Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Lời Kêu Gọi Chống Dự Luật 1! Và Kính Chuyển Những Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự! - Lê Văn Hải


Nhắc Nhở Trong Mùa Bầu Cử 2022, Đến Với Cư Dân Người Mỹ Gốc Việt Trong Tiểu Bang California: Hãy Giữ Lương Tâm Trong Sáng, Đứng Về Phía Lẽ Phải, Công Lý.
<!>


Cùng nói Không! (Say No!) với Dự Luật Số 1! (Proposition 1!)


*Đừng đứng về phe “sát nhân!” với mục đích tự do giết thai nhi đến phút chót! Bóp chết sự sống thiêng liêng! qua vỏ bọc mỹ miều, binh vực quyền phụ nữ “dành quyền quyết định cho người Mẹ!”

*Đây là cuộc chiến gay go giữa Bóng Tối và Ánh Sáng! Giữa Thiên Thần và Ác Quỷ!

*Nếu bóng tối thắng, dự luật thông qua, lương tâm con người, bị dìm xuống bùn đen! Dự luật tàn phá tình yêu thương cao quý, sâu đậm nhất! Mẹ tự do giết con! Tình Mẫu Tử không còn nữa! Tới “Cọp dữ cũng không bao giờ ăn thịt con!” Thì lương tâm con người để đâu?

*Con người chỉ hơn con vật, nhờ có lương tâm suy nghĩ, biết điều phải, điều trái. Khi đã bán lương tâm cho quỷ dữ, con người còn tàn ác gấp ngàn lần con vật. Một Hitler giết trên 6 triệu người Đo Thái trong các phòng hơi ngạt! Một Hồ Chí Minh nướng hàng triệu thanh niên của đất nước, trong cuộc chiến. Rồi bây giờ đang là Putin! Một chủ nghĩa Cộng Sản sai lạc, đã giết hàng trăm triệu người! Nên chúng ta nhất định ngăn chặn không cho tội ác ghê gớm này mọc rễ!


Riêng Người Công Giáo, Một Sự Trùng Hợp Kỳ Lạ, Cuộc Chiến Giữa “Con Cái Sự Tối Và Con Cái Sự Sáng!”

Hàng năm Giáo Hội Hoa Kỳ dành riêng mỗi tháng 10 trong năm, để kêu tất cả các tín hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho sự sống. Không riêng gì cho các thai nhi, nhưng còn cho mọi sự sống từ lúc thụ thai, cho đến ngày an nghỉ yên trong Chúa, theo định luật của tự nhiên. Sự sống là do Thiên Chúa ban, do vậy, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã trân trọng gọi tháng 10 là “Respect Life Month!” Nếu dịch sát nghĩa, đây là “Tháng Tôn Trọng Sự Sống!” Để nhắc nhở và khuyến khích các tín hữu để ý và liên tục cầu nguyện cho sự sống con người! Chưa kể tháng 11 này, tháng dành riêng cầu nguyện cho các Linh Hồn đã chết.

Trong khi các tín hữu Công Giáo thành tâm và liên tục cầu nguyện, bảo vệ sự sống, thì Thống Đốc Tiểu bang California, là Gavin Newsom, vào ngày 27 tháng 9 vừa qua, đã làm một công việc hoàn toàn phản nghịch lại, ngăn cản, giết chết sự sống! Bất cứ lúc nào khi đứa bé chưa ra đời! Ông đã ký một số dự luật chi trả thêm $200 triệu, từ tiền thuế của người dân, một số tiền khổng lồ chưa từng có trong lịch sử của tiểu bang, để mở rộng kỹ nghệ quy mô về phá thai. Ông nại lý do tuyên bố rằng, quyết định này nhằm, “bảo đảm cho tất cả phụ nữ ở tiểu bang của chúng ta, đáng được hưởng những quyền lợi dành cho họ và được đối xử bình đẳng trong mọi lĩnh vực quyết định của cuộc sống!”

Theo bà Kathleen Domingo, Giám Đốc Điều Hành của Hội Đồng Công Giáo California, lời tuyên bố của Newsom hoàn toàn là một ý định độc ác, vô đạo đức, mị dân và xảo trá. Trong một bản tuyên bố ngày 29 tháng 9, bà nhấn mạnh:

Các dự luật phá thai tự do, do Thống đốc Newsom ký, bao gồm khuếch trương nhiều cơ sở hạ tầng phá thai mới, cho phép các y tá thực hiện các ca phá thai, mà không cần sự giám sát của bác sĩ! Buộc các chủ nhân các doanh nghiệp, phải chi trả cho những ca phá thai của nhân viên, nếu họ không được bảo hiểm chi trả, và buộc hội đồng quản trị y khoa, cấp tốc cấp giấy chứng nhận, cho những người hành nghề phá thai. Khoản tài trợ khổng lồ này cũng bao gồm $20 triệu từ AB 1918, để trả học bổng và trả nợ cho các bác sĩ nghiên cứu về phá thai, và $20 triệu từ SB 1142, để chi trả cho việc đi lại, ăn ở, tiền xăng và hỗ trợ sản khoa, nhất là cho những phụ nữ ngoài tiểu bang muốn tới phá thai tại California! và Tiểu bang nắng ấm, thành trung tâm tư do phá thai! của toàn quốc!

Điều vô lý hơn nữa, trong khi đó ông thống đốc phủ quyết mọi hỗ trợ sản khoa và những dịch vụ chăm sóc cho sản phụ, trong tiểu bang muốn sanh con, qua việc cắt giảm Medi-Cal và các nguồn tài chánh hỗ trợ cho sức khỏe về tinh thần của các sản phụ. Đầu năm nay, cơ quan lập pháp ưu tiên đã loại bỏ copays và tiền deductible cho các ca phá thai (SB 245). Trong khi đó, những phụ nữ nghèo với lợi tức thấp và các trẻ em đang hưởng Medi-Cal, vẫn phải chi trả thêm tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước và sau khi sinh nở.

Rõ ràng Thống Đốc Newsom đã đặt kỹ nghệ phá thai và những dịch vụ liên hệ yểm trợ phá thai lên ưu tiên hàng đầu, và không quan tâm thiết thực đến những phụ nữ nghèo, đang nỗ lực gầy dựng một gia đình, nuôi nấng những đứa con lành mạnh. Cơ quan lập pháp đã không sử dụng tiền thuế của người dân cách công bằng và hợp lý. Sau này nếu Dự Luật 1 được thông qua, nó sẽ làm cho tệ nạn phá thai thêm tồi tệ hơn gấp hàng trăm lần. Dự luật này cần phải được ngăn chận ngay trong kỳ bầu cử ngày 8 tháng 11 tới đây. Chúng ta khẳng định không thể để cho cơ quan lập pháp, bắt chúng ta đứng về phía họ, đánh mất lương tâm, áp đặt tội ác giết chết thai nhi và nhiều bất công lên xã hội ngày hôm nay.


Đã đến giờ bầu cử, cùng nói Không! (Say No!) với Dự Luật Số 1 (Proposition 1!)





Chỉ Còn Chưa Đầy 2 Tuần Nữa Tới Ngày Bầu Cử, Phu Quân Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Pelosi “Bị Tấn Công Đầy Hình Thức Bạo Lực!”


(Hình: Vợ chồng ông bà Pelosi ở Hoa Thịnh Ðốn hồi tháng 12/2021.)

- Ông Paul Pelosi, phu quân của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, đã bị “tấn công đầy bạo lực” sau một vụ đột nhập vào nhà của ông bà ở San Francisco (tiểu bang California) vào sáng sớm thứ Sáu (28/10/2022), văn phòng của bà cho biết trong một tuyên bố.

“Kẻ tấn công đang bị giam giữ và động cơ của vụ tấn công đang được điều tra”, tuyên bố cho biết. “Ông Pelosi đã được đưa đến bệnh viện, ở đó, ông đang được chăm sóc y tế hết sức chu đáo và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn”, vẫn theo tuyên bố.

Bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ, một đảng viên Dân chủ và là người đứng thứ hai trong thứ tự thừa kế chức Tổng thống, đã không có mặt ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ tấn công vào sáng sớm.

Chưa rõ vụ tấn công diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào, cũng như chưa rõ là kẻ gây án đã đột nhập vào nhà ra sao.

Cuộc tấn công xảy ra khi chỉ còn chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11, sẽ quyết định đảng nào kiểm soát được Hạ viện và Thượng viện.

Là một nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn và là Dân biểu lâu năm của một trong những thành phố có tư tưởng tự do nhất của Mỹ, bà Pelosi vẫn thường là mục tiêu chỉ trích của đảng Cộng hòa và thường xuất hiện trong các đoạn quảng cáo chính trị có tính công kích. Văn phòng của bà đã bị phá phách trong cuộc tấn công vào Điện Capitol Mỹ hôm 6/1/2021 của những người ủng hộ ông Donald Trump, Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa khi đó. Một số kẻ tấn công đã săn lùng bà khi đó.

Vào tháng 1/2021, ngôi nhà của bà bị phá phách với những bức vẽ bậy có nội dung “Hãy hủy việc thu tiền thuê nhà” và “Bọn tao muốn mọi thứ” được sơn lên ngôi nhà và một cái đầu lợn được để lại trước ga-ra, theo tường thuật của các phương tiện truyền thông.

Các đảng viên Cộng hòa nổi tiếng, ví dụ như Lãnh đạo khối Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, cũng là mục tiêu của các hành vi phá phách.

Ông Paul Pelosi, 82 tuổi, chủ một công ty bất động sản và đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco, từng bị kết án vì phạm tội nhẹ là lái xe khi trong người có chất cồn sau khi có liên quan đến một vụ tai nạn ô tô hồi tháng 5. Ông bị kết án ngồi tù 5 ngày ở Quân hạt Napa, California.


Bầu Cử Mỹ: Có Một Điểm Chung Tuyệt Đối Của Các Ứng Cử Viên Của 2 Đảng, Cộng Hòa Và Dân Chủ, Tất Cả Đều Chống Trung Quốc!

*

(Hình: Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.)


Trong lúc cử tri Mỹ sẵn sàng cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, các ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang hứa hẹn có các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc với hy vọng thu hút cử tri.

Thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng xuống dốc thê thảm trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi bùng phát virus corona vào năm 2020. Dữ liệu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, năm nay, 82% người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc, mức cao lịch sử. Năm năm trước, con số đó là khoảng phân nửa, ở mức 47%.

Các cuộc thăm dò cho thấy những quan điểm tiêu cực đó được chia sẻ bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đó là lý do tại sao các ứng cử viên của cả hai đảng đều nói về Trung Quốc và sức mạnh kinh tế đáng gờm của Bắc Kinh.

“Chúng ta phải thôi yếu thế trước Trung Quốc. Chúng ta phải thôi chuyển công ăn việc làm của người Mỹ cho những người ghét chúng ta”, ông J.D. Vance, ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, người được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, nói.

Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, Dân biểu đương nhiệm Tim Ryan, cũng chỉ trích như vậy.

“Chúng ta và Trung Quốc. Trung Quốc đang sản xuất vượt quá chúng ta, và đã đến lúc chúng ta phải phản công”, ông Ryan nói. Cả hai ứng cử viên này đều ủng hộ việc duy trì mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Tại Pennsylvania, Phó Thống đốc Dân chủ John Fetterman nói ông sẽ “làm việc để bảo đảm rằng chúng ta không cho phép Trung Quốc vượt qua chúng ta về sáng tạo”. Đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ, Bác sĩ Mehmet Oz, đã đưa lập trường “cứng rắn với Trung Quốc” thành một trong những thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử.

Tại Missouri, Tổng Chưởng lý tiểu bang Eric Schmitt gọi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng về quân sự, kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Đối thủ của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, đảng viên Dân chủ Trudy Busch Valentine, chỉ trích ông Schmitt ủng hộ luật cho phép ngoại quốc sở hữu đất nông nghiệp mà theo bà đã cho phép các công ty do Trung Quốc kiểm soát mua hơn 100.000 mẫu đất Missouri.

Tại Arizona, ứng cử viên Cộng hòa Blake Masters khẳng định rằng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Thượng Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Mark Kelly là người ủng hộ chính đối với Đạo luật Khoa học và CHIPS, một biện pháp nhằm đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến kỹ thuật.

Ông Dean Chen, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ramapo, New Jersey, nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Trung Quốc là vấn đề hàng đầu và vấn đề trung tâm trong cuộc bầu cử này”.

“Khi các chiến dịch trở nên phân cực và có tính cạnh tranh cao, cần phải có một vấn đề đủ nổi bật để có thể thu hút sự chú ý. Luôn dễ dàng hơn khi tìm ra kẻ thù chung bên ngoài để đoàn kết các cử tri địa phương hậu thuẫn họ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Frank Sesno, Giáo sư truyền thông và Giám đốc các sáng kiến chiến lược tại Đại học George Hoa Thịnh Ðốn, cho biết Trung Quốc đang ngày càng được nói nhiều trong lĩnh vực an ninh quốc gia và ít thấy bị đưa vào vấn đề cơ hội kinh tế.

“Trung Quốc ngày càng được định vị là một mối đe dọa quốc gia. Không chỉ đơn thuần là một nước cạnh tranh mà là một nước đối thủ. Tôi có thể nói rằng sự miêu tả đã tăng cường và nó dường như là một chủ đề ngày càng tăng của cả hai bên”, ông nói với VOA.

‘Sự Đoàn Kết Hiếm Có của Lưỡng Đảng’

Theo nghiên cứu của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một nhóm công nghiệp hỗ trợ các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, số lượng các Dự luật liên quan đến Trung Quốc được các nhà Lập pháp Hoa Kỳ xem xét đã tăng đáng kể trong 5 năm qua.

Từ năm 2001 đến năm 2017, số Dự luật liên quan đến Trung Quốc được mỗi Quốc hội xem xét dao động trong khoảng 200 đến 250. Kể từ năm 2017, con số đó đã tăng vọt lên khoảng 639 Dự luật trong Quốc hội vừa qua và hơn 700 Dự luật trong Quốc hội lần này.

Chính quyền ông Biden đã thông qua một số Dự luật quan trọng liên quan đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52,7 tỉ Mỹ kim đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển chất bán dẫn trong nước để chống lại các khoản bao cấp khổng lồ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip của nước này.

Đạo luật Phòng thủ Khả năng Quan trọng Quốc gia tìm cách thiết lập một quy trình xem xét các công ty Hoa Kỳ đầu tư ra ngoại quốc, nhằm ngăn chặn vốn của Hoa Kỳ chảy sang các công ty kỹ thuật Trung Quốc.

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bách người Uyghur cấm các sản phẩm lao động cưỡng bách từ Tân Cương nhập cảnh Mỹ.

Cả ba văn kiện luật này đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà Lập pháp Dân chủ và Cộng hòa.

Ông Dan Schnur, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nói: “Điều thú vị nhất về tình cảm đối với Trung Quốc trong nền chính trị của đất nước này đó là một điểm thống nhất hiếm hoi của lưỡng đảng”. Ông đã làm việc trong bốn chiến dịch tranh cử Tổng thống và ba chiến dịch tranh cử thống đốc với tư cách là một trong những nhà chiến lược chính trị hàng đầu của California.

Ông nói với VOA: “Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ vấn đề nào khác mà hai đảng gạt bỏ sự khác biệt của họ, đặc biệt là trong một năm bầu cử”.

Ông Schnur nói lá bài “cứng rắn với Trung Quốc” đang được đón nhận đặc biệt tích cực ở miền Trung nước Mỹ, bởi vì vùng thượng Trung Tây là cơ sở của năng lực sản xuất. Nhưng trong vài thập niên qua, nhiều công việc sản xuất trong số đó đã rời khỏi Hoa Kỳ để đi đến các khu vực khác trên thế giới.

Ông giải thích: “Khi bạn có một cử tri thuộc tầng lớp lao động không cảm thấy toàn cầu hóa này có lợi cho họ, thì ứng cử viên của một trong hai bên sẽ khá dễ dàng nỗ lực khai thác những tình cảm này”.

Bà Anna Tucker Ashton, Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc tại Eurasia Group, đồng ý với quan điểm này.

Bà nói với VOA: “Đó là nơi có cảm giác rõ ràng nhất rằng việc làm của Hoa Kỳ được trao cho Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm của người Mỹ và việc giảm chất lượng cuộc sống nói chung trong các cộng đồng này có liên quan trực tiếp đến việc không cứng rắn với Trung Quốc”.

Tổ chức thăm dò Pew cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc gắn liền với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

Giáo sư Sesno nói việc Bắc Kinh thay đổi các chính sách cứng rắn sẽ cải thiện các quan hệ.

“Người Trung Quốc đang thúc đẩy điều này. Những điều đang khiến những con số đó (tỉ lệ không thiện cảm với Trung Quốc) tăng lên là chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, luận điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, nhiệm kỳ Tập Cận Bình lần thứ ba, và giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh”, ông nói với VOA. “Vì vậy, điều này không xảy ra tách biệt với các sự kiện khác, và nó không xảy ra đơn thuần vì chính trị Mỹ”.



Sôi Nổi Mùa Bầu Cử Hoa Kỳ: Tỉ Lệ Công Chúng Chấp Thuận Ông Biden Giảm Xuống Mạnh! Chỉ Còn Dưới 40%!


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden.)

- Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos hoàn tất hôm 25/10/2022, tỉ lệ công chúng tán thành Tổng thống Joe Biden đã xuống gần mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông trong khi chỉ còn nửa tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử giữa kỳ mà qua đó sẽ định hình nửa nhiệm kỳ còn lại.

Cuộc thăm dò trên toàn quốc kéo dài hai ngày cho thấy 39% người Mỹ chấp thuận cách làm việc của ông Biden, thấp hơn một điểm phần trăm so với một tuần trước đó.

Việc mất điểm của ông Biden đang thúc đẩy quan điểm rằng đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện và có thể là cả Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8 tháng 11. Chỉ cần kiểm soát một viện ở Quốc hội, phe Cộng hòa cũng đủ sức để đình trệ chương trình Lập pháp của ông Biden.

Nhậm chức vào tháng Một năm 2021 giữa đại dịch COVID-19, nhiệm kỳ của ông Biden được đánh dấu bằng những vết sẹo kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, bao gồm cả lạm phát tăng vọt. Năm nay, tỷ lệ công chúng chấp thuận ông đã giảm xuống mức thấp nhất là 36% vào tháng Năm và tháng Sáu.

Trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tuần này, một phần ba số người được hỏi cho biết kinh tế là vấn đề lớn nhất của đất nước, một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với tỷ lệ cứ 10 người thì 1 người nói tội phạm là vấn đề lớn nhất của đất nước. Cứ 20 người thì có 1 người cho rằng việc chấm dứt quyền phá thai là vấn đề lớn nhất.

Cuộc thăm dò, được thực hiện trực tuyến bằng tiếng Anh trên khắp Hoa Kỳ, thu thập phản hồi từ 1.005 người lớn, trong đó có 447 đảng viên Dân chủ và 369 đảng viên Cộng hòa.


Bầu Cử Mỹ Giữa Kỳ: Cộng Hòa Lên Điểm! Bức Tranh Không Được Sáng Sủa Cho Lắm, Dành Cho Đảng Dân Chủ Của TT Biden!


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden.)

Tòa Bạch Ốc giảm bớt lạc quan về cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới và lo rằng đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát cả hai viện ở Quốc hội, các viên chức chính quyền cho biết.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Dân chủ, từng dẫn đầu thoải mái trong một số cuộc đua vào Thượng viện, hiện đang ở thế ‘hồi hộp’, và các cuộc bầu cử Thượng viện vốn được coi là ngang ngửa giữa hai đảng hiện đang nghiêng về đảng Cộng hòa trong lúc lạm phát cao vẫn tiếp diễn.

Các nhà phân tích thăm dò ý kiến bao gồm trang mạng FiveThirtyEight cho biết Hạ viện, nơi mà trước đây trong năm ông Biden và một số đồng minh lẫn Cố vấn từng dự đoán là đảng Dân chủ có thể nắm giữ, nay đang chắc chắn xoay chuyển sang phía đảng Cộng hòa.

Việc mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện tại Quốc hội sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden, với việc các đảng viên Cộng hòa dự kiến sẽ chặn luật về nghỉ gia đình, phá thai, kiểm soát và các ưu tiên khác của ông Biden trong khi thúc đẩy các luật mới để hạn chế nhập cư và chi tiêu, sử dụng nợ trần như đòn bẩy.

Đảng Cộng hòa cũng dự kiến sẽ mở các cuộc điều tra về chi tiêu của đảng Dân chủ, các giao dịch kinh doanh và cuộc sống riêng tư của con trai Tổng thống là ông Hunter. Một số nhà Lập pháp nói rằng họ hy vọng sẽ luận tội ông Biden, các thành viên Nội các của ông ta, hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris.

Một người hiểu rõ tình hình bên trong Tòa Bạch Ốc cho biết cơ hội của đảng Dân chủ để giữ quyền kiểm soát Thượng viện là 50-50.

Vào tháng Năm, ông Biden đã dự đoán rằng các đảng viên Dân chủ của ông sẽ đạt được thắng lợi ở cả Hạ viện và Thượng viện, nhưng ông thừa nhận vào tuần trước rằng cuộc đua đang sít sao.

“Tổng thống và các Cố vấn của ông ấy cảm thấy rằng chúng tôi có hy vọng mạnh mẽ trong việc giữ cả hai viện”, một Cố vấn của ông Biden nói.

Các Cố vấn tiền nhiệm và đương nhiệm cho biết Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị cho bất kỳ sự cản trở hoặc cuộc điều tra nào có thể xảy ra.

Ông Eric Schultz, chiến lược gia Dân chủ có quan hệ chặt chẽ với Tòa Bạch Ốc nói: “Tòa Bạch Ốc có cái nhìn rõ rệt rằng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát thì mọi việc sẽ như thế nào”. “Không có gì bí ẩn khi các đảng viên Cộng hòa sẽ đi theo điều này nếu họ cầm chịch”.

Phá Thai, Lạm Phát và Tội Phạm

Hai yếu tố thúc đẩy sự chuyển hướng gần đây: mối lo về lạm phát giữa các nhóm bỏ phiếu chủ chốt và khó khăn chống lại thông điệp của đảng Cộng hòa rằng sự ủng hộ của đảng Dân chủ về công lý hình sự và cải cách ngành cảnh sát cũng đồng nghĩa với việc họ mềm mỏng với tội phạm.

Chiến thắng về mặt Lập pháp từ tháng Sáu và cuộc bỏ phiếu hồi tháng Tám ở Kansas về việc phá thai đã khiến các đảng viên Dân chủ tin rằng cử tri đang từ chối các ưu tiên chính sách của đảng Cộng hòa.

Nhưng một số hy vọng đã bị tiêu tan vào đầu tháng này bởi con số lạm phát cao hơn dự kiến và nhiều cuộc thăm dò cho thấy lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Các viên chức Tòa Bạch Ốc và các chiến lược gia đảng Dân chủ nói chuyện với thông tấn xã Reuters đã thừa nhận có sự thay đổi tổng thể về sự lạc quan, nhưng không sẵn sàng bỏ cuộc.

Họ lưu ý rằng trong lịch sử, bầu cử giữa nhiệm kỳ thuận lợi cho đảng nào không đang ở trong Tòa Bạch Ốc, và rằng các cuộc chạy đua sát nút ở Hạ viện và Thượng viện có thể chỉ nghiêng một chút về phía đảng Dân chủ.

Một viên chức Tòa Bạch Ốc nói: “Chúng tôi đã nói về nền kinh tế, lạm phát, phá thai, chiến thắng Lập pháp của chúng tôi và điều đó sẽ giúp ích gì cho người Mỹ trong nhiều tháng nay”.

Viên chức này nói: “Đã có sự gia tăng phụ nữ đăng ký bỏ phiếu ở một số tiểu bang chiến trường và chúng tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải đưa những cử tri mới được huy động này đến các phòng bỏ phiếu vào tháng 11”.

Một viên chức khác của Tòa Bạch Ốc cho biết vấn đề phá thai đang đóng vai trò quan trọng trong ít nhất nửa chục cuộc tranh đua vào Thượng viện.

Trong khi một số phân tích cho thấy các tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo có tỷ lệ giết người cao hoặc cao hơn so với các tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, cuộc thăm dò của Ipsos trong tháng này cho thấy cử tri Hoa Kỳ thích đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ trong việc giải quyết các vấn đề tội phạm.

Hiệu Quả, Không Được Ưa Chuộng

Tòa Bạch Ốc đã thất bại trong việc tận dụng một loạt các thành công Lập pháp về khí hậu, cơ sở hạ tầng và mở rộng lợi ích xã hội thành xếp hạng ưu tiên cao hơn cho ông Biden, các chiến lược gia Dân chủ ở các tiểu bang chiến trường cho biết.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nhấn mạnh Tổng thống đã thường xuyên nói về việc giảm nợ cho sinh viên, nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và vấn đề phá thai trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

Một số đảng viên Dân chủ nói rằng họ muốn thấy ông Biden lên đường thường xuyên hơn, nêu rõ những chính sách này đã tác động đến cử tri địa phương như thế nào. Nhưng các ứng cử viên trong một số cuộc đua quan trọng cũng đã chọn chiến dịch tranh cử mà không có ông Biden, thúc đẩy Tòa Bạch Ốc giảm đáng kể sự hiện diện theo kế hoạch của họ ở các khu vực cạnh tranh trên khắp đất nước trong những tuần trước cuộc đua, theo một viên chức.

Ông Biden đã tăng cường lịch trình du hành trong những tuần gần đây, hoán đổi các sự kiện chính trị với các sự kiện khác tập trung hơn vào các thành tựu Lập pháp cụ thể.


Bình Luận Thời Cuộc: Bầu Cử Giữa Kỳ Quốc hội Mỹ, Có Làm Thay Đổi Chính Sách Ukraine Của Joe Biden?

(Anh Vũ)

Hơn một tuần nữa, ngày 8/11/2022 nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ quan trọng. Cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện và một phần Thượng viện. Một kỳ bầu cử nhiều thách thức có thể làm thay đổi những quyết sách của chính quyền Joe Biden, giữa lúc những tranh chấp địa chính trị trên thế giới đang ngày càng trở nên căng thẳng phức tạp.

Nếu như phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, như các thăm dò dư luận gần nhất dự báo, nhiều nhà quan sát lo ngại chính sách đối ngoại của chính quyền Hoa Thịnh Ðốn sẽ có thể rơi vào những rắc rối, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ theo đuổi đối đầu trực tiếp với các cường quốc như Trung Quốc và Nga. Câu hỏi được đặt ra liệu chính quyền Joe Biden có thay đổi chính sách Ukraine?

Cuộc chiến tranh tại Ukraine đang là hồ sơ đối ngoại lớn của chính quyền Mỹ. Ủng hộ toàn diện cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga đến giờ là vấn đề hiếm hoi đạt được đồng thuận trong chính giới Mỹ. Nhưng khi kỳ bầu cử Quốc hội tới gần, hậu thuẫn cho Kyiv bỗng trở thành chủ đề gây tranh cãi ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Dấu hiệu mới nhất khiến các đồng minh của Mỹ không khỏi lo ngại đó là tuần trước lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, ông Kevin McCarthy đã cảnh báo, đại ý rằng đảng của ông nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới sẽ không để chính quyền Joe Biden chi bao nhiêu cho Kyiv cũng được.

Nhiều tiếng nói khác, vẫn từ các Nghị sĩ đối lập cũng đã bắt đầu lên tiếng tố cáo Tổng thống Biden lấy tiền thuế của người dân Mỹ đem giúp một nước tiến hành cuộc chiến tranh mà họ không có cơ may nào thắng.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện, Mitch McConnell thì lại cam kết muốn làm nhiều hơn Tổng thống Joe Biden trong việc chuyển vũ khí cho Kyiv, kể cả những phi đạn tầm xa có khả năng tấn công những mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Về phần đảng Dân chủ, chính sách của Joe Biden được ủng hộ rộng rãi nhưng trong những ngày gần đây cũng bắt đầu xuất hiện các tiếng nói của một số thành phần cấp tiến trong đảng tỏ lo lắng về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Nga và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Biden, công bố hôm thứ Hai (24/10), ba chục Nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống Mỹ thực hiện các nỗ lực ngoại giao để hướng tới ngừng bắn và thương lượng trực tiếp với Nga, thay vì cứ đổ tiền ồ ạt viện trợ quân sự cho Kyiv. Tuy nhiên chỉ một ngày sau, các Dân biểu trên đã rút bức thư ngỏ và tỏ ý lấy làm tiếc sáng kiến của họ tạo cảm giác đồng quan điểm với một số người thuộc đảng Cộng hòa.

Theo một thăm dò của cơ quan tư vấn về vấn đề quốc tế, Chicago Council on Global Affairs, đại đa số người Mỹ vẫn ủng hộ hậu thuẫn cho Ukraine và 2/3 phe Cộng hòa vẫn chủ trương gửi vũ khí cho Kyiv.

Có thể thấy trong chính sách Ukraine hiện nay của chính quyền Mỹ, hai phe Cộng hòa và Dân chủ về cơ bản là đồng thuận. Từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chính quyền Joe Biden đã giải ngân được 17,6 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự cho Ukraine trong sự đồng thuận của cả hai đảng, dù vẫn có một vài chống đối bên đảng Cộng hòa.

Một số nhà phân tích nhận định, các phát ngôn của Nghị sĩ McCarthy nêu trên chỉ nhằm mục đích lôi kéo bộ phận cấp tiến trong đảng mà ông ta cần để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện trong trường hợp phe Cộng hòa thắng.

Phần đông các chuyên gia về chính trị Mỹ đều nhất trí cho rằng trong kỳ bầu cử tới, ngay cả khi xảy ra kịch bản phe Cộng hòa nắm đa số ở hai viện Quốc hội thì chính sách Ukraine của Hoa Thịnh Ðốn khó có thể quay ngoắt sang một hướng khác, nhất là khi nước Mỹ đã đổ hàng chục tỉ Mỹ kim vào cuộc chiến tranh trong vòng 8 tháng qua. Đó chắc hẳn không phải Mỹ muốn ném tiền qua cửa sổ.



Tin Hàng Đầu Vương Quốc Anh: Thủ Tướng Rishi Sunak Lập Nội Các Chính Phủ Mới!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 25/10/2022, vua Charles III đã chính thức bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm Thủ tướng Anh và yêu cầu ông thành lập chính phủ mới.

Từ thủ đô Luân Đôn của nước Anh, thông tín viên Emeline Vin của đài RFI cho biết thêm chi tiết:

Rishi Sunak đã tìm cách lập một chính phủ đại diện cho mọi xu hướng trong đảng Bảo Thủ Anh Quốc.

Trước tiên, bà Therese Coffey và ông James Cleverly, những người trung thành với bà Liz Truss, vẫn ở lại chính phủ, tiếp tục nắm giữ Bộ Môi trường và Bộ Ngoại giao. Ông Jeremy Hunt vẫn giữ chức Bộ trưởng Tài chánh – vị Bộ trưởng này thân cận với Sunak, đã được cựu Thủ tướng Truss mời gọi vào chính phủ để hỗ trợ bà sau khi các biện pháp kinh tế bị thất bại. Một số người ủng hộ Boris Johnson, chẳng hạn như Nadhim Zahawi, cũng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.

Tân Thủ tướng đương nhiên cũng bổ nhiệm những cộng sự thân cận của mình, thậm chí những đồng nghiệp cũ: Phó Thủ tướng thời ông Boris Johnson là ông Dominic Raab quay trở lại chính phủ, còn Grant Shapps nắm chức Bộ trưởng Doanh Nghiệp.

Tuy nhiên cũng có hai bất ngờ lớn: Bà Suella Braverman, nhân vật rất thiên hữu, quay trở lại Bộ Nội vụ. Bà mới từ chức hôm 19/10 sau khi đã dùng thư điện tử cá nhân để gửi các tài liệu mật. Còn bà Penny Mordaunt, người đã bỏ cuộc và cho phép ông Sunak trở thành Thủ tướng mà không cần bầu cử, thì không được mời tham gia chính phủ. Bà từng hy vọng được bổ nhiệm nắm một bộ quan trọng. Thế nhưng, rốt cuộc, bà vẫn sẽ tiếp tục làm Chủ tịch nhóm Nghị sĩ đảng Bảo Thủ ở Hạ viện.

Thu Hút Sự Tò Mò, Dư Luận Để Ý Nhất: Ông Rishi Sunak Trở Thành Thủ Tướng Giàu Nhất của Anh!


(Hình: Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak.)

Với việc nhậm chức hôm 25/10/2022, ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh giàu nhất từ trước đến nay ngay lúc đất nước đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế và chính phủ sắp cắt giảm chi tiêu mạnh tay.

Vào tháng Năm, ông Rishi Sunak và vợ là Akshata Murthy lọt vào Danh sách Người giàu của Vương quốc Anh do tờ Sunday Times bình chọn, ở vị trí thứ 222 với giá trị tài sản ròng được báo cáo là 730 triệu bảng Anh (837 triệu Mỹ kim). Ông Sunak là chính trị gia tuyến đầu có mặt trong danh sách kể từ khi danh sách này ra đời vào năm 1989.

Sự giàu có của gia đình ông Sunak đưa ông vượt lên vị trí của Thủ tướng giàu nhất trước đó, người theo Sách Kỷ lục Thế giới Guineas, là ông Edward Stanley. Tài sản cá nhân của ông Stanley hơn 7 triệu bảng Anh hồi thế kỷ 19 tương đương khoảng 450 triệu bảng hôm nay.

Hồi tháng Tám, khi được hỏi làm sao có thể hòa mình với công chúng vì cá nhân ông giàu hơn Nữ hoàng Elizabeth, ông Sunak nói mọi người chớ nên vịn vào sự giàu có của ông để chống lại ông.

“Tôi nghĩ rằng ở đất nước của chúng ta, chúng ta đánh giá mọi người không phải bằng tài khoản ngân hàng của họ, chúng ta đánh giá họ bằng tính cách và hành động của họ. Tôi thực sự may mắn khi ở trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng không phải sinh ra là tôi đã được như vậy”, ông Sunak nói tại một sự kiện ở Darlington, miền Bắc nước Anh.

“Cha mẹ tôi đã làm việc rất chăm chỉ để mang lại cho tôi tất cả những cơ hội này. Tôi không phải nhận lỗi về những gì họ đã làm cho tôi. Mà trên thực tế, đó là lý do tại sao tôi muốn làm công việc này bởi vì tôi muốn mang lại các cơ hội đó cho mọi người”.

Bà Liz Truss từng đánh bại ông Sunak trong cuộc tranh tài vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Tài chánh Sunak đã được đưa vào văn phòng cấp cao nhất của Anh sau khi chức Thủ tướng của bà Truss bị sụp đổ sau một thời gian ngắn kỷ lục vì một kế hoạch kinh tế thảm hại làm chao đảo thị trường.

Sự sụp đổ của bà Truss mang lại cho ông Sunak một cơ hội ở chức vụ hàng đầu, nhưng các đối thủ muốn làm nổi bật sự giàu có của ông, một vấn đề đã khiến ông gặp khó khăn chính trị trong quá khứ, đặc biệt là khi ông cảnh báo rằng những thách thức lớn đang ở phía trước đối với đất nước.

“Những lời nói của ông Rishi Sunak sẽ không làm được gì để trấn an những người đang gặp khó khăn đang lo lắng về mùa Đông sắp tới”, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do ủng hộ EU, ông Ed Davey, nói.

Từ Ngân Hàng Goldman Cho Đến Tình Trạng Thuế “Không Cư Trú”

Ông Sunak được đào tạo tại trường tư ưu tú Winchester College trước khi vào Đại học Oxford, nơi ông học Chính trị, Triết học và Kinh tế, cũng như các Thủ tướng Đảng Bảo thủ trước đó là bà Truss và ông David Cameron.

Cha của ông là một Bác sĩ và mẹ ông là một Dược sĩ.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc với tư cách là nhà phân tích tại Goldman Sachs và tại một quỹ đầu tư trước khi tham gia chính trường.

Nhưng phần lớn tài sản của gia đình ông đến từ vợ ông, bà Akshata Murthy.

Trong một cuộc thăm dò được công bố vào ngày 24/10, Savanta ComRes yêu cầu cử tri mô tả ông Sunak bằng một từ. Kết quả cho thấy câu trả lời phổ biến nhất là “Giàu”.

Bố vợ của ông được Forbes định giá có tài sản 4,5 tỉ Mỹ kim. Hôm 25/10, bố vợ ông tuyên bố “tin rằng ông (Sunak) sẽ làm hết sức mình vì người dân Vương quốc Anh”.

Vợ của ông Sunak là một công dân Ấn Độ, với 0,93% cổ phần trong Infosys trị giá khoảng 721 triệu Mỹ kim, và khối tài sản của cặp vợ chồng này là một vấn đề gây chia rẽ đối với công chúng Anh.

Họ phải đối mặt với những lời chỉ trích và sự tức giận của công chúng vào tháng Tư về tình trạng thuế “không cư trú” của bà Murthy, có nghĩa là bà không nộp thuế ở Anh đối với thu nhập của mình ở ngoại quốc. Sau đó, bà từ bỏ tình trạng này và nói rằng bà sẽ trả thuế Anh trên thu nhập toàn cầu của mình.

Vào thời điểm đó, ông Sunak nói những thắc mắc về sự giàu có của bố vợ và vấn đề thuế của vợ ông là những nỗ lực có động cơ chính trị nhằm gây thiệt hại cho ông.

Nhưng với việc ông Sunak lên nắm quyền, Đảng Lao động đối lập đã tập trung làm sao để xóa bỏ hoàn toàn “tình trạng thuế không cư trú”, đồng thời chỉ trích thành tích của ông Sunak về việc giải quyết tài chánh công lẫn tài chánh cá nhân của ông.

“Đây cũng chính là ông Rishi Sunak, người với tư cách là Bộ trưởng Tài chánh đã thất bại trong việc phát triển nền kinh tế, không kiềm chế được lạm phát và không giúp được các gia đình đang gặp khủng hoảng về chi phí đời sống của Đảng Bảo thủ”, Phó lãnh đạo đảng Lao động Angela Rayner nói ngày 24/10.

“Và đó cũng là ông Rishi Sunak, người mà gia đình đã tránh nộp thuế ở đất nước này trước khi ông đánh thuế lên những người khác”.


Thu Hút Tò Mò: Nữ Đại Gia Vợ của Tân Thủ tướng Anh Là Ai?


(Hình: Ông Rishi Sunak, vợ là bà Akshata Murthy và hai con gái Anoushka, Krishna tham dự một sinh hoạt lãnh đạo của Đảng Bảo thủ tại Grantham, Anh, ngày 23/7/2022.)

Việc ông Rishi Sunak lên nắm quyền đã thu hút sự chú ý ở Ấn Độ - và không chỉ vì ông là Thủ tướng Anh gốc Á đầu tiên.

Ông Sunak không chỉ là nhà lãnh đạo trẻ nhất của Anh trong 200 năm, mà còn là Thủ tướng không phải người da trắng đầu tiên của đất nước. Và nhờ phần lớn vào người vợ tên là Akshata Murty, ông Sunak sẽ là một trong những người giàu nhất vươn tới đỉnh cao của chính trị.

Vợ ông, bà Akshata Murty, là con gái của tỉ phú Ấn Độ Narayana Murthy, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước được mệnh danh là Bill Gates của Ấn Độ.

Là người thừa kế khối tài sản trị giá hàng tỉ Mỹ kim, bà Murty bị chú ý khi đầu năm nay xuất hiện thông tin bà không phải trả bất kỳ khoản thuế nào cho Anh đối với các khoản thu nhập của bà bên ngoài Vương quốc Anh. Sau đó, bà đã đồng ý trả thuế cho Vương quốc Anh đối với thu nhập trên toàn thế giới của mình.

Hồi mới vài tháng tuổi, bà được gửi đến sống với ông bà nội để cha mẹ bà thăng tiến sự nghiệp ở Mumbai.

Một năm sau, cha bà đồng sáng lập Infosys, một công ty dịch vụ Kỹ thuật Thông tin đưa ông trở thành một trong những cá nhân giàu nhất Ấn Độ.

Cha mẹ giàu có của bà Murty cũng tập cho hai đứa con của mình học hành và làm việc cật lực. Ông Murthy cho biết không có TV trong nhà để dành thời gian cho “những việc như học tập, đọc sách, thảo luận và gặp gỡ bạn bè”.

Bà tiếp tục theo học kinh tế và tiếng Pháp tại trường tư thục cấp tiến Claremont McKenna ở California. Bà Murty sau đó lấy bằng tốt nghiệp tại một trường thời trang trước khi làm việc tại Deloitte và Unilever và theo học MBA tại Đại học Stanford.

Tại trường Đại học, bà đã gặp ông Sunak. Họ kết hôn năm 2009 tại thành phố Bangalore (Ấn Độ).

Hai người có hai con gái, Krishna và Anoushka, và vào năm 2015, ông Sunak được bầu làm Nghị sĩ của Đảng Bảo thủ tại Richmond ở North Yorkshire.

Người phụ nữ 42 tuổi này bắt đầu sự nghiệp tài chánh ở California trước khi thành lập nhãn hiệu thời trang của riêng mình, Akshata Designs, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, tờ Guardian đưa tin rằng công việc kinh doanh ấy sụp đổ trong vòng 3 năm.

Một trong những lợi ích kinh doanh chính của bà là chi nhánh Catamaran Ventures có trụ sở tại Luân Đôn, được thành lập bởi bà Murty và ông Sunak vào năm 2013 và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Trên danh mục Đăng ký các Công ty, bà Murty cũng được liệt kê là Giám đốc của chuỗi phòng tập thể dục Digme Fitness.

Hồ sơ của bà Murty trên LinkedIn cũng liệt kê bà là Giám đốc của New & Lingwood, chuyên bán quần áo nam cao cấp.

Bà sở hữu 0,9% cổ phần của Infosys, công ty nhu liệu điện toán Ấn Độ của cha bà, theo báo cáo thường niên mới nhất của công ty, ước tính trị giá khoảng 700 triệu bảng Anh.

Khoản này chiếm phần lớn giá trị tài sản ròng của vợ chồng bà, ước tính 730 triệu bảng Anh (830 triệu Mỹ kim), theo Danh sách Người giàu của Sunday Times, một bảng xếp hạng hàng năm về những người giàu nhất ở Anh.

Ngay cả Nữ hoàng Elizabeth cũng không giàu như vậy - tờ Sunday Times nói giá trị tài sản ròng của nữ hoàng quá cố là 370 triệu bảng Anh (khoảng 420 triệu đô) trước khi bà qua đời. Và địa vị siêu giàu này gần như đã khiến ông Sunak gặp trở ngại để vươn lên dẫn đầu.

Khi được hỏi về sự giàu có của hai vợ chồng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tám với tờ Times của Vương quốc Anh, ông Sunak nói: “Tôi nghĩ rằng ở đất nước này, chúng ta đánh giá mọi người bằng tính cách và hành động của họ, không phải bằng những gì trong tài khoản ngân hàng của họ. Hôm nay tôi thật may mắn nhưng tôi đã không lớn lên như thế này. Tôi đã làm việc thực sự chăm chỉ cho những gì tôi có được, gia đình tôi làm việc chăm chỉ và đó là lý do tại sao tôi muốn làm công việc này”.

Ở Anh, bà Murty và ông Sunak được liệt kê là Giám đốc của một công ty vốn Catamaran Ventures, được thành lập bởi cha bà. (BBC/CNN)

Trung Quốc Coi Cả Thế Giới Là Của Mình! The Hague Điều Tra Về Những “Đồn Cảnh Sát” Trung Quốc ở Hòa Lan


- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 26/10/2022, Bộ Ngoại giao Hòa Lan tuyên bố mở điều tra về các thông tin theo đó, Bắc Kinh dường như cho lập hai “đồn cảnh sát bất hợp pháp” tại Hòa Lan để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.

Trả lời thông tấn xã AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Maxime Hovenkamp cho biết, “các Bộ Tư pháp và An ninh cùng với Bộ Ngoại giao ghi nhận báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders và sẽ xem xét nội dung một cách nghiêm túc”. Ông nói thêm: “Hiện Bộ Ngoại giao đang điều tra về các hoạt động của những cơ sở được cho là trung tâm cảnh sát. Một khi chúng tôi làm sáng rõ vấn đề, những biện pháp thích hợp sẽ được đưa ra”.

Theo giới truyền thông Hòa Lan, Trung Quốc giải thích việc lập hai “đồn cảnh sát”, một ở Amsterdam và một ở Rotterdam, nhằm cung cấp các trợ giúp Lãnh sự, ngoại giao cho công dân Trung Quốc. Thế nhưng, việc thành lập các cơ sở này lại không được khai báo với chính phủ Hòa Lan.

Trên thực tế, những “đồn cảnh sát” được sử dụng để bịt miệng mọi tiếng nói của giới đối lập chính trị Trung Quốc, theo như cáo buộc từ nhiều kênh truyền thông Hòa Lan là RTL và trang mạng điều tra Follow the Money, khi dẫn lời một nhân chứng là một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc sống ở Hòa Lan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng, cho đấy là những thông tin “hoàn toàn ngụy tạo” và những “điểm dịch vụ” này làm nhằm hỗ trợ hành chính cho công dân Trung Quốc như đổi mới bằng lái xe chẳng hạn.

Các Văn Phòng ‘Bất Hợp Pháp!’ của Trung Quốc ở Hòa Lan Bị Điều Tra!

*

(Hình: Ông Wang Jingyu, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nói đại diện từ một văn phòng bất hợp pháp của Trung Quốc ở Rotterdam, Hòa Lan, đã tìm cách gây áp lực buộc ông trở về Trung Quốc.)

Hòa Lan đang điều tra các văn phòng hoạt động bất hợp pháp tại Hòa Lan nhân danh chính phủ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 26/10/2022.

Cuộc điều tra diễn ra sau khi có tường thuật của RTL Nieuws và trang web “Theo dấu Tiền tệ” rằng hai văn phòng kiểu này đã thực hiện các chức năng, bao gồm cả việc gia hạn từ xa bằng lái xe của công dân Trung Quốc.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc cho biết trong một email trả lời thông tấn xã Reuters rằng họ “không biết về vấn đề này... và không liên quan”.

“Các cơ quan Tư pháp và thực thi pháp luật của Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền Tư pháp của các quốc gia khác”, Tòa Ðại sứ Trung Quốc nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hòa Lan Maxime Hovenkamp cho biết: “Chúng tôi hiện đang điều tra trong tư cách của bộ xem chuyện gì đang diễn ra tại các trung tâm đó, khi có thêm thông tin, chúng tôi sẽ quyết định hành động thích hợp”.

Bà Hovenkamp nói: “Điều chính xác là chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ thông báo cho chúng tôi về các trung tâm này thông qua các kênh ngoại giao, cho nên các trung tâm này trước hết đã là bất hợp pháp”.

RTL phỏng vấn ông Wang Jingyu, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, người cho biết đại diện từ một văn phòng như vậy ở Rotterdam đã tìm cách gây áp lực buộc ông trở về Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch sách nhiễu giới bất đồng chính kiến của Trung Quốc.

Một cuộc nghiên cứu vào tháng Chín của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid cho biết các cơ quan công an Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở 30 quốc gia và đang sử dụng chúng để thúc đẩy các mục đích chính trị ở ngoại quốc, bao gồm “các hoạt động cảnh sát bí mật và bất hợp pháp ở Tây Ban Nha”.

Phát ngôn viên Laura Harth của Safeguard Defenders cho biết mục đích của những trung tâm ngầm này là để đảng Cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt những chỉ trích trong cộng đồng hải ngoại “giống như những gì họ làm ở quê nhà”.

Bắc Kinh bảo vệ chính sách đối ngoại quyết đoán hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi một người biểu tình Hồng Kông đầu tháng này bị kéo vào Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Manchester (Anh) và bị đánh ‘hội đồng’ ngay tại đó.


Nghị Sĩ Phi Luật Tân Trình Dự Luật Ngăn Máy Bay, Tàu Thuyền Trung Quốc Xâm Phạm, Coi Biển Đông Là Của Mình!


(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos chủ trương xây dựng mối quan hệ khẳng khít với Trung Quốc.)

Một Nghị sĩ Phi Luật Tân đã trình lại Dự luật ngăn chặn máy bay, tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vào lãnh hải và không phận, bằng cách chỉ cho các phương tiện đó hoạt động trên tuyến đường biển và đường hàng không được chỉ định và quy định mức án tù cho cơ trưởng, thuyền trưởng hoặc chủ tàu.

Phi Luật Tân đã nhiều lần phàn nàn về các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, bao gồm cả sự hiện diện lâu ngày của hàng trăm tàu đánh cá mà họ tin rằng trên đó có dân quân. Phi Luật Tân lập luận rằng những phương tiện đó không thực hiện “sự qua lại vô hại”, như được cho phép theo luật pháp quốc tế.

Phi Luật Tân từ lâu đã cáo buộc các tàu Trung Quốc quấy rối và làm gián đoạn các hoạt động đánh bắt, việc này nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Dự luật do Nghị sĩ Rufus Rodriguez đưa ra chỉ định các tuyến đường biển và đường hàng không đặc biệt và quy định các quy tắc mà tàu thuyền và máy bay ngoại quốc phải tuân theo khi họ đi qua vô hại.

“Không có tàu thuyền nào của Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác được phép vào vùng biển của chúng ta mà không có sự chấp thuận của chúng ta trừ phi họ đi qua vô hại trên các tuyến đường biển được chỉ định”, ông phát biểu hôm 26/10.

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr đang muốn theo đuổi quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc nhưng cũng nói rõ rằng ông hứa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chống lại bất kỳ hành vi xâm phạm nào của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Manila đã không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức.

Dự luật đã được Hạ viện thông qua nhưng không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện.

Dự luật nêu rõ tàu thuyền hay máy bay phải đi qua càng nhanh càng tốt và không được đi chệch các tuyến đường được chỉ định quá 25 hải lý, hay không được đánh bắt hoặc khai thác tài nguyên trong quá trình đi qua. Dự luật cũng cấm hoạt động nghiên cứu trong vùng trừ khi được chính phủ Phi Luật Tân chấp thuận.

Dự luật đặt ra mức án tù lên đến hai năm hoặc phạt tiền hơn 1 triệu Mỹ kim hoặc cả hai đối với thuyền trưởng, cơ trưởng, chủ sở hữu hoặc người điều khiển tàu hoặc máy bay vi phạm.

Đài Loan Cảnh Báo: Trung Quốc Có Thể Mở Mặt Trận, Tăng Sức ‘Tấn Công’ Ngoại Giao Lên Đài Bắc!


(Hình: Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp.)

- Ngày 26/10/2022, Ngoại trưởng Đài Loan nói Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường “các cuộc tấn công và đe dọa” đối với hòn đảo tự trị “đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao”, sau đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức vào tuần trước.

Trong một báo cáo trước Quốc hội, ông Ngô Chiêu Nhiếp cho biết Đài Loan nhận được “các dấu hiệu” và thông tin tình báo từ các đồng minh ngoại giao rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút các đồng minh của Đài Loan để họ bỏ Đài Loan đứng về phía Trung Quốc.

Dưới nhiệm kỳ của ông Ngô, 6 quốc gia từng công nhận Đài Bắc đã chuyển sang công nhận Bắc Kinh và chỉ còn 14 quốc gia hiện chính thức công nhận chính quyền của Đài Loan, hầu hết là các nước nghèo và đang phát triển ở Thái Bình Dương, Mỹ Châu Latinh và Caribbean.

Trung Quốc đã tăng cường áp lực ngoại giao và quân sự để cố gắng buộc Đài Loan chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc, trong khi chính phủ Đài Loan nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ, và vì Đài Loan chưa bao giờ bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cai trị nên tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô hiệu.

Cùng ngày 26/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói Trung Quốc đã quyết định rằng nguyên trạng về vấn đề Đài Loan là “không thể chấp nhận được nữa” và gây thêm áp lực lên hòn đảo tự quản này.

Ông Blinken, phát biểu tại một sự kiện do Bloomberg tổ chức, cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không ‘chiến tranh lạnh’ với Trung Quốc nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình.

Tình Hình Chiến Sự Nga & Ukraine: Quân Nga Đang Cố Thủ, Chuẩn Bị Cho Trận Đánh Ác Liệt Nhất, Một Mất Một Còn Ở Kherson!


(Hình: Thường dân di tản khỏi thành phố Kherson đang chuẩn bị lên xe buýt để đến bán đảo Crimea.)

Các lực lượng Nga đang cố thủ để chuẩn bị cho ‘trận chiến đánh quyết liệt nhất’ ở vùng Kherson chiến lược ở miền Nam Ukraine, một viên chức cấp cao của Ukraine cho biết, trong lúc Ðiện Cẩm Linh chuẩn bị phòng vệ ở thành phố lớn nhất mà họ kiểm soát ở Ukraine.

Giới chức do Nga dựng lên đã khuyến khích người dân di tản đến bờ Đông, nhưng ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy bản thân quân Nga đang chuẩn bị từ bỏ thành phố.

“Với Kherson, mọi thứ đều rõ ràng. Quân Nga đang tiếp tế, củng cố quân lực của họ ở đó”, Arestovych nói trong một đoạn băng được đăng trên mạng vào tối 25/10/2022.

“Điều đó có nghĩa họ không hề chuẩn bị rút lui. Ngược lại, những trận đánh quyết liệt nhất sẽ diễn ra để giành lấy Kherson”.

Trong số 4 tỉnh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập hồi tháng Chín, Kherson có thể nói là quan trọng nhất về chiến lược. Nơi này án ngữ cả tuyến đường bộ duy nhất đến bán đảo Crimea mà Nga chiếm được hồi năm 2014 lẫn cửa sông Dnipro, con sông rộng chia cắt Ukraine.

Yuri Sobolevsky, thành viên Hội đồng khu vực Kherson đứng về phía Ukraine, là hội đồng đã bị mất quyền, cho biết giới trách do Nga dựng lên đang gây áp lực ngày càng tăng lên người dân Kherson để buộc họ rời thành phố và đi đến Nga.

“Các quá trình truy tìm và sàng lọc cũng như khám nhà và xe đang được đẩy mạnh”, ông viết trên Telegram, ý nói đến việc quân Nga thẩm vấn và bắt giữ người trước khi đưa một số người vào sâu trong vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Nga cho biết họ đang di tản người dân vì sự an toàn của chính họ.

Một phóng viên thông tấn xã Reuters ở một ngôi làng hẻo lánh gần tiền tuyến Kherson không nghe thấy tiếng súng hay tiếng pháo nào hôm 25/10. Cư dân ở đây nói họ hy vọng quân Nga sẽ sớm rút khỏi Kherson.

Ở Đông-Bắc, quân Nga tiếp tục cố gắng chiếm lấy thị trấn Bakhmut, nằm trên con đường chính dẫn đến các thành phố Sloviansk và Kramatorsk ở tỉnh Donetsk, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm 26/10.


Nga Gây Chiến, Sẽ Không Ngừng Nêu Cáo Buộc Rằng Ukraine Sẽ Dùng Bom Bẩn!


(Hình: Nga đã đưa cáo buộc về Ukraine sắp sử dụng bom bẩn ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.)

- Hôm 26/10/2022, Nga cho biết họ sẽ tiếp tục thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ tin là Ukraine có ý định kích nổ một ‘quả bom bẩn’ với các chất gây ô nhiễm phóng xạ.

Kyiv và các đồng minh phương Tây không chỉ bác bỏ cáo buộc của Nga mà còn bày tỏ lo ngại rằng Mạc Tư Khoa đang viện đến việc này để làm cớ leo thang hơn nữa cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp gồm các viên chức tình báo của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), nhóm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, rằng phương Tây đang “bơm” vũ khí hạng nặng cho Ukraine, đồng thời nói thêm: “Họ cũng có kế hoạch sử dụng cái gọi là ‘bom bẩn’ để khiêu khích”.

Phát ngôn nhân Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov trước đó đã nói với báo giới: “Chúng tôi có thông tin cho thấy Ukraine đang chuẩn bị cho hành động phá hoại mang tính khủng bố như vậy, và chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt truyền đạt quan điểm của mình tới cộng đồng thế giới để khuyến khích họ có những bước đi tích cực để ngăn chặn hành vi vô trách nhiệm như vậy”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 26/10 đã đưa ra lời kêu gọi với những người đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc để truyền đạt cảnh báo của Mạc Tư Khoa, sau một loạt các cuộc gọi vào đầu tuần với các Bộ trưởng Quốc phòng trong Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Mạc Tư Khoa cũng đã đưa cáo buộc của mình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 25/10, và bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp kín.

Nga không công bố bằng chứng mà họ khẳng định là họ có, nhưng cho biết họ đã chuẩn bị cho binh lính của họ hoạt động trong tình trạng ô nhiễm nguyên tử.

Phó Ðại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyansky, nói với các phóng viên sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng họ đã chuyển thông tin tình báo cho các đối tác phương Tây với ‘mức độ giải mật cần thiết’.

Phó Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc James Kariuki gọi những cáo buộc của Nga là ‘đơn thuần là gây nhiễu thông tin theo kiểu mà chúng ta đã thấy nhiều lần trước đây’.


Nga Cáo Buộc Ukraine Dùng “Bom Bẩn”: Nhằm Chuẩn Bị Leo Thang Chiến Tranh hay Chỉ Muốn Đánh Lạc Hướng?

(Thanh Phương)

*
Hôm 25/10/2022, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga một lần nữa cáo buộc Kyiv chuẩn bị cho nổ một quả “bom bẩn” ngay trên lãnh thổ Ukraine, để rồi vu cáo cho Mạc Tư Khoa sử dụng loại vũ khí này.

Đó là những cáo buộc mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra hôm Chủ Nhật (23/10) vừa qua trong các cuộc điện đàm với các đồng nhiệm Mỹ, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ thứ hai, các nước phương Tây và Ukraine đều đã bác bỏ cáo buộc “vô lý” này của Nga.

Câu hỏi được đặt ra bây giờ là khi đưa ra những cáo buộc như trên, Mạc Tư Khoa chỉ muốn đánh lạc hướng, hay thật sự đang chuẩn bị leo thang trong chiến tranh Ukraine, tức là chuẩn bị sử dụng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật?

Hãng tin AFP nhắc lại là lần đầu tiên, vào giữa tháng Năm vừa qua, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và quân đội Mỹ, Valery Gerasimov et Mark Milley, đã thảo luận về về kịch bản nổ “bom bẩn” ở Ukraine. “Bom bẩn” là loại bom sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Theo định nghĩa của Ủy ban An toàn Nguyên tử Mỹ, “bom bẩn” không phải là một “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, mà đúng hơn đây là một “vũ khí gây xáo trộn hàng loạt”, chủ yếu gây nhiễm xạ và gây sợ hãi.

Trả lời nhật báo Pháp Le Monde hôm 24/10, tướng Dominique Trinquand, một chuyên gia quân sự về địa chiến lược, đã nhắc lại rằng “bom bẩn” chưa bao giờ được sử dụng trên thế giới, mà cho tới nay đấy chỉ là một vũ khí mang tính đe dọa.

Hôm 25/10, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP trên chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ USS George H.W. Bush, hiện đang thao dượt ở vùng Địa Trung Hải, Tổng Thư ký khối NATO John Stoltenberg cho rằng cáo buộc của Nga về khả năng Ukraine sử dụng “bom bẩn” là một “chiến thuật cố hữu” của Mạc Tư Khoa: Cáo buộc người khác làm những gì mà chính họ có ý định làm. Ông Stoltenberg tuyên bố mạnh mẽ:” Nga phải hiểu là chúng ta không chấp nhận bất cứ những cái cớ ngụy tạo nào để leo thang trong chiến tranh Ukraine”.

Nói chung, Kyiv và các nước phương Tây nghi ngờ chính Nga đang chuẩn bị cho nổ một quả “bom bẩn” nhằm biện minh cho việc trả đũa bằng một vũ khí nguyên tử chiến thuật.

Vào giữa tháng Ba, sau khi thất bại trong cuộc tấn công chớp nhoáng để giành chính quyền ở Kyiv, Mạc Tư Khoa đã từng cáo buộc chính phủ của Tổng thống Zelensky đang có những phòng thí nghiệm nhằm chế tạo các vũ khí hóa học và sinh học.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kịch bản Nga cho nổ một quả “bom bẩn” để biện minh cho một cuộc tấn công nguyên tử chiến thuật có vẻ khó xảy ra. Thứ nhất, các cơ quan tình báo phương Tây không quan sát thấy bất cứ thay đổi nào trong chiến lược nguyên tử của Nga.

Thứ hai, trả lời thông tấn xã AFP, ông William Alberque, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS ở Luân Đôn, cho rằng “nếu Nga dùng đến “bom bẩn”, chúng ta sẽ biết ngay. Khác với việc chế tạo vũ khí hóa học, dùng đến vật liệu nguyên tử để chế tạo vũ khí sẽ để lại các dấu vết rất dễ xác định”. Vị chuyên gia này cho rằng “ đây chỉ là làm ồn ào để gây sợ hãi và sau này Mạc Tư Khoa có thể tự nhận là chính họ đã khiến Kyiv từ bỏ việc sử dụng bom bẩn”.

Theo một nguồn tin quân sự phương Tây được thông tấn xã AFP trích dẫn, phía Nga đưa ra những cáo buộc này do họ đang gặp những khó khăn thật sự trên chiến trường trước những đợt phản công của lực lượng Ukraine, 8 tháng sau khi Tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng.

Trên báo Le Monde, chuyên gia quân sự Dominique Trinquand cũng cho rằng các cáo buộc của Nga về việc Kyiv chuẩn bị sử dụng “bom bẩn” chính là nhằm khỏa lấp việc lực lượng của họ đang lặng lẽ rút khỏi miền Nam Ukraine, nhất là khỏi vùng Kherson hiện đang bị quân Ukraine tấn công. Nói cách khác, Mạc Tư Khoa muốn đánh lạc hướng thế giới, để không ai để ý đến thất bại của quân đội Nga trong cuộc chiến này.


Tổng Thống Ukraine Kêu Gọi Quốc Tế Viện Trợ 38 Tỉ Mỹ Kim Để Bù Đắp Thâm Hụt Ngân Sách

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 25/10/2022, tại hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine, được tổ chức ở thủ đô Bá Linh của Đức, phát biểu qua video từ Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của Ukraine năm 2023, được dự báo sẽ lên tới 38 tỉ Mỹ kim.

Về phần Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông kêu gọi phải giúp Ukraine tái thiết ngay từ bây giờ, và quốc tế phải có một “kế hoạch Marshall” cho Ukraine. Từ Bá Linh, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài RFI tường trình:

“Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen nhắc lại những số tiền được nêu lên gây ấn tượng rất mạnh: Ngân hàng Thế giới (WB) thẩm định thiệt hại mà Ukraine gánh chịu cho tới nay lên tới 350 tỉ Euro.

Trong ngắn hạn, chính quyền Kyiv phải tìm nguồn tài chánh cho ngân sách của mình. Phát biểu qua video, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 38 tỉ Mỹ kim để bù đắp thâm hụt ngân sách của Ukraine.

Bà Ursula von der Leyen đã lập lại cam kết của Liên Hiệp Âu Châu cấp cho Ukraine 1,5 tỉ Mỹ kim mỗi tháng. Liêu Âu hy vọng Hoa Kỳ sẽ có một cam kết tương tự.

Tại hội nghị, Thủ tướng Ukraine cũng đã nhắc lại là nước này cần một khoản viện trợ khẩn cấp 17 tỉ Mỹ kim do mùa Đông đang đến gần. Ông Denys Chmyhal gián tiếp lưu ý các nước phương Tây rằng khoản viện trợ này sẽ làm giảm bớt số người Ukraine ra ngoại quốc. Thủ tướng Ukraine nói: “Chúng tôi cần một khoản viện trợ khẩn cấp 17 tỉ Mỹ kim để bảo vệ Ukraine khỏi một thảm họa nhân đạo và để bảo vệ Âu Châu khỏi một cơn sóng thần do làn sóng tị nạn gây ra”.

Lên tiếng cùng với Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu hôm qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có một cam kết dài hạn, nhưng đồng thời nhấn mạnh là ngay từ bây giờ phải viện trợ ồ ạt cho Kyiv. Ông nói: “Đây là một cam kết lâu dài qua nhiều thế hệ và thật sự đây là một kế hoạch Marshall cho Ukraine”.

Ông Olaf Scholz và bà Ursula von der Leyen đều nêu lên viễn cảnh Ukraine trong Liên Hiệp Âu Châu, đồng thời nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của quốc tế phải đi cùng với những cải cách của Ukraine để chuẩn bị cho viễn cảnh đó”.

Theo thông báo của phủ Thủ tướng Anh, hôm 25/10, tân Thủ tướng Rishi Sunak đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bày tỏ sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Luân Đôn đối với Kyiv trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Về phần Tổng thống Zelensky, trong một video, ông tỏ ý hy vọng tăng cường quan hệ giữa Ukraine và Anh Quốc, đồng thời cho biết đã mời Thủ tướng Sunak đến thăm Ukraine.

Tại Mỹ, Đồng Thuận Chính Trị Cộng Hòa, Dân Chủ, Trong Hồ Sơ Ukraine Đang Bị Rạn Nứt!

- Ngày 26/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay cho đến nay, sự hỗ trợ quân sự và tài chánh cho Ukraine là một trong những chủ đề hiếm hoi có được sự đồng thuận chính trị tại Mỹ.

Thế nhưng, ngày 24/10, 30 Dân biểu, thuộc cánh tả trong đảng Dân chủ, đảng của Tổng thống Joe Biden đã đề nghị nguyên thủ Mỹ xem xét lại chiến lược của Hoa Kỳ về chiến tranh Ukraine. Thậm chí họ còn kêu gọi ông Biden tiến hành đàm phán trực tiếp với Nga. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

Chính quyền Mỹ không giấu giếm việc Tổng thống dành nhiều thời gian xây dựng và củng cố liên minh phương Tây để hỗ trợ Ukraine. Nhưng giờ đây, ông phải quan tâm nhiều hơn tới đối nội, thậm chí bên trong đảng của mình.

Những người cấp tiến, cánh tả trong đảng Dân chủ đã viết thư cho Tổng thống Biden gợi ý ông mở kênh đàm phán với Nga. Điều này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội bên trong đảng Dân chủ, bao gồm cả các Dân biểu đã từng ký vào bức thư này vào mùa Hè vừa rồi và họ giải thích là nếu vào thời điểm hiện nay thì họ sẽ không ký nữa.

Do đó, bức thư đã vội vàng được rút lại, và chính quyền khẳng định rằng bức thư bị đăng nhầm bởi một cộng tác viên ở Quốc hội. Thế nhưng, điều tồi tệ đã xẩy ra mất rồi.

Tình hình này diễn ra vài ngày sau khi Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Hạ viện và là người muốn trở thành Chủ tịch Hạ viện trong trường hợp có sự thay đổi về đa số Quốc hội vào tháng 11, giải thích rằng nếu ông lên nắm quyền ở Hạ viện, sẽ không có chuyện Ukraine được trợ giúp vô điều kiện.

Hoa Kỳ đã quyết định viện trợ 60 tỉ Mỹ kim. Elon Musk, người giàu nhất thế giới đã nói về ý tưởng đánh đổi những vùng lãnh thổ đã bị Nga xâm chiếm để có hòa bình.

Tòa Bạch Ốc vẫn tiếp tục duy trì quan điểm của mình. Sẽ không có gì được quyết định về Ukraine mà không có ý kiến của Ukraine và Tổng thống Zelensky sẽ là người quyết định nếu ông muốn đàm phán với Nga.

Hiểm Họa Bắc Hàn Gây Chiến: Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn Cảnh Báo Đáp Trả ‘Sẽ Có Những Biện Pháp Mạnh Mẽ Hơn Nhiều’ Nếu Bình Nhưỡng Thử Nguyên Tử!

*

(Hình: Thứ trường Ngoại giao 3 nước Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ bày tỏ tình đoàn kết trong việc ứng phó với Bắc Hàn.)

Hôm 26/10/2022, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn cảnh báo họ sẽ chắc chắn đáp trả ở quy ‘mạnh mẽ hơn’ nếu Bắc Hàn tiến hành vụ thử bom nguyên tử thứ bảy của họ.

Hoa Thịnh Ðốn và các đồng minh tin rằng Cộng sản Bắc Hàn có thể sắp nối lại việc thử bom nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.

“Chúng tôi nhất trí rằng sẽ cần phải phản ứng ở cấp độ mạnh mẽ hơn nếu Bắc Hàn tiến tới thử nguyên tử lần thứ bảy”, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Nam Hàn Cho Hyun-dong nói trong một cuộc họp báo ở Tokyo.

Ông Cho phát biểu bên cạnh những người đồng cấp Nhật Bản và Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.

Mỹ và các đồng minh không cung cấp nhiều chi tiết về những biện pháp mới mà họ có thể thực hiện và các nhà quan sát nói rằng họ có ít lựa chọn tốt để ngăn chặn Bắc Hàn tiếp tục thử nghiệm nguyên tử.

Lần đầu tiên kể từ khi Cộng sản Bắc Hàn bắt đầu thử vũ khí nguyên tử hồi năm 2006, Trung Quốc và Nga trong năm nay đã phủ quyết các biện pháp trừng phạt bổ sung của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ thúc đẩy, và việc đẩy mạnh các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh bị Bắc Hàn đáp trả bằng nhiều lần thử vũ khí và tập trận hơn nữa.

“Chúng tôi kêu gọi Bắc Hàn kiềm chế hơn nữa các hành động khiêu khích”, bà Sherman nói và gọi những hành động này là ‘liều lĩnh và gây bất ổn sâu sắc cho khu vực’.

“Bất cứ điều gì xảy ra ở đây, chẳng hạn như một vụ thử nguyên tử của Bắc Hàn... có tác động đối với an ninh toàn thế giới”, bà nói, gửi một thông điệp không hề giấu diếm tới những nước ủng hộ Bình Nhưỡng, Trung Quốc và Nga, tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng tất cả các thành viên trong Hội đồng Bảo an sẽ hiểu rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí nguyên tử nào cũng sẽ thay đổi thế giới theo những cách không thể lường được”.

Cộng sản Bắc Hàn đã tiến hành các vụ thử vũ khí với tốc độ chưa từng có trong năm nay, khi họ đã bắn hơn hai chục phi đạn-đạn đạo, trong đó có một phi đạn bay qua Nhật Bản.

Đáp lại, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã cam kết tăng cường hợp tác, ông Mori nói.

“Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và ứng phó của liên minh Nhật-Mỹ và liên minh Mỹ-Hàn, và thúc đẩy hợp tác an ninh hơn nữa giữa ba nước”, ông Mori nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét