Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Tin Halloween 2022 Và Kính Chuyển Nhiều Tin Nóng Theo Dòng thời Sự! - Lê Văn Hải


Lễ Hội Ma Quỷ, Đang Vui Bỗng Trở Thành Thảm Họa Đẫm Máu!
Ít nhất 146 người chết trong vụ giẫm đạp tại sự kiện mừng Halloween ở Hàn Quốc!
<!>

Các nhân viên cứu thương đưa một nạn nhân trên đường phố gần hiện trường vụ chen lấn giẫm đạp ở Seoul, Hàn Quốc, Chủ nhật, ngày 30 tháng 10 năm 2022.

Thật là kinh hoàng! Ít nhất 146 người thiệt mạng trong một vụ chen lấn giẫm đạp khi một đám đông, chơi lễ Halloween, đổ vào một con hẻm trong khu vực vui chơi về đêm ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tối ngày thứ Bảy, các quan chức đặc trách ứng phó khẩn cấp cho biết.

Vẫn còn thêm niền thương đau, khi còn có thêm 150 người nữa bị thương trong! vụ hỗn loạn ở khu Itaewon của Seoul, Choi Sung-beom, trưởng Trạm cứu hỏa Yongsan, cho biết trong một cuộc họp báo tại hiện trường.
Nhiều người bị thương trong tình trạng nghiêm trọng và đang được cấp cứu, các quan chức cho biết.

Đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul, trong ba năm sau, khi nước này dỡ bỏ các hạn chế COVID và giãn cách xã hội. Nhiều người trong số những người tham gia hóa trang, đeo mặt nạ và trang phục Halloween.

Một số người mục kích mô tả, đám đông càng về đêm càng quậy phá và kích động! Vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 20 phút tối.

"Một số người đã té ngã trong lễ hội Halloween, và có một số lượng lớn thương vong," ông Choi nói. Nhiều người trong số những người thiệt mạng ở gần một hộp đêm!


Nhiều nạn nhân là phụ nữ, ở độ tuổi đôi mươi, ông Choi cho biết.

Những video trên mạng xã hội cho thấy, hàng ngàn người chen chúc trong con hẻm hẹp, dốc bị chèn ép và bất động, khi các nhân viên cấp cứu và cảnh sát cố gắng kéo họ ra ngoài.

Ông Choi nói, thật là thương đau, tất cả các trường hợp tử vong đều có thể là do bị chèn ép trong một con hẻm hẹp duy nhất, chỉ có một lối thoát!

Các đoạn video khác cho thấy, cảnh tượng hỗn loạn khi các nhân viên cấp cứu và người dân cố gắng cứu chữa, hàng chục người dường như bất tỉnh.

Một người chứng kiến cho Reuters biết, một nhà xác dã chiến đã được dựng lên, trong một tòa nhà gần hiện trường.

Khoảng bốn chục thi thể sau đó được đưa lên cáng có bánh xe và chuyển đến một cơ sở của chính phủ, để xác định danh tính nạn nhân, theo người này

Khu Itaewon là nơi giới trẻ Hàn Quốc cũng như người nước ngoài hay lui tới, với hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín vào thứ ngày Bảy phục vụ, vui chơi lễ Halloween, sau khi hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong ba năm đại dịch.

Có người nước ngoài, trong số những người được chuyển đến các bệnh viện gần đó, theo Reuters.

Rất là nguy hiểm chết người! Mỹ khuyến cáo kiểm tra kẹo Halloween thật kỹ, đề phòng, vì có chứa fentanyl


– Giới chức công lực liên bang và địa phương khuyến cáo, cư dân kiểm tra kẹo Halloween của con cái năm nay, sau vụ tịch thu 12,000 viên fentanyl, giấu trong hộp kẹo tại phi trường quốc tế Los Angeles (LAX), California, tuần trước, theo nhật báo The Orange County Register hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Mười.

Những kẻ buôn lậu đó có lẽ không nhắm vào trẻ em, và giới chức tin rằng người ta sẽ không cố ý bỏ số thuốc fentanyl màu sắc cầu vồng đó, vô bịch kẹo trẻ em. Ông Bill Bodner, đặc vụ Cơ Quan Chống Ma Túy (DEA) phụ trách văn phòng Los Angeles, cho hay trong buổi họp báo trước Tòa Thị Chính Pasadena hôm Thứ Năm.

Thuốc giảm đau fentanyl giấu trong hộp kẹo, bị phát hiện ở phi trường quốc tế Los Angeles (LAX), California, hôm 19 Tháng Mười. (Hình: Los Angeles County Sheriff’s Department)

“Nhưng nguy hiểm là như thế này,” ông nói. “Nếu chúng tôi không chặn được số thuốc đó trong những hộp và bịch kẹo đó, chúng sẽ lọt vô nhà ai đó vào đêm Halloween, chắc chắn như vậy.”

Số fentanyl đó được bỏ trong bịch kẹo, để giấu nhân viên công lực và người khác, ông Bodner cho biết.

“Chẳng hạn, bịch kẹo Skittles, chứa viên fentanyl sẽ lọt vô nhà kẻ buôn ma túy và nhà đó vô tình có trẻ em,” ông Bodner nói. “Do lễ Halloween, nên đứa trẻ trong nhà đó đem bịch kẹo đó tới trường. Tôi nghĩ đó là mối nguy hiểm fentanyl.”

Ông Bodner đề nghị cha mẹ chơi Halloween với con, kiểm tra kẹo cẩn thận, bảo đảm là loại kẹo quen thuộc và bảo đảm bịch kẹo chưa mở. Nếu được, đem bịch kẹo đến nơi kín đáo mở ra kiểm tra, nếu con đòi ăn, ông khuyên.

Fentanyl mạnh gấp 50 lần heroin và chỉ cần 2 miligram cũng đủ gây tử vong! theo giới chức.

Hồi Tháng Chín, DEA ra lệnh báo động về fentanyl màu sắc cầu vồng, nhìn giống kẹo, như SweeTarts, hoặc giống viên phấn. Giới chức liên bang cho hay, đây là âm mưu bán fentanyl cho trẻ em. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, đó chỉ là suy đoán, vì theo họ, trẻ em thường không có đủ tiền mua.

Tuy nhiên, giới chức công lực ba quận hạt Orange, Riverside và San Bernardino vẫn khuyến cáo cư dân cảnh giác dịp lễ Halloween này, cho dù có thể bọn buôn lậu fentanyl, không nhắm vào trẻ em. Nhưng cẩn thận vẫn hơn, vì nó có thể…mất mạng!

Hoan Hô Chiến Sĩ Của Tự Do! Người Trở Về Từ Cõi Chết! Thanh Niên Việt Xung Phong, Đến Ukraine, Cầm Súng Chống Quân Xâm Lăng Nga Sô: "Tôi đã muốn chết nhưng không hối hận!" Andy Huỳnh kể về những tháng ngày bị quân Nga giam giữ, tra tấn, đánh đập dã man!

(Linh Ðan)


Andy Huynh tới sân bay ở Alabama, Mỹ, đoàn tụ với gia đình sau hơn 100 ngày bị quân Nga giam giữ.

Andy Huynh trở về nhà, với những vết thương cả về thân thể lẫn tinh thần, nhưng không hối hận, về những gì đã làm khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine.

Andy Tai Ngoc Huynh, một cựu binh Mỹ gốc Việt, xung phong đi chiến đấu ở Ukraine, là một trong hai công dân Mỹ đầu tiên, bị lực lượng của Nga bắt giữ. Anh và Alexander Drueke, người cùng bị quân Nga bắt giữ hồi tháng 6, khi đang chiến đấu ở miền Đông Ukraine, đã trở về nhà ở Alabama cuối tháng trước, sau khi được thả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh.

Dù đã được trở lại cuộc sống yên bình, trong vòng tay của gia đình và những người thân, Andy cho biết, anh không thể quên được những tháng ngày bị giam cầm, bị đánh đập và vẫn còn phải chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần.

“Từ sự đánh đập thể chất, cho đến tra tấn về tinh thần, tất cả trong suốt 3 tháng,” cựu binh 27 tuổi nói về chuỗi ngày anh bị quân Nga bắt giữ, hỏi cung và đưa đến các nơi giam giữ khác nhau. “Tôi đã nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ chết!”

‘Đánh đập và tuyên truyền’

Andy, sinh ra và lớn lên trong một gia đình di dân gốc Việt ở California, gia nhập quân đoàn quốc tế của Ukraine chống lại lực lượng Nga, theo sáng kiến của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hồi tháng 4. Từng tham gia Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ 2014-2018, Andy thấy mình không thể ngồi yên khi nghe tin tức về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Nhiệm vụ của anh khi tình nguyện trong quân đoàn quốc tế là, trinh sát và thu thập tin tức tình báo để gửi về sở chỉ huy.

“Chúng tôi không phải xông vào trận chiến thực sự. Nhưng không may thay, chúng tôi đã bị bắt hôm đó,” Andy nói về buổi trinh sát cùng nhóm quân của Ukraine, bị quân Nga phục kích bên ngoài Kharkiv hôm 9/6.

Andy cùng Alex sau đó, bị đưa vào lãnh thổ của Nga, nơi mà những cuộc tra tấn và hỏi cung diễn ra.

“Chúng tôi bị hỏi cung. Họ đánh đập, tra tấn chúng tôi rất nhiều!” Andy nói và cho biết, người Nga muốn biết tại sao anh lại tới chiến đấu ở Ukraine và muốn xếp anh vào nhóm những người ‘lính đánh thuê được trả tiền!”

Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dimitriv Peskov, hồi tháng 6 nói rằng, Moscow gọi các cựu binh Mỹ, trong đó có Andy, là “lính đánh thuê được trả tiền” trong khi gia đình của Andy và Alex lúc đó, phản đối và khẳng định rằng họ là tù binh chiến tranh.

Trước khi lên đường đi Ukraine, Andy cho biết anh bỏ tiền túi của mình, hơn 6.000 USD, để tham gia chống lại quân nga với mục đích “giành lại tự do cho Ukraine!”

Trong 104 ngày bị quân Nga giam giữ, Andy bị chuyển qua 3 nơi khác nhau, trong đó có 1 tháng bị giam giữ ở Nga và thời gian còn lại ở các nhà tù ở Donetsk, nước cộng hòa ly khai được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập, hồi tháng 2 và tuyên bố “thuộc về Nga” hồi cuối tháng trước.

“Trong suốt thời gian bị giam giữ, những tuần đầu tiên có lẽ là thời gian tồi tệ nhất,” Andy nói và cho biết rằng, đây là thời gian anh bị quân Nga đánh đập và hỏi cung.

Sau đó Andy cùng những người khác bị chuyển đến nơi mà anh gọi là “khu vực đen”, một dạng nhà tù bí mật nơi có các hoạt động giam giữ không được ai biết đến. Tại đây, Andy cho biết anh và các bạn tù bị đối xử bất nhân tính, khi bị cho ăn bánh mì “thối” và nước “bẩn”.

Nói với tờ Washington Post, Alex cũng cho biết anh và Andy bị giam giữ ở một trại giam có các hàng rào dây thép gai bao quanh, trước khi được chuyển đến “khu vực đen”, nơi họ bị đánh đập và tra tấn nhiều hơn. Sau đó, họ được chuyển đến một nhà tù truyền thống hơn, ở khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine, do lực lượng Nga hậu thuẫn.

Đại sứ quán Nga ở Washington DC không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov, hồi tháng 6 nói rằng, hai cựu binh Mỹ không được Công ước Geneva bảo vệ, tức được đối xử nhân đạo phù hợp với luật chiến tranh, vì là “lính đánh thuê.”

Trong thời gian bị cầm tù ở Nga, Andy và Alex đã bị buộc phải nói những điều mà họ không muốn nói, trong đoạn video mà truyền thông Nga, gọi là cuộc phỏng vấn ngắn với các công dân Mỹ bị bắt. Trong đoạn video này, Andy và Alex đã nói “Tôi chống chiến tranh” bằng tiếng Nga.

“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy bẩn thỉu,” Andy nói về việc anh bị ép phải nói những lời đó. “Những người hỏi cung và đánh đập tôi có mặt ở đó. Họ đe dọa nếu chúng tôi nói khác đi, sẽ đánh chúng tôi, tra tấn chúng tôi, hay giết chúng tôi!”

‘Tôi từng muốn chết!’

Sự đánh đập, theo Andy, để lại những vết thương thân thể, nhưng sự bất định về việc không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hay những đe dọa thường xuyên về việc sẽ bị giết chết, là những đòn tra tấn về tinh thần.

“Những lời đe dọa liên tục về việc bị hành quyết, những lời đe dọa liên tục về việc phải ngồi tù suốt đời, là điều khó chịu nhất” Andy nói và cho biết, giữa những lần chuyển trại giam, anh và những người khác bị bịt mặt, để không biết mình đang ở đâu.

Trong lần di chuyển cuối cùng từ Donetsk về lại Nga, trước khi lên máy bay tới Ả rập Saudi, cho vụ trao đổi tù binh, Andy và hàng chục người khác bị nhồi lên một chiếc xe tải, trong khi bị bịt mắt đi hơn 20 tiếng đồng hồ. Họ đã nghĩ có thể họ bị đưa đi hành quyết, theo Andy cho biết.

“Chúng tôi thực sự đã muốn chết hơn là phải chịu đựng những gì đang xảy ra lúc đó,” Andy nói. “Chúng tôi chỉ muốn chấm dứt nó.”

Nhưng trong những tháng ngày đó, Andy cho biết một chút thông tin từ gia đình hay, sự động viên lẫn nhau từ những bạn tù, đặc biệt là Alex, người hơn anh 12 tuổi và cũng là một cựu binh trong quân đội Mỹ, đã giúp anh có được chút hy vọng để tiếp tục sống.

“Có rất nhiều thứ đã giúp tôi vượt qua những tháng ngày đó trong sự giam cầm,” Andy nói. “Một trong những thứ đó là gia đình, những người tôi yêu khi nhìn lại những gì tôi muốn thấy. Alex giúp tôi rất nhiều bởi anh ấy thực sự ở đó. Chúng tôi giúp nhau lấy lại tinh thần lạc quan.”

‘Hạnh phúc nhưng áy náy’

Andy, Alex và 8 tù nhân nước ngoài khác được chọn phóng thích sau cuộc hòa giải, của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Anh và Alex trở về nhà trong một chuyến hay từ Ả rập Saudi qua New York tới Alabama hôm 24/9. Alex cùng sống ở tiểu bang này, nơi Andy di chuyển đến từ California để được gần vị hôn thê của anh cách đây hơn 2 năm.

“Chúng tôi không thể tin được và vô cùng biết ơn,” bà Darla Joy Black, mẹ của vị hôn thê của Andy nói về sự vui mừng của gia đình khi được đón anh trở về.

Andy cho biết anh vui mừng khi được trở về với những người thân và thấy may mắn khi là một tù nhân được trao đổi mặc dù anh còn đang bị tổn thương về tinh thần cũng như thể chất, sụt gần 10kg và mất trí nhớ ngắn hạn.

Nhưng điều mà Andy cảm thấy áy náy là khi biết rằng còn nhiều người đang bị quân Nga cầm tù, trong đó có một công dân Mỹ là thường dân bị quân Nga bắt cóc ở Kherson, mà anh gặp trong thời gian bị giam giữ, trong khi anh được trở về nhà. Tuy nhiên, anh tìm được niềm an ủi khi biết rằng anh đã ở đó và trải qua sự giam cầm thay, để cho một người Ukraine không phải chịu sự đau khổ.

“Tôi đã trải qua sự tồi tệ để họ không phải trải qua nó,” Andy nói và cho biết, anh không hối hận về những gì đã làm. “Tôi sẽ làm lại tất cả những điều đó nếu lại có cơ hội.”

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần cảnh báo công dân, không tới Ukraine và cho rằng có nhiều cách để giúp đỡ người dân Ukraine, thay vì "đặt bản thân mình vào nơi nguy hiểm giữa chiến trường.”

Andy cho biết giờ đây anh đã trở thành “kẻ thù” của quân Nga và không thể quay lại chiến đấu, nhưng anh sẽ tiếp tục giúp người Ukraine, bằng mọi cách có thể, như tham gia vào những hoạt động nhân đạo, cho dù là ở Mỹ hay ở Ukraine.

Nhưng trước mắt, Andy đang tìm việc trở lại và chuẩn bị cho một đám cưới. dự kiến vào mùa hè năm sau với vị hôn thê của mình.


Lỗi điều tra dân số năm 2020 có thể ảnh hưởng đến bầu cử, giúp các tiểu bang Xanh, gây tổn thất cho các tiểu bang Đỏ!

(Tác giả Petr Svab)

Logo Cuộc điều tra Dân số Hoa Kỳ xuất hiện trên các tài liệu điều tra dân số nhận được qua thư với lời mời điền thông tin điều tra dân số trực tuyến tại San Anselmo, California, hôm 19/03/2020. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Theo một phân tích từ cuộc khảo sát sau điều tra dân số của Cục Thống kê Dân số, các tiểu bang nghiêng về phía Đảng Cộng Hòa đã bị thiếu ít nhất ba ghế Quốc hội và phiếu đại cử tri đoàn vì dân số của họ bị thống kê thiếu trong cuộc điều tra dân số năm 2020. Các tiểu bang nghiêng về phía Đảng Dân Chủ thì nhận được thêm ít nhất một ghế và phiếu bầu do dân số được thống kê cao quá mức trong cuộc điều tra dân số, đồng thời giữ lại ít nhất hai ghế mà họ lẽ ra đã thua.

Cục Thống kê Dân số thừa nhận các sai sót nhưng cho biết không có cách nào để sửa chữa cho đến cuộc điều tra dân số tiếp theo vào năm 2030.

Một số chuyên gia và ít nhất một nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về những sai sót này.

Ông Hans von Spakovsky, người đứng đầu Sáng kiến Cải cách Luật Bầu cử tại Quỹ Di Sản thuộc phái bảo tồn truyền thống, nhận xét: “Họ liên tục thống kê thấp cho các tiểu bang đỏ và luôn tính đếm quá nhiều các tiểu bang xanh.”

Ông gọi đó là “một sự trùng hợp rất kỳ lạ”, lưu ý rằng “cho đến nay, Cục Thống kê Dân số vẫn chưa thực sự giải thích cách thức và lý do tại sao họ lại mắc những sai lầm này.”

Có vẻ như người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này hồi tháng Sáu là Fair Lines America (FLA), một tổ chức bất vụ lợi theo phái bảo tồn truyền thống tập trung vào các vấn đề tái phân chia địa hạt.

Ông Adam Kincaid, giám đốc điều hành của FLA và National Republican Redistricting Trust cho biết: “Việc có một quy luật trong sai sót của cuộc điều tra dân số hiển nhiên là đáng lo ngại.”

Cục Thống kê Dân số đã xác định được 14 tiểu bang có sai sót đáng kể về mặt thống kê trong cuộc điều tra dân số. Arkansas, Florida, Illinois, Mississippi, Tennessee, và Texas — tất cả các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa nắm giữ, chỉ trừ Illinois — đều bị thống kê thấp. Trong khi đó, Delaware, Hawaii, Massachusetts, Minnesota, New York, Ohio, Rhode Island, và Utah — tất cả các tiểu bang do Đảng Dân Chủ kiểm soát, trừ Ohio và Utah — đều được thống kê cao.

Để so sánh, không có tiểu bang nào nhận thấy có một sai sót đáng kể trong các cuộc điều tra dân số các năm 2000 và 2010.

Quy luật trong những lỗi của năm 2020 vẫn giữ nguyên khi tính cả các tiểu bang mà số lượng bị tính sai không đạt được ý nghĩa thống kê. Trong số toàn thể 50 tiểu bang và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chỉ có hai tiểu bang nghiêng về phía Đảng Dân Chủ có số liệu thống kê thấp: Illinois và Maryland. Ngược lại, 12 tiểu bang nghiêng về phía Đảng Dân Chủ có số liệu thống kê vượt quá ít nhất 1%, so với 5 tiểu bang nghiêng về phía Đảng Cộng Hòa: Alaska, Ohio, Oklahoma, Utah, và West Virginia. Các tiểu bang không có khuynh hướng đảng phái rõ ràng, chẳng hạn như Michigan, Pennsylvania, và Virginia, có xu hướng có số liệu thống kê tương đối chính xác.

Những câu hỏi chưa có lời giải

Cuộc điều tra dân số năm 2020 là chưa từng có tiền lệ về một số phương diện. Do các chính sách COVID-19, ban đầu, nhân viên điều tra dân số bị chặn không được gõ cửa những người không trả lời cuộc điều tra dân số trực tuyến hoặc qua thư. Hơn nữa, một số lượng lớn người đã tạm thời di chuyển trong thời gian phong tỏa. Việc tiếp cận bị hạn chế tại các cơ sở nơi virus đặc biệt lây lan nhanh, chẳng hạn như các viện dưỡng lão cũng như các nhà tù ở một mức độ nào đó. Sinh viên đại học phần lớn được gửi về nhà. Cục Thống kê Dân số đã cố gắng lấp đầy khoảng trống trong phạm vi thống kê bằng cách đoán xem có bao nhiêu người sống ở đâu bằng hồ sơ hành chính, chẳng hạn như dữ liệu giấy phép lái xe. Tất cả những yếu tố này tạo ra những thách thức bổ sung có thể giải thích lý do tại sao cuộc điều tra dân số này đặc biệt không chính xác.

Tuy nhiên, ông Kincaid và ông von Spakovsky nói rằng những yếu tố như vậy không trả lời được tại sao những sai sót lại mang lại lợi ích cho Đảng Dân Chủ một cách nhất quán như vậy.

Một số tiểu bang có tình trạng phong tỏa kéo dài nhất — chẳng hạn như Michigan, New Jersey, New Mexico, và Connecticut, nơi các nhân viên điều tra dân số được cho là sẽ gặp khó khăn lớn nhất khi vượt qua các hạn chế liên quan đến COVID — có một vài số liệu chính xác nhất.

Hơn nữa, cục vẫn chưa giải thích đầy đủ những phương pháp mà họ đã sử dụng để vượt qua các thách thức. Chẳng hạn, họ đã làm thế nào để bảo đảm rằng các hồ sơ hành chính mà họ sử dụng quả thực đã phản ánh đúng thực tế?

“Chúng ta không có đáp án phù hợp cho những điều đó,” ông Kincaid nói.

Nhóm của ông đã cố gắng thu thập thêm dữ liệu và câu trả lời từ văn phòng thông qua các yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin, nhưng ông cho biết hầu hết thông tin đã bị từ chối vì lý do bảo mật.

Ông chia sẻ, “Điều mà quy luật này gợi ý là có một số vấn đề với phương pháp luận dường như nghiêng về các tiểu bang xanh hơn các tiểu bang đỏ và tôi tiếp tục tin rằng điều quan trọng là Cục Thống kê Dân số phải công khai sổ sách của mình và minh bạch hơn.”

Sự thiếu minh bạch nói trên đặc biệt gây hại khi kết hợp với những thách thức do phong tỏa có vẻ đã làm cho quy trình này trở nên càng ít minh bạch hơn.

Ông Kincaid cho biết:

“Điều đó mở ra cơ hội cho sự thiên vị nhiều hơn dù là cố ý hay vô tình.”

Ông von Spakovsky kêu gọi Quốc hội mở các cuộc điều tra về vấn đề này và nhận câu trả lời từ cục “để chúng ta có thể quyết định liệu đây có phải là sự thiên vị có chủ ý hay chỉ là những thủ tục tồi tệ và cách làm không tốt. Nó phải là cái này hay cái khác.”

“Quý vị chắc chắn không thể để điều này xảy ra một lần nữa và Quốc hội cần phải tìm ra liệu có cách nào để họ có thể khắc phục điều này hay không,” ông nói.

Cho đến nay, dường như chỉ có một nhà lập pháp đặt câu hỏi về vấn đề này — Dân biểu Troy Nehls (Cộng Hòa-Texas).

Ông gọi vấn đề này là “liên quan sâu sắc đến tính hợp pháp của Nền Dân Chủ của chúng ta,” trong một bức thư ngày 24/10 gửi cho Giám đốc Cục Thống kê Dân số Robert Santos.

“Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi vì những điều như thế này không chỉ tự nhiên xảy ra. Đầm lầy ở Hoa Thịnh Đốn có một nghị trình. Họ muốn Đảng Dân Chủ nắm quyền và sẽ không để bất cứ điều gì cản trở họ,” ông nói trong một thông cáo báo chí hôm đó.

“Chúng ta phải tìm hiểu kỹ những gì đã xảy ra. Khi Đảng Cộng Hòa giành lại đa số ghế tại Hạ viện, chúng tôi sẽ sử dụng quyền giám sát của mình để điều tra Cục Thống kê Dân số và xác định cách thức cũng như lý do tại sao những sai sót quan trọng này lại xảy ra để bảo đảm điều này không xảy ra lần nữa.”

Cục Thống kê Dân số đã không phúc đáp các câu hỏi được gửi qua thư điện tử.

Các nỗ lực liên hệ với Ủy ban Tái phân chia địa hạt Đảng Dân Chủ Quốc gia để yêu cầu bình luận đã không thành công.

Biểu Tình Dữ Dội ở Iran, Nhân 40 Ngày Mất của Mahsa Amini

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 26/10/2022, các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở vùng Kurdistan Iran, cũng như ở thủ đô Tehran và các thành phố khác ở Iran để tưởng niệm 40 ngày mất của cô Mahsa Amini, bị cảnh sát “đạo đức” bắt giữ vì đeo khăn choàng đầu không đúng quy cách.

Cũng trong hôm 26/10, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) đã nhận trách nhiệm về vụ khủng bố một nhà thờ theo hệ phái Shiite, khiến 13 người chết và 23 người bị thương.

Chính quyền Iran cáo buộc các thế lực “thù địch” đã lên kế hoạch thúc đẩy biểu tình, đồng thời tạo điều kiện tiến hành bạo loạn trong nước. Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài RFI tường thuật:

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) đã nhận trách nhiệm về vụ khủng bố đền thờ Shah Cherag, nơi có lăng mộ của anh em của Imam Reza, người kế vị thứ tám của nhà tiên tri Mohammed, được người dân Iran rất tôn sùng.

Chính quyền Iran đã ngay lập tức cáo buộc những kẻ thù của Iran muốn gây bất ổn cho đất nước bằng cách hỗ trợ các cuộc biểu tình và bằng các cuộc tấn công như vậy.

Ngoại trưởng Iran cho rằng các kẻ thù đó đã chuẩn bị một kế hoạch gồm nhiều giai đoạn để gây mất an ninh trong nước.

Hôm 26/10, Chủ tịch Quốc hội Iran đã đưa ra một cảnh cáo rõ ràng đến những người biểu tình. Ông cho biết những kẻ gây ra tình trạng bất ổn trong những tuần gần đây đã lên kế hoạch cho âm mưu này và chính quyền sẽ không chấp nhận tình trạng như vậy nữa.

Trên mạng xã hội, những nhân vật thân cận với chính quyền còn đi xa hơn khi khẳng định rằng ngoài Daesh, các nhóm ly khai người Kurdistan Iran, Ả Rập hoặc sắc tộc thiểu số Baloch đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công vũ trang trong nước, với sự hỗ trợ từ những kẻ thù của Iran là Ả Rập Saudi, Do Thái và Hoa Kỳ nhằm gây bất ổn đối với chính quyền.


Iran Trừng Phạt Nhiều Cơ Quan Truyền Thông Âu Châu, Trong Đó Có RFI

- Mười ngày sau khi Liên Hiệp Âu Châu ban hành lệnh trừng phạt lực lượng “cảnh sát đạo đức” và 11 viên chức của Iran về trách nhiệm gây ra cái chết của cô Mahsa Amini, hôm 26/10/2022, Tehran đáp trả mạnh mẽ, ban hành lệnh trừng phạt 20 cơ quan và viên chức Âu Châu. Ban tiếng Iran của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) có tên trong danh sách đen.

Bộ Ngoại giao Iran ra thông cáo giải thích lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân và cơ quan “hỗ trợ khủng bố”, “kích động bạo lực”. Danh sách trừng phạt bao gồm nhiều cơ quan truyền thông Âu Châu, trong đó có RFI của Pháp, nhật báo Bild hay đài phát thanh Deutsche Welle của Đức.

Tehran cũng đưa vào danh sách đen một số nghị viên Âu Châu, nhiều chính khách và hội đoàn giúp đỡ người Iran, chẳng hạn như hiệp hội Những người bạn vì một Nước Iran Tự do, mà các thành viên là nghị viên Âu Châu.

Tập đoàn truyền thông France Medias Monde FMM, mà RFI là một thành viên, ra một thông cáo cùng ngày lấy làm tiếc về việc chính quyền Iran đã viện cớ chống “khủng bố” để tấn công những tổ chức và cá nhân “hoạt động vì quyền tự do thông tin”. FMM tố cáo Tehran tìm cách “dập tắt” những thông tin về một phong trào quần chúng quan trọng xuất phát từ tầng lớp thanh niên Iran. Không ít người trong số họ đã thiệt mạng vì đấu tranh cho tự do.

France Medias Monde nhấn mạnh sẽ tiếp tục đưa tin về tình hình tại Iran và “sát cánh với người dân Iran, đặc biệt là với các phụ nữ Iran đang đấu tranh vì tự do và đòi bình quyền”.

Do Thái Sẽ Tích Cực Hỗ Trợ Ukraine Nhiều Hơn

- Liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine, báo Les Echos quan tâm đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Do Thái, ông Isaac Herzog tại Hoa Thịnh Ðốn hôm 27/10/2022. Tờ báo dự đoán Do Thái có thể sẽ ủng hộ Kyiv nhiều hơn.

Có những lời mời không thể từ chối, nhất là trong thời kỳ bầu cử. Một mặt, đảng Dân chủ Mỹ hy vọng kiếm được thêm một số phiếu của công dân gốc Do Thái, mặt khác có thể thúc đẩy cử tri trung tả Do Thái đi bầu để ngăn chận ông Benjamin Netanyahou quay lại chính trường. Trong chương trình thảo luận có việc Iran cung cấp drone cho Nga.

Hôm thứ Hai (24/10), các phi đạn Do Thái đã phá hủy một cơ sở lắp ráp drone của Iran. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái, Benny Gantz loan báo với EU là sẽ “giúp khai triển một hệ thống cảnh báo nhanh dân sự, giúp cứu được nhiều sinh mạng”. Theo một nhà ngoại giao Âu Châu, “Do Thái cũng có thể cung cấp những công cụ gây nhiễu các vùng đất Ukraine thường bị drone Iran tấn công”.

Cũng trong hôm 24/10, ông Gantz lần đầu tiên điện đàm với đồng nhiệm Ukraine, Oleksiy Reznikov, sau nhiều tuần lễ trì hoãn. Về mặt chính thức thì vẫn không có việc cung ứng vũ khí cho quân đội Ukraine, nhưng Thủ tướng Yaïr Lapid nói với tờ Jerusalem Post là Do Thái sẽ “hàng ngày đánh giá lại tình hình” để hành động, chính phủ sẽ tích cực hơn trong việc ủng hộ Ukraine, và thảo luận với Mỹ về việc này. Đồng thời với chuyến thăm nước Mỹ lần đầu của Tổng thống Isaac Herzog, tại Hoa Thịnh Ðốn cũng sẽ diễn ra cuộc họp của Nhóm hành động chung về chính trị quân sự (JPMG) gồm các viên chức cao cấp của hai nước.


Nga Bị Tố Dối Trá Khi Dùng Ảnh Cũ của Slovenia. Để Cáo Buộc Ukraine Về “Bom Bẩn”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 26/10/2022, Slovenia thông báo, một trong những hình ảnh mà Nga sử dụng để cáo buộc Ukraine chuẩn bị cho nổ một quả “bom bẩn” là một bức ảnh cũ của cơ quan quản lý chất thải nguyên tử Slovenia.

Dragan Barbutovski, Cố vấn của Thủ tướng Robert Golob, cho biết: “Bức ảnh được Bộ Ngoại giao Nga sử dụng trong bài đăng trên Twitter là ảnh của ARAO (cơ quan quản lý chất thải nguyên tử của Slovenia) từ năm 2010 và đã được sử dụng trong các hội nghị”. Ông Barbutovski nói thêm rằng bức ảnh đã được Nga sử dụng “mà không có sự đồng ý của ARAO”. Cố vấn Thủ tướng Slovenia còn khẳng định: “Chất thải nguyên tử được cất giữ rất an toàn và được kiểm soát chặt chẽ ở Slovenia. Chúng sẽ không được sử dụng để chế tạo bom bẩn”.

Tuyên bố này từ phía Slovenia được đưa ra 2 ngày sau khi Mạc Tư Khoa cáo buộc Kyiv sắp hoàn tất việc phát triển một loại “bom bẩn” rồi cho nổ ngay trên lãnh thổ Ukraine để đổ trách nhiệm cho Nga.

Về phần Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cũng tỏ ra hết sức cảnh giác với cáo buộc của Nga:

“Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào là Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng bom bẩn, hay nói thẳng ra là sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật. Điều quan trọng là phải nói rõ điều này ngay từ đầu. Nga có thói quen cáo buộc nước khác về những gì họ đang hoặc sắp làm. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất cẩn trọng khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga gọi điện cho Bộ trưởng Lloyd Austin và nói rằng họ có thông tin Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn. Rõ ràng đây là những cáo buộc không đúng sự thật. Ukraine không hề nghĩ tới chuyện đó và không có ý định làm vậy. Cho nên chúng tôi rất cẩn trọng với cáo buộc của Nga. Chúng tôi bảo đảm rằng sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để giúp Ukraine tự vệ”.


Tổng Thống Nga, Putin Giám Sát Cuộc Thao Dượt Về Khả Năng “Răn Đe Đáp Trả Bằng Vũ Khí Nguyên Tử!”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay ngày 26/10/2022, từ Ðiện Cẩm Linh, Tổng thống Vladimir Putin đã giám sát một cuộc thao dượt quy mô nhằm kiểm tra khả năng “sẵn sàng đáp trả” của các lực lượng “tấn công chiến lược Nga” trong trường hợp nước Nga bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử. Đây là một cuộc diễn tập thường niên và Mạc Tư Khoa đã thông báo cho Hoa Kỳ.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, chương trình diễn tập mang tên “Grom – Sấm sét” diễn ra cùng lúc với chiến dịch Steadfast Noon mà Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đang tiến hành ở Âu Châu, tại một nơi cách biên giới Nga chừng 1.000 cây số.

Chiến dịch Grom nhằm thẩm định “khả năng răn đe chiến lược của các quân chủng Bộ binh, Hải quân và Không quân”, huy động từ tàu ngầm đến oanh tạc cơ chiến lược và cả phi đạn-đạn đạo.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, tướng Valeri Guerassimov được Reuters trích dẫn, thông báo trong cuộc diễn tập hôm qua, đã có những bài tập bắn thử phi đạn-đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn nguyên tử. Nhiều oanh tạc cơ TU-95M có mang theo phi đạn liên lục địa đã được huy động. Đài truyền hình nhà nước Nga đã chiếu những hình ảnh một chiếc tàu ngầm đang chuẩn bị bắn phi đạn từ biển Barents trong vùng Bắc Cực.

Thông cáo của Ðiện Cẩm Linh kết luận “tất cả các mục tiêu đề ra trong chương trình thao dượt về khả năng răn đe đều đã được thực thiện và tất cả các phi đạn được huy động trong chương trình đều bắn trúng mục tiêu”.

Cách nay 2 ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã được Mạc Tư Khoa thông báo về cuộc diễn tập nói trên, diễn ra cùng lúc với chương trình thao dượt về khả năng “răn đe nguyên tử” do Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành.

Từ ngày 17/10, 14 thành viên NATO tham gia chương trình diễn tập mang tên Steadfast Noon, huy động khoảng 60 chiến đấu cơ, trong đó có loại Tornado và F-16 của Mỹ, các loại máy bay trinh sát và máy bay vận tải. Steadfast Noon dự trù kéo dài 2 tuần trong một khu vực trải rộng từ Anh Quốc đến vương quốc Bỉ và trong khu vực Bắc Hải.

Nga Cảnh Báo ‘Có Thể Nhắm Mục Tiêu’ Vào Các Vệ Tinh Thương Mại của Phương Tây


(Hình: Logo Starlink-3, một trong những dự án của tỉ phú Elon Musk.)

- Ngày 27/10/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các vệ tinh thương mại của Mỹ và các đồng minh có thể trở thành mục tiêu thích đáng của Nga nếu chúng dính líu vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nga, vào năm 1957 đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên là Sputnik 1 vào không gian và năm 1961 đưa con người đầu tiên lên không gian, có khả năng tấn công đáng gờm trên không gian - Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng vậy. Năm 2021, Nga phóng phi đạn chống vệ tinh để phá hủy một trong những vệ tinh của chính họ.

Ông Konstantin Vorontsov, Vụ phó thuộc Bộ Ngoại giao Nga chuyên trách về không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí, nói tại Liên Hiệp Quốc rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đang cố gắng sử dụng không gian để thực thi sự thống trị của phương Tây.

Ông Vorontsov cho rằng việc sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine là “một xu hướng rất nguy hiểm”.

“Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa”, ông Vorontsov nói với Ủy ban thứ nhất của Liên Hiệp Quốc, đồng thời nói thêm rằng việc phương Tây sử dụng các vệ tinh như vậy để hỗ trợ Ukraine là “hành động khiêu khích”.

“Chúng tôi muốn lưu ý về sự dính líu của các thành phần thuộc cơ sở hạ tầng không gian dân sự, bao gồm cả thương mại, của Hoa Kỳ và các đồng minh vào các cuộc xung đột vũ trang”, ông Vorontsov nói tại Liên Hiệp Quốc.

Ông Vorontsov không đề cập đến bất kỳ công ty vệ tinh cụ thể nào mặc dù ông Elon Musk cho biết đầu tháng này rằng công ty hỏa tiễn SpaceX của ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ internet Starlink của họ ở Ukraine, với lý do cần phải có “những việc làm tốt”.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID và gây ra cuộc đối đầu gay gắt nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.

Chiến Tranh Ukraine Thúc Đẩy Tiến Trình Chuyển Đổi Sang Năng Lượng Xanh

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 27/10/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tác động nghịch lý và tích cực về mặt khí hậu của việc Nga xâm lược Ukraine là lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau khi các nước tăng cường đầu tư vào các loại năng lượng bền vững, do các thị trường năng lượng thế giới được định hướng lại một cách sâu rộng.

Trong báo cáo thường niên 2022, được công bố 8 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27, IEA cảnh báo về việc phải chống lại “sự cách biệt” giữa các nước giàu và nước nghèo trong lĩnh vực đầu tư vào năng lượng không hóa thạch, kêu gọi một “nỗ lực to lớn của quốc tế” để giảm bớt “sự chênh lệch đáng lo ngại” này.

Theo thông tấn xã AFP, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết: “Phản ứng của các chính phủ trên thế giới đối với cuộc khủng hoảng năng lượng này là một bước ngoặt lịch sử. Cuộc khủng hoảng này thực sự đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Các thị trường năng lượng và các chính sách công đã thay đổi kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, thay đổi không chỉ bây giờ mà còn trong nhiều thập kỷ tới”.

Trong khi một số quốc gia đang tìm cách gia tăng hoặc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và khí đốt - nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải CO2 cao, thì nhiều quốc gia đang cố gắng đẩy nhanh các thay đổi cơ cấu để hướng tới năng lượng xanh.

Ông Birol lưu ý: “Chúng ta đang tiến gần tới sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của khí đốt. Nhu cầu đối với khí đốt, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, đang giảm nhờ các kỹ thuật tái tạo và hiệu quả hơn”.

Pháp Đức Đồng Ý “Tạo Lực Đẩy Mới” Cho Quan Hệ Song Phương

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 26/10/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đi vì nhiều bất đồng.

Kết thúc cuộc họp, hai nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo hay đưa ra những tuyên bố chung. Thủ tướng Đức cho biết Paris và Bá Linh sẽ “cùng nhau vượt qua những thử thách”, đặc biệt là trên vấn đề năng lượng. Phủ Tổng thống Pháp nói đến một cuộc trao đổi “thẳng thắn và mang tính xây dựng” giữa lãnh đạo hai nước.

Chiến tranh Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đang thách thức cặp bài trùng Pháp-Đức, hai đầu tàu kinh tế, chính trị của Liên Hiệp Âu Châu. Trong khi đó, Paris và Bá Linh lại bất đồng về chính sách năng lượng, an ninh chung cho toàn khối. Pháp chỉ trích Đức giao phó cho Hoa Kỳ an ninh của chính mình và của 27 thành viên trong khối, lơ là với các dự án phòng thủ chung Âu Châu.

Về năng lượng, Paris thiên về giải pháp điện nguyên tử. Bá Linh trái lại luôn coi đây là giải pháp chẳng đặng đừng và muốn đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử. Đó là chưa kể về mặt kinh tế, Pháp và Đức cũng là hai đối thủ cạnh tranh. AFP ghi nhận “nhiều dự án công nghiệp chung để chế tạo chiến đấu cơ hay xe tăng” giữa Pháp và Đức đã bị đình chỉ từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Thêm một bất đồng sâu rộng khác liên quan đến Trung Quốc: Trước cuộc họp ở Paris hôm 26/10 với Tổng thống Macron, Thủ tướng Olaf Scholz đã quyết định bán một phần hải cảng Hamburg cho tập đoàn Trung Quốc Cosco. Báo chí tiết lộ Bá Linh đã từ chối đề nghị của ông Macron cùng với Thủ tướng Scholz công du Bắc Kinh hội kiến ông Tập Cận Bình, để thảo luận về hợp tác và quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu với Trung Quốc.

Tối 26/10, trên đài truyền hình công France 2, Tổng thống Emmanuel Macron trình bày nhiều biện pháp để bảo vệ người dân trong bối cảnh lạm phát gia tăng, giá xăng dầu tăng cao. Emmanuel Macron nhìn nhận Pháp đang trải qua “nhiều cuộc khủng hoảng” do chiến tranh Ukraine gây ra. Để cùng vượt qua “bão táp”, ông chủ trương phải bảo vệ những thành phần “dễ bị tổn thương nhất”.

Trong buổi nói chuyện tối qua trên đài truyền hình, ông Macron đã tập trung vào những điểm như sau: Thứ nhất là đối phó với lạm phát, giúp đỡ sinh viên và các gia đình có thu nhập thấp, giúp đỡ các doanh nghiệp. Thông báo thứ nhì gây chú ý là kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng: Có thể sẽ kéo dài tuổi lao động, tức là phải đợi tới 65 hay ít nhất là 64 tuổi mới được nghỉ hữu, thay vì 62 như hiện nay. Sau cùng, nguyên thủ Pháp cũng đã mạnh mẽ chỉ trích liên minh cánh tả NUPES bắt tay với đảng cựu hữu RN mong lật đổ chính phủ, nhưng lại không đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng để đưa nước Pháp vượt khỏi cơn “bão táp” hiện tại.

Hôm nay, một lần nữa chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ dùng đến điều 49.3 để bảo đảm thông qua trọn gói dự toán ngân sách Quỹ an sinh xã hội.

Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu Công Du Trung Á

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 27/10/2022, lãnh đạo Hội Đồng Âu Châu Charles Michel đến Astana, thủ đô của Kazakhstan và tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên Hiệp Âu Châu và 5 nước Trung Á. Mục tiêu của Liên Hiệp Âu Châu là thắt chặt quan hệ với các nước vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga.

Lãnh đạo Hội Đồng Âu Châu Charles Michel hội kiến với Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokaïev, tại thủ đô Astana, sau đó lãnh đạo hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định Liên Hiệp Âu Châu và Kazakhstan “tiếp tục thúc đẩy và hoàn tất việc thực thi Thỏa thuận về đối tác và hợp tác tăng cường (APCR) giữa Kazakhstan và Liên Hiệp Âu Châu, và hợp tác giữa Liên Hiệp Âu Châu và khu vực Trung Á”, cũng như tiếp tục các sáng kiến mới của Liên Hiệp Âu Châu liên quan đến Trung Á.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel kêu gọi các nước Trung Á phát triển “các cơ sở hạ tầng giao thông”, và khẳng định Trung Á cần trở thành “đối tác quan trọng” Liên Hiệp Âu Châu.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan, lãnh đạo Hội Đồng Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Liên Hiệp Âu Châu và 5 quốc gia Trung Á, thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan, Tadjikistan và Turkmenistan).

Chuyến công du của lãnh đạo Hội Đồng Âu Châu diễn ra hai tuần sau một cuộc thượng đỉnh của khu vực, tổ chức tại Astana, Kazakhstan, với sự tham gia của lãnh đạo Nga. Năm nước Cộng hòa Liên Xô cũ không công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine nhưng cũng không ủng hộ Ðiện Cẩm Linh.

Hòa Lan Phát Giác Công An Trung Quốc Hoạt Động Bất Hợp Pháp!

- Báo Le Figaro ra ngày 27/10/2022 nói về những “đồn công an Trung Quốc bí mật ở Hòa Lan”. Theo RTL Nieuws, “đồn” đầu tiên do công an thành phố Lệ Thủy (Lishui) tỉnh Chiết Giang mở tháng 6/2018, do hai cựu công an định cư ở Hòa Lan lãnh đạo.

Đơn vị này nằm trong danh sách 10 “đồn công an” hiệu quả nhất của Trung Quốc ở ngoại quốc. Đồn thứ hai do một cựu quân nhân phụ trách, được thành phố Phủ Châu (hay Phúc Châu, Fuzhou) mở năm nay ở Rotterdam. Nhiệm vụ của họ là truy lùng các nhà đối lập với Bắc Kinh đang sống tại Hòa Lan. Hôm 25/10, RTL Niews đăng lời chứng của một thanh niên thường chỉ trích chính quyền Trung Quốc trên mạng xã hội, anh khẳng định thường xuyên bị các nhân viên công an này theo dõi trên đường phố, họ cũng gọi điện thoại nói về những nguy cơ cho cha mẹ anh nếu nếu anh không trở về Hoa lục.

Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này. Nhưng các Dân biểu đảng VVD và D66 trong liên minh cầm quyền đòi hỏi chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, tại một đất nước mà Nhà nước pháp quyền và tự do ngôn luận được coi là thiêng liêng, “không chờ đợi thêm dù chỉ một ngày”.

Theo báo Le Figaro, thực ra vụ này còn vượt ra ngoài biên giới Hòa Lan. Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders hồi tháng Chín công bố kết quả điều tra, cho biết có ít nhất “54 đồn công an bí mật” của Trung Quốc trên thế giới, trong đó khoảng 30 tại Liên Hiệp Âu Châu (EU): 3 ở Pháp (tập trung tại Paris), 8 ở Tây Ban Nha, 4 ở Ý Ðại Lợi, 3 tại Bồ Đào Nha, 2 ở Hung Gia Lợi.... Ngược lại Đức chỉ có 1 “ăng-ten” loại này đặt tại Frankfurt. Tất cả nằm trong mục đích của Mặt Trận Thống Nhất dưới quyền đảng Cộng sản nhằm kiểm soát cộng đồng Hoa kiều ở các nước, dựa vào các hiệp hội, phòng thương mại....

Từ khi báo cáo được công bố, chính phủ nhiều nước loan báo mở điều tra: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Cộng hòa Czech, Đức và... Hòa Lan. Tuy nhiên Pháp hiện thời vẫn chưa liên lạc với tổ chức phi chính phủ trên, phía các định chế EU cũng vậy. Trong khi đó quan hệ Trung Quốc-EU sẽ được tranh luận sáng mai giữa 27 nước thành viên trong cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels.

Nga Bị Nghi Ăn Trộm Camera Thụy Điển Để Lắp Vào Drone

- Trong mục điểm báo ngoại quốc, Les Echos ra ngày 27/10/2022 cho biết tại Bắc Âu, phải chăng Nga đứng sau các vụ trộm bí ẩn những camera giám sát trên xa lộ ở Thụy Điển? Trong số các giả thiết về một loạt vụ mất cắp các camera có độ phân giải cao, nhật báo Thụy Điển Aftonbladet chú ý đến một nghi can: Nga. Ngay cả tờ New York Times cũng dành hẳn một trang lớn cho câu hỏi: Ai có thể đánh cắp những camera nà

Từ tháng Tám, 160 camera độ phân giải cao xung quanh Stockholm và vùng Uppsala đã biến mất; và cách đây một tuần, các vụ trộm lại tái diễn, từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Một phát ngôn viên cảnh sát Thụy Điển bác bỏ giả thiết những tài xế giận dữ muốn phá hủy các thiết bị này, vì họ thường sơn đen lên radar mà thôi, vả lại thủ phạm chỉ đánh cắp những camera mới, bỏ lại các radar và đèn flash. Có thể vì giá trị mỗi camera lên đến 22.000 Euro, nhưng tại sao để lại những bộ phận khác có thể bán được?

Theo tờ Aftonbladet, Nga do bị trừng phạt không thể mua được nên đành đi ăn trộm của nước láng giềng để trang bị cho các drone. Một số chiến binh Ukraine đã phát giác loại camera này được dán băng keo vào các drone Nga. Lars Wilderang, một chuyên gia được New York Times dẫn lời nhấn mạnh, kẻ cắp không thể hành động nếu không được đặt hàng trước. Thụy Điển có 2.300 camera chất lượng cao để giám sát đường bộ, và 7% đã bị kẻ trộm đặc biệt nào đó tháo gỡ.

Liên Hiệp Âu Châu Đoạn Tuyệt Với Xe Hơi Thải “Các-Bon” Từ 2035

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay tối 27/10/2022, các Nghị sĩ Âu Châu và đại diện các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã đạt được thỏa thuận “lịch sử”: từ năm 2035, các xe hơi mới sản xuất hoàn toàn không phát thải CO2. Điều này có nghĩa là các loại xe chạy xăng dầu sẽ phải được thay thế bằng xe chạy điện hoặc nhiên liệu không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nghị sĩ Âu Châu của Pháp, Pascal Canfin (thuộc đảng Renew Europe), Chủ tịch Ủy ban Môi trường Nghị Viện Âu Châu, bình luận trên Twitter đây là “quyết định lịch sử của Liên Hiệp Âu Châu về khí hậu”.

Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ vui mừng về một “giai đoạn mấu chốt” cho các tham vọng về khí hậu của Liên Hiệp Âu Châu. Ngành công nghiệp xe hơi Âu Châu cũng cho biết “sẵng sàng vượt qua thách thức” sau “quyết định chưa từng có” này đồng thời đề nghị Liên Hiệp Âu Châu khai triển những “điều kiện” cần thiết để có thể hoàn thành mục tiêu.

Văn kiện vừa được thông qua dựa trên cơ sở một đề xuất của Ủy Ban Âu Châu hồi tháng 7/2021, dự trù đến năm 2035, các xe hơi sản xuất mới tại Liên Hiệp Âu Châu phải đạt zero phát thải CO2. Như vậy là tất cả các loại xe hơi chạy động cơ đốt trong bằng nguyên liệu xăng hay diesel sẽ không còn được bán trên thị trường từ thời điểm 2035.

Xe hơi chiếm 15% lượng phát thải khí CO2 của Liên Hiệp Âu Châu. Quy định mới sẽ góp phần đáng kể để Liên Hiệp Âu Châu đến năm 2050 đạt mục tiêu trung hòa các-bon. Công nghiệp xe hơi sử dụng gián tiếp hoặc trực tiếp 13 triệu người ở Âu Châu, tức 7% thị trường lao động của Liên Hiệp Âu Châu, theo Hiệp hội các nhà chế tạo xe hơi Âu Châu (ACEA).

Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất xe hơi khi chuyển đổi hoàn toàn sang xe chạy 100% điện như bình điện và các nguyên vật liệu cơ bản chế tạo bình điện và hệ thống nạp điện và chủ yếu là giá thành xe vẫn còn cao.

Nghị Viện Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu sẽ phải chính thức thông qua để thỏa thuận có hiệu lực.

Nam Hàn Sẽ Tham Gia Cuộc Duyệt Binh Hải Quân của Nhật Bản



(Hình: Chiến hạm Izumo của Nhật Bản ở Yokohama, Nam Tokyo.)

- Nam Hàn sẽ tham gia cuộc duyệt binh Hải quân của Nhật Bản vào tháng sau, Nam Hàn cho biết hôm thứ Năm (27/10/2022), cho dù phản đối việc Nhật Bản sử dụng Húc Nhật Kỳ (lá cờ “Mặt trời mọc”, hay quân kỳ của Nhật). Nam Hàn lựa chọn như vậy trong bối cảnh nước này muốn hàn gắn quan hệ với nước láng giềng.

Quyết định tham gia cuộc tập trận Hải quân, theo kế hoạch sẽ diễn ra hôm 6/11, được đưa ra sau khi một số nhà Lập pháp Nam Hàn phản đối vì các chiến hạm Nhật Bản vẫn sử dụng Húc Nhật Kỳ, đã tồn tại hàng thế kỷ và được quân đội Nhật Bản sử dụng trong Ðệ nhị Thế chiến.

Nhiều người ở Nam Hàn xem lá cờ đỏ trắng là biểu tượng cho việc Nhật Bản xâm lược quân sự và cai trị thuộc địa trong quá khứ.

Năm 2018, Nhật Bản đã quyết định không tham gia cuộc duyệt binh Hải quân của Nam Hàn sau khi Nam Hàn yêu cầu Nhật Bản không treo Húc Nhật Kỳ trên các chiến hạm của họ.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết quyết định tham gia trong năm nay được đưa ra sau khi xem xét tình hình an ninh, có tính đến nhịp độ thử nghiệm vũ khí chưa từng có của Bắc Hàn trong năm nay.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol, người nhậm chức hồi tháng 5, cho biết ông muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Mối quan hệ giữa hai đồng minh của Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng bởi nhiều tranh chấp khác nhau, bao gồm cả vấn đề về bồi thường cho những người Hàn bị Nhật Bản bắt làm lao động cưỡng bách trong Ðệ nhị Thế chiến.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Sẵn Sàng Làm Việc Với Hoa Kỳ Vì Lợi Ích Chung


(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm

- Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ để tìm cách làm cho hai nước hòa hợp với nhau vì lợi ích của cả hai nước, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm thứ Năm (27/10/2022), trước thềm cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở Nam Dương.

Với tư cách là hai cường quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tăng cường giao tiếp và hợp tác để giúp mang lại sự ổn định cho thế giới, ông Tập phát biểu tại một sự kiện của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc hôm 26/10.

Hai nước này đã có những mâu thuẫn về chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, mối quan hệ của Trung Quốc với Nga và gần đây là những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn các công ty bán dẫn của họ bán kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc.

Mới đây, Trung Quốc đã vô cùng tức tối về một loạt các chuyến thăm của các nhà Lập pháp Hoa Kỳ tới Đài Loan. Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đang phát ra “những tín hiệu nguy hiểm” về hòn đảo có chính quyền dân chủ, mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Ông Tập vừa giành thêm nhiệm kỳ thứ ba là lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền, một sự kiện đặc biệt. Ông và đảng của mình quản trị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông đã lên án sự can thiệp của ngoại quốc đối với Đài Loan và gần đây nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với hòn đảo.

Hôm 26/10, ông Biden phát biểu rằng “Hoa Kỳ không mong có xung đột với Trung Quốc”.

Chính quyền Hoa Kỳ, sau khi ông Tập nắm chắc nhiệm kỳ thứ ba vào cuối tuần qua, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc.

Ông Tập và ông Biden dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Nam Dương vào tháng 11, nhưng chưa có thông tin chính thức nào về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa hai ông.

Trung Quốc Lại Phong Tỏa Các Thành Phố Lớn Do Covid-19, Tăng Trưởng Kinh Tế Bị Ảnh Hưởng Lớn!

- Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc, cuộc chiến chống Covid-19 lại tiếp tục tại Trung Quốc. Theo ngân hàng Nomura, được Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích dẫn, hơn 200 triệu người tiếp tục hứng chịu các biện pháp cách ly, phong tỏa ở các mức độ khác nhau.

Chính sách kiểm duyệt cũng như tuyên truyền ngày càng khó có thể dập tắt sự phản đối của người dân về chính sách zero-Covid. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI cho biết thêm thông tin:

Bài hát “Resuan” nói về xét nghiệm PCR mà mọi người dân Trung Quốc bắt buộc làm ba ngày một lần hoặc ít hơn kể từ mùa Xuân năm 2021, đã dấy lên nhiều bình luận chế giễu trên mạng xã hội. Bài hát do các viên chức địa phương ở một tỉnh miền Đông Trung Quốc sáng tác, với nội dung là những học sinh đeo khẩu trang đề nghị các thi sĩ có tên tuổi làm xét nghiệm.

Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trở lại trước khi mùa Đông tới. Các hàng rào sắt cũng được lắp ở xung quanh các chung cư, như ở Vũ Hán. Đây là một dấu hiệu xấu đối với Audrey, một phụ nữ Pháp sống ở thành phố là cái nôi của đại dịch và chiến lược zero-Covid.

Audrey nói: “Tình hình bắt đầu xấu đi vào thứ Sáu tuần trước, các nhà hàng xung quanh trường học của tôi chỉ còn bán cho những khách mua hàng mang đi. Giờ đây, không thể chấp nhận tình hình này được nữa. Các hàng rào xuất hiện trở lại, tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, ở đây chúng tôi vẫn chưa chính thức bị phong tỏa nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp này sắp được áp dụng vì nhân viên trường học đã chuẩn bị cho chúng tôi đi chợ để ăn trong một tuần bị phong tỏa hoặc thậm chí lâu hơn một chút”.

Mạng xã hội thường xuyên nhắc đến những vụ phong tỏa này, đặc biệt là ở phía Tây Trung Quốc. Những bình luận, hoặc là những bức ảnh bị kiểm duyệt, chẳng hạn như cuộc biểu tình của công nhân ở Lhasa cách nay hai ngày, tình trạng thiếu lương thực ở Tây Ninh hoặc thậm chí những người tiếp xúc với những ca dương tính bị cách ly trong nhà vệ sinh công cộng với túi ngủ sát bồn tiểu ở Lân Châu. Nhà vệ sinh công cộng, nơi không có camera giám sát, sự bất bình chống lại chính sách y tế được thể hiện thông qua các bức vẽ trên tường.

Chính sách zero-Covid tác động mạnh đến kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 28/10 cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở Á Châu phải đối mặt với nhiều sóng gió với việc nền kinh tế Trung Quốc bị đè nặng bởi chính sách zero-Covid.

Đài Loan Kêu Gọi Trung Quốc Ngừng Huơ Gươm, Múa Kiếm và Hãy Bắt Đầu Đối Thoại


(Hình: Ông Chiu Tai-san, Bộ trưởng chủ nhiệm Hội đồng Các vấn đề Đại Lục của Đài Loan - ảnh tư liệu, tháng 3/2005.)

TAIPEI (VOA) - Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Sáu (28/10/2022), người đứng đầu hội đồng hoạch định chính sách về Trung Quốc của Đài Loan nói rằng Trung Quốc cần dừng việc huơ gươm múa kiếm dọa nạt Đài Loan, đồng thời hãy duy trì hòa bình và ổn định. Lời phát biểu này được đưa ra cùng lúc Bắc Kinh gia tăng áp lực chính trị và quân sự lên hòn đảo bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan có chính quyền dân chủ kể từ tháng 8, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận về phong tỏa xung quanh hòn đảo sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

“Bắc Kinh cần dừng việc huơ gươm múa kiếm của họ vì điều đó chỉ càng làm rộng thêm khoảng cách giữa hai bên và làm tăng căng thẳng trong khu vực”, Bộ trưởng chủ nhiệm Hội đồng Các vấn đề Đại lục Chiu Tai-san phát biểu tại một diễn đàn ở Đài Bắc.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc đại lục hãy cất vũ khí đi và duy trì hòa bình, ổn định. Điều cốt lõi để đi đến hòa bình là đảo ngược cái tư duy giải quyết các vấn đề bằng vũ lực”, ông Chiu nói, đồng thời cho rằng Bắc Kinh nên giải quyết bất đồng với Đài Bắc thông qua “một cuộc đối thoại mang tính xây dựng mà không có điều kiện tiên quyết”.

Ông Chiu nói ông hy vọng Trung Quốc có thể dần dần nới lỏng các hạn chế về đi lại để kiểm soát đại dịch COVID-19, nhờ đó, hai bên có thể nối lại “các cuộc giao lưu lành mạnh và có trật tự, đồng thời tạo cơ hội cho sự tương tác tích cực”.

Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề nghị đàm thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người bị Bắc Kinh coi là nhân vật ly khai.

Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của họ. Đầu tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh rằng chính người dân Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Đài Loan và Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.

Đài Bắc nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định về tương lai của họ, và vì Đài Loan chưa bao giờ bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cai trị, nên tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu.

Spacex của Elon Musk Hợp Tác Với Đại Gia Phi Luật Tân Về Dịch Vụ Vệ Tinh


(Hình: Mạng Starlink của tỉ phú Elon Musk đang dần dần trở nên phổ biến.)

- Hãng Kỹ thuật Thăm dò Không gian, gọi tắt là SpaceX, của ông Elon Musk sắp mở rộng hoạt động sang Phi Luật Tân với việc cung cấp dịch vụ băng thông rộng vệ tinh cho các doanh nghiệp và chính phủ, đối tác của ông Musk ở Phi Luật Tân cho biết hôm thứ Năm (27/10/2022).

Hãng Data Lake, có trụ sở tại Phi Luật Tân và do ông trùm Henry Sy Jr nắm sở hữu một phần, cho biết hãng này đã ký thỏa thuận trở thành đối tác đầu tiên ở Đông Nam Á của mạng Starlink thuộc SpaceX.

“Phi Luật Tân là một quần đảo và việc kết nối đất nước chúng tôi với thế giới rộng lớn hơn thường đòi hỏi cơ sở hạ tầng rất lớn”, Chủ tịch Data Lake Anthony Almeda cho biết trong một tuyên bố.

Phi Luật Tân là tập hợp gồm hơn 7.600 hòn đảo, trong đó, nhiều đảo hoàn toàn biệt lập và có địa hình đồi núi, khiến việc phủ sóng băng thông rộng trở nên khó khăn đối với các công ty. Khoảng 20 cơn bão nhiệt đới cũng thường đổ bộ vào đất nước này mỗi năm, thường làm hư hại cơ sở hạ tầng và cắt đứt thông tin liên lạc giữa các đảo và các tỉnh.

Starlink của SpaceX sử dụng mạng lưới hàng ngàn vệ tinh để cung cấp việc truy cập internet đến các vùng xa xôi hoặc khi liên lạc bị gián đoạn do thiên tai.

Tại Phi Luật Tân, chỉ 7 người trên 100 dân có đăng ký băng thông rộng cố định, là mức thấp hơn so với các nước trong cùng khu vực như Tân Gia Ba, Mã Lai Á và Thái Lan, dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy.

Đầu tháng này, Bộ kỹ thuật thông tin và truyền thông của Philipppines cho biết rằng Starlink dự kiến tham gia thị trường Phi Luật Tân vào năm 2023.

ASEAN Kiên Quyết Duy Trì “Đồng Thuận 5 Điểm” Nhằm Giải Quyết Khủng Hoảng Miến Điện

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 27/10/2022, Ngoại trưởng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cam hết sẽ “quyết tâm hơn nữa” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. ASEAN vẫn ủng hộ bản kế hoạch hòa bình “Đồng thuận 5 điểm” đã đồng ý với Naypyidaw, cho dù một số nước đã bày tỏ lo ngại trước việc tập đoàn quân sự Miến Điện không tuân thủ kế hoạch này.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn tại Jakarta (Nam Dương), ông Prak Sokhonn Ngoại trưởng của Cam Bốt, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã khẳng định: “ASEAN không nản lòng, mà còn quyết tâm hơn nữa để giúp Miến Điện tìm ra một giải pháp hòa bình”.

Theo hãng tin Pháp AFP, các Ngoại trưởng ASEAN đã tái khẳng định cam kết của họ đối với kế hoạch 5 điểm, được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2021, yêu cầu chấm dứt bạo động, mở đối thoại giữa các bên và cho phép một đặc phái viên ASEAN đến Miến Điện để hỗ trợ đối thoại.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, trong một cuộc họp báo sau hội nghị, lãnh đạo ngành ngoại giao Nam Dương Retno Marsudi cho biết các Ngoại trưởng ASEAN cũng “bày tỏ nỗi quan ngại và thất vọng về việc không có tiến bộ đáng kể nào trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm”.

Bất chấp các phản ứng quan ngại và cố gắng can thiệp từ phía ASEAN, mà Miến Điện là thành viên, tình hình đã không hề được cải thiện. Miến Điện đã rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021. Theo một tổ chức theo dõi tình hình nhân quyền ở Miến Điện, đã có hơn 2.300 người bị thiệt mạng trong những cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Miến Điện nhắm vào những người chống đảo chính.

Mỹ Lên Án Tập Đoàn Quân Sự Miến Điện

- Ngày 27/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trước ngày Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở ra cuộc họp tại Jakarta (Nam Dương), Hoa Kỳ đã lên tiếng thúc giục ASEAN có hành động mạnh mẽ trên hồ sơ Miến Điện.

Phát biểu tại Hoa Thịnh Ðốn, ông Daniel Kritenbrink, phụ trách vùng Đông Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đã lên án việc tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện đang “phá hủy hoàn toàn tất cả những tiến bộ đạt được trong thập niên qua” khi quốc gia Đông Nam Á này chuyển đổi sang nền Dân chủ.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, Hoa Thịnh Ðốn rất “tôn trọng” ASEAN, nhưng gần đây, nhiều viên chức Mỹ đã phải bày tỏ thái độ thất vọng trước sự thiếu tiến bộ của Miến Điện trong việc đáp ứng lời kêu gọi của khối Đông Nam Á chấm dứt bạo lực và tăng cường đối thoại.

Vào tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho rằng khối ASEAN phải buộc chính quyền Miến Điện chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay, nhưng lấy làm tiếc là “chưa thấy được các chuyển biến tích cực theo hướng đó”.

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt vào tháng 11 tới đây, năm thứ hai liên tiếp. Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin đã bị loại khỏi các cuộc họp cấp Bộ trưởng.

Mỹ Sẽ Đáp Trả Tấn Công Nguyên Tử Ngay, Nếu “Lợi Ích Sống Còn” của Hoa Kỳ và Đồng Minh Bị Xâm Phạm

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, hôm 27/10/2022, Ngũ Giác Đài công bố chiến lược quốc phòng. Hoa Thịnh Ðốn sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử nếu “các lợi ích sống còn” của Mỹ và các đồng minh, đối tác, bị xâm phạm. Nga được xác định là “mối đe dọa cấp bách”. Trung Quốc là thách thức duy nhất “mang tính hệ thống”.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm, chính quyền Mỹ cập nhật chiến lược quốc phòng. Lần gần nhất trước đó là vào đầu năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh đây là “lần đầu tiên” chính quyền Mỹ cập nhật cùng lúc chiến lược quốc phòng và chiến lược liên quan đến vũ khí nguyên tử. Nâng cao uy lực răn đe nguyên tử để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, đối tác là mục tiêu căn bản của chiến lược nguyên tử nói trên.

Đối tượng nhắm đến trước hết của Mỹ là chính quyền Nga. Trong văn bản tóm tắt về chiến lược nguyên tử dài khoảng 20 trang được công bố, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: “Nga đã tiến hành cuộc xâm lăng chống Ukraine cùng lúc với đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử, với các tuyên bố vô trách nhiệm, các cuộc diễn tập nguyên tử được tiến hành một cách thất thường và những lời lẽ dối trá liên quan đến khả năng dùng đến các vũ khí hủy diệt hàng loạt”, bao gồm nguyên tử và các vũ khí khác.

Trả lời báo giới, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích rõ về lập trường mới về răn đe nguyên tử của Mỹ nhằm “gây khó khăn hơn cho quyết định của đối thủ” về việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Viên chức nói trên nhấn mạnh: vũ khí nguyên tử của Mỹ sẽ được sử dụng để chống lại việc đối phương tiến hành “các cuộc tấn công rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, bất kể với sức công phá ra sao, kể cả với các vũ khí phi nguyên tử”.

Chiến lược răn đe nguyên tử được Mỹ đưa ra đúng vào lúc chính quyền Nga liên tục cáo buộc Ukraine sử dụng “bom bẩn”. Kyiv và các đồng minh lên án Nga lấy cớ để biện minh cho việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Ukraine.

Về Trung Quốc, tài liệu nói trên cũng lên án “những lời lẽ ngày càng mang tính khiêu khích và các hành động gây hấn của Trung Quốc chống lại Đài Loan, gây bất ổn định, làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm, đe dọa hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan”. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài cũng nhấn mạnh là “một xung đột với Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, và cũng không phải là điều đáng mong muốn”. Chiến lược nguyên tử của Mỹ cũng khẳng định rõ Hoa Kỳ “chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí nguyên tử trong các tình huống cùng cực để bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ, các đồng minh và các đối tác của nước Mỹ”.

Riêng về Bắc Hàn, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo: “mọi tấn công nguyên tử của Bắc Hàn chống lại Hoa Kỳ hoặc các đồng minh, đối tác sẽ là điều không thể chấp nhận được, và sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ này”.

Putin Nghiêm Trọng Cảnh Báo: Thế Giới Đang Trong Thập Niên Nguy Hiểm Nhất Kể, Từ Ðệ Nhị Thế Chiến!

*

(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

Ngày 27/10/2022, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thế giới đối mặt với thập niên nguy hiểm nhất kể từ Ðệ nhị Thế chiến, cáo buộc phương Tây tham gia vào vụ tống tiền nguyên tử chống lại Nga.

Ông Putin nói ông không hối tiếc về việc đưa quân vào Ukraine, đồng thời tố cáo phương Tây kích động chiến tranh và chơi trò địa chính trị “nguy hiểm, đẫm máu và bẩn thỉu” gieo rắc hỗn loạn trên toàn thế giới.

“Thời kỳ lịch sử của nền thống trị không phân chia của phương Tây đối với các vấn đề thế giới sắp kết thúc”, ông Putin, nhà lãnh đạo tối cao của Nga, phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, cuộc tập hợp của các chuyên gia Nga.

“Chúng ta đang đứng ở biên giới lịch sử: Phía trước có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, khó đoán nhất nhưng cũng là quan trọng nhất kể từ khi Ðệ nhị Thế chiến kết thúc”.

Mặc dù chỉ trích mạnh mẽ phương Tây, ông Putin tỏ ra thoải mái khi được hỏi về triển vọng chiến tranh nguyên tử và cảm nhận của ông về những người lính Nga thiệt mạng trong cuộc chiến Ukraine, mà ông cho rằng “một phần” là một cuộc nội chiến.

Ông Putin đổ lỗi cho phương Tây gây ra căng thẳng nguyên tử, viện dẫn phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss về việc bà sẵn sàng sử dụng biện pháp răn đe nguyên tử của Luân Đôn nếu hoàn cảnh yêu cầu.

Ông Putin cũng lặp lại khẳng định rằng Ukraine có thể kích nổ một “quả bom bẩn” chứa chất phóng xạ để đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa và bác tố cáo của Kyiv rằng Nga đang viện cớ để kích nổ một thiết bị như vậy.

“Chúng tôi không cần phải làm điều đó. Sẽ không có ý nghĩa gì khi làm điều đó”, ông Putin nói và cho biết thêm rằng Ðiện Cẩm Linh đã đáp trả những gì họ cho là hành động tống tiền nguyên tử của phương Tây.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962 trong căng thẳng Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô và Hoa Kỳ tiến gần nhất đến chiến tranh nguyên tử.

Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng vì cuộc chiến tại Ukraine trong khi phương Tây áp đặt các chế tài nghiêm khắc nhất trong lịch sử đối với Nga, một trong những nước cung cấp tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra leo thang nguyên tử, ông Putin nói chừng nào còn tồn tại võ khí nguyên tử thì còn hiểm họa của võ khí nguyên tử.

Tuy nhiên, ông Putin nói rằng học thuyết quân sự của Nga là phòng thủ. Khi được hỏi về cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba, ông Putin đã mỉa mai rằng ông không muốn trong vị thế của Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô, người cùng với John F. Kennedy, đã đưa thế giới đến với bờ vực của chiến tranh nguyên tử trước khi tháo ngòi nổ tình hình.

“Không thể nào. Không, tôi không mường tượng mình trong vai trò của ông Khrushchev”, ông Putin nói.

‘Trò Chơi Bẩn’

Trích dẫn một bài thuyết trình tại Harvard năm 1978 của nhà bất đồng chính kiến và tiểu thuyết gia người Nga Alexander Solzhenitsyn, ông Putin nói rằng phương Tây công khai phân biệt chủng tộc và coi thường các dân tộc khác trên thế giới.

“Quyền lực trên toàn thế giới là cái gọi là phương Tây đã đặt lên hàng đầu trong trò chơi của mình - nhưng trò chơi nguy hiểm, đẫm máu và tôi có thể nói là bẩn thỉu”, ông Putin nói và khẳng định “Ai gieo gió sẽ gặp bão”.

Ông Putin coi cuộc xung đột ở Ukraine như một cuộc chiến giữa phương Tây với Nga vì số phận của Ukraine. Ông nói, đây một phần là một “cuộc nội chiến” vì người Nga và người Ukraine là một dân tộc. Kyiv thẳng thừng bác bỏ các quan điểm này.

Ông Putin nói rằng ông thường xuyên nghĩ về những tổn thất của Nga ở Ukraine. Nhưng chỉ có Nga mới có thể bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ông nói.

Cuối cùng thì, theo lời ông, phương Tây sẽ phải đàm phán với Nga và các cường quốc khác về tương lai của thế giới.

Đức Nói Nga Trực Tiếp Đe Dọa Âu Châu, Sau Khi Tổng Thống Putin Dự Đoán Về Thập Kỷ ‘Nguy Hiểm’

*

(Hình: Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.)

Việc Nga xâm lược Ukraine đã đẩy Âu Châu vào một kỷ nguyên bất an, Đức nhận định hôm thứ Sáu (28/10/2022), một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dự đoán về một thập kỷ “nguy hiểm” ở phía trước.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người thuộc một phe trong đảng Dân chủ Xã hội của Đức từng tranh luận cần có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Mạc Tư Khoa, cho rằng cuộc xâm lược ngày 24/2 đã làm tan vỡ những hy vọng đó.

Ông Steinmeier nói: “Khi chúng ta nhìn vào nước Nga ngày nay, không có chỗ cho những ước mơ xưa”, có ý nhắc đến ước mơ về “ngôi nhà chung Âu Châu” của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Ông nói thêm: “Tình hình cũng đã đẩy chúng ta ở Đức vào một thời đại khác, vào một sự bất an mà chúng ta tưởng rằng chúng ta đã đi qua rồi: một thời đại có dấu ấn là chiến tranh, bạo lực và trốn chạy, là những mối lo âu về việc chiến tranh lan rộng thành một cơn bão lửa ở Âu Châu”.

“Những năm khó khăn hơn, sóng gió hơn đang sắp đến”, vẫn lời Tổng thống Đức.

Phát biểu tại một hội nghị ở Mạc Tư Khoa hôm 27/10, ông Putin cho rằng viễn cảnh đối đầu nguyên tử với phương Tây không còn nghiêm trọng như trước, nhưng ông vẫn cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây kích động cuộc chiến ở Ukraine. Ông biện minh rằng chiến tranh nổ ra là vì Kyiv bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề thế giới sắp kết thúc và “phía trước có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, khó đoán định và đồng thời cũng là thập kỷ quan trọng kể từ khi Ðệ nhị Thế chiến kết thúc”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine, mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, vẫn diễn ra đúng kế hoạch khi cả hai bên hiện đang chuẩn bị cho trận chiến then chốt ở Kherson, miền Nam Ukraine.

Các viên chức Ukraine cho biết địa hình phức tạp và thời tiết xấu đã khiến các bước tiến của Ukraine ở Kherson và ở miền Đông bị chậm hơn so với các trận đánh nhanh chóng đẩy lùi các lực lượng Nga ở miền Đông-Bắc hồi tháng trước và cuộc rút lui vội vã của Nga khỏi Kyiv hồi đầu cuộc chiến.

Ông Putin không đề cập đến thất bại trên chiến trường của Nga tại hội nghị ở Mạc Tư Khoa. Khi được hỏi liệu có điều gì thất vọng trong năm qua hay không, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Không”.

Ông Putin cho hay mục tiêu của Nga không thay đổi.

Ông Putin nói rằng Nga đang chiến đấu để bảo vệ người dân Donbas, là một khu vực công nghiệp bao gồm Donetsk và Luhansk - hai tỉnh ở miềnđông Ukraine mà ông đã tuyên bố sáp nhập.

Tại Luhansk, các lực lượng Nga đã cố chọc thủng phòng tuyến ở Bilohorivka nhưng đã bị đánh lui, thống đốc của khu vực, ông Serhiy Gaidai, nói với truyền hình Ukraine hôm 27/10.

Bắc Hàn Bắn Thêm 2 Phi Đạn Ra Biển Khi Nam Hàn Khép Lại Hoạt Động Tập Trận

*

(Hình: Người Nam Hàn xem tin tức về vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn tại một ga tàu ở Hán Thành, 28/10/2022.)

Quân đội Nam Hàn cho biết Bắc Hàn đã bắn hai phi đạn-đạn đạo tầm ngắn (SRBM) ra vùng biển ngoài khơi ở phía Đông hôm thứ Sáu (28/10/2022), trong khi các lực lượng Nam Hàn đang khép lại các cuộc tập trận kéo dài gần 2 tuần nhằm răn đe nước láng giềng phương Bắc.

Vụ phóng phi đạn này, vào thời điểm có mối lo ngại ngày càng lớn hơn rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị thử nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017, là vụ phóng mới nhất trong một năm mà trong đó Bắc Hàn đã thử nghiệm số lượng phi đạn kỷ lục, gồm phi đạn tầm ngắn, phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và những loại khác.

Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết 2 quả SRBM đã được bắn đi từ khu vực Tongcheon ở tỉnh Gangwon của Bắc Hàn, 4 ngày sau khi 2 nước láng giềng bắn cảnh cáo lẫn nhau ở vùng biển ngoài khơi phía Tây của bán đảo bị chia cắt.

“Quân đội của chúng tôi đang duy trì tư thế hoàn toàn sẵn sàng”, JCS cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng họ đã tăng cường giám sát và các biện pháp an ninh trong khi phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cho hay trong một tuyên bố rằng 2 vụ phóng không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho Mỹ hoặc các đồng minh.

Tuy nhiên, những vụ phóng này “cho thấy rõ tác động gây mất ổn định” của các chương trình phi đạn-đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt phi pháp của Bắc Hàn, tuyên bố nói thêm.

Các đặc sứ về vấn đề nguyên tử của Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã điện đàm, đồng thời lên án các vụ phóng là hành động khiêu khích và vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết.

“Việc phát triển nguyên tử và phi đạn của Bắc Hàn sẽ chỉ càng dẫn đến việc tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực và ở ngoại quốc”, bộ này nói trong một tuyên bố, đồng thời thúc giục Bắc Hàn quay trở lại bàn đàm phán.

Theo kế hoạch, vào ngày 28/10, quân đội Nam Hàn kết thúc các cuộc tập trận thực địa mang tên Hoguk 22 kéo dài 12 ngày, bao gồm một số cuộc tập trận với quân đội Mỹ.

Không quân Mỹ cho biết khoảng 240 máy bay chiến đấu của Nam Hàn và Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tập trận khác có tên Bão cảnh giác vào ngày 31/10, theo đó sẽ thực hiện 1.600 phi vụ, là số lượng chuyến bay lớn nhất từng được thực hiện trong các cuộc tập trận kiểu như vậy.

Bắc Hàn cho biết các vụ phóng phi đạn gần đây của họ là để phản đối các cuộc tập trận chung, mà họ cho là khiêu khích và thao dượt cho một cuộc xâm lược.

Nam Hàn và Mỹ nói rằng các cuộc tập trận của họ mang tính chất phòng thủ và cần thiết để chống lại các mối đe dọa của Bắc Hàn.

Mô Hình Trung Quốc Đối Đầu Mỹ: Vương Hỗ Ninh, Lá Chủ Bài của Tập Cận Bình

(Trọng Thành)

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 khép lại hôm 22/10/2022 với một số bất ngờ. Nhà tư tưởng của chế độ Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) không những tiếp tục ở lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc với 7 thành viên, mà còn trở thành nhân vật thứ tư của chế độ, có phần trái ngược với một số dự đoán.

Vì sao Vương Hỗ Ninh lại là nhân vật không thể thiếu trong bộ máy cầm quyền của Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba? Mục Theo dòng thời sự của RFI tìm cách giải đáp.

***
“Nền Chuyên Chính Mới” Chống Lại Xã Hội Dân Chủ Tự Do Kiểu Mỹ

Truyền thông phương Tây đồng loạt ghi nhận tính cách kín đáo của nhân vật thường được mệnh danh là “Cố vấn”, “Quân sư” của các lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Kín đáo nhưng đầy ảnh hưởng. Ông Vương Hỗ Ninh thậm chí được ví như “Kissinger của Trung Quốc”, hay một Richelieu, tên của vị Hồng y đầy quyền lực chi phối nền chính trị Pháp thời vua Louis XIII. Vương Hỗ Ninh trưởng thành trong môi trường trí thức Trung Quốc và là lãnh đạo cao cấp duy nhất hiện nay không từng trực tiếp đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo Đảng hay chính quyền cơ sở.

Nguyên là Giáo sư ngành chính trị học, luật học trong giai đoạn đầu sự nghiệp, học giả Vương Hỗ Ninh nổi tiếng say mê sách vở, và đãng trí trong cuộc sống đời thường, đã lần lượt trở thành Cố vấn tin cẩn của hai đời lãnh đạo tối cao Trung Quốc, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trước khi tiếp tục vị trí tương tự dưới thời Tập Cận Bình trong liên tiếp hai nhiệm kỳ. Vì sao học giả họ Vương được các lãnh đạo tối cao Trung Quốc tin cẩn?

Nhật báo Pháp Le Figaro trong bài “Chine: L’irrésistible ascension de Wang Huning, l’éminence rouge de Xi Jinping” (Trung Quốc: sự thăng tiến không thể cưỡng lại được của Vương Hỗ Ninh, quân sư đỏ của Tập Cận Bình) nhấn mạnh trước hết đến thái độ của học giả họ Vương, lựa chọn ngay từ sớm chủ trương xây dựng một “nền chuyên chế mới” (néo-autoritarisme) tại Trung Quốc. Lựa chọn được xác lập trong và sau các chuyến đi Âu Châu và Mỹ, đặc biệt là trong chuyến thỉnh giảng và khảo sát tại Hoa Kỳ năm 1988.

Ngay sau vụ chính quyền Trung Quốc thảm sát sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989, Giáo sư Vương đã tung ra một tiểu luận, được coi là một trong các xuất bản nổi tiếng nhất của ông, nhan đề America Against America (nước Mỹ chống lại nước Mỹ), chỉ trích sự nguy hiểm của “chủ nghĩa cá nhân” tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Vương Hộ Ninh dự đoán mô hình “chủ nghĩa tập thể” kiểu Nhật Bản sẽ “thách thức mô hình của Mỹ trong những thập niên tới”. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhấn mạnh: trong bài tiểu luận này, học giả Vương Hỗ Ninh “đã đưa ra một bản án mang đầy tính cách Cộng sản chống lại nền Dân chủ Mỹ, đồng thời khẳng định rằng chỉ có một quyền lực tập trung mới giúp vừa Trung Quốc phát triển được kinh tế, vừa trở nên hùng mạnh”. Kể từ đó, Giáo sư Vương đi theo nguyên lý về một “nền chuyên chính mới” sẽ đưa Trung Quốc trở thành đại cường trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.

Một trong những luận điểm căn bản của lý thuyết này là “bảo tồn trật tự chính trị” cùng lúc với phát triển kinh tế. Quan điểm của Vương Hỗ Ninh khẳng định cần bảo vệ “một chế độ Xã hội chủ nghĩa tập quyền” đã thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo Trung Quốc trong thập niên 1990.

Những Đóng Góp Nổi Bật của Vương Hỗ Ninh Cho Chế Độ

Các đóng góp của học giả Vương Hỗ Ninh cho hệ thống lý luận của chế độ Cộng sản Trung Quốc còn rất ít được biết đến tại Pháp. Đầu tháng 10/2022, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson (Đại học Pittsburgh) đã có một bài giới thiệu công phu về một số nét lớn trong quan điểm của Vương Hỗ Ninh, đặc biệt thông qua một bài viết nổi tiếng liên quan đến các biến đổi “văn hóa chính trị” (được dịch qua tiếng Pháp với tựa đề “La structure de la culture politique changeante de la Chine/Cấu trúc của các biến chuyển văn hóa chính trị tại Trung Quốc” ra đời cuối thập niên 1980) (2).Trong bài giới thiệu này, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson nhấn mạnh là “các đánh giá công phu về mặt học thuật” của Vương Hỗ Ninh đã lấy cảm hứng từ lý thuyết hiện đại hóa của nhà chính trị học Samuel P. Huttington, để xây dựng một “phiên bản hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa”.

Năm 2002, học giả họ Vương được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương, nhóm Cố vấn nội bộ của Đảng về chính trị. Giáo sư Vương đảm nhiệm cương vị này trong gần 20 năm (tới 2018). Vương Hỗ Ninh lần lượt trở thành ủy viên Trung ương năm 2002, ủy viên Bộ Chính trị 2007, và ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị năm 2017.

Theo nhà Trung Quốc học Matthew Johnson, “do sự gần gũi” của Vương Hỗ Ninh với các cơ quan đầu não của chế độ Trung Quốc trong suốt thời gian này, nên khó lòng bóc tách các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh. Tuy nhiên, nhìn chung, Vương được coi đã có công đóng góp chủ yếu trong việc xây dựng các lý thuyết riêng của lãnh đạo mỗi thời của chế độ Cộng sản Trung Quốc, đưa ra trong 20 năm qua. Từ “Lý thuyết ba đại diện” thời Giang Trạch Dân cho phép kết nạp doanh nhân vào Đảng, đến “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình nhằm đối trọng lại với “Giấc mơ Mỹ”, cũng như “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa trong kỷ nguyên mới”, cũng của Tập Cận Bình, và kể cả dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Mẫu số chung của tất cả các lý thuyết này là “sự thống trị vĩnh viễn của Đảng, và “cần xây dựng một thế giới, nơi Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên hùng mạnh”.

Vì Sao Vương Hỗ Ninh Được Tại Vị?

Một chuyên gia về Trung Quốc, nhà nghiên cứu David Ownby, trong một bài phỏng vấn với trang mạng Pháp Grand Continent, chuyên về địa chính trị, hồi mùa Hè năm nay đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý, giải thích lý do Vương Hỗ Ninh được lựa chọn để tiếp tục lãnh đạo lĩnh vực ý thức hệ tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, chính vị chuyên gia nói trên cũng không chắc chắn là Giáo sư Vương có tiếp tục ở lại trong Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hay không. Và trong loạt bài hơn 10 kỳ chuẩn bị giới thiệu về các tư tưởng chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng không có kế hoạch giới thiệu về các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh.

Tuy nhiên, chính trong trong bài phỏng vấn “Hiểu các lý thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình, trò chuyện với David Ownby” (3), nhà Trung Quốc học David Ownby đã nhấn mạnh đến không khí cho phép hiểu được vì sao đảng của ông Tập Cận Bình không thể bỏ rơi Giáo sư Vương. Cụ thể là, trong xã hội Trung Quốc, đông đảo giới trí thức Trung Quốc hiện nay khinh thường ý thức hệ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng sản Trung Quốc với nỗ lực của Giáo sư Vương hơn 10 năm qua muốn nâng lên hàng “tư tưởng”, không chỉ của Đảng mà còn của toàn xã hội Trung Quốc.

Đông Đảo Trí Thức Trung Quốc Khinh Thường “Tư Tưởng Tập Cận Bình”

Theo chuyên gia David Ownby, sau gần nửa thế kỷ mở cửa để phát triển, giờ đây, “gần như mọi trí thức Trung Quốc đã tư duy với các khái niệm, các phạm trù, hay các quy chiếu đến từ phương Tây”. Kể cả những người ủng hộ ông Tập Cận Bình cũng sử dụng các phạm trù phương Tây, dựa vào các tác giả phương Tây.

Xuất hiện một sự chênh lệch rất lớn giữa ngôn ngữ chính thống của Đảng, với các phạm trù Macxít-Lêninit được sử dụng phổ biến với giới trí thức Tây hóa. Đối thủ của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền là cả một giới trí thức đã ngày càng trở nên đa nguyên về tư tưởng. Tập Cận Bình đã cố gắng áp đặt kỷ luật ý thức hệ, tương tự như thời Mao. Nhưng thời đại đã đổi thay, nỗ lực của đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình không còn có khả năng kiểm soát như trước. Không kể các nhà đối lập, “rất nhiều trí thức hiện nay viết mà không cần chú ý đến tư tưởng Tập Cận Bình”.

Báo Le Figaro, cũng giống như một số phương tiện truyền thông khác, dự báo Vương Hỗ Ninh, vào kỳ họp Quốc hội Trung Quốc thường niên đầu năm tới, sẽ được bổ nhiệm vào chức lãnh đạo cơ quan Chính Hiệp (thường được quy sang tiếng Pháp như “Thượng viện” của Trung Quốc). Trên thực tế, Chính Hiệp, hay tên đầy đủ là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, là một tổ chức mang tính mặt trận do đảng Cộng sản lãnh đạo, bao gồm nhiều tổ chức mang danh “chính đảng”, nhưng thực tế là các đảng phái trung thành ở các mức độ khác nhau với đảng Cộng sản.

Chinh Phục Giới Trí Thức “Không Tâm Phục Khẩu Phục”

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan dự đoán Giáo sư Vương sẽ đóng vai trò then chốt trong việc lôi kéo giới trí thức không phải đối lập, nhưng đang tương đối thờ ơ với ý thức hệ của Đảng, nhằm thuyết phục họ tin tưởng vào “nền chuyên chính mới”, mà đảng Cộng sản Trung Quốc muốn áp đặt hoàn toàn lên xã hội. Đông đảo giới trí thức Trung Quốc “không chống lại đảng Cộng sản”, nhưng “thờ ơ” với ý thức hệ của Đảng. Nhiệm vụ của Vương Hỗ Ninh – một học giả được coi là lý thuyết gia nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, với hành trang khoa học dày dặn - như vậy sẽ là tranh thủ nhóm thờ ơ, và nhất là “tách những người ương bướng ra khỏi nhóm chống đối quyết liệt nhất”.

Giáo sư Vương Hỗ Ninh cũng có khả năng trở thành nhân vật số hai của nhóm phụ trách Đài Loan. Theo Jean-Pierre Cabestan, về Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh “sẽ tiến lên trên cả hai mặt trận, mặt trận quân sự và mặt trận chính trị và ý thức hệ”. Về mặt chính trị và ý thức hệ, Vương Hỗ Ninh có thể được giao phó sứ mệnh “thuyết phục Đài Loan về những lợi ích của việc tái thống nhất với Hoa lục”.

Tập Cận Bình Đưa Tướng Lĩnh Thân Cận Vào Quân Ủy Trung Ương Để Phục Vụ Ý Đồ Xâm Chiếm Đài Loan

(Trọng Nghĩa)

Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc hôm 23/10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại việc Bắc Kinh sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để giành quyền kiểm soát Đài Loan. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 27/10, để bảo đảm cho thành công của chiến dịch tấn công Đài Loan một khi được khởi động, ông Tập đã đề bạt các tướng lãnh trung thành với mình vào Quân ủy Trung ương, cơ cấu lãnh đạo quân sự tối cao của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Theo thông tấn xã Reuters, giới quan sát cho rằng mặc dù Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mới là cơ chế đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ hành động nào về Đài Loan, nhưng Quân ủy Trung ương là bộ phận xây dựng và thực hiện kế hoạch tác chiến, và đó là một việc cần được tiến hành một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Theo 4 nhà phân tích an ninh và 4 tùy viên quân sự tại Bắc Kinh, tình trạng Quân Đội Nga bị sa lầy ở Ukraine đã cho thấy rằng tốc độ của việc huy động lực lượng và tiến hành chiến dịch rất quan trọng đối với bất kỳ kế hoạch nào tấn công Đài Loan nào của Trung Quốc, vừa để ngăn chặn các lực lượng Đài Loan vừa để quốc tế không kịp huy động trợ giúp.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Alexander Neill tại Tân Gia Ba nhận xét: “Nếu Tập Cận Bình quyết định “bóp cò súng” trên vấn đề Đài Loan, thì ông ấy không thể chấp nhận bất kỳ bất đồng quan điểm nào từ phía Quân ủy Trung ương.

Theo ông Neill, “để bảo đảm lợi thế, Trung Quốc sẽ phải hành động nhanh, nhanh như chớp” và điều đó không cho phép “bất kỳ một sự chần chờ nào”. Chuyên gia này khẳng định: “Đó luôn luôn là suy nghĩ của phía Trung Quốc về Đài Loan và sự bế tắc ở Ukraine đã khẳng định sự cần thiết phải tránh bị sa lầy vì một quá trình xây dựng hậu cần chậm chạp”.

Theo thông tấn xã Reuters, trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng hàng ngàn sĩ quan với cáo buộc tham nhũng và cố gắng siết chặt quyền kiểm soát của Đảng trên Quân Đội. Lần này ông tiếp tục củng cố quyền chỉ huy lực lượng vũ trang và đã bổ nhiệm được ba tướng lãnh trung thành mới vào Quân ủy Trung ương, một cơ chế bao gồm 7 người, đồng thời gia hạn thêm tuổi nghỉ hưu cho người thân tín nhất trong quân đội của ông là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia).

James Char, một nhà nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Tân Gia Ba, giải thích: “Việc phá vỡ tiền lệ (về tuổi hưu) cho phép ông Tập đạt được hai mục tiêu cùng một lúc: Bảo đảm là người lính hàng đầu của Quân Đội Trung Quốc vừa là người thông thạo chỉ huy tác chiến và vừa là người đáng tin cậy về mặt chính trị”.

Một số nhà phân tích và tùy viên quân sự ngoại quốc tại Bắc Kinh đã mô tả Quân ủy Trung ương khóa 20 này là một tập thể gắn kết chặt chẽ với nhau, vừa có kinh nghiệm hoạt động và lòng trung thành chính trị, vừa có liên quan đến chiến tranh cuối cùng của Trung Quốc là tấn công vào Việt Nam vào năm 1979.

Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ năm 2021, tướng Trương Hựu Hiệp 72 tuổi, thuộc thành phần dòng dõi trong Quân Đội Trung Quốc, mà người cha đã làm việc chung với người cha của ông Tập vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Một trong người được ông Trương bảo trợ là tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), cũng đã được đề bạt vào Quân ủy. Viên tướng này có kinh nghiệm với quân chủng Chi viện Chiến lược của Quân đội Trung Quốc, một cơ chế bao trùm chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng và không gian.

Người thứ ba là tướng Hà Vệ Đông (He Weidong), được cử là Phó Chủ tịch thứ hai của Quân ủy Trung ương, ngày sau tướng Trương Hựu Hiệp. Hà Vệ Đông chính là người đã giám sát các cuộc tập trận quân sự chưa từng có và các vụ thử phi đạn xung quanh Đài Loan vào tháng 8 mà Bắc Kinh tung ra để phản đối chuyến thăm Đài Bắc của lãnh đạo Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Đội ngũ mới liên kết nhiều thế hệ quân sự, với việc đề bạt tướng Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), 58 tuổi, từng chỉ huy các lực lượng xung quanh Bắc Kinh và có kinh nghiệm trong lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, và cùng với tướng Trương Hựu Hiệp, đã có kinh nghiệm chiến đấu từ cuộc chiến tranh với Việt Nam, kéo dài dai dẳng đến cuối những năm 1980.

Theo một tùy viên quân sự Á Châu xin giấu tên, việc chọn những viên tướng có liên hệ với cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây là điều nhắc nhở rằng “dù đã có rất nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, Quân đội Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm tác chiến hiện đại”.

Theo nhân vật này: “Tất cả các cuộc tập trận, thao diễn và diễu binh đều không thể thay thế được kinh nghiệm đó”.

Câu hỏi mà tùy viên này đặt ra là cho dù dàn lãnh đạo là Quân ủy Trung ương có thể thuần nhất như thế nào, nghi vấn vẫn dày đặc trên năng lực tác chiến thực thụ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc.

Bắt Mạch: Chuyến Thăm Trung Quốc của Ông Nguyễn Phú Trọng Mang Tính Biểu Tượng Hay Còn Gì Khác?

(Phân tích của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ)

*

(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 12/11/2017.)

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc hôm 22/10, ngay hôm sau ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc trong số các nhà lãnh đạo đầu tiên gửi điện mừng tới Chủ tịch Tập Cận Bình tái giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hơn thế, theo truyền thông hai nước, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 02/11 theo lời mời của ông Tập Cận Bình. Chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào?

Tính Biểu Tượng

Nếu quan sát những động thái trên có thể bình luận rằng thái độ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là “hồ hởi” chúc mừng “thành công”, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng biểu thị “tình đoàn kết và nét tương đồng” về ý thức hệ qua “mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp giữa hai Đảng Cộng sản và hai cá nhân Tổng Bí thư”. Trong bức điện mừng ông Tập, ông Trọng có viết: “Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước”. Tuy nhiên, sự “sốt sắng” của chuyến đi mặc dù sức khoẻ của ông Trọng có “vấn đề” sau lần tai biến năm 2018 và thiếu công khai hóa nội dung cuộc gặp khiến chuyến thăm này mang đậm tính biểu tượng.

Cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đều là “trường hợp đặc biệt”, nghĩa là “phá thông lệ” giới hạn về tuổi và hai nhiệm kỳ, để tiếp tục nắm quyền trên cương vị Tổng Bí thư đảng ở nhiệm kỳ thứ ba, nhưng mỗi ông có hoàn cảnh đặc thù riêng để “ở lại”. Trong khi ông Trọng tại vị thêm được cho là có lý do duy trì chế độ khỏi sự tồn vong từ “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” ở Việt Nam thì ông Tập “cần phải” tiếp tục lãnh đạo thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” trong môi trường quốc tế phức tạp, khó lường khi cạnh tranh giữa các siêu cường và chiến tranh Nga-Ukraine làm đảo lộn kinh tế và chính trị các quốc gia. Tuy nhiên, cách thức để giữ đỉnh quyền lực của họ là giống nhau, thông qua các biện pháp thanh lọc, tổ chức cán bộ để “bố trí những người thân cận” và trừng phạt suy thoái tư tưởng đồng thời với chống tham nhũng. Đi trên con đường đó không thể không có rủi ro, nhưng “ưu thế” của chế độ tập quyền đảng Cộng sản đã được phát huy tối đa.

Họ luôn là những người đồng chí, ngầm định hay công khai hỗ trợ nhau để giữ chế độ. Khi ông Trọng vượt quy định về giới hạn tuổi để ở lại nhiệm kỳ hai năm 2016, ngay sau đó, ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, gặp ông Nguyễn Phú Trọng để thể hiện sự đoàn kết giữa hai đảng và nhà nước. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông có thể coi là “đáp lễ”, thể hiện truyền thống văn hóa chính trị mang tính ý thức hệ pha trộn nho giáo. Họ là những “học trò xuất sắc” của lãnh tụ V. Lê-nin khi hiện thực hóa ước muốn có được một tổ chức bộ máy để “xoay chuyển” đất nước. Hai ông đã “thành công” và họ có cơ hội lớn bàn thảo về tương lai.

(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu các thành viên mới trong Bộ Chính trị tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10/2022.)

Những Vấn Đề

Tính biểu tượng cao mang tính ý thức hệ không chỉ sẽ quyết định nội dung cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đảng, mà còn ẩn chứa những vấn đề mang tính quan điểm, chủ chương, chính sách, liên quan đến cải cách thể chế và chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường trong bối cảnh trật tự thế giới phân chia ngày càng rõ rệt theo sự cạnh tranh giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và phương Tây. Sau đây là bốn nhóm vấn đề chủ yếu cần theo dõi, phân tích và cần thêm ý kiến của quý vị đóng góp thúc đẩy chính sách cải cách thể chế:

Một là, tầm và mức độ ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như một chỗ dựa cho Đảng Cộng sản Việt Nam, như thế nào đến nội bộ tổ chức, sự hỗ trợ đào tạo cán bộ, tư vấn kinh nghiệm và chính sách điều hành cũng như việc phối hợp giải quyết các tình huống cấp bách…? Chẳng hạn, Trung Quốc đi trước với “cải cách và mở cửa” với tư tưởng thực dụng nhưng việc vận dụng trong đặc thù hoàn cảnh Việt Nam ra sao, thành lập các đặc khu hành chính kinh tế…? Hay, mặc dù không có bằng chứng về “can thiệp công việc nội bộ” nhưng vì sao luôn lan truyền tin đồn, thuyết âm mưu?...
Hai là, chắc chắn có sự cam kết duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai đảng và nhà nước nhưng những vấn đề mang tính “nguyên tắc” như tranh chấp về lãnh hải, biển đảo hay “nhạy cảm” như khai triển sáng kiến của Tập Cận Bình về “con đường tơ lụa” liệu có được “nhân nhượng” trong các thoả thuận ngầm hay núp bóng các dự án cụ thể?

Ba là, việc vận dụng chủ thuyết phát triển và mô hình kinh tế thế nào để tương thích với tham vọng “Đảng-Nhà nước mạnh” với những đặc thù của mỗi nước, trong đó mỗi chủ đề kinh tế sẽ bị chi phối? Chẳng hạn, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc-Việt Nam năm 2021 đạt 230 tỉ Mỹ kim và, vị trí thứ ba về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam liệu có thể được nâng lên và như thế nào trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh, lạm phát, khủng khoảng nợ, bất động sản… ở mỗi nước?

Bốn là, sự lựa chọn chiến lược phát triển sao cho giữ được tính độc lập, tự chủ của quốc gia như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa hai hệ tư tưởng chủ nghĩa Cộng sản và tư bản? “Việc Tập Cận Bình chính thức kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba và có thể suốt đời đã “khóa chặt định hướng chính sách hiện tại của Trung Quốc – một định hướng thể hiện rõ thái độ thù địch với đa nguyên chính trị và các lực lượng của thị trường tự do” và, từ đó Mỹ và phương Tây không còn phải “do dự” để có chính sách đối phó phù hợp khi coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh trực tiếp”. Đổi mới ở Việt Nam “đi sau” với trình độ phát triển thấp hơn, liệu “chính sách thực dụng” có thể từ bỏ khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào đầu tư tư bản ngoại quốc vẫn phải được coi trọng vì tính chính danh của chế độ hay, tiếp tục “đu dây” thế nào?

Cần lắm đối với các nhà nghiên cứu có tâm với đất nước làm rõ “thâm ý” lời phát biểu của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng ông ta “hiểu rõ các lãnh đạo Việt Nam” và cần dạy “bài học” cho họ trong bối cảnh xâm lược Việt Nam năm 1979. Phải chăng là sự tương đồng ý thức hệ? Hiện nay có nhiều bình luận về “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, nhưng ý kiến sẽ trở nên kém “trọng lượng” khi thoát ly khỏi “vòng kim cô” ý thức hệ dù đó chỉ mang tính “biểu tượng” như chuyến công du sắp tới đến Trung Quốc của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét