Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :05/10/2022

Hoa Kỳ đưa một phi hành gia Nga lên Trạm Không gian Quốc tế
Phi hành đoàn quốc tế Mỹ-Nga-Nhật chuẩn bị cho chuyến bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bằng phi thuyền của SpaceX tại trung tâm không gian Kenedy, Florida, Hoa Kỳ, ngày 01/10/2022. AP - John Raoux - Thanh Phương Theo dự kiến, hôm nay, 05/10/2022, Hoa Kỳ đưa một phi hành gia Nga lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) trên một phi thuyền của công ty SpaceX, một chuyến bay mang đầy tính biểu tượng ngay giữa lúc chiến tranh Ukraina đang diễn ra ác liệt.
<!>
Bà Anna Kikina, nữ phi hành gia duy nhất của Nga còn hoạt động, sẽ bay lên Trạm Không gian Quốc tế cùng với hai phi hành gia Mỹ và một phi hành gia Nhật Bản. Đây là chuyến bay thứ 5 đến Trạm Không gian Quốc tế do SpaceX thực hiện cho cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA.

Phi thuyền sẽ được phóng lên từ trung tâm không gian Kennedy ở bang Florida. Sau một chuyến bay kéo dài 30 tiếng, ngày mai, phi thuyền của SpaceX sẽ kết nối với Trạm Không gian Quốc tế, mà trên đó có 7 phi hành gia (hai người Nga, bốn người Mỹ và một người Ý) đang làm việc. Sau vài ngày bàn giao công việc, 4 phi hành gia của nhóm cũ sẽ trở về Trái đất.

Cách đây hai tuần, một phi hành gia Mỹ cũng đã bay lên Trạm Không gian Quốc tế trên một phi thuyền Soyuz của Nga. Chương trình trao đổi phi hành gia giữa hai nước, được dự trù từ lâu, vẫn được duy trì mặc dầu đang có những căng thẳng cao độ giữa Nga và Mỹ kể từ khi Matxcơva xua quân xâm lăng Ukraina vào tháng 2. Bảo đảm sự vận hành liên tục của Trạm Không gian Quốc tế là một trong số hiếm hoi các lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Nga còn hợp tác với nhau.

Tuy vậy, trong ngành không gian, căng thẳng giữa Washington và Matxcơva đã gia tăng đáng kể sau khi Hoa Kỳ ban hành các trừng phạt đối với ngành hàng không, không gian Nga do cuộc xâm lăng Ukraina. Nga đã thông báo sẽ rời khỏi Trạm Không gian Quốc tế sau năm 2024, nhưng không nói rõ thời điểm. Về phần mình, Mỹ cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trên Trạm Không gian Quốc tế cho đến năm 2030.

Nobel hóa học 2022 vinh danh 3 người sáng lập chuyên ngành ‘‘gắn kết phân tử’’


Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố trao giải Nobel Hóa học 2022 cho 2 nhà khoa học Mỹ và Đan Mạch ( trên màn hình), ngày 05/10/2022. AP - Christine Olsson
Trọng Thành
Hôm nay, 05/10/2022, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Hóa học cho hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đan Mạch, vì công lao đặt nền móng cho một chuyên ngành mới, ngành hóa học ‘‘click’’ (tạm dịch là ngành ‘‘gắn kết phân tử’’).

Thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển giải thích : khoa học gia người Mỹ Barry Sharpless và khoa học gia Đan Mạch Morten Meldal là những người ‘‘đã đặt nền móng cho một hướng đi mới, ngành ‘‘Hóa học click’’, cho phép tiến hành việc kết hợp các khối phân tử với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả’’.

Khoa học gia Mỹ Carolyn R. Bertozzi được ghi nhận đã có công trong việc phát triển các ứng dụng của chuyên ngành ‘‘gắn kết phân tử’’ trong lĩnh vực y sinh học. Các nghiên cứu của ông trong lĩnh vực chimie bioorthogonale (các phản ứng ‘‘sinh trực giao’’) cho phép phát triển các hình thức trị liệu ung thư chính xác hơn, bên cạnh một số ứng dụng khác.

Khoa học gia Barry Sharpless là người lần thứ hai đoạt giải Nobel Hóa học. Giải thưởng được trao cho ông năm 2001 để vinh danh về cho việc tiên phong phát hiện các phương pháp ‘‘tổng hợp nhanh chóng các sản phẩm hóa chất, tránh được các phản ứng phụ không mong muốn’’, tạo nền móng của chuyên ngành hóa học click. Khoa học gia Barry Sharpless là người thứ năm hai lần được giải Nobel, sau John Bardeen, Marie Curie, Linus Pauling và Frederick Sanger.

Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn việc sử dụng bộ nạp điện chung cho điện thoại di động


Ảnh minh họa: Một phiên họp của Nghị Viện Châu Âu về môi trường, khí hậu, ngày 23/09/2022, Strasbourg, Pháp. AP - Jean-Francois Badias
Thanh Phương
Hôm qua, 04/10/2022, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua luật bắt buộc sử dụng một bộ nạp điện chung cho toàn bộ các điện thoại di động, máy tính bảng và các vật dụng điện tử khác trong Liên Hiệp Châu Âu. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ năm 2024.

Từ Strasbourg, nơi đặt trụ sở của Nghị Viện Châu Âu, thông tín viên Jean-Jacques Héry tường trình:

Trong một thời gian dài, việc bắt buộc sử dụng một bộ nạp điện chung là một vấn đề được nói đến nhiều lần nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Đúng là cách đây hơn 10 năm, Ủy Ban Châu Âu đã thuyết phục được các nhà sản xuất giảm bớt số bộ nạp điện. Nhưng trên thị trường hiện nay vẫn còn có đến 3 chuẩn khác nhau được sử dụng. Do không đạt được thỏa thuận nên Ủy Ban đã phải ra luật và luật này vừa được các nghị viên châu Âu thông qua với đa số áp đảo 602 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 8 phiếu trắng.

Hầu như mọi người đều đồng ý sử dụng chuẩn USB-C cho bộ nạp chung. Đây quả là một ngày hội ở Nghị Viện Châu Âu, theo lời ông Marc Tarabella, nghị viên châu Âu người Bỉ, thành viên ủy ban bảo vệ người tiêu dùng:

“ Kể từ nay, ta không buộc phải mua bộ nạp điện bán kèm với điện thoại nữa, nếu ta đã có một bộ nạp còn dùng được. Như vậy là chúng ta sẽ bớt đi hàng ngàn tấn rác thải ra môi trường, riêng ở châu Âu là từ 11.000 đến 13.000 tấn. Trong ngăn kéo của chúng ta có đầy những bộ nạp điện mà nay không biết dùng làm gì. Quyết định được thông qua hôm nay sẽ có hiệu lực kể từ 2024. Rất tiếc là chúng ta đã đợi lâu đến thế. Phải nói rằng Apple đã là nhà sản xuất chống quyết liệt nhất, bởi vì họ có công nghệ của riêng họ và không muốn đổi sang chuẩn USB-C, được chọn cho bộ nạp điện chung.”

Theo Ủy Ban Châu Âu, luật mới sẽ được áp dụng không chỉ cho điện thoại di động, mà cả cho máy tính bảng, máy đọc điện tử…., và như vậy người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được tổng cộng đến 250 triệu euro mỗi năm. Luật cũng dự trù các trừng phạt tài chính đối với những nhà sản xuất nào không chấp hành.

Liên Âu xem xét trừng phạt Iran do đàn áp chống biểu tình


Cuộc tuần hành tại Paris, Pháp, ngày 02/10/2022, ủng hộ phong trào phản kháng tại Iran sau cái chết của thiếu nữ Mahsa Amini. AP - Aurelien Morissard
Trọng Thành
Tiếp theo Hoa Kỳ, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu xem xét các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Iran, bị cáo buộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình phản kháng bùng lên từ hơn hai tuần nay sau cái chết của thiếu nữ Mahsa Amini. Cô đã thiệt mạng sau khi bị lực lượng ‘‘cảnh sát đạo đức’’ của chế độ Hồi giáo Iran bắt giữ.

AFP dẫn lời lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Josep Borrell, theo đó Liên Âu sẽ có ‘’các biện pháp mạnh’’ đối với chính quyền Teheran. Trước đó chính quyền Pháp cũng cho biết Bruxelles dự kiến sẽ phong tỏa tài khoản nhiều giới chức chính quyền Iran, và cấm một số quan chức nhập cảnh Liên Âu.

An ninh Iran đã đàn áp khốc liệt phong trào biểu tình, bùng lên sau cái chết của thiếu nữ Mahsa Amini, nạn nhân của ‘‘lực lượng cảnh sát đạo đức’’. Theo tổ chức nhân quyền IHR, ít nhất 92 người thiệt mạng tại Iran kể từ 16/09. Tuy nhiên, phong trào phản kháng tại Iran vẫn tiếp diễn, và có xu hướng lan rộng sang các trường phổ thông.

Thông tín viên Shiavos Gazhi tường trình từ Teheran :

‘‘Sau các cuộc biểu tình ở một số trường đại học trong nước, trong những ngày gần đây, phong trào biểu tình đã lan sang nhiều trường phổ thông. Trên các mạng xã hội, ta có thể thấy nhiều video về các thiếu nữ cởi bỏ khăn trùm, đả đảo chế độ độc tài, giương cao khẩu hiệu ủng hộ tự do. Ở một số thành phố, họ thậm chí còn biểu tình trên đường phố mà không mang khăn trùm, điều vốn được coi là bắt buộc kể từ cuộc cách mạng Hồi Giáo năm 1979.

Lực lượng chống bạo động vẫn được triển khai với số lượng lớn tại các quảng trường chính của thủ đô để sẵn sàng ngăn chặn các cuộc biểu tình mới. Đồng thời, chính quyền cũng tuyên bố thả vài trăm người biểu tình, trong đó có ca sĩ ShervineHajipour, người có bài hát ủng hộ tự do, được phát đi sau cái chết của Mahsa Amini, đã trở thành biểu tượng cho phong trào biểu tình.

Trong một số video quay ở trường học, nhiều thiếu nữ trẻ không trùm khăn Hồi Giáo đã hát vang bài hát này. Tuy nhiên, chính quyền Iran dường như rất kiên quyết. Một cuộc biểu tình mới sẽ được tổ chức vào hôm nay, thứ Tư 05/10 tại Teheran để ủng hộ chính quyền, tiếp theo những cuộc biểu tình tương tự trong những ngày gần đây ở một số thành phố khác’’.

Theo hãng tin Tasnim thân chính quyền Iran, hôm qua Teheran đã triệu đại sứ Anh để phản đối ‘‘các bình luận mang tính can thiệp’’ của bộ Ngoại Giao Anh. Theo người phụ trách bộ phận Tây Âu của bộ Ngoại Giao Iran, các lời lẽ của bộ Ngoại Giao Anh dựa trên ‘‘các giải thích sai lầm và mang tính khiêu khích’’ về các diễn biến tại Iran những ngày gần đây. Quan chức nói trên cảnh báo Iran sẽ có các hành động trả đũa.

Ukraina : Quân Nga bị đẩy lùi ở chiến trường miền nam và miền đông


Quân đội Ukraina trên đường từ Izium qua Lyman, 2 thành phố Ukraina vừa giành lại từ quân Nga, ngày 04/10/2022. AP - Francisco Seco
Thu Hằng
Trong buổi tổng kết tình hình hàng ngày tối 04/10/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội Ukraina đã tổ chức nhiều cuộc tấn công « mạnh » ở miền nam, « giải phóng được vài chục địa phương chỉ riêng trong tuần này », cùng thời điểm Nga chính thức sáp nhập 4 bốn vùng lãnh thổ chiếm đóng và ly khai ở miền đông và miền nam Ukraina.

Đà tiến của quân đội Ukraina ở các vùng quan trọng Kharkiv (đông bắc) và Kherson (miền nam) được bộ Quốc Phòng Nga gián tiếp xác nhận ngày 04/10 khi công bố nhiều bản đồ quân sự. Theo đó, quân Nga đã rút gần như hoàn toàn khỏi bờ đông của sông Oskil (miền đông), khu vực cuối cùng trong vùng họ còn chiếm đóng.

Ở mặt trận miền nam, quân đội Nga không thông báo rút quân, nhưng chính quyền thân Nga ở vùng chiếm đóng kêu gọi người dân « đừng hoảng loạn ». Từ vài ngày nay, nhiều đoạn video của lính Ukraina trên mạng xã hội cho thấy cờ Ukraina được treo ở nhiều ngôi làng phía bắc vùng Kherson. Chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andri Iermak đăng trên mạng Telegram hình quốc kỳ Ukraina và một quả dưa hấu, nông phẩm chính của vùng Kherson.

Nga cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp với phương Tây

Lợi thế mà Ukraina có được trên chiến trường hiện nay là nhờ vào vũ khí do phương Tây cung cấp, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Zelensky ngày 04/10, tổng thống Joe Biden thông báo cung cấp thêm 4 hệ thống tên lửa Hirmars, cùng với 32 đại bác nòng ngắn Howitzer, 200 xe bọc thép và đạn dược cho chính quyền Kiev trong khuôn khổ gói viện trợ mới trị giá 625 triệu đô la. Ông Zelensky đã cảm ơn Hoa Kỳ « liên tục ủng hộ quân sự và tài chính » để giúp Kiev chống cuộc xâm lược Nga.

Tuy nhiên, quyết định gia tăng viện trợ quân sự Ukraina của Washington bị đại sứ Nga ở Mỹ coi là « một mối đe dọa tức thì cho lợi ích chiến lược » của Matxcơva. Trên mang Telegram ngày 04/10, ông Anatoly Antonov viết : « Việc Hoa Kỳ và đồng minh cung cấp thêm vũ khí không chỉ gây thêm bể máu và nạn nhân mới mà còn thúc đẩy nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và các nước phương Tây ».

Mỹ, Hàn Quốc bắn nhiều tên lửa ra biển, một ngày sau Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo


Ảnh do Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc Cung cấp: Tên lửa chiến thuật ATACMS được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, ngày 05/10/2022. © AP
Thanh Phương
Theo bộ tổng tham mưu Hàn Quốc, hôm nay, 05/10/2022, quân đội Hàn Quốc và quân đội Hoa Kỳ mỗi bên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ATACMS “để tấn công với độ chính xác cao vào một mục tiêu ảo trên biển Nhật Bản”. Đây là hành động của liên minh Mỹ-Hàn nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng hôm qua bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung gian ngang qua lãnh thổ Nhật Bản.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận thất bại của vụ phóng tên lửa tầm ngắn thứ năm Hyunmoo-2. Tên lửa này đã rơi ít lâu sau khi được bắn lên.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

“Sáng sớm hôm nay, liên minh Mỹ Hàn tiếp tục bắn 4 tên lửa chiến thuật tầm ngắn (ATACMS) vào các mục tiêu giả định trên biển. Tiếp theo kế hoạch răn đe, tàu sân bay Reagan đã được điều động quay trở lại Hàn Quốc. Đây được xem là một động thái bất thường của liên minh. Tham mưu trưởng liên quân giải thích rằng điều này chứng tỏ khả năng tác chiến khẩn cấp của các lực lượng tổng hợp trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích tiếp theo của Bắc Triều Tiên. Và các hành động đáp trả đều được quyết định với sự tham vấn bộ trưởng Quốc Phòng của Mỹ và Hàn Quốc.

Phía quân đội Hàn Quốc cũng bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tên Hyunmoo-2, tuy nhiên tên lửa này đã gặp trục trặc kỹ thuật và quay ngược về căn cứ ngay sau khi được phóng. Tuy không có thương vong nào được xác nhận cho tới lúc này, quân đội đang tích cực điều tra nguyên nhân của tai nạn.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức vào chiều hôm nay một cuộc họp công khai về vụ phóng tên lửa hôm qua của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khó có khả năng Hội Đồng Bảo An ban hành các trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên, do Trung Quốc và Nga đã nhiều lần phản đối các trừng phạt bổ sung nhắm vào Bình Nhưỡng. Các nghị quyết trừng phạt thường chỉ được thông qua khi Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích quy mô lớn như thử hạt nhân hoặc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”.

Washington khẳng định bảo vệ Nhật Bản
Trong một cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cùng lên án vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm này, tổng thống Biden khẳng định cam kết “không gì lay chuyển” của Hoa Kỳ bảo vệ Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật còn bày tỏ quyết tâm “tiếp tục các nỗ lực để hạn chế khả năng của Bắc Triều Tiên tiến hành các chương trình phát triển bất hợp pháp các tên lửa đạn đạo và các vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hôm qua, ông đã lên án hành động “leo thang” của Bình Nhưỡng và kêu gọi chế độ Kim Jong Un nối lại đối thoại nhằm tiến tới “ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét