Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

MÚA VÕ DƯỚI TRĂNG - Nguyễn Tư


Sau bữa cơm chiều, các tù nhân tụ tập lại thành từng nhóm, nói chuyện nhảm để chờ đúng 6 giờ, khi nghe một hồi kẻng dài, thì tất cả mọi người, ai phải về phòng nấy, cho bọn công an quản lý nhân số đếm lại số tù, báo cáo lên phòng chỉ huy, xong mới tới tụi an ninh đi một vòng, khoá cứng từng cánh cửa ngục bằng những sợi xích và ống khoá to tướng. Cũng cùng lúc đó, tự dưng người ta thấy nhóm tù ngồi gần cổng chính đồng loạt đứng dậy và im phăng phắc, tạo ra một không khí có vẻ bất thường, khi một thằng công an vội vã chạy nhanh từ phòng chỉ huy đến cổng chính, cầm theo một chùm chìa khoá đủ cỡ, xâu lủng lẳng trong một sợi dây dù màu ô- liu, hắn lom khom tra cái chìa khóa vào một ống khoá đã rỉ sét và mòn nhẵn, bên ngoài loang ra những vết dầu mới. 
<!>
Sợi xích buông ra thực mạnh, một đầu va vào cánh cửa sắt, rồi đưa qua đưa lại như con lắc của một chiếc đồng hồ treo tường. Hai cánh cửa nặng nề lăn từ từ trên hai chiếc bánh xe bằng sắt cũ rích, khô dầu tạo ra những âm thanh sắc và gây cảm giác ê ê ở hàm răng. Trong khoảng nhá nhem tối của buổi hoàng hôn, người ta thấy hai tên công an cầm AK, kè một người đàn ông râu ria xồm xoàm, tóc dài phủ đến ót, hai tay bị trói thúc ké bằng sợi dây gai, cúi đầu thực thấp, bước vào, sau cái hích nhẹ mũi lưỡi lê của tên công an đi phía sau. Người đàn ông đó độ chừng 30 tuổi và vạm vỡ, nhờ người ta thấy những bắp thịt tay nó bị trói nổi lên. Hắn mặc một chiếc áo lính hoa ngụy trang màu nâu của binh chủng Biệt Động Quân đã cũ, nhưng trên tay áo vẫn còn cái phù hiệu thêu đầu con cọp nhe răng, trông dễ sợ. Một thằng công an vượt tới trước như chừng dẫn hắn về hướng phòng số 6, nơi dành riêng để nhốt những người thường phạm, có đề hàng chữ: “Phòng lao động” trên một tấm bảng bằng gỗ tạp treo ngay trước cửa. Thường phạm là từ ngữ dùng để chỉ những người tù về phía thường dân, không liên quan gì đến chế độ cũ, gồm có quân đội và công chức, được nhốt riêng và canh phòng cẩn mật. Còn thường phạm thì hầu hết là cao bồi, đĩ điếm, du đãng, trộm cắp…những người mà bọn cộng sản cho rằng đáng tha thứ, chỉ cần giáo dục cơ sở rồi tha về, vì thực sự họ chỉ là những người thuộc lớp nghèo thành phố được xem như là sản phẩm tất yếu từ chế độ cũ thối nát của “Mỹ Ngụy”. 

Phòng Lao động đặc biệt được hưởng nhiều thoải mái về vật chất lẫn tinh thần. Trước tiên, phòng số 6 không có ổ khóa, chỉ có 2 cánh cửa mong manh bật ra bật vào. Dường như, hồi trước nó là câu lạc bộ của Khám Lớn. Vả lại, bọn phòng 6 giữ một nhiệm vụ duy nhất trong khám là chỉ chịu trách nhiệm vào những cần-xé cơm đem phân phối cho các phòng tù chính trị. Ban đêm, tụi nó được ra ngoài sân ca hát, đùa giỡn tha hồ mà không có ai kiểm soát, khác với đám tù kia, ban đêm bị xiềng bằng xích sắt, cứ 2 người vào một, và cửa nẻo được khóa kỹ càng, có lính canh đi tuần mỗi tối vài lần. Bọn phòng 6 còn được chế độ ăn uống cao hơn nhờ trực tiếp với nhà bếp thỉnh thoảng chúng còn được cho ra chợ, theo những chiếc xe của ban cấp dưỡng, nên đôi khi, anh em bên các phòng khác cũng lén nhờ bọn nó mua thuốc lá hoặc thuốc Tây, miễn sao đừng để cho bọn cán bộ nó biết.

Người đàn ông mới giải đến tương đối lớn hơn hết ở phòng 6. Nhờ thấy nó bị nhốt ở đó mà người ta có thể đoán biết được nó thuộc thành phần nào trong xã hội. Sáng hôm sau, người ta thấy người đàn ông đó ra ngồi ở bậc thềm trước cửa phòng 6, vẻ mặt trầm ngâm và lặng lẽ một cách bất mãn, được biểu lộ qua những cái nhíu mày, và nhìn nghiêng của hắn, mỗi lần có một tên cán bộ đi qua. Hắn hành động rất chậm chạp như chừng hẳn muốn “kênh” lại những lệnh lạc của ban chỉ huy khám. Hắn ngồi sờ từng sợi râu mọc ra tua tủa che gần muốn hết gương mặt cằm bạnh rất bướng bỉnh của hắn . Hắn ở trần và chỉ mặc mỗi môt cái quần đùi bằng vải săng-gai đã cũ, cắt hai ống, không lên lai, chỉ xơ ra như những đăng-ten của chiếc khăn bàn. Dưới ánh nắng ban mai chiếu hắt vào phòng 6, người ta mới thấy rõ hắn là một tay “dao búa”. 

Trên ngực hắn xăm hình một cái đầu bò với 2 chiếc sừng nhọn hoắc xôm tới trước, hình to lấp kín cả cái ngực căng tròn của nó, có lẽ vì thế mà cả trại gọi nó là “Năm Đầu Bò”. Dường như, không có một phần da đen đúa nào của nó trên cơ thể mà nó không xăm ! Đặc biệt phần lớn các hình nó xăm là hình đàn bà, loại đàn bà khỏa thân với những bộ ngực thật “vĩ đại” và mông nhô lên quá kích thước bình thường, lẫn lộn trong hình của những chiếc dao găm cắm sâu vào trái tim, nhưng hắn cũng không quên xăm đuôi những mũi dao đó một vài giọt máu nhỏ xuống. …Không biết tình cảm nó như thế nào, khi nó nhìn về đời sống, nhưng cứ xem những hình nó xăm lung tung trên mình,và nhất là 2 câu xăm 2 bên tay, thì thấy nó là một người có tâm hồn. Bên phải là:”Nhớ Mẹ” , chữ “M” nó viết hoa, chứng tỏ nó quí Mẹ nó lắm. Còn bên trái thì nó xăm 2 chữ: “Hận Đời”. Đời đó, chắc là những phụ rẫy từ những người đàn bà đã đi qua đời nó, mà nó luôn luôn muốn đính kèm theo lưỡi dao găm có chút máu ở bên dưới. Mới nhìn nó, ai cũng tức cười, vì thấy nó xăm lung tung, ngoại trừ cái mặt, và đủ thứ hình, nhưng thấy nó “đô con”, mà lại “ngầu” quá, nên người ta cũng hơi “ớn” nó …chỉ cười lén mà thôi…

Kể từ ngày Năm Đầu Bò vào ở trong phòng 6, mọi sinh hoạt có vẻ đổi thay. Cỡ như thằng Hùng Lác, một tay “đâm thuê chém mướn” ở bến xe Cần Thơ cũng phải “né” Năm Đầu Bò. Có lần, người ta thấy Năm Đầu Bò bẻ ngoặt tay của Hùng Lác ra phía sau, để giành mấy trái ớt mà chúng đã hái trộm ở vườn rau khám lớn, giữa những tràng vỗ tay của bọn đàn em, thế mà Hùng Lác không dám phản đối nửa lời. Đặc biệt Năm Đầu Bò rất lẹ. Trong những đêm trăng, nó thường ra sân gạch múa võ cho bọn đàn em xem, nhất là ngón đòn bẻ tay để đoạt đao thì nó làm rất gọn. Nó lấy một cái muỗng ăn cơm có đầu nhọn, đưa cho Hùng Lác, bảo:

– Hùng Lác, nghe nói mày “ngon” lắm ở bến xe Cần Thơ, giờ mầy cầm thử cái cán muỗng này, mầy “bay” vô đâm, coi thử có đụng sợi lông nào của tao không mầy ?

Hùng Lác vẻ bất mãn nhìn nó trừng trừng, nhưng trước sự thách thức của Năm Đầu Bò, nó cũng sợ mất mặt với tụi đàn em, mà lâu nay nó cũng hà hiếp, sai đấm lưng vào những buổi tối, nên Hùng Lác đứng phắt dậy, vồ lấy ngay cái muỗng, nhảy phóc tới, đâm túi bụi vào người Năm Đầu Bò, nhưng nhanh như chớp, Năm Đầu Bò né sang một bên, rồi chộp lấy cổ tay thằng Hùng Lác, bẻ ra sau lập tức.Thằng Hùng Lác la lên oai oải, vội buông cái muỗng ra ngay, rơi đánh kẻng xuống nền gạch. Năm Đầu Bò cười lên hô hố, nói :

– Đ.M cỡ như mầy, phải “Tầm sư học Đạo” thêm đi mầy ơi! Tép riu mà bày đặt.
– Đ.M nhắm mầy “chơi” lại băng của tụi tao không?

– Đ.M “pạt co” mới anh hùng chứ mậy ? Lũ bay chỉ có tài đâm lén sau lưng người ta chứ mẹ gì? Có “ngon” thì chơi “thanh thiên bạch nhật” như tao nè, cho mầy đâm trước nữa đó.”Dân chơi” mà mậy?

Kể từ đó về sau Hùng Lác hay lánh mặt Năm Đầu Bò và cũng không “tác oai tác quái” với mấy thằng nhóc cùng phòng nữa, Năm Đầu Bò thường sai mấy thằng nhỏ ra sân gạch lượm những tàn thuốc cháy dở đem về cho nó dồn lại, lấy giấy nhật trình vấn hút. Bù lại Năm Đầu Bò hứa chỉ cho tụi nó vài ngón phòng thân . Coi vậy mà Năm Đầu Bò tốt bụng hơn Hùng Lác nhiều, không bao giờ ức hiếp mấy thằng cùng phòng với nó, mà thỉnh thoảng ăn cắp được miếng cơm cháy nào dưới nhà bếp, nó cũng đem về chia đều.. .Tính nó rộng rãi nhưng rất nóng, nổi sùng là nó chửi toáng lên, bất kể trời đất, nên bọn cán bộ cũng có lần đem nó xiềng ở phòng biệt giam , nhưng thả ra thì cũng chứng nào tật đó…

Trong khám lớn chứa khoảng hơn 1000 người, mà khu của nó chỉ có 2 cái cầu tiêu, nhưng chỉ sử dụng được một cái, còn cái kia thì bị nghẹt, kể từ khi khám nhận một con số kỷ lục trong những ngày đầu là 3000 người. Chiếc cầu tiêu hư, phân sền sệt, do nước không rút được, nên nhẩy lên ngập hai hòn gạch bàn ngồi, nhìn kỹ thấy dòi bọ lúc nhúc, ngóc đầu lên thở, ngoi những chấm trắng trông rợn người. Ban chỉ huy khám lớn ra lệnh cấm tuyệt đối không một ai được quyền sử dụng cái cầu tiêu hư, để chờ cho nước rút cạn bớt, rồi bắt tù sửa lại, nên đã sai mấy thằng ở phòng 6, lúc Năm Đầu Bò chưa vô, lấy một cuộn kẽm gai rỉ sét ngoài vườn rau chụp lên giữa cầu để bảo đảm thêm cho lệnh cấm.

Tính thằng Năm Đầu Bò vốn dĩ không thích gò bó, nên cái gì mà chạm tới tự do của nó, thì thế nào nó cũng chửi thề ỏm tỏi. Có một lần, sau bữa cơm chiều, nó ra ngồi ở đầu hè phòng 6, mắt nó lim dim nhìn ra cõi xa xăm, chung quanh là mấy thằng nhóc, chợt nó giơ tay chỉ về phía bức tường khám lớn trước mặt cao ngất, đầy những miếng mảnh chai, thấp thoáng dưới những sợi kẽm gai giăng ngang, thằng Năm Đầu Bò vẻ hậm hực nói với bọn nhỏ:

– Đ.M tụi bây coi kia, tường cỡ đó nghen, như hồi trước là đừng có mong nhốt tao, tao chỉ cần phóng cái một là qua ngay. Khám này mà ”lớn” mẹ gì? Cỡ Chí Hòa mà tao còn ra vô như đi chợ, chứ đừng nói cỡ này, kẹt một điều, hồi trước trốn ra còn có chỗ núp, chứ bây giờ có nhảy ra cũng không biết ở đâu?

Đặc biệt Năm Đầu Bò mà thấy cái gì trái với luận lý hay lương tâm, thì nó phản ứng ngay, cho nên ngày nào cũng nghe nó chửi bới về việc đi cầu, mà phải đứng sắp hàng như đi mua gạo “cạt”. Cứ tờ mờ sáng, đã thấy người ta đứng một hàng dài từ bậc cấp cầu tiêu kéo dài ra tới cổng chính, còn quẹo ra mấy vòng nữa…Anh nào cũng mặt mày xanh xao, một tay cầm xấp giấy, một tay mân mê cái lưng quần, chân cẳng ngứa ngáy khó chịu…bụng cứ thót lên như chừng cố trì hoãn khúc ruột già cuối cùng khoan hấp tấp.Thằng Năm Đầu Bò, tuy là dân “dao búa” nhưng nó lại hay cả thẹn, nên mỗi lần đặt được hai chân lên cái bàn ngồi, mà thằng đứng kế phiên cứ nhìn chòng chòng ra điều hối thúc, thì cái hậu môn nó cứ thụt vào. Hơn nữa thấy người ta đứng chờ dài dài ngoài nắng từ sáng sớm nối đuôi như vậy, mà mình lâu quá cũng kỳ, nên nó bực bội đứng phắt dậy kéo quần lên cái rột, rồi chửi đổng :”Đ.M ỉa mà cũng xếp hàng nữa! Chừng này con người ta, mà có một cái cầu? Ăn rồi nằm, lại táo bón, rặn hoài không ra…Đ.M cho ăn mà không cho ỉa!

Nhưng cũng may mắn là phòng lao động lại nối liền với nhà cầu bằng một cái sân gạch lớn, mà ban đêm thì các trại khác đều phải bị khóa kín, ngoại trừ phòng 6, nên đương nhiên hạn chế được nhiều “thân chủ” của chiếc cầu tiêu trong suốt thời gian từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, do đó thằng Năm Đầu Bò thoải mái được phần nào, tránh việc đứng sắp hàng chờ đợi vào những lúc nó mót ỉa ban ngày. Vả lại, hình như vì 1ý do trác táng, uống rượu nhiều sao đó, nên đường ruột nó cũng không an toàn lắm, hay tiêu chảy bất ngờ, nhất là những khi nó ăn phải món gì đó lạ bụng. Hôm nào thấy bọn cán bộ ở phòng chỉ huy nhậu nhẹt, nhất là trong những dịp lễ lớn của bọn nó như ngày 2 tháng 9 , hoặc ngày sinh già Hồ thì thế nào chúng cũng ngã mấy con lợn nuôi ở nhà bếp để “liên hoan” và mỗi lần như thế thì phòng lao động sẽ được “biệt-phái” qua để chạy bàn, trong đó có thằng Năm Đầu Bò lớn tuổi và ”anh chị” nhất, nên được phép ngồi mâm với lũ cán bộ mà bù khú. 

Thằng Năm Đầu Bò lại có môn võ Thiếu-lâm, nên bọn cán bộ thường yêu cầu nó biểu diễn một vài đường lả lướt cho bọn chúng xem, giống như lũ con nít khoái “mãi võ Sơn-Đông”. Sau những cuộc nhậu nhẹt như vậy, thằng Năm Đầu Bò thường trở về phòng khoác lác om sòm. Mặt mày nó đỏ ké, nó cởi áo ra nằm ngửa giữa sàn nhà, mắt lim dim, rồi lát sau than đau bụng, kiếm gừng uống, có hôm xách quần chạy một mạch ra cầu tiêu xổ hết. Nhưng để khỏa lấp những bịnh hoan bên trong người nó như vậy có thể làm giảm thiểu cái ”máu anh hùng” nơi nó, nên nó thường tự biện hộ bằng cách nói với tụi đàn em cùng phòng rằng:”Tao hồi trước đó nghe tụi bay, bụng dạ tao mạnh như bụng trâu, tao ăn sạn đá gì, nó cũng tiêu hết ráo, nhưng kể từ ngày mấy ổng vô, mấy ổng nói tao cao-bồi du-đãng, đã bắt giam tao ở khám lớn Chí-Hòa, rồi tra điện tao liên miên, nên ruột tao nó mới yếu đó chớ dễ dầu gì mà tao bị Tào-Tháo đuổi.Tao đuổi Tào-Tháo, chứ dễ dầu gì mà chả đuổi được tao?” Rồi nó cười lên hô hố một cách khoái trá, tay xoa xoa bụng vẽ đầy những lưỡi dao găm. . .
*
Mấy ngày nay bên Thương-nghiệp chận bắt được đâu mấy xe cam-nhông chở lậu ba-khía từ ngả Bạc-liêu lên, đi Sài-gòn nên khám lớn cũng lãnh được một số để phát cho tù. Thằng Năm Đầu Bò được kêu lên để lãnh thực phẩm về phát cho các phòng, sau khi nó đã vác từng cần-xé khoai chia đều cho các nhóm. Trong lúc chia chác như vậy, nó cũng lanh tay lẹ mắt – con nhà võ mà! như một con sóc, thằng cán bộ mới nhìn ra chỗ khác, là nó chộp ngay được một nắm ba-khía, liệng nhanh vào phòng để cho mấy thằng đàn em của nó trong phòng lượm…Buổi trưa về thấy nó ăn cơm muộn, sau khi nó đã đi ”ngoại giao” với mấy thằng công nhân nhà bếp, hí hửng cầm về nửa trái chanh đã úa vàng lên meo xanh. Nó cầm nửa trái chanh chà-chà vào vạt áo Biệt-động quân muôn thuở không bao giờ thay của nó, vừa nói với bọn đàn em một cách rành rẽ về việc ăn uống rằng:

-Hùng Lác, mầy biết ăn mấy cái con nầy không mậy?
– Đ.M dân “chơi” mà đâu có ăn cái ngữ đó mầy ?
-Đ.M mầy đừng có “xấc”nghe mầy ! nó còng đầu như con chó mà ”lối”. Đ,M con nhà lính mà tính nhà quan! Thân tù tội mà bày đặt kén, nó cho gặm vỏ khoai, nghe con.
-Đ.M thà chết khát, chứ anh hùng ai đi uống nước đục mầy ? Không có Hùng Lác trong đó, à nghen…
-Đ.M có khi nào vừa nói xong, thì mầy thấy cái bàn chân tao nó “bay” vô mặt mầy liền không?
-Đ.M “ngon” thì mầy “bay” vô đi!

Thằng Năm Đầu Bò bỏ trái chanh vào trong túi, xắn tay áo lên để lộ hai cánh tay vạm vỡ, đen đúa đầy gân xanh uốn éo dưới hai chữ “Hận đời” làm cho nó trở nên hung dữ kỳ lạ và rõ ràng nó có dáng điệu của một thằng du đãng nhà nghề hơn là vẻ mặt công tử trắng phếch của thằng Hùng Lác. Bọn đàn em thấy tình thế có vẻ gay cấn quá sợ vạ lây như qui định của khám, nên một thằng nhảy tới ôm eo ếch Năm Đầu Bò, nói giọng năn-nỉ:

-Thôi mà Đại-ca, Đại-ca nóng quá vậy ? Nó nhốt hết cả phòng 6 bây giờ!
-Đ.M, nhỏ mà xấc mầy, đồ tao ăn mà nó dám nói giọng nhà giàu.. ·
-Thôi mà, thì Đại-ca cứ ăn đi, nó nói gì thây kệ bà nó.
-Nó bày đặt “khi người” nghe mầy. Tao bẻ cổ nó cho mày coi, chứ “giỡn mặt” hòai.

Thằng Hùng Lác trong thâm tâm vẫn rất thù thằng Năm Đầu Bò vì nó “chiến” hơn mình, nhưng thây nó “ngầu”quà,lại liều mạng, nên cũng ngán mà ngồi làm thinh.

Thằng Năm Đầu Bò lại đầu sạp ngồi, lấy trái chanh ra săm soi, rồi lấy chút đường, mấy tép tỏi bỏ vô cái chén, lấy cục đá xanh chèn cửa, thổi thổi rồi dùng làm chày đâm nát các thứ gia vị trên, xong một mình nó ngồi xổm giữa nhà, lấy mấy con ba-khía ăn cắp khi trưa ra ướp sơ sơ để ăn với mấy miếng cơm cháy xin trên nhà bếp một cách ngon lành. Đọan nó ra phông-tên ở đầu sân gạch cúi xuống vặn nước uống. Nó có vẻ toại nguyện với một bữa ăn như thế. Nó lượm một cây tăm xỉa răng của ai dùng rồi ném dưới đất, nó bẻ nhỏ ra rồi dí vào mồm…Nó ngồi nhịp đùi một cách thoải mái ở bờ tường cuối sân gạch, thong thả nhìn đoàn người đứng nối đuôi mà tức cười. Một người trong hàng đứng gần nơi Năm Đầu Bò ngồi, nhìn hắn hỏi:

-Năm Đầu Bò bữa nay coi bộ thong dong nhỉ? Không đăng-ký vào cái hàng dài thoòng này thì thấy “nhẹ gánh tang bồng” rồi nghe, tới phiên tui cũng phải xế chiều. Cũng may là ở trong này ăn rồi nằm hoài, ai cũng “ỉa ra cây” chứ như ở ngoài mà xếp hàng kiểu này,chắc có đứa són trong quần…
– Ừa, anh Hai, tụi nó chơi ác, cho ăn mà không cho ỉa! may mà chẳng có cái gì ăn nên ỉa cũng ít đi, cũng chẳng thấy ai đau bụng dạ gì…còn bọn phòng 6 tui thì khỏe ru! đứa nào cũng giải quyết từ đêm hôm rồi…tha hồ…

Người đàn ông nghe Năm Đầu Bò nói,vừa nhích tới từng bước theo người đứng trước, có cầm miếng giấy báo xé nhỏ gọn gàng với sự tính toán kỹ, thế nào cho vừa đủ với diện tích của cái hậu môn, không thừa thãi một tí nào, hắn quay đầu lại hỏi Năm Đầu Bò:
-Chừng nào về vậy anh Năm, chứ tụi này chắc “mút chỉ”.
-Tui cũng không biết nữa, anh Hai, nó kết tội tui là du đãng phá làng, phá xóm, mà hồi giờ tui có làm gì ai đâu? Thằng cha Mười Thắng trưởng khám lớn nói, chừng nào tui nạo cho hết mấy cái hình xăm trên người, thì nó mới cho về, nhất là hai chữ “Sát Cộng” thích nơi cườm tay, hồi trước trong lính của mình đó anh Hai, tui đâu có chịu phá, nên mấy chả cũng hầm lắm, nói tui ”ngoan cố”.

Người đàn ông tỏ vẻ ngưỡng phục nó, vì ít ra nó hơn mọi người Quốc-gia khác trong ngày đầu bọn cộng-sản vào thành phố…Đôi giày “sô” người ta cũng không dám để dưới gầm giường, cái nón sắt cũ dùng để giã cua đồng nấu bún riêu hàng ngày cũng lén vứt xuống sông, sợ thành cháy vạ lây, chứ đừng nói chữ “Sát cộng” khắc trên cườm tay. ..

Người đàn ông, từng bước, từng bước cầm xấp giấy tiến lên được một khoảng khá xa, thằng Năm Đấu Bò thấy vậy, giơ tay khoác chào, rồi trầm ngâm mân mê từng sợi râu mọc ra tua tủa, bao quanh khuôn mặt sần sùi đen nám, trông hắn là một tay ”anh chị” thật…Sự bướng bỉnh ra mặt của nó, đối với bọn cán bộ trong khám lớn, đôi khi làm cho những người trước đây “ăn trên ngồi trốc” trong thâm tâm đâm ra xấu hổ. Chẳng bao lâu, Năm Đầu Bò trở thành một nhân vật đầy huyền thoại, đối với nhóm tù chính trị của những phòng kia.

Đoàn người dài ngoằng cứ tiếp tục nhích tới, nhích tới, một cách vô thức không vội vã, không chờ mong, với thái độ: “Tới đâu hay tới đó”, chừng nào đến phiên thì cứ tự động như một cái máy, tụt quần, ngồi lên hai hòn gạch của bàn ngồi tô bằng xi-măng, kẻ những đường mặt vòng cho khỏi trượt chân, với thời gian qui định là 5 phút, dành cho mỗi người…

Bỗng người ta thấy Năm Đầu Bò mặt xanh như tàu lá, ôm bụng nhăn nhó, nhảy phóc xuống sân gạch và chạy thẳng tới, đứng ngay vào đầu hàng, giữa sự la ó của mọi người ở phía sau, làm nó hoảng hốt quay lại phân bua :
-Đau bụng bất tử quá, bà con cho tui “ké” chút xíu thôi..

Đám đông lại la to một cách giận dữ:
-Đ.M, đừng có “chơi gác” nghe Năm Đầu Bò, kéo đầu nó ra đem lên bộ chỉ huy đi. Đ.M phạm qui định, bọn này xếp hàng rã gối từ sáng tới giờ đó, chứ không phải chơi đâu! Phòng 6 thì phòng 6 chứ? Đừng có “chơi cha” người ta, muốn làm “cha” thì vô nhà thờ mà ở…

Thằng Năm Đầu Bò vẫn đứng lì, tay ôm bụng, cong người xuống, nhăn nhó nói:
-Tội quá mà các anh, tui đau bụng quá mà!
-Không được, không được, phạm qui định, đẩy cổ nó ra khỏi hàng ngay đi…

Thằng Năm Đầu Bò thấy sự phản kháng của đoàn người càng lúc càng dữ dội, lúc đó đã có một vài người nhảy ra khỏi hàng chộp lấy tay thằng Năm Đầu Bò lôi ra ngoài, nó đành thúc thủ nghe theo không phản ứng gì, vì nó cũng tự thấy người ta đúng mà nó sai, nhưng vì “kẹt”‘quá, trường hợp ngoại lệ. Nó đứng ngoài hàng mà vẫn ôm bụng nhăn nhó, một vài người thông cảm với nó, nói:
-Nó đau bụng ỉa chảy, anh em, thôi cho nó “quá giang” đi, kẻo nó phóng ra đây thì bỏ me…

Lúc đó có tiếng phản đối lớn từ phía sau:
-Không được, không được. Ăn ba-khía cho cố vào…

Thằng Năm Đầu Bò ngồi cong người xuống ôm bụng, bỗng nó ngước lên nhìn một vòng về phía chiếc cầu tiêu hư, có vòng kẽm gai rỉ sét chụp lên trên, nước phân sền sệt ngập muốn khuất cái bàn ngồi, lúc nhúc những con giòi to bằng đầu chiếc đũa, bơi lổn ngổn…

Mặt thằng Năm Đầu Bò chợt trở nên nghiêm trọng hẳn ra, hai tai nó đỏ lên bừng bừng, nó đứng phắt dậy,vẻ hung dữ, miệng nó chửi thề: “Đ.M đừng có làm khó!”, rồi nó nhảy phóc tới cái cầu tiêu hư, hai tay đưa ra phía trước ôm gọn vòng dây kẽm gai vung mạnh ra ngoài. Nước phân dính trên đó văng ra tứ tung. Vòng dây kẽm lăn ra sân gạch mấy tua, làm đám người sắp hàng ù té chạy lung tung để tránh chiếc vòng, giòi bọ rơi vung vãi giữa tiếng cười ồ của mọi người, khi thằng Năm Đầu Bò đã yên vị trên chiếc cầu hư, nước phân ngập tới mắt cá chân nó. Nó cúi đầu thực thấp để tránh cái nhìn của mọi người đang cười nó, và cũng để nâng cái mông của nó ở thế bổng lên, khỏi chạm xuống mặt nước phân sền sệt…Nó tuôn hết những gì lùng bùng trong bung nó một cách thả dàn, trước sự kinh khiếp vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười của mọi người.. Mùi nước phân đọng lâu ngày, keo lại, bị khuấy động bất ngờ, lẩn với mùi ba-khía mà nó đã ăn khi sáng, tỏa ra khắp nơi, làm một số người chịu không nổi, bịt mũi, ói liên hồi, một số khác nản chí, bỏ cuộc vào phòng…Sau khoảng 5 phút, Năm Đầu Bò “giải quyết” xong vấn đề nó trở nên dễ chịu, cười cười, tay nó chồm qua thùng giấy đi cầu bên cạnh, bóc từng miếng giấy xài rồi lên xem thử, thấy tờ nào còn trăng trắng thì nó kê vào mông chà tới chà lui nhiều lần, xong nó đứng dậy kéo quần lên, rồi thanh thản bước ra ngoài, giữa những tiếng vỗ tay của mọi người .Đoạn nó tới ôm vòng kẽm gai nằm giữa sân gạch, liệng lại chỗ cũ trên chiếc cầu tiêu hư…Chuyện này, trong phút chốc đã lan ra các trại như một biến cố tiếu lâm trong khám lớn và cũng tới tai ban chỉ huy trại…


Ngày đưa Năm Đầu Bò ra hội đồng kỷ luật, mỗi trại đều cử người đến dự, để về phổ biến cho anh em tù nhân biết, làm gương mà không phạm qui định, có liên quan tới kết quả học tập và ngày về. Tên Mười Thắng trưởng trại ngồi xử với 2 phụ tá. Năm Đầu Bò ngồi giữa sân gạch của phòng làm việc. Các trưởng phòng ngồi xung quanh.

Trước tiên , Mười Thắng tuyên bố lý do buổi họp với những lời hăm dọa đối với những người có thái độ “ngoan-cố” coi thường qui định trại. Xong đến phiên Năm Đầu Bò đọc bản tự kiểm, rồi mới xử chung quyết.

Mười Thắng đằng hắng vừa cầm cái nón cối để sang một bên, sau khi đã nói lý do, rồi nói lớn:
-Anh Lê Xáng, hãy đọc bản tự kiểm đi, để hội đồng kỷ luật nghe.

Năm Đầu Bò mở trong túi, lấy ra một miếng giấy nhỏ nhàu nát, nhìn sơ qua một lượt, rồi đọc:
-Tôi tên là Lê Xáng, 32 tuổi, nghề nghiệp cũ là lính Biệt-động quân, cấp bực binh nhì, độc thân. Nghề nghiệp sau năm 1975 là xe đẩy…Hiện học-tập cải tạo tại đây, thuộc khối lao động phòng 6. Tôi đã phạm qui định trại là sử dụng cái cầu tiêu hư trái phép, làm mất vệ sinh chung. Nay tôi ăn năn về hành động sai trái, vô kỷ luật của mình, tôi hứa trước hội đồng kỷ luật, tôi xin sẽ không tái phạm những lỗi lầm đó, để trở thành người công dân tốt trong xã hội mới…Ký tên: Lê-Xáng, tự Năm Đầu Bò…

Tên Mười Thắng gật đầu về lời tự kiểm của Năm Đấu Bò, tuy hắn cảm thấy khó chịu khi nhìn Năm Đầu Bò vẫn để râu tóc xồm xoàm. Mười Thắng bực bội nhất là sự “ngoan-cố” của Năm Đầu Bò, một cách chống đối chế độ, là việc nó vẫn mặc chiếc áo rằn ri của binh chủng “đại-phản-động” đã làm Mười Thắng phải bỏ chạy có cờ trong những cuộc trực thăng vận bất ngờ trước đây, nhưng điều chướng mắt đầy thách thức nhất của Năm Đầu Bò là hắn nhất định không chịu bôi 2 chữ “Sát cộng” trên cườm tay của nó, và nó vẫn ngang nhiên chấp nhận 3 chữ “Năm Đầu Bò” – một loại từ ngữ mà bọn cộng sản không bao giờ ưa. Mười Thắng bắt đầu chất vấn nó bằng câu:
-Anh Lê Xáng, tôi yêu cầu trước tiên, anh cũng như mọi người ở đây, không được phép sử dụng cái ngôn từ du đãng của một xã hội ăn cướp, là 3 tiếng “Năm Đầu Bò”, tiếng đó không có trong ngôn ngữ của chúng tôi…Thứ nhì là…

Lúc đó, Năm Đầu Bò nổi nóng, vì dường như tên Mười Thắng đã đụng tới một cái gì đó, lâu nay nó chấp nhận như một hãnh diện về tiếng tăm “anh chị” của mình, mà kẻ khác đã gán cho, vì lòng ngưỡng phục, hay sự sợ hãi hắn, nên hắn cướp lời ngay :
-Ông đứng nói vậy, bởi đó chỉ là một biệt danh, cũng như người ta gọi ông là “Mười Thắng” vậy mà? “Mười” hay “Năm” gì, thì cũng giống nhau, đều là những con số chỉ thứ tự trong gia đình…

Mười Thắng bực mình đập bàn quát lớn :
-Anh đừng ”ngoan cố”! bọn tôi có bí danh là để tránh con mắt của bọn Mỹ-Ngụy, trong thời gian hoạt động, chứ đâu phải để đi ăn cướp như mấy anh?
-Tui chưa ăn cướp của ai cái gì hết, à nghen…
-Câm mồm ngay, tao bắn nát óc bây giờ.

Năm Đầu Bò cười khẩy, vẻ khinh khi, rồi lặng thinh. Mười Thắng móc thuốc ra hút để dằn cơn tức, vì phải gặp một tên “cứng đầu” rồi hắn tiếp:
-..Thứ nhì là anh phải cởi bỏ cái áo lính phản-động đó đi, bởi vì nó là hình ảnh của một quân đội đi cướp của nhân dân…
-Thằng này không lấy của ai một cắc ở Cổ Thành Quảng-Trị, à nghen. Đánh ở đó gần 2 tháng trường, khi về hậu cứ thằng này chỉ còn 2 bọc gạo sấy với hộp cá mòi mà thôi…
-Cho tới giờ này mà còn “cứng đầu”.Tao sẽ gởi mày đi lao động ở rừng Tràm, coi thử mày “cứng” tới cỡ nào?
– Đi thì đi, thằng này đâu có ”ngán”.
– Được, rồi mày sẽ biết.

Mười Thắng suy nghĩ một lát, rồi nói nhỏ với thằng phụ tá câu gì đó, thấy hắn đứng dậy đi về hướng nhà bếp, đoạn Mười Thắng chỉ lên cánh tay của Năm Đầu Bò, nói:
-Tại sao tới giờ này mà anh không chịu xóa 2 chữ cực kỳ phản động đó đi?

Năm Đầu Bò chợt nhìn xuống cườm tay thấy 2 chữ “Sát cộng”, tự nhiên xui nó nhớ về những hào hùng của thời lính tráng ngày xưa, được báo chí nhắc nhở, và những hãnh diện được các em nữ sinh xinh như mộng choàng vòng hoa trong trận tái chiếm Cổ Thành. Nó trở nên bùi ngùi ra mặt, và nói thành thật rằng:
-Đời lính ngang dọc của tui, chỉ còn bấy nhiêu đó, cha nội.
-Ngang dọc “chó” gì? Tụi bây là “lính đánh thuê” .
-Không ai thuê hết, thằng này sửa tuổi trong giấy khai sinh, đăng lính “Đầu Cọp” ở cổng Bưu-điện à nghen…Toàn nhảy “sô” đầu, khi trực thăng còn ở trên cao, đó cha nội.

Mười Thắng lại đập bàn quát to, người hắn chồm tới phía trước như muốn tát vào mặt thằng Năm Đầu Bò. Nó né đầu sang một bên như một phản ứng bất thần của một người có võ, miệng lầm bầm “Đ.M”…

Mười Thắng nghĩ mình là cấp lãnh đạo, nên hằn dằn lòng lấy lại bình tĩnh rồi hỏi :
-Thôi,vụ hai chữ đó tính sau, tội chính của anh hôm nay là việc cái cầu. Tại sao anh tự ý sử dụng cái cầu hư khi đã có lệnh cấm? Anh muốn chống lại C.M phải không?
-Cái cầu tiêu đâu có liên quan gì tới C.M mà nói tui chống C.M cha nội? Đau bụng mót ỉa quá, mà mấy cha này không cho sắp hàng, thì phải nhảy đại vô đó chứ sao? Lỗi mấy cha không chịu sửa cầu, mấy cha cho ăn mà không cho ỉa, ăn toàn ba-khía thúi, thì phải ỉa chảy re…
-Tao sẽ cho mầy đi cầu tập thể ở rừng Tràm cho nó rộng rãi.

Giọng Mười Thắng mỉa mai, trong lúc thằng Năm Đầu Bò thì thực tình nó thích như thế, vì nó tự cảm thấy rất tù túng với một con người ưa vẫy vùng như nó trước đây, nên nó trả lời thành thật làm Mười Thắng cụt hứng:
-Khỏe thôi!

Lúc đó thằng phụ tá Mười Thắng từ nhà bếp đi ra. Hắn bưng một cái hỏa lò than hồng đỏ rực, trong đó có một miếng sắt nung, đặt ngay trước mặt Năm Đầu Bò, hắn vẫn thấy Năm Đầu Bò tỉnh bơ nhìn cái hỏa lò than hồng đang cháy bừng bừng trước mặt nó. Tiếp đó Mười Thắng ra lệnh:
– Các đồng chí thi hành nhiệm vụ.

Hai thằng phụ tá lặng lẽ bước tới. Một thằng ôm sau lưng Năm Đầu Bò, thằng kia cúi xuống cầm thanh sắt nung đỏ giơ lên. Năm Đầu Bò húc mạnh cùi chỏ, thằng phụ tá buông ra, vẻ mặt hầm hầm, nói:
-Chống cự hả mầy ?

Năm Đầu Bò bước lại gần thằng phụ tá lấy thanh sắt đỏ, nói:
-Mấy cha coi đây nè!

Vừa nói hắn vừa cầm thanh sắt dúi lại vào lò lửa, đoạn dí vào ngay chữ “Cộng” trước, hắn chà tới chà lui thực mạnh. Mùi thịt cháy xông lên khét lẹt, khói bay tứ tung lẩn với tiếng kêu xèo xèo giống như người thợ rèn đang trui miếng thép, trong tiếng cười ngạo nghễ của nó vang lên, làm mọi người chung quanh sững sờ về phản ứng bất thần của một thằng du đãng ngông nghênh. Xong hắn tiến lại lò than nướng tiếp thanh sắt, để xóa nốt chữ “Sát”, với một thái độ có vẻ tiếc nuối hơn là sự hằn học khi hắn dí thanh sắt vào chữ “Cộng”, mà nó chọn để xóa đầu tiên, trước mặt kẻ thù…Nỗi bùi ngùi hiện rõ lên khuôn mặt thằng Năm Đầu Bò, lúc đó chắc nó tự cảm thấy như nó vừa mất mát một cái gì đó, ghi dấu một thời oanh liệt của nó, một khoảng đời nó sống như một anh hùng, được mường tượng trong những chữ “Nhẩy sô đầu” từ những ngày chiếm Cổ Thành Quảng-Trị, nơi đơn vị nó đã ghi được những chiến tích trong quân sử của binh chủng mà nó tự ý sửa tuổi trong tờ giấy khai sinh, đăng lính ở chiếc bàn tuyển mộ tại cổng một bưu điện xa xưa…nay đã trở thành như huyền thoại trong trí nhớ của Năm Đầu Bò.

Và đúng như lời hăm he của Mười Thắng khi Năm Đầu Bò tỏ vẻ cứng đầu, là hắn sẽ đầy Năm Đầu Bò đi nông trường, nên vào những ngày kế tiếp, người ta không còn thấy bóng dáng Năm Đầu Bò múa võ ngoài sân gạch, trong những đêm trăng…

Erskineville 6/4/87

Nguyễn Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét