Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Thu, Oct 27 at 5:05 PM Bàn về chuyện ‘viết’ - Trần Doãn Nho/Người Việt




KENNEDALE, Texas (NV) – Xin nói ngay, “viết” ở đây là sáng tác văn chương. Nhưng, tại sao người ta thích viết? Câu hỏi này vẫn thường được các tạp chí văn chương nêu ra với các tác giả để tìm hiểu lý do nằm đàng sau công việc đôi khi trông có vẻ “phù du” này.Viết như một thú tiêu khiển. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images) Trả lời cho câu hỏi này, mỗi tác giả, từ hoàn cảnh riêng của mình, phát biểu một khía cạnh của vấn đề. Có người vì bị ám ảnh hay ẩn ức một chuyện gì đó, nên viết ra để giải tỏa. 
<!>
Có người vì ao ước được nổi tiếng. Có người viết chỉ để cho mình đọc (như viết nhật ký). Có người cho biết viết như một thú tiêu khiển. Cũng có người, viết để “đỡ buồn” hay ướt át hơn, viết “để tỏ tình với cuộc sống.” Cũng có người viết để bày tỏ lập trường trước cuộc sống, hay để khám phá chính mình. Cũng có người vì tình cờ: lúc đầu, viết thử cho vui, dần dần quen, đâm ra mê viết.

Tuy động lực đầu tiên khác nhau từ tác giả này đến tác giả khác, nhưng viết mang một số tính chất khá đặc thù đối với hầu hết những ai gắn bó với nó. Xin nêu lên vài nét.

Viết là kêu lên, bày tỏ

Hàn Dũ (768-824), đời Đường, trong bài tựa “Tiễn Mạnh Đông Dã,” nhận xét: “Đại phàm vật bất đắc kì bình tắc minh” (Thường thường vật không có được sự quân bình, điều hòa của nó, thì nó sẽ kêu lên hay phát lộ ra). Con người và con vật hữu tri hữu giác, đau thì la, đói thì rên; cây cối lúc gió bão, ngã đổ cũng phát ra tiếng kêu. Văn chương cũng thế. Khi trong lòng có gì không thuận, trải qua những cảm giác bất thường, hoặc vui hoặc buồn hoặc phấn khích thì người ta muốn nói ra, viết lên để bày tỏ: câu văn hay lời thơ xuất hiện.

Về mặt tâm lý, theo Ngô Thế Lân, tâm hồn như một cây trúc, gió đến thì trúc kêu, gió im thì trúc lặng. Và theo Lê Quý Đôn, con người khi nhìn cảnh vật, sự đời, lòng bỗng dưng rung động, văn chương từ đó bật ra. Tóm lại, hễ “bất đắc kỳ bình” thì người hay vật cũng phát ra tiếng kêu; đó là một cách lấy lại quân bình. Sự không bình thường bên trong tâm hồn, đa phần, là một phản ứng có điều kiện đối với những tình huống bên ngoài. Tiếng kêu bật ra có thể làm giảm bớt xung động. Rên khiến đỡ đau, khóc làm vơi bớt nỗi sầu, la lớn làm hả cơn giận. Kêu còn là một cách chuyển tín hiệu đến người khác.

Hiểu như thế, viết là một hình thức của tiếng kêu, một tiếng kêu vô thanh. Một câu thơ, hay ngay cả một bài thơ là một tiếng rên, tiếng la hay tiếng reo. Một tác phẩm đồ sộ, đôi lúc, được gói trọn trong một tiếng thở dài: “Mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du). Dẫu vậy, tiếng kêu văn chương bao giờ cũng được gửi đi xa hơn, lâu dài hơn và có thể trở thành vĩnh cửu.

Nhiều nhà văn thú nhận: họ viết chỉ vì muốn la lên, muốn hét lên, muốn kêu lên tiếng lòng của mình sau khi trải qua những nhục nhằn, bi phẫn hoặc sau khi đã chứng kiến những tang thương, đổ nát, khốn khổ của kiếp nguời.

Văn học hải ngoại, dưới dạng này hay dạng khác, vẫn còn là tiếng kêu với âm vang dằng dặc của một cuộc tháo chạy, bỏ cuộc và đổi đời toàn diện, khủng khiếp, sau biến cố Tháng Tư, 1975.

Viết là chủ quan

Do viết là bày tỏ chính mình, cho nên, viết bao giờ cũng mang tính chủ quan.

Về điểm này, mấy ông nhà nho xưa đưa ra một đúc kết thâm thúy: “văn mình, vợ người.” Vào thời nay, khi văn chương không chỉ dành cho đàn ông, thì phải thêm vào cho rõ: “văn mình, vợ hay chồng người.” Đây là vấn đề thuần túy tâm lý. Trong cuộc sống chung vợ chồng dài ngày, trải qua những xung đột về cá tính và quyền lợi, người này có lúc trở thành gánh nặng của người kia. Do đó, đâm ra có cảm tưởng rằng vợ hay chồng người khác giỏi hơn, hiền hơn vợ hay chồng mình. Cũ người mới ta. Vợ hay chồng người trông như “của lạ,” chẳng giống “của quen” lâu ngày đâm ra nhàm chán là vợ hay chồng mình.

Hoàn toàn ngược lại, ở trong văn, cái mình viết ra là của mình, do mình sở hữu, biểu lộ giá trị của bản thân mình, nhất dịnh là phải có giá trị hơn của người khác. Ðây có lẽ là một trong những “tật xấu” đáng trách nhất của những người theo đuổi nghiệp viết lách. Một dạng thức “ái ngã,” “chấp ngã” đặc biệt, đưa đến những kèn cựa, chê bai, hay có lúc sỉ nhục lẫn nhau trong giới viết lách.

Nhà thơ Ðỗ Quý Toàn giải thích loại tâm lý “văn mình” (mà ông gọi là “thơ mình”) trong thành ngữ trên như sau: “Mới nghe, ta có thể hiểu thành ngữ trên như muốn nói: thơ mình hay hơn thơ người khác. Không nhất thiết như vậy. Thi sĩ nào cũng biết có nhiều bài thơ của mình không thể bằng một số bài thơ của thi sĩ khác. Vì vậy tôi hiểu vế ‘thơ mình’ nghĩa là mình đọc thơ mình bao giờ cũng thấy hay hơn người khác thấy. Sự so sánh không phải là giữa thơ người này với thơ người khác, nhưng là giữa cảm giác của người đọc thơ mình và người khác cũng đọc thơ mình.” Vì thế, “Khi đọc lại chính bài thơ của mình viết ra, thi sĩ có thể sống lại gần đầy đủ kinh nghiệm khi sáng tạo bài thơ… Ðó là lý do khiến cho khi chúng ta đọc thơ chính mình viết ra, chúng ta dễ cảm thấy ‘hay’ hơn là khi người khác đọc cũng bài thơ đó” (Tìm Thơ Trong Tiếng Nói).

Ðỗ Quý Toàn có lý phần nào. Nhưng, đối chiếu với tâm lý “vợ hay chồng người” ở trên thì rõ là, tâm lý “văn mình” phải nghiêng về cách hiểu: văn hay thơ mình nhất định hay hơn văn hay thơ của người khác. Rõ ràng đây là một cái hay chủ quan. Nhưng chính trạng thái tâm lý đặc thù này là động lực thúc đẩy nhà văn viết.


Viết, với nhiều người, nhằm phát biểu một khía cạnh của vấn đề. Trong hình, nhân viên một cửa hàng sách ở Sài Gòn bên cạnh cuốn hồi ký được dịch sang tiếng Việt của bà Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, hôm 23 Tháng Mười Một, 2006. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

Viết là sáng tạo

Ở một khía cạnh khác, nhà thơ Nguyên Sa cho rằng viết là một “thôi thúc của nhu cầu sáng tạo.” Nhu cầu sáng tạo ở đây, theo cách hiểu của Nguyên Sa, là đẻ ra những tác phẩm với trình độ thẩm mỹ cao, độc đáo, thoát khỏi cách diễn đạt sáo mòn cũ. Tôi muốn hiểu hai chữ “sáng tạo” với một ý nghĩa khiêm nhường hơn và chung hơn: sáng tạo mang lại một cái gì mới. Từ những chất liệu trong cuộc sống vốn bao gồm những thứ hoàn toàn bình thường, hành vi viết tạo dựng nên một hiện thực trông rất quen, mà đồng thời lại rất lạ. Chẳng hạn mấy câu thơ sau đây của nhà thơ Trần Mộng Tú:

“Những chiếc lá thất thân
Đã sang màu rạo rực
Mùa thu đứng bên đường
Vòng tay ôm con dốc”

Trần Mộng Tú tả mùa Thu. Mà mùa Thu thì ai chả biết: lá đổi màu. Nhưng bằng cách sử dụng những hình ảnh và chữ nghĩa khác lạ: thất thân, rạo rực, đứng, vòng tay, nhà thơ tạo ra một hình ảnh khác về mùa Thu, giống như một cái quen bỗng bị lột xác hoàn toàn. Toàn bộ khung cảnh trong bài thơ như biến dạng hẳn, khó thể tìm đâu ra trong thế giới thực ở bên ngoài. Nhà thơ rõ là đã vẽ vời ra một thứ mùa Thu hoàn toàn mới mẻ. Nó sống động hẳn lên, và đặc biệt, phảng phất mùi “erotic.”

Về văn, khi viết, người viết bay bổng, bước ra khỏi bản ngã, với đôi cánh ngược xuôi, có thể luồn sâu về quá khứ, phóng vút về tương lai, len lỏi vào đủ ngóc ngách của cuộc tồn sinh để tạo ra một cái gì khác hơn những gì đang có. Hỏi về việc tạo dựng nhân vật trong tác phẩm “Sông Côn Mùa Lũ” nổi tiếng của mình, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết: “Sau chừng một trăm trang bản thảo mở đầu trong tập I, các nhân vật của ‘Sông Côn Mùa Lũ’ dần dần định hình, mỗi nhân vật tự mình có một đời sống riêng. Mỗi một khi nhân vật hiện ra trên trang giấy, hình như tôi chỉ giữ vai trò dẫn họ ra trình diện, sau đó nhân vật sống, ăn nói, vui buồn hờn giận theo ý riêng của mình, tôi không can thiệp vào được.”

Nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Có những sự kiện và nhân vật lại “bị” người viết áp đặt. Cũng ở “Sông Côn Mùa Lũ,” Nguyễn Mộng Giác thú nhận: “Phần tường thuật cuộc họp giới sĩ phu Bắc hà do Ngô Văn Sở tổ chức, những gì tôi tưởng tượng ra đều dựa trên kinh nghiệm trải qua trong mấy năm sống dưới chế độ Cộng Sản sau Tháng Tư năm 1975. Quanh cảnh bên ngoài Bộ Lễ là quang cảnh bên ngoài những trung tâm quy định cho sĩ quan và công chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa đến trình diện đi học tập cải tạo.”

Đúng là lấp lửng: người viết vừa chủ động lại vừa thụ động, vừa có thực lại vừa bịa. Thực ra, đó không phải là kinh nghiệm riêng biệt của Nguyễn Mộng Giác, mà là kinh nghiệm chung của hầu hết các tác giả.

Chẳng lạ gì, khi nhà văn vận dụng sáng tác vào các nhân vật lịch sử, tác phẩm thường đưa đến những tranh cãi. Cũng là ông vua Quang Trung, một con người rất “thực” đã từng hiện diện trong lịch sử Việt Nam cách đây hơn 200 năm, được tái hiện thành ba nhân vật hoàn toàn khác nhau. Quang Trung của Nguyễn Huy Thiệp trong “Kiếm Sắt” (truyện ngắn) thì cộc cằn, thô lỗ, Quang Trung của Trần Vũ trong “Mùa Mưa Gai Sắt” (truyện ngắn) thì bạo dâm; còn Quang Trung của Nguyễn Mộng Giác trong “Sông Côn Mùa Lũ” (truyện dài) thì hiền lành, trí thức. Nhân vật, như thế, thường xuất hiện như “một năng lực hơn là một cá thể,” như “một thân phận hơn là một lý lịch.”

Lấy chất liệu từ hiện thực để tạo ra một cái gì khác hơn hiện thực, đó chính là tính cách sáng tạo của văn chương. [qd]

—–

Tài liệu tham khảo:
-Đỗ Quý Toàn, “Tìm Thơ Trong Tiếng Nói,” Bàn mới 2020
-Trần Hữu Thục, “Viết và Đọc,” Văn Học (California) 1999
-Nguyễn Mộng Giác, “Mùa Biển Động,” Mùa Biển Động

Mùa Biển Động
Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét