Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Đà Lạt lần trở lại - Hoàng Nga


Có những thành phố dẫu đã sống rất nhiều năm, nhưng khi xa rồi người ta lại không còn muốn trở về. Người ta không thể quên và sẽ không bao giờ quên nơi mình từng lớn lên, từng sinh sống, từng có những buồn vui, những sẻ chia ngọt bùi với người thân và bè bạn trong quãng đời ấy của mình, và cũng chẳng phải vì cớ gì, vì nỗi ám ảnh nào, nhưng cứ thể như là một đoạn lìa trong cuộc đời, một con nước chảy từ sông ra biển lớn, trôi theo giòng rồi mất hút; cái ý nghĩ, lẫn ý niệm không quay trở về bỗng dưng hình thành rồi ở lại trong trí của người ấy. Không lý do gì để giải thích, người ta chỉ có thể nói là không muốn trở về.
<!>
Vậy thôi. Tuy nhiên ngược lại cũng có những nơi chẳng là nơi chôn nhau cắt rốn, chẳng là nơi cưu mang nhiều hoài niệm, cũng chẳng là nơi hò hẹn hoặc có ai đợi chờ, chỉ đến một đôi lần, chỉ lưu lại đó một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng con người ấy lại thích đến lần nữa. Về lần nữa. Ðể ngó trời ngó đất. Ngó lại nơi mình từng đã đi qua…

Có lẽ tôi sẽ nói, tôi đã về Ðà Lạt trong tâm trạng như vậy.

Lúc bé, cứ mỗi bận chú tôi trở lại thị xã từ Trường Võ Bị, hay khi gia đình tôi nhận được thư chú từ Ðà Lạt, thì tôi vẫn luôn luôn là đứa chộn rộn nhất. Tôi ngưỡng mộ chú, ngưỡng mộ những lá thư có đóng dấu hai chữ mang tên thành phố ấy y như trẻ nhỏ thời nay ngưỡng mộ thần tượng, ca sĩ.

Tôi đã ước ao, đã mong muốn được nhìn thấy thành phố Cao nguyên ấy ít nhất là một lần trong đời. Tuy nhiên khi còn sống ở miền Trung, từ thị xã tôi lên Ðà Lạt không xa xôi nghìn trùng, phương tiện di chuyển chỉ là một chuyến bay Douglas DC-4, hay một lượt xe đò cho đoạn đường chừng năm trăm cây số -khoảng hai phần ba đường từ thị xã đi Sài Gòn, hay dài hơn đi Nha Trang tí chút- với hoàn cảnh gia đình tôi thì không mấy khó khăn, nhưng anh em chúng tôi đứa nào cũng từng có dịp vào thủ đô, cũng được đi Nha Trang, vậy mà lại không hề được đến Ðà Lạt.


Vì vậy khi nghe cô bạn mới quen trong ngày đầu tiên lên trung học, nói vừa mới chuyển từ Ðà Lạt xuống, lập tức, tôi đã dành cái nhìn trìu mến lẫn ngưỡng mộ cho bạn liền. Và chúng tôi đã thân với nhau ngay sau đó. Khi lên lớp mười, cùng sở thích viết lách, thơ thẩn, nên hai đứa đã “feuilleton” một cuốn tiểu thuyết tình yêu tuổi mới lớn, mỗi ngày viết một đoạn cho đám bạn cùng lớp chuyền nhau đọc. Tôi hoàn toàn không nhớ chúng tôi đã viết những gì, tình tiết và nhân vật ra sao, nhưng nhớ rất rõ bối cảnh là Ðà Lạt. Nhớ rõ hơn, vô cùng rõ là khác, đám bạn “độc giả” của chúng tôi đã phê bình những đoạn tôi “tả” về Ðà Lạt không hay, không tự nhiên như những gì cô bạn tôi viết. Vì vậy mà có lần, quạu, tôi la lên làm sao tôi có thể viết hay được khi không từng sống ở Ðà Lạt, nhưng về sau, cứ tới những đoạn “mô tả” thì tôi… né.

Mỹ cảm với Ðà Lạt như vậy nhưng mãi cho tới những năm sau 75 tôi mới được đặt chân tới thành phố Cao nguyên này. Những hình ảnh về Ðà Lạt trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ vẫn là những buổi sớm mai, sương mù giăng từ hồ Xuân Hương lãng đãng qua đến đồi Cù. Là màu vàng rực rỡ của những đóa quỳ nở rộ hai bên lề đường từ phi trường Liên Khương về đến phố. Là mùi hương hạt dẻ nướng thơm ngát trên những con dốc xuống chợ, vòng qua đường Yersin. Là những ngọn thông xanh ngắt vươn lên bầu trời…

Rất nhiều lần tôi nói, có thể tôi đã nhầm lẫn Ðà Lạt với những thành phố Âu châu, Úc châu tôi từng sống hoặc đi qua, cũng có thể nhầm ngay chính con đường này với con đường khác, khung cảnh nọ với khung cảnh kia của Ðà Lạt. Chẳng hạn tôi cứ nhớ phía trước khách sạn Palace trồng sen Nhật đỏ thẫm nổi bật trên đám cỏ xanh ngăn ngắt bên sườn dốc dọc theo lề đường. Cứ nhớ một con đường hẹp và ngoằn ngoèo với những bậc thang nhỏ len qua nhiều quán cà phê nhỏ nằm trên đường Minh Mạng vân.vân… Những “ký ức” thật mơ hồ có lẽ tựa như những mảnh ráp puzzle, trông có vẻ tương tự, nhưng khi đặt vào với nhau thì không vừa, không phải. Tuy nhiên tôi cứ giữ những mảnh ráp ấy như vậy trong trí mà chưa bao giờ dám hỏi những người từng sống ở Ðà Lạt có đúng hay không, thể như tôi sợ phải nghe câu trả lời, “không”.

Tôi chưa tới Ðà Lạt mù sương trước ngày miền Nam mất, không được nhìn thấy vẻ mỹ miều của thành phố này được ca tụng trong văn chương, sách vở. Về sau đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra phần lớn các thành phố xứ lạnh thường có nét trầm mặc, u buồn có thể do trời thường nhiều mây, cỏ cây có màu nhạt hơn những vùng đầy nắng. Thuở tôi biết Ðà Lạt thì Ðà Lạt thật buồn. Nhưng cái buồn không do cảnh, không do trời ít nắng, do mây phủ che, do sương lãng đãng, mà chỉ do con người khiến thành phố trở nên xơ xác nghèo nàn.

Những tháng năm đó, cũng vì xơ xác, nghèo nàn, tôi thường theo người chị con má lớn lên Ðơn Dương, như một hình thức “lánh nạn” những bữa cơm thiếu thốn ở nhà. Chị tôi lúc đó còn buôn bán được, còn cung cấp được cho gia đình những chén cơm không độn khoai độn bắp. Chị đưa tôi lên Ðơn Dương, chẳng làm gì cả, mà chỉ để tôi có dịp ăn uống chút gì đó đỡ hơn ở nhà.
Lên Ðơn Dương, tôi ngày ngày đi ra đi vô, nhàn cư như… người Ðà Lạt. Cái xã Lạc Nghiệp bé tí xíu, trước nhà má tôi chỉ có một vách núi sừng sững và con đường dẫn ra chợ, lên chùa Tường Vân… Tôi đã ngồi trong cửa sổ ngó ra ngoài, hoặc thơ thẩn ra trước hiên nhìn mây xám, chờ chị tôi hô “đi Ðà Lạt” là nhảy tót lên xe. Nhưng Ðà Lạt “của” tôi lúc đó, chỉ gói gọn từ ngã ba Tùng Nghĩa lên tới khu Hòa Bình, chỉ được rảo mắt xuống hồ Xuân Hương dăm ba phút đợi chị tôi mua bán xong là lại lên xe quay về ngay. Quán café Tùng, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thậm chí Nhà thờ Con Gà, trường Yersin…, những địa danh mà bạn tôi “feuilleton” trong tiểu thuyết, vẫn còn nằm đâu đó trong trí tưởng tượng của tôi.


Sau này, năm ba năm sau, có dịp trở lại Ðà Lạt tôi mới được chiêm ngưỡng thành phố Cao nguyên này cách thật sự, mới được lang thang trên đồi Cù, tới hồ Than Thở, được nhẩn nha lội bộ lên dốc xuống đèo, được tới những nơi nổi tiếng, được được ăn bắp nướng, hạt dẻ thơm tho trên phố đêm. Và mặc dầu Ðà Lạt thuở ấy dẫu cũng đã lắm tang thương như bao thành phố khác của miền Nam, nhưng cái hồn của Ðà Lạt vẫn còn qua con người Ðà Lạt, qua lối sinh hoạt nhẹ nhàng, thong thả của người dân ở đó. Vẫn những buổi sớm mai yên tĩnh trên con dốc xuống rừng thông có dăm người tản bộ, vẫn nhàn nhã các cô các bà ngồi đan áo bên trong cửa sổ, và đặc biệt hơn là vẫn phong cách trò chuyện dịu dàng, dễ nghe của người Ðà Lạt.

Tôi rời quê hương hơn ba mươi năm, sống lang thang nhiều Châu lục, lắm lần trở về thăm mẹ, thăm bạn bè, thỉnh thoảng cũng đến chỗ nọ chỗ kia nhưng tôi không về Ðà Lạt. Tôi nghe nói Ðà Lạt nhiều thay đổi. Tôi hiểu, và biết Ðà Lạt không còn như thuở xưa, vì đã lắm nhà hàng quán nhậu, lắm nhà nghỉ, khách sạn xây dựng bừa bãi khắp nơi. Rồi lại thêm cổng chào tượng đài đủ kiểu. Cuối cùng, thêm một trong những điều làm thay đổi cái hồn của Ðà Lạt là những đợt “di dân” như thác lũ từ miền ngoài tràn vào. Cái phong cách đứng đi trò chuyện cho đến lối sống, sinh hoạt, đến cả giọng nói tiếng cười của người Ðà Lạt cũng dần dà biến dạng, hoặc đang trở thành thiểu số.

Ðà Lạt bây giờ xe cộ nhiều cơ man, du khách nhiều cơ man. Ngập tràn hỗn loạn. Có những ngày Ðà Lạt không có chỗ đậu xe. Có những ngày Ðà Lạt nóng bức như Sài Gòn. Và đến Ðà Lạt bây giờ, hiếm hoi lắm mới được nghe một câu bán mua nhỏ nhẹ. Hiếm hoi lắm mới được nghe một giọng nói êm tai.

Tôi đã biết như vậy trước khi về, nên không hề ngạc nhiên vì sự thay đổi. Nhưng khi chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, tôi vẫn buồn không tả được. Cái thành phố vô cùng xa lạ trong mắt tôi vì xe cộ láo nháo, người láo nháo, mỹ quan gần như đã biến mất chỉ còn lại một mớ tạp nham vay mượn. Phố không ra phố, quê không ra quê, những nét lãng mạn, thanh lịch và sang trọng của Ðà Lạt dường như chẳng còn khi con người nhúng tay quá lố vào thiên nhiên.


Con mắt thẩm mỹ chỉ dừng lại ở vàng thì vàng chói, đỏ thì đỏ rực, tím thì tím ngắt. Thành phố đầy hoa nhưng hoa thể như trồng trong nhà kính để bán, ngay hàng thẳng lối, sắc màu đối chọi với nhau đến nhức mắt.

Chúng tôi đã chọn Ðà Lạt là nơi sẽ đi với nhau vài ngày gọi là để kỷ niệm sáu mươi năm cuộc đời và năm mươi năm gắn bó, một nơi tôi và bạn đã không cùng lớn lên nhưng vì cùng có những ký ức đẹp. Chúng tôi cũng quyết định không đi đến những nơi người ta vẫn đang đến, không đi những nơi thiên hạ vẫn đang đi, đang “du lịch”, mà vòng vèo qua một vài chỗ cũ, đến một vài chỗ mới, lội bộ dưới những con đường xanh lá, leo vài con dốc, ngồi vài quán cà phê, và nói chuyện Ðà Lạt, một Ðà Lạt rất xưa, rất yêu kiều của chúng tôi. Chúng tôi cũng quyết định sẽ bỏ ngoài tai những bực bội vì “ngoại cảnh”, vật đổi sao dời.

Hai đứa, như ngày còn thiếu nữ, đi lang thang dưới các vòm cây lá, bước lên bước xuống những bậc thềm ở chợ Ðà Lạt, ngồi với nhau trong quán cà phê trên con dốc nhìn xuống đường phố, xuống mặt hồ… Chúng tôi thực hiện một số điều, nhưng vài ba dự định khác thì thời gian bốn hôm ngắn ngủi ở Ðà Lạt không đủ cho chúng tôi làm, cũng như không đi hết được những chốn còn in trong ký ức và chưa bị biến mất trên thực tế. Cuối cùng tuy thỉnh thoảng giữa những nụ cười, giữa những niềm vui, vẫn có xen chút khó chịu với những điều phải nghe, phải nhìn, chúng tôi đã nói với nhau, “cuối cùng thì mình cũng về Ðà Lạt”.

Phải. Chúng tôi đã về Ðà Lạt. Bạn đã về lại Ðà Lạt. Tôi đã về lại Ðà Lạt. Một Ðà Lạt cũ của chúng tôi. Không. Ðà Lạt nào đó của thiên hạ.


Buổi sáng trở về nhà sau chuyến đi xa, ngồi nhìn những hạt mưa rơi nhẹ trên sân, nhìn ngọn lá lay động bên hiên trong cái yên ắng, tĩnh lặng ở chung quanh, sực nhớ đến những tiếng động ồn ào, tiếng còi xe vội vã, rồi cái nắng gắt gay, bầu không khí ẩm ướt cho dẫu ở ngay trên thành phố cao nguyên, tự dưng tôi lại chao lòng.

Tôi có cảm giác mình giống như một câu hát của Trịnh Công Sơn, nghe mưa nơi này chợt nhớ mưa xa, mà tự hỏi đang giữa đất trời yên lành, đang giữa lúc lòng hết sức bình an lại chợt nhớ cái ồn ào náo nhiệt từng có lúc khiến mình cau mày khó chịu, thì có phải chăng tôi đã rơi thỏm vào cái mâu thuẫn, cái nỗi lòng của người xa xứ ?

Hoàng Nga


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét