Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Rừng thiêng - Võ Đào Phuơng Trâm


Rừng mang linh hồn từ máu và nước mắt, những lời nguyền kỳ bí không ít lần vận lên ngôi mộ của những gã ngông nghênh, hằn sâu ấn tích cho những ai vắt cuộc đời mình bằng nghề “lộc gỗ” mà không hiểu được nguyên tắc từ nơi “Rừng thiêng nước độc”…Cánh rừng phía Nam KBang quật mạnh trong cơn gió chiều rền rĩ, đại ngàn gào rú những thanh âm điên dại của mùa mưa lũ. Bóng tối nhập nhoạng phủ trùm một màu xám đặc lên ngôi nhà gỗ âm u giữa những tàng lá cây dày cộm, quanh năm không thấy được ánh mặt Trời. Trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, cũ kỹ với những mảng tôn đã ngả màu và những thanh gỗ từ Rừng đem lại, bốn người trong gia đình ông Biền đang quây quần bên bữa cơm đạm bạc với ít rau rừng, cá bắt lên từ suối và một chén nước chấm được giã từ muối và mắc kén.
<!>
Lùa đũa cơm vào miệng một cách vội vàng, gương mặt người đàn ông như có điều gì đó đang bần thần, trăn trở:
– Ngày mốt tôi đi rừng, em ở nhà để ý thằng nhỏ.
– Anh lại đi nữa à?! Đi bao lâu mới về?
Thùy, vợ ông Biền cất giọng trong sự bất an:
– Tìm được trầm thì về.
Giọng người đàn ông trầm xuống nghe nặng trong thanh quản.
– Biết có tìm được không mà cứ phải đi cho nguy hiểm.
– Thôi đi, đàn bà thì biết cái gì. Cứ ở nhà mà lo cho thằng nhỏ.
Ông Biền gằn giọng nạt ngang một cách khó chịu, ông đặt chén cơm cái bộp xuống bàn rồi đứng dậy bước ra ngoài trước cửa, châm lấy một điếu thuốc, làn khói mù mờ trắng đục tản lạc vào không trung, phủ trước mặt ông một ánh nhìn đăm chiêu khó đoán.
Sáng hôm đó, ông chuẩn bị sẵn mớ đồ nghề của dân phu trầm gồm một chiếc ba lô vải cũ, dao rựa, dụng cụ xoi trầm, chăn màn gạo muối và đồ cúng Thần Rừng để xin cho chuyến đi bình an thuận lợi.
Cùng đi với ông Biền còn có 3 người thanh niên, một người ở cách đó một ngọn đồi, hai người còn lại thì đến từ An Khê và Bình Định, họ lặn lội đến KBang bởi sự mê hoặc và cơn sốt tìm trầm, mong đổi đời và giàu có.
Nhóm người phu trầm hẹn nhau dưới chân thác Kon Lok, khoảng 7 giờ sáng, bốn người đàn ông với nước da đen sạm, rắn rỏi và mớ đồ đạc lỉnh kỉnh đã có mặt gặp nhau tại điểm hẹn. Ông Biền dẫn đoàn phu trầm đi men theo bìa rừng để bắt đầu cho chuyến tìm trầm ẩn chứa nhiều rủi ro hơn là may mắn.
Sau khi lội qua con suối nhỏ từ phía đầu nguồn, ông dừng lại bên một mỏm đá bằng phẳng, xung quanh tương đối trống trải, ông đặt chiếc ba lô xuống nền đất ẩm ướt, cẩn thận mở chiếc dây rút, rồi lấy trong đó những món đồ cúng, bày biện ra một tấm bạt nhỏ đã được chuẩn bị sẵn.
– Bày đồ cúng ở đây chứ vô trong rậm rịt không có chỗ.
Vừa nói, ông vừa loay hoay đốt mấy nén nhang trầm, rồi ông lẩm nhẩm khấn vái trong miệng, những tàn nhang nhẹ nhàng vương vãi trong cơn gió mạnh thổi qua, đầu nhang bỗng dưng bốc cháy dữ dội khiến ông Biền giật mình, nhưng bằng sự bình tĩnh và kinh nghiệm người đi rừng lâu năm, ông nhanh nhẹn quạt tắt đóm lửa rồi cắm vào cái cốc nhỏ, những thân nhang liêu xiêu vì không có gì giữ cho cố định, cứ chực ngã ra ngoài. Lúc này, Thạch (người thanh niên đi cùng) để ý thấy đôi lông mày xếch ngược của ông Biền nhíu lại, vài giây sau lại giãn ra. Có lẽ ông đang suy nghĩ điều gì từ chuyến đi này, những khao khát tìm trầm lẫn trong nỗi căng thẳng lành ít dữ nhiều trộn lẫn vào nhau khiến người đi rừng bao năm, dù kỳ cựu cỡ nào cũng không ít lần chột dạ.
– Mùa này mưa rừng, đi cũng nhiều gian nan chứ chẳng chơi.
Hổ, người thanh niên đi cùng ngó nhìn trời rồi chép miệng bằng giọng lo âu.
– Nghề này mùa nào mà chẳng gian nan.
Ông Biền vừa nói vừa bắt đầu thu dọn mớ đồ đạc sau khi những nén nhang đã cháy đến đóm lửa cuối cùng, ông cẩn thận xếp tấm bạt cất gọn vào ba lô và để lại vật cúng lễ cho Rừng. Đoàn phu trầm bắt đầu băng rừng vào sâu tận bên trong.
Khi con đường dưới chân bắt đầu hẹp dần, thay vào đó là mớ lá cây phủ dày loạt soạt, ánh sáng mờ dần và tắt hẳn trong sự che phủ từ những tầng cây và trời cũng bắt đầu chiều, đoạn đường trước mặt tối đen không còn nhìn rõ, lúc này, ông Biền lấy ra từ chiếc ba lô một cây đèn pin công suất lớn.
– Lấy đèn soi, cẩn thận rắn rết dưới chân.
Trong nhóm phu trầm có 3 người là cũ, còn lại Hổ là người mới đi lần đầu nên ông Biền phải nhắc nhở dặn dò.
Rừng đêm đen như mực, ngoài dân phu trầm ra, chắc không ai dám lặn lội nơi rừng sâu nước thẳm để làm bạn với bóng đêm, lần mò dưới chân là lớp lá khô dày hơn nửa thước, đánh cược sinh mạng với rắn rết, mưa rừng, những vực sâu heo hút nơi vách núi hoặc nhẹ lắm là những cú ngã sóng soài vì vướng phải dây rừng giăng ngang chằng chịt như những chiếc dây thừng, nằm vắt ngang vắt ngửa khắp lối đi.
Tiếng gió rú man rợ cùng cái lạnh từ trong lòng rừng ẩm ướt như vây bủa đến tận xương tủy những ai khỏe mạnh, rắn rỏi nhất, đêm về khuya, nhiệt độ càng giảm dần, sương mù mờ ướt cả mặt đèn pin, tạo thành một màn sáng đục, ánh sáng phản chiếu lên những cành cây dài lêu nghêu rồi tỏa xuống mớ dây rừng loằng ngoằng tạo thành những hình thù ma quái, ghê rợn lấp tràn não bộ.
Một ngày trôi qua, cả đội mất nhiều sức lực nhưng vẫn chưa tìm được vết tích của trầm, đối diện với mưa rừng đang chực chờ đổ xuống trong đêm, ông Biền ra hiệu cho cả nhóm dừng lại bên một góc rừng để tìm chỗ ngả lưng nghỉ tạm, nuôi chờ hy vọng cho một ngày tiếp theo.

******
Sang ngày thứ năm, đội phu trầm của ông Biền dù đã đào xới, lật tung nhiều gốc gỗ Dó mục ở một cánh rừng nhưng vẫn không thấy trầm hương. Ông Biền nghĩ bụng: “Không lẽ đã bỏ công đi lại về tay không”. Nghĩ vậy nhưng cái nghề này, may rủi khó lường, không ai dám chắc khi đi sẽ có được trầm, chỉ mong còn giữ nguyên tính mạng trở về đã là may mắn.
Đang chăm chú lật những gốc Dó mục, nhóm phu trầm bỗng nghe loạt soạt ở phía xa xa. Theo phản xạ, ông Biền dừng tay rồi đảo mắt nhìn nhanh về phía có tiếng động, trong đầu ông lóe lên suy nghĩ: “Ai ở đây?! Thổ phỉ, phu trầm hay gì khác?!”
Bốn người đàn ông dừng tay, tiếp tục quan sát và tiếng loạt soạt vẫn phát ra ngắt quãng.
– Ai đó?
Ông Biền hỏi lớn.
Phía trước vẫn lặng im, đội phu trầm quay nhìn nhau khó hiểu lẫn sự bất an. Ông Biền chậm rãi bước đi thận trọng về phía nơi phát ra tiếng động, chiếc rựa trong tay ông khẽ đưa lên thủ thế.
Ba người thanh niên đi theo bên cạnh cũng từ từ bước theo ông Biền, trong tay mỗi người đều thủ sẵn một con dao, cặp mắt căng ra nhìn xoáy về phía trước.
Bóng chiều lờ mờ nhập nhoạng trong ánh đèn pin không định dạng được vị trí nào để bước bởi xung quanh chằng chịt những cây rừng.
Bất chợt, ông Biền dừng lại trước một thân cây cổ thụ, một cái mặt với mái tóc dài che lũ rũ và dáng người nhỏ bé đang ngồi co ro, ánh mắt thấp thoáng sau mớ tóc nhìn chằm chặp vào mặt ông Biền như ma nữ ở chốn rừng sâu, cái nhìn sợ sệt từ đôi mắt u hồn. Thì ra là một người phụ nữ.
Ông Biền bỏ chiếc rựa xuống và thở phào một tiếng:
– Cô là ai? Sao lại ở trong rừng một mình?
Cô gái vẫn nhìn chằm chằm vào mặt ông và đám thanh niên đứng bên cạnh, cặp mắt vẫn man dại đằng sau mớ tóc lòa xòa như một người mất trí.
– Nhà cô ở đâu?! Nói đi, tôi dẫn cô về.
Cô gái vẫn im lặng, hai bàn tay co quắp vào đầu gối như sợ hãi điều gì, cô lắc đầu rồi rúm ró thân người như đang cố gắng tự vệ trong bất lực.
– Đứng dậy đi theo tôi, chúng tôi ko làm hại cô đâu.
Ông Biền dịu giọng với chút hy vọng lay chuyển được ý định cô gái. Nhưng đổi lại, cô chỉ đáp trả bằng cái nhìn chằm chặp của đôi mắt mở to.
– Đi theo anh, anh dẫn em về, ở đây cho thú dữ ăn thịt à?
Hổ bước đến nắm tay cô gái rồi lôi cô đứng dậy, hắn nhìn vào mặt cô gái bằng cái nhìn không mấy tử tế. Lúc này cô gái vùng tay đẩy mạnh hắn ra, ánh mắt cô long lên sáng rực. Hổ điên tiết sấn sổ bước đến lần nữa thì ông Biền giơ cánh tay rắn rỏi kéo ghịt hắn lại.
– Đừng có đụng vào đàn bà.
Cú lôi ngược của ông Biền khiến Hổ bật trở lại, hắn đứng yên tại chỗ vì không dám cãi lại mệnh lệnh người trưởng đội nhưng dáng vẻ trông chừng vẫn còn ấm ức.
– Cô đứng lên và đi theo tôi, tôi chỉ đường cho cô ra khỏi rừng.
Ông Biền cương nghị.
Lần này, những tưởng cô gái vẫn cố thủ ngồi im nhưng cô đã chầm chậm đứng lên, men theo phía sau lưng người đàn ông thủ lĩnh, mớ tóc vẫn lũ rũ lòa xòa che gần hết phần gương mặt, nhưng nhìn kỹ thì thấy hiện lên những đường nét đẹp đẽ hoang dại.
Bóng đêm bắt đầu bao trùm lên cánh rừng vắng lặng, ngày thứ năm lại trôi qua, đội phu trầm của ông vẫn chưa tìm được dấu vết của trầm, lương thực bắt đầu vơi dần, sức khỏe bắt đầu chùn xuống, trong lòng ông Biền mông lung xáo trộn một nỗi hoang mang, ông lưỡng lự phân vân nên đi tiếp hay là cắt rừng quay về để đưa cô gái ra khỏi cánh rừng một cách an toàn và tránh những xui rủi cho đội tìm trầm vì điều kiêng kỵ.
Mọi người nằm nghỉ lưng trên tấm bạt nilong lót tạm ở một mõm đá góc rừng để chờ màn đêm trôi qua và bắt đầu cho một ngày mới với hành trình gian nan của đội phu trầm.
Bất chợt ông Biền như phát hiện điều gì đó bất thường, ông quay sang hỏi Tự, một thanh niên đi cùng.
– Thằng Hổ đâu?
– Em cũng ko biết, chắc nó đi tiểu đâu đó.
Tự lớ ngớ nhìn quanh khi nghe ông Biền cất tiếng hỏi, lúc này ông Biền bật dậy, ông lấy vội chiếc đèn pin trong túi vải rồi đi nhanh về phía bìa rừng.
Lẫn trong gió, ông nghe tiếng la hét the thé vang lên, ông đứng lại để định hướng xem tiếng thét đến từ chỗ nào, sau khi xác định được vị trí, ông đi nhanh về phía phát ra tiếng thét.
Lúc này ông đột ngột dừng lại, mắt ông long lên đầy giận dữ khi ánh đèn pin quét qua nơi một gã thanh niên đang ghì chặt tay một cô gái xuống đất, thân hình lực lưỡng của gã thanh niên đè lên cơ thể mong manh cô gái một cách thô bạo, tiếng la hét, giẫy đạp của cô gái dường như bất lực trước thân hình và cánh tay rắn rỏi của gã thanh niên khỏe mạnh.
Khi thấy ánh đèn pin quét qua, gã thanh niên vội dừng lại hành động bẩn thỉu của hắn rồi lồm cồm ngồi dậy. Chưa đợi hắn kéo lại ngay ngắn áo quần thì ông Biền đã lao nhanh đến, ông túm cổ áo gã thanh niên tên Hổ rồi đấm một cú trời giáng vào mặt hắn, khiến hắn ngã chúi nhủi xuống đất.
– Thằng khốn, ai cho mày đụng vào đàn bà? Mày muốn chết cả lũ à?
Lúc này, Hổ đưa bàn tay xoa lên miệng và gò má, một vệt máu dài rỉ ra từ khóe miệng khiến hắn vừa điên tiết vừa chùn bước.
– Đụng vào đàn bà có gì mà chết? Anh em đi rừng căng thẳng cũng nên thư giãn chứ anh.
Hắn nhếch mép buông lời thách thức và biện hộ.
– Mày nói nữa tao sẽ giết mày đấy.
Lúc này, hắn nhìn sang cô gái đang lồm cồm ngồi dậy, mình mẩy lấm len bùn đất, tóc tai bết lại từng mảng, trông thật hoang dại thảm thương.
– Cô đứng dậy theo tôi về láng ngay. Đi lên phía trước nhanh.
Ông Biền quát giọng đầy mệnh lệnh, không hiểu sao cô gái mọi lần vẫn cố thủ vô hồn, hôm nay lại ngoan ngoãn bước theo ông. Cái dáng nhỏ bé, bê bết bùn đất bước đi loạng choạng trong màn đêm của đại ngàn, tự dưng gieo vào lòng ông Biền một cảm giác thương cảm.

******
– Ngày mai thu xếp ra khỏi đây.
Giọng ông Biền trầm xuống, đôi lông mài xếch ngược của ông nhíu lại.
– Ko đi nữa hả anh?
Tự cất giọng ngạc nhiên khi nghe ông Biền đề nghị.
– Ko đi được. Phải về. Đưa cô này ra khỏi rừng rồi quay lại. Cậu đánh dấu vị trí, hôm sau từ chỗ này rồi đi tiếp.
Ông Biền chắc giọng một cách cương nghị và quả quyết, ông quay sang phía cô gái, ánh mắt cô vẫn hoang dại nhìn chằm chặp về phía trước cánh rừng.

******
Sáng hôm sau, đoàn của ông Biền dậy sớm thu xếp đồ đạc, men theo hướng cũ đường rừng để tìm lối ra.
Mặc dù trời trưa nhưng bóng tối vẫn mù mờ âm tịch phủ lên cánh rừng mọc đầy cây cổ thụ. Đang đi theo lối mòn nhỏ xẻ dọc rừng cây, bất chợt mọi người nghe tiếng ầm đổ xuống, rồi một tiếng “hước” như tiếng thở lớn vang lên. Ông Biền và những người trong đoàn quay ra sau lưng, chỉ cách vài bước chân, một thân cây lớn đổ ập ngang đường, phía dưới thân cây có đường kính to hơn bắp chân người lớn là một thanh niên đang nằm bất động.
Ông Biền và hai người trong đoàn vội vàng chạy lại, họ gắng sức nâng thân cây nặng đang bị vướng víu khi đổ ngã, sau môt lúc, họ cũng đẩy được thân cây ra, lúc này cả đoàn chết lặng khi nhìn thấy cặp mắt trợn ngược của Hổ và cái đầu đã bị bổ dọc làm đôi, hở cả hộp sọ, máu tươi trào xuống gương mặt không còn nhận ra diện mạo. Hắn nằm bất động, mặt vẫn còn ngập ngụa trong đống máu đỏ lòm.
Thạch lắp bắp không ra tiếng còn ông Biền chỉ lặng im, cặp mắt ông thẫn thờ, những đường nhăn chính giữa đôi lông mài xếch ngược càng nổi lên rõ rệt.
– Nó chết rồi anh ơi.
Ông Biền nghe một hơi lạnh chạy dọc sống lưng, dù đã hơn hai mươi năm đi khắp cánh rừng Đông Tây, làm bạn với mưa rừng gió núi nhưng lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh tượng kinh hãi này, lần đầu tiên đội phu trầm của ông đã bị trừng phạt bởi lời nguyền rừng núi.
Trong tiếng gió chiều ầm ập đang lay quật nghiêng ngã những tàng cây như những con quái vật giương cánh tay nhảy múa, ông Biền càng thêm hoang mang, đầu óc ông bắt đầu căng ra một cách chưa từng có khi ông chạm phải gương mặt với đôi mắt nhìn chằm chặp vô hồn về phía tử thi đang nằm bất động, gương mặt không biến sắc của cô gái lạ đang đứng cạnh mình.
– Mau chóng đưa nó về làng, phải ra khỏi rừng càng nhanh, không thôi thi thể sẽ bốc mùi.
Sau khi nhận lệnh ông Biền, Tự và Thạch run rẩy lấy trong cái địu một tấm vải xô bện lại để làm cái võng, rồi chặt một nhánh cây để làm cái đòn gánh mà gánh thi thể đi về. Sau khi bện cái võng xong, cả ba người đàn ông bắt đầu kéo thi thể Hổ ra khỏi thân cây bị kẹt, khi vết thương bị động, máu trên đỉnh đầu Hổ bất ngờ đổ ra ồ ạt, rớt lã chã xuống đất từng dòng, bệt thành mảng màu đỏ thẫm. Thần kinh của ba người đàn ông bị thách thức cao độ khi chạm đến đỉnh điểm của nỗi sợ hãi.
Sau khi đặt thi thể nặng trì của Hổ lên chiếc võng, ông Biền cắt một mảnh vải nhỏ từ tấm bạt, phủ lên mặt Hổ để tránh đi hình ảnh ghê rợn và cũng là nghi thức cho người đã khuất.
Ba người đàn ông vội vàng tìm hướng rồi đi nhanh giữa bóng tối bắt đầu nhập nhoạng, phủ lên mảnh rừng một màu đen hun hút.
Chiếc võng lắc lư, ngay chỗ cái đầu của Hổ đang nằm, máu vẫn ra loang lổ, ướt đẫm cả khoảng vải xô. Ông Biền nhớ lại nén nhang lúc ông thắp ở đầu rừng bỗng dưng cháy lên đột ngột, lúc đó ông đã linh cảm điều gì đó chẳng lành.
Một buổi chiều băng rừng, đội của ông Biền cũng đã ra khỏi cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn đại thụ. Khi đến Buôn, người dân thấy đội ông về khiêng theo gì đó lạ lùng nên đổ ra xem rồi ai nấy đều bật ngửa, người thì nhăn mặt lắc đầu, người thì rú lên rồi bỏ chạy khi nhìn thấy cảnh tượng kinh hãi, không phải là trầm, không phải thú rừng hay gỗ quý mà là một chiếc võng loang lổ máu me với thi hài một người đàn ông đã bắt đầu bốc mùi khó ngửi.
Sau khi đưa thi thể Hổ về với gia đình để lo hậu sự, ông Biền quay lại công việc còn dang dở của mình.
Buổi chiều nhập nhoạng tối, ông ngồi cùng hai người đi rừng còn lại, bên chiếc bàn đá phía trước sân, rít một hơi thuốc dài, ông cất giọng trầm đặc:
– Tìm một đứa khác quay lại rừng.
Nghe ông Biền nói vậy, Tự lên tiếng:
– Để em nhắn thằng Thao đi cùng, nó cũng mới hỏi và muốn làm phu.
– Ừm. Mày xem được thì nhắn nó đi theo nhưng phải dặn nó trước những điều kiêng kỵ. Đừng để như trường hợp thằng Hổ vừa rồi.
– Dạ em nhớ rồi.
Ông Biền khẽ gật đầu, nét mặt vẫn thoáng nét trầm tư. Với nghề phu trầm thì điều kiêng kỵ là khi đi lẻ 3 người vì người ta gọi đó là tam tai, hoặc 5 người vì người ta gọi là ngũ quỷ, điều cấm kỵ vô cùng quan trọng khác nữa là tuyệt đối không đụng vào đàn bà để tránh những xui rủi xảy ra.

******
Buổi sáng, khi mặt đất bắt đầu tờ mờ bóng nắng hiếm hoi, le lói len qua ngôi nhà nhỏ, ông Biền thức dậy sớm để chuẩn bị đồ đạc đi rừng, trước khi đi, ông châm một điếu thuốc, rít một hơi khói dài để tinh thần tỉnh táo.
– Em ở nhà, trông chừng cô nọ dùm anh, khi về anh kể.
– Nhưng cô này thấy sợ quá, cổ chẳng nói năng gì, cả ngày cứ nhìn chằm chằm. Hình như cổ không có bình thường.
Thùy buông lời trong tâm trạng bần thần lo lắng.
– Em cứ trông chừng cổ, đừng để cổ đi đâu, khi về anh sẽ lên Thôn để báo với cán bộ, tìm nhà đưa cổ về. Cô ta không nói gì nhưng cũng còn ý thức. Em chịu khó ở với cổ vài ngày.
Trước lời động viên trấn an của chồng, Thùy khẽ gật đầu.
– Thôi, anh đi.
Ông Biền nói xong thì quay lưng đi về phía cánh rừng bàn bạc.
Bất chợt, Thùy như sực nhớ điều gì, cô bước nhanh theo rồi kéo ghì tay ông Biền lại, giọng van lơn:
– Anh, thôi anh đừng đi nữa. Chưa được gì mà đã bỏ một mạng người rồi. Em sợ quá!
Ông Biền nén tiếng thở dài, ông khẽ nắm lấy bàn tay vợ:
– Đi để có cái mà ăn chứ. Em đừng lo, biết luật của Rừng thì sẽ không sao. Đừng như thằng Hổ.
Lúc này, ông Biền hướng mắt nhìn về phía sau nhà, cách một cây si hơn 10 năm tuổi, vẫn là ánh mắt khuất sau mớ tóc lòa xòa nhìn về phía ông chằm chặp.

******
Đoàn phu trầm của ông có thêm một người thanh niên mới tên Thao, là người đồng hương của Tự, sau khi hẹn nhau ở phía bìa rừng, cạnh thác Kon Lok như lần trước. Ông Biền cũng dừng lại bên bờ suối phía cửa rừng để làm thủ tục cúng bái, xin Thần Rừng cho gặp điều bình an rồi họ nhanh chóng tiến sâu vào bên trong cánh rừng già ngòm tối.
Sau ba ngày tiếp tục đi sâu vào cánh đường rừng hiểm trở, xới tung nhiều thân Dó mục nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của lộc rừng.
Đến ngày thứ tư, khi phát hiện ra một góc Dó với một mảng màu đất nâu bám dày ở phía thân cây bị muỗng rục. Ông Biền vội dừng lại, nhanh tay lấy con dao nhỏ chặt vào rồi ông chết lặng, ba người thanh niên vội chạy đến, sững sờ khi nhìn thấy một lớp nhựa vàng bao xung quanh một khối màu đen sẫm, vậy là Rừng đã tặng cho đoàn của họ lộc Rừng, nhất là Kỳ Nam, món quà vô giá mà chỉ người có duyên mới tìm thấy được.
Biết tìm được Kỳ Nam, bốn người đàn ông vừa mừng vừa lo lắng, lo vì tìm được báu vật của rừng thì phải đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập.
Ông Biền lấy trong ba lô 3 nén nhang để thắp rồi khấn vái Rừng cho phép được lấy kỳ.
Bốn người đàn ông cẩn thận dùng dụng cụ xoi trầm, kỹ lưỡng đục đẽo từng góc cạnh trên thân gỗ mục để bảo đảm không phạm phải trầm mà gây thất thoát.
Sau khi đã thu được kỳ trầm, ông Biền đặt khối kỳ quý vào ba lô và không quên để lại một phần trầm hương cho người đến sau hưởng lộc, đó cũng là quy luật của người tìm trầm, phải chia sẻ lộc Rừng chứ không được thu gom lấy hết.
Bốn người đàn ông theo lệnh ông Biền cắt rừng đi theo hướng khác để tránh thổ dân, thổ phỉ sẽ lần theo dấu vết mà sát hại để cướp đi lộc gỗ.
Sau khi quay trở về làng, số lượng trầm và Kỳ Nam mà ông Biền thu gom được đã nhanh chóng được một thương lái đến thu mua hơn chục tỷ đồng ngay trong ngày hôm đó. Khi nhận được số tiền lớn, ông Biền chia đều cho 3 người đi chung và người phát hiện Kỳ Nam sẽ được chia thêm một chút, rồi ông dành một phần chia lộc cho cả buôn làng để cùng nhau trang trải cuộc sống còn lắm khó khăn của dân thôn bản.
Nhận tiền xong, mọi người bắt xe quay trở về nhà mang theo niềm hân hoan sung sướng của cuộc đổi đời.
Cô gái trẻ trong rừng sau vài ngày ở cùng gia đình ông Biền, được vợ ông chăm sóc cũng trở nên phần nào sạch sẽ và tươm tất nhưng cô vẫn lặng im và không nói một câu nào. Sau hôm chia trầm, ông Biền chuẩn bị xe máy lên Thôn để đưa cô gái lạ thất lạc trong rừng lên trụ sở địa phương, chỉ mong có gia đình đến nhận. Cô gái đi bộ vào rừng thì ông nghĩ nhà cô ở cách đó không xa.
Sau khi đưa cô gái lên văn phòng trụ sở của thôn thì vài tiếng sau, ông nhận được tin cô chính là cô gái tên Thanh, vốn có tiền sử bị bệnh tâm thần, có lần vì không kiểm soát được ý thức, cô thoát ra khỏi nhà đi lang thang rồi bị một nhóm thanh niên trong bản thay nhau làm hại. Sau lần đó, cô trốn đi mất biệt mấy ngày trời, gia đình tìm mãi không ra, đến khi đội phu trầm của ông Biền vào rừng mới phát hiện cô đang lẩn sâu trong đó.
Ông Biền quay trở về nhà sau khi đưa được cô gái về với gia đình, khi chiếc xe máy của ông vừa quẹo vô cánh cổng bằng gỗ phía trước sân, Thùy, vợ ông đã chạy ra, mặt hớt hải:
– Anh ơi, cậu Thao, người đi tìm trầm với anh hôm qua mất rồi.
– Sao lại mất?
Ông Biền vội dựng chiếc xe máy ngay tại sân nhà, nhanh chân đi vào phía trong chiếc bàn đá rồi lấy chiếc điện thoại đời cũ gọi cho ai đó, giọng gấp rút, căng thẳng:
– Thằng Thao tại sao lại chết?!
Bên đầu dây bên kia, có lẽ là Tự vì chỉ có Tự mới biết rõ về Thao vì Tự là người dẫn Thao đến với đội phu trầm. Không biết Tự nói gì với ông Biền mà thấy mắt ông long lên sòng sọc, giọng nói rít qua kẽ răng:
– Thật là đồ điên.
Ông Biền ném mạnh chiếc điện thoại cũ kỹ lên bàn đá, nó văng lên không trung rồi bung ra làm hai mảnh.

******
Chiều hôm đó, sau khi chia tiền xong, mọi người bắt xe quay trở về nhà, Thao ở huyện Đak Pơ thuộc thị xã An Khê, khi rời khỏi nhà ông Biền chừng vài cây số, Thao nói với Tự là có công chuyện ghé nhà người dì nên đi xe riêng rồi sẽ về sau. Nhưng không ai ngờ chiều hôm đó, Thao đã âm thầm quay trở lại cánh rừng để lấy hết phần trầm hương mà ông Biền để lại. Vì lần đầu đi địu trầm mà đã thu được sản vật với số tiền khá lớn nên Thao nảy lòng tham, anh ta cho rằng số trầm còn lại bán ra cũng thu về ít nhất vài trăm triệu bạc mà ông Biền bỏ lại thì thật hoang phí.
Quay trở lại rừng, Thao nhớ đường mài mại rồi cứ băng theo lối đã có dấu chân người, dấu xới gỗ mục mà đi đến nơi có cây gỗ Dó bị thương.
Khi gặp được đúng cây gỗ Dó cho trầm, Thao gấp rút thu gom mớ trầm còn sót lại cho vào túi vải, bụng mừng thầm, miệng lẩm bẩm:
– Dễ gì tìm được trầm hương mà đi bỏ lại, lão già này thật ngớ ngẩn.
Sau khi thu gom hết những thỏi trầm, Thao vội vác chiếc túi đi nhanh ra khỏi bìa rừng, nhưng trời về đêm, dù có gan dạ, liều lĩnh hay dày dặn kinh nghiệm đến mấy cũng không thể giỡn mặt với những rủi ro nguy hiểm nơi chốn rừng già. Khi đang lần mò tìm đường ra thì đột nhiên Thao nghe đau nhói ở cẳng chân. Thao lấy chiếc đèn pin rọi xuống thì lạnh người khi thấy một cái đầu rắn to đùng đang hả miệng cắn phập vào chân, cặp mắt rắn đỏ ao phản chiếu như màu máu lóe lên dưới làn ánh sáng, con mắt dữ tợn long lên sòng sọc trong khi cái thân dài ngoằng của nó vẫn còn nằm sâu trong lớp lá dưới chân.
Lúc này, Thao thất kinh hồn vía, hắn vội hất chân thật mạnh để con rắn văng ra nhưng chiếc hàm sắc nhọn của nó vẫn ngoạm chặt cẳng chân rồi tung cái mình lên khỏi lớp lá, quấn mấy vòng lên tận bắp đùi của Thao. Hắn run rẩy tìm lấy con dao trong túi vải rồi cắm phập vào đầu con rắn, con rắn to lớn càng giẫy lên lồng lộn. Sau trận hỗn chiến, con rắn cũng đã nhả cẳng chân hắn ra rồi nằm bất động trên đám lá khô. Thao ngồi bệt xuống đất vì hoảng sợ và mệt mỏi nhưng rồi bản năng sinh tồn nhắc gã phải tìm mọi cách để sống, chỉ cần ra được khỏi rừng thì cơ hội sống sót sẽ còn. Hắn vội cắt một sợi dây trong tấm vải dù rồi buộc garo ở chỗ vết thương, cố để cho vết thương đừng chạy nọc rồi hắn cố lê lết cái chân đầy máu của hắn hòa chung máu rắn đi về phía con đường trước mặt, nhưng con đường trong mắt hắn thật dài, dài đến vô định, đến khi hắn cảm nhận mắt hắn mù mờ nhòe nhoẹt và tim hắn bắt đầu buốt lên những cơn đau cứng làm tê liệt cả vùng ngực. Hắn vẫn cố lết đi những bước nặng nhọc, đến khi hắn đổ gục xuống, tay hắn vẫn còn bấu chặt vào chiếc túi có chứa những mảnh trầm, hắn nghe tim mình đập những nhịp loang lổ và đứt quãng, hơi thở khò khè không dứt ra được khỏi cuống họng. Hắn lơ mơ trong đầu khi đối diện bờ sinh tử, hắn nhận ra mình đã bị trừng phạt bởi Rừng thiêng.
Sáng hôm sau, người dân ở dưới chân thác Kon Lok ra suối thì phát hiện thi thể một người đàn ông với cẳng chân bê bết máu đã chết cứng từ lúc nào.

******
Cuộc sống dân làng quanh nơi ông Biền sinh sống trở nên đỡ khổ hơn sau chuyến tìm trầm thắng lớn, nhưng trong vòng hai tháng kể từ khi trầm được mang về, trong làng đã có hai người chết, người ta nói: “Ăn của Rừng thì rưng rưng nước mắt”, đó đã trở thành quy luật thế mạng kỳ bí mà không ai có thể giải thích vì sao nhưng cứ mỗi đợt có trầm về là trong làng lại có ít nhất hai, ba người chết.
Hôm nay trong làng lại có một đám ma chay của một người đàn bà bị rơi xuống suối, dân làng quay quần để lo hậu sự, trong lúc ông Biền đang ngồi ở bàn trà tiếp khách đến viếng thăm thì một cậu thanh niên trông còn rất trẻ đến ngồi cạnh bàn ông Biền lên tiếng hỏi:
– Này bác, cháu nghe đồn rừng ở đây thiêng lắm phải không bác?
– Nơi nào cũng có Thần, có Thần thì sẽ có thiêng.
Ông Biền chậm rãi, giọng ôn tồn trả lời cho cậu thành niên trẻ.
– Cháu nghe nói Bác là người đi rừng lâu năm, còn cháu thì đi học ở trên thành phố, cháu nghĩ sống chết có số chứ tâm linh thì cháu không tin lắm.
Cậu thanh niên văn minh đối đáp bằng giọng điệu của người hiện đại, ông Biền thôi không nói nữa vì chẳng muốn đôi co giải thích với một cậu trẻ đáng tuổi con. Nhưng người đàn ông bên cạnh, cũng là dân làng ở đây thì lên tiếng:
– Cậu không đi rừng nên không tin chứ có Thần Rừng đấy, người đi rừng mà không tin là chết.
Cậu thanh niên với cặp mắt ra chiều ngờ vực:
– Ồ! Thế à chú! Ước gì cháu được gặp Thần Rừng nhỉ!
– Thì cậu cứ lên Rừng, sẽ gặp ngay thôi.
Giọng ông Biền vẫn ôn tồn chậm rãi nhưng không có vẻ gì là đùa.
Đám tang người phụ nữ trong thôn được hai hôm thì đem đi chôn cất, nghe đâu chiều nay có mấy người bên bản đùm túm nhau đi qua nơi khác vì sợ dính phải lời nguyền đổi mạng.
Ông Biền đang loay hoay dựng lại chái bếp sau nhà thì nghe tiếng người thanh niên trẻ hớn hở chạy vào, giọng điệu phấn khích:
– Bác Biền ra đây xem, cháu lấy được cái gì này.
Ông Biền chậm rãi đi lên phía trước sân nhà thì thấy cậu thanh niên hiện đại hôm trước ở trong đám tang mà ông đã gặp. Trên tay cậu là một thân gỗ lim lấy được từ Rừng.
– Đây, đây là gỗ cháu lấy được từ Rừng, vào đó mà cháu chẳng gặp được Thần Rừng nào cả, chán chú nhỉ?!
Cậu thanh niên huơ huơ cánh tay với thanh gỗ lim chắc khoẻ, gương mặt đắc chí vừa bỡn cợt, nửa hả hê:
– Thôi, giờ cháu về làm cái ghế để ngồi đọc sách. Hy vọng sẽ thấy được Thần Rừng.
Nói dứt lời, người thanh niên quay đi, ông Biền chỉ im lặng nhìn theo cái dáng người cao ráo của chàng trai trẻ rồi cất tiếng thở nghe nằng nặng.
Mưa rừng bắt đầu đổ về nơi bản làng, những chiều âm u trong màn mây vẩn đục của khối nước khổng lồ càng làm cho miền thôn bản trở nên buồn bã và cô tịch.

******
Chiều nay, ông Biền nhận được tin bên làng lại có người mới mất, ông khẽ thở dài, nghĩ bụng: “Lần này làng đi nhiều người quá!”
Sau khi cơm nước xong, ông châm một điếu thuốc hút rồi thay cái áo lành lặn để đi qua nhà đang có đám tang, ông vốn là người sống lâu năm lại là dân đi rừng nổi tiếng nên nhà nào có hậu sự, ông đều dành thời gian qua thăm hỏi an ủi hoặc giúp cho họ một ít tiền.
Chiếc xe máy cũ chạy vòng vèo qua những con đường đất đỏ trơn trượt mùa mưa lũ, men theo bìa rừng rồi quẹo vào khoảng sân rộng có nhiều người đứng. Thì ra là đám tang nhà một người chủ vườn café nổi tiếng khá giàu.
Một số người đang loay hoay che bạt và kê bàn ghế, một số thì tụm nhau bàn tán trong khi những khuôn mặt thất thần và tiếng khóc la, kêu gào của người đàn bà đang ngã vật vã trên nền gạch phía trước hiên nhà. Đó là bà Huynh.
Ông Biền bước đến phía trước nơi có đông người đang đứng, nhìn vào bên trong, ông thấy một người đã khuất được đặt nằm trên chiếc ghế bố nhỏ, thân thể được thay bằng bộ áo quan màu vàng và một chiếc khăn đã che lên mặt, thi thể không để trong nhà tẩn liệm mà lại để ngoài sân nên ông đoán người này bị tai nạn hoặc mất ngoài đường ngoài xá.
Người đàn bà trong bộ độ màu đen, dáng người đậm vẫn đang lăn lộn gào khóc không ngớt lời, miệng thì cứ gọi con.
Sự u ám, tang tóc bao trùm lên ngôi nhà rộng và giàu có của gia đình khấm khá, ông nghe người xung quanh bàn tán, người mất bị tai nạn khi đang trên đường đi làm ở trên thành phố, chiếc xe máy khi băng qua đường không may bị chiếc xe tải đụng phải rồi kéo lê một đoạn, chiếc xe cậu thanh niên kẹt vào gầm xe tải, thân thể không còn nguyên vẹn. Khi đưa đến nhà xác, các nhân viên tẩn liệm phải khâu vá các phần thân thể bị tách rời rồi mới đem vào kho lạnh, chờ người nhà đến nhận.
Ông Biền bật lên tiếng thở dài, ngẫm nghĩ: “Phận người thật ngắn ngủi, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh!” Ông thấy tiếc cho chàng trai, tuổi còn quá trẻ, còn bao ước vọng trên đời mà giờ đã bỏ lại hết để nằm im lìm trong một thân thể không toàn vẹn.
Lúc này, người nhà của bà Huynh đem vào một tấm ảnh thờ mới rửa ngoài thị xã, họ gấp rút đi nhanh vào nhà để đội tẩn liệm kịp đưa lên đầu hòm, ông Biền thoáng nhìn qua tấm hình, bất chợt điếu thuốc trên tay ông rơi xuống, ngón tay ông run rẩy, tim đập dồn một hồi liên tục, đôi lông mày xếch ngược của ông nhíu lại, nổi rõ những đường nhăn dày cộm. “Thôi, giờ cháu về làm cái ghế để ngồi đọc sách. Hy vọng sẽ thấy được Thần Rừng!” Câu nói của người thanh niên trẻ nhập nhoạng trở lại trong đầu ông cách đây chừng hơn một tháng, không ai khác hơn chính là câu nói của người thanh niên trong di ảnh của bức ảnh thờ.
Rừng mênh mông sau lưng ông Biền vẫn nổi gió, cơn mưa đang bắt đầu rơi mạnh ở phía thượng nguồn, nghe tạt vào mang tai những thanh âm ma mị rợn người, tưởng như tiếng cười của chốn Rừng thiêng lừng lững, rít lên the thé giữa đoàn người đang nhốn nháo và tiếng khóc than, vật vã xung quanh một thi hài đã lạnh!

VÕ ĐÀO PHƯƠNG TRÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét