Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :24//10/2022 - ĐHL


Tổng thống Pháp đề xuất thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine Phát biểu tại hội nghị hòa bình do một quỹ từ thiện tổ chức ở Rome (Italy) ngày 23/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Triển vọng hòa bình (ở Ukraine) vẫn còn, điều này sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó. Tại một thời điểm cụ thể, khi người dân Ukraine và giới lãnh đạo đồng ý với các điều khoản của vấn đề này, thì một thỏa thuận hòa bình có thể được xây dựng với bên kia". Nhà lãnh đạo Pháp từng nêu quan điểm tương tự hồi đầu mùa hè rằng "Ukraine sẽ quyết định khi các điều kiện chín muồi để thiết lập lại hòa bình".
<!>
Ông Macron cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì các kênh ngoại giao của phương Tây với Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ông tuyên bố, Pháp và các đồng minh, đối tác phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể.

Phương Tây đang tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trong thời gian tới, những thách thức trong nước như suy giảm kinh tế, lạm phát tăng, khủng hoảng năng lượng có thể chi phối khả năng viện trợ của các nước này dành cho Kiev.

Xung đột Nga - Ukraine chính thức tròn 8 tháng, song chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc hòa đàm tiếp tục bế tắc mặc dù hai bên khẳng định vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng.

Giới chức Nga cáo buộc Ukraine nhiều lần từ chối cơ hội đối thoại, thay vào đó muốn giải quyết xung đột bằng "chiến thắng trên chiến trường".

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố chỉ đàm phán khi Nga rút hết quân và họ giành lại toàn bộ lãnh thổ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tháng này đã ban hành sắc lệnh không đàm phán với Nga khi Tổng thống Vladimir Putin còn tại nhiệm.

"Họ (Nga) phải trao trả lại lãnh thổ của chúng tôi nếu muốn đàm phán. Họ phải rút quân khỏi lãnh thổ của chúng tôi, trả lại chúng tôi biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Sau đó chúng tôi quyết định sẽ đàm phán như thế nào, với ai", Tổng thống Zelensky hôm 22/10 nêu rõ.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, đàm phán phải diễn ra với điều kiện Nga không đưa ra "tối hậu thư", phải tôn trọng chủ quyền, tôn trọng đất nước, nhân dân và luật pháp Ukraine. "Với những điều kiện như vậy, hai bên mới có thể đối thoại", ông Zelensky nói, song cũng khẳng định kể cả khi xung đột chấm dứt, quan hệ hai bên không thể trở lại như trước.

Ông Zelensky cũng cam kết sẽ giành lại kiểm soát bán đảo Crimea cũng như Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và tiếp tục sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine đầu tháng này sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Điện Kremlin nói, Nga sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình và lãnh thổ sáp nhập bằng mọi vũ khí sẵn có, kể cả vũ khí hạt nhân.

Cựu quan chức Nga: Vận may của ông Putin đã hết


Truyền thông Mỹ newsweek đưa tin, Ông Boris Bondarev, cựu quan chức ngoại giao Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ nhật 23/10 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hết vận may.

Ông Bondarev đã từ chức Tham tán thuộc Phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vào tháng 5. Ông viết trong lá thư từ chức rằng cuộc chiến của Nga tại Ukraina “không chỉ là tội ác đối với người dân Ukraine, mà còn có thể là tội ác nghiêm trọng nhất đối với người dân Nga.”

Phát biểu về nhà lãnh đạo Putin trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Bondarev nói: “Tôi nghĩ 20 năm cầm quyền của ông ấy là một điều rất may mắn đối với ông ấy. Ông ấy không thông minh mà chỉ là may mắn. Giờ tôi nghĩ vận may của ông ấy đã hết.”

Nhà cựu ngoại giao cho rằng ông Putin sẽ sẵn sàng “hy sinh 10 hoặc 20 triệu người Nga chỉ để giành chiến thắng trong cuộc chiến này… Đó là vấn đề chính trị sống còn đối với ông ấy.”

Ông Bondarev nói thêm: “Mọi người phải hiểu rằng, nếu ông ta thua trong cuộc chiến, đó sẽ là dấu chấm hết cho ông ta.”

Nhà cựu ngoại giao nói rằng nếu TT Putin thua trong cuộc chiến, thì “ông ấy sẽ phải giải thích cho giới tinh hoa và người dân của ông ấy tại sao lại như vậy và ông ấy có thể thấy khó khăn trong việc giải thích điều này.”

Cựu giám đốc CIA nêu kịch bản Mỹ có thể sẽ đưa quân tới Ukraine


Theo cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus, Mỹ và các đồng minh có thể tham chiến ở Ukraine ngay cả khi không có mối đe dọa nào với thành viên khối NATO.

Trong cuộc phỏng vấn với tuần san L’Express của Pháp hôm 22/10, ông Petraeus nhận định rằng trong trường hợp Nga thực hiện một số hành động ở Ukraine mà “có thể gây sốc và khủng khiếp, thì điều đó sẽ khiến Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh tiến hành hành động đáp trả”.

“Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ có thể thiết lập một liên minh mới trong hoàn cảnh đó, và sử dụng nó để thay thế cho lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tôi phải nhấn mạnh rằng, NATO vẫn bị ràng buộc bởi các điều khoản của liên minh quân sự này, trong đó có điều khoản số 5 của Hiệp ước NATO. Tức liên minh quân sự này chỉ có thể tham chiến nếu một thành viên trong khối bị tấn công”, ông Petraeus nói.

“Bản thân tôi tin rằng, Nga cũng không có hứng thú trong việc leo thang cuộc xung đột ở Ukraine và biến nó trở thành một cuộc chiến toàn cầu. Một cuộc xung đột lớn hơn là điều cuối cùng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ở thời điểm này”, cựu Giám đốc CIA khẳng định.

Hãng tin CBS cho biết, tuyên bố về khả năng Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine từ ông Petraeus hoàn toàn có cơ sở. Bởi sĩ quan chỉ huy sư đoàn lính dù 101 của Mỹ đóng ở Romania trước đó một ngày đã cảnh báo về tình huống lực lượng này tiến vào lãnh thổ Ukraine.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào Ukraine nếu chiến sự leo thang. Việc chúng tôi được triển khai ở châu Âu là nhằm bảo vệ lãnh thổ của NATO. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất của NATO”, Phó chỉ huy sư đoàn lính dù 101 – Chuẩn tướng John Lubas nói.

Theo hãng thông tấn RT, sư đoàn lính dù 101 của Mỹ đang tham gia các bài tập trận bắn đạn thật và tấn công bằng đường không ở Romania. Chỉ huy Đội tác chiến lữ đoàn số 2 thuộc sư đoàn 101, Đại tá Edwin Matthaidess cho biết quân đội nước này “đang theo dõi sát sao quân đội Nga trong khi xây dựng các mục tiêu để thực hành, cũng như tổ chức các cuộc tập trận để mô phỏng chính xác những gì đang diễn ra ở Ukraine”.

ĐCS Trung Quốc ra mắt Ban Chấp hành Bộ Chính trị khóa 20


Ông Tập dẫn đầu ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa mới tiến vào hội trường hôm 23/10/2022.

Khoảng 1h chiều ngày 23/10 theo giờ địa phương tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình dẫn đầu ban chấp hành trung ương khóa mới đi vào hội trường và ra mắt báo chí.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đang phát sóng trực tiếp buổi ra mắt ban lãnh đạo trung ương ĐCSTQ khóa mới.

Thứ tự đi vào cũng là cấp bậc và chức vụ của các Ủy viên Thường vụ Trung ương khóa 20.

Ông Tập Cận Bình vừa giới thiệu thứ tự các ủy viên khóa mới như sau:

Tập Cận Bình
Lý Cường
Triệu Lạc Tế
Vương Hỗ Ninh
Thái Kỳ
Đinh Tiết Tường
Lý Hy
Theo kết quả Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương khóa 20 do Tân Hoa Xã đăng tải ngày 23/10, ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông Thái Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, nhậm chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương.

Ông Lý Hy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, thăng chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Thượng tướng Trương Hựu Hiệp tiếp tục tại vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Một Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương mới lên là Thượng tướng Hà Vệ Đông.

Theo thứ tự này, có thể suy đoán Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường sẽ tiếp quản vị trí Thủ tướng Quốc vụ viện vào tháng 3 năm sau.

Các chức vụ trong đảng sẽ nhậm chức vào cùng ngày công bố danh sách, còn các chức vụ trong nhà nước và chính phủ sẽ công bố và nhận chức vào tháng 3/2023.

Lý Cường: Chân dung nhân vật ‘sắp trở thành Thủ tướng Trung Quốc’


Đại hội Đảng XX đã bế mạc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, với việc Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường xếp thứ hai trong danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ sau ông Tập Cận Bình.

Theo cách công bố này của Tân Hoa Xã, gần như chắc chắn ông Lý Cường, sinh năm 1959, sẽ trở thành Thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường.

Lý Cường từng là thư ký cho Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Chiết Giang từ 2002 tới 2007.

Sau khi ông Tập dẫn dắt Đảng Cộng sản từ 2012, ông Lý Cường được bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng, gần nhất là chức Bí thư Thượng Hải năm 2017.

Sinh năm 1959 ở tỉnh Chiết Giang, Lý Cường vào Đảng năm 1983, học đại học về cơ giới hóa nông nghiệp tại Chiết Giang (1978-1982).

Sau này, ông cũng có thêm bằng MBA, nhờ học bán thời gian năm 2003-05, với Đại học Hong Kong Polytechnic.

Nhóm Chiết Giang

Ông Lý thường được gọi là nhân vật trong “Chiết Giang tân quân” - một nhóm cán bộ tỉnh Chiết Giang làm việc dưới thời ông Tập Cận Bình khi ông làm Bí thư Chiết Giang.

Nhóm này có Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, vừa được vào Thường vụ Bộ Chính trị ngày 23/10.

Lại có Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, cũng đang ngồi trong Bộ Chính trị.

Ông Lý Cường là thư ký của ông Tập Cận Bình trong 3 năm ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2003 đến 2007.

Tháng 6/2016, ông Lý Cường đã được thăng chức từ tỉnh trưởng Chiết Giang lên làm Bí thư tỉnh Giang Tô.

Tháng 10/2017, ông Lý Cường trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Khi đó, năm 2017, ngoài ông Lý Cường, lãnh đạo 3 thành phố lớn nhất gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh cũng có Bí thư đều là những người thân tín với ông Tập.

Tháng 10/2017, tại Đại hội Đảng 19, ông Lý Cường lần đầu tiên được bầu vào Bộ Chính trị.

Việc ông Lý Cường sắp thành Thủ tướng cũng có chi tiết lạ, đó là ông không từng giữ vị trí phó thủ tướng, theo truyền thống.

Dù vậy, ông được cho là có kinh nghiệm điều hành kinh tế, xã hội ở ba địa phương quan trọng hàng đầu: Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải.

Theo hồ sơ của viện nghiên cứu Brookings Institution, vợ của ông Lý Cường từng làm việc trong ngành giao thông vận tải của tỉnh Chiết Giang trước khi nghỉ hưu.

Hai vợ chồng có một con gái, đã du học ở Úc.

SpaceX giới thiệu dịch vụ Internet cho máy bay với tốc độ đủ để gọi video

Dịch vụ Internet của hãng SpaceX (được sáng lập bởi tỷ phú Elon Musk) có tên Starlink Aviation sẽ cung cấp tốc độ lên đến 43,75 MB/s, mức đủ nhanh để thực hiện được các cuộc gọi video từ trên không, trong đó cho phép tất cả hành khách truy cập và phát trực tuyến Internet cùng lúc. Theo dự kiến, dịch vụ này sẽ bắt đầu triển khai vào giữa năm 2023.

Cụ thể, hôm 20/10 vừa qua, hãng SpaceX hôm 20/10 đã công bố dịch vụ có tên Starlink Aviation, giúp cung cấp Wi-Fi trên máy bay tư nhân.

Được biết, Starlink là dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh của SpaceX. Dịch vụ này tạo nên một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh xung quanh Trái Đất, qua đó giúp cung cấp Internet tốc độ cao từ quỹ đạo thấp đến các vùng xa xôi, hẻo lánh trên Trái Đất.

Starlink Aviation dự kiến tính phí khoảng 150.000 USD cho phần cứng cần thiết để kết nối máy bay với hệ thống của Starlink. Chi phí đăng ký hàng tháng rơi vào khoảng 12.500 USD/tháng cho gói cơ bản và lên đến 25.000 USD cho gói dữ liệu không giới hạn.

“Với độ trễ thấp, hành khách có thể tham gia vào các hoạt động trước đây không thể thực hiện trong chuyến bay, bao gồm gọi điện video, chơi game trực tuyến hay các tác vụ yêu cầu tốc độ dữ liệu cao khác”, phía SpaceX giới thiệu về Starlink Aviation trên trang chủ.

Kể từ lần đầu được vận hành vào tháng 10/2020, hiện có khoảng 400.000 người đăng ký dùng Starlink, trong đó trải dài trên 36 quốc gia. Gần như mọi ông lớn hoạt động ở các lĩnh vực vận tải như du thuyền hạng sang, hàng không đều muốn trở thành đối tác của dịch vụ Internet này.

Sư đoàn 101 Nhảy Dù Mỹ tập trận gần biên giới Romania và Ukraine

Sư đoàn 101 Nhảy Dù Mỹ được đưa đến Châu Âu lần đầu tiên sau gần 80 năm, ở nơi chỉ cách biên giới Ukraine và Romania khoảng 3 dặm (4.83 km), trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Nga và các quốc gia trong liên minh quân sự NATO, theo bản tin CBS News hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Mười.

Đơn vị tinh nhuệ này có biệt danh là “Đại Bàng Gào Thét,” (“Screaming Eagles”) được huấn luyện để được huy động đưa đến bất kỳ chiến trường nào trên thế giới chỉ trong ít giờ.

Kể từ khi Tổng Thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai, các lực lượng Nga tiến về phía Bắc từ bán đảo Crimea, khu vực mà Moscow sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Trong hơn bảy tháng, Nga cố gắng đẩy mạnh các cuộc chiến dọc bờ biển Hắc Hải vào vùng Kherson nhằm đánh chiếm các thành phố cảng Mykolaiv và Odesa then chốt của Ukraine.

Mục tiêu của họ là cắt đứt mọi đường đi ra biển của Ukraine. Mối đe dọa này rất gần lãnh thổ của NATO ở Romania. Đó là lý do vì sao một trong những sư đoàn chiến đấu tinh nhuệ nhất của Mỹ được đưa đến với một số chiến cụ hạng nặng.

Cuộc tập trận diễn ra tại biên giới Ukraine – Romania, trong đó quân đội Mỹ và Romania có những cuộc tập trận chung trên bộ và trên không, và cũng có sự tham dự của chiến xa và pháo binh bắn đạn thật. Cuộc diễn tập nhằm mô phỏng các trận chiến mà lực lượng Ukraine đang hằng ngày đương đầu với Nga. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga, nói rằng Mỹ và quân đội luôn hiện diện.

Mỹ cũng đang lập nơi đồn trú tại một căn cứ không quân của Romania. Tổng cộng đợt này có 4,700 binh sĩ thuộc sư đoàn 101 Nhảy Dù, có hậu cứ tại Kentucky, được điều động đến sườn phía Đông của NATO. Đại Tá Edwin Matthaidess, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 2 Chiến Đấu, nói rằng Sư Đoàn 101 là lực lượng Mỹ hiểu biết nhiều nhất về cuộc giao tranh ở Ukraine. Họ “theo dõi sát sao” các lực lượng Nga, “xây dựng các mục tiêu để thực tập đối phó” và tiến hành các cuộc tập trận “mô phỏng chính xác những gì đang diễn ra” trong cuộc chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét