Lãnh đạo AIEA khẳng định nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị tấn công ‘‘có chủ đích’’ Tổng giám đốc AIEA Rafael Grossi phát biểu tại Vienna, Áo ngày 26/09/2022. AP - Theresa Wey - Trọng Thành
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia miền nam Ukraina, lớn nhất châu Âu, hiện do Nga kiểm soát, một lần nữa bị tấn công hôm qua, 20/11/2022. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) nhận định các cuộc tấn công là ‘‘hoàn toàn có chủ đích’’.
<!>
Theo AFP, trả lời đài Pháp BFMTV, tổng giám đốc AIEA, ông Rafael Grossi, cho rằng tình hình ‘hết sức nghiêm trọng’’. Theo ông, khoảng một chục cuộc oanh kích đã đánh trúng vào một số khu vực ‘‘khá nhạy cảm’’ của nhà máy, ‘‘chủ yếu thuộc các nơi cất giữ nhiên liệu hạt nhân mới hoặc nhiên liệu đã qua sử dụng’’. Lãnh đạo AIEA phẫn nộ kêu gọi ‘‘chấm dứt các hành động điên rồ’’ nhắm vào nhà máy điện hạt nhân.
Tổng giám đốc AIEA không cáo buộc bên nào là thủ phạm, với nhận định ‘‘nhà máy điện hạt nhân nằm tại khu vực chiến sự, nơi các lực lượng Nga và Ukraina cùng lúc hoạt động, rất khó xác định trách nhiệm của bên nào’’. Theo bộ Quốc Phòng Nga, các lực lượng Ukraina đã bắn khoảng 20 trái đại bác vào nhà máy. Về phần mình, Energoatom, cơ quan năng lượng nguyên tử của Ukraina, cho biết rõ Nga đã tiến hành ít nhất 12 cuộc oanh kích nhắm vào nhà máy hạt nhân vào sáng hôm qua, đồng thời tố cáo Matxcơva một lần nữa sử dụng nguy cơ thảm họa hạt nhân ‘‘làm phương tiện bắt chẹt, gây nguy hiểm cho toàn thế giới’’.
Người dân Ukraina tại khu vực phản ứng ra sao trước nguy cơ thảm họa hạt nhân ?
Thông tín viên RFI Maurine Mercier từ miền nam Ukraina gửi về bài phóng sự :
‘‘Yuri, một quân nhân trạc bốn mươi, chuẩn bị trở lại mặt trận. Anh rất chú ý đến những tin tức không tốt đẹp liên quan đến vụ nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị tấn công, nhất là khi quân đội Ukraina đẩy Nga vào tình thế khó khăn. Anh lo ngại hơn bao giờ hết về phản ứng của con thú dữ bị thương.
Anh nói: ‘‘Họ không muốn hiểu rằng họ đang trong tình thế thê thảm. Vâng, dĩ nhiên là hạt nhân gây sợ hãi. Hãy xem những gì đã xảy ra ở Tchernobyl. Tôi không biết người Nga nghĩ gì. Họ bị mất trí rồi ! Trên thực tế, tôi muốn nói với quý vị rằng, đó là một lũ ngu dốt !’’.
Bên cạnh anh là người vợ, Genia cùng với hai đứa con, 13 và 12 tuổi. Toàn bộ gia đình từ đầu chiến tranh đến nay sống dưới hầm. Genia nói : ‘‘Trong trường hợp tai nạn xảy ra, chúng tôi không còn biết ẩn nấp ở đâu. Hầm chống phóng xạ của chúng tôi chẳng giúp được gì’’.
Genia thường xuyên ra mặt trận để tiếp tế cho chồng và các đồng đội. Cô vốn là người quả cảm. Nhưng hơn cả bom đạn, giờ đây Genia sợ một thảm họa hạt nhân. Cô nói : ‘‘Trong chiến tranh, người ta lo lắng hơn cho con cái mình. Chúng tôi dù sao cũng đã nếm mùi cuộc sống, còn con cái tôi, chúng còn chưa được sống’’.
Genia sắp khóc. Trong lúc chồng cô trở lại mặt trận, người phụ nữ 33 tuổi này còn phải đối mặt với nỗi sợ về một thảm họa hạt nhân’’.
Hai thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có mặt thường xuyên tại khu vực nhà máy. Theo lãnh đạo AIEA, kết quả thẩm định sơ bộ về hậu quả của các vụ oanh kích sẽ được đưa ra trong sáng hôm nay.
Chiến tranh Ukraina : Iran giúp Matxcơva chế tạo drone
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại cung điện Mariinsky ở Kiev, Ukraina ngày 16/06/2022. AFP - LUDOVIC MARIN
Minh Anh
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 20/11/2022, tố cáo quân đội Nga tăng cường oanh kích các vị trí quân Ukraina ở phía đông đất nước. Trong khi đó, báo Mỹ Washington Post tiết lộ Iran và Nga âm thầm đúc kết một thỏa thuận cho phép Matxcơva tự sản xuất drone chiến đấu của Iran tại Nga.
Trong buổi phát biểu truyền hình thường nhật, tổng thống Ukraina cho biết Nga cho rút quân khỏi thành phố Kherson hồi đầu tháng 11 nhằm tăng cường cho các vị trí tại vùng Donetsk và Luhansk. Theo ông, « cuộc chiến dữ dội nhất đang diễn ra tại vùng Donetsk. Nếu như số cuộc tấn công ít hơn do thời tiết xấu, cường độ oanh kích của Nga vẫn cao ». Cũng theo ông Zelensky, « tại vùng Luhansk, quân Ukraina tiến chậm. Hiện tại, có gần 400 đợt nã pháo ở phía đông từ đầu Chủ Nhật ».
Trang mạng Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh của Mỹ (ISW), hôm qua, dẫn thông tin từ tình báo quân đội Ukraina (GUR) tiết lộ các lực lượng đặc nhiệm Nga có kế hoạch tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Belarus dưới một cái cớ giả nhằm gây áp lực, buộc quân đội Belarus phải tham chiến. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraina nhìn nhận hiện tại chưa thấy hình thành một nhóm tấn công nào của Belarus. Theo đánh giá của ISW, ít có khả năng Belarus xâm lược Ukraina.
Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters hôm qua, trích dẫn nguồn tin từ Washington Post cho biết, Teheran và Matxcơva, trong cuộc họp kín hồi đầu tháng 11/2022, đã đúc kết một thỏa thuận, theo đó Iran sẽ giúp Nga sản xuất drone tự sát ở trong nước. Theo thỏa thuận này, Iran sẽ cung cấp cho Nga các linh kiện và sơ đồ thiết kế. Việc sản xuất có thể bắt đầu trong vài tháng tới.
Theo nhận định của trang mạng Jforum.fr, với thỏa thuận này, Nga sẽ nhanh chóng hồi phục kho dự trữ đạn dược đã bị hao hụt nhiều, đồng thời gia tăng khả năng tấn công bằng một loại vũ khí có độ hủy diệt cao nhưng giá rẻ. Trang mạng Air-Cosmos cho biết, để ký được thỏa thuận này, dường như Nga đã chấp nhận cung cấp công nghệ chế tạo tên lửa siêu thanh cho Iran.
Trước đó, Iran đã cung cấp cho Nga khoảng 160 drone tự sát. Truyền thông Pháp thuật lại nguồn tin từ Sky News cho biết, để có số vũ khí này, Matxcơva đã chấp nhận chi trả cho Teheran 140 triệu euro bằng tiền mặt, và giao ba tên lửa phương Tây gồm một tên lửa chống tăng của Anh NLAW, một tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ và một tên lửa địa đối không Stinger của Mỹ.
Thủ tướng Hungary bị tố bắt chẹt Liên Âu để được giải ngân 7,5 tỉ euro
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc họp báo ở Budapest, Hungary ngày 06/04/2022. REUTERS - BERNADETT SZABO
Thùy Dương
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, đang lao vào cuộc chạy đua nước rút để Ủy Ban Châu Âu giải ngân 7,5 tỷ euro cho nước này. Từ tháng 04/2022, Ủy Ban Châu Âu đã đình chỉ việc giải ngân 7,5 tỷ euro cho Hungary, với lý do Budapest không tôn trọng pháp quyền. Ngày mai 22/11, Ủy Ban Châu Âu sẽ đánh giá các nỗ lực của chính quyền Hungary, trên cơ sở đó, đến đầu tháng 12 bộ trưởng Tài Chính các nước thành viên Liên Hiệp sẽ quyết định có giải ngân cho Budapest hay không.
Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère giải thích :
Hungary đã lao vào cuộc chạy đua việt dã thực sự để thực hiện các cải cách mà Ủy Ban Châu Âu đòi hỏi. Budapest đã lập một cơ quan chống tham nhũng để giám sát cách thức chi tiêu các khoản tiền mà Liên Hiệp Châu Âu cấp cho Hungary. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ phát hiện các gian lận và khắc phục tình trạng tham nhũng.
Ngoài ra, đảng của thủ tướng Viktor Orban đã sửa đổi 17 đạo luật để bảo đảm tính minh bạch cao hơn trong việc đấu thầu các dự án dùng ngân sách công. Cho đến nay, đa phần vẫn là những người thân cận với thủ tướng Viktor Orban thắng thầu.
Trước mắt, các biện pháp này dường như làm Ủy Ban Châu Âu hài lòng, nhưng Nghị Viện Châu Âu thì không, bởi họ cho rằng những biện pháp đó là chưa đủ. Ngày 06/12 tới đây, bộ trưởng Tài Chính của các nước thành viên Liên Âu sẽ phải quyết định có giải ngân hay không khoản tiền 7,5 tỉ euro dành cho Hungary.
Để bảo đảm chắc chắn nhận được khoản tiền nói trên, thủ tướng Hungary đang gâp áp lực với Bruxelles, nói rằng nếu không nhận tiền, ông sẽ phủ quyết dự án Liên Hiệp Châu Âu tài trợ cho Ukraina. Ủy viên châu Âu chuyên trách về ngân sách tố Viktor Oran tống tiền Liên Hiệp.
Mỹ cam kết bảo vệ Manila, nếu quân đội Philippines tại Biển Đông bị tấn công
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 14/11/2022. AP - Jacquelyn Martin
Trọng Thành
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến công du Philippines hôm nay, 21/11/2022, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ, “kích hoạt” thỏa thuận phòng thủ chung, nếu “quân đội, tàu thuyền của chính quyền hay phi cơ Philippines hoạt động tại Biển Đông bị tấn công”. Tuyên bố của lãnh đạo Mỹ được coi là một cảnh báo gửi đến Trung Quốc.
Theo AFP, trong cuộc gặp tổng thống Philippines Ferdianand Marcos Jr, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định : Hoa Kỳ luôn sát cánh với Manila để “bảo vệ các quy tắc và luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông”. Về phần mình, tổng thống Marcos cũng nhấn mạnh: vận mệnh của Philippines gắn liền với nước Mỹ.
Lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ đến Philippines kể từ khi tổng thống Marcos lên nắm quyền hồi tháng 6/2022. Đây là một dấu hiệu cho thấy Washington và Manila xích lại gần nhau sau nhiều năm quan hệ song phương căng thẳng trong nhiệm kỳ của tổng thống Rodrigo Duterte. Một trong các mục tiêu chính của chuyến đi của phó tổng thống Mỹ là thực thi thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) Mỹ - Philippines, đạt được vào năm 2014, nhưng bị đình chỉ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Duterte.
AFP dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ, xin ẩn danh, đưa ra trước chuyến công du của phó tổng thống Harris, theo đó hai bên đã đàm phán để thúc đẩy việc hoàn tất thỏa thuận EDCA. Theo thỏa thuận ký kết năm 2014, các lực lượng vũ trang Mỹ có quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự tại Philippines, để bố trí các phương tiện quân sự.
Phó tổng thống Mỹ có kế hoạch gặp các lực lượng tuần duyên Philippines và tới đảo Palawan vào ngày mai 22/11. Đảo Palawan là nơi tiếp giáp với các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Biển Đông: Philippines cáo buộc Trung Quốc tranh giành một vật thể trôi nổi gần đảo Thị Tứ
Ít giờ trước chuyến công du của phó tổng thống Mỹ, hãng tin AP hôm nay, 21/11/2022, cho biết một sự cố xảy ra giữa một đơn vị hải quân Philippines và tuần duyên Trung Quốc gần đảo Thị Tứ (Pag-asa), thuộc quần đảo Trường Sa, do Philippines kiểm soát.
Theo Hải quân Philippines hôm nay, 21/11/2022, tàu Trung Quốc đã không ngăn không cho phía Philippines đưa về một số mảnh vỡ trôi nổi cách bờ của đảo Thị Tứ khoảng hơn 300 mét. Các mảnh vỡ dường như do một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc để lại. Theo thiếu tá CherrylTindog, phát ngôn viên quân đội Philippines, các vật thể nói trên tương tự với các mảnh vỡ giống đầu đạn tên lửa Trung Quốc phát hiện trong tháng này gần đảo Busuagan, phía bắc đảo Palawan.
Rút cục phía Trung Quốc đã giành được vật thể nói trên. Không có ai thương tích trong sự cố này. Theo một phát ngôn viên của Quân khu miền Tây Philippines, phía Philippines đã kìm chế tối đa, và đây là ‘‘một vật thể không xác định và không có tầm quan trọng đặc biệt’’ nên không cần thiết phải giữ lại bằng mọi giá.
Thị Tứ là đảo tự nhiên có diện tích lớn thứ hai ở Biển Đông, Việt Nam kiểm soát trước 1970. Hiện tại Việt Nam và Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại Iran gia tăng trấn áp người biểu tình Kurdistan
Người dân Iran biểu tình tại Teheran, Iran ngày 27/10/2022. AP -Thùy Dương
Tại Iran, hơn 1 tháng sau khi một nữ sinh người Iran qua đời vì bị lực lượng ‘‘cảnh sát đạo đức’’ bắt giữ, phong trào biểu tình chống chế độ Hồi Giáo vẫn tiếp diễn. Theo số liệu mới nhất của tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights, có trụ sở tại Oslo, Na Uy, công bố hôm thứ Bảy 19/11, ít nhất 378 người đã chết trong các vụ chính quyền đàn áp phong trào biểu tình.
Trong khi đó, các nhà bảo vệ nhân quyền hôm Chủ Nhật 20/11/2022 tố cáo nhà chức trách Iran triển khai quân đội đến các vùng của người Kurdistan, nơi phong trào biểu tình chống chế độ hồi giáo Teheran gia tăng mạnh. Các tổ chức nhân quyền lo ngại chính quyền Teheran tăng cường trấn áp người biểu tình.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm :
Chế độ Teheran đã quyết định sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát thành phố Mahabad của người Kurdistan. Theo các video được chia sẻ trên các mạng xã hội, đông đảo lực lượng vũ trang đã tiến vào thành phố trong đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ Nhật. Trong các video này, người ta nghe thấy tiếng ồn của các loại vũ khí chiến tranh và súng máy hạng nặng. Ngoài ra, còn có các lực lượng khác đến tăng viện cho họ vào sáng Chủ Nhật.
Cảnh sát trưởng thành phố cho biết các lực lượng thực thi pháp luật hiện nay đã kiểm soát được tình hình, mặc dù các video lan truyền trên mạng xã hội vẫn cho thấy có những nhóm nhỏ biểu tình ở một số khu vực trong thành phố.
Có nhiều lời kêu gọi được đưa ra về việc tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp cả nước, để ủng hộ người dân thành phố Mahabad, nhưng không được hưởng ứng mạnh mẽ.
Cũng trong lúc đó, nhà chức trách thông báo bắt giữ 2 nữ diễn viên Hengameh Ghaziani và Katayoun Riahi; diễn viên Riahi là người đã đăng tải các video cho thấy cô không che mặt và ủng hộ phong trào phản kháng. Và cuối cùng, hai nhà báo nổi tiếng khác của đài truyền hình Nhà nước Iran cũng đã tuyên bố thôi việc để bày tỏ sự phản đối.
Hội Đồng Bảo An họp về vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa
Bức ảnh một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 19/11/2022. via REUTERS - KCNA
Thùy Dương
Hôm nay 21/11/2022, Hội Đồng Bảo An họp về vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa hôm thứ Sáu tuần trước 18/11. Trong khi đó, nhóm G7 tố vụ Bình Nhưỡng cho tiến hành vụ thử tên lửa liên lục địa mới là « vô trách nhiệm ». G7 thúc giục Hội Đồng Bảo An thông qua các biện pháp mạnh mẽ mới để buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt các vụ thử nghiệm.
Hôm qua 20/11, các ngoại trưởng của G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, nhận định các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại nhiều lần của Bình Nhưỡng « làm khu vực bất ổn hơn, cho dù cộng đồng quốc tế kêu gọi hòa bình và ổn định ».
Thông cáo của nhóm G7 nhắc lại yêu cầu theo đó chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng phải được dỡ bỏ một cách có thể kiểm chứng được, đồng thời nói thêm rằng Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ được công nhận là nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
AFP nhắc lại từ năm 2006 đến nay, Hội Đồng Bảo An đã thông qua khoảng một chục nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình phát triển hạt nhân và các vụ thử nghiệm tên lửa.
Về phản ứng của Bắc Triều Tiên, vài giờ trước khi cuộc họp của Hội đồng Bản An diễn ra, Bình Nhưỡng tố cáo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guteress, là « con rối của Mỹ », « thiếu công bằng » và « thiếu khách quan ». Trước đó, vào hôm qua, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, nhật báo Rodong Sinmun của Bắc Triều Tiên ca ngợi tên lửa liên lục địa (ICBM) mà Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm là « tên lửa mạnh nhất hành tinh ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét