Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Tin, Bài Vở Theo Dòng Thời Sự Đó Đây và Việt Nam. Văn Nghệ Lễ Tạ Ơn. - Lê Văn Hải

 
Văn nghệ: Một câu chuyện rất cảm động nhân Lễ Tạ Ơn!  -  Sự hy sinh âm thầm của những người Lính  - Thanh Trúc),
Thanksgiving Day, Ngày Lễ Tạ Ơn, một truyền thống tri ân cao đẹp ở đất nước Mỹ mà chính các di dân đến Hiệp Chủng Quốc cũng thấy mình học hỏi được rất nhiều điều hay từ ngày lễ này. Và nhân ngày Lễ Tạ Ơn để xin được chia sẻ cùng quý vị câu chuyên cảm động và ý nghĩa về một người đã khuất, ông Al Christine, còn gọi là Alex Christine Sr., qua lời thuật từ linh mục Martino Nguyễn Bá Thông.
<!>
Một người Mỹ luôn tươi cười

Giáo đường Saint Mary On The Hill, Augusta, Georgia, đã không biết tự bao giờ, hàng cuối cùng bên tay phải, ghế thứ ba từ ngoài đếm vào, mỗi chiều thứ Bảy, đó là chỗ ngồi của ông.

Một người Mỹ trắng, cụt một tay, cụt một chân, mặt luôn tươi cười mà chừng như thân xác đang chịu đựng nỗi đau triền miên, đó là Alex Christine. Và câu chuyện bắt đầu:
Chúng ta đang sống được trên thế giới tự do, chúng ta phải cám ơn những người như ông. Trong ngày Lễ Tạ Ơn này chúng tôi cám ơn ông.

LM Nguyễn Bá Thông

“Thật sự đó là một phần mình viết cho bài giảng trong Lễ Tạ Ơn này. Như quí vị biết tôi chịu chức linh mục năm 2004, về một giáo xứ hoàn toàn là người Mỹ trắng. Tôi cứ nói đùa là giáo xứ chỉ có một mình tôi không giống ai.

Trong mỗi buổi thánh lễ thì tôi cũng nhìn ông và ông cũng nhìn tôi. Là một linh mục thì tôi cũng chào hỏi ông, dừng lại hỏi năm ba câu. Được vài tháng thì bà vợ của ông đến nói: “Cha ơi xin Cha, bà dùng chữ là xin Cha thân mật với ông một tí, bởi vì ông có nhiều điều muốn chia xẻ với Cha lắm, mà thật tình ông không dám. Ông có những tâm sự bên trong bởi vì ông đã từng ở chiến trường Việt Nam.”

Sau đó, linh mục Martino cố tình làm thân và trò chuyện với người đàn ông tàn tật đó nhiều hơn, biết được ông là người chuyên tháo gỡ mìn, đã qua chiến trường Việt Nam hai lần:

“Đầu tiên ông qua chiến trường Việt Nam là năm 65, sau đó ông trở lại nữa. Ông là người chuyên môn hướng dẫn các quân nhân cách gỡ mìn và bom đạn được cài đặt. Năm 70 khi ông trở lại chiến trường Việt Nam lần thứ hai, lúc đó ông đứng đầu quân đoàn chuyên dạy cho người ta cách gỡ bom mìn. Trong một lần như thế thì mìn nổ, ông mất đi một chân và cụt một tay, trong thân xác còn nhiều mảnh đạn và ông cứ đau đớn triền miên như vậy.

Chắc quí vị đặt câu hỏi là chuyện này dính gì đến Lễ Tạ Ơn? Câu chuyện dính với Lễ Tạ Ơn là bởi vì sáu năm sau đó, năm 2010, tôi là người chủ tế nghi thức tẩm liệm cho ông tại nhà quàn vào đêm hôm trước thánh lễ an táng. Có nhiều điều làm cho tôi phải nghĩ tới, nhất là trong Lễ Tạ Ơn này. Bởi có những điều ông chưa bao giờ kể với tôi, và ngày hôm đó tôi và mọi người đều bất ngờ.”

Sau khi hoàn tất nghi thức tẩm liệm, linh mục Martino Nguyễn Bá Thông mời trưởng nam của ông Alex, một luật sư, lên nói đôi lời về người cha quá cố của mình. Và Alex Christine Jr. bắt đầu như thế này:

Nhưng, con yêu dấu, một người đàn ông còn có nhiều trách nhiệm khác cũng quan trọng không kém trách nhiệm đối với gia đình của mình.

Alex Christine Sr.

“Bạn thử hình dung khi đang ở trong trận chiến khốc liệt, tại một chiến trường xa tổ quốc, với cái chết rình rập chung quanh, tương lai không biết đi về đâu. Hơn thế nữa, bạn không biết bạn còn có cơ hội để gặp gia đình một lần nữa không. Giữa không gian đó, bạn tìm dăm ba phút gởi một thông điệp tới người thân của bạn. Bạn sẽ nói gì viết gì?

Bốn mươi lăm năm trước, cha chúng tôi, ông Al Christine, đã đối mặt với tình huống ấy. Ngày 26 tháng Bảy năm 1965, khi đang phục vụ tại chiến trường Việt Nam trong binh đoàn Mũ Xanh Green Beret đặc trách thao gỡ bom mìn, ông đã viết lá thư đầu tiên cho người con trai trưởng trong gia đình, Alex Junior, lúc đó 14 tuổi. Đó là tôi. Ông không biết rằng đúng bốn mươi lăm năm sau ngày ông thảo lá thư đó từ chiến trường, tôi, em trai Brian, em gái Kathleen, em trai út Bobby, lại có mặt nơi đây để đưa tiễn ông.

Ông đã bị thương tại chiến trường Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục hoàn thành hai năm phục vụ trước khi trở về quê hương. Năm 1969 ông trở qua Việt Nam, đến ngày 7 tháng Mười Một năm 1970, trong một lần chỉ huy tháo gỡ bom mìn, ông đã mất cánh tay phải và một chân trái khi đang cùng các binh sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam chiến đấu chống lại một lực lượng quân đội hùng hậu của Cộng sản miền Bắc.

Cha tôi đã nhận lãnh nhiều huy chương danh dự và cao quí của quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh, những huân chương như Purple Hearts, Chiến Thương Bội Tinh, Silver Star, Bronze Star, Air Medal, Bảo Quốc Huân Chương Vietnamese Cross Of Gallantry.

Cuộc chiến Việt Nam đã cướp đi cánh tay phải và chân trái của cha tôi, để lại trong người ông hàng trăm mảnh đạn. Từ ngày đó, năm 1970, ông phải hàng ngày đối diện với nỗi đau đớn triền miên của thân xác. Thế nhưng ông luôn tươi cười và muốn làm cho mọi người chung quanh cười tươi. Hôm nay, tôi xin phép đọc lại lá thư ông viết năm 1965 từ chiến trường. Có điều tôi e rằng tôi khó có thể hoàn tất, nên tôi xin nhờ cha Martino đọc giùm cho tôi.”

Đó là những lời phát biểu của Alex Jr. về người cha thân yêu của anh hiện đang nằm kia, một buổi chiều năm 2010. Ông Al Christine nằm đó mà như mỉm cười, lặng lẽ, bình an, không còn đau đớn. Trở lại với linh mục Martino Nguyễn Bá Thông:

“Thì quí vị tự hỏi chuyện này có liên quan gì với Lễ Tạ Ơn? Thưa quí vị có liên quan. Trong cuộc đời linh mục của tôi thì đám tang này là đám tang thứ hai ba trăm rồi, có gì phải nói? Nhưng phải nói bởi vì câu chuyện đang được từ từ mở ra, cho tôi cảm nhận được tình yêu của ông, và đó tại sao tôi nói là ý nghĩa của Ngày Tạ Ơn.”

Ý nghĩa của Ngày Tạ Ơn

Thưa Quý vị, trong lá thư đó, ông Alex Sr. viết như sau:

“Alex, Con yêu dấu:

Tối nay cha không thể ngủ được và cha quyết định viết thư cho con. Cha thật sự không muốn phải xa con, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng cha muốn con hiểu được lý do tại sao cha phải quyết định xa con.
Chắc đã có nhiều lần con tự hỏi tại sao cha rời con, rời mẹ con, và cả gia đình! Và chắc cũng không ít lần con buồn phiền, bực tức và là cha không có mặt để chơi với con, để dẫn con đi câu cá, và làm những việc rất bình thường mà tất cả các người cha làm với các đứa con trai của mình! Và có thể, con còn ghét cha nữa.
Con, có nhiều điều mà người đàn ông phải làm! Dĩ nhiên cha rất thương con, thương mẹ con, thương các em của con! Và bởi vì cha thương các con, cha muốn được gần gũi với con!

Cha không ao ước gì hơn là được ở bên con và mẹ con, để được thấy con và giúp con khôn lớn.Cha sẽ rất hạnh phúc khi được làm điều đó, bởi vì người đàn ông sẽ không có gì cả nếu ông ta không có con cái. Vì một ngày nào đó, cha sẽ chết đi, và qua con và các em của con mà tên của cha sẽ tiếp tục sống.
Nhưng, con yêu dấu, một người đàn ông còn có nhiều trách nhiệm khác cũng quan trọng không kém trách nhiệm đối với gia đình của mình. Cha có trách nhiệm này đơn giản thôi, vì cha là một người đàn ông tự do, sống trong một đất nước tự do, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Đúng bốn mươi lăm năm sau ngày viết lá thư đó, ông Alex đã không còn đau đớn. Ông đã được diễm phúc nhìn thấy bốn đứa con của mình trưởng thành và thành đạt.

LM Nguyễn Bá Thông

Tất cả các quyền lợi và cơ hội mà con được hưởng, đôi lúc có phần lạm dụng, không phải dễ dàng mà có đâu con. Chúng ta được hưởng những cơ hội đó vì đã có những người đàn ông khác xả thân để bảo vệ nó. Có thể bây giờ con không hiếu được điều ấy, nhưng một ngày nào đó con sẽ hiểu. Chắc chắn con sẽ phải hiểu. Đó là tại sao đêm hôm nay cha viết lá thư này cho con.

Con, đừng bao giờ chần chừ bước ra khỏi cái ích kỷ của mình để chiến đấu bảo vệ tự do và quyền lợi đó. Vì nếu con chần chừ, con sẽ mất tất cả. Nếu con không sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nó, người ta sẽ cướp nó ra khỏi tay con. Cha tin rằng đó là chân lý, là sự thật như cha tin rằng Chúa đã ban con cho cha để tiếp nối cuộc đời khi cha nằm xuống.
Cha đang mong tới ngày cha trở về quê hương và sống bên cạnh con như cha con ta đã từng sống cách đây vài tháng. Cha mong ước điều đó hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng con yêu dấu, nếu điều đó không xảy ra, con hãy hiểu cho cha là “tại sao cha quyết định phải xa con”, Cha tin rằng con sẽ trưởng thành và trở nên người đàn ông mà bất cứ người cha nào cũng phải hãnh diện.

Chiến trường Việt Nam 1969,

Cha của con,
Alex Christine.”

Chúng tôi cám ơn ông

Chia sẻ, linh mục Martino Nguyển Bá Thông cho biết nước mắt ông đã tuôn trào khi đọc lá thư của người quá cố, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nay đã xuôi tay nhắm mắt:

Linh mục Martino Nguyễn Bá Thông. Courtesy OBV.“Có thể tôi là người đầu tiên mở màn cho những giọt nước mắt, thế là cả nhà nguyện được tự do khóc, cha con chúng tôi cùng khóc. Tôi khóc, những người Công giáo khóc, những anh em Tin Lành khóc, những người Phật giáo cũng khóc, những người vô thần cũng khóc.

Nhưng quí vị thân mến, chúng tôi khóc vì chúng tôi hãnh diện và chúng tôi tự hào. Chúng tôi tự hào và chúng tôi cám ơn nữa. Cám ơn bởi vì trên thế giới này cũng vẫn có những người như ông.

Đặc biêt đối với tôi, tôi cám ơn ông đã cùng đồng hành với bố tôi, mẹ tôi, các cậu của tôi, cả giòng họ nhà tôi trong chiến trường. Ông không phải người Việt Nam nhưng ông tin vào một thế giới tự do và ông muốn chia xẻ cái tự do đó không phải chỉ với con cái của ông mà đối với tất cả chúng ta. Quí vị thân mến, giờ đây tôi đang ngồi chia sẻ lá thư này mà nước mắt tôi vẫn tuôn giống như lúc đó.

Ngày hôm nay nghe câu chuyện này, có thể chúng ta cảm thấy mơ hồ, nhất là các bạn trẻ. Nhưng các bạn thân mến, chúng ta đang sống được trên thế giới tự do, chúng ta phải cám ơn những người như ông. Trong ngày Lễ Tạ Ơn này chúng tôi cám ơn ông.”

Quí vị vừa theo dõi câu chuyện cảm động về một cựu chiến binh Al Chritine, đã về bên kia thế giới và đã để lại một phần thân thể của mình ở Việt Nam, trong tinh thần và trách nhiệm của một người lính chiến.

Một chút suy tư của linh mục Martino Nguyễn Bá Thông, một lời tri ân trong buổi tối Lễ Tạ Ơn này:

"Đúng bốn mươi lăm năm sau ngày viết lá thư đó, ông Alex đã không còn đau đớn. Ông đã được diễm phúc nhìn thấy bốn đứa con của mình trưởng thành và thành đạt. Các con của ông tiếp tục làm những gì ông đã làm dang dở.

Alex, người con trưởng, trở thành một luật sư và cũng là chủ tịch hội đồng tài chánh của nhà thờ chính tòa giáo phận Saint Augustine. Người em gái kế, cô Kathleen, có bằng cao học giáo dục, và ông rất hãnh diện nói về người con gái này vì cô là phụ nữ đầu tiên trong cả giòng họ nhà ông, những di dân từ Ý, có bằng đại học. Người con trai thứ ba, anh Brian, là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ rất nổi tiếng. Cậu con út, anh Bobby,là thẩm phán của quận mà chúng tôi đang sống, cũng là chủ tịch hội đồng mục vụ thuộc giáo xứ tôi đang chăm sóc lúc bấy giờ.”

Hãy cảm ơn Thượng Đế đã ban cho đời những con người như ông!

Cả Thế Giới Lần Đầu Tiên Nhìn Thấy: Lãnh Tụ Bắc Hàn Ra Mắt Con Gái Cưng Tại Vụ Thử Phi Đạn-Đạn Đạo


(Hình: Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un cùng với con gái thị sát một phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong bức ảnh không đề ngày tháng này do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 19/11/2022.)

Lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un lần đầu tiên tiết lộ con gái của mình trước thế giới vào ngày thứ Bảy (19/11/2022) trong những bức ảnh cho thấy hai cha con nắm tay nhau trước vụ phóng phi đạn-đạn đạo lớn nhất của nước này một ngày trước đó.

Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA ngày thứ Bảy đưa tin Bắc Hàn đã phóng thử một phi đạn-đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào ngày thứ Sáu. Điều gây ngạc nhiên là sự hiện diện của con gái ông Kim. Sự tồn tại của cô bé chưa bao giờ được xác nhận công khai trước đó. Sự xuất hiện bất ngờ này khơi ra viễn cảnh quyền lãnh đạo nhà nước độc tài toàn trị có thể được truyền lại cho thế hệ Kim thứ tư, và cho thấy rằng vũ khí nguyên tử sẽ là một phần của di sản đó, các nhà phân tích nhận định.

KCNA không nêu tên cô bé. Em được nhìn thấy trong các bức ảnh mặc áo khoác phồng màu trắng, nắm tay cha khi họ ngắm nhìn phi đạn khổng lồ. “Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy con gái của Kim Jong Un tại một sự kiện công cộng”, Michael Madden, một chuyên gia về giới lãnh đạo Bắc Hàn tại Trung tâm Stimson ở Mỹ, cho biết. “Việc ông ta đưa cô bé ra ngoài công chúng theo cách như vậy là điều có ý nghĩa rất quan trọng và cho thấy một sự thoải mái nhất định về phía ông ta”.

Chuyên gia Jenny Town của 38 North, một tổ chức chuyên nghiên cứu về Bắc Hàn tại Hoa Thịnh Ðốn, nói rằng việc ông Kim đưa con gái đi xem một vụ thử nghiệm ICBM và công bố những bức ảnh chụp hai người họ đang xem vụ phóng cho thấy ông ta sẽ không khuất phục trước áp lực buộc làm chậm lại các chương trình vũ khí của mình hoặc quay lại đàm phán.
“Điều này quan trọng ở chỗ là truyền lại một di sản”, bà nói “Những hình ảnh này đem lại cảm giác rằng đây cũng là một phần di sản của cô bé”.

Ông Kim được cho là có tới 3 người con, hai gái và một trai, các chuyên gia nói. Một số nhà quan sát tin rằng một trong những đứa trẻ đó đã được nhìn thấy trong đoạn phim quay cảnh đón mừng một ngày lễ quốc gia vào tháng Chín.

Năm 2013, ngôi sao bóng rổ người Mỹ đã giải nghệ Dennis Rodman cho biết ông Kim có một “em bé” gái tên là Ju Ae. Sau chuyến đi tới Bắc Hàn năm đó, Rodman nói với báo The Guardian rằng ông có đến chơi với ông Kim và gia đình, và ẵm em bé.

Ju Ae ước tính khoảng 12-13 tuổi, có nghĩa là trong 4-5 năm tới, cô bé sẽ chuẩn bị vào Đại học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Madden nói.

“Điều này có nghĩa là cô bé sẽ được giáo dục và đào tạo để trở thành lãnh đạo – đó có thể là chuẩn bị để cô bé đảm nhận vị trí lãnh đạo trung tâm, hoặc có thể trở thành Cố vấn và người điều khiển trong hậu trường giống như cô của mình”, ông nói.

Nhân Quyền Cho Việt Nam: Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ, Trao Giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2022, Khiếm Diện Cho Nhà Báo Phạm Đoan Trang


(Hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang với Báo cáo Đồng Tâm trên tay.)

Nhà báo Phạm Đoan Trang vừa được Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vinh danh và trao giải khiếm diện giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế thường niên năm 2022. Buổi lễ được tổ chức tại trụ sở của tổ chức này ở tiểu bang New York vào đêm 17/11 (giờ miền Đông Hoa Kỳ).

Trên trang web chính thức, CPJ - một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới - nhận định rằng những người nhận được giải thưởng mà tổ chức trao năm nay đều đã vượt qua những thách thức to lớn để đưa tin một cách độc lập đến với công chúng trong bối cảnh tin giả và chiến tranh lan tràn.

Bà Trần Quỳnh Vi, đồng sáng lập Luật khoa Tạp chí, cũng là người đến nhận giải thay cho nhà báo Phạm Đoan Trang nói với RFA rằng một trong những tiêu chí mà Phạm Đoan Trang nhận được giải này là vì Đoan Trang vẫn thực hiện công việc làm báo của mình một cách chuyên nghiệp, mặc dù luôn có những nguy hiểm chực chờ: “Tôi nghĩ đây là một giải thưởng rất vinh dự bởi vì nó chứng minh rằng những việc chúng tôi làm chỉ vì tôn chỉ của báo chí. Chúng tôi là những người làm báo chuyên nghiệp và muốn giữ vững nền tảng báo chí Việt Nam. Và Đoan Trang là một nhà báo được công nhận bởi một tổ chức uy tín trên thế giới, đó là một niềm hãnh diện chung của Luật khoa Tạp chí”.

Ngoài bà Phạm Đoan Trang, năm nay còn có ba nhà báo khác cùng nhận giải thưởng này là các nhà báo Niyaz Abdullah đến từ Iraq, Abraham Jiménez Enoa đến từ Cuba, và Sevgil Musaieva đến từ Ukraine.

Theo điều tra của CPJ vào năm 2021, bà Trang là một trong số ít nhất 23 nhà báo bị giam giữ vì đã cố gắng đưa tin một cách độc lập về Việt Nam. Điều này khiến quốc gia độc đảng trở thành một trong năm quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là sáng lập viên của Luật khoa Tạp chí và là biên tập viên cho The Vietnamese, một mạng báo viết bằng tiếng Anh về tình hình chính trị-xã hội-nhân quyền Việt Nam. Bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm ở Việt Nam như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, cùng với nhiều báo cáo khác bằng song ngữ Anh-Việt như Toàn cảnh thảm họa Formosa, Báo cáo Đồng Tâm....

Chính vì các hoạt động báo chí một cách độc lập của mình, vào ngày 6/10/2020, bà Trang bị bắt với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Từ đó, bà bị biệt giam trong hơn một năm trời suốt giai đoạn điều tra vụ án, trước khi bị kết án chín năm tù giam trong phiên Tòa Phúc thẩm hồi tháng 12/2021.
Bà Quỳnh Vi cũng cập nhật thêm rằng hiện nay, sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang ở trong tù cũng đã ổn định hơn giai đoạn bị biệt giam trước đây:

“Hiện nay, Phạm Đoan Trang đã được chuyển đến Bình Dương. Có một số thông tin cũng khá tích cực đó là họ (trại giam - PV) đã chấp nhận cho Đoan Trang mang một cây đàn guitar vào trong trại để một nơi chung. Đoan Trang có thể chơi đàn mỗi ngày, có thể nhận đồ tiếp tế từ gia đình. Và theo gia đình thì tình hình của Đoan Trang hiện nay cũng đang khá là ổn tuy sức khỏe vẫn yếu nhưng tinh thần thì cũng ổn định”.

Bên cạnh giải thưởng về Tự do báo chí Quốc tế của CPJ, bà Trang từng được nhiều tổ chức cũng như Chính phủ nhiều nước trao giải vì các hoạt động cổ vũ cho tự do báo chí và nhân quyền của mình.

Một số giải thưởng nổi bậc như Giải Homo Homini của People in Need năm 2017; Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục Tầm ảnh hưởng của CPJ; giải Martin Ennals 2022 dành cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” cho bà Trang vào giữa tháng 3/2022.

Việt Nam: Lạm Phát, Khó Khăn, Nhiều Người Chuẩn Bị Cho Những Ngày Lễ Và Một Cái Tết ảm Đạm Trước Mắt!

(Nguyễn Lại)


(Ảnh: Những người lao động nghèo chính là đối tượng dễ tổn thương nhất khi kinh tế khó khăn và lạm phát cao.)

“Ảm đạm lắm, ảm đạm lắm. Bây giờ đã bao nhiêu công ty vỡ rồi. Công nhân về nhà quê hết cả. Bao nhiêu công ty vỡ, bao nhiêu chủ công ty ngoại quốc họ liên doanh với bên này chảy nước mắt chia tay rồi đấy. Chứng khoán cũng vỡ nhé. Rồi tiền thì chôn vùi vào bất động sản xong rồi nâng giá lên, toàn vào tay bọn chủ lớn cả. Rồi bây giờ hàng loạt lại bị bắt đấy. Bao nhiêu là chuyện”. Đó là lời tâm sự của chị N.H.T một nhà văn, nhà báo tự do sinh sống tại Hà Nội chia sẻ với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) về tình hình đời sống kinh tế-xã hội trong khi Tết Nguyên đán cận kề. Chị cho biết một số bạn bè chị đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản đang đứng trước nguy cơ mất sạch số tiền dành dụm nhiều năm mà không biết kêu ai. Theo chị, với tình hình chung hiện tại thì cái Tết tới đây sẽ là một cái Tết buồn và ảm đạm dù mọi người giờ không còn bị hạn chế ra đường như thời đại dịch Covid nữa.

Nhà báo này cho biết doanh nghiệp khó khăn kéo theo nhiều hệ luỵ. Điển hình là nguồn thu từ quảng cáo của tòa báo mà chị thường xuyên cộng tác cũng eo hẹp và điều đó khiến cho cuộc sống của những người chuyên sống bằng nghề viết như chị cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn trước dịp Tết nguyên đán sắp tới.

“Trước đây bọn mình in một truyện ngắn người ta trả cho những người như mình là 1,5 triệu, những người khác thì họ trả 1,2 triệu. Thế mà giờ đây họ cắt xuống còn có 800 ngàn đồng”, chị T than thở và cho biết thu nhập giảm gần một nửa trong thời điểm lạm phát cao càng khiến chị cảm thấy mệt mỏi và chẳng buồn nghĩ tới Tết nữa. Chị bảo giờ chỉ biết cắm đầu vào viết, càng nhiều càng tốt, với hy vọng có thêm chút thu nhập để hai mẹ con có được một cái Tết dù là eo hẹp.

Bà Trần Thanh Thư, một giáo viên sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết gia đình bà đã chuẩn bị sẵn tâm lý Tết này chỉ dọn dẹp lại nhà cửa cho sạch sẽ, trang trí một chút gọi là cho có không khí năm mới. Còn những khoản chi tiêu cho ăn uống, mừng tuổi, gặp gỡ bạn bè, người thân sẽ phải thắt chặt lại để làm sao có một cái Tết tiết kiệm, vừa đủ.

“Sau Covid thì mọi gia đình đều khó khăn hơn. Tôi thì tôi không biết ngoài xã hội như thế nào nhưng trong gia đình mình và những người xung quanh mình thì người ta cũng khó khăn hơn. Ngày xưa còn rầm rộ ăn uống, nhưng bây giờ thì bỏ rồi. Ngày xưa cứ 30 Tết là còn hay tụ tập chứ giờ có tụ tập gì nữa đâu”, bà nói.

Theo bà Thư, phần lớn mọi gia đình bình dân như bà đều ý thức rất rõ về những khó khăn kinh tế hiện đang phải đối mặt khi việc làm không nhiều, tiền không kiếm ra mà lạm phát lại phi mã. Con gái bà làm viên chức một cơ quan nhà nước lương hàng tháng cũng chưa được chục triệu. Với tình hình lạm phát giác tại, bà nói, may là con còn sống chung và dựa vào bà chứ không thì thu nhập đấy chẳng đủ ăn tiêu chứ nói gì đến chuyện mua sắm Tết.

“Đắt dã man luôn. So với trước thì cái gì cũng phải tăng gấp đôi thậm chí là gấp ba”, chị Nguyễn Thu Hương, con gái bà Thư, cho biết thêm và nói Tết này chị sẽ ở nhà nghỉ ngơi chứ không hẹn hò bạn bè hay đi chơi đâu xa nữa.

Tình hình kinh tế ảm đạm tất nhiên không chỉ ảnh hưởng tới những người lao động bình dân mà ngay cả những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang tính tới một cái Tết tiết kiệm nhất có thể, như chia sẻ của anh Đỗ Thành Trung, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận Hoàn Kiếm.

“Mọi cái đều đắt gấp đôi hay gấp rưỡi ngày trước, từ mắm muối cho tới tương cà… Việt Nam thì cứ kêu là lạm phát có 3-4% trong khi tăng trưởng là 8-9% mà thật sự thì không biết thế nào đây”, anh Trung hoài nghi.

Anh chia sẻ thêm rằng dù cuối năm nhu cầu đối với mặt hàng mà doanh nghiệp anh sản xuất bắt đầu tăng lên một chút, nhưng anh cũng chẳng thể tăng cường sản xuất vì không dám vay tiền ngân hàng khi lãi suất cho doanh nghiệp vay hiện đã ở mức từ 10-14%. Ở mức lãi suất này, theo anh, ‘dù làm có bao nhiêu đi nữa cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng là cùng’.
Một chủ doanh nghiệp khác tên Nguyễn Thanh Phương cho VOA biết dù gần Tết nhưng anh cũng đang phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc bớt bởi chi phí đầu vào tăng cao. Những tháng cuối năm, anh nói, nhu cầu trên thị trường có nhích lên một chút nhưng anh không dại gì đặt cược vào bài toán vay ngân hàng.
“Vay làm gì khi lãi suất khủng như thế. Đúng là cắt cổ ấy chứ”, anh Phương than vãn.

Theo Tổng cục Thống kê, giá nguyên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập cảng nhiều nguyên liệu để sản xuất. Việc nhập cảng nguyên liệu giá cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát kinh tế.

Dù báo cáo của chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XVI, dự kiến cả năm nay Việt Nam sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm tăng trưởng GDP khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5% trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn hơn so với khi xây dựng kế hoạch, nhưng việc kìm giữ lạm phát dưới 4% theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra đang gặp rất nhiều áp lực.

Nga Tiếp Tục Tấn Công Bằng Phi Đạn, Giao Tranh Dữ Dội ở Miền Đông Ukraine


(Hình: Các cuộc tấn công phi đạn của Nga gây ra nhiều thiệt hại ở Ukraine.)

Nga thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng phi đạn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hôm thứ Năm (17/11/2022) và các lực lượng của họ tấn công ở miền Đông Ukraine, được tăng cường với các binh sĩ rút khỏi thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine mà Kyiv đã giành lại được hồi tuần trước.

Người ta lại nghe thấy các vụ nổ vào sáng 17/11 ở một số khu vực của Ukraine, bao gồm cảng Odesa ở miền Nam, thủ đô Kyiv và thành phố Dnipro ở miền Trung.

Các viên chức địa phương cho biết hai người thiệt mạng trong một cuộc tấn công phi đạn vào đêm qua ở khu vực Zaporhizhzhia thuộc miền Nam, ba người bị thương trong một cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv ở miền Đông-Bắc và ba người bị thương ở Odesa.

“Các phi đạn đang bay trên bầu trời Kyiv ngay bây giờ”, hãng thông tấn Interfax Ukraine trích dẫn lời Thủ tướng Denys Shmyhal phát biểu tại một hội nghị. “Hiện tại, bọn chúng đang oanh tạc cơ sở sản xuất khí đốt của chúng tôi, chúng đang oanh tạc các doanh nghiệp của chúng tôi ở Dnipro và nhà máy phi đạn Yuzhmash”, vẫn lời vị Thủ tướng.

Các Ðại sứ Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã họp khẩn hôm 16/11 để đối phó với vụ nổ hôm 15/11 tại một cơ sở sản xuất ngũ cốc ở Ba Lan, gần biên giới Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết phi đạn rơi xuống đó dường như là loại S-300 do Liên Xô sản xuất, rất có thể do “lực lượng phòng không Ukraine” vô tình bắn ra, chứ không phải là Nga bắn.

Cả Nga lẫn Ukraine đều sử dụng loại phi đạn này. Mạc Tư Khoa phủ nhận trách nhiệm về vụ này.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelenskyy lại nói “Tôi dám chắc rằng đó không phải là phi đạn của chúng tôi”. Ông phát biểu như vậy dựa vào các báo cáo từ quân đội Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phản bác lời khẳng định của ông Zelenskyy rằng phi đạn không phải của Ukraine. Ông Biden nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 17/11: “Bằng chứng không cho thấy như vậy”.

Các viên chức cho biết giao tranh diễn ra ác liệt ở khu vực Donetsk và Luhansk thuộc miền Đông Ukraine. “Ở hướng Svatove và Kreminna (trong vùng Luhansk), quân đội Ukraine đã đẩy lùi quân địch được một chút. Người dân địa phương nói rằng họ có thể nghe thấy các trận chiến đang diễn ra gần đó”, thống đốc khu vực Serhiy Gaidar cho biết trong một chương trình truyền hình.

“Ở hướng Bilohorivka (cũng thuộc Luhansk), phía Nga đang liên tục tấn công, cố gắng chiếm lại lãnh thổ của ngôi làng, nơi đã bị phá hủy hoàn toàn”, ông Gaidar nói thêm.

Vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ, Tướng Lục quân Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho rằng Kyiv khó có cơ hội giành được thắng lợi quân sự hoàn toàn trong ngắn hạn. Ông nói rằng Nga vẫn có sức mạnh tác chiến đáng kể ở Ukraine bất chấp những thất bại trong thời gian qua.

Bình Luận Thời Cuộc: Ở Thế Thượng Phong Hậu Kherson, Chiến Thắng Trong Tầm Tay Ukraine?

(Thụy My)

Sau khi giải phóng Kherson, Ukraine đang trên đà tiến, quân Nga trong tình trạng thảm hại. Phương Tây cần giúp thêm đạn dược cho Kyiv, không để cho Mạc Tư Khoa có thời gian lấy lại sức. Nhưng các đồng minh vừa không muốn chạm đến giới hạn trở thành bên tham chiến, lại vừa lo Nga mạnh lên sẽ lật ngược thế cờ. Hậu Kherson sẽ là gì? Ba hướng tiến được dự báo, và ba kịch bản được đưa ra cho năm 2023.

Sau Chiến Thắng Kherson, Ukraine Sẽ Tấn Công Những Nơi Nào?

L’Express đặt câu hỏi “Sau khi giải phóng Kherson, quân đội của Kyiv sẽ còn tiến đến đâu?”. Rất nhiều ngày sau khi quân Nga đã rút đi hôm 11/11, cư dân Kherson tiếp tục tập hợp tại quảng trường Tự Do, phất những lá cờ màu xanh vàng mừng chiến thắng. Ukraine mong có được những cảnh vui tươi như vậy trong những tháng tới, sau khi đã giành lại được hơn phân nửa số diện tích bị chiếm từ sau ngày 24/2.

Trong bài phát biểu trước G20, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ tiếp tục tiến công để ngăn trở Nga “tăng cường lực lượng”. Cựu tướng Úc Ðại Lợi Mick Ryan nhận xét “Ukraine đang ngon trớn, ở thế chủ động và không muốn lãng phí. Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có những cuộc tấn công. Mùa Đông làm chậm lại chiến dịch, nhưng không ngăn được họ”.

Khả năng vượt sông Dniepr khó thể diễn ra: sông rộng, những chiếc cầu đã bị phá, đạn pháo Nga từ bên kia sông. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, quân đội Ukraine có thể tăng cường kiểm soát hữu ngạn, để lại đủ lực lượng để ngăn quân Nga đồng thời điều quân cho các mặt trận khác. Sau Kherson, Ukraine có ba hướng để nhắm đến: Donetsk, Lugansk và Zaporijia.

Cựu đại tá Thủy quân Lục chiến Pháp Michel Goya cho rằng hướng Donetsk rất khó khăn vì Nga đã củng cố từ 2014. Tại Lugansk tuy cũng không dễ dàng nhưng nếu chiếm được thành phố Statove, sẽ mở được hướng này. Ukraine cũng có thể nỗ lực hơn về phía Melitopol ở Zaporijia, vùng đất có địa hình bằng phẳng thuận lợi, chưa có cuộc tấn công lớn nào từ tháng Ba.

Kyiv Đang Thắng Thế Trước Quân Nga

Về phía Nga có thể tập trung cho Bakhmut. Andry Zagorodniuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng “Chỉ có lời hứa về một thắng lợi ở miền Đông mới giúp tướng Sourovikine thuyết phục được Putin cho rút quân khỏi Kherson. Ukraine phải chuẩn bị cho sự leo thang ở miền Đông trong những tuần lễ tới”. Theo Michel Goya, đợt đầu tiên Mạc Tư Khoa sẽ điều ngay 100.000 tân binh tới giữ chân Ukraine và làm dê tế thần, trong khi 200.000 lính động viên còn lại được huấn luyện và trang bị.

Ông nói với L’Express: “Nga hy vọng nhờ đó sẽ tăng thêm sức mạnh, nhưng cần có cơ sở hạ tầng vững chắc, và tôi không tin vào điều này”. Ông Goya nhận thấy từ tháng Tám Ukraine đã có nhiều đơn vị tác chiến hơn Nga và giỏi hơn về chiến thuật. “Thêm hai chiến thắng nữa trong mùa Đông sẽ làm chấn động quân đội Nga, những thắng lợi tiếp theo vào mùa Xuân có thể dẫn đến chế độ Mạc Tư Khoa sụp đổ, như Đức năm 1918”. Ngày càng thiếu tự tin, Nga bắt đầu đào công sự dọc theo các tuyến hướng về Crimea.

The Economist nhấn mạnh “Ukraine đang trong đà tiến sau Kherson, và đang cần đạn dược”. Phương Tây nên giúp Kyiv chiến đấu, không để cho Nga có thời gian lấy lại sức. Việc giải phóng Kherson chưa thể kết thúc cuộc chiến, Nga vẫn chiếm 70% diện tích tỉnh này ở bên kia sông Dniepr, chưa kể những phần lãnh thổ ở Zaporijia láng giềng cũng như Donetsk và Lugansk ở miền Đông. Nhưng theo Tổng thống Zelensky trên đường phố Kherson vừa sạch bóng quân địch, đây là “khởi đầu của hồi kết”.

Tuần báo cho rằng quân đội Nga đang ở trong tình trạng thảm hại, thiếu đạn pháo nghiêm trọng, chẳng hạn trong kho chỉ còn 120 phi đạn Iskander, theo tình báo Ukraine. Hồi tháng Ba, mọi nhà phân tích giàu kinh nghiệm đều có thể chế giễu khi có ai nói rằng 8 tháng sau, Ukraine vẫn đứng vững, rằng quân đội nước này loại ra khỏi vòng chiến 80.000 lính Nga, soái hạm Nga sẽ chìm xuống đáy Hắc Hải và không Ukraine vẫn hoạt động. Kyiv đã vượt quá mọi sự chờ đợi và đang trên đà chiến thắng.

Thế Lưỡng Nan của Phương Tây

Le Figaro cuối tuần cũng nhận định lực lượng của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang thắng Nga trên chiến trường, nhưng cần có thêm sự hỗ trợ của phương Tây. Chiến tranh kể cả ủy nhiệm ẩn chứa nhiều rủi ro. Từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng, phương Tây luôn cố gắng không vượt qua giới hạn trở thành bên tham chiến, chỉ giúp để Kyiv không sụp đổ và trừng phạt Mạc Tư Khoa.

Nhưng nay, quân đội Ukraine ở thế thượng phong, chiến thắng dường như không còn xa. Crimea sắp tới nằm trong tầm pháo của Ukraine, trong khi đối với Mạc Tư Khoa, bán đảo này hết sức quan trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bối rối cho rằng vấn đề Crimea “do lãnh đạo Ukraine cân nhắc và quyết định”.

Không thể áp đặt Ukraine phải đàm phán hay định ra các lằn ranh đỏ, khả năng duy nhất là “bày tỏ quan ngại” về nguy cơ leo thang. Phương Tây trong thế lưỡng nan. Kyiv đang quá hăng hái, nếu giảm viện trợ để làm chậm lại, sẽ đối mặt với nguy cơ Nga phản công. Còn nếu Ukraine bại trận, cũng sẽ là thất bại của phương Tây, Putin ca khúc khải hoàn trước thế giới dân chủ. Một điều không thể chấp nhận được.

Theo tướng Milley, tổng tham mưu trưởng Mỹ, về quân sự Ukraine có thể đuổi được quân Nga trên toàn lãnh thổ và về chính trị, thời điểm đàm phán trên thế mạnh có thể đến sớm hơn với Kyiv. Những lời khuyên nên hòa dịu khó thể được lắng nghe tại Ukraine, nơi người dân phải khóc thương những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại Mạc Tư Khoa cũng vậy, Vladimir Putin vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh. Hòa bình không thể kết thúc bằng ủy nhiệm.

Ba Kịch Bản Cho Chiến Trường Ukraine Năm 2023

The Economist đưa ra ba khả năng cho năm tới. Kịch bản thứ nhất: Nga giành phần thắng vào phút chót. Quân Nga giữ được những chiến tuyến trong mùa Đông, đồng thời lập ra các tiểu đoàn mới từ những tân binh được bổ sung. Trong khi đó đảng Cộng hòa chặn những gói quân viện mới cho Ukraine, viện trợ từ Âu Châu gần cạn. Kỹ nghệ quốc phòng Nga thiếu chip bán dẫn và phụ tùng chuyên biệt, nhưng sản xuất đủ xe bọc thép và các loại pháo căn bản để trang bị.

Đến mùa Xuân các đơn vị mới của Nga bắt đầu tấn công, đẩy lùi lực lượng Ukraine đã mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu, drone Iran tiếp tục tiêu hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine. Ukraine đành rút lui vào mùa Hè. Nga chiếm Kryvyi Rih, thành phố công nghiệp quan trọng ở bắc Kherson; chiếm Sloviansk, Kramatorsk ở Donetsk. Phương Tây thúc giục Kyiv chấp nhận ngưng bắn, Tổng thống Zelensky đành chấp nhận. Trong những tháng, những năm sau đó, Nga ra sức tái vũ trang để đánh Ukraine lần nữa.

Kịch bản thứ hai nhiều khả năng diễn ra hơn: Ngõ cụt! Nga huy động hàng trăm ngàn thanh niên, nhưng họ không thể chiến đấu hiệu quả. Tất cả những người huấn luyện đều phải ra trận, những binh sĩ dày dạn đều đã chết hay đang ở chiến trường. Tân binh được xếp vào những đơn vị Bộ binh không có xe bọc thép và không thể chuyển sang tấn công, nhưng có thể đào hào cố thủ. Tại Kherson, giòng sông Dniepr chận đường khiến Ukraine tiến chậm, mỗi kilomet lãnh thổ tái chiếm đều phải trả giá đắt.

Không thắng nổi trên chiến địa, Vladimir Putin cố gắng kéo dài để kinh tế Ukraine suy sụp, đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự nhằm làm người dân hoang mang và các đối tác nản chí. Âu Châu không kiếm đủ khí đốt dự trữ cho năm 2023, khiến phải cúp điện luân phiên trong mùa Đông. Putin muốn dằng dai cho đến 2024, hy vọng Donald Trump chiếm lại Tòa Bạch Ốc và ngưng hỗ trợ Kyiv. Nhưng như vậy ông đánh cược với dư luận Nga đang phản đối chiến tranh, kinh tế ảm đạm.

Kịch bản thứ ba tươi sáng hơn cho Ukraine, nhưng có lẽ cũng nguy hiểm hơn. Kyiv giữ nguyên đà tiến, giáng những đòn nặng nề lên quân Nga rồi hướng Himars vào Crimea lần đầu tiên. Mặt trận Nga ở Lugansk bị vỡ, Ukraine tái chiếm Severodonetsk rồi nhanh chóng tiến sang miền Đông. Số tử trận phía Nga tăng cao, lính mới từ chối chiến đấu. Phương Tây nhanh chóng cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không, làm giảm tác động chiến thuật khủng bố của Nga.

Đến mùa Xuân, Tổng thống Zelensky ra lệnh mở mặt trận mới ở Zaporijia. Năm lữ đoàn xuyên thủng phòng tuyến Nga, cắt đứt chiếc cầu sang Crimea, bao vây Mariupol vào mùa Hè. Ukraine chuyển các giàn Himars sang miền Nam, nhắm vào các cảng, căn cứ và kho hậu cần của quân Nga, đe dọa tiến vào Crimea. Putin ra tối hậu thư: hoặc ngưng lại hoặc sẽ dùng vũ khí nguyên tử. Chiến thắng trong tầm tay, nhưng cũng bao hàm nguy cơ.

Giới Chức Ngũ Giác Đài Cảnh Báo: Nga Đang Tìm Cách Làm Kiệt Quệ Phòng Không Ukraine!


(Hình: Một bệ phóng phi đạn đa nòng BM-21 ‘Grad’ của Ukraine bắn một phi đạn về phía các vị trí của Nga trên tiền tuyến ở khu vực Kharkiv, ngày 3/11/2022.)

Việc Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng phi đạn nhắm vào Ukraine một phần là để làm cạn kiệt nguồn cung ứng hệ thống phòng không của Kyiv và cuối cùng giành được sự thống trị trên bầu trời nước này, một viên chức cao cấp của Ngũ Giác Đài nói ngày thứ Bảy (19/11/2022).

Nga đang dội phi đạn xuống các thành phố trên khắp Ukraine trong tuần qua, trong một trong những đợt tấn công phi đạn ác liệt nhất kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược gần 9 tháng trước.
Ukraine nói các cuộc tấn công đã làm tê liệt gần một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine, tạo ra một thảm họa nhân đạo tiềm ẩn khi mùa Đông bắt đầu.

Colin Kahl, Cố vấn chính sách hàng đầu của Ngũ Giác Đài, cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa cũng hi vọng sẽ làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Ukraine vốn cho đến nay vẫn ngăn cản quân đội Nga thiết lập sự thống trị trên bầu trời Ukraine.
“Họ đang thực sự cố gắng áp đảo và làm kiệt quệ các hệ thống phòng không của Ukraine”, ông Kahl nói với các phóng viên trong chuyến đi tới Trung Đông.

“Chúng tôi biết lý thuyết chiến thắng của Nga là gì và chúng tôi cam kết bảo đảm rằng điều đó sẽ không có kết quả bằng cách bảo đảm rằng người Ukraine có được những gì họ cần để duy trì khả năng phòng không của họ”.

Sau cuộc xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine vào ngày 24 tháng Hai, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây dự đoán rằng quân Nga sẽ cố gắng tiêu diệt ngay lập tức lực lượng Không quân và hệ thống phòng không của Ukraine. Đó là yếu tố cốt lõi của chiến lược quân sự hiện đại, cho phép yểm trợ tốt hơn cho các lực lượng trên bộ tiến công.

Thay vào đó, quân đội Ukraine với phi đạn đất đối không và các hệ thống phòng không khác đã có thể đe dọa máy bay Nga và bầu trời phía trên Ukraine vẫn trong thế giằng co giữa hai bên cho đến nay.
Thất bại sớm và hệ trọng đó là một yếu tố cốt lõi trong những rắc rối của Nga ở Ukraine khi nước này xúc tiến cuộc xâm lược đang thất bại của mình, với cái giá rất lớn về nhân mạng và thiết bị quân sự.
“Tôi nghĩ một trong những điều khiến người Nga bất ngờ nhất là khả năng phòng không của Ukraine kiên cường như thế nào kể từ đầu cuộc xung đột này”, ông Kahl nói.

“Phần lớn, đó là nhờ sự khéo léo và thông minh của chính người Ukraine trong việc giữ cho hệ thống phòng không của họ hoạt động. Nhưng cũng nhờ Mỹ và các đồng minh và đối tác khác đã hỗ trợ rất nhiều”.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tập trung bàn về nguồn cung ứng phòng không cho Ukraine tại một cuộc họp qua mạng mà ông chủ trì từ Ngũ Giác Đài. Các đồng minh của Ukraine đã và đang cung ứng mọi thứ, từ những hệ thống kế thừa từ thời Soviet cho đến những hệ thống hiện đại hơn của phương Tây.
Đối với Mỹ, nó bao gồm các hệ thống phòng không NASAMS mới do Mỹ cung cấp mà Ngũ Giác Đài cho biết đến nay có tỉ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn phi đạn của Nga ở Ukraine.

“Chúng tôi vẫn đang giúp Ukraine chuyển tiếp sang các thiết bị tiêu chuẩn NATO trên toàn diện, nhưng ít nhất trong số đó bao gồm các hệ thống phòng không như NASAM”, ông Kahl nói.
Mỹ đã cung cấp hơn 1.400 hệ thống phòng không Stinger cùng với các radar chống Pháo binh và do thám trên không cho Ukraine.

Justin Trudeau Đụng Tập Cận Bình!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại G20 hôm 16/11/2022.)

Câu chuyện dài chưa tới một phút, được báo chí khắp thế giới tường thuật. Ông Chủ tịch Trung Quốc ám chỉ là ông Thủ tướng Gia Nã Ðại không trung thực. Ông kia bèn dạy lại một bài học thế nào là trung thực....

Tập Cận Bình làm chủ 1,4 tỉ dân Trung Hoa lục địa, nói gì ai cũng phải nghe. Ông mang ảo tưởng mình có thể dạy dỗ cả thế giới. Justin Trudeau mới phá vỡ ảo tưởng đó.

Tới dự cuộc họp thượng đỉnh 20 nước kinh tế lớn nhất G20 ở Bali (Nam Dương), ông Tập Cận Bình kéo Thủ tướng Gia Nã Ðại ra nói chuyện riêng. Ông trách ông Trudeau tiết lộ để cho báo chí loan tin về những đề tài họ đã bàn bạc. Ông Trudeau gật đầu công nhận, Tập Cận Bình bèn trách rằng không nên làm như thế; và “lên lớp” dạy: “Nếu ông trung thực thì khi chúng ta nói chuyện ông nên giữ thái độ kính trọng, nếu không sẽ gây những hậu quả khó lường”.

Khi nghe thông dịch viên mới dịch câu đầu, “Nếu ông trung thực …”, ông Trudeau đã cắt ngang, nói liền: “Ở Gia Nã Ðại, chúng tôi tin tưởng vào các cuộc đối thoại tự do, thành thật, không che giấu, và chúng tôi sẽ tiếp tục như thế”.

Câu chuyện dài chưa tới một phút, được báo chí khắp thế giới tường thuật. Ông Chủ tịch Trung Quốc ám chỉ là ông Thủ tướng Gia Nã Ðại không trung thực. Ông kia bèn dạy lại một bài học thế nào là trung thực; bằng cách mô tả lối sống cởi mở, thẳng thắn ở những xã hội tự do dân chủ. Ai cũng thấy thái độ trịch thượng của Tập Cận Bình quá lố và phục cách đối đáp của Trudeau.

Tập Cận Bình đã nổi nóng với Trudeau vì báo chí loan Gia Nã Ðại tin ông Thủ tướng đã cảnh cáo Trung Cộng về các vụ đàn áp người thiểu số Uyghurs ở Tân Cương. Tháng Chín vừa qua, ông Trudeau đã tuyên bố rằng vị Ðại sứ Gia Nã Ðại mới được cử sang Bắc Kinh phải lên tiếng về những vi phạm nhân quyền. Ông Trudeau còn phản đối Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào việc bầu cử ở Gia Nã Ðại.

Báo Globe and Mail ở Toronto cho biết đầu năm nay tình báo Gia Nã Ðại tường trình trước Quốc hội rằng Trung Cộng đã âm mưu ảnh hưởng trên cuộc bầu cử Quốc hội năm 2019. Trung Cộng đã bí mật đóng góp cho quỹ tranh cử của 11 ứng cử viên và thuê người cổ động cho họ. Ngoài ra, gián điệp Cộng sản Trung Quốc còn vận động trong cộng đồng người Gia Nã Ðại gốc Hoa, bêu xấu những đại biểu Quốc hội không thân thiện với Bắc Kinh. Trung Cộng đã bí mật thiết lập một “trạm công an” ở Gia Nã Ðại; cũng giống như FBI đã tố cáo một tổ công an Trung Cộng hiện nằm vùng ở Houston!

Để gỡ thể diện sau những tin xấu đó, Tập Cận Bình có cơ hội gặp Trudeau tại cuộc họp G20 bèn tỏ thái độ hằn học, trịch thượng, cố cho cả thế giới thấy mình coi thường nhà lãnh đạo trẻ tuổi của một “nước nhỏ”. Trung Cộng vẫn có thói quen cậy mình “nước lớn”, đóng vai đàn anh trên những “nước nhỏ!”

Năm 2009, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Dương Thiết Trì đã nói với một số nhà ngoại giao Đông Nam Á rằng “Trung Quốc là một nước lớn, quý vị là những nước nhỏ; đó là một sự thật!” Gia Nã Ðại, dù vẫn thuộc nhóm G7, 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới không kể Trung Quốc, nhưng chỉ có 38 triệu dân, phải biết mình phận là nước nhỏ!

Nếu chính phủ Gia Nã Ðại có chống Trung Cộng trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế, thì cũng không gây ảnh hưởng đáng kể, mà các công ty Gia Nã Ðại có thể phản đối vì họ sẽ bị thiệt hại! Năm 2009 Thủ tướng Gia Nã Ðại Stephen Harper, thuộc đảng Bảo Thủ, qua thăm Trung Quốc, đã bị Thủ tướng Ôn Gia Bảo công khai trách cứ tại sao ông nhậm chức từ ba năm trước mà không qua đây sớm hơn! Ôn Gia Bảo nói, “Đây là cuộc hội kiến đầu tiên trong 5 năm trời giữa Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Gia Nã Ðại!” Ông Harper đáp lại: “Cũng vậy, từ 5 năm trời nay chưa thấy ông và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới nước tôi!” Năm 2008, Harper không qua dự lễ khai mạc Thế Vận hội ở Bắc Kinh mặc dù bị đảng Cấp Tiến đối lập đả kích về thái độ “tẩy chay” đó!

Có thể đoán Tập Cận Bình đã chọn cơ hội “lên lớp” Thủ tướng Gia Nã Ðại vì muốn “mắng làm gương” cho các nước nhỏ khác! Tập đã lầm khi gây sự với Trudeau, một người thuộc đảng Cấp Tiến, vì từ khi cầm quyền ông rất thân thiện với Trung Quốc, đã bị các đại biểu Bảo Thủ đối lập trong Quốc hội phàn nàn. Chính phủ Trudeau đã vận động ký một Hiệp ước mậu dịch tự do với Trung Quốc, còn muốn ký thêm một Hiệp ước về dẫn độ.

Chắc ông ta rất cay cú sau khi bị Justin Trudeau lên giọng giải thích về quyền tự do phát biểu tại các nước tự do dân chủ khác cách sống ở những nước độc tài chuyên chế như thế nào. Có lẽ chưa có một chính khách quốc tế nào nói thẳng với các lãnh tụ Trung Cộng như thế, trước mặt công chúng và các máy truyền hình, cho cả thế giới chứng kiến!
Nghe Trudeau nói, người Trung Hoa nào trong lục địa biết suy nghĩ chắc cũng thấy xấu hổ vì chính họ không ai được nói một lời nào khác với ý kiến của “lãnh tụ vĩ đại!” Cho nên trong mấy ngày sau còn ở Bali, Tập Cận Bình vẫn họp mặt chính thức với các nhà lãnh đạo các “nước lớn” như Tổng thống Joe Biden (Mỹ), Emmanuel Macron (Pháp), các Thủ tướng Narendra D. Modi (Ấn Độ) và Anthony Albanese (Úc Châu), vân vân, mà không thèm họp riêng với Trudeau.

Nhưng trong thời gian hội nghị, Trudeau và Tập Cận Bình vẫn có dịp trao đổi ý kiến về các vấn đề chiến tranh Ukraine, mối đe dọa của Bắc Hàn, và về hội nghị bảo vệ môi trường trong tháng tới, mà hai nước cùng đóng vai ban tổ chức. Khi đó thì không còn phân biệt nước lớn, nước nhỏ nữa!

Trung Quốc Phản Bác Tuyên Bố của FBI Về ‘Những Đồn Công An’ ở Mỹ, Nhưng Không Ai Tin!


(Hình: Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu trong ngày thứ hai điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 17/11/2022.)

Ngày thứ Sáu (18/11/2022), Trung Quốc bác bỏ tuyên bố nói họ đang điều hành các “đồn công an” trên đất Mỹ, gọi các địa điểm này là do tình nguyện viên điều hành, sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết ông “rất lo ngại” về các đồn công an trái phép có liên hệ đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Safeguard Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Âu Châu, công bố một báo cáo vào tháng Chín tiết lộ sự hiện diện của hàng chục “trạm dịch vụ” của công an Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm cả New York.

Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu trước một phiên điều trần của Thượng viện ngày thứ Năm rằng việc chính phủ Trung Quốc tìm cách thiết lập sự hiện diện của công an ở Mỹ là điều “đáng phẫn nộ”, nói rằng điều này “vi phạm chủ quyền và né tránh các quy trình hợp tác Tư pháp và chấp pháp tiêu chuẩn”.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn thừa nhận sự tồn tại của các địa điểm do tình nguyện viên điều hành ở Mỹ, nhưng nói chúng không phải là “đồn công an” hay “trung tâm dịch vụ cảnh sát”.
“Họ hỗ trợ công dân Trung Quốc ở ngoại quốc cần trợ giúp truy cập nền tảng dịch vụ trực tuyến để gia hạn giấy phép lái xe và tiếp nhận các cuộc kiểm tra thể chất cho mục đích đó”, phát ngôn viên Tòa Ðại sứ Liu Pengyu nói trong một email gửi cho thông tấn xã Reuters ngày thứ Sáu.
“Họ không phải là nhân viên cảnh sát từ Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ nên ngừng thổi phồng vấn đề này một cách vô căn cứ”, Liu nói.

Tòa Ðại sứ không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu của thông tấn xã Reuters cung cấp danh sách các địa điểm này. FBI từ chối bình luận thêm ngoài phát biểu của ông Wray.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói như vậy về các địa điểm ở Hòa Lan sau khi chính phủ Hòa Lan ra lệnh đóng cửa trong khi điều tra các hoạt động của họ. Các thành viên của nghị viện Anh cũng đã kêu gọi điều tra các địa điểm tương tự.
Các Nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, bao gồm Dân biểu Jim Banks, đã yêu cầu chính quyền Biden trả lời về hoạt động của các địa điểm này.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói các địa điểm này là sự mở rộng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc một số công dân Trung Quốc hoặc người thân của họ ở ngoại quốc phải trở về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự, và nói các địa điểm này có liên hệ tới các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc truyền bá ảnh hưởng và thông tin tuyên truyền ở ngoại quốc.

Mark Clifford, Chủ tịch của Ủy ban vì Tự do tại Hồng Kông Foundation, cho biết các địa điểm như vậy cần phải bị “chặn đứng”.
“Bằng cách cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành các cơ sở kiểu này ở các quốc gia sở tại, các chính phủ quốc tế đồng lõa với các hành động của Bắc Kinh”.

APEC Cam Kết Tăng Cường Thương Mại Giữa Căng Thẳng Địa-Chính Trị


Ngày thứ Bảy (19/11/2022), các nhà lãnh đạo của khối APEC gồm 21 thành viên cam kết tăng cường thương mại và làm nhiều hơn nữa để giải quyết các thách thức kinh tế khác, khép lại hội nghị cuối cùng trong ba hội nghị thượng đỉnh ở khu vực diễn ra trong một tuần bị lu mờ bởi cạnh tranh địa-chính trị.
Các hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu và các cuộc hội đàm thường bị gián đoạn do căng thẳng từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như các điểm nóng như Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Một hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á có sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã được tổ chức tại Cam Bốt, trong khi các nền kinh tế lớn của Nhóm 20 hội họp tại đảo Bali của Nam Dương.
Khai mạc hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) bị gián đoạn vào ngày thứ Sáu khi Phó Tổng thống Kamala Harris, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các đồng minh bên lề để lên án Bắc Hàn sau khi nước này bắn thử một phi đạn-đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới nước Mỹ.

Ngày thứ Bảy, Thủ tướng Thái Lan kiêm Chủ tịch APEC Prayuth Chan-ocha tìm cách tập trung trở lại vào các vấn đề kinh tế và cho biết APEC đã đạt được “tiến bộ đáng kể” bằng việc đồng ý một kế hoạch làm việc nhiều năm cho Khu vực Thương mại Tự do Á Châu-Thái Bình Dương (FTAAP).
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC nói nhóm sẽ duy trì và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, nhưng cũng thừa nhận cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết các thách thức như lạm phát gia tăng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và thiên tai.
“Năm nay, chúng ta cũng đã chứng kiến cuộc chiến ở Ukraine tác động xấu hơn nữa đến nền kinh tế toàn cầu”, tuyên bố nói. Tuyên bố cũng cho biết rằng hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến.

Tại cuộc họp G20 ở Nam Dương, các thành viên nhất trí thông qua một tuyên bố nói hầu hết các thành viên lên án cuộc chiến Ukraine nhưng cũng thừa nhận một số quốc gia nhìn cuộc xung đột theo cách khác.

Các nhà lãnh đạo APEC đưa ra tuyên bố giống với tuyên bố G20 khi họ nhắc đến các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án hành động gây hấn của Nga và yêu cầu nước này rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine, nhưng cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Nga là thành viên của cả G20 và APEC nhưng Tổng thống Vladimir Putin không đến dự các hội nghị thượng đỉnh này. Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov đại diện cho ông tại APEC.

Facebooker Bùi Văn Thuận Bị Kết Án 8 Năm Tù Giam, Không Kháng Cáo, Vì Không Tin Tòa Án!


(Hình: Facebooker Bùi Văn Thuận.)

Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trưa 18/11/2022 tuyên án 8 năm tù giam và năm năm quản chế đối với ông Bùi Văn Thuận về tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, trước đó ông tuyên bố từ bỏ quyền kháng cáo.
Trong lời phát biểu cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, Facebooker Bùi Văn Thuận khẳng định mình vô tội và tuyên bố không sử dụng quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử của Việt Nam hiện nay.

Tuy là phiên tòa mở công khai nhưng chỉ có vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, được vào dự phiên tòa với tư cách là người làm chứng.
Bố mẹ ông và một số người thân đến từ tỉnh Hòa Bình bị lực lượng an ninh ngăn cản quyền tiếp cận phiên tòa và họ đành phải quay trở về nhà ngay trong ngày thứ nhất của phiên xử (17/11).

Bà Nhung nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn như sau:

“Mức án dành cho chồng tôi phù hợp với ý muốn của nhà cầm quyền còn với tôi thì tôi cho rằng nó không hề thuyết phục....
Chồng tôi không kháng cáo không phải vì anh ấy thừa nhận mình có tội hay quy phục mà bởi vì cho đến nay chưa có một vụ án chính trị nào Phúc thẩm mà thành công giảm án”.

Cùng cho rằng việc kháng cáo chỉ làm lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức và gây mệt mỏi thêm cho chồng bà và gia đình, bà nói gia đình đã cạn sạch niềm tin nào hệ thống pháp luật rồi nên muốn xử xong sớm để còn được thăm gặp chồng.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hóa nói ông Thuận sử dụng tài khoản Facebook “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” có đăng tải 27 bài có nội dung bị cho là “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Cơ quan an ninh của Công an tỉnh Thanh Hóa xác định ông Thuận lập và quản trị danh khoản này, dựa trên giám định của Sở Thông tin và Truyền thông cùng tố cáo của 12 cá nhân, nhiều trong số họ mua mật ong từ gia đình ông rồi tố cáo với công an.

Tòa triệu tập 12 nhân chứng tố cáo ông nhưng chỉ có Lê Quốc Quyền là bạn của bị cáo trên Facebook cùng trưởng công an phường Mai Lâm, nơi gia đình ông sinh sống đến tham dự phiên tòa.
Tuy nhiên, khi đối chất, ông Lê Quốc Quyền không đưa ra lập luận vững chắc cho tố cáo của mình.

Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, danh khoản “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” mà phía an ninh Thanh Hóa khẳng định do ông Thuận quản trị với nhiều bài viết bị nêu trong cáo trạng buộc tội ông, đột nhiên phục hoạt với nhiều bài viết mới.
Trong trang Facebook của mình, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết các Luật sư đã tranh luận gay gắt với đại diện bên Công tố về việc ai là người điều hành thực sự danh khoản trên trong bối cảnh thân chủ của mình phủ nhận việc quản trị để đăng tải “bài viết chống chế độ hay phỉ báng lãnh đạo nhà nước”.

Các Luật sư cũng in những bài viết của trang Facebook Thuan Van Bui đăng công khai trong thời gian ông Thuận bị giam giữ trình lên Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, Thẩm phán Phạm Văn Long cho rằng những tài liệu và chứng cứ này không có tính xác thực.
Bà Nhung nói chồng bà cùng các Luật sư đã nhiều lần đề nghị được kiểm chứng ngay tại tòa nhưng yêu cầu này liên tục bị lờ đi.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), bình luận về phiên tòa qua tin nhắn gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Bản án đáng xấu hổ và vô lý này cho thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đã trở nên tồi tệ như thế nào. Đưa một người đàn ông vào tù 8 năm chỉ dựa trên một vài bài đăng trên Facebook cho thấy chính phủ hoàn toàn không khoan dung đối với bất kỳ hình thức chỉ trích nào.

Tại thời điểm này, người ta tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam còn bận tâm đưa những vụ án như vậy ra xét xử vì những bản án dài mà các tòa án kiểu kangaroo đưa ra đã được định trước, và công lý và pháp quyền ở đất nước này là một trò hề”.
Ông cho rằng đây là hình thức chà đạp các quyền dân sự và chính trị của người dân của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giữ vị thế độc tôn chính trị trong nước.

Ông Thuận là nhà hoạt động thứ tám bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” từ đầu năm đến nay. Bảy người còn lại bị kết án tù từ năm năm đến 8 năm tù giam và 3 năm đến 5 năm quản chế.

Nhóm Công Tác Liên Hiệp Quốc, Kêu Gọi CSVN Phóng Thích Nhà Thơ Trần Đức Thạch.


(Hình: Ông Trần Đức Thạch tại phiên Phúc thẩm ngày 3/24/2021.)

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (WGAD) vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà thơ, tác giả và nhà hoạt động nhân quyền Trần Đức Thạch.
Bản ý kiến của WGAD, được đăng vào ngày 4/11/2022, cho rằng việc bắt giam và xử án tù ông Thạch là “tùy tiện” và nói rằng ông phải được bồi thường cho thời gian bị giam cầm.

Thạch, 71 tuổi, bị bắt vào ngày 23/4/2020. Ông bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự Việt Nam và bị kết án 12 năm tù.
WGAD nói rằng việc chỉ trích chế độ và đồng sáng lập một tổ chức không vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế. Bản ý kiến của WGAD cho biết ông Thạch đã bị chính quyền trừng phạt vì thực hiện quyền tự do lập hội của ông thông qua việc ông hỗ trợ thành lập Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự vận động cho nhân quyền trên mạng xã hội.

“Các bài đăng của ông trên Facebook là những hành vi vừa không thể đoán trước được là tội phạm, vừa được bảo vệ theo Công ước, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế khác. Vì luật quá mơ hồ đến mức vô nghĩa, hoạt động này không thể làm cơ sở để bắt giam và kết án ông Thạch”, bản ý kiến của Liên Hiệp Quốc viết.

Bà Nguyễn Thị Chương, vợ của ông Thạch, hôm 17/11, nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) bà cảm kích trước sự can thiệp và lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc.
Bà Chương cho biết rằng vào tuần trước chính quyền ở Nghệ An đã yêu cầu bà không được viết những lời kêu gọi trả tự do và kêu oan cho chồng bà trên Facebook.

Bà Chương thuật lại lời đe dọa từ chính quyền địa phương:
“Tuần trước, họ kêu tôi ra và nói rằng “Chị đừng có viết bài trên Facebook. Công an Nghệ An có phản ảnh rằng chị viết bài nói thế này thế kia”.
“Họ bắt tôi ký xác nhận trang Facebook “Nguyễn Chương” là của tôi, nhưng tôi không ký.
“Họ nói “Chị đừng viết bài, hay thăm gặp ai, hay nghe những ai ở hải ngoại…Họ xúi giục như thế là phạm tội…”.

VOA đã liên lạc chính quyền huyện Diễn Châu, chính quyền tỉnh Nghệ An, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu cho ý kiến về lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc và phát biểu của gia đình ông Thạch, nhưng chưa được phản hồi.

Theo báo cáo của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền Việt Nam có phản hồi yêu cầu giải trình của nhóm làm việc trong công văn ngày 30/6/2022, trong đó phía Việt Nam nói rằng ông Thạch và các “đồng bọn” trong nhóm Anh Em Dân chủ “đã lợi dụng quyền tự do dân chủ đăng tải nhiều nội dung sai sự thật, xuyên tạc”.
Trong bản ý kiến, WGAD kêu cầu “trả tự do ngay lập tức” và “bồi thường thiệt hại” cho ông Thạch vì ông đã bị bắt giam và bỏ tù trái với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam ký kết.

Ngoài ra, WGAD yêu cầu Việt Nam phải “thực hiện các bước cần thiết” để giải quyết trường hợp ông Trần Đức Thạch theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế.

‘Đội Tiên Phong’ Đi Trước, Công Nhân Vẫn Thất Thểu Phía Sau!

(Trân Văn)


(Hình: Công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đình công, đứng chắn ngang quốc lộ 1K, hồi đầu năm 2022.)
Bất kể thế nào thì những người như ông Tùng cũng chỉ có thể ngậm ngùi về chuyện sau khi tập họp, khai thác sức mạnh của giai cấp công nhân và túm được quyền lực, “đội tiên phong” mặc kệ họ thất thểu phía sau.

Chỉ còn mươi tuần nữa là Tết âm lịch nhưng thay vì làm thêm giờ, kiếm thêm tiền để trang trải đủ loại chi phí trong dịp “năm hết, Tết đến”, hàng trăm ngàn công nhân ở nhiều vùng, miền tại Việt Nam hoặc đang dắt díu nhau về quê vì mất việc, hoặc đang gồng lên để cầm cự với chuyện thiếu việc làm, thu nhập tụt giảm và hoang mang không biết cơ hội làm việc vẫn còn hay sẽ mất....

Kinh tế, xã hội Việt Nam đang nghiêng ngả nhưng những tín hiệu xấu đe dọa xóa bỏ “quốc thái, dân an” vẫn lập lòe ở đủ mọi hướng. Tầng trên, thị trường chứng khoán tiếp tục suy sụp, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành chuỗi bom bắt đầu phát nổ ở một số nơi, con số ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chánh-tín dụng hay hoạt động có liên quan đến tài chánh-tín dụng bị khách hàng bao vây đòi hoàn tiền mỗi ngày một cao.... Tầng dưới cũng vậy. Hơn 50% công nhân của An Giang Samho phải tạm nghỉ việc, vì vậy 5.300 công nhân mất việc (1). Tại Bình Dương, tính đến thượng tuần tháng này, số công nhân mất việc là 28.000, số công nhân đang thắc thỏm về tương lai vì doanh nghiệp thuê họ làm việc không có đơn đặt hàng, phải cầm cự bằng cách giảm giờ làm việc của công nhân là 240.000 người (2)....

Tuy không công bố số liệu chính thức nhưng một Phó Chủ tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xác nhận: Tình trạng cắt giảm lao động (cho nghỉ việc), giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp một thông tin đáng chú ý khác: Nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng (3). Theo vài nguồn thạo tin, đơn đặt hàng bắt đầu giảm từ tháng Tám với tỉ lệ càng ngày càng cao và tác hại sẽ lâu dài, doanh nghiệp đã lâm nguy còn khốn khổ hơn vì chính sách tài chánh-tiền tệ (4). Bởi phần lớn doanh nghiệp chuyên gia công cho các doanh nghiệp ngoại quốc và đang thiếu đơn đặt hàng hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động (sử dụng nhiều công nhân) như dệt may, da giày, chế biến gỗ,... nên số công nhân mất việc, thiếu việc sẽ là nhiều triệu người!

Trong bối cảnh như hiện nay, đảng CSVN – tổ chức tự nhận là “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam” – đã hoặc sẽ làm gì để hỗ trợ công nhân nói riêng và người lao động nói chung? Không có câu trả lời nào vì Quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa làm gì cả và không chắc sẽ làm gì đó. Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 15 vừa kết thúc hôm 15/11/2022, Nghị quyết của kỳ họp thứ tư đề cập đủ thứ chuyện trừ... chuyện này (5)!

Thậm chí, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN – khuyến nghị: Các cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ổn định tình hình” và “đẩy mạnh thực hiện giám sát doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động không” (6). Thừa nhận “nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự” nhưng chỉ lăm le tròng trách nhiệm vào cổ doanh nghiệp thì sẽ dựa vào đâu để bảo đảm “việc làm, đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động”, không được tiếp sức, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tuyên bố phá sản hàng loạt thì lấy gì “sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm”? Chẳng lẽ “tăng cường công tác quản lý nhà nước” là chuẩn bị sử dụng bạo lực để “ổn định tình hình”?

***
Sau khi giúp “đội tiên phong” giành được quyền kiểm soát tuyệt đối, toàn diện tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam tụt dần xuống đáy của đói nghèo và loay hoay, bế tắc tại đó trong nhiều thập niên. Thay vì kéo họ lên, “đội tiên phong” tiếp tục đạp giai cấp công nhân tụt xuống sâu hơn, dùng họ làm công cụ để tạo ra những con số được dán nhãn “thành tích tăng trưởng”, chứng minh cho sự “tài tình” của “đội tiên phong”.

Hồi tháng Tư vừa rồi, ông Đặng Ngọc Tùng ngậm ngùi than như thế này trên trang facebook của ông: Sáng nay VTV1 lúc 6 giờ đưa “TIN VUI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG: Kể từ hôm nay - 1/4/2022 – người lao động được làm tăng ca lên 60 tiếng đồng hồ/tháng”. Nghe xong, tôi rụng rời cả tay chân? Không hiểu sao cả! VTV đứng trên quan điểm của giai cấp công nhân, giai cấp đang lãnh đạo đất nước này? Hay VTV bảo vệ giai cấp tư sản, bảo vệ các ông chủ tư nhân ở đất nước này? Cuộc đấu tranh của công nhân toàn thế giới, của những người lao động toàn thế giới mới có được thành quả “ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ, nghỉ ngơi vui chơi 8 tiếng đồng hồ và 8 tiếng đồng hồ đi ngủ để lấy lại sức khỏe”, mới có được ngày lao động quốc tế 1 tháng Năm. Thế mà ở đất nước này các viên chức, các vị đại biểu Quốc hội “phải “ làm việc ít hơn người lao động mỗi tuần 8 tiếng đồng hồ, mỗi tháng 32 tiếng đồng hồ và mỗi năm 384 tiếng đồng hồ. Và bây giờ họ ép người lao động phải tăng ca 60 tiếng đồng hồ/tháng? Ôi các vị đại biểu Quốc hội ơi, các vị hãy đặt mình là người lao động, các vị có đồng ý làm việc tất cả ngày thứ 7 trong tuần? Có đồng ý mỗi năm làm tăng thêm 384 tiếng đồng hồ như người lao động đang làm? Có đồng ý tăng ca 60 tiếng đồng hồ/tuần? Các vị có biết mỗi năm trượt giá bao nhiêu? Và mấy năm rồi lương tối thiểu của người lao động không được tăng? Việc này đồng nghĩa với giảm lương, lương trả cho người lao động quá thấp, không đủ sống. Các vị có biết cuộc sống khốn khó của người lao động trong các khu công nghiệp trên cả nước đang trải qua mùa đại dịch này? Đúng là “TIN VUI RƠI NƯỚC MẮT” (7).

Ông Đặng Ngọc Tùng không phải phần tử “thù địch” mà là một trong những thành viên cao cấp của “đội tiên phong”: Cựu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, cựu Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cựu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,.... Bất kể thế nào thì những người như ông Tùng cũng chỉ có thể ngậm ngùi về chuyện sau khi tập họp, khai thác sức mạnh của giai cấp công nhân và túm được quyền lực, “đội tiên phong” mặc kệ họ thất thểu phía sau.

Đảng Đánh Giá Vụ Án Vạn Thịnh Phát ‘Đặc Biệt Nghiêm Trọng!’


(Hình: Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.)

Vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát mang tính chất ‘đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có’, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đánh giá sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo báo Thanh Niên.
Thông tin này được ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Ban Nội chính trung ương, đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương tại Hà Nội hôm 18/11/2022.

Tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy vụ án Vạn Thịnh Phát nhận được sự theo dõi, chỉ đạo từ cấp cao nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hôm 8/10, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội ‘Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’, mà cụ thể là gian dối trong phát hành cổ phiếu tại Công ty cổ phần đầu tư An Đông, một công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát.
Hiện tại sự việc đang trong vòng điều tra và tài sản của Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan đang bị phong tỏa. Tổng cộng có đến 762 công ty liên quan bị đóng băng tài sản trong vụ trọng án này, báo chí trong nước thông tin.

Vụ trái phiếu của Tập đoàn An Đông có đến hơn 40.000 nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước với số tiền lên đến hơn một tỉ Mỹ kim.
Trước đó tại buổi họp báo ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết vụ án Vụ Thịnh Phát là ‘vụ rất khó’ trong quá trình điều tra. Ông Xô cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã báo cáo cho lãnh đạo Đảng về mức độ khó khăn của vụ án nhưng khẳng định ‘sẽ quyết tâm điều tra’.

Ông Xô cũng nói việc một số bị can bị đột tử sau khi bị bắt tạm giam ‘không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra’.
Bên cạnh vụ Vạn Thịnh Phát, các vụ án của Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vụ chuyến bay giải cứu ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC cũng được xếp vào diện nghiêm trọng được chú ý đặc biệt.

Từ giờ đến cuối năm, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đặt mục tiêu ‘tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án’, cũng theo Thanh niên.
Cơ quan này cho biết họ ‘đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng’ trong các vụ án tham nhũng bằng cách tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và ngăn chặn giao dịch.

Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương xác định tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.... Cơ quan này cho biết ‘có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi’.

Trong vòng chưa đầy hai năm từ Đại hội Đảng lần thứ 13, đã có đến 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, con số cao nhất từ trước đến nay trong một nhiệm kỳ. Trong đó, có ba ủy viên trung ương bị cho thôi việc cùng một lúc tại Hội nghị Trung ương 6 hồi đầu tháng 10.
Về một vụ án khác đang được dư luận quan tâm là vụ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC vốn đang bị điều tra về các tội ‘Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Đưa hối lộ’, ông Nguyễn Thái Học dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng các can phạm ‘dù có trốn ra ngoại quốc cũng không thoát được’.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC, hiện đã bỏ trốn. Bà Nhàn được cho là đã hối lộ các lãnh đạo Đồng Nai nhiều tỉ đồng để được trúng thầu gói thầu mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Bà Nhàn bị cáo buộc đã nâng khống giá để chiếm đoạt của Nhà nước 152 tỉ đồng.

Hoa Kỳ Tài Trợ Dự Án Giảm Ô Nhiễm Môi Trường, Hơn 11 Triệu Mỹ Kim Cho Việt Nam.


(Hình: Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường ngày 15/11/2022.)

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) vừa khởi động một dự án mới trị giá 11,3 triệu Mỹ kim do chính phủ Mỹ tài trợ nhằm giảm ô nhiễm môi trường
Dự án có tên “Giảm ô nhiễm” kéo dài 5 năm sẽ do tổ chức Winrock International, đối tác của USAID, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện, USAID cho biết trong một thông cáo.

Dự án sẽ kết nối các bên tham gia trong các lĩnh vực khác nhau để hợp tác, xác định cách giải quyết vấn đề chung và cùng hành động. Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và dự án sẽ cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa các lợi ích về môi trường và các lợi ích xã hội khác, bao gồm sức khỏe cộng đồng, việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, thông cáo của USAID cho biết.

Phát biểu tại buổi ra mắt dự án hôm 15/11, bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết: “Việc khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm là một phần quan trọng trong hợp tác giữa USAID và Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
“Hai cơ quan ký một bản ghi nhớ vào tháng 1/2022 để cải thiện các kết quả về môi trường, và Dự án Giảm thiểu ô nhiễm là một dấu mốc tuyệt vời đầu tiên. Nỗ lực chung của chúng ta sẽ nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động do người Việt Nam dẫn dắt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu”, bà Grubbs cho biết thêm.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Dự án này sẽ là khuôn mẫu cho quản lý và hành động”.
“Dự án được xây dựng nhằm hỗ trợ các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm nhằm đưa ra định hướng và tạo điều kiện tăng cường năng lực cho các tổ chức và mạng lưới địa phương tại Việt Nam nhằm giải quyết chung các vấn đề môi trường thông qua cách tiếp cận tác động tập thể”, ông Hà cho biết.

Winrock International, tổ chức cung cấp các giải pháp môi trường hàng đầu của Hoa Kỳ, cho biết dự án do USAID tài trợ này sẽ xây dựng năng lực cho chính phủ, các tổ chức phi chính phủ địa phương và các đối tác khu vực tư nhân để ngăn chặn, giảm nhẹ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng lực của các bên liên quan trong việc thành lập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu ô nhiễm để thiết kế và thực hiện các giải pháp chính sách đối với các thách thức ô nhiễm.

Cho đến nay, dự án đã xác định được 6 sáng kiến tác động tập thể phản ánh ý chí chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo của cộng đồng và sự tham gia của các đối tác khu vực tư nhân để giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường, bao gồm: Doanh nghiệp, cộng đồng và người tiêu dùng tiên phong có trách nhiệm giảm thiểu rác thải nhựa (P3CR); Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế; Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ giao thông đường bộ; Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt mở; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề; và Xây dựng nền tảng công khai thông tin môi trường minh bạch, theo USAID.

Việt Nam đang đối mặt với một loạt thách thức về ô nhiễm môi trường chủ yếu do sản xuất nông nghiệp, giao thông-vận tải và công nghiệp gây ra. Sự quan ngại của người dân đối với chất lượng môi trường đã liên tục gia tăng, kèm theo đó là những lời kêu gọi hành động để cải thiện môi trường.

Tại Sao Thỏa Thuận Ngoài Sàn của Ấn Vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” Phải Giữ Bí Mật?

(Tường An)


(Ảnh: Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo.)

Sau nhiều lần bị dời lại, chiếc ấn Kim Bảo Tỷ của vua Minh Mạng đã được Việt Nam mua lại qua một thỏa thuận ngoài sàn với nhà đấu giá Million tại Pháp. Tuy nhiên có nhiều thắc mắc về nội dung của bản thỏa thuận này, Ðài Á Châu Tự Do (RFA) trao đổi với một vài nhân vật quan tâm để làm rõ sự việc.
Sau thời điểm niêm yết lần đấu giá đầu tiên ngày 31/10/2022, do có sự can thiệp của bên Nhà nước Việt Nam nên Nhà đấu giá Millon phải dời ngày đấu giá chiếc ấn vàng Kim Bảo Tỷ lại ngày 11/11. Đến ngày 11/11, do có cuộc đình công của nghiệp đoàn xe lửa tại Paris nên cuộc đấu giá phải dời lại ngày 18/11. Tuy nhiên, ngày 14/11, nhiều báo trong nước đã đăng tin: Việt Nam đã đạt được thỏa thuận để đem cố vật hồi hương. Và đến ngày 15/11, nhà đấu giá Millon mới có thông báo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt trên trang nhà với nội dung:

Nhà đấu giá Millon vui mừng thông báo rằng Nhà nước Việt Nam và những người đã đạt được một thỏa thuận chuyển giao Kim ấn, qua đó sẽ giúp Ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng an toàn hồi hương.
Do đó, phiên đấu giá công khai “So Unique” vào ngày 18 tháng 11 năm 2022 sẽ bị hủy.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý vị.

Từ Paris, nhà báo Phạm Cao Phong bày tỏ sự vui mừng về việc cổ vật sẽ được hồi hương:
“Theo tôi nghĩ điều đó rất là phấn khởi, bởi vì chưa bao giờ chúng ta có một cái niềm vui đó. Chiếc ấn bị lùi ra hai lần: ngày 11, sau đó ngày 18. Nhưng trong ngày mùng 10 (31/10 - RFA) chúng ta đã bị mất bát vàng của vua Khải Định, bán với giá 680.000 Euro, ngược lại một chút nữa là tháng 6/2022 thì bát ngọc của vua Khải Định cũng đã được bán đấu giá. Hai món cổ vật đó đã đi mà chúng ta không có một cản trở nào, có thể nói là động thái “nước đến chân mới nhảy”. Cũng may là chúng ta cứu được “Hoàng đế chi bảo” này. Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người theo dõi chương trình niềm vui này”.

Bên cạnh đó, từ ngoại ô Paris, Luật sư Lê Trọng Quát nhấn mạnh, đây là tài sản quốc gia, của nước Việt Nam chứ không thuộc về bất cứ một thể chế chính trị nào:

“Theo luật pháp quốc tế, thì cái ấn đó thuộc về quốc gia Việt Nam chứ không thuộc về chính quyền, chính phủ đương hành. Đó là một tài sản thuộc về quốc gia Việt Nam. Tại sao tôi nói vậy, bởi vì nước nào cũng có một số tài sản quốc gia – công sản - tiếng Pháp gọi là “Patrimoine Public”. Thí dụ như ở Pháp mình thấy là có điện Elysée, Matignon, và tất cả những cái đó thuộc về quốc gia. Mỗi năm (Pháp) có ngày “La Journée du patrimoine - Ngày di sản quốc gia” thì phủ Tổng thống mở cửa cho thiên hạ vào xem bàn làm việc của Tổng thống, xem cái hiện vật này, hiện vật kia….Thì tất cả những cái đó là tài sản quốc gia, ông Tổng thống chỉ có nhiệm vụ gìn giữ, đến khi ông hết nhiệm kỳ thì ông phủi tay ông đi về, tất cả những cái đó phải để lại! Vậy thì những cái ấn thuộc thời Minh Mạng để lại thuộc về ai? Thì câu trả lời dứt khoát là: thuộc về Quốc gia Việt Nam! Còn chính quyền này hết thì chính quyền khác thay đổi, đi qua thôi. Cái ấn vua Minh Mạng để lại thuộc về quốc gia Việt Nam, còn cái chính quyền đang tại vị có bổn phận phải giữ gìn cái quốc bảo đó”.

Chiếc ấn bằng vàng ròng được gọi là Kim Bảo Tỷ được đúc dưới thời vua Minh Mạng thứ tư, tức năm 1823, nặng 10,7kg. Phía trên là hình con rồng, trán rồng khắc chữ “vương” phía dưới khắc chữ Hán: “Hoàng đế chi bảo” là con dấu quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được dùng để đóng dấu lên những sắc phong hoặc văn bản quan trọng của triều đình.

Luật sư Lê Trọng Quát cho biết thêm:
“Các cổ vật xưa của triều Nguyễn từ thời vua Gia Long trở xuống thì được để trong “Tàng Cổ Viện” Ở thành phố Huế có cái “Tàng Cổ Viện” cách hoàng cung 100 thước thôi và cách nhà tôi 200 thước vì nhà tôi ở trong Đại Nội. Thì cái “tàng Cổ Viện “có những cái ấn, những cái áo của vua..v.v..thì người ta đi thăm, nó cũng như là cái musée du Louvre ở đây vậy. Tóm lại những cái áo của Vua, những cái ấn vàng… tất cả những gì của Vua sử dụng thuốc về quốc gia. Chính quyền hiện tại, tức chính quyền Cộng sản ở bên nhà có bổn phận gìn giữ như một di sản của đất nước”.

Trên nguyên tắc đấu giá, người mua sản phẩm đấu giá không được liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu mà mọi việc phải qua công ty đấu giá. Công ty đấu giá chịu trách nhiệm về giá trị xác thật (authentique) của cổ vật cũng như định giá sản phẩm. Người đấu giá thành công món hàng chỉ nhận được giấy chứng nhận từ nhà đấu giá. Thế nhưng, trong trường hợp này, chiếc ấn không được công khai đấu giá ngoài công chúng mà được nhà Millon thu xếp một cuộc thỏa thuận ngoài sàn. Nhà báo Phạm Cao Phong nhận xét về vai trò của nhà Millon - một công ty đấu giá có uy tín với tiểu sử gần 100 năm - trong thỏa thuận này:

Có một cái tin hiệu rất là tế nhị là ngày 14/11, gần như các báo chí ở Việt Nam đã đưa tin là đã đạt cái thỏa thuận “hồi hương chiếc ấn”.Tuy nhiên, tôi đã có mặt ở nhà đấu giá Millon lúc đó là 3.40 giờ, chúng tôi đã nói chuyện trong vòng 15 phút với cả những người phụ trách đấu giá đấy. Thì ngay cả bà Nathalie Mangeot, commissaire priseur, tức là người bán đấu giá đó, bà nói với tôi là Việt Nam đã tuyên bố “hơi sớm”.

Điều đó nói lên cái gì? Điều đó nói lên là có thể Việt Nam đã thỏa thuận được với người chủ sở hữu theo di chúc của vua Bảo Đại. Tuy nhiên phải có một sự đồng ý, một sự thỏa thuận nào giữa chủ sở hữu, cũng như là phía Việt Nam và phía Millon. Đương nhiên là phải có ba phía trong này: Nhà Million là đại diện cho chủ sở hữu, nói một cách chính xác nhất: là người bảo vệ cho chủ sở hữu, vì họ là người đứng ra làm cái bình phong rất là tốt để cố vật đó được định giá một cách công bằng và chính xác đứng về mặt luật pháp quốc tế cũng như luật pháp nước Pháp được bảo đảm. Tôi đánh giá cao vai trò của Million là đã đồng ý cho phía Việt Nam tiếp xúc với sở hữu chủ và có những thương thảo với sở hữu chủ. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng phải có sự đồng ý của đại diện sở hữu chủ, đó là Million”.

Người cuối cùng được xem là giữ chiếc ấn sau khi vua Bảo Đại qua đời là thứ phi Monique Baudot, bà này cũng đã qua đời năm 2021. Giữa hai người không có con nên theo nhà báo Phạm Cao Phong, người giữ chiếc ấn có thể là thân nhân gần nhất của bà Monique Baudot:

“Ẩn khúc về “Hoàng đế chi bảo” ly kỳ như thế nào thì tôi đã đưa ra một thông tin là bà Monique Baudot có bà dì 95 tuổi (Renée) và một bà chị 77 tuổi là bà Solange, thì tôi nghĩ nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận với chị Solange hay với bà Renée thì đương nhiên phải có sự đồng ý rút lại hay trả một khoảng tiền nào đó cho Millon. Tôi nghĩ là nếu không có sự đồng ý của nhà Millon thì không thể được”.

Tại sao nhà Millon và chủ sở hữu đồng ý hủy cuộc đấu giá mà nếu tiến hành có thể đưa giá của chiếc ấn lên cao gấp hàng chục lần giá ước tính. Ví dụ, ngày 31/10 chiếc bát vàng của vua Khải Định được nhà Millon ước tính là 20.000 -25.000 Euro nhưng giá mua cuối cùng trên sàn đấu giá là 680.000 Euro. Có lý do nào để nhà Millon cùng chủ sở hữu đồng ý hủy đấu giá để thỏa thuận ngoài sàn? Theo nhà báo Phạm Cao Phong, dù không khẳng định được là chính phủ Pháp có can thiệp vào việc này không, nhưng theo ông, rất có thể mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã ảnh hưởng phần nào đến việc này:

“Vừa rồi kỷ niệm 50 năm quan hệ với nước Pháp mà chúng ta đã có lịch sử 100 năm với nhau thì đương nhiên họ cũng rất muốn củng cố cái liaison (quan hệ) giữa hai nước trong tư thế mới. Và thực sự, trong giai đoạn vừa qua, Tổng thống Macron cũng đã tiếp xúc rất nhiều với các nước Phi Châu và ra hẳn một tiểu ban viết ra những quyển sách nghiên cứu về những khúc mắc với những nước thuộc địa cũ. Thì tôi nghĩ rằng là Việt Nam đã có một cơ hội, đã có một cái vận may gặp đúng một thời điểm là nước Pháp có một Tổng thống rất là trẻ, có một cách nhìn rất là mới, một cách nhìn rất là táo bạo”.

Cũng theo Luật sư Lê Trọng Quát, không có một luật lệ ràng buộc nào để bắt bên nước giữ cổ vật phải trả hoặc chủ sở hữu có quyền đòi lại cổ vật mà tùy theo quan hệ hữu hảo giữa hai nước:

“Trước đây nước Pháp đánh chiếm vài nước trong một thời gian, họ đem một số tài sản, bảo vật quốc gia của nước đó đem về Pháp. Một-hai thế kỷ sau, họ đòi lại thì nước Pháp có khi trả, có khi không! Trên nguyên tắc thì phải trả lại, nhưng mà tùy tình trạng giao hảo giữa hai nước, tùy tương quan lực lượng giữa hai nước. Có lần tôi nghe nói Ai cập cũng đòi Pháp trả lại cái này cái kia, nước Phi Châu họ đòi phải trả lại mấy bảo vật của nước đó, có khi họ đòi trả lại một cái xác ướp… thì có khi Pháp trả, có khi lờ đi, thì đó là một “pratique courant” thường xảy ra, không phải là có luật lệ chặc chẽ trên luật pháp bắt phải trả lại hay được quyền giữ lại, đó là tùy sự thương lượng giữa hai nước, tương quan giữa hai nước”.

Thỏa thuận mua bán coi như đã xong, nhưng liệu cổ vật có lịch sử gần 200 năm này có đem ra khỏi nước Pháp được không? Theo nhà báo Phạm Cao Phong, có một dư luận cho rằng: “nếu có một cơ quan của Pháp hay người Pháp nào muốn ngăn việc vận chuyển tài sản này với lý do không được chuyển tài sản của nước Pháp ra khỏi lãnh thổ Pháp về Việt Nam thì họ vẫn có thể kiện ra tòa để ngăn và chiếc ấn sẽ bị giữ lại nước Pháp cho đến khi tòa xử”, nhưng nhà báo Phạm Cao Phong cho rằng việc này bất khả thi vì đây không phải là tài sản hay bảo vật của nước Pháp. Ông lý giải:

“Tôi muốn nói đã có một tòa án của Pháp phán quyết về sự tranh chấp giữa vua Bảo Đại và hoàng thái tử Bảo Long là chiếc ấn đó thuộc về vua Bảo Đại, đó là cơ sở pháp lý đầu tiên. Thì ai sẽ lật ngược lại cái án lệ đó? Và theo Bộ luật Dân sự của Pháp, điều 1128 và điều 1171 cũng như điều 2272 nói về tính sở hữu chủ thì tôi nghĩ không có điều nào để ngăn việc này cả”.

(Ảnh Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du lịch VN: Mặt dưới của ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo.)

Việc thỏa thuận ngoài sàn (accord de gré à gré) giữa người bán, người mua và nhà đấu giá như một pháp nhân trung gian không phải là một chuyện lạ, nhưng trong tất cả các cuộc đấu giá, giá bán đều được công khai, thế nhưng bên phía Việt Nam cũng như nhà Millon đều không đưa chi tiết về bản thỏa thuận này. Đài RFA liên lạc với một vài commissaires-priseurs (người điều khiển cuộc đấu giá) thì câu trả lời đều là: trong thỏa thuận có một điều khoản là không được công bố nội dung thỏa thuận và nhà Millon phải tôn trọng điều kiện do bên mua (tức là phía Việt Nam) đưa ra.
Sự mập mờ này không khỏi gây sự bất bình ở nhiều người, Luật sư Lê Trọng Quát nói:

“Thật là một sự lạ kỳ mà tôi có thể nói là một sự cố ý mờ ám để mà sử dụng riêng của đảng Cộng sản hay của các cá nhân có chức vị tại Việt Nam. Đó là chuyện quốc gia, là chuyện chung mà mọi người cần biết, tại sao lại là mờ ám, nhập nhèm như vậy?
Sự nhập nhèm đó chứng tỏ là có một cái gì mờ ám. Sau khi bảo vật đem về, sau một thời gian người ta quên đi rồi sẽ tẩu tán? Tôi nhắc lại là một bảo vật quốc gia, nó phải được giữ trong bảo tàng viện, đâu phải là của cá nhân mà làm việc mờ ám. Cái điều mà yêu cầu giữ kín chứng tỏ rõ rệt tư cách mờ ám của các giới chức đó”.

Theo thông lệ, giá mua của tất cả những cổ vật được bán đấu giá sau đó đều được công khai trên trang mạng của nhà đấu giá. Tuy nhiên, trên thông báo của báo Việt Nam cũng như nhà Millon đều không công bố giá mua chiếc ấn. Khi được hỏi về giá mua của Ấn Kim Bảo Tỷ, một trong những commissaire-priseur (người điều khiển cuộc đấu giá) mà chúng tôi (RFA) liên lạc được chỉ cho biết: “Tôi không thể nói gì hơn, nhưng giá của nó cao hơn giá mà chúng tôi ước tính rất nhiều”. (nguyên văn tiếng Pháp: Je ne peux pas en dire plus, mais ç’est nettement au dessus des estimations)
Giá ước tính được đưa ra trong ngày dự định đấu giá là 2-3 triệu Euro, như vậy, thì giá mua phải cao hơn ba triệu Euro rất nhiều. Nhưng chính xác là bao nhiêu thì không được cả phía bên Việt Nam cũng như nhà Millon công khai.

Ngày 5/11, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Biện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam – trả lời trên đài truyền hình Nhân Dân rằng cần xã hội hóa việc huy động nguồn vốn để mua lại chiếc ấn, ông kêu gọi sự đóng góp của các tập đoàn kinh tế lớn của cộng đồng trong cũng như ngoài nước để hồi hương cổ vật.
Câu hỏi “cháy bỏng” của nhiều người Việt quan tâm đến sự kiện này là: “Việt Nam đã phải trả giá bao nhiêu để hồi hương cổ vật? và nguồn vốn được huy động từ đâu? từ tiền của các tập đoàn kinh tế tư nhân hay nguồn vốn Chính phủ, tức từ tiền thuế của người dân? và nếu từ tiền thuế của người dân, tai sao người dân không được biết nội dung thỏa thuận cũng như giá mua chiếc ấn?”

Theo nhà báo Phạm Cao Phong: dù là từ nguồn vốn nào, thì đây là một tài sản quốc gia, và người dân đều được quyền biết:
Thật sự ra, cái khao khát của người dân Việt Nam là họ có quyền công dân, quyền hiểu biết đã được ghi vào quyền con người. Thì tôi nghĩ rằng điều đó, cái câu hỏi đó cần phải được bạch hóa và phải được cho mọi người biết. Tôi nghĩ rằng cái câu hỏi đó phải được đưa thành vấn đề bức thiết bây giờ. Tại vì trong Bảo tàng Huế chẳng hạn, chỉ cần nhìn cũng đã thấy ngay là ấn giả. Một chiếc ấn mà chân con rồng thiếu một cái, mặt ấn thì khấp kha, khấp khểnh. Nhìn thấy là có cái gì đó không thuyết phục được rồi.

Thứ hai nữa là trong khi bàn giao cho Việt Minh thì đã có bản kiếm kê đến 3.000 báo vật của nhà Nguyễn. Bây giờ chúng ta cần phải biết là 3.000 báo vật đó ở đâu và như thế nào? Chúng ta đã biết chuyện 16 tấn vàng rõ rồi, nó mới 1975 thôi. Tức là năm 75 đã bay ra Hà Nội rồi mà đến bây giờ chúng ta cũng không biết là tiêu tốn như thế nào? Mà 16 tấn thì nó không thể chui qua lỗ kim được!

Trong Hiến pháp Việt Nam ghi là “Dân làm chủ”. Người dân là người kiểm tra, còn những viên chức là đầy tớ của nhân dân thì bây giờ yêu cầu phải rõ ràng, minh bạch những điều mà Hiến pháp Việt Nam đã ghi là quyền được hiểu biết, được tiếp nhận thông tin mà những quyền ấy là quyền con người”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét