Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

PUTIN VÀ TẬP ĐANG ĐI VÀO NGÕ CỤT - Đại-Dương

Kết thúc Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) bằng hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Thành phố Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945 và ném xuống Thành phố Nagasaki vào 3 ngày sau buộc Thiên hoàng Hirohito của Nhật Bản đầu hàng vô-điều-kiện. Hoa Kỳ được công nhận vai trò siêu cường để giúp tái thiết và hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt trong các quốc gia không-cộng-sản. Song song, Liên Xô nổi bật trong vai trò lãnh đạo phe Cộng sản. Chiến tranh ý thức hệ giữa Tự do và Cộng sản đã thành hình dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Liên Xô với danh xưng Chiến tranh Lạnh.
<!>
Bên cạnh họ có Ấn Độ thành lập “Phong Trào Không-liên-kết” để chống Chiến tranh Lạnh đã có 120 quốc gia tham dự tại Hội nghị năm 1961. Thực tế, Tổ chức này trở thành hữu danh vô thực vì ngay cả các quốc gia hội viên cũng gây chiến tranh, kể cả giữa láng giềng Ấn Độ và Pakistan, Trung Cộng và Việt Cộng. Campuchia và Việt Cộng.

Chiến tranh Lạnh chấm dứt khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 đã tạo ấn tượng về một tương lai tươi sáng của nhân loại: hoà bình, thịnh vượng, hài hoà, không có chiến tranh, chỉ dồn nỗ lực phát triển kinh tế phục vụ nhân sinh.

Hoa Kỳ và Châu Âu, Nhật Bản không còn địch thủ nên suốt 40 năm qua chỉ chú trọng khai thác thị trường 1.4 tỷ miệng ăn ở Trung Cộng mà ít quan tâm tới chủ trương phục thù của Đảng Cộng sản Trung Hoa, dù dưới trào Đặng Tiểu Bình hoặc Tập Cận Bình.

Nhật Bản được cử giữ vai trò tiên phong, tiếp theo Châu Âu và Hoa Kỳ đua nhau đổ tiền, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm tác chiến và nghệ thuật quản trị trên bình diện quốc gia. Từng có hai cựu Thủ tướng Anh Quốc, hai cựu Thủ tướng Pháp, hai cựu Thủ tướng Úc Đại Lợi đích thân đến Bắc Kinh để trực tiếp truyền thụ tận tình mọi kinh nghiệm quản trị đất nước cho giới lãnh tụ cao cấp nhất của Trung Cộng. Mọi tin tức mật trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, đối phó với các cuộc khủng hoảng đã được Bắc Kinh sàng lọc để soạn thảo chính sách quốc phòng, an ninh, kinh tế, ngoại giao với tham vọng vượt Hoa Kỳ vào dịp kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc năm 2049 như tuyên cáo long trọng của Tập Cận Bình.

Dòng tiền đầu tư toàn cầu ồ ạt đổ vào nền văn minh 5,000 năm làm tỉnh giấc mơ tư-bản-hoá của người Hoa. Năm 2021 Trung Cộng xuất cảng 3,400 tỷ Mỹ kim hàng hoá ra thế giới trong đó khoảng 600 tỷ lọt vào Hoa Kỳ mà sao chưa thấy bóng dáng tự do ở Hoa Lục. Công xưởng Thế giới sản xuất 30% sản lượng sản xuất toàn cầu. Ngược lại, kiểu cai trị độc tài ảnh hưởng không ít tới cộng đồng nhân loại, kể cả Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khi lọt vào trường hợp Phe Tả thắng thế.

Do quá kiêu hãnh nên Tây Phương bị sụp bẫy do Trung Cộng giăng ra: (1) Vốn trút vào Hoa Lục khiến cho nông gia Mỹ lao đao. Nông thôn Mỹ chỉ có hơn 3 triệu dân mà từng nuôi 300 triệu dân Mỹ với lương thực dồi dào, còn dư để xuất cảng khi cán bộ Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ vào năm 1982 để học hỏi về nông nghiệp. (2) Các nhà tài phiệt Mỹ đã chuyển giao tài sản trí tuệ cho Trung Cộng làm cho Hoa Kỳ và Châu Âu lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Bắc Kinh. (3) Hoa Kỳ và Châu Âu thi nhau chuyển công nghệ tiên tiến cho Hoa Lục gây ra nạn thất nghiệp và khó khăn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. (4) Suốt 40 năm qua, Trung Cộng chỉ được một giải Nobel Y học về thuốc chống sốt rét được nghiên cứu trong những năm 70.

Nền kinh tế Trung Cộng ít bị xáo trộn do: (1) Hiến pháp quy định toàn bộ đất đai ở Hoa Lục thuộc về toàn dân do nhà nước quản lý. Mỗi năm Chính phủ cho thuê đất để xây nhà có thể thu về hơn 1,500 tỷ đô la Mỹ, hơn 10% tổng sản lượng nội địa. (2) Số nhà xây cất thặng dư do số người đầu tư giảm vì người già tăng trong khi các công ty nợ 160% tổng sản lượng nội địa. (3) Những tiến bộ mà người Hoa tận dụng như tàu cao tốc, e-pay, Internet, 5G, chip bán dẫn, pin mặt trời, điện thoại thông minh không có cái nào được phát minh ở Trung Cộng. (3) Lợi tức bình quân đầu người ở Hoa Lục trong năm 2022 chỉ được 14,000 USD so với 76,000 của Hoa Kỳ. Trung Quốc chưa giàu đã già sẽ thành quả bom nổ chậm.

Giới trẻ ở Hoa Lục mê mẩn lời kêu gọi của Tập Cận Bình: “trẻ hoá toàn diện để tiến tới Giấc mơ Trung Hoa” tương tự như chủ trương của Mao Trạch Đông thúc giục Hồng Vệ Binh.

Trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh đã tiến tới Pax Sinica đang định hình cạnh tranh với Pax Americana trên mọi lĩnh vực. Chính quyền Bắc Kinh kiên trì dạy dân chúng rằng “ngày chúng ta qua mặt Mỹ không xa”.

Bất cứ ai hô hào, thảo luận về tự do, dân chủ, nhân quyền đều gặp nhau trong tù hoặc ở âm phủ. Câu bùa chú “kinh tế phát triển sẽ dẫn tới xã hội tự do” đã rơi lả tả không những ở Trung Cộng mà còn nhiều nơi khác trên quả địa cầu.

Đại gia ở bất cứ xã hội nào cũng độc ác như nhau. Tuy nhiên, dưới các chế độ dân chủ đã bị chế ngự phần nào nhờ Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh. Bản Hiến pháp của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 1789 vẫn được duy trì nhờ vào 27 Tu Chính Án (kể tới năm 2022). Cũng có giai đoạn, Chính quyền Mỹ muốn bao sân, nhưng, vẫn bị cử tri loại bỏ bằng lá phiếu khi cảm thấy Hoa Kỳ đang đi chệch hướng với Hiến pháp.

Suốt 30 năm qua, Trung Cộng không có một phát minh nào mang tính chất lợi ích cho nhân loại, ngoại trừ hành động mô phỏng từ Google, Facebook, Amazon thành Baidu, Tencent và Alibaba. Nhờ mô hình độc tài toàn trị buộc mỗi cá nhân ở Hoa Lục phải tự động sử dụng sản phẩm của các đại công ty Trung Cộng để khỏi rơi vào tầm ngắm của guồng máy độc quyền Bắc Kinh. Các Đại gia ở Hoa Kỳ đang bắt chước cách hành xử độc tài, độc đoán của Trung Cộng khiến cho sinh hoạt của dân chúng bị bóp méo.

Mỗi quyết định của Bắc Kinh là một sắc lệnh phải thi hành triệt để. Một câu nói của lãnh tụ là khuôn vàng, thước ngọc không được hiểu sai và hành động lệch lạc. Cử tri phải đi bầu theo sự chỉ đạo của Chính phủ và chịu sự giám sát của cơ quan an ninh.

Những Thông điệp của Tập Cận Bình không được phát trực tiếp mà phải được mài giũa trước khi công bố tới quốc dân, kể cả các diễn văn đọc trong các lần công du hải ngoại.

Trong vòng 40 năm cho thấy sự thâu tóm tư bản ở Trung Cộng vô cùng mãnh liệt lẫn bất công qua các chỉ số phân biệt giàu/nghèo: 1% người Mỹ sở hữu 35% tổng tài sản xã hội so với 1% người Hoa Lục sở hữu 31%. Tích lũy tư bản ở Mỹ đã hơn 250 năm trong khi ở Trung Cộng mới 40 năm cho thấy Chỉ số Gini (do LHQ đặt ra để chỉ về sự mất cân đối giàu nghèo) ở Hoa Lục là 0.47 còn lớn hơn 0.39 ở Mỹ. Khoảng 600 triệu người Hoa sống dưới 150 USD/tháng.

Công ty Alibaba bóc lột công nhân tới tận xương tuỷ khi khuyến khích họ làm việc theo thời gian 996 (mỗi ngày từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) trong khi Bắc Kinh thường xuyên lên án chế độ bóc lột công nhân trong khối tư bản hiện đại.

Sau 10 năm cai trị của Tập Cận Bình thì thất nghiệp trong lớp trẻ ở Trung Cộng bây giờ đến 20% ở độ tuổi 20-24. Lạm phát phi mã tại các thành phố lớn. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ vào khoảng 5%, thấp nhất trong 40 năm qua. Bắc Kinh nhập cảng đến 60% năng lượng và một lượng lớn lương thực đã nói lên sự không-tối-ưu trong sản xuất. Vào khoảng 10,000 người Trung Quốc giàu có, với khối tài sản khoảng 48 tỷ đô la, đang tìm cách rời khỏi nước này.

Tập Cận Bình áp dụng “chiến dịch hạ phóng=hsia-fang” của Mao Trạch Đông nhằm cưỡng chế hàng chục triệu thanh niên từ các thành phố lớn, đông đúc đến làm việc ở nông thôn có thể đẩy họ chọn cuộc sống mới ở ngoài vòng cương tỏa của Bắc Kinh.

Thể chế Cộng Hoà của Mỹ có khả năng dung hòa mọi bất đồng chính kiến mà dồn nỗ lực sáng tạo khoa học, phát triển kinh tế. Tổng thống Ronald Reagan đã bao vây kinh tế Liên Xô, khuyến khích và giúp đỡ các quốc gia Đông Âu, Trung Âu thực thi quyền tự quyết dân tộc đứng lên lật đổ Chế độ Cộng sản.

Xã hội Chủ nghĩa Tây phương vẫn phải cần Hoa Kỳ gìn giữ an ninh quốc gia kể từ năm 1945. Nhiều lần giới lãnh đạo Châu Âu kêu gọi độc lập, tự chủ, nhưng, chiếc dù che của Hoa Kỳ vẫn tồn tại.

Tập Cận Bình xây dựng một Lực lượng Quân sự lớn nhất trên phương diện quân số: 2.3 triệu chính quy và 800,000 dự bị cùng với 1.5 triệu vũ cảnh được trang thiết bị ngày càng dồi dào cùng 3 hàng không mẫu hạm, chiếc thứ tư đang đóng dùng lực đẩy hạt nhân. Trung Cộng có số lượng chiến hạm nhiều nhất trên thế giới mà vẫn tiếp tục đóng thêm với tham vọng làm chủ các đại dương. Thực tế, Hải quân Trung Cộng khó đương đầu với Hải quân Hoa Kỳ trên các phương diện tiên tiến toàn diện và kinh nghiệm hải chiến quốc tế, nhưng, Hải quân và Tuần dương Trung Cộng thừa sức chế ngự nhiều quốc gia duyên hải khắp thế giới.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin dựa vào khả năng siêu cường quân sự thứ hai sẽ đánh sập chế độ hiện hành ở Ukraine trong vòng vài ngày và tóm cổ Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhằm trám vào một nhà lãnh đạo thân Nga.

Nhưng, sáu tháng trôi qua, Zelenskiy vẫn còn đó để chỉ huy cuộc kháng chiến chống Putin vì độc lập của dân tộc Ukraine. “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”.

Ngoại trừ vũ khí hạt nhân, Putin đã cho phép sử dụng hầu hết các bom đạn tối tân nhất mà Lực lượng Quân sự hàng đầu của Nga vẫn chưa chinh phục được tiểu quốc láng giềng Ukraine. Putin đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Chủ tịch Tập Cận Bình chơi trò láu cá nên chưa khai chiến với Đài Loan khi thấy Putin sa lầy. Những trò “mãi võ Sơn Đông” của Bắc Kinh đã không đe doạ được Đài Loan mà còn giúp cho Cộng đồng Nhân loại đứng về phía chính nghĩa.

Kết luận: (1) Trung Cộng chưa giàu mà dân đã già tạo sức nặng lên nền kinh tế quốc dân. (2) Bắc Kinh sắp hết đất để bán sẽ bôi đen thành quả kinh tế của Tập Cận Bình. (3) Quả bóng địa ốc đang đe dọa sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia. (4) Bình đông, vũ khí khá tối tân mà thiếu chiến lược khả-thắng, thiếu kinh nghiệm tác chiến toàn cầu nên Bắc Kinh sử dụng các chiến thắng nhỏ để khuếch đại sức mạnh quân sự tưởng tượng.

Bắc Kinh luôn luôn “rung cây nhát khỉ” nên không sẵn sàng trong cuộc Đại chiến Thế giới.

Các quốc gia trên Quả Địa Cầu hãy vững tin vào sức mạnh của dân tộc, không sợ kiểu “Ngoại giao Chiến lang” của Trung Cộng mới bảo vệ được biên cương và nòi giống.

Đại-Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét