Trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan tại thành phố Hồ Chí Minh.Một số hãng thông tấn quốc tế bắt đầu nhắc đến những ảnh hưởng kinh tế ở Việt Nam và những mối quan hệ “mờ ám” với người Trung Quốc sau vụ bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vì cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu.“Việc bắt giữ nữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại Việt Nam, bà Trương Mỹ Lan, một lần nữa khiến mối liên hệ giữa Trung Quốc với các trùm kinh doanh ở Việt Nam bị chú ý”, Singapore Post nói hôm 21/10.
<!>
“Việt Nam bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất trong một cuộc đàn áp chống tham nhũng kéo dài nhiều tháng gây ra sự xáo trộn trong nhiều lĩnh vực và đe dọa nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”, tờ Nikkei nhận định hôm 20/10.
Tờ báo của Nhật cũng nhắc đến “cuộc tháo chạy” tại Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) khi làn sóng khách hàng xếp hàng tràn ngập ở các chi nhánh của SCB để yêu cầu rút tiền tiết kiệm, giữa lúc tin đồn lan truyền trên mạng xã hội rằng ngân hàng có thể gặp khó khăn vì “mối quan hệ sâu sắc” giữa Vạn Thịnh Phát và SCB.
Để giải quyết làn sóng “tháo chạy” ở SCB, nhà chức trách Việt Nam đã phải thực hiện nhiều bước can thiệp trực tiếp để xóa tan những lo ngại của công chúng về mối quan hệ giữa ngân hàng này với Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng Nhà nước hôm 14/10 đã phải thực hiện một bước bất thường là đặt SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt” và chỉ định 4 lãnh đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đến tham gia quản trị, điều hành SCB.
“Tin đồn”
“Khi người dân không tin vào hệ thống kiểm soát của các ngân hàng thì họ sợ có một vụ khủng hoảng ngân hàng nên họ sẽ phải rút tiền, cái đó lại gây ra những chấn động khác, chưa kể tình hình thế giới cũng đang bất ổn”, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nói với VOA.
Nhưng theo ông, “cái bất ổn nhất là người ta nghĩ rằng có thể nội tình ở bên trong có thể có chuyện nhân danh diệt trừ tham nhũng mà các phe phái thanh toán lẫn nhau, bởi vì nếu không có vây cánh, không ai có thể lường gạt đến mức độ nhiều dữ dội đến như vậy. Thế thì bây giờ đến khi có chuyện như vậy, người ta cho rằng phe này hạ phe kia, thành ra mới dám đụng đến như vậy”, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích thêm.
Bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào ngày 8/10 giữa bối cảnh “cuộc chiến chống tham nhũng” ở Việt Nam được người đứng đầu Đảng Cộng sản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, liên tục khẳng định “vẫn đang tiếp diễn” và “những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm” đều sẽ được đưa ra ánh sáng.
Bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn của bà bị cáo buộc phát hành trái phiếu trái phép để huy động 25 nghìn tỷ đồng (1,02 tỷ đô la) từ các nhà đầu tư trong giai đoạn 2018-2019, theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 8/10.
Là một doanh nhân gốc Hoa, gia tộc của bà Lan được xem là một trong những gia tộc giàu có nhất Việt Nam. Bà cũng được cho là có mối quan hệ thân thiết với các quan chức tại thành phố Hồ Chí Minh và sở hữu nhiều bất động sản sang trọng ngay trung tâm thành phố, nhưng thông tin về bà và tập đoàn Vạn Thịnh Phát lại khá hạn chế, không như những trùm tài phiệt khác tại Việt Nam.
“Công ty là một bí ẩn”, tờ Nikkei dẫn lời một người trong ngành tài chính nói.
“Các vụ án nhằm vào các nhân vật kinh doanh chủ chốt đều có liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực chính trị” trong Đảng Cộng sản Việt Nam, Nikkei dẫn một nguồn tin trong ngành bất động sản nhận định.
Trong khi đó, Singapore Post nói chồng của bà Trương Mỹ Lan, một người Trung Quốc và kinh doanh bất động sản, được cho là có quan hệ họ hàng xa với “cựu sa hoàng” về an ninh của Trung Quốc bị thất sủng Chu Vĩnh Khang và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tờ báo cũng đề cập đến những cái chết bất thường, mà Việt Nam đã cố kiểm soát thông tin, của ba giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vài ngày đầu tháng 10 làm dấy lên đồn đoán về sự liên quan của Trung Quốc trong vụ án này.
Vẫn theo Singapore Post, nhà chức trách Việt Nam có thể đặt giả thuyết rằng ba người thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị gián điệp Trung Quốc diệt trừ để cứu bà Lan vì họ đã có bằng chứng về tất cả những hành vi sai trái của bà.
Tờ báo của Singapore cũng nhắc đến tin đồn về cái chết của nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là có liên quan đến người Trung Quốc.
Ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018 khi đang giữ chức vụ chủ tịch nước.
“Rõ ràng ông ta đã được bà Lan đưa cho một tỷ đô la hối lộ nhưng ông không còn có lợi cho Trung Quốc nữa”, tờ báo nói.
Yếu tố Trung Quốc
“Xét đến mức độ nhạy cảm của vụ việc, nhà chức trách Việt Nam đã cấm các hãng truyền thông đăng tải câu chuyện và quy những cái chết là do nguyên nhân tự nhiên. Một thực tế được biết đến ở Việt Nam là có một mạng lưới gián điệp Trung Quốc mạnh mẽ và hầu như tất cả các cơ sở quan trọng đều bị đặc vụ của mạng lưới này xâm nhập, đó là những người không ngại thực hiện những hành động cực đoan như đầu độc đối thủ”.
Theo Singapore Post, hiện một số lượng lớn người Việt gốc Hoa tại Việt Nam đang mua tài sản tại các vị trí chiến lược ở các quốc gia và hầu hết trong số họ đều có mối quan hệ ở Trung Quốc đại lục.
“Với mục tiêu ngăn chặn việc mua đất tại các vị trí chiến lược của người Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết không cho người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã lách điều khoản này bằng cách kết hôn với một người Việt ở địa phương hoặc tài trợ cho một người Việt Nam mua đất ven biển. Tương tự, các doanh nhân Trung Quốc cũng đã mua một số lượng lớn bất động sản tại đảo Vân Đồn có vị trí chiến lược trong Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông”.
Tờ báo của Singapore lưu ý thêm về “chiêu thức” quen thuộc của Bắc Kinh là sử dụng các nhà lãnh đạo tham nhũng, các doanh nhân của các quốc gia yếu kém về kinh tế để xâm nhập vào các quốc gia đó.
“Điều này cho phép Nhà nước Trung Quốc không chỉ tăng cường lợi ích kinh doanh của mình ở các quốc gia này mà còn lén lút thâm nhập vào chính thể của quốc gia, với mục tiêu đảm bảo ảnh hưởng lâu dài của họ”, Singapore Post nhận định.
Theo Nikkei, hiện đang có những lo ngại rằng các doanh nghiệp lớn sẽ trì hoãn việc huy động số tiền lớn trong tương lai gần để tránh bị trở thành bia đỡ đạn. Còn chính phủ Việt Nam thì trì hoãn các quyết định liên quan đến các khoản đầu tư mới như là một cách để giảm thiểu tác động của chiến dịch chống tham nhũng.
Theo tờ báo này, đầu tư của các công ty nước ngoài, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đã bị sụt giảm trong năm nay, và một cuộc trấn áp tham nhũng tiếp diễn có thể sẽ đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét