Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Trà bồ công anh: Giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng - Lam Yên biên dịch


Bạn đã bao giờ ước nguyện với hoa bồ công anh, thổi bay những cánh hoa để cầu mong điều ước của mình thành hiện thực? Có lẽ cây bồ công anh thực sự có thể đáp ứng lời nguyện cầu sức khỏe của mọi người.
<!>
Cây Bồ công anh có sức sống mạnh mẽ, được xem là một loại cỏ dại trừ mãi không hết, thật là cái tên không giống với đời thực. Trong các cách chữa trị dân gian, cây Bồ công anh có rất nhiều công hiệu: hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, hạ huyết áp, chống viêm, giảm phù thũng v.v… Toàn bộ cây Bồ công anh đều có thể được sử dụng để làm trà, bao gồm cả 3 bộ phận là rễ, lá và hoa, cho hương vị khác lạ và đặc biệt.


Toàn bộ cây Bồ công anh đều có thể được sử dụng để làm trà, bao gồm cả 3 bộ phận là rễ, lá và hoa, cho hương vị khác lạ lại đặc biệt.

Cây Bồ công anh có thể mọc ở khắp nơi trong sân vườn, cho nên tự chế trà Bồ công anh để uống khá dễ dàng. Ngoài ra, có thể lấy trà Bồ công anh làm chủ đạo, thêm các hương liệu khác như chanh, gừng, hương thảo, Lavender, hoặc loại trà và hương liệu khác, để tạo thành các loại trà Bồ công anh với nhiều khẩu vị khác nhau.

Trà hoa bồ công anh: có màu vàng tươi, vị thanh ngọt, đậm hương thơm của hoa.

Trà lá bồ công anh: có màu xanh nhạt, vị tươi mát như cỏ, tương tự như vị của trà xanh nhạt.

Trà rễ bồ công anh: Rễ bồ công anh rang lên có mùi vị của khói nồng, giống mùi thơm cà phê, còn được gọi là cà phê bồ công anh, thường được dùng thay cho cà phê, nhưng không chứa caffein.
Trà bồ công anh có lịch sử lâu đời

Trong các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới đều có đề cập đến trà bồ công anh, ở những nơi như Trung Quốc, Âu Châu và Ai Cập thì trà bồ công anh có lịch sử trên cả nghìn năm. Được xem như một loại thảo dược truyền thống, hiệu quả trị liệu của cây bồ công anh rất rộng nên được đánh giá cao và ưa thích. Trong hàng trăm năm qua, bồ công anh luôn được sử dụng trong các phương pháp trị liệu dân gian ở Âu Châu và Trung Quốc, có tác dụng điều trị các loại bệnh như viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm trùng, giải độc và cảm cúm.


Cây bồ công anh mọc trong vườn nhà, chỉ cần không bị phun thuốc trừ cỏ hoặc thuốc trừ sâu, thì có thể ngắt trực tiếp pha thành trà, vừa an toàn vừa tiện lợi.

Vì vậy, trà bồ công anh thường được dùng như một loại trà dưỡng sinh, mục đích là thanh lọc cơ thể, giảm viêm nhiễm. Nó còn có thể tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ dạ dày tiêu hóa.

Ở Bắc Mỹ, cây bồ công anh cũng vô cùng phổ biến, cho dù ở những vùng đất thiếu ánh sáng, chúng vẫn sinh trưởng tốt. Rất dễ gặp được bồ công anh mọc ở vườn nhà, miễn là bạn không phun thuốc trừ cỏ hoặc thuốc trừ sâu, thì có thể ngắt chúng và trực tiếp pha thành trà uống rất an toàn.
Công dụng của trà bồ công anh

Bồ công anh rất giàu β-carotene, Magie, Calcium, Sắt và Kẽm, đồng thời chứa Vitamin A. Đã có nghiên cứu chứng minh Vitamin A có thể ngăn ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, tiêu chảy, bệnh sởi và ung thư vú. Cây bồ công anh thực sự rất giàu Vitamin và khoáng chất.

Hiện nay, có bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, trà bồ công anh có thể có những tác dụng sau:


Trà hoa bồ công anh phối hợp với gừng hoặc chanh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hạ huyết áp. Cải thiện hệ tiêu hoá: rễ bồ công anh chứa lượng lớn chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa. Hơn nữa, trà bồ công anh có thể làm tăng lợi khuẩn trong đường ruột, giúp làm giảm các chứng đầy bụng, trướng khí và rối loạn tiêu hóa.
Tăng cường sức đề kháng: Bồ công anh cũng là nguồn cung cấp vitamin C tốt nhất.Vitamin C có thể nâng cao sức đề kháng một cách hiệu quả, đó có thể là nguyên nhân chính làm cho bồ công anh có tác dụng ngăn ngừa cảm cúm.
Giảm huyết áp: Lượng Kali có trong bồ công anh giúp giảm huyết áp, đồng thời có thể giúp thận lọc chất độc hiệu quả, làm cho máu lưu thông thông thuận hơn.
Chống viêm: Bồ công anh có chứa Taraxasterol, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Viêm có liên quan đến nhiều bệnh kinh niên, chống viêm cũng giúp chống lại bệnh ung thư.
Giảm bớt phù nề: Đã có tài liệu y tế chỉ ra rằng, trà bồ công anh có thể xem như một loại thuốc lợi tiểu, có lẽ nhờ bồ công anh chứa nhiều Kali, có thể giúp cơ thể bài tiết natri. Thuốc lợi tiểu thường làm giảm phù nề, hội chứng tiền kinh nguyệt và đầy bụng.
Cải thiện chức năng gan: Bồ công anh có chứa polysaccharides, có tác dụng bảo vệ gan, giúp gan sản xuất dịch mật, giúp gan lọc các hóa chất độc hại từ thức ăn.
Cách bảo quản trà bồ công anh

Có thể dùng bồ công anh tươi hoặc đã phơi khô để pha trà, cũng có thể hái bồ công anh ở vườn nhà hoặc mua trà bồ công anh được bán sẵn trong siêu thị. Nếu pha trà bồ công anh tự chế, tốt nhất là dùng bồ công anh đã phơi khô, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Hái lá hoặc hoa bồ công anh rồi phơi khô trực tiếp dưới nắng mặt trời, hoặc có thể dùng máy sấy khô thực phẩm.

Cho dù tươi hay khô, bồ công anh đều có thể được bảo quản trong lọ kín, như vậy mới có thể giữ được mùi thơm và hương vị của bồ công anh. Nhưng không nên dùng lọ thủy tinh trong suốt mà cần dùng lọ thủy tinh tối màu hoặc hộp thiếc, vì thủy tinh trong suốt không cản được ánh sáng mặt trời, sẽ phá hủy hình dáng và mùi vị của bồ công anh.
Cách pha trà bồ công anh với các hương vị khác nhau

Trà bồ công anh cho dù uống nóng hay uống lạnh, đều cần phải ngâm rễ, lá hoặc hoa bồ công anh trong nước nóng, sau đó để nguội rồi cho thêm đá viên để tạo thành một thức uống lạnh. Nếu ngâm hoa bồ công anh thì nhiệt độ nước tốt nhất là 93 độ C, ngâm khoảng 7-10 phút, ngâm càng lâu thì vị đắng càng đậm.

Bản thân trà bồ công anh đã có vị hơi đắng, nếu muốn cân bằng vị đắng này, bạn có thể thêm mật ong, các loại gia vị khác hoặc lá trà. Dưới đây là trà bồ công anh kết hợp với 6 hương vị khác nhau.


Cắt nhỏ một trái vanilla tươi, trộn với hoa bồ công anh khô, cùng cho vào lọ kín bảo quản.
Chanh (Lemon) và chanh ta (Lime): Chanh là một loại gia vị phổ biến nhất của trà, nhưng chanh dễ lấn át hương vị của trà hoa bồ công anh, cho nên lượng nước chanh cho một ly trà không quá 1 muỗng cà phê. Thời gian gần đây rất thịnh hành kiểu dùng chanh để pha chế với trà, cắt một miếng chanh nhỏ cho vào ly trà, có thể tạo ra một hương vị tươi mới.

Gừng: Hãy cho một miếng gừng già vào nước đun sôi trước, đợi nhiệt độ nước giảm nhẹ rồi cho hoa bồ công anh vào ngâm cùng. Gừng già có vị hơi cay làm tăng hương vị của trà hoa bồ công anh, hơn nữa sẽ không lấn át làm mất đi hương thơm của hoa bồ công anh.

Trái vanilla: Cắt nhỏ một trái vanilla tươi trộn với hoa bồ công anh khô, cùng cho vào lọ kín bảo quản. Khi pha, hương vị vanilla nồng đậm, khiến cho hương vị của trà hoa bồ công anh trở nên thơm hơn.

Lavender: Tỷ lệ phối hợp Lavender với trà hoa bồ công anh tốt nhất là 1:4 (1 Lavender: 4 bồ công anh), tỷ lệ này sẽ không làm mất đi hương vị của trà hoa bồ công anh.

Trà trái tầm xuân (rosehip): Trà trái tầm xuân được ngâm trong nước sôi cùng với trà hoa bồ công anh, lọc bỏ cánh hoa và trái tầm xuân, sau đó cho một thanh quế vào là có thể dùng được.

Hương liệu bí đỏ: Sự kết hợp giữa cà phê bồ công anh và hương liệu bí đỏ, ấm áp thơm dịu, là loại trà rất tốt vào mùa thu. Sau khi rang rễ bồ công anh, lấy bí đỏ và rễ bồ công anh đã rang vào nước nấu sôi, nấu sôi từ 10-20 phút, lọc bỏ rễ bồ công anh và hương liệu, rót ra ly, sau đó cho thêm một ít kem sữa tươi, rắc thêm một ít bột quế là có thể dùng.
Những kiêng kỵ khi dùng trà bồ công anh

Đối với hầu hết mọi người, dùng trà bồ công anh không có hại gì, nhưng có một số người sẽ có phản ứng dị ứng khi chạm hoặc dùng bồ công anh, do đó những người này không thích hợp uống trà bồ công anh. Hơn nữa bồ công anh có thể sẽ có tác dụng đối với một số loại thuốc, nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ để xác nhận xem có thể uống trà bồ công anh không.

Lam Yên biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét