Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :01/10/2022

Tổng thống Joe Biden ký dự luật bổ sung viện trợ 12,4 tỷ USD cho Ukraine Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 đã ký dự luật thông qua các khoản ngân sách đến ngày 16/12/2022, trong đó có khoản viện trợ bổ sung trị giá 12,4 tỷ USD cho Ukraine. Sáng kiến này trước đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong thông cáo, Nhà Trắng tuyên bố: “Vào ngày 30/9, Tổng thống đã ký thành luật Đạo luật Viện trợ Tiếp tục và Viện trợ Bổ sung cho Ukraine”, cung cấp các khoản ngân sách bổ sung tài khóa 2023 cho các cơ quan Liên bang đến ngày 16/12/2022, để tiếp tục các dự án và hoạt động của Chính phủ Liên bang, và bao gồm các khoản tài trợ bổ sung để ứng phó với tình hình ở Ukraine”.
<!>
Dự luật tiếp tục cấp ngân sách cho Chính phủ Mỹ, được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua trước nửa đêm 30/9 (giờ địa phương), nếu không, Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động một phần. Dự luật cũng sẽ cho phép nhà lãnh đạo Mỹ được quyền chuyển số vũ khí trị giá 3,7 tỷ USD từ kho dự trữ của quân đội Mỹ tới Ukraine để hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước này.

Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra vào ngày 24/2, so với khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021. Giới chức Nhà Trắng cho biết khoảng 3/4 số này đã được giải ngân hoặc duyệt chi.

Ở một diễn biến khác, Mỹ hôm 30/9 đã áp đặt các chế tài sâu rộng lên Nga sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Chế tài mới nhắm vào hàng trăm cá nhân và tổ chức, gồm cả những cá nhân và tổ chức trong ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà lập pháp Nga.

Mỹ đã hành động ngay lập tức sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng của Ukraine. Đây là vụ sáp nhập lãnh thổ lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Các khu vực mới bị sáp nhập vào Nga chiếm 15% lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Joe Biden phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi sẽ vận động cộng đồng quốc tế vừa lên án những động thái này và vừa buộc Nga phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự cần thiết để họ tự vệ, không nao núng trước nỗ lực trâng tráo của Nga nhằm vẽ lại biên giới của quốc gia láng giềng”.

Chế tài lần này chưa bao gồm cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Chế tài của Mỹ nhìn chung bao gồm phong tỏa mọi tài sản của các cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách đen và cấm người Mỹ giao thương với những đối tượng này.

Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 57 tổ chức tại Nga và Crimea vào danh sách cấm xuất khẩu.

Bộ Tài chính cho biết họ đã áp đặt chế tài lên 14 cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, hai lãnh đạo của ngân hàng trung ương, các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga vì “tạo điều kiện cho cuộc trưng cầu dân ý giả mạo và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.

Trong số các cá nhân bị chế tài lần này có Phó Thủ tướng Alexander Novak; 109 thành viên Duma quốc gia Nga; Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga và 106 thành viên của Hội đồng này; và thống đống Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.

Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt vào danh sách đen các thành viên gia đình của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, như phu nhân và hai người con của Thủ tướng Mikhail Mishustin; phu nhân và con của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và phu nhân và con của lãnh đạo Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov.

Ngoài ra, danh sánh chế tài cũng bao gồm các thành viên gia đình của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko và của Thống đốc thành phố Saint PeterburgAlexander Beglov.

Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi tuyên bố riêng rẽ cho biết cơ quan này đã áp đặt hạn chế thị thực lên hơn 900 người, trong đó có các thành viên của quân đội Nga và Belarus và các đội quân ủy nhiệm của Nga đã đang “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine”. Biện pháp này cấm những người có tên trong danh sách nhập cảnh vào Mỹ.

Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cũng cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân và tổ chức nào bên ngoài Nga mà cung cấp các hỗ trợ về chính trị, kinh tế hay vật chật cho Nga đều sẽ phải đối mặt với rủi ro bị chế tài nặng nề.

Biden: “Mỹ và đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc đất của các nước NATO”


Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2022. AP - Susan Walsh
Thanh Phương
Đáp lại bài phát biểu của ông Vladimir Putin hôm qua, 30/09/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không sợ những lời hù dọa của tổng thống Nga và “sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của các nước thành viên khối NATO”.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

“Đôi mắt nhìn thẳng vào ống kính, ngón tay trỏ chỉ về phía trước, tổng thống Joe Biden ngỏ lời trực tiếp với Vladimir Putin. Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của khối NATO. Ông nói Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không sợ những lời hù dọa của tổng thống Nga.”

Phản ứng của Mỹ rất cứng rắn, bắt đầu bằng các biện pháp trừng phạt mới đối với mọi nhân vật hay thực thể nào tạo điều kiện thuận lợi cho việc Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraina. Các trừng phạt hiện có sẽ được mở rộng để áp dụng đối với các dân biểu Nga hay lãnh đạo ngân hàng trung ương Nga. Washington cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những công ty tham gia cung ứng cho cỗ máy chiến tranh Nga.

Và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina về tài chính. Quốc Hội Mỹ sẽ thông qua khoản viện trợ bổ sung gần 13 tỷ đô la. Trước đó trong tuần, chính quyền Biden đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev hơn 1 tỷ đô la viện trợ, nâng tổng viện trợ của Mỹ từ đầu chiến tranh cho đến nay lên tới hơn 16 tỷ đô la.

Nhưng chưa hết: Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dự báo chính quyền Mỹ sẽ có những thông báo mới vào tuần tới.”

Tổng thống Ukraina khẳng định không đàm phán với Nga, chính thức xin gia nhập NATO


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong một buổi lễ tưởng niệm ở ngoại ô Kiev, Ukraina, ngày 29/09/2022. AFP - STR
Phan Minh
Ngay sau khi điện Kremlin chính thức sáp nhập 4 vùng Ukraina, hôm qua 30/09/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không đàm phán với Nga chừng nào tổng thống Vladimir Putin còn nắm quyền.

Ông Zelensky nói trong một video trực tuyến : "Ukraina sẽ không đàm phán với Nga chừng nào Putin còn là tổng thống Liên Bang Nga. Chúng tôi sẽ đàm phán với tổng thống mới".

Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố rằng Ukraina đang chính thức nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về phần mình, Liên Hiệp châu Âu (EU) hôm qua cũng lên án việc sáp nhập này và tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự Ukraina để Kiev giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm chi tiết :

Tuyên bố chính thức trong thông cáo chung được đưa ra hôm qua sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên án những "cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu" cùng với những "kết quả bị làm sai lệch". Lần này, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu "bác bỏ mạnh mẽ và lên án dứt khoát" việc Nga sáp nhập "bất hợp pháp" 4 vùng của Ukraina. Theo Liên Âu, Nga gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu vì họ phá hoại trật tự quốc tế và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của Ukraina, tức là các quyền cơ bản của nước này.

Ukraina sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Liên Âu để bảo đảm khả năng tự vệ và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình.

Về phần chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, ông nhắc lại rằng Liên Âu sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập này, cũng như không công nhận việc sáp nhập Crimée hồi năm 2014.

Đồng thời, tại Bruxelles, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án việc sáp nhập "bất hợp pháp" này.

Nga ngăn chặn nghị quyết Hội Đồng Bảo An lên án việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraina


Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya giơ tay phủ quyết nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraina. Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2022. AP - Bebeto Matthews
Thanh Phương
Không có gì bất ngờ, hôm qua, 30/09/2022, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án việc Matxcơva sáp nhập 4 vùng của Ukraina.

Theo hãng tin AFP, ngoài lá phiếu phủ quyết của Nga, nghị quyết đã nhận được10 phiếu thuận và 4 nước đã không bỏ phiếu (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Gabon). Đối với phương Tây, đây là bằng chứng cho thấy Nga bị cô lập.

Bản dự thảo nghị quyết, được soạn thảo trước khi tổng thống Vladimir Putin ký các văn kiện sáp nhập vào Nga bốn vùng của Ukraina là Donetsk, Luhansk, Zaporijjia và Kherson, lên án các cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp”, “không có một chút giá trị nào” và cũng “không thể được dùng làm cơ sở để thay đổi quy chế của những vùng đó”.

Dự thảo, do Mỹ và Albania soạn thảo, kêu gọi toàn bộ các quốc gia và các tổ chức khác không công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina, đồng thời đòi quân Nga triệt thoái “ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện” khỏi Ukraina.

Theo AFP, nếu như lá phiếu phủ quyết của Nga là không có gì bất ngờ, mọi con mắt đã đổ dồn về phía Trung Quốc, quốc gia mà về mặt chính thức vẫn giữ lập trường trung lập, nhưng bị xem là dung túng Matxcơva quá nhiều. Giống như vào tháng 2, sau khi Nga xua quân xâm lăng Ukraina, hôm qua, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đại diện của Trung Quốc đã không bỏ phiếu. Đại sứ Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Đối với đại sứ Pháp, “Nga bị cô lập hơn bao giờ hết”.

Sau khi bị bác ở Hội Đồng Bảo An, dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra biểu quyết ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mà không một quốc gia nào trong số 193 nước thành viên có quyền phủ quyết. Cuộc biểu quyết này sẽ phản ánh mức độ bị cô lập của Nga trên trường quốc tế.

Chiến tranh Ukraina :Vladimir Putin hứa hẹn giành chiến thắng


Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraina tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 30/09/2022. AP - Grigory Sysoyev
Minh Anh
Hôm qua, 30/09/2022, tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức thông báo sáp nhập bốn vùng chiếm đóng của Ukraina, đồng thời hứa hẹn sẽ giành chiến thắng. Ngoài việc yêu cầu Kiev « ngưng mọi hành động thù nghịch và quay trở lại đàm phán », chủ nhân điện Kremlin còn mạnh mẽ tố cáo Mỹ và phương Tây tàn phá nước Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri nhắc lại những điểm chính trong bài diễn văn của nguyên thủ Nga :

« Trong tầm ngắm của Vladimir Putin là Hoa Kỳ và rộng hơn nữa là phương Tây, bị tố cáo trong suốt 50 năm lịch sử đã tìm cách, xin trích, "ăn bám, cướp bóc toàn thế giới, và nhất là muốn biến nước Nga thành thuộc địa".

Đặc biệt, tổng thống Nga còn nhắc lại sự kiện Hiroshima và Nagasaki. Đối với ông, chính Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, và theo ông, điều đó đã tạo ra "một tiền lệ". Vladimir Putin còn nói rõ : "Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện có trong tay" để bảo vệ những gì mà nước này kể từ giờ xem như là những vùng lãnh thổ của mình.

Chủ nhân điện Kremlin tuy không đề cập một cách công khai vũ khí hạt nhân mà nước này đang có, nhưng lời dọa dẫm này là quá rõ ràng và được nêu ra. Giờ thì không thể trở về như trước, với việc sáp nhập những vùng lãnh thổ này, nhưng vẫn còn một điều chưa rõ ràng : Đâu sẽ là những đường biên giới mới của Nga ? Ở những nơi mà binh sĩ Nga hiện đang có mặt hay là rộng hơn nữa ?

Vào lúc Vladimir Putin có bài diễn văn này, tình hình tại Lyman, một chốt chặn chiến lược quan trọng của vùng Lugansk, là vô cùng bấp bênh đối với quân Nga. »

Ukraina : Giám đốc nhà máy hạt nhân Zaporijia bị Nga bắt cóc


Nhà máy điện hạt nhân Zaporijia ở Ukraina. Ảnh chụp ngày 04/08/2022. © AFP
Minh Anh
Tập đoàn năng lượng Energoatom của Ukraina hôm nay, 01/10/2022, thông báo giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporijia đã bị một toán lính Nga bắt giữ.

AFP trích dẫn thông cáo của Petro Kotine, chủ tịch tập đoàn năng lượng Ukraina, cho biết Igor Murachov đã bị các lực lượng Nga bắt đi khi về đến Enerhodar, thành phố sát cạnh nhà máy điện, hôm thứ Sáu 30/9, lúc 16 giờ, giờ địa phương. Trên mạng Telegram, vị lãnh đạo Energoatom giải thích thêm là ông Murachov « khi ra khỏi xe đã bị bịt mắt và dẫn vào xe đi đến một nơi khác không rõ ». Hiện chưa có một thông tin nào về số phận của ông.

Sự việc xảy ra chỉ vài giờ sau bài diễn văn của tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định sáp nhập bốn vùng lãnh thổ chiếm lấy từ Ukraina.

Ông Petro Kotine nhấn mạnh « Igor Murachov độc quyền chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân và phóng xạ » của cơ sở. Việc ông bị bắt « gây nguy hiểm đến việc bảo đảm an toàn của các hoạt động của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina và châu Âu ». Ông Kotine kêu gọi các nhóm lính Nga « chấm dứt ngay lập tức tức các hành vi khủng bố hạt nhân nhắm vào ban quản lý và nhân sự » của cơ sở và thả ông Murachov.

Theo hãng tin Mỹ AP, hiện Matxcơva chưa lên tiếng thừa nhận đã bắt cóc giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporijia. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA hiện có người hiện diện tại nhà máy, cũng chưa xác nhận thông báo của Energoatom về vụ bắt cóc ông Murachov.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này, hiện đang bị quân Nga chiếm đóng và nằm trên vùng lãnh thổ Ukraina mà tổng thống Nga đã cho sáp nhập bất hợp pháp, giờ trở thành một trong số các thách thức quan trọng trong cuộc xung đột Ukraina. Trong thời gian qua, Matxcơva và Kiev liên tục tố cáo lẫn nhau đã oanh kích cơ sở, với nguy cơ làm bùng lên một thảm họa hạt nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét