BẰNG NGÀY NÀY, GIÂY PHÚT NÀY, NĂM XƯA: NHỚ LẠI CUỘC ĐẢO CHÁNH NGÀY 1/11/1963! VỚI CÁI CHẾT CỦA TT NGÔ ĐÌNH DIỆM!
Cuộc đảo chánh tại Nam Việt Nam năm 1963, là cuộc đảo chánh bằng Quân Sự, để lật đổ Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Do các tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa thực hiện, với sự làm ngơ, đồng ý ngầm của Chính quyền Hoa Kỳ. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Cuộc đảo chính đã giết chết anh em Tổng thống, là Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu, đánh dấu Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam ở Sài Gòn sụp đổ, chấm dứt. Chuyển vai trò lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, sang Hội đồng quân sự do Dương Văn Minh đứng đầu. (Cũng là tướng, đầu hàng CS năm 75!)
Sau cuộc cách mạng, những năm sau đó, từ 1960 đến 1965, là giai đoạn cực kỳ bất ổn của nền chính trị Việt Nam Cộng Hòa, với hàng loạt vụ đảo chính, chỉnh lý do giới quân sự tiến hành. Nhưng nổi bật nhất vẫn là vụ đảo chính năm 1963.
Nguyên nhân xảy ra cuộc đảo chính 1963, do các tướng lĩnh Việt nam Cộng Hòa, bất mãn trước cách cai trị của chánh quyền Ngô Đình Diệm, lấy lý do là độc tài, gia đình trị, đàn áp tôn giáo. Đảo chính, để chấm dứt các cuộc khủng hoảng. Thực ra cuộc đảo chánh có lý do sâu hơn từ Mỹ. Được Mỹ ngầm ủng hộ, vì do chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ chối không đồng ý đưa quân đội Mỹ vào chiến trường Việt Nam tham chiến. Không chịu thực hiện những thay đổi đường lối chánh trị theo khuyến cáo của Mỹ, dẫn đến mâu thuẫn với chính sách của chánh phủ Mỹ. Do đó, Mỹ bật đèn xanh, cho các tướng lĩnh đảo chính! (Không biết có cho lịnh giết hay không?)
TT Ngô Đình Diệm với chủ trương độc lập với người Mỹ, (muốn giúp, chỉ cần viện trợ vũ khí!) Trong khi đó, người Mỹ muốn kiểm soát hoàn toàn chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, phải nghe theo đường lối của Mỹ tuyệt đối!
Nhiều người đã nghĩ, nếu không có cuộc đảo chánh 1963, Miền Nam VN có thể không mất, giữ được Nước giống như Nam Hàn. Nhiều người kể, khi Hồ Chí Minh nghe tin Ông Diệm bị thảm sát, đã la lên mừng rỡ: “Vậy là ta có cơ hội chiến thắng, chắc chắn sẽ chiếm được Miền Nam!” Và không có Ngày 30 Tháng 4/75 đau thương! Để cả Đất Nước rơi vào tay Cộng Sản, chìm trong Địa Ngục Đỏ tăm tối! Mà từ đó đến nay, gần một nửa thế kỷ, vẫn chưa tìm ra lối thoát!
Một Nữ Du Học Sinh Người Việt, Trong Số Hơn 150 Nạn Nhân Chết, Tại Lễ Hội Halloween ở Nam Hàn!
(Hình: Hoa tưởng niệm những nạn nhân được đặt tại nơi xảy ra thảm họa giẫm đạp hôm tối 29/10 ở Hán Thành, Nam Hàn.)
SEOUL (RFA) - Ngày 31/10/2022, Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn xác nhận có một công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở Nam Hàn khiến hơn 150 người chết tối 29/10.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 30/10 cho biết nạn nhân người Việt sinh năm 2001 là một trong chừng 20 người ngoại quốc thiệt mạng. Đại diện Nam Hàn, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin đã gửi thư cho Đại sứ Việt Nam tại Hán Thành- ông Nguyễn Vũ Tùng, chia buồn và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Tòa Ðại sứ Việt Nam trong việc hỗ trợ nạn nhân.
Phía Tòa Ðại sứ Việt Nam cho biết đã liên lạc với gia đình, hỗ trợ nhận dạng nạn nhân, gửi lời chia buồn và hướng dẫn các thủ tục cần thiết liên quan. Ngoài nạn nhân chết, tin cho biết có một công dân Việt Nam khác bị thương trong vụ giẫm đạp và Tòa Ðại sứ cũng đang xác minh thông tin.
Hôm qua 30/10, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi đến Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk- yeol cùng gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn xảy ra tại phường Itaewon, Hán Thành.
Vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở con hẻm dốc rộng 4 mét ở khu phố đêm Itaewon, thủ đô Hán Thành, tối 29/10 là thảm họa chết người tồi tệ nhất tại Nam Hàn kể từ sau vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, với phần đông là học sinh Trung học.
Nữ Du Học Sinh Việt Chết, Trong Vụ Giẫm Đạp ở Itaewon, Sẽ Được Đưa Về Quê An Táng
(Hình: Nhiều người dân đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân ở Itaewon.)
Lễ viếng nữ du học sinh Việt Nam thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại Lễ hội Halloween ở Itaewon, Nam Hàn, vừa diễn ra vào ngày 30/10/2022 tại nhà tang lễ Bệnh viện Bucheon thuộc Đại học Soonchunhyang, TTXVN đưa tin hôm 31/10 và cho biết thi thể của nữ công dân Việt Nam sẽ được đưa về an táng tại quê nhà theo nguyện vọng của gia đình.
Nữ công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm họa ở Itaewon được xác định là một du học sinh 21 tuổi, quê ở Bình Định. Nữ sinh này có liên lạc với người thân trước khi đi tham gia Lễ hội Halloween, nhưng gia đình đã mất liên lạc với cô sau đó.
Sau khi nhận được thông tin từ Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn, Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nam Hàn đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nam Hàn để xác minh thông tin, nhân thân của công dân thiệt mạng.
Hiện người thân của nạn nhân ở Nam Hàn đang làm việc với chính quyền địa phương, thực hiện các thủ tục đưa thi thể của nữ sinh này về quê nhà.
Phía Nam Hàn, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin đã gửi vòng hoa đến viếng nạn nhân. Vụ Khu vực của Bộ Ngoại giao Nam Hàn cũng gửi điện chia buồn đến Tòa Ðại sứ Việt Nam và cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho tất cả các nạn nhân của thảm họa.
Trên trang thông tin chính thức, Tòa Ðại sứ Nam Hàn tại Việt Nam hôm 31/10 bày tỏ “lòng tiếc thương sâu sắc trước việc đã có nhiều người, trong đó có một du học sinh Việt Nam bị thiệt mạng trong vụ tai nạn xảy ra tại khu phố Itaewon, Hán Thành vào ngày 29/10 vừa qua”.
Thảm kịch giẫm đạp xảy ra đêm 29/10 khi khoảng 100.000 người đổ xô đến các con phố ở khu Itaewon để tham gia Lễ hội Halloween.
Tính đến đêm 30/10, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 154 người và 133 người bị thương.
Chính phủ Nam Hàn đã chỉ định thời gian quốc tang bắt đầu từ ngày 30/10 đến hết ngày 5/11.
Thảm Kịch Đêm Halloween: Chính Quyền Nam Hàn Bị Chỉ Trích Vì Lơi Lỏng Về An Ninh
- Ngày 31/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay công luận Nam Hàn vẫn bàng hoàng về vụ hơn 150 người chết và hàng trăm người bị thương do chen lấn, giẫm đạp lên nhau tại một hẻm dốc trong đêm hội Halloween 29/10 tại khu Itaewon, thủ đô Hán Thành. Chính quyền Nam Hàn bị chỉ trích vì lơi lỏng về an ninh trong vụ thảm kịch này.
Từ Chủ Nhật (30/10) đến 5/11 là quốc tang tại Nam Hàn. Sáng thứ Hai (31/10), Tổng thống Yoon Seok Yon và phu nhân cũng như đông đảo người dân đã đến đặt hoa viếng tại nơi tưởng niệm các nạn nhân. Theo thông tấn xã AFP, cảnh sát Nam Hàn hôm nay thông báo đã khai triển một nhóm điều tra để xác định nguyên nhân thực sự gây ra thảm kịch khiến ít nhất 154 người thiệt mạng. Trong khoảng 20 người ngoại quốc là nạn nhân, có một người Việt Nam.
Tuy nhiên, trên các mạng xã hội và báo chí, chính quyền đang bị chỉ trích vì thiếu các hoạt động kiểm soát an toàn, an ninh trước khi diễn ra lễ hội quy tụ đến hơn 100.000 người. Từ Hán Thành, thông tín viên Nicolas Rocca của Đài RFI cho biết thêm thông tin:
Trên các báo Nam Hàn sáng hôm nay, vẫn có thể thấy nhiều nỗi xúc động và bàng hoàng, nhưng mọi chú ý đang đổ dồn về phía nhà chức trách, bởi vì chỉ có chưa đến 50 nhân viên cấp cứu và dưới 200 cảnh sát được điều đến khu phố đó, để quản lý 100.000 người tới tham gia lễ hội.
Anh Aiden, một người đã chứng kiến thảm kịch, kể lại: “Khi đến nơi, chúng tôi không thấy một cảnh sát nào, chúng tôi thực sự đã rất ngạc nhiên, trong khi có nhiều đám đông lớn đang tụ tập ở khu phố Gwangwhamun. Tôi cứ nghĩ rằng lực lượng cảnh sát đã phải được khai triển tại chỗ chứ”.
Cô Luisa, một sinh viên người Ba Tây, có mặt tối hôm thứ Bảy tại một trong những ngõ nhỏ trong khu phố đó thì nói: “Cảnh sát không cho người dân qua, bởi vì họ đặt nhiều thi thể nạn nhân và để xe cứu thương ngay trước lối ra vào ngõ. Vì vậy, ngay cả khi mọi người muốn rời khỏi đó thì cũng bị cảnh sát chặn mất đường. Khi chúng tôi ra được đến phố chính, chúng tôi cũng thấy đầy thi thể nạn nhân và chúng tôi đã phải nhảy qua những thi thể, vẫn còn đang được cố gắng hô hấp nhân tạo. Chúng tôi nhìn về phía sau và thấy cả biển người đang tìm cách thoát ra khỏi con hẻm. Nhưng lần này cũng vậy, cảnh sát và lính cứu hỏa lại chặn mất đường. Tôi biết họ muốn giúp, nhưng làm như vậy họ đã chặn đường khiến chúng tôi không thể rời đi được”.
Bộ trưởng Nội vụ hôm qua cho rằng, kể cả nếu cảnh sát hiện diện đông hơn nhiều vào lúc đó thì họ cũng không thể ngăn được thảm kịch xảy ra.
Ngày Mai, Thứ Tư, Ngày 2 Tháng 11, Phái Đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam Bắt Đầu Đối Thoại Về Nhân Quyền ở Hà Nội!
- Đối thoại Nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 26 sẽ được tổ chức vào ngày 2/11/2022 tại Hà Nội.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, viên chức cấp cao của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ, bà Erin Barclay, và Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Đỗ Hùng Việt, sẽ là trưởng đoàn của hai bên trong cuộc đối thoại.
Trong phái đoàn Hoa Kỳ tới Việt Nam còn bao gồm Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain, Đại diện Đặc biệt về Công lý và Công bằng chủng tộc Desirée Cormier Smith, Cố vấn Cấp cao về Chiến lược và Quyền Bản địa Michael Orona thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đông Nam Á lục địa Robert Ogburn thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay sẽ đề cập một loạt vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm quyền tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, pháp quyền và cải cách luật pháp, quyền của các thành viên thuộc các nhóm dân số bị thiệt thòi, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người thuộc cộng đồng LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm.
Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các viên chức chính phủ và thành viên của xã hội dân sự tại Sài Gòn và Hà Nội.
“Thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động hợp tác của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói, đồng thời khẳng định sẽ giữ cam kết “tiếp tục các cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả với chính phủ Việt Nam về các vấn đề này”.
Đây là đợt đối thoại nhân quyền đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam sau khi Việt Nam đắc cử tư cách thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11/10.
Hôm 14/11, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Daniel J. Kritenbrink, cựu Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã chúc mừng Việt Nam về thành công này và bày tỏ hy vọng hai nước sẽ phối hợp trong việc thúc đẩy nhân quyền trong thời gian tới.
Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông và các viên chức Việt Nam đã có những cuộc thảo luận “thẳng thắn” và “tôn trọng lẫn nhau” về nhân quyền trước cuộc đối thoại giữa hai bên vào đầu tháng 11.
Ông Trọng Đi Bắc Kinh, Người Dân, Nhất Cư Dân Mạng Lo Lắng, Vì Thấy Việt Nam Ngả Hẳn, Lệ Thuộc Vào Trung Quốc Quá Nhiều!
*Điều nghịch lý lớn nhất trong bang giao Trung-Việt là, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể mang về nước rất, rất nhiều bài học của người thầy, là Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Từ xây dựng Đảng đến quản trị quốc gia, từ làm thế nào để tập trung quyền bính đến trấn áp xã hội dân sự và phong trào đàn áp phản biện trong mỗi nước…. Tất cả những gì ông Trọng sẽ được nghe, được giới thiệu về Trung Quốc, phần lớn đều có thể áp dụng trọn vẹn 100% với Việt Nam.
Có điều là, đối với đa số “thần dân” trên đất “Đại Việt” ngày nay, cả ĐCSVN lẫn ĐCSTQ không bao giờ chiếm nổi trái tim người dân của họ. Nhất là người Việt Nam, họ khôn nguôi căm ghét người láng giềng phương Bắc, từ trong “bộ gen!” chống Phương Bắc, (hàng ngàn năm đô hộ chứng minh).
Không lẽ để rồi, họ cũng không làm được gì khác, ngoài trở thành bản sao vĩnh cửu, tuy mờ và thu nhỏ, của chính kẻ thù truyền kiếp ấy. Đó chính là bi kịch “vĩ đại” nhất của Việt tộc qua mọi thời đại, đặc biệt dưới thể chế độc tài CS! Lịch sử luôn luôn thay đổi bất ngờ!
(Hình: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội năm 2015.)
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 30/10/2022 đã gây ra những chú ý và bình luận bày tỏ lo lắng về việc Hà Nội dường như đang ngả hẳn về phía Bắc Kinh.
Người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc khi Tập Cận Bình chiến thắng thêm nhiệm kỳ thứ ba chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, khả năng ông Tập sẽ ở lại cương vị này đến hết đời.
Truyền thông nhà nước đưa tin ngày 30/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều viên chức cao cấp đã ra phi trường quốc tế Nội Bài để tiễn đoàn- một sự kiện chưa từng có trong quá khứ khi hai trong số bốn tứ trụ ra tiễn một lãnh đạo Đảng đi công tác ngoại quốc.
Facebooker Thanh Mai với hơn 52.000 người dõi theo, nhận định từ việc Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng ra phi trường tiễn ông Trọng cho thấy chuyến đi “là minh chứng cho sự thống nhất cao của giới lãnh đạo của Việt Nam cũng như vị thế số một của ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Việc tổ chức buổi đưa tiễn trọng thị và chưa có tiền lệ “truyền đi thông điệp rõ ràng rằng ngài Nguyễn Phú Trọng đang đại diện cho giới lãnh đạo Việt Nam, vì vậy mọi thoả thuận và cam kết của ngài Nguyễn Phú Trọng với Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ là thoả thuận của tất cả các cơ quan quyền lực khác của Việt Nam”.
Theo Facebooker này thì ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay đặt kỳ vọng rất cao về chuyến đi của ông Trọng.
Trung Quốc là một trong bốn nước hiện có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, tức là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa các nước. Ba nước còn lại là Nga, Ấn Độ, và Nam Hàn.
Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2021 đạt 230,2 tỉ Mỹ kim, tăng 19,7% so với năm trước đó
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng có những tương đồng về mặt chính trị khi cả hai nước đều do đảng Cộng sản lãnh đạo độc quyền.
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam viết rằng chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư trên cương vị Tổng Bí thư Đảng của ông Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là “sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc”.
“Chuyến thăm nhằm củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường sự hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân và thúc đẩy xu thế tích cực trong thông tin, tuyên truyền”, báo Nhân Dân viết.
Ông Trọng đã từng sang thăm Trung Quốc với cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vào các năm 2011, 2015 và 2017.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi tại Canberra (Úc Ðại Lợi) bình luận qua tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do rằng chuyến đi của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng với nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng.
“Từ vị trí thuận lợi của Hà Nội, những bất ổn về tương lai của Nga dưới thời Vladimir Putin và Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden sau cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và liên tục ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba”.
Giáo sư Carl Thayer nhận định mục tiêu chính của chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là cùng người đồng cấp đưa ra phương thức hợp lý để giữ cho quan hệ song phương có thể dự đoán được và đi vào chiều hướng đồng đều.
“Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư của hai đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam là rất quan trọng đối với cả hai bên về đối nội vì nó nhấn mạnh tính hợp pháp của chế độ độc đảng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển của họ”. - Giáo sư Carl Thayer viết.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris so sánh chuyến đi của ông Trọng ngay sau khi ông Tập tái cử với tập quán vua một triều đại của Việt Nam sai sứ sang Trung Quốc, thể hiện sự thần phục đối với thiên triều của một phiên bang thời xa xưa.
Ông viết trong trang Facebook cá nhân: “Trọng vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế”.
Ông còn nói Việt Nam đã, đang và sẽ rập khuôn mô hình của Trung Quốc và “thay vì nhân dân là mục tiêu trung tâm để Đảng phục vụ thì Đảng trở thành mục tiêu trung tâm để nhân dân phụng sự”.
Cách so sánh này cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2016.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.
Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).
Nhà văn Lưu Trọng Văn, với hơn 106.000 người dõi theo, thì cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên cân bằng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trên trang Facebook của mình, nhà văn Lưu Trọng Văn cũng nhắc lại trong tháng Hai năm 2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump cũng mời ông Trọng sang Mỹ. Lúc đó ông Trọng cũng vui vẻ nhận lời nhưng rồi cũng vì lý do sức khoẻ nên ông Trọng không thực hiện được.
“Bây giờ ông Trọng rất khoẻ rồi, rất tiếc ông Trump lại về vườn, ông Trọng không thể đáp lễ như đáp lễ ông Tập được.
Hy vọng Bộ Ngoại giao sớm ra thông báo, Tổng thống Biden tiếp tục giữ lời mời của ông Trump mời ông Trọng qua Mỹ để cán cân đối ngoại của Việt Nam không bị lệch như đường lối lâu nay mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tuyên bố”.
Theo nhà văn này thì ông Trọng nên mở lời trước muốn được gặp ông Biden với nội dung như ông mở lời trước muốn gặp ông Tập.
“Dân Việt hình như không được công bằng lắm, đa số chắc sẽ hớn hở hơn nếu lãnh đạo tối cao của mình có lời với Tổng thống Mỹ như đã có lời với lãnh tụ Trung Hoa”, nhà văn Lưu Trọng Văn bổ sung.
Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ “Đối tác toàn diện”. Hoa Thịnh Ðốn thời gian qua đã nhiều lần đề nghị đưa mối quan hệ này lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nhưng Hà Nội chưa đồng ý. Một số nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.
Theo Giáo sư Carl Thayer: “Việt Nam không thể quay sang Hoa Kỳ vì hai lý do: sợ bị cuốn vào một liên minh chống Trung Quốc và sợ bị bỏ rơi nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc thỏa thuận ngầm với nhau”.
Thắc Mắc: “Đất Nước Giầu Mạnh” Rồi, Mà Vì Sao Người Việt Lại Cứ Ào Ạt Bỏ Ra Đi?
(Bình luận của blogger Tuấn Khanh)
(Hình: Giới chức Đài Loan bắt giữ 3 người đàn ông (đeo mặt nạ) được cho là nằm trong số 152 người Việt biến mất sau khi đến du lịch đảo quốc này hôm 28/12/2018.)
Không có lời giải thích nào về việc những công dân hôm nay cứ im lặng tìm cách rời bỏ Việt Nam, ra đi và sống tạm thời hoặc mãi mãi ở đất khách. Những dòng tin miệt thị dòng người này trên báo chí Nhà nước thì cứ xoay quanh luận đề “những kẻ mê vật chất, ảo tưởng” cho đến “ham việc nhẹ, lương cao”.... Nhưng thực sự không có một nghiên cứu khoa học nào hoặc những sự tìm hiểu, phân tích lý lẽ và những tác động xã hội vì sao những thanh niên đó lại cứ ra đi, bất chấp trên bản đồ thế giới Việt Nam luôn là một quốc gia được coi là đang phát triển rực rỡ.
Tin tức mới nhất của tháng mười, 2022 cho biết có khoảng 100 người Việt Nam đã mất liên lạc sau khi nhập cảnh vào Nam Hàn trong chuyến đi du lịch qua phi trường quốc tế Yangyang thuộc tỉnh Gangwon. Sau khi sự việc xảy ra, những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm cho dừng đưa khách du lịch đến Yangyang, tỉnh Gangwon đến hết tháng 10.
Dù không chính thức thú nhận, nhưng ngôn ngữ thông cáo của Tòa Đại sứ nhà nước Việt Nam tại Nam Hàn nói đã liên hệ với nhà chức trách sở tại để điều tra và tìm hiểu sự việc. Đồng thời, cơ quan ngoại giao này cho biết sẽ phối hợp với cơ quan địa phương trong nước, và công ty du lịch tại Việt Nam để tìm hiểu thông tin về những công dân mất liên lạc, và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng người Việt lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách ở lại Nam Hàn một cách bất hợp pháp.
Trước đó, tình trạng công nhân đến Nam Hàn làm việc rồi trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng nhiều. Đầu tháng Chín năm nay, tờ Korea Herald dẫn nguồn từ Cơ quan Nhập cư Nam Hàn (Korea Immigration Service) công bố con số thống kê cho thấy, tính đến tháng Bảy, có tổng cộng 395.068 người ngoại quốc đang cư trú bất hợp pháp, chiếm 19% tổng dân số ngoại quốc trên hai triệu người của đất nước. Con số này, tăng 4.655 so với một năm trước đó, là con số cao nhất kể từ tháng Chín năm 2020, khi quốc gia này ước tính tổng số người nhập cư bất hợp pháp là 396.728 người.
Nam Hàn không công bố con số chính thức về người Việt Nam ở lại và làm việc bất hợp pháp ở Nam Hàn - có thể là vì vấn đề tế nhị ngoại giao - tuy nhiên nhưng hàng ngàn người là con số đáng tin cậy. Đáng nói, hầu hết những người trốn ở lại Nam Hàn phần lớn là người Bắc hoặc Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Từ năm 2016, Nam Hàn chuyển giao cho Việt Nam lý do họ tạm ngưng visa cho người Việt, bởi Nghệ An là tỉnh Bắc Trung Bộ đứng đầu danh sách các tỉnh có lao động Việt Nam chưa được sang Nam Hàn làm việc với 1.454 lao động ở lại không về khi hết hạn hợp đồng. Hà Nội đứng thứ hai với 948 người hiện đang lẩn trốn danh sách. Hải Dương (853), Thanh Hóa (823) và Nam Định (733), tất cả đều là các tỉnh phía Bắc, và đây là danh sách lọt vào top năm địa phương Việt Nam có nhiều người cư trú bất hợp pháp nhất tại Nam Hàn.
Nhiều đường dây ở Nam Hàn hợp tác đưa người lao động bất hợp pháp đến những nơi mà người ta đang cần thuê mướn. “Người ta vẫn nhận lao động ngoại quốc bất hợp pháp trên thị trường việc làm địa phương vì quá cần, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi nông dân bị thiếu người làm việc lao động. Nhiều nông dân địa phương buộc phải thuê những người nhập cư bất hợp pháp này”, Kim Do-kyun, Giáo sư tại Đại học Cheju Halla chuyên về chính sách nhập cư cho biết. Và đó là lý do vì sao có rất nhiều người Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân... đi đến Nam Hàn, vừa xuống máy bay đã đột ngột mất liên lạc: họ đã mua chỗ làm việc từ trước và được đón đi ngay khi mới bước ra khỏi cửa hải quan.
Trên tờ VnExpress bản tiếng Anh có bài nói chuyện ra đi của người phía Bắc lúc này. Sự giải thích đơn giản là “một cuộc sống mới ổn định lâu dài và tiền lương có thể dành dụm cho cuộc đời của mình và giúp đỡ cho cả gia đình”.
Bài viết có tên Why Vietnamese students end up working illegally in South Korea tiết lộ việc đi và làm việc ở Nam Hàn như vậy, một người phải chuẩn bị từ đầu với khoảng 200 triệu VND (vào khoảng 8000 Mỹ kim). Do kiếm được nhiều tiền hơn ở Việt Nam, nhiều người chọn cách ở lại quá hạn visa – thậm chí là kéo dài vô hạn định thời gian sống ở Nam Hàn. Chẳng hạn với Tùng, một nhân vật được mô tả trong bài viết, đã kiếm được 2.500-4.000 Mỹ kim một tháng, gấp 10 lần thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động ở Việt Nam. Với tấm bằng Trung học phổ thông, Tùng không thể mơ kiếm được nhiều như vậy ở Việt Nam, nơi mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp Đại học chỉ khoảng 250 Mỹ kim.
Bất chấp những chỉ số rực rỡ mà Hà Nội vẫn giới thiệu với thế giới, thực tế có khoảng trên 10% trong số 95 triệu người Việt Nam sống trong nghèo đói, đôi khi trong cảnh “nghèo cùng cực”, Chuyên gia kinh tế trưởng Rajiv Biswas của IHS Markit Á Châu-Thái Bình Dương cho biết. Ông Biswas cũng bày tỏ sự bất lực khi nói đến sự nghèo khó của của các khu vực miền núi và xa đô thị, bởi căn bệnh tập trung phát triển đô thị theo cái nhìn thiếu chiến lược đã quá lớn.
Mức lương của một người công nhân Việt Nam hiện nay chỉ trên dưới 200 Mỹ kim mỗi tháng, vì vậy, khi biết rõ, thật khó mà có thể cao giọng miệt thị những người Việt Nam khốn khổ đó là tại sao chọn cách bỏ ra đi, tìm một cơ hội “việc nhẹ- lương cao” ở xứ người. Không chỉ vậy, các đường dây đưa người Việt Nam đi lao động bên ngoài – bao gồm sự tham gia âm thầm của các viên chức Nhà nước - vẫn gọi mời các chỗ làm việc trong các nhà máy ở Nga, làm công việc xây dựng ở Libya và được thuê tại các trang trại của Anh.
Và với niềm hy vọng cho cuộc đời sau sáng sủa hơn, họ ra đi.
Ba Tây: Cựu Tổng Thống Cánh Tả Lula Tái Đắc Cử!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 30/10/2022, Cơ quan đặc trách bầu cử Ba Tây tuyên bố cựu Tổng thống Ba Tây cánh tả Luis Inacio Lula Da Silva, đắc cử với 50,9% số phiếu. Với kết quả rất sít sao, Tổng thống cực hữu mãn nhiệm Jair Bolsonaro vẫn chưa thừa nhận kết quả chính thức. Cộng đồng quốc tế đồng loạt chúc mừng ông Lula.
Phát biểu ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, ứng viên của đảng Lao Động Luis Inacio Lula Da Silva, 77 tuổi, cam kết phục hồi kinh tế, đem lại tăng trưởng và thúc đẩy chính sách xã hội trong nhiệm kỳ tới. Trong hai nhiệm kỳ đầu (từ 2003-2011) của Lula và tiếp theo đó là nhiệm kỳ của bà Dilma Rousseff, cũng thuộc đảng Lao Động, hàng chục triệu người Ba Tây đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chống biến đổi khí hậu và nạn tàn phá rừng Amazon cũng là những ưu tiên trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới của Tổng thống tân cử Lula.
Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ, ông Lula về đầu với 50,84% cử tri ủng hộ. Tổng thống mãn nhiệm Bolsonaro được chưa đầy 49,2%. Thắng lợi dù rất sít sao của ứng viên cánh tả lần này dù vậy vẫn được coi là một thành tích lịch sử, trong bối cảnh Ba Tây đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Phe ủng hộ ông Lula đã hết sức vui mừng trước viễn cảnh nhà đấu tranh xuất thân từ tầng lớp công nhân này trở lại cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba sau 4 năm dưới thời Tổng thống Bolsonaro cánh cựu hữu và với chủ trương rất bảo thủ.
Đặc phái viên RFI tại Ba Tây, Achim Lippold, từ Sao Paulo tường trình về không khí tại chỗ đêm qua:
“Lula trở lại cầm quyền. Đám đông phấn khởi reo hò trên đại lộ Paulista. Có những cặp vợ chồng, những gia đình với cả con cái, có những người ngồi trên xe lăn, có những người chuyển giới… Đó là hình ảnh đa dạng của một nước Ba Tây. Tối nay họ đã tập hợp cả về đây, ở trung tâm thành phố Sao Paulo.
Albrecht một thanh niên trẻ nói: ‘Thật là nhẹ nhõm và vui sướng khi tống khứ được ông Bolsonaro đi! Chúng tôi mong đợi điều này đã lâu. Không thể nào tha thứ cho những quyết định của ông ta trong thời gian Ba Tây phải đối mặt với đại dịch Covid. Bolsonaro hành xử một cách vô trách nhiệm’.
Một số khác vui sướng đến nỗi không cầm được nước mắt như trường hợp của Julia, một người mẹ trẻ từ Santa Catarina, ở miền Nam Ba Tây đến đây với cả gia đinh. Julia đã mong mỏi được ăn mừng chiến thắng của Lula. Là một người sống tại một trong những thành phố ủng hộ chương trình của ông Bolsonaro mạnh nhất, Julia giải thích: ‘Đối với tôi, tối nay là chiến thắng của nền Dân chủ’
Về phần Camilia, cô lo lắng và cho rằng khó có thể mừng chiến thắng khi mà Tổng thống mãn nhiệm vẫn giữ được một tỷ lệ ủng hộ khá vững vàng. Camila phân tích: ‘Chúng ta vừa thắng mà vừa thua, khi mà một nửa đất nước vẫn chia sẻ những giá trị của ông Bolsonaro’. Hàn gắn một đất nước bị chia rẽ sâu rộng như vậy sẽ là thách thức chờ đợi Tổng thống tân cử Lula. Trước các ủng hộ viên, ông cam kết sẽ điều hành đất nước vì lợi ích của toàn bộ người dân Ba Tây”.
Kết Quả Bầu Cử Tổng Thống Ba Tây: Thế Giới Chúc Mừng Lula!
- Ngày 31/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay không chỉ có người dân Ba Tây thở phào nhẹ nhõm sau thắng lợi của ông Lula, mà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chúc mừng ông.
Tổng thống Hoa Kỳ là một trong những lãnh đạo đầu tiên gửi điện chúc mừng Tổng thống tân cử Ba Tây sau một cuộc bầu cử “tự do, công bằng và đáng tin cậy”. Hoa Thịnh Ðốn mong muốn nhanh chóng làm việc với chính quyền mới của Ba Tây để “tiếp tục các chương trình hợp tác song phương”
Về phía Âu Châu, Bá Linh xem nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới đây của ông Lula da Silva là một “thắng lợi to lớn đối với mô hình dân chủ và đối với môi trường”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên Twitter chúc mừng “một trang sử mới đang mở ra cho Ba Tây”, và tuyên bố Paris và Brasilia sẽ “cùng hợp lực để vượt qua những thức thách chung”. Để chào mừng thắng lợi của ông Lula, Na Uy sáng nay thông báo khởi động lại chương trình viện trợ cho Ba Tây chống nạn phá rừng Amazon. Chương trình này đã bị đình chỉ dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro.
Trong bức điện chúc mừng ông Lula, Gia Nã Ðại và Úc Ðại Lợi cũng nhấn mạnh đến phát triển chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Riêng Tổng thống Mễ Tây Cơ Andreas Manuel Lopez Obrador thì coi chiến thắng của ứng cử viên cánh tả Ba Tây là một thắng lợi của nhũng giá trị như “công bằng và nhân ái”
Về phía ba thành viên trong nhóm BRICS là Ấn Độ và Trung Quốc và Nga, Thủ tướng Modi trong thông điệp chúc mừng Tổng thống tân cử Ba Tây cho biết ông “nóng lòng cộng tác với Brasilia trên các vấn đề quốc tế”. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng “nâng cấp” hợp tác song phương với cường quốc Mỹ Châu La Tinh này. Tổng thống Vladimir Putin thì nhấn mạnh đến hợp tác giữa Nga và Ba Tây “trong mọi lĩnh vực”.
Tình Hình Chiến Sự Bất Ngờ Nóng Lên: Khi Quân Nga Ồ Ạt Tấn Công Ukraine Bằng Phi Đạn Liên Lục Địa!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trong khi chiến dịch giải phóng Kherson ở miền Nam Ukraine tiếp diễn, nhiều vùng tại Ukraine sáng 31/10/2022 lại bị quân Nga ồ ạt tấn công bằng phi đạn liên lục địa. Nhiều khu vực ở thủ đô Kyiv đã bị mất điện, do mục tiêu chủ yếu mà quân Nga nhắm tới vẫn là cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Trên mạng Telegram, Không quân Ukraine cho biết quân Nga đã phóng hơn 50 phi đạn liên lục địa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các phi đạn X-101/X-555 đã được phóng đi từ các phi cơ Tu-95 và Tu-160 từ phía Bắc biển Caspi và vùng Rostov của Nga.
Riêng tại thủ đô Kyiv, sáng sớm 31/10, các nhà báo của thông tấn xã AFP nghe thấy ít nhất 5 vụ nổ. Đô trưởng Vitaly Klitschko cho biết một phần Kyiv mất điện và nhiều khu vực bị cúp nước sau các cuộc không kích của Nga. Trước đó, trong hai hôm 10 và 17/10, các cơ sở hạ tầng năng lượng của Kyiv cũng đã bị Nga tấn công ồ ạt bằng drone, được xem là do Iran chế tạo.
Nhìn về miền Nam Ukraine, chiến dịch giải phóng Kherson sẽ phải kéo dài đến cuối tháng 11, theo dự báo của Kyrylo Budanov, lãnh đạo cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine. Mặc dù đã giải phóng một số làng mạc ở miền Nam đất nước, nhưng lực lượng Ukraine đã vấp phải nhiều kháng cự khi tiến về Kherson.
Thông tín viên Anastasia Becchio và Boris Vichith gặp gỡ những người lính đang chiến đấu trên mặt trận. Sau đây là bài phóng sự gửi về từ Kherson:
“Nghỉ ngơi một vài tiếng đồng hồ trong đơn vị, ở một ngôi làng đã được giải phóng hồi tháng Chín, trước khi trở lại mặt trận. Đó là lịch trình của Evguen, thuộc lữ đoàn 60. Là thợ cơ khí dân sự, Evguen được huy động từ những ngày đầu nổ ra chiến tranh. Evguen nói: “Chiến dịch này phức tạp hơn chúng tôi tưởng, chúng tôi không nghĩ rằng họ sẽ tháo chạy và để lại mọi thứ. Chúng tôi phải chiến đấu để giải phóng từng làng, từng cánh đồng. Địa hình vùng này gây khó khăn cho chúng tôi, bởi vì đây là vùng thảo nguyên bằng phẳng, nên khi tấn công, chúng tôi sẽ bị phát giác ngay. Nhưng không sao, rồi chúng tôi sẽ thắng, chỉ là vấn đề thời gian thôi”.
Mục tiêu của họ vẫn là tái chiếm Kherson. Lực lượng chiếm đóng Nga đã thề sẽ biến Kherson thành một “pháo đài” và đã di tản một phần thường dân sang phía bờ bên kia sông Dniepr. Đối với viên sĩ quan đến từ làng lân cận để sửa xe, điều đó sẽ khiến nhiệm vụ của lực lượng Ukraine phức tạp hơn. Ông giải thích: “Họ đã cố tình đưa người dân sang phía bờ bên kia của Kherson, bởi vì họ sẽ dùng dân chúng làm lá chắn. Đó là chiến lược quân sự của họ. Rồi sau đó, họ sẽ loan tin chính chúng tôi đã bắn vào người dân của chúng tôi. Cũng giống như ở Enerhodar vậy. Họ đã chiếm nhà máy điện nguyên tử và tự cho phép mình làm mọi điều, vì biết rằng chúng tôi sẽ không bắn vào đó”.
Hai quân nhân này không ảo tưởng, họ nói rằng chiến dịch sẽ còn kéo dài và sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai bên”.
Nga Dội Phi Đạn Liên Tục Dữ Dội Vào Kyiv và Các Thành Phố Khác, Sau Khi Rút Khỏi Thỏa Thuận Ngũ Cốc
(Hình: Kyiv bị mất điện sau khi bị phi đạn của Nga tấn công.)
Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 31/10/2022, các vụ nổ xảy ra ở Kyiv và nhà chức trách Ukraine thông báo có các cuộc tấn công phi đạn của Nga trên khắp đất nước, sau khi Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv về cuộc tấn công vào hạm đội Biển Đen của họ và rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine được xuất cảng các lô hàng ngũ cốc.
Nga và Ukraine đều thuộc số những nước xuất cảng lương thực lớn nhất thế giới, và việc Nga phong tỏa các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào đầu năm nay.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Một loạt phi đạn nữa của Nga tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Thay vì chiến đấu trên chiến trường, Nga đánh vào dân thường”.
“Chớ có biện minh cho các cuộc tấn công này bằng cách gọi chúng là một ‘phản ứng’. Nga làm điều này bởi vì họ vẫn có phi đạn và tâm ý giết người dân Ukraine”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết phi đạn đã bắn trúng cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kyiv và các thành phố khác, gây mất điện và nước.
“Nga không quan tâm đến các cuộc hòa đàm, cũng như an ninh lương thực toàn cầu. Mục tiêu duy nhất của ông Putin là chết chóc và hủy diệt”.
Hiện chưa có phản ứng ngay lập tức từ Mạc Tư Khoa, nước đã cáo buộc Kyiv tấn công Hạm đội Biển Đen của họ tại một cảng ở Crimea bằng 16 máy bay không người lái hôm 29/10. Đầu tháng này, Nga đã tiến hành các cuộc không kích lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến nhằm vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, trong đó họ nói là đáp trả cuộc tấn công vào cây cầu dẫn tới Crimea.
Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận họ đứng sau vụ tấn công hạm đội Nga, đây là chính sách điển hình của Ukraine về các sự việc ở Crimea.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga “tống tiền thế giới bằng nạn đói” thông qua hành động rút khỏi thỏa thuận xuất cảng lương thực do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp.
Ông Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu tối 30/10 rằng trong số các tàu bị giữ có một tàu chở hàng chục ngàn tấn lúa mì, do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc thuê để ứng phó khẩn cấp ở vùng Horn of Africa.
Bộ cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết tổng cộng 218 tàu đã “bị phong tỏa trên thực tế”.
Thỏa thuận ngũ cốc yêu cầu Nga và Ukraine phối hợp về việc kiểm tra và về hải hành quá cảnh của các chiếc tàu qua Biển Đen, với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian.
Hôm 30/10 không có tàu nào được di chuyển qua đây. Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã đồng ý với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine về kế hoạch quá cảnh vào ngày 31/10 cho 16 tàu vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen - 12 chuyến đi và 4 chuyến đến. Chưa có phản hồi ngay lập tức từ Nga.
Liên Hiệp Quốc cho biết các viên chức Nga được thông báo về kế hoạch này, cùng với ý định kiểm tra 40 tàu xuất cảnh vào 31/10, và lưu ý rằng “tất cả các bên tham gia phối hợp với quân đội của họ và các cơ quan có liên quan khác để bảo đảm tàu thương mại qua lại an toàn” theo thỏa thuận.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 29/10 gọi động thái của Nga là “hoàn toàn thái quá” và nói rằng điều đó sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Mạc Tư Khoa vũ khí hóa thực phẩm.
Hôm 30/10, Đại sứ Nga tại Hoa Thịnh Ðốn, phản pháo lại, nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ là “thái quá” và Hoa Thịnh Ðốn đưa ra những khẳng định sai lầm về động thái của Mạc Tư Khoa.
Nga Tấn Công Hàng Chục Phi Đạn Vào Nhà Máy Thủy Điện Ukraine!
(Hình: Nga tấn công phi đạn vào Kyiv, ngày 31/10/2022.)
Thông tấn xã Reuters cho hay Nga bắn hàng chục phi đạn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine bao gồm các nhà máy thủy điện vào hôm 31/10/2022, gây mất điện trên diện rộng, mất sóng điện thoại di động và mất nước sinh hoạt.
Các vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Kyiv và khói đen dày đặc bốc lên bao trùm thủ đô trong một làn sóng tấn công vào sáng ngày 31/10 mà Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết nhằm vào 10 khu vực của Ukraine và làm hư hại 18 cơ sở chủ yếu liên quan đến năng lượng.
Thống đốc khu vực cho biết một nhà máy thủy điện lớn tại Kremenchuk ở miền Trung Ukraine đã bị tấn công, nhưng không nói rõ liệu nó có bị đánh trúng hoặc bị hư hại hay không.
Tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên mạng xã hội và các bản tin địa phương cho thấy các nhà máy thủy điện cũng đã bị tấn công ở vùng Kyiv, các vùng Odesa và Zaporizhzhia ở miền Nam, và vùng Cherkasy ở miền Trung.
Bộ trưởng Năng lượng Đức Galushchenko viết trên Facebook: “Một cuộc tấn công man rợ nữa nhằm vào hệ thống năng lượng của Ukraine đã diễn ra vào sáng nay. Các trạm biến thế, thủy điện và cơ sở nhiệt điện đã bị trúng phi đạn”.
Ông cho biết một số khu vực bị mất điện một phần và việc cắt điện khẩn cấp đã được áp dụng ở những khu vực khác để giảm tải cho hệ thống năng lượng.
Nga chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về các cuộc không kích mới nhất.
Thủ tướng Shmyhal cho biết hàng trăm khu dân cư đã bị mất điện trong các cuộc tấn công vào “cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng”. Ông cho rằng hậu quả có thể còn tồi tệ hơn, nhưng hệ thống phòng không đã bắn hạ được 44 trong số hơn 50 phi đạn được nã vào sáng 31/10.
Bộ Quốc phòng Ukraine nói một tuyên bố trên Twitter: “Nhân dịp Halloween, người Nga quyết định thực hiện một hành động khủng bố nữa bằng phi đạn”.
Đề cập đến các hệ thống chống tăng và phi đạn tầm xa do Mỹ cung cấp, bộ này nói thêm: “Thánh Javelin và Thánh HIMARS sẽ quy phục những linh hồn quỷ dữ”.
Hiện chưa có thông tin ngay lập tức về thương vong mặc dù thống đốc Kyiv nói rằng đã có “một nạn nhân” trong vụ “pháo kích lớn” vào khu vực, theo cách dùng từ mô tả của ông.
Chính quyền Kyiv cho biết 350.000 căn nhà không có điện, nguồn cung cấp nước bị ảnh hưởng và hệ thống điện thoại di động ở một số khu vực bị gián đoạn.
Thị trưởng Kharkiv cho biết phi đạn đã nhắm vào “một cơ sở hạ tầng quan trọng” ở thành phố miền Đông-Bắc.
Các viên chức Ukraine không đưa ra chi tiết về thiệt hại đối với các nhà máy thủy điện, nơi sản xuất khoảng 5% điện năng của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2.
Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố kể từ khi đổ lỗi cho Kyiv về một vụ nổ làm hư hại một cây cầu nối miền Nam nước Nga với Crimea đã sáp nhập.
Lo Ngại Nguy Cơ Bành Trướng Bắc Kinh: Mỹ Chuẩn Bị Đưa Oanh Tạc Cơ B-52 Đến Miền Bắc Úc!
- Kênh truyền thông Úc Ðại Lợi ABC ngày 31/10/2022 vừa tiết lộ: Mỹ đã có kế hoạch khai triển đến 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52 có khả năng mang bom nguyên tử đến một căn cứ Không quân ở miền Bắc nước Úc. Theo giới chuyên gia phân tích được ABC trích dẫn, đây là một tín hiệu cảnh cáo nhắm vào Trung Quốc.
Theo chương trình Four Corners của đài ABC, các tài liệu từ phía Mỹ cho biết là Hoa Kỳ dự định xây dựng các cơ sở chuyên dụng cho loại oanh tạc cơ B-52 tại căn cứ hẻo lánh Tindal của Không quân Úc Ðại Lợi, cách Darwin, thủ phủ của vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, khoảng 300 cây số về phía Nam.
Mỹ đã lên kế hoạch chi tiết cho cái mà họ gọi là “cơ sở hoạt động của phi đội” để sử dụng trong mùa khô tại vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, bao gồm một trung tâm bảo trì và một bãi đậu “dành cho 6 chiếc B-52”.
Trả lời kênh ABC, Không quân Mỹ khẳng định: “Năng lực khai triển máy bay ném bom tầm xa tới Úc Ðại Lợi gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các đối thủ về khả năng của Hoa Thịnh Ðốn trong việc khai triển lực lượng Không quân chiến đấu”.
ABC trích lời bà Becca Wasser, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Centre for New American Security, cho rằng việc đưa B-52, loại phi cơ có thể tiếp cận và có khả năng tấn công Hoa Lục, sẽ là một lời cảnh cáo đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguy cơ Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Khi được hỏi về thời điểm B-52 bắt đầu được khai triển đến căn cứ Tindal, Bộ Quốc phòng Úc Ðại Lợi đã từ chối bình luận.
Theo hãng tin Anh Reuters, vùng Lãnh Thổ Bắc Úc là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác quân sự Úc-Mỹ thường xuyên. Hàng ngàn lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đã luân phiên đến miền Bắc Úc mỗi năm để huấn luyện và tập trận chung, lần đầu tiên bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Vào năm 2022, Mỹ đã khai triển 4 chiếc B-52 tới căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.
Mỹ Nhắm Khai Triển B-52 Tới Bắc Úc, Giữa Lúc Có Căng Thẳng Với Trung Quốc
(Hình: Một loại B-52 của Mỹ.)
Mỹ đang có kế hoạch khai triển 6 máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí nguyên tử tới một căn cứ Không quân ở miền Bắc Úc, một nguồn thạo tin cho thông tấn xã Reuters biết hôm 31/10/2022, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.
Các cơ sở chuyên dụng cho máy bay ném bom sẽ được thiết lập tại căn cứ Tindal hẻo lánh của Không lực Hoàng gia Úc Ðại Lợi, cách Darwin khoảng 300 cây số về phía Nam, nguồn tin không nêu tên cho biết. Darwin là thủ phủ của Lãnh thổ phía Bắc Úc.
Động thái này được chương trình Four Corners của đài ABC loan tin đầu tiên, trích dẫn các tài liệu của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Úc Ðại Lợi gắn bó với Hoa Kỳ trong các liên minh quốc phòng “thường xuyên”.
Ông Albanese cho biết trong một cuộc họp báo: “Tất nhiên, có những chuyến thăm tới Úc Ðại Lợi, bao gồm cả ở Darwin, tất nhiên có Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đóng quân ở đó trên cơ sở luân phiên”.
Lãnh thổ phía Bắc của Úc Ðại Lợi vốn là nơi tổ chức các hoạt động hợp tác quân sự thường xuyên với Hoa Kỳ. Hàng ngàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ luân chuyển qua khu vực này hàng năm để huấn luyện và tập trận chung, bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles từ chối bình luận.
Khi được yêu cầu bình luận tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 31/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các nước không nên nhắm vào các bên thứ ba.
Ông Triệu nói: “Các hoạt động liên quan của phía Hoa Kỳ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực và có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”.
Mỹ đã lên kế hoạch chi tiết cho “cơ sở hoạt động của phi đội”, theo cách gọi của Mỹ, để sử dụng trong mùa khô ở Lãnh thổ phía Bắc. Trong kế hoạch, có một trung tâm bảo dưỡng liền kề và khu vực đậu cho máy bay B-52, bản tin của đài ABC cho biết.
Không lực Mỹ cho biết khả năng khai triển các máy bay ném bom tầm xa tới Úc Ðại Lợi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ về khả năng khai triển sức mạnh Không quân của Hoa Thịnh Ðốn.
Máy Bay Chiến Đấu Hoa Kỳ và Nam Hàn, Bắt Đầu Cuộc Tập Trận Trên Không Lớn Chưa Từng Có!
(Ảnh: Cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Nam Hàn vào tháng 6/2022.)
- Hôm 31/10/2022, Hoa Kỳ và Nam Hàn bắt đầu một trong những cuộc tập trận Không quân phối hợp lớn nhất của họ, với hàng trăm máy bay chiến đấu của cả hai bên thực hiện các cuộc tấn công giả định liên tục 24 tiếng đồng hồ/ngày trong suốt một tuần, theo thông tấn xã Reuters.
Cuộc tập trận mang tên Vigilant Storm (tạm dịch: Bão táp Cảnh giác) sẽ diễn ra cho đến ngày 4/11 và sẽ có khoảng 240 máy bay chiến đấu thực hiện khoảng 1.600 phi vụ, Không lực Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước. Tuyên bố nói thêm rằng đây là số lượng phi vụ nhiều nhất từ trước đến nay đối với sự kiện hàng năm này.
Bình Nhưỡng từ trước đến nay vẫn lên án các cuộc tập trận chung này là một cuộc diễn tập cho hành động xâm lược và là bằng chứng về các chính sách thù địch của Hoa Thịnh Ðốn và Hán Thành. Để phản đối các cuộc tập trận gần đây, Bắc Hàn đã phóng phi đạn, tập trận trên không và nã pháo xuống biển.
Hai nước đồng minh Mỹ, Hàn cho rằng cần phải có những đợt huấn luyện như vậy để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Bắc Hàn, quốc gia đã thực hiện số vụ phóng phi đạn kỷ lục trong năm nay và đã chuẩn bị để tiếp tục thử nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Cuộc tập trận Vigilant Storm sẽ bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cải tiến của cả Hoa Kỳ và Nam Hàn, cùng các máy bay khác. Úc Ðại Lợi cũng sẽ khai triển một máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho cuộc tập trận này.
Không quân Hoa Kỳ cho biết: “Không quân của Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các binh chủng của hai bên để thực hiện các nhiệm vụ Không quân lớn như yểm trợ Không quân tầm gần, phòng không phản công và các hoạt động Không quân khẩn cấp 24 tiếng đồng hồ/ngày trong thời gian huấn luyện”. Không lực Hoa Kỳ cho biết thêm: “Các lực lượng hỗ trợ trên mặt đất cũng sẽ huấn luyện các quy trình phòng thủ căn cứ và khả năng sống còn trong trường hợp bị tấn công”.
Hôm 28/10, quân đội Nam Hàn kết thúc cuộc tập trận thực địa Hoguk 22 kéo dài 12 ngày, trong đó có các cuộc đổ bộ mô phỏng và vượt sông, bao gồm một số cuộc tập trận với lực lượng Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét