Trong ba phút, hai ‘Cá sấu chúa’ Ka-52 của Nga bị tiêu diệt ở vùng Kherson
Trần Phong Truyền thông Ukraina pravda cho biết, Lực lượng Phòng không Ukraina đã bắn rơi 2 trực thăng Nga trên bầu trời vùng Kherson tối 31/10. Truyền thông Ukraina pravda cho biết, Lực lượng Phòng không Ukraina đã bắn rơi 2 trực thăng Nga trên bầu trời vùng Kherson tối 31/10. Ban Dân vận Bộ Tư lệnh Không quân Miền Nam cho biết: “Vào ngày 31 tháng 10, từ 6 giờ 45 đến 6 giờ 48, hai máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga đã bị bắn rơi bởi một đơn vị thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không Odessa của Bộ tư lệnh không quân” miền Nam “ở quận Berislav của vùng Kherson.”
Ka-52 là máy bay trực thăng tấn công đa nhiệm hoạt động được trong nhiều điều kiện thời thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Ka-52 còn được mệnh danh là cá sấu chúa, nó được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và không bọc thép, nhân lực, chiến đấu cơ và các máy bay khác của đối phương trên tiền tuyến và trong chiều sâu chiến thuật.
Nga không phản hồi trước các báo cáo của Ukraina đưa ra
Tại một diễn biến khác, trong bài phát biểu vào đêm 31/10, ông Volodymyr Zelenskyi nói rằng “đội quân thứ hai trên thế giới” bây giờ thậm chí không phải là đội thứ đứng 22 về tính hiệu quả”
Tổng thống Zelenskyi tuyên bố Ukraina sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng không. Ông nói: “Bây giờ, cứ mười lần bắn trúng, bọn khủng bố phải tốn thêm ít nhất bốn quả tên lửa. Nga có thành tích thậm chí còn tồi tệ hơn đối với máy bay không người lái, đặc biệt là những máy bay do các đối tác Iran cung cấp, theo UNN.
Ông Zelensky nhấn mạnh: “Thế giới nhìn thấy điều đó. “Đội quân thứ hai của thế giới” giờ không còn là xếp thứ 22 nếu xét về hiệu quả của nó. Và chúng tôi sẽ làm mọi cách để nó lọt vào danh sách đứng thứ hàng trăm. Và quân Nga sẽ như vậy”.
Ông Zelensky cho biết, vào sáng ngày 31/10, quân Nga đã bắn 55 tên lửa hành trình vào Ukraina, 45 trong số đó đã bị bắn hạ. Trong buổi sáng 31/10, chỉ riêng trong phạm vi Kyiv, Ukraina đã ghi nhận 16 cuộc không kích, trong đó ít nhất 12 tên lửa đã bị tiêu diệt.
Ông Putin gọi cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraina là để trả thù cho Sevastopol
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga đã thực hiện một cuộc tấn công hoả tiễn quy mô lớn vào Ukraina vào thứ Hai, ngày 31 tháng 10, ít nhất là “ở một mức độ” để đáp trả cuộc tấn công gần đây vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Vịnh Sevastopol.
Theo tường thuật của mạng báo Pravda của Ukraina, trong cuộc họp báo ở Sochi, một phóng viên nêu câu hỏi ‘các cuộc không kích trên diện rộng trên lãnh thổ Ukraina có phải là phản ứng đối với các sự kiện gần đây ở Sevastopol?’.
Ông Putin đáp lời: “Điều này đúng ở một mức độ nào đó. Nhưng chúng tôi có thể làm được nhiều hơn thế.”
Vào ngày 29 tháng 10, các vụ nổ đã được báo cáo tại thành phố Sevastopol do Nga chiếm đóng ở bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Ukraina đã tấn công Sevastopol bằng xuồng không người lái (USV) vào lúc 04 giờ ngày 29 tháng 10. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng tàu quét mìn Ivan Golubets bị hư hại do vụ tấn công.
Sau đó, các báo cáo từ Ukraina cho biết ít nhất ba tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga, bao gồm cả soái hạm Đô đốc Makarov, đã bị hư hại do cuộc tấn công của USV vào ngày 29 tháng 10.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các USV đã tấn công các tàu ở Hạm đội Biển Đen vào ngày 29 tháng 10 đã được phóng đi từ một tàu dân sự gần Odesa, đang được sử dụng như một phần của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraina và ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraina, bác bỏ những tuyên bố của Nga nói rằng Matxcova ‘hoang tưởng’.
Nhiều nơi ở Ukraina bị cúp điện và nước sau các cuộc oanh kích của Nga
Người dân Kiev xếp hàng chờ lấy nước sau khi 80% người dân thủ đô Ukraina bị cúp nước do các cuộc oanh kích của quân Nga. Ảnh chụp ngày 31/12/2022. REUTERS - GLEB GARANICH
Phan Minh
Hơn 80% người dân Kiev không có nước dùng và "hàng trăm địa phương" ở Ukraina không có điện sau các cuộc oanh kích của Nga hôm qua 31/10/2022 nhắm vào cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực trong nước.
Theo AFP, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valeriy Zaluzhnyi cho biết trên mạng Telegram rằng quân đội Nga hôm qua đã phóng 55 tên lửa hành trình, một tên lửa địa đối không, 22 tên lửa phòng không và 5 drone "nhắm vào các mục tiêu dân sự ở Ukraina". Trong một thông cáo báo chí, bộ tư lệnh miền nam Ukraina cho biết ở miền nam, "kẻ thù tiếp tục phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng". Còn theo bộ Quốc phòng Nga, "tất cả các cuộc oanh kích đều đã đánh trúng mục tiêu".
Cũng trong tối qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông đã cảm ơn thủ tướng Scholz về các loại vũ khí phòng không mà Berlin cung cấp. Ông Zelensky viết trên mạng Twitter : "Chúng ta cần phải xây dựng một lá chắn phòng không cho Ukraina."
Cố vấn tổng thống Ukraina, ông Oleksiy Arestovych, thì nhận định rằng vụ oanh kích hôm qua là một trong những vụ oanh kích dữ dội nhất của quân đội Nga. Tuy nhiên, theo ông, "mức độ tàn phá không quá nghiêm trọng" nhờ các hệ thống phòng thủ, đặc biệt là Iris-T của Đức "đã chứng minh là rất hiệu quả".
Về tình hình ở Kherson, chính quyền chiếm đóng của Nga hôm nay 01/11 thông báo đã bắt đầu di dời thêm 70.000 người dân khỏi vùng này, nơi mà quân đội Ukraina đang tiến hành một cuộc phản công để tái chiếm các vùng lãnh thổ đã lọt vào tay quân Nga.
Cáo buộc của Nga về"bom bẩn": AIEA bắt đầu thanh sát tại Ukraina
Ảnh tư liệu: Một phái đoàn chuyên gia của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA), do tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi dẫn đầu, thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia (Ukraina) do Nga kiểm soát, ngày 01/09/2022. via REUTERS - IAEA
Thùy Dương
Hôm qua, 31/10/2022, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA thông báo bắt đầu thanh sát hoạt động của hai cơ sở hạt nhân tại Ukraina để điều tra về các cáo buộc của Nga rằng Ukraina chuẩn bị một cuộc tấn công bằng “bom bẩn”. Cáo buộc này do Matxcơva đưa ra nhưng đã bị Tây phương và Ukraina bác bỏ. Chính Kiev đã đề nghị AIEA đến Ukraina thanh sát tình hình.
Trong thông cáo, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, trụ sở tại Vienna, Áo, cho biết các thanh tra của AIEA “đã bắt đầu và sẽ sớm hoàn tất” việc thanh sát hoạt động của hai cơ sở hạt nhân của Ukraina. Giám đốc định chế của Liên Hiệp Quốc, Rafarel Grossi, tuyên bố ông sẽ thông báo những kết luận đầu tiên ngaytrong tuần này.
AFP nhắc lại, hồi tuần trước AIEA từng khẳng định cơ quan này đã thanh sát 1 trong 2 cơ sở hạt nhân nói trên cách nay 1 tháng và không phát hiện ra bất cứ một hoạt động hay vật liệu hạt nhân nào không được khai báo.
Cũng trong tuần trước, hôm thứ Năm, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của Ukraina “càng sớm càng tốt”.
“Bom bẩn” là một loại bom thông thường nhưng có chứa các chất phóng xạ, sinh học hoặc hóa học và các chất này sẽ phân tán khi bom nổ, gây nhiễm trong một khu vực địa lý nhất định.
Tại LHQ, 50 nước tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương
Một chốt kiểm tra an ninh tại Hotan, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 03/11/2017. AP - Ng Han Guan
Phan Minh
Trong một phiên họp của ủy ban đặc trách về nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm qua 31/10/2022, 50 quốc gia đã tố cáo Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền "nghiêm trọng và có hệ thống" ở Tân Cương, kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho "tất cả những người bị giam giữ một cách tùy tiện" tại vùng này.
Theo AFP, văn bản được 50 nước ký và được đại diện của Canada công bố cho biết : "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi khác ở Tân Cương".
Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo hồi cuối tháng 8, nêu lên khả năng Trung Quốc đã gây ra tội ác chống nhân loại đối với các sắc tộc thiểu số ở Tân Cương, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, đưa ra những "bằng chứng đáng tin cậy" về việc người Duy Ngô Nhĩ bị tra tấn và bạo hành tình dục. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định chính quyền Trung Quốc chỉ chống khủng bố và bảo đảm sự phát triển ở Tân Cương.
Những quốc gia cáo buộc Trung Quốc phản bác rằng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh bằng lý do chống khủng bố.
Các nước này kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các khuyến nghị của Phủ Cao ủy, trong đó có việc "nhanh chóng trả tự do cho tất cả các cá nhân bị giam giữ một cách tùy tiện ở Tân Cương và khẩn trương làm rõ số phận của những người mất tích".
ILO : Lao động nhập cư ở Qatar khiếu kiện chủ yếu về việc không được trả lương
Ảnh chụp ngày 07/10/2022: Công nhân tham gia xây dựng Fan Zone cho Cúp Bóng đá Thế giới 2022 ở Qatar. REUTERS - HAMAD I MOHAMMED
Thùy Dương
Theo 2 báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), không được trả lương là « khiếu kiện chính » mà các lao động nhập cư gửi đến bộ Lao Động Qatar. Các báo cáo này được công bố hôm nay, 31/10/2022, 19 ngày trước khi diễn ra Cúp bóng đá thế giới Qatar.
Theo AFP, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết số đơn kiện đã « tăng hơn gấp 2 lần », lên đến 34.425 đơn trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, nhờ sự ra đời hồi năm 2021 của một nền tảng cho phép người lao động đệ đơn kiện trực tuyến. Nền tảng này có cả một kênh tố cáo ẩn danh. Tổ chức Lao động Quốc tế thúc giục Qatar « tiếp tục hành động để bảo đảm tôn trọng đầy đủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế ».
Từ năm 2018 đến năm 2020, nước chủ nhà WorldCup 2022 thường xuyên bị các nghiệp đoàn quốc tế và các tổ chức phi chính phủ chỉ trích về những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với lao động nhập cư. Lần này, Tổ chức Lao động Quốc tế ghi nhận « Qatar đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chương trình cải cách », tuy nhiên « vẫn còn những thách thức về việc thực hiện » do quy mô và tốc độ của các cải cách.
Tổ chức Lao động Quốc tế lưu ý Qatar cần ưu tiên bảo đảm rằng mọi người lao động và người sử dụng lao động đều có thể được hưởng lợi từ các luật điều chuyển lao động giữa các chủ lao động. Qatar cũng cần củng cố các quy chế cho phép người lao động khởi kiện và đòi lại lương, bảo vệ tốt hơn quyền của người giúp việc nhà, cả về thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Hiện giờ, nhiều tổ chức phi chính phủ lo ngại công cuộc cải cách tại Qatar sẽ không được duy trì sau khi WorldCup2022 kết thúc. Thế nhưng, chính quyền Doha đã nhiều lần tuyên bố « Cúp bóng đá thế giới không phải đích đến » và các cải cách này nằm trong chương trình đa dạng hóa kinh tế của Qatar từ đây đến năm 2030. Theo kế hoạch hiện nay, Tổ chức Lao động Quốc tế có văn phòng tại Doha đến năm 2023, nhưng chính quyền Qatar đã chính thức đề nghị định chế này của Liên Hiệp Quốc duy trì sự hiện diện thường trực hơn ở Doha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét