Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Lòng Biết Ơn Của Người Và Thú - Trần Thu Miên

Ý Nghĩa Và Hậu Quả Của Lòng Biết Ơn

Trong tất cả các nền văn hoá của nhân loại, lòng biết ơn được coi như là đức hạnh, hay nhân đức, giúp con người gắn bó với nhau từ gia đình đến xã hội.  Các nhà hiền triết và các tôn giáo đều đánh giá cao về giá trị của lòng biết ơn. Theo tâm lý học, lòng biết ơn là sự biểu lộ xúc động, tâm trạng, và cảm xúc sâu sắc về những gì tốt lành ta nhận được từ người khác hay từ  hoàn cảnh bên ngoài. Các nghiên cứu khoa học tâm lý xã hội trong vài chục năm qua đã giúp ta hiểu thêm về giá trị và hậu quả của lòng biết ơn đối với sức khoẻ tâm thần. 
<!>
Trong bài tường trình về hậu quả của lòng biết ơn dựa vào dữ kiện có kiểm chứng từ ba thử nghiệm khoa học, giáo sư tâm lý Robert A. Emmons, Đại Học California, Davis và giáo sư Michael E. McCullough, Đại Học Miami đã công bố rằng: Lòng biết ơn giúp con người tìm được sự hạnh phúc, một điều kiện căn bản của sức khoẻ tâm thần.
Chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng lòng biết ơn giúp thăng hoa hạnh phúc gia đình, bớt các sự chia rẽ, tranh dành, hay hận thù trong các sinh hoạt cộng đồng và xã hội. Và như thế, lòng biết ơn chắc chắn giúp con cái yêu thương cha mẹ và anh chị em mình thêm, các tình nhân, và các vợ chồng cũng yêu nhau khăng khít-mặn nồng hơn.

Cách Biểu Lộ Lòng Biết Ơn

Dù lòng biết ơn có tính nhân loại, nhưng cách diễn tả hay diễn đạt lòng biết ơn lại tuỳ thuộc vào ngôn ngữ và văn hoá của xã hội. Giáo Sư Nhân Chủng Học, Arjun Appadurai, một người Mỹ gốc Ấn Độ nhận định rằng: người dân thuộc vùng Tamil, miền Nam Ấn Độ không có văn hoá nói cảm ơn với người thân của mình. Theo văn hoá  người Tamil, nói lời cảm ơn với người thân là một xúc phạm lớn. Chúng ta cũng nhận ra điều này trong một số nền văn hoá ở Á Châu như Việt Nam. Ngược lại, văn hoá  Hoa Kỳ và nhiều văn hoá Châu Âu thì việc biểu lộ lòng biết ơn bằng lời nói lại là việc làm thông thường và cần thiết. Nhận ơn mà không nói cảm ơn là điều xúc phạm đối với văn hoá Hoa Kỳ và Châu Âu.

Dữ kiện khoa học thu thập được của sáu nhà Nhân Chủng Học, thuộc các nước Ecuador, the Netherlands, Finland. Australia, United Kingdom, và Germany đăng trên tạp chí mạng Royal Society Open Science, cho ta biết rằng dân nói tiếng Anh và Tiếng Ý diễn đạt lòng biết ơn nhiều hơn là dân nói những ngôn ngữ khác như tiếng Lào ở Đông Nam Á và tiếng Swu ở Tây Phi – Western Africa. Đối với người Lào và người Swu, nói cảm ơn có thể là sự bất lễ, nhưng  đối với dân nói tiếng Anh, không nói lời cảm ơn lại là việc vô lễ, hay bất lịch sự. Theo hai giáo sư Tâm Lý Học, Yeng Ping-Chang và Sara Algoe thuộc đại học North Carolina, Chapel Hill, nếu bạn được mời đến dùng cơm ở gia đình truyền thống người Ý thì bạn nên ăn sạch thức ăn trên đĩa để tỏ lòng biết ơn với chủ nhà. Nhưng nếu bạn được mời dùng cơm ở một gia đình người Hồng Kông có nề nếp lâu đời thì bạn đừng ăn hết thức ăn trên đĩa hay trong bát để cho chủ nhà biết họ là người rộng rãi đối với khách. Như vậy, mỗi nền văn hoá có các cách diễn tả lòng biết ơn khác nhau.

Lời Cảm Ơn – Cám Ơn Trong Văn Hoá Việt Nam

Văn chương và thi ca là thành tố quan trọng đóng góp vào kho tàng văn hoá của một dân tộc, một xã hội. Tôi đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, thế kỷ 18 và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu), thế kỷ 19 để tìm hiểu thêm về lòng biết ơn trong văn hoá Việt Nam. Trong cả hai tác phẩm này, tôi không tìm ra chữ cảm ơn hay cám ơn. Từ ngữ cám ơn đã được tìm thấy trong quyển Từ Điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 tại Rome do nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes biên soạn. Trong tự điển này, chữ cám ơn được dịch sang Portugee (Bồ Đào Nha)  là dar gracas và Latin là gratias agere. Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu đã không dùng chữ cám ơn trong tác phẩm của mình. Trong Kiều và Lục Vân Tiên có những câu thơ nói về lòng biết ơn nhưng các nhân vật như Thuý Kiều và Lục Vân Tiên không nói lời cám ơn trực tiếp nào. Thí dụ sau khi Kiều đồng ý bán mình để lấy tiền chuộc cha, nàng nghĩ về người yêu là Kim Trọng và nhờ cha:

Lậy thôi, nàng lại thưa chiềng,
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.

Sang đến Lục Vân Tiên cũng vậy. Sau khi Lục Vân Tiên được lão tiều phu cứu nguy, chàng nói:

Mai sau về tới Đông-Thành
Đền ơn cứu khổ mới đành dạ tôi

Ta thấy lòng biết ơn được diễn tả như sự trao đổi nhân nghĩa. Kiều và Lục Vân Tiên không nói lời cảm ơn với bất cứ ai trong hai tác phẩm này.
Trong ca dao ta cũng tìm được những câu nói về lòng biết ơn, nhưng trao đổi lời biết ơn không có trong đối thoại thông thường của người Việt nam.

Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.
Hay:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
Và:
Đường đi cách bến cách sông
Muốn qua dòng nước, nhờ ông lái đò.

Ngày nay có lẽ vì ảnh hưởng văn hoá tây âu chúng ta thấy chữ cám ơn hay cảm ơn đã được sử dụng nhiều trong thi ca, âm nhạc, kịch nghệ và xã giao hàng ngày. Riêng với dân Việt ở Hoa Kỳ, vì “nhập gia tuỳ tục,” nên đa số đã học và nói câu “Thank You” rất tự nhiên và thông thường.

Lòng Biết Ơn Của Loài Thú

Nhà hiền triết và toán học Pythagoras từ trước công nguyên (BC) đã khẳng định rằng thú vật cũng có cảm xúc như loài người. Sau này nhà sinh học Charles Darwin còn thêm rằng “chắng có khác biệt căn bản trên cơ sở tâm thần giữa loài người và các loài thú vật có vú.” Hai nhận xét này đã được công nhận từ nhiều nguồn dữ kiện khoa học trong thế kỷ 20 và ngày nay. Giáo sư James Harris của đại học Johns Hopkins nhận định rằng để sinh tồn, loài người và các loài thú sống tập đoàn cần biết nhậy cảm trong sự liên hệ và trao đổi với nhau.

Ông Lawrence Anthony, nhà bảo vệ môi sinh cho thú vật, sáng lập khu bảo tồn môi sinh Thula Thula ở Nam Phi (South Africa) rộng 5 ngàn mẫu để bảo tồn loài voi. Ông cống hiến đời mình chăm sóc voi và đã tự hào là người hiểu và biết cách trao đổi với voi. Năm 1999 ông qua đời vì bị nhồi tim, và ngay sau đó, một bầy voi đã dẫn nhau đến trước trang trại nhà ông hai ngày liên tục để chia buồn về sự ra đi của ông. Tờ Scientific American tháng 12 năm 2010 có kể mẩu truyện rằng: trong một khu nghiên cứu về loài Chimpanzees (loài tinh tinh), có lần hai con tinh tinh nhảy ra khỏi chuồng và cửa chuồng bị khoá lại. Ngay sau đó, trời mưa tầm tã, cả hai bị ướt sũng. Giáo sư James Leuba, thành viên của nhóm nghiên cứu quan sát lúc người mở cửa cho hai con vật vào lại chuồng tránh mưa, chúng không nhào vào ngay, nhưng lại bám cổ người mở cửa chuồng tỏ lòng biết ơn trước khi vào chuồng. Ngược lại, có nhiều người trong chúng ta khi nhận ơn cứ vội vàng nhận lấy mà chả thèm để ý hay quên bẵng người vừa giúp mình. Có rất nhiều dữ kiện và các câu truyện cảm động về cử chỉ tỏ lòng biết ơn của loài thú mà con người nên bắt chước.

Kết Luận

Chúng ta, những người Việt sinh sống hay sinh trưởng tại Hoa Kỳ, nhất là những người di tản 1975, các thuyền nhân và những đợt di cư hợp pháp nối theo đã mang ơn thế giới và Hoa Kỳ nhiều không tưởng nổi. Từ những nhóm người sống rải rác khắp lục địa Hoa kỳ, nay chúng ta đã có những trung tâm thương mại sầm uất và các cơ sở tôn giáo vững mạnh khắp nơi. Con cháu chúng ta đã thành công trên tất cả các ngành nghề từ chuyên viên thẩm mỹ móng tay đến các chính trị gia. Chúng ta đã làm gì để tỏ lòng biết ơn những cá nhân, gia đình, nhà thờ, và các hội đoàn đã đón tiếp và nuôi dưỡng chúng ta?
Chúc độc giả mùa Tạ Ơn đầy tình nghĩa.

Trần Thu Miên
(Bút hiệu của GS Trần Thành, nguyên GS Đại Học Boston College)
Mùa Thanksgiving 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét