Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Nhiều Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự, Đang Được Chú Ý Nhất! - Lê Văn Hải


(Hình: Nóng cùng World Cup 2022 của VTV sử dụng 32 cô gái trẻ đẹp.)
“Nóng Cùng World Cup 2022” Của Đài Truyền Hình VTV, Bị Chỉ Trích Dữ Dội, Vì ‘Dùng’ Gái Đẹp Làm ‘Vật Trang Trí!’ Một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội và nhiều người khác chỉ trích chương trình “Nóng cùng World Cup” của đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV về điều mà họ cho là chương trình này sử dụng 32 cô gái xinh đẹp làm “thứ để trang trí”, theo quan sát của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) - Facebooker Hoàng Nguyên Vũ, một cựu nhà báo, viết rằng “không tài nào hiểu nổi là VTV dùng một loạt cô gái trong đủ tư thế trong mùa World Cup (Giải Vô địch Túc cầu Thế giới) này để làm cái gì”.
<!>
Cựu nhà báo hiện có 234.000 người theo dõi trên Facebook cho rằng “điều này dễ mang đến sự suy diễn xấu, coi phụ nữ như một món đồ giải trí, rất không nên!”

Hà Phan, Facebooker có 47.000 người theo dõi, viết rằng ông “thấy tội nghiệp” cho “các hot girl đang bị VTV đem ra làm trò mua vui cho thiên hạ qua cái gọi là bình luận túc cầu”.

Ông đưa ra quan sát rằng những người đẹp này “chủ yếu phục vụ phần nhìn kèm các bình phẩm phần lớn khiếm nhã của các khán giả nam” và không khó để thấy “người ta coi thường và cợt nhả các cô ra sao” trên mạng xã hội.
Họ bị xem như “gia vị rẻ tiền cho những buổi bình luận thiếu muối của VTV”, vẫn lời ông Hà Phan.
“Tôi nghĩ nên chấm dứt hoặc để các cô làm gì đó đúng sở trường của mình chứ đừng hạ thấp và rẻ hóa họ như thế VTV à!”, ông Hà Phan kiến nghị.

Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Trường Sơn, hiện học thạc sĩ ở Đài Loan, đặt câu hỏi trong bài viết đăng trên trang cá nhân “Bao giờ thì phụ nữ mới thôi làm vật trang trí ở các chương trình túc cầu trên VTV nhỉ?”

Ông Sơn cũng nêu gợi ý về cách làm khác qua câu hỏi “Tại sao không phải là những phụ nữ am hiểu túc cầu, tranh luận ngang hàng với các đồng nghiệp nam giới?” Ông lưu ý rằng ở Việt Nam không thiếu cầu thủ túc cầu nữ, trọng tài nữ, huấn luyện viên túc cầu nữ, và phóng viên túc cầu nữ.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, có 97.000 người theo dõi trên mạng xã hội, cũng chất vấn vì sao đài VTV không đưa các nữ cầu thủ của Việt Nam vào chương trình bình luận túc cầu. Trong quan điểm của ông, “họ vừa am hiểu về túc cầu, lại cũng sắp sửa tranh tài tại World Cup”, và ông nêu lên câu hỏi phải chăng vì “các nữ cầu thủ không biết õng ẹo?”

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Phương Mai - hiện giảng dạy ở Hòa Lan - viết trang cá nhân có 130.000 người theo dõi rằng nếu như “Nóng cùng World Cup” mời 32 nữ tuyển thủ Việt Nam, thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp, sẽ có ý nghĩa hơn.

Các nữ cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam, thuộc các thế hệ khác nhau và từng giành được những giải thưởng quốc tế quan trọng, “luôn là những CÔ GÁI VÀNG, những CHIẾN BINH THỰC SỰ trên sân cỏ. Họ đã đem vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương”, nữ phó giáo sư viết.

Bà Mai khẳng định rằng “Đưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân”.

Với cách làm đó, sắc đẹp của phụ nữ không bị vô tình coi như “một thứ để trang trí cho túc cầu và hấp dẫn đàn ông”, bà Mai nhận định, và cho rằng “Nó cũng tránh được cơ hội để vô số các comment thô bỉ, tục tĩu đổ vào quấy rối tình dục, … phát tán thông tin cá nhân và xâm phạm đời tư của các cô”.
Theo quan sát của VOA, các ý kiến nêu trên của những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nhận được hàng ngàn phản ứng “yêu”, “thích” và hàng trăm lời bình luận ủng hộ, đồng tình.


Việt Nam: Cứ Có Giải Túc Cầu Thế Giới, Thì Cũng Đoạt Giải…Nhảy Cầu Kỷ Lục! Công An Lại Vừa Phá Đường Dây Cờ Bạc Cá Độ Túc Cầu, Có Giao Dịch 30 Ngàn Tỷ Đồng!


(Hình: Công an Việt Nam phá đường dây cá độ túc cầu, sau các cuộc khám xét ở Sài Gòn và Đồng Nai hôm 21 và 22/11/2022.)
- Các báo Việt Nam loan tin hôm 23/11/2022 cho hay, Bộ Công an cùng với công an của Tp. HCM và tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá một đường dây cá độ túc cầu quy mô lớn có tổng giá trị các giao dịch lên đến 30.000 tỷ đồng.

Tin cho hay các lực lượng công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 14 địa điểm nằm trong đường dây cá độ kể trên trong hai ngày 21 và 22/11, bắt giữ 14 người và thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Thông tin từ công an được báo chí trong nước đăng lại cho biết đây là đường dây do người Việt Nam cầm đầu, đặt máy chủ ở Campuchia, nhận đặt cược của những người ở Sài Gòn và một số tỉnh lân cận qua các trang web cá cược như bong88.com, Agbong88.com.

Theo thông tin ban đầu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đường dây này được cho là đã hoạt động từ khoảng đầu năm 2021 đến nay.


(Hình: Công an khám xét nhà một người bị bắt trong đường dây.)
Bộ Công an cho biết trong thời gian qua, các lực lượng của ngành này “liên tiếp phát hiện, triệt phá thành công nhiều đường dây đánh bạc, cá độ túc cầu qua mạng với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng” và điều này cho thấy tội phạm cá độ trên không gian mạng “có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là trước thềm World Cup 2022”.

Một bài tường thuật đăng trên báo điện tử của chính phủ Việt Nam hôm 23/11, dẫn lại lời cảnh báo và đề nghị của Bộ Công an rằng “Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ túc cầu; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ túc cầu đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết bao nhiêu vụ nhảy cầu, gi đình tan nát vể tệ trạng này, nên tuyệt đối không tham gia cá độ túc cầu dưới mọi hình thức”.

Bộ cũng kêu gọi rằng nếu người dân phát hiện “các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ túc cầu”, họ cần “kịp thời báo tin tố giác” với cơ quan công an gần nhất hoặc qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, “để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội”.


Hoa Kỳ: 7 Người Thiệt Mạng Trong Vụ Xả Súng Tại Siêu Thị Walmart ở Tiểu Bang Virginia!


(Hình: Xả súng tại siêu thị Walmart ở Chesapeake, Virginia, tối 22/11/2022.)

- Nhà chức trách cho biết 7 người thiệt mạng và một số người bị thương trong vụ nổ súng tại siêu thị Walmart ở Chesapeake, tiểu bang Virginia, vào tối 22/11/2022.
Người phát ngôn sở cảnh sát cho biết cảnh sát tin rằng chỉ có một tay súng gây ra vụ xả súng này và hung thủ đã chết.

Người phát ngôn cũng cho biết cảnh sát tin rằng chỉ có một tay súng trong vụ tấn công và kẻ xả súng đã chết.
Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng tại hộp đêm LGBTQ ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado, khiến 5 người chết và 18 người bị thương.


Người Mỹ Đón Mừng Lễ Tạ Ơn, Giữa Bóng Đen U Buồn của Hai Vụ Xả Súng Chết Nhiều Người Liên Tiếp!


(Hình: Đoàn xe diễn hành trong Cuộc diễu hành Ngày Lễ Tạ ơn của Macy’s lần thứ 96 ở Manhattan, Thành phố New York, ngày 24/11/2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay nước Mỹ đánh dấu ngày Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm (24/11/2022) với các bữa ăn truyền thống, diễu hành và bóng bầu dục Mỹ, dành một ngày để ăn mừng trong một tuần lễ ảm đạm vì bạo lực súng ống.

Ngày lễ năm nay đến trong không khí đau buồn sau hai vụ xả súng chết người. Vào thứ Bảy (20/11), một kẻ tấn công nổ súng trong một hộp đêm mà những người LGBTQ thường hay lui tới ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, giết chết năm người. Ngày thứ Ba, một nhân viên Walmart bắn chết sáu đồng nghiệp rồi tự sát ở thành phố Chesapeake, bang Virginia.
Đó chỉ là hai trong số hơn 600 vụ xả súng trong năm nay, theo Gun Violence Archive, sử dụng định nghĩa bốn người trở lên bị bắn hoặc bị giết, không bao gồm người bắn.

Tổng thống Joe Biden ngày thứ Năm gọi điện thoại cho hai chủ sở hữu hộp đêm Club Q ở Colorado Springs, Nic Grzecka và Matthew Haynes, để gửi lời chia buồn và cảm ơn họ vì những đóng góp của họ cho cộng đồng, Nhà Trắng cho biết.

Khi đến thăm một nhà cứu hỏa trên đảo Nantucket, bang Massachusetts, để cảm ơn những người ứng cứu đầu tiên nhân dịp Lễ Tạ ơn, ông Biden nói với các phóng viên rằng ông sẽ cố gắng thông qua một số hình thức kiểm soát súng trước khi Quốc hội mới bắt đầu nghị họp vào tháng 1, có thể tiếp tục nỗ lực của ông cấm vũ khí tấn công.

Đợt nghỉ cuối tuần dài thường là lúc mọi người ồ ạt du hành khi các gia đình rải rác từ khắp đất nước tụ tập cùng nhau dùng bữa.

Nửa đêm sau Lễ Tạ ơn đánh dấu thời điểm bắt đầu không chính thức của mùa mua sắm Giáng sinh, cho thấy bức tranh tổng quan về tình trạng của nền kinh tế Mỹ.
Nhiều người Mỹ theo dõi các trận đấu bóng bầu dục trên truyền hình trong khi ăn bữa tối với gà tây.

Lễ Tạ ơn cũng là dịp nhiều người quyên góp tặng đồ cho người nghèo và người thiếu ăn, một nhiệm vụ đã trở nên phức tạp do dịch cúm gia cầm đã tiêu diệt khoảng 8 triệu con gà tây, khiến chúng trở nên khan hiếm hơn và do đó đắt đỏ hơn trong năm nay. Sản lượng thịt gà tây năm nay được dự báo sẽ giảm 7% so với năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.


Tai nạn liên tiếp trên cầu Bay Bridge ngày lễ Tạ Ơn, 16 người bị thương!

– Một vụ tai nạn xảy ra trên cầu San Francisco- Oakland Bay Bridge, bắc ngang qua Vịnh San Francisco, nối liền San Francisco và Oakland, khiến ít nhất 16 người bị thương và kẹt xe kinh hoàng trên làn đường phía Đông của cây cầu vào ngày lễ Tạ Ơn, 24 Tháng Mười Một, theo San Francisco Chronicle.


(Hình: Vụ tai nạn liên tiếp ảnh hưởng đến ít nhất sáu chiếc xe, xảy ra tại đường hầm Yerba Buena Tunnel gần Treasure Land. Cầu San Francisco-Oakland Bay Bridge.)

Vào lúc 1 giờ 10 phút trưa Thứ Năm, 24 Tháng Mười Một, Sở Cứu Hỏa San Francisco (SFFD) đăng tweet thông báo về vụ tai nạn và khuyến cáo các tài xế nên “tránh đi vào khu vực này để không bị chậm trễ kế hoạch du lịch dịp lễ Tạ Ơn.”

Sau đó 20 phút, SFFD gửi thông báo cập nhật rằng có 18 người bị thương, trong đó có tám trẻ em, và bốn xe cứu thương đã được gọi đến hiện trường.
Sở Cứu Hỏa sau đó sửa con số thương vong cuối cùng thành 16 người, gồm tám người lớn và tám trẻ em. Có hai người được đưa đến bệnh viện, trong khi 12 người còn lại được điều trị vết thương ngay tại hiện trường. May mắn là không có ai bị thương đe dọa đến tính mạng.

Trước khi xảy ra vụ tai nạn trên cầu Bay Bridge, San Francisco cũng ghi nhận một vụ tai nạn trên cầu Carquinez Bridge trước đó trong ngày.
Đến 2 giờ chiều Thứ Năm, 511 SF Bay, dịch vụ giao thông địa phương, thông báo tất cả các làn đường đã được mở cửa lưu thông trở lại.


Thế Giới Đã Giảm Dần, Nhưng Số Ca Nhiễm COVID ở Trung Quốc Bất Ngờ Tăng Cao Kỷ Lục, (Trên 30 Ngàn Ca!) Nhiều Thành Phố Phong Tỏa!


(Hình: Trong bức ảnh được cung cấp ngày 23/11/2022, những người biểu tình đối đầu với nhân viên an ninh mặc quần áo bảo hộ màu trắng tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Apple ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.)

Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục vào ngày thứ Năm (24/11/2022), với các thành phố trên khắp cả nước áp đặt phong tỏa cục bộ, xét nghiệm hàng loạt và thực thi các biện pháp hạn chế khác và điều này đang khiến người dân thêm bất mãn
Con số 31.444 ca nhiễm COVID-19 mới tại địa phương trong ngày thứ Tư phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào ngày 13 tháng 4, khi trung tâm thương mại Thượng Hải với 25 triệu cư dân bị tê liệt do phong tỏa toàn thành kéo dài suốt hai tháng.

Tuy nhiên lần này những vụ bùng phát lớn xuất hiện nhiều và ở những nơi xa xôi, với vụ lớn nhất ở thành phố Quảng Châu ở miền nam và Trùng Khánh ở tây nam, dù hàng trăm ca nhiễm mới được báo cáo hàng ngày ở các thành phố như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu và Tây An, theo Reuters.

Trong khi số ca nhiễm được ghi nhận chính thức thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, Trung Quốc cố gắng dập tắt mọi chuỗi lây nhiễm, một thách thức khó khăn hơn khi Trung Quốc đối mặt với mùa đông đầu tiên chống lại biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Các biện pháp hạn chế đang tác động đến người dân bị phong tỏa cũng như sản lượng tại các công xưởng, bao gồm cả nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, hiện đang trong tình trạng bất ổn vì các vụ đụng độ giữa công nhân và nhân viên an ninh trong một biểu hiện thái độ bất đồng hiếm hoi, Reuters cho biết.

Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách zero-COVID đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình, ngay cả khi phần lớn thế giới cố gắng cùng tồn tại với virus. Trung Quốc nói cần phải cứu mạng người và ngăn hệ thống y tế bị quá tải.

Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nới lỏng một số quy định về xét nghiệm hàng loạt và cách li, trong khi nước này cân nhắc tránh các biện pháp áp dụng đại trà như phong tỏa toàn thành phố.
Thay vào đó, các thành phố đang áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ hơn và thường không báo trước
Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở vùng đông bắc xa xôi đã áp đặt phong tỏa ở một số khu vực vào ngày thứ Năm.

Nhiều thành phố đã quay trở lại xét nghiệm hàng loạt, điều mà Trung Quốc hi vọng sẽ giảm bớt khi chi phí tăng cao. Những nơi khác, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố nghỉ mát Tam Á trên đảo Hải Nam, đã ra quy định hạn chế di chuyển đối với những người mới đến.

Công Nhân Hoa Lục Nổi Dậy Vì Bị Phong Tỏa Khắt Khe

- Báo Les Echos ra ngày 24/11/2022 tường thuật “Tại Trung Quốc, trong địa ngục của nhà máy iPhone khổng lồ”. Báo Le Figaro nói về “Cuộc nổi dậy chưa từng thấy của các công nhân Trung Quốc bị cách ly”.

Các cuộc biểu tình dữ dội hiếm thấy đã nổ ra tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đặt ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, hầu như bị tách biệt từ hơn một tháng qua vì các biện pháp chống Covid ngặt nghèo. Trước đại dịch, khoảng 300.000 công nhân làm việc tại nhà máy được mệnh danh là “iPhone City” thuộc sở hữu của Foxconn, chuyên sản xuất thiết bị cho Apple.
“Hãy bảo vệ quyền lợi chúng ta!”, “Trả tiền lương cho chúng tôi!”, “Đả đảo Foxconn!”. Khoảng mấy trăm, thậm chí mấy ngàn người lao động từ tối thứ Ba đã đối đầu với công an - theo các video trên mạng xã hội Trung Quốc sau đó đã bị xóa, từ khóa #EmeutesFoxconn (Nổi dậy Foxconn) bị kiểm duyệt. Những người lao động từ sáng sớm muốn chạy khỏi khu nhà tập thể, xô xát với các “đại bạch” (những bảo vệ mặc đồ bảo hộ trắng), cố mở được một đường thoát giữa các dãy rào chắn.

Những video khác cho thấy một xe hơi bị lật ngược, một công nhân đầu đầy máu, nhiều người cầm gậy đập bể các camera giám sát và cửa sổ, khói lựu đạn cay... Công an được điều đến vào cuối ngày để trấn áp. Những hình ảnh khán giả trên khán đài xem World Cup không đeo khẩu trang làm xuất hiện một thư ngỏ trên mạng, đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có “cùng một hành tinh” với Qatar hay không.

Hồi cuối tháng Mười, hàng ngàn công nhân sợ bị phong tỏa đã chạy trốn về quê, kể cả đi bộ, khiến một phần sản xuất bị tê liệt. Công ty hứa thưởng lớn cho những ai ở lại, và cố tuyển người mới. Chính quyền địa phương hỗ trợ bằng cách vận động các cựu quân nhân và đảng viên vào làm việc. Nhưng nhiều người mới đến đã thất vọng vì điều kiện sống tại chỗ. Một cựu binh 22 tuổi nói với Les Echos qua điện thoại: “Tôi không ngờ như vậy, nếu có thể tôi cũng sẽ đi biểu tình và chạy trốn”.

Người này sau 3 ngày ở nhà không tiếp xúc ai, thêm 2 ngày tại nhà máy để đề phòng, nhưng một tuần sau vẫn bị nhiễm và bị cách ly cùng với những ca dương tính khác, khoảng 1.500 người. Dù không triệu chứng, họ chỉ được thả sau 7 ngày nếu xét nghiệm 2 lần âm tính. Nơi ở tạm bợ, bữa ăn không ra gì. Nhất là thù lao không như đã hứa, và những ngày cách ly không được trả lương. Khi mới đến họ nói sẽ trả 30 Nhân dân tệ (4 Euro) một giờ, ngày làm 10 tiếng; nhưng anh phải làm việc 14 giờ/ngày, giờ phụ trội không được tính. Cộng tất cả những ngày cách ly, cảm thấy mất thời gian vô ích nên anh gọi cho ủy ban nhân dân địa phương để đòi về, nhưng họ nói không thể làm gì.
Bạo động nổi lên tại nhiều nơi ở Hoa Lục vì phong tỏa khắt khe. Hồi tháng Năm, khoảng mấy trăm công nhân đã đụng độ với bảo vệ nhà máy Quanta Computer ở Thượng Hải sau nhiều tháng trời không được tiếp xúc với bên ngoài. Mới đây nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các khu phong tỏa ở Quảng Châu, trung tâm “công xưởng thế giới”.

Đầu tháng 11, Apple nhìn nhận việc phong tỏa đã ảnh hưởng tới sản lượng, một thiệt hại to lớn cho tập đoàn trước mùa bán hàng dịp lễ cuối năm. Nhà máy Trịnh Châu sản xuất đến 80% smartphone cho Apple. Việc giao iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ ít hơn dự kiến và mất nhiều ngày hơn. Foxconn bèn nhìn sang Ấn Độ, trong hai năm tới sẽ tăng gấp bốn số công nhân tại Ấn, giảm bớt những rủi ro từ chính sách của Bắc Kinh.


SOS! Covid-19 Lại Bùng Phát Dữ Dội: Trung Quốc Phong Tỏa 6.000.000 Dân ở Trịnh Châu!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 23/11/2022, Trung Quốc ghi nhận thêm 31.454 trường hợp dương tính với Covid-19, tức số ca nhiễm cao kỷ lục ở nước này trong 24 giờ.

Trong bối cảnh này, nhà chức trách đã quyết định ban hành nhiều biện pháp y tế trên toàn quốc. Thủ đô Bắc Kinh yêu cầu người dân phải có xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ để đến nơi công cộng. Còn tại Trịnh Châu, Hà Nam, một phần của thành phố đã bị phong tỏa sau khi nhân viên của Foxconn - nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, biểu tình phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI cho biết thêm:
“Các biện pháp hạn chế này kéo dài 5 ngày và được áp dụng với gần một nửa siêu đô thị Trịnh Châu, tức là hơn 6.000.000 người sẽ bị ảnh hưởng. Biện pháp phong tỏa được ban hành một ngày sau phong trào đấu tranh của công đoàn Foxconn 2.0, do sự phẫn nộ của công nhân, điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Trên các video được chia sẻ trên mạng xã hội, các nhân viên mới được tuyển của Foxconn, bị thu hút bởi những khoản tiền thưởng hậu hĩnh mà các công ty môi giới hứa hẹn, cho biết họ nhanh chóng vỡ mộng khi đến khu ký túc xá bị quá tải.

Một công nhân bất bình hét lên: “Họ hứa với chúng tôi là 4 Euro một giờ, nhưng khi kết thúc khóa đào tạo trực tuyến, hợp đồng của chúng tôi đã thay đổi. Bây giờ họ bảo chúng tôi làm việc đến năm sau mới được nhận tiền thưởng. Và nếu bị xét nghiệm dương tính, chúng tôi sẽ không nhận được gì, trong khi họ từng hứa sẽ bảo vệ chúng tôi, sẽ khử trùng tất cả mọi nơi trong nhà máy”.

Nhiều công nhân nói thêm: “Làm việc trong một khu khép kín, bị cách ly dẫn đến nguy cơ bị lây nhiễm? Không, cám ơn”.
Để xoa dịu nỗi tức giận của các nhân viên, ban lãnh đạo Foxconn một lần nữa đã phải rút ví và hứa bồi thường cho những người muốn ra đi. Ban lãnh đạo phủ nhận sự có mặt của những công nhân xét nghiệm dương tính trong ký túc xá”.

Hết Mỹ Giờ Tới Canada, Điều Tra Về Các ‘Đồn Công An’ Trung Quốc Đặt ở Toronto!


(Hình: Quốc kỳ Trung Quốc và Canada.)

- Theo tin của thông tấn xã Reuters, Cảnh sát Canada hôm 22/11/2022 cho biết họ đang điều tra các nguồn tin về “các đồn công an” của Trung Quốc hoạt động ở Greater Toronto Area về khả năng chúng can thiệp vào lợi ích của Canada và đe dọa an ninh quốc gia.

Canada cùng với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ và Hòa Lan, tiến hành các cuộc điều tra như vậy sau khi Safeguard Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Âu Châu, công bố một báo cáo vào tháng 9 tiết lộ sự hiện diện của hàng chục “đồn” công an Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders cho biết các đồn này là một phần mở rộng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc các công dân Trung Quốc hoặc người thân của họ ở nước ngoài quay trở lại Trung Quốc để đối mặt với cáo buộc hình sự.

Báo cáo này cũng liên kết vụ việc này với các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, một cơ quan của Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm truyền bá ảnh hưởng và tuyên truyền ra nước ngoài. Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc đó.
Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết trong một tuyên bố: “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn sự đe dọa và quấy rối cũng như bất kỳ hình thức gây hại nào được khởi xướng thay mặt cho một thực thể nước ngoài đang được áp dụng cho bất kỳ cộng đồng nào ở Canada”. Greater Toronto Area thuộc Toronto, thủ đô tài chính và là thành phố đông dân nhất của Canada.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters hôm 22/11.

Trước đây, một số người nói rằng có những trung tâm bên ngoài Trung Quốc do các tình nguyện viên địa phương điều hành, không phải công an Trung Quốc, nhằm mục đích giúp công dân Trung Quốc gia hạn tài liệu và cung cấp các dịch vụ khác bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Canada leo thang trong nhiều năm, căng thẳng ngoại giao lại trở thành tâm điểm chú ý gần đây khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng thắn lên án vụ rò rỉ cuộc trò chuyện giữa ông với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Tin Cộng Ðồng: Nhạc Kịch ‘Miss Saigon’ Bị Huỷ Diễn ở Anh, Vì ‘Lố Lăng’ và ‘Phân Biệt Chủng Tộc’ Với Người Việt!


(Hình: Diễn viên Alistair Brammer và Eva Noblezada đóng vai Chris và Kim trong vở nhạc kịch “Miss Saigon” được trình diễn tại nhà hát Prince Edward ở Luân Đôn, Anh Quốc, vào ngày 19/5/2014.)

Vở nhạc kịch “Miss Saigon” (“Cô gái Sài Gòn”) từng gây tiếng vang của hai biên kịch người Pháp là Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil vừa bị huỷ diễn tại nhà hát Crucible ở trung tâm thành phố Sheffield của Anh vì bị chỉ trích có “những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc” nhằm vào người Việt Nam, hàng loạt hãng tin Anh cho biết hôm 23/11/2022.
Công ty New Earth Theatre, bao gồm một nhóm các nghệ sĩ người Anh gốc Đông và Đông Nam Á, ra thông báo nói rằng vở nhạc kịch “Miss Saigon” có chứa “những ẩn dụ tai hại, những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc” nhằm vào người Việt Nam.

Sheffield Theaters, công ty vận hành nhà hát Crucible 980 chỗ ngồi, nói họ “tôn trọng” quyết định rút lại vở nhạc kịch.
Các Giám đốc sáng tạo của nhà hát thừa nhận về “lịch sử biểu diễn gây chia rẽ” và “sự tức giận đã gây ra” của vở nhạc kịch “Miss Saigon”.

Trong một tuyên bố, nhà hát của Anh nói: “Chúng tôi đã tiếp cận sản phẩm mới này một cách dè dặt và tin rằng đây là cơ hội để chúng tôi tham gia theo cách mới với công ty mà phần lớn là người gốc Đông và Đông Nam Á đang dàn dựng lại câu chuyện”.

Trong một tuyên bố dài được đưa ra hôm thứ Hai, hai Giám đốc sáng tạo của rạp là Robert Hastie và Anthony Lau đã đưa ra lời giải thích đầy đủ hơn về lý do tại sao họ lại dàn dựng vở kịch “Miss Saigon” mới vào mùa hè năm 2023.
Họ nói rằng họ hiểu vở kịch này “kể một câu chuyện về Việt Nam, trong đó có những miêu tả về phụ nữ và đàn ông Việt Nam đã khiến mọi người khó chịu và được xem là củng cố cho những định kiến tai hại”.

Các Giám đốc nhà hát nói họ hy vọng có thể dựng lại tác phẩm cổ điển “thông qua lăng kính mới, phản ánh thế giới ngày nay”.
Phiên bản gốc của Miss Saigon ra mắt tại West End, Luân Đôn vào năm 1989. Mặc dù nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình, bao gồm hai giải Laurence Olivier và ba giải Tony, bản gốc của vở nhạc kịch đã gây ra tranh cãi khi các diễn viên da trắng đeo mắt giả để thay đổi vẻ ngoài của họ.

Lấy cảm hứng từ vở opera “Madama Butterfly” năm 1904 của Puccini, vở nhạc kịch lấy bối cảnh Việt Nam vào cuối chiến tranh, kể về câu chuyện của một phụ nữ trẻ người Việt và mối quan hệ của cô với một người lính Mỹ.


Tin Quốc Tế Đó Đây:

Kherson, Tại Sao Người Dân Lại Bỏ Đi Ngay Trước Khi Thành Phố Được Giải Phóng?
- Ngày 24/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trước khi Kherson thất thủ, quân đội Nga đã sơ tán người dân Ukraine sang Crimée. Chiến dịch này bị chính quyền Kyiv lên án “đày ải”.

Theo một số nhân chứng, người dân Ukraine không bị ép lên những xe buýt để sang Nga mà tự nguyện rời Kherson do bị chính quyền chiếm đóng “tẩy não”. Phóng sự của đặc phái viên RFI Maurine Mercier tại Kherson:
“Genia, 23 tuổi, sinh viên đại học, nóng lòng chờ có điện trở lại để có thể học bài. Cô cho biết là từ 10 ngày nay, dù còn nhiều khó khăn, cô đã có thể hít thở lại. Cô mô tả sự nhẹ nhõm này là do không bị tuyên truyền đè nặng nữa.

Cô nói: “Khi chúng tôi mất kết nối internet lúc quân Nga chiếm đóng, chúng tôi xem truyền hình của Nga, đó là cả một chiến dịch tuyên truyền kinh hoàng!”

Nga nói rằng quân đội Ukraine sẽ oanh kích thành phố và phải chạy lánh nạn. Quân chiếm đóng cũng tuyên bố là những người Ukraine ở lại sẽ bị bắt giữ vị họ bị coi là cộng tác với Nga.
Đối với Olex, chính vì sự tuyên truyền mạnh mẽ, ở khắp nơi, khắc vào tâm trí mà rất nhiều người đã quyết định rời khỏi thành phố của họ để sang Nga. Anh nói: “Nếu tôi là một sĩ quan Ukraine, tôi gọi đó là “đày ải”. Nhưng tôi cố khách quan nhất có thể. Họ (quân Nga) không bắt ép ai đi cả”.

Theo Olex thì tuyên truyền của Nga tinh tế, thủ đoạn hơn nhiều: “Người ta tẩy não người dân đến mức họ chấp nhận ý nghĩ là “những kẻ phát xít Ukraine” sẽ đến giết tất cả mọi người”. Olex cho biết là những gia đình đó bị chia rẽ vì tuyên truyền của Nga, mà anh cũng bị liên quan trực tiếp. Olex ở lại còn các thành viên gia đình thì sang Crimée”.

Trong khoảng 8 tháng chiếm đóng thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, theo các nhà điều tra, quân Nga đã phạm “hơn 400 tội ác chiến tranh”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại điều này trong chuyến thăm hôm 13/11.


Tổng Thống Ukraine Tố Cáo Lên Án “Hành Động Khủng Bố Dã Man” của Nga Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngay sau khi Nga ồ ạt bắn phi đạn vào cơ sở hạ tầng dân sự ở nhiều thành phố Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã coi đó là “một tội ác chiến tranh và không thể không bị trừng phạt”. Phát biểu qua video trong phiên họp khẩn ngày 23/11/2022 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Volodymyr Zelensky lên án Nga phạm “tội ác chống nhân loại”.

Đa số các nước thành viên lên án các vụ oanh kích của Nga tác động đến thường dân, nhưng vẫn bất lực và không đáp ứng yêu cầu mà Tổng thống Ukraine đã nhiều lần nêu ra, đó là là cải tổ quy định của Liên Hiệp Quốc để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Nga. Thông tín viên RFI Carrie Nooten tại New York (Hoa Kỳ) tường trình:
“Hội Đồng Bảo An được Hoa Kỳ triệu tập họp vào phút chót để tiếp tục có phản ứng ngay lập tức trước các cuộc tấn công của Matxcơva: Nga bắn 70 quả phi đạn vào Ukraine chỉ trong một ngày, theo ông Volodymyr Zelensky. Tổng thống Ukraine lên án “phương thức khủng bố của Nga” và yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng kiên quyết.

Ông phát biểu: “Với nhiệt độ xuống dưới 0°C, vài triệu người không được cung cấp năng lượng, không sưởi và không nước, đó rõ ràng là một tội ác chống nhân loại. Chúng ta phải đưa thế giới ra khỏi ngõ cụt này và có thể làm được việc đó. Chúng ta không thể mãi là con tin của một Nhà nước khủng bố quốc tế”.

Rất nhiều nhà ngoại giao thừa nhận rằng những vụ tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế. Họ kêu gọi hai bên tập trung nỗ lực vào hòa bình. Ông Volodymyr Zelensky cũng vừa đề cập đến Kế hoạch Hòa bình gồm 10 điểm. Tuy nhiên, từ “hòa bình” không được đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nhắc đến một lần nào”.

Kremlin: Lãnh Đạo Ukraine Có Thể ‘Chấm Dứt Đau Khổ’ Bằng Cách Đáp ứng Đòi Hỏi của Nga


(Hình: Cư dân địa phương xếp hàng hứng nước uống sau khi cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu bị phi đạn của Nga tấn công ở Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 24 tháng 11 năm 2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Năm (24/11/2022), Điện Kremlin phủ nhận rằng các cuộc tấn công của họ vào mạng lưới điện của Ukraine là nhắm vào thường dân, nhưng nói Kyiv có thể “chấm dứt đau khổ” của người dân bằng cách đáp ứng các đòi hỏi của Nga để giải quyết cuộc xung đột.

Các vụ tấn công tới tấp bằng phi đạn nhắm vào cơ sở hạ tầng điện trên khắp Ukraine trong những tuần qua đã buộc hàng triệu người phải sống trong cảnh thiếu ánh sáng, nước hoặc hơi sưởi ấm trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, ngay khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới mức đóng băng.

Nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng “không có vụ tấn công nào vào các mục tiêu ‘xã hội’ và không có cuộc tấn công nào - điều này được đặc biệt chú ý”.
“Đối với các mục tiêu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiềm lực quân sự, chúng sẽ là đối tượng bị tấn công”, ông nói.

Ông Peskov được hỏi làm thế nào có thể dung hòa nỗi đau khổ của người dân Ukraine với lập trường của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin đã nói rằng Nga không muốn tiêu diệt Ukraine hay người dân nước này.
“Giới lãnh đạo Ukraine có mọi cơ hội để đưa tình hình trở lại bình thường, có mọi cơ hội để giải quyết tình hình theo cách đáp ứng các đòi hỏi của phía Nga và theo đó, chấm dứt mọi đau khổ có thể xảy ra trong dân chúng”.


Hoa Kỳ Cấp Thêm Cho Ukraine 400 Triệu Mỹ Kim Đạn Dược, Máy Phát Điện!


(Hình: Hệ thống phòng không HIMARS được đưa một máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại Trạm Không quân Thủy quân Lục chiến Camp Pendleton, California, Mỹ, ngày 27/1/2022.)

- Hoa Kỳ đang gửi thêm 400 triệu đôla đạn dược và máy phát điện tới Ukraine, Nhà Trắng thông báo ngày thứ Tư (23/11/2022), và đang lấy các thiết bị từ kho dự trữ của mình để hỗ trợ Kyiv nhanh nhất có thể trong khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu tấn công vào nguồn cung ứng năng lượng của Ukraine và mùa đông đã bắt đầu.

Tính luôn viện trợ mới nhất này, Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp hơn 19 tỉ đôla vũ khí và các thiết bị khác cho Ukraine kể từ khi Nga khởi sự chiến tranh vào ngày 24 tháng 2. Gói viện trợ mới sẽ được cung cấp thông qua thẩm quyền giải ngân của Tổng thống, cho phép Lầu Năm Góc lấy vũ khí từ kho của chính mình và nhanh chóng vận chuyển chúng đến Ukraine.

Gói mới nhất bao gồm 200 máy phát điện, một số lượng đạn bổ sung không được tiết lộ là bao nhiêu cho cả hệ thống phòng không NASAMS tiên tiến và hệ thống pháo HIMARS mà Hoa Kỳ đã chuyển đến Ukraine, 150 súng máy hạng nặng có kính ngắm nhiệt để bắn hạ máy bay không người lái, 10.000 viên đạn cối 120 li và thêm 20 triệu viên đạn vũ khí nhỏ, cùng những khí tài khác, Lầu Năm Góc cho biết.
“Với các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái không ngừng nghỉ và tàn bạo của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng hệ trọng của Ukraine, các năng lực phòng không bổ sung vẫn là ưu tiên cấp bách”, Lầu Năm Góc nói trong một phát biểu. “Các loại đạn dược bổ sung cho NASAMS và súng máy hạng nặng sẽ giúp Ukraine chống lại những mối đe dọa khẩn cấp này”.

Dòng vũ khí được cung cấp trong khi chính quyền Biden tìm cách thông qua khoản viện trợ quân sự và nhân đạo bổ sung trị giá 37 tỉ đôla cho Ukraine trong phiên nghị họp của Quốc hội sau bầu cử, trước khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1. Một số thành viên Cộng hòa bao gồm cả chủ tịch Hạ viện tiềm năng, Dân biểu Kevin McCarthy, đã nêu nghi vấn về số tiền được chi cho Ukraine.

Nghị Viện Âu Châu Đưa Đến Kết Luận, Tuyên Bố Nga Là Nhà Nước Tài Trợ Khủng Bố!


(Hình: Hôm 23/11/2022, Nghị viện Âu Châu thông qua nghị quyết xem Nga là nhà nước tài trợ khủng bố.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 23/11/2022, Nghị viện Âu Châu (EP) coi Nga là nhà nước tài trợ khủng bố, cáo buộc các cuộc tấn công quân sự của Moscow vào các mục tiêu dân sự như cơ sở hạ tầng năng lượng, bệnh viện, trường học và nơi trú ẩn đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Các nhà lập pháp Âu Châu bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết liệt Nga là nhà nước tài trợ khủng bố.

Động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì Liên Hiệp Âu Châu (EU) không có khung pháp lý để hỗ trợ. Đồng thời, khối này áp các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia khác coi Nga là nhà nước tài trợ khủng bố, cáo buộc lực lượng của họ nhắm vào dân thường, điều mà Moscow phủ nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho đến nay vẫn từ chối liệt Nga vào danh sách này mặc dù các nghị quyết ở cả hai viện của Quốc hội thúc giục ông làm như vậy.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện coi bốn nước - Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran và Syria - là những quốc gia bảo trợ khủng bố, có nghĩa là các nước này phải chịu lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng và hạn chế tài chính của Mỹ.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện Âu Châu, quốc hội của bốn quốc gia EU cho đến nay đã liệt Nga là nhà nước tài trợ khủng bố là Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan.


Giám Đốc IAEA Thảo Luận Với Phía Nga Về Việc Bảo Vệ Nhà Máy Hạt Nhân Zaporizhzhia


(Hình: Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi trong một cuộc họp báo ở Vienna.)

- Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc vừa gặp một phái đoàn Nga ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 23/11/2022, để thảo luận về an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga nắm giữ ở Ukraine, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan giám sát này cho biết.

Nhà máy Zaporizhzhia, mà Nga chiếm giữ ngay sau cuộc xâm lược ngày 24/ 2, một lần nữa bị rung chuyển bởi pháo kích vào cuối tuần qua, dẫn đến việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lập lại lời kêu gọi tạo ra một khu vực bảo vệ an toàn xung quanh nhà máy để ngăn chặn thảm họa hạt nhân.

Từ trước đến nay, Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích vào nhà máy trong những tháng gần đây, làm hư hại các tòa nhà và làm đứt đường dây điện cung cấp cho nhà máy, vốn rất quan trọng để làm mát nhiên liệu của sáu lò phản ứng và tránh một cuộc khủng hoảng hạt nhân.

“Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã gặp một phái đoàn Nga do Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev dẫn đầu tại Istanbul hôm nay, để tham vấn về các khía cạnh hoạt động liên quan đến an toàn tại nhà máy Zaporizhzhya ở Ukraine và về việc khẩn trương thiết lập khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân”, IAEA cho biết trên Twitter.

Ông Grossi cảnh báo trong nhiều tháng về nguy cơ xảy ra tai nạn thảm khốc do pháo kích.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước đã ra lệnh cho một công ty con của Rosatom, cơ quan năng lượng hạt nhân do nhà nước Nga điều hành, tịch thu tài sản của nhà máy và chuyển nhân viên Ukraine sang một pháp nhân mới của Nga. Kyiv cho rằng hành động đó là hành vi trộm cắp.

Trong một tuyên bố được các hãng thông tấn Nga trích dẫn, Rosatom cho biết cuộc họp ở Istanbul tập trung vào việc “đảm bảo an toàn cho nhà máy”.

“Phản ứng nhanh chóng của IAEA đối với vụ pháo kích lớn vào nhà máy vào ngày 20/11 năm nay đã được ghi nhận. Các bên đã đồng ý tiếp tục hợp tác”, tuyên bố cho biết.

Các Bộ Trưởng Năng Lượng EU, Họp Bàn Thực Thi Áp Giá Trần Khí Đốt

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Bộ trưởng Năng Lượng của 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) họp vào hôm 24/11/2022 tại Brussels (thủ đô của Bỉ), để tìm ra tiếng nói chung trong việc thực thi áp giá trần khí đốt, ngăn chặn giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, biện pháp này vốn gây chia rẽ nhiều nước thành viên từ nhiều tháng qua.

Từ Brussels, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình:
“Áp giá trần khí đốt là một trong những biện pháp được hơn một nửa số thành viên Liên Hiệp Âu Châu yêu cầu áp dụng kể từ mùa xuân. Cuối cùng, cách nay một tháng, Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh Âu Châu, thuyết phục được Đức, Hòa Lan và Đan Mạch chấp nhập thỏa hiệp nhằm giới hạn giá khí đốt, nhưng chỉ giới hạn một phần và hạn chế.

Một tháng sau, Ủy Ban Âu Châu đề xuất một cơ chế kép và tương đối phức tạp, có hiệu lực trong cả năm 2023. Cơ chế này nhằm tránh cho giá tăng đột biến, có thể được kích hoạt với hai điều kiện. Điều kiện đầu tiên là chênh lệch trở nên quá lớn giữa giá khí đốt thế giới và giá tham chiếu Âu Châu được gọi là TTF. Điều kiện thứ hai là giá của megawatt/giờ vượt quá 275 Euro.

Cơ chế áp giá trần này đã bị chỉ trích rộng rãi: không hợp lý, không đầy đủ, không nhất quán là những từ được nghe thấy nhiều nhất ở Pháp, hoặc những uyển ngữ thể hiện lập trường của Tây Ban Nha, cho rằng Ủy Ban Âu Châu đang chế nhạo thế giới bằng cách đưa ra những đề xuất như một trò đùa”.

Tin giờ chót: Cuộc họp các Bộ trưởng Năng Lượng của 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã không đạt được đồng thuận về việc áp dụng giá trần khí đốt tự nhiên, theo như đề xuất của Ủy Ban Âu Châu. Theo một nguồn tin ngoại giao, được AFP trích dẫn, các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn và các Bộ trưởng dự kiến gặp lại nhau vào khoảng nửa đầu tháng 12/2022.

Cơ Quan Không Gian Âu Châu Tăng Ngân Sách, Để Cạnh Tranh Với Mỹ và Trung Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 23/11/2022, sau nhiều cuộc đàm phán khó khăn, 22 nước thành viên của Cơ quan Không gian Âu Châu (ESA) cuối cùng cũng đưa ra được quyết định. Với 16,9 tỉ Euro cho chương trình hoạt động trong 3 năm tới, mặc dù thấp hơn so với yêu cầu ban đầu của Tổng Giám đốc ESA là 18,5 tỉ Euro, nhưng ngân sách này tăng 17% so với 3 năm trước.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Lemaire, nước tổ chức hội nghị, hoan nghênh “thành công lớn” này và ngân sách “vượt qua cả mức trông đợi”. Tổng Giám đốc Cơ quan Không gian Âu Châu, ông Josef Aschbacher cũng cho biết “rất ấn tượng về kết quả này căn cứ vào mức lạm phát hiện nay”. Theo ông, ngân sách được thông qua “là cần thiết để không bị lỡ chuyến tàu” trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt và đang bị Mỹ và Trung Quốc chi phối.

Theo thông tấn xã AFP, khoản tăng ngân sách sẽ cho phép bảo mật các dự án quan trọng của ESA, đặc biệt là về các chương trình khoa học, viễn thông, hoặc thậm chí là định vị bằng vệ tinh. Hơn 8 tỉ Euro sẽ được dành để tài trợ các chương trình thám hiểm không gian (2,7 tỉ Euro), theo dõi Trái đất, trong đó có việc đo lường và theo dõi tình hình biến đổi khí hậu (2,7 tỉ Euro) và phóng vệ tinh vào không gian, đặc biệt là cải thiện các phi đạn Ariane 6 và Vega-C (2,8 tỉ Euro).

Cũng trong ngày 23/11, Cơ quan Không gian Âu Châu giới thiệu 5 phi hành gia mới, tham gia đội ngũ 7 phi hành gia đang làm việc cho ESA. Họ đã vượt qua 22.500 ứng cử viên và thời gian hai năm tuyển chọn. Trong số 5 phi hành gia mới, có hai phụ nữ, Rosemary Coogan người Anh và Sophie Adenot người Pháp. Là phi hành gia thứ 11 của Pháp, Sophie Adenot cho biết đã thực hiện được giấc mơ từ nhỏ. Nữ phi công từng thử nghiệm trực thăng cho Không Quân Pháp, sẽ bắt đầu chương trình huấn luyện với các đồng nghiệp mới từ mùa xuân 2023.


Brazil: Đảng của Jair Bolsonaro Đệ Đơn, Đòi Hủy Kết Quả Bầu Cử Tổng Thống

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay 3 tuần sau kết quả bầu cử Tổng thống được công bố, đảng Tự do của Tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro, hôm 22/11/2022, đã kiện lên Tòa án Bầu cử Tối cao (TSE) đòi hủy kết quả kiểm phiếu của hơn 280 ngàn máy bỏ phiếu điện tử. Đảng này cho rằng có những “trục trặc”, cản trở Tổng thống mãn nhiệm tái đắc cử trước đối thủ Lula da Silva.

Theo đảng Tự do, việc hủy những kết quả tại những điểm bỏ phiếu trên sẽ cho phép ông Jair Bolsonaro thu được 51,05% phiếu bầu, đảo ngược kết quả chính thức hiện nay là 50,9% cho Lula và 49,01% cho ông Bolsonaro. Tuy nhiên, chủ tịch TSE Alexandre de Moraes, đã tức thì bác bỏ đòi hỏi này của đảng Tự do. Thông tín viên Martin Bernard của Đài RFI, tại Sao Paolo, giải thích:

“Valdemar de Costa Neto, chủ tịch đảng Tự do của ông Jair Bolsonaro đã triệu tập một cuộc họp báo để yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử Tổng thống. Theo ông, một số máy bỏ phiếu điện tử được sản xuất trước năm 2020, dường như có những sai lệch, và có thể ngăn cản ứng viên cực hữu giành được thắng lợi ở vòng hai. Kháng cáo này được đưa ra ba tuần sau cuộc bỏ phiếu, mà theo cơ quan giám sát, đã diễn ra suôn sẻ, không có vấn đề gì.

Tòa án bầu cử cấp cao đã tức thì đáp trả, với lập luận vì sao đảng Tự do đã không yêu cầu hủy kết quả ngay từ vòng một, cũng diễn ra trong những điều kiện tương tự. Vào ngày đó, đảng của ông Bolsonaro đã giành được nhiều ghế nhất trong Hạ Viện. Vì vậy, theo tòa án, đòi hỏi hủy kết quả bầu cử nếu không bao gồm cả vòng một cuộc bỏ phiếu, thì đương nhiên sẽ bị bác bỏ.

Ý định phản đối kết quả bầu cử đã được biết trước và nằm trong các chuỗi hành động của những người ủng hộ Jair Bolsonaro. Nhiều người trong số này vẫn tiếp tục phong tỏa các con lộ, và nhiều nhóm nhỏ biểu tình trước vài trại lính kêu gọi đảo chính nhằm ngăn chặn Lula de Silva trở lại cầm quyền”.


ASEAN Mở Rộng, Kêu Gọi Tôn Trọng Luật Pháp Quốc Tế, Để Tránh Va Chạm Trên Biển

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau 2 ngày họp tại Siem Reap (Cam Bốt), Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác kêu gọi tôn trọng các quy định quốc tế để tránh đối đầu trên biển.

Trong tuyên bố chung công bố ngày 23/11/2022, các bên nhắc lại cam kết cải thiện việc chia sẻ thông tin và tuân thủ Bộ Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển, được thông qua năm 2014, nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm.

Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) mở rộng (ADMM Plus) gồm 18 nước: 10 nước ASEAN, nhưng Miến Điện không tham gia, và 8 “đối tác đối thoại” trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Tuyên bố chung của các bên tái khẳng định của tầm quan trọng được tự do lưu thông trên biển và trên không. Theo trang Nikkei Asia, ý muốn nói đến eo biển Đài Loan và các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Tuyên bố chung cũng cổ vũ các nước tham gia ADMM Plus tránh “những thông tin sai lệch” và nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “tin tưởng lẫn nhau”. Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Cam Bốt, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng nhấn mạnh rằng “tôn trọng lẫn nhau và đối thoại thẳng thắn là điều quan trọng”.

Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh để nắm quyền lãnh đạo ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và tìm cách lôi kéo các nước ASEAN về phía họ. Trong cuộc họp song phương bên lề ADMM Plus, Bộ trưởng Mỹ Lloyd Austin và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhất trí duy trì các kênh đối thoại để tránh đối đầu quân sự. Tuy nhiên, trước nguy cơ xảy ra đối đầu ngoài ý muốn ở eo biển Đài Loan hoặc ở Biển Đông, các nước trong vùng kêu gọi cần có các biện pháp phòng ngừa.

Theo đài truyền hình NHK, tình hình chiến sự ở Ukraine cũng được đề cập tại hội nghị hôm 23/11 dù nội dung không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin ngoại giao của NHK, Hoa Kỳ và nhiều nước đã chỉ trích Matxcơva. Nga cử Thứ trưởng Quốc Phòng Alexander Fomin tham dự hội nghị ADMM Plus lần này.


Nhà Đối Lập Anwar Ibrahim, Được Chỉ Định Làm Thủ Tướng Mã Lai Á

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Quốc vương Mã Lai Á chính thức chỉ định lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim (75 tuổi), thuộc phe cải cách, thành lập nội các. Lãnh đạo đảng Patakan Harapan - Liên minh Hy vọng - tuyên thệ nhậm chức vào lúc 17 giờ chiều ngày 24/11/2022.

Trong cuộc bầu cử lập pháp Mã Lai Á hôm 19/11 đảng của ông Anwar Ibrahim về đầu với 82 dân biểu. Do không hội đủ đa số tuyệt đối, đảng này phải tìm kiếm liên minh. Chiều qua, đảng UMNO với 30 ghế trong Quốc Hội mới tuyên bố ủng hộ đảng Liên minh Hy vọng và tham gia nội các. Thông tín viên RFI, Gabrielle Maréchaux từ thủ đô Kuala Lumpur gửi về bài tường trình:

“Đây là thời khắc mà những người ủng hộ Anwar Ibrahim đã chờ đợi từ 25 năm nay. Ông vừa được quốc vương chỉ định làm Thủ tướng. Là một nhà đối lập trong một thời gian dài trên chính trường Mã Lai Á, Anwar Ibrahim chưa bao giờ che giấu tham vọng lãnh đạo đất nước cho dù sự nghiệp chính trị của ông đầy trắc trở.

Anwar Ibrahim đã hai lần bị tống giam vì tội có quan hệ tình dục với người đồng tính, một tội danh tồn tại từ thời thuộc địa mà Mã Lai Á chưa bao giờ xóa bỏ. Nhưng Anwar Ibrahim và nhiều nhà quan sát luôn coi những án tù đó là một sự trả thù, trấn áp về chính trị.

Một số người coi Anwar Ibrahim, năm nay 75 tuổi, như một người tuẫn tiết; một số khác thì cho rằng ông là một chính trị gia tráo trở. Giờ đây ông lên nắm quyền nhưng trong vị thế bấp bênh. Theo Hiến Pháp Mã Lai Á, nhà vua chỉ định lãnh đạo đảng nào có đa số tại Quốc Hội tín nhiệm làm Thủ tướng.

Đành rằng liên minh do ông Anwar Ibrahim lãnh đạo về đầu nhưng liên minh này không giành được đa số ghế ở Quốc Hội. Anwar Ibrahim được chỉ định thành lập nội các sau 5 ngày đàm phán với các đảng phái chính trị khác và dưới áp lực của quốc vương Mã Lai Á kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Vào giờ chót chính những đối thủ chính trị của ông Anwar Ibrahim đã đồng ý liên minh, cho phép ông lên cầm quyền”.

Tố Cáo Việt Nam Vi Phạm Nhân Quyền: USCIRF Lên Tiếng Việc Ông Phan Văn Thu Chết Trong Trại Giam


(Hình: USCIRF đưa ông Phan Văn Thu vào danh sách nạn nhân của các hành động vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng.)

- Hôm 22/11/2022, Uỷ hội Tự to Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) bày tỏ sự đau buồn khi hay tin ông Phan Văn Thu chết trong trại giam, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hối thúc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả tự do cho các tù nhân tôn giáo khác.
“USCIRF rất đau buồn khi biết tin ông Phan Văn Thu đã qua đời, người được cho là đã chết trong tù sau khi chống chọi với một vấn đề sức khỏe không xác định. Ông Thu là người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo, một nhóm tôn giáo độc lập, và đã bị kết án tù chung thân vì các hoạt động tôn giáo của mình”, USCIRF dẫn lời Ủy viên Frederick A. Davie cho biết trong một email gửi Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

“Sức khỏe của ông yếu trước khi ông qua đời, mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, tăng huyết áp và suy tim. Theo nguồn tin gia đình, quản lý trại giam đã không điều trị y tế thích hợp cho ông trong thời gian ông ở trong tù”, ủy viên của USCIRF cho biết thêm.
“USCIRF đã hối thúc và sẽ tiếp tục hối thúc chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam, giám sát chặt chẽ và nêu rõ tình trạng của các tù nhân lương tâm tôn giáo và vận động cho việc chăm sóc y tế cho họ trong tù cũng như việc trả tự do cho họ”, ông Davie cho biết.

Như VOA đã loan tin, ông Phan Văn Thu, chết ngày 20/11 tại trại giam Gia Trung ở Gia Lai do Bộ Công an quản lý. Thi thể của ông sau đó đã được bàn giao cho gia đình. Gia đình ông Thu nói với VOA rằng họ đã nhiều lần làm đơn gửi trại giam yêu cầu cho ông Thu hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh, nhưng không được chấp thuận.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi đề nghị bình luận của VOA về phát biểu của gia đình ông Thu và của USCIRF.
Trước đó, USCIRF đưa ông Phan Văn Thu vào danh sách nạn nhân của các hành động vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng toàn cầu và liên tục vận động để nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phóng thích ông Thu.

Vào tháng 2/2013, ông Thu bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kết án tù chung thân với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”, trong khi 24 thành viên khác trong nhóm Ân Đàn Đại Đạo mỗi người nhận bản án từ 10 đến 17 năm tù, tổng cộng 309 năm tù giam và 110 năm quản thúc.


Cựu Cán Bộ Trại Giam Z30D, Dùng Nhục Hình Với Nữ Phạm Nhân, Lĩnh Án 2 Năm Tù!


(Hình: Quang cảnh phiên tòa xét xử cựu Đại úy Nguyễn Doãn Tú.)
- Cựu Đại uý cảnh sát Trại giam Thủ Đức (Z30D), Bộ Công an – Nguyễn Doãn Tú bị Toà sở thẩm tuyên 2 năm tù giam về tội dùng nhục hình, quy định tại khoản 2 Điều 373 Bộ luật Hình sự.

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 24/11/2022, sau khi Toà án nhân dân huyện Hàm Tân, Bình Thuận, kết thúc phiên xử sơ thẩm vụ án trên.
Cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ, cựu đại úy Nguyễn Doãn Tú từng là cán bộ quản giáo Trại giam Thủ Đức, được phân công quản lý lao động đội phạm nhân số 17 tại khu lao động dạy nghề phân trại số 5 (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân).

Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 10h30 ngày 22/9/2021 và đầu tháng 9/2022, Nguyễn Doãn Tú đã nhiều lần có lời nói lăng mạ, xúc phạm phạm nhân Lê Thị Ái Vân. Ông Tú còn dùng tay, chân, cây khoai mì (chiều dài khoảng 1m) đánh vào lưng, mông, đùi, cẳng chân, cánh tay, gây thương tích cho phạm nhân Lê Thị Ái Vân. Qua giám định, nữ phạm nhân bị tỷ lệ tổn thương cơ thể 3%.

Khai trước toà, viên cựu đại uý này cho rằng do phạm nhân Vân lao động chậm chạp và không nghe theo lời hướng dẫn của mình nên ông đã có những hành động nêu trên.
Hành vi của Nguyễn Doãn Tú đã vi phạm quy định của Bộ Công an về công tác cảnh sát quản giáo phụ trách đội, tổ phạm nhân, trại viên. Tháng 12/2021, Nguyễn Doãn Tú bị tước danh hiệu Công an Nhân dân và Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, bắt tạm giam.

Liên quan đến trại giam Z30D, cũng trong ngày 24/11, thông tin từ Trại giam Thủ Đức cho truyền thông hay lực lượng chức năng đã bắt giữ phạm nhân Đinh Viết Dũng, người trốn khỏi trại giam Z30D trong ngày 10/11, tại quận Tân Phú, Tp. HCM.

Ông Đinh Viết Dũng (57 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, tên gọi khác Hoàng Thanh Dũng, Trần Lê Nhật Linh), đang thụ án 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bốn Cựu Nhân Viên Sacombank, Cam Ranh Bị Khởi Tố Vì “Tham Ô Tài Sản!”


(Hình: Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh.)

- Bốn cựu nhân viên Phòng Giao dịch chi nhánh Cam Ranh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn Thương Tín -Sacombank (SCB) - vào ngày 23/11/2022 bị khởi tố để điều tra tội “tham ô tài sản” theo Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày dẫn nguồn Công an tỉnh Khánh Hòa về biện pháp khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bốn cựu nhân viên Sacombank Cam Ranh. Hai người bị khởi tố và bị bắt tạm giam trong vụ này là bà Nguyễn Thị Hà và Ngô thị Hồng Nhạn. Hai người bị khởi tố nhưng cho tại ngoại là bà Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải.

Công an qua điều tra cho biết bốn người khi còn làm việc tại Phòng Giao dịch của Ngân hàng Sacombank Cam Ranh vay vốn lớn của nhiều người, trong đó có khách hàng của Sacombank Cam Ranh. Khi đến hạn, 4 người nói không có khả năng chi trả nên người cho vay tiền làm đơn tố cáo.
Sacombank Cam Ranh đã sa thải bốn nhân viên do vay vốn rỗi vỡ nợ.

Trong diễn biến liên quan đến ngân hàng, người dân nhiều tỉnh, thành của Việt Nam trong các ngày 21 và 22/11 đã xuống đường phản đối Ngân hàng SCB, đòi ngân hàng này phải đảm bảo quyền lợi cho họ khi tiền họ mua trái phiếu qua lời giới thiệu của SCB có nguy cơ mất trắng.

Những người biểu tình gọi SCB là lừa đảo và đề nghị Nhà nước giúp đỡ.
Từ chiều ngày 7/10 vừa qua, có hiện tượng người dân kéo đến các phòng giao dịch, trụ ATM của ngân hàng SCB để rút tiền khi nghe tin Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bà Trương Mỹ Lan bị bắt giữ, mặc dù sáng 8/10 thông tin này mới được công bố.

Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó ra thông cáo khuyến cáo người dân không nên rút tiền, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định đảm bảo số tiền gửi của người dân trong mọi trường hợp.

SCB liên tục đưa các thông cáo khẳng định “Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB”, đồng thời cũng phủ nhận thông tin hai lãnh đạo cao cấp qua đời.

Mặc dù vậy, số lượng người đến rút tiền ở chi nhánh SCB ở các tỉnh thành và thực hiện các giao dịch chuyển khoản trên app (ứng dụng) của SCB không giảm vài ngày sau đó.


Nguyên Chủ Tịch UBND Huyện Bích Động, Tỉnh Bắc Giang, Bị Khởi Tố Vì Lập Hồ Sơ Giả Để Trúng Thầu


(Hình: Công an Bắc Giang làm thủ tục tố tụng đối với bà Dương Thị Nga hôm 21/11/2022 ở Thị trấn Bích Động, Bắc Giang.)

- Nguyên Chủ tịch UBND Thị trấn Bích Động Nguyễn Xuân Quang vào ngày 21/11/2022 bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố, khám xét nhà và cấm đi khỏi nơi cư trú theo cáo buộc tội “giả mạo trong công tác” quy định tại Khoản 2, Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Tài liệu điều tra nêu rằng, vào khoảng cuối năm 2021, ông Nguyễn Xuân Quang trong cương vị Chủ tịch Thị trấn Bích Động và bà Dương Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Phát triển Thương mại Quốc tế Khải Hồng, lập và ký khống tài liệu, hồ sơ để cho công ty này dự và trúng gói thầu “xây dựng mới, chăm sóc đường băng xanh cản lửa” do Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư. Gói thầu có dự toán 3,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án này do UBND Thành phố Bắc Giang chỉ đạo Phòng Kinh tế Thành phố phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Giang triển khai từ đầu tháng 11/2020.
Phần do Chi Cục Kiểm lâm Bắc Giang làm chủ đầu tư là tiếp theo các phần đã thực hiện từ năm 2017.
“Đường băng xanh cản lửa’ là dự án trồng cây Vối thuốc tại những nơi được xem là trọng điểm trong rừng phòng hộ có nguy cơ dễ cháy cao.

Lãnh Đạo Tp. HCM Giải Thích Lý Do Dự Án Chống Ngập và Metro Bị Chậm Tiến Độ


(Hình: Xe máy và ô tô đi trong lụt ở Tp. HCM sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014.)

- Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và tuyến Metro số 1 tại Tp. HCM trễ tiến độ và vốn bị đội lên bởi những lý do về thủ tục pháp lý và nhiều vấn đề khác.

Đó là trần tình của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM Phan Văn Mãi tại cuộc tiếp xúc cử trị Quận Gò Vấp vào chiều ngày 22/11 của ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.

Ông Phan Văn Mãi thông báo rằng dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng tại Tp. HCM đến nay đã hoàn tất trên 90% khối lượng công việc. Tuy vậy, một số cửa cống chưa hoàn thiện khiến khi triều cường nước vẫn dâng gây ngập. Bên cạnh đó còn một số trở ngại về mặt pháp lý liên quan đến cả hai phía Thành phố và nhà thầu; thời gian dịch COVID-19 cũng gây gián đoạn việc mua sắm trang thiết bị từ nước ngoài về.
Do những yếu tố đó, dự án chống ngập 10 ngàn tỷ được Tp. HCM gia hạn đến tháng 11 sang năm. Hiện các thủ tục bị ách tắc đang được giải quyết để bắt đầu thi công lại.

Ông Phan Văn Mãi thừa nhận rằng dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng dù có quy mô lớn; nhưng chỉ có thể ngăn một phần các cửa sông. Thành phố cần tiếp tục khảo sát, hình thành thêm một số dự án mới khác nữa để có thể xóa tình trạng ngập do triều cường.
Ông Mãi không đề cập đến tình trạng ngập khi mưa lớn như lâu nay.

Đối với dự án tuyến Metro số 1, người đứng đầu UBND Tp. HCM nói đã hoàn tất 93% khối lượng công việc. Cơ quan này đang giải quyết các vấn đề về pháp lý cũng như điều chỉnh dự án để hoàn thành phần còn lại.

Ông Phan Văn Mãi báo rằng đã làm việc sơ bộ với Bộ Xây dựng để nghiệm thu kỹ thuật công trình; và vào cuối năm nay cho chạy thử 10 km; đến đầu sang năm chạy thử toàn tuyến. Trong năm 2023 sẽ đưa dịch vụ tiện ích vào các nhà ga đề khai thác thương mại.

Nhóm Lừa Đảo Thu Thập Hơn 17 Triệu Dữ Liệu Cá Nhân Bị Triệt Phá


(Hình: Công an tiến hành khám xét nơi ở của một người bị bắt trong đường dây ở Quảng Bình.)

- Truyền thông Nhà nước vào ngày 23/11/2022 loan tin theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho hay một nhóm bị cho lừa đảo thông qua việc thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên cả nước, phân nhóm theo vùng/miền, chức danh, nghề nghiệp … rồi rao bán vừa bị Công an tỉnh Quảng Bình triệt phá.
Cụ thể, sau khi nhận được tố cáo của một nạn nhân hôm 18/11, Phòng An ninh Mạng và Phòng/Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc điều tra theo chỉ đạo của cấp trên.

PA05 Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp cùng nhiều địa phương khác có dấu hiệu liên quan đường dây lừa đảo gồm Sài Gòn, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Thanh Hóa… xúc tiến công tác truy bắt, khám xét, triệu tập các đối tượng tình nghi.

Kết quả cho thấy những người trong đường dây thu thập trái phép thông tin khách hàng có hồ sơ vay vốn tín dụng ngân hàng. Những hồ sơ này được dùng để chiếm quyền truy cập SIM điện thoại, khôi phục mật mã đăng nhập tài khoản internet Banking có liên kết với SIM rồi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Hiện Cơ quan Điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can đối với một người trong nhóm về hành vi “sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản”. Một người khác bị khởi tố về hành vi “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Siêu Xe của Trịnh Văn Quyết Giảm 900 Triệu Đồng, Tại Lần Đấu Giá Thứ Tư


(Hình Từ Báo Thanh Niên.)

- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 24/11/2022 cho hay nhiều tài sản xử lý nợ xấu đang được các ngân hàng đưa ra đấu giá, trong đó siêu xe của tỷ phú bị bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết tiếp tục được đấu giá lần thứ 4. Hiện chiếc xe này đã giảm 600 triệu đồng so với lần đấu giá trước.

Tin cho biết, ngân hàng BIDV hiện đang thông qua Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp đấu giá lần thứ tư siêu xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng của ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC với giá khởi điểm còn hơn 9,12 tỉ đồng.

So với giá khởi điểm, hiện siêu xe này đã giảm khoảng 600 triệu đồng so với lần đấu giá thứ hai và giảm gần 900 triệu đồng so với giá khởi điểm công bố bán đấu giá lần đầu tiên trong tháng 10/2022.
Buổi đấu giá lần thứ 4 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/11 và nhà đầu tư đăng ký tham gia phải nộp tiền cọc 20%, tương đương hơn 1,82 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty đấu giá Minh Phát cũng đang thực hiện đấu giá lần ba du thuyền FLC ALBATROSS, của Công ty cổ phần tập đoàn FLC. Mức giá khởi điểm hơn 33,63 tỉ đồng, giảm 2,1 tỉ đồng so với lần đầu tiên đấu giá.
Chiếc xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng của ông Trịnh Văn Quyết là tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng giữa công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và ngân hàng BIDV.

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3, với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022.

Đến ngày 23/8, ông Quyết bị khởi tố thêm tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Việt Nam Vẫn Để Diễn Ra, Nạn Mua Bán Trái Phép, Các Loài Động Vật Hoang Dã Cần Bảo Vệ


(Hình: Xác những con chà vá chân xám bị giết ở Quảng Ngãi. Hình chụp hôm 18/10/2021.)

- Ngày 23/11/2022, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay Việt Nam vẫn để diễn ra nạn buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã thuộc danh sách bảo vệ tại những chợ súc vật. Đó là những nơi tình trạng động vật bị đối xử tàn bạo tràn làn và chứa đầy nguy cơ cho sức khỏe con người.
Kết luận điều tra của nhóm hoạt động về quyền động vật trụ sở ở Canada có tên We Animals Media phối hợp với Asia For Animals Coalition cho biết như vừa nêu.

Điều tra cũng cho thấy thực tế tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam cũng không giảm đi bao nhiêu. Số nơi giết chó và nhà hàng bán loại thịt này vẫn hoạt động dù có kêu gọi cắt giảm theo giai đoạn tại những thành phố lớn.
Hàng trăm video và ảnh chụp ghi lại mức độ mà động vật phải chịu hành hạ, cũng như nguy cơ đối với đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.

Nhóm điều tra thừa nhận trong những năm gần đây, chính phủ Hà Nội có đưa ra nhiều cam kết ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã; cũng như mua bán và tiêu thụ thịt chó. Tuy vậy để có thể đạt được hiệu quả cần có nỗ lực bền vững và chung sức của các địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng dân chúng.


Việt Nam Tổ Chức Hội Nghị Về Phát Triển Vùng Đông Nam Miền Nam

- Vào chiều ngày 21/11/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương thông tin cho báo chí hay Hội nghị bàn về các phương án phát triển vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 26/11/2022 tới đây.

Theo đó, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị để công bố chương trình hành động của Chính phủ Hà Nội về việc thực thi nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ đề của hội nghị được cho biết là “Tư duy mới- Đột phá mới-Giá trị mới”.

Theo trình bày của ông Trần Quốc Phương, vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Vùng này thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất, chiếm hơn 40% tổng vốn FDI trên cả nước.

Sài Gòn là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, khoa học- công nghệ, đổi mới- sáng ại của vùng và cả nước.
Tuy vậy xu hướng tăng trưởng kinh tế tại khu vực này bị cho đang chậm lại và thấp hơn cả nước.

Tại hội nghị, Chính phủ Hà Nội dự kiến đề ra bảy nhóm giải pháp để khắc phục, giải quyết những thách thức hiện nay đối với Vùng Đông Nam Bộ.

Hạ Viện Phi Luật Tân Thông Qua Nghị Quyết Về Quan Hệ Với Việt Nam

- Nghị quyết tăng cường quan hệ với Việt Nam được Hạ viện Phi Luật Tân thông qua vào tối 21/11/2022, hai ngày trước chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ vào ngày 23/11.

Ngoài mục tiêu tăng cường quan hệ với Việt Nam, nghị quyết mà Hạ viện Phi Luật Tân vừa thông qua còn có quyết định thành lập Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam- Phi Luật Tân.
Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị này có Chủ tịch là Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác & Ngoại giao Liên nghị viện; Phó Chủ tịch là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ đến Phi Luật Tân từ ngày 23-25/11 được cho biết là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến đất nước này trong năm 2022. Đây cũng là chuyến thăm của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Phi Luật Tân sau 16 năm.

Ông Vương Đình Huệ cũng là người đứng đầu Quốc hội nước ngoài đầu tiên đến thăm Phi Luật Tân sau cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5 vừa qua tại Phi Luật Tân và nước này có ban lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện mới vào tháng 7 vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét