờ và các thánh địa, được khánh thành vào thế kỷ 11 và được Unesco công nhận là di sản. Nhưng đó cũng là trụ sở của nhà thờ Chính thống giáo của tòa thượng phụ Matxcơva, trong khi nhà thờ Chính thống giáo Ukraina Thống nhất, trước đây được gọi là tòa thượng phụ Kiev, thì nằm ở nhà thờ Saint-Sophia, một thánh địa khác ở Kiev.

Theo các nhà chức trách, vào sáng hôm qua, lực lượng SBU, cảnh sát và vệ binh quốc gia đã vào tu viện các hang động để thực hiện "công tác phản gián" và để đối phó với các hoạt động lật đổ của lực lượng đặc nhiệm của Nga ở Ukraina.

Trên thực tế, lực lượng an ninh Ukraina đang tìm kiếm những kẻ phá hoại, đặc vụ Nga, và vũ khí được cho là ẩn náu trong tu viện dưới vỏ bọc tôn giáo.

Giáo đoàn của nhà thờ đã vô cùng bối rối trước những lời kêu gọi ủng hộ chiến tranh từ thượng phụ Matxcơva Kirill, và giờ đây, chính phủ Kiev đang nghi ngờ về lòng trung thành của giáo đoàn này với Nhà nước Ukraina.

Biểu tình đòi quyền lợi tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc


(Ảnh minh họa) - Lối vào khu công nghiệp ở Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone, đóng cửa sau khi phát hiện 64 ca nhiễm Covid-19, ngày 02/11/2022. AP - Mark Schiefelbein
Phan Minh
Hôm nay 23/11/2022, nhân công tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Trung Quốc, thuộc sở hữu của nhà thầu Đài Loan Foxconn, đã biểu tình phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt. Nhiều vidéo và ảnh đã được phát tán trên các mạng xã hội.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

Những hình ảnh đã ngay lập tức bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) nhưng lại lan truyền trên mạng Twitter. Hình ảnh những công nhân trẻ đeo khẩu trang biểu tình. "Hãy bảo vệ quyền lợi của chúng ta": những người biểu tình hét lên trước những cảnh sát trong bộ đồ bảo hộ màu trắng khiến chúng ta nhớ đến những người lính trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao.

Phong trào biểu tình mới này bắt đầu vào cuối tuần qua, các công nhân đã giật đổ hàng rào ngăn một phần của khu phức hợp Foxconn Trịnh Châu, nơi sản xuất phần lớn những máy iPhone mới. Với việc dịch bệnh bùng phát trở lại, các nhà máy của nhà thầu của Apple đang hoạt động khép kín. Nỗi sợ hãi về virus và điều kiện sống bên trong những khu ký túc xá bị cách ly đã khiến hàng chục nghìn nhân viên phải bỏ trốn khỏi nhà máy vào cuối tháng 10.

Kể từ đó, Foxconn đã cấp tiền thưởng, trả lương theo giờ để thu hút những nhân viên mới. Chính họ là những người đã biểu tình hôm nay, thất vọng vì những lời hứa. Các bình luận nhanh chóng bị xóa, và cũng có thông tin nói rằng các khoản tiền thưởng được công bố sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 3 năm sau để giữ chân các nhân viên ở lại nhà máy. Một sự bất bình có thể khiến bùng nổ phong trào đấu tranh xã hội nhỏ, điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Những người làm việc trong nhà máy mà chúng tôi thường liên lạc hôm nay không nhấc điện thoại.

Không có nhận xét nào: